SU'U TÂ`M 6

Home | CÚ'U TRO*. !!! | CÚ'U TRO*. [tt] | CÚ'U TRO'. 1 | CÚ'U TRO'. 2 | VA(N | VA(N (tt) | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N 11 | VA(N 12 | VA(N 13 | VA(N 14 | VA(N 15 | VA(N 16 | VA(N 17 | VA(N 18 | VA(N 19 | VA(N 20 | VA(N 21 | VA(N 22 | VA(N 23 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | NHA.C & HÌNH A?NH | VA(N VUI | VA(N VUI [tt]

VA(N 17

Trôi Theo Dòng Sông

 

 

Trôi Theo Dòng Sông

(CHÚC CHÂN)

 

 

Tác giả tên thật Hùng Túy Trước, tuổi Giáp Ngọ, cư trú tại Austin, Texas, đã góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ đặc biệt. Giải thưởng Việt Báo năm thứ ba, cùng lúc với giải danh dự, Chúc Chân còn nhận thêm giải "Writing on America" cho bài viết bằng Anh ngữ.

 

*

Bà hai Lựu kéo chéo vạt áo dài nhung màu cặn rượu rồi cẩn thận ngồi xuống bộ ngựa gõ kê trước chiếc tủ thờ cẩn xa cừ cũ kỹ. Bà sắp lại buồng cau tươi hói mới cắt hôm qua sau vườn đang nằm tề chỉnh trên mâm trầu tươi vàng óng người em dâu của bà xây hôm qua. Vợ chồng tư Thanh có phước, con cháu đầy đàn, ruộng vườn thuận mùa, gia đình khá giả, nên bà mượn tay "mợ Tư nó" xây cho mâm trầu, lấy chút phước cho thằng con bà.

 

Dàn ghe bầu neo dưới cầu tàu chong đèn măng-sông sáng. Hai giờ khuya, nước rong lên đầy mặt sông, cơn gió chướng đùa sóng khua vào mạn ghe nghe lõm bõm. Đám thanh niên đang lục đục khuân đồ bưng mâm xuống ghe. Mấy đôi giầy da trân quí chùi láng bóng, bây giờ đang được thả theo từng bước chân cẩn thận trên chiếc cầu ván vắt vẻo bắc qua từ sàng lảng bên mé sông qua ghe. Chú rể trong chiếc áo dài the, đóng khăn, đang đứng ngượng ngạo nhìn đám bạn bưng mâm mới quen hai hôm nay. Mấy người con của cậu tư Thanh và mấy người con của những người bà con mà chàng cũng chẳng rỏ quan hệ với ba má mình ra sao.

 

Chàng rể cũng không hay nói, như e ngại có lẽ vì giọng Việt lơ lớ của mình. Chàng đứng nhìn xuống lớp sóng nước trong bóng đêm nhấp nhô phản chiếu ánh đèn từ trên bờ sông xuống. Đột nhiên chàng thở dài. Tiếng thở dài nhẹ nhõm như đã hoàn thành một trọng trách.

 

Ông tư Thanh đang thúc hối.

- Lẹ lên bây, mình phải nhổ sào đi cho kịp giờ.

- Bác Tư lựa giờ gì mà kỳ cục, hai giờ sáng phải đi rước dâu, bốn giờ sáng phải qua tới đó để đưa dâu về nhà. Bộ đồ vía của tui diện trời còn tối thui có ai mà thấy. 

Đứa cháu tư Thanh cằn nhằn.

 

Trên chiếc cầu ván mợ Út đang nắm chặt bàn tay cậu Út run run bước từng bước như người hát xiệc đang giữ thăng bằng biểu diễn đi trên dây thừng căng trên không. Tội nghiệp dân Việt kiều, ngày xưa học trường Tây trên Sài Gòn rồi qua Mỹ cho tới bây giờ, lần đầu theo chồng về quê ăn đám cưới, có bao giờ mợ thấy chiếc ghe bầu đâu. Lên ghe tròng trành, mợ ngồi khép cứng không dám nhúc nhích như sợ nếu cử động mợ sẽ làm cho chiếc ghe chìm mất.

 

Mấy cô đi họ nhà trai, khoan thai hơn, tay ôm hai vạt áo dài và xách đôi giầy cao gót "sa bô" đen mua ngoài chợ Bạc Liêu, vừa đi lên cầu tàu, vừa cười khúc khích. Trong khoang chiếc ghe bầu đậu sau chiếc ghe "bưng mâm" các cô đang tụm nhau líu lo. Ngọn đèn măng sông treo trên cầu tàu ráng tỏa chút ánh sáng xuống tận ghe. Trong phần ánh sáng hà tiện đó, đứng ở đầu chiếc ghe đang tròng trành, có cô đang giở hộp phấn Coty dậm lại chút má hồng, có cô đang vuốt mascara lên hàng lông nheo cho dài thêm và cong thêm chút nữa. Bây giờ ngoài chợ Bạc Liêu, hàng nhập mỹ phẩm đầy rẫy, có tiền mua không thiếu thứ gì, chỉ chờ mấy đám cưới như đám nầy để tha hồ trang điểm, khoe trương số vốn của mình.

 

Đoàn ghe bầu nhổ sào. Mấy chiếc đèn măng sông được mang lên nhà. Trời tối như mực, đêm ba mươi không trăng. Tiếng máy đuôi tôm nổ xình xịch, rồi đoàn ghe cưới bắt đầu kéo ra khỏi con lạch bắc vô vàm cái Ngang đổ qua sông cái Ngang. Chiếc ghe chở chàng rể và đoàn bưng mâm dẫn đầu. Chàng rể vẫn đứng ở đầu ghe, mặt ngước lên hít mạnh như muốn thu hút bầu không khí thanh tịnh của trời đêm. Chàng như chìm vào một thế giới riêng tư nào đó.

 

Bà tám Đò tóc đã điểm muối tiêu được bới gọn sau sợi khăn ca rô cũ quấn vội lên đầu. Bà đi chân đất, bận chiếc áo bà ba vá trên vai nhưng tương đối sạch sẽ. Bà đang ngồi xổm sau đuôi ghe, cầm lái chiếc máy đuôi tôm. Bà lóng nhóng nhìn về phía bờ sông như để định phương hướng. Hồi lâu như vẫn chưa tìm ra. Bà vạch túi áo móc chiếc điện thoại và bấm số.

 - A lô, thằng Mạnh hả ? Mầy theo xe chạy trên bờ tới đâu rồi sao tao không thấy tông tích gì ?

Trên bờ Mạnh và hai chiếc xe Dream đang chạy dọc con đường mòn ven mé sông.

- Tụi tui ngay trên nầy nè, để tui nhá đèn điện thoại cho chị thấy.

Bà Tám nhìn lên bờ, những vệt ánh sáng xanh xanh nhá xuống như bóng đom đóm.

-  Tao thấy mầy rồi. Để tao nhá lại cho mầy thấy tao.

Bà Tám đưa chiếc điện thoại qua khỏi đầu, chút ánh sáng trên khung LCD nhỏ đánh vòng qua lại trên đầu bà.

- Thấy tao chưa Mạnh ? 

Bà Tám đưa chiếc điện thoại trên tay lên cao. 

- Được rồi tui thấy chị rồi. Thôi cắt nghe. Lát lát chị nhớ giơ phôn lên để tui còn thấy chị. Tui cũng giở phôn lên cho chị thấy tui.

Mợ Út ngồi cứng đơ trên sập trong ghe, nói nhỏ với cậu.

- Sao họ hay quá hả anh, biết xài cell phone LCD làm tín hiệu.

- Anh cũng chịu thua bà tám Đò nầy.

 

Chiếc ghe tròng trành, mớ mận Trung Lương cùng mớ cam sành, mấy trái vú sữa, mua trên chợ hôm qua để đi mâm lăn ra khỏi chiếc giỏ ny-lông phía sau sập ghe, đập vào lưng cậu mợ Út, đập vào lườn ghe. Nhưng chiếc ghe tròng trành làm cả hai ngồi cứng đơ không dám xoay lại đỡ mấy trái cam, trái mận. Thôi kệ, một lát để vô mâm đậy nhiễu đỏ lại có bầm giập cũng không ai thấy.

 

Bà hai Lựu sống ở Mỹ gần hai chục năm rồi. Đám con bà năm đứa con gái lúc mang qua Mỹ bây giờ đã có gia đình và đã theo chồng dọn đi tứ tán hết. Chỉ còn thằng con trai út của bà ở với cha mẹ. Ông Tống chồng bà, tội nghiệp ông số không được hưởng. Mới hưu trí được hai ngày, ông ngã lăn ra chết vì tai biến mạch não.

 

Tính Khoa trầm lặng, hơi cộc và ít nói từ nhỏ. Qua Mỹ lúc mười hai tuổi, Khoa hội nhập cuộc sống mới khá dễ dàng và học xong bằng cử nhân về cơ khí. Là con trai duy nhất trong gia đình, ông Tống, bà hai Lựu và mấy cô chị của Khoa cưng chiều Khoa tối đa. Khoa kính mến cha mẹ và các chị cũng rất nhiều. Khi tốt nghiệp đại học, có công ty ở Boston nhận Khoa vào làm việc nhưng bà Hai Lựu không muốn con đi xa, ngăn cản Khoa.

- Con lên đó làm chi, lạnh lắm. Kệ ở đây từ từ mình kiếm thiếu gì việc.

 

Nhưng bà Lựu có biết đâu, từ từ những việc làm đã bắt đầu vượt biên đổ về các nước Á châu. Sau những lần thấp thỏm chờ đợi những cú phone gọi interview, sau những lần đi interview về không kết quả, Khoa tự trách những khuyết điểm của mình, nhút nhát, thiếu tự tin. Khoa càng lúc càng trầm lặng. Bà Lựu hối hận đã ngăn cản Khoa lúc trước. Nhưng thôi có mẹ có con bên nhau vẫn hơn. Sau khi ông Tống mất bà càng cảm thấy may mắn có Khoa ở bên bà.

 

Có lẽ những lời khấn vái của bà được các cụ phù hộ. Sau hai năm chìm trong trầm cảm Khoa bắt đầu giao kết bạn bè lại và tìm được việc làm, nhưng phải đi nước ngoài thường xuyên. Thôi cũng không sao, có việc làm là tốt lắm.

 

Noel năm đó bà Lựu bảo Khoa. 

- Khoa à, cậu tư Thanh mới nói chuyện với má bữa nay. Cậu gởi lời thăm con. Cậu hỏi con có bạn gái chưa, má nói má không thấy, chắc có mà con chưa nói với má. Mà má hỏi thiệt con, con có ai chưa ?

Khoa nhìn bà Lựu cười nhẹ.

- Má đừng lo chuyện đó. Con biết lo thân co

- Mầy nói không lo sao được ? Má còn có mình mầy.

Tháng giêng năm đó bà Lựu nhắc.

- Khoa à, cậu Tư Thanh mới nói chuyện với má bữa nay. Cậu gởi lời thăm con. Cậu nói cậu muốn làm mai cho con.

Lặng thinh.

- Cậu nói con gái bên quê mình hiếu thảo, biết lễ phép, không đua đòi.

Lặng thinh.

- Con Thịnh cháu nội của bác sáu Trọng, con anh hai Biểu má biết ảnh nhiều lắm. Hồi thổ dậy, bác sáu Trọng cho nhà mình, ông ngoại, bà ngọai với đám chị em má qua ở nhờ lánh nạn mấy tháng. 

- Thổ dậy hồi nào vậy má ?

- Hồi đệ nhị thế chiến đó con.

- Xa lắc xa lơ hả má ?

- Ừ, nhưng một ngày cũng là ơn, con.

Qua tết ta bà Lựu tiếp tục.

- Khoa à, cậu tư Thanh mới nói chuyện với má bữa nay. Cậu gởi lời thăm con. Cậu hỏi con tính sao về con Thịnh. Má nói má có nói cho con nghe, nhưng con chưa tính sao hết.

- Má à chắc cũng hơi phiền.

- Phiền gì ?

- Mẹ chồng nàng dâu lỡ không hạp con làm sao tính ?

- Tưởng chuyện gì. Thì má là mẹ chồng chớ có ai lạ đâu. Má thương con, má thương dâu là lẽ đương nhiên.

Thanh minh đi viếng mộ ông Tống với Khoa bà nhắc.

- Khoa à, cậu tư Thanh mới nói chuyện với má bữa nay. Cậu gởi lời thăm con. Cậu hỏi hai mẹ con có quyết định chưa.

- Quyết định chuyện gì má ?

- Thì chuyện con Thịnh chớ chuyện gì.

- Con có thấy mặt mũi người ta ra sao đâu mà quyết định.

- Khoa à, cậu tư Thanh mới nói chuyện với má bữa nay. Cậu gởi lời thăm con. Cậu hỏi con thấy hình con Thịnh chưa. Má nói rồi, con khen cô Thịnh đẹp lắm. Cậu hỏi vậy thì con tính sao.

Một chút lặng thinh

- Con sợ làm cô Thịnh thất vọng.

- Tưởng gì, con có việc làm, nhà cửa đàng hoàng. Con có đi nước ngoài còn má ở nhà lo gì ? Con Thịnh chịu lấy con, sướng thân chớ thất vọng gì.

 

Tới ngày Motherday thì bà Lựu hết kiên nhẫn.

- Khoa à, cậu tư Thanh mới nói chuyện với má bữa nay. Cậu gởi lời thăm con. Cậu hỏi má tính sao vụ con Thịnh.

Bà hai Lựu kéo tay áo lên chùi đôi mắt đỏ hoe.

- Má nói ăn thua con quyết định, chớ má già rồi có quyết định gì được.

Một chút lặng thinh.

- Má nói cậu Thanh tính sao thì tính. Chừng nào cưới được cho con hay.

 

Đưa dâu về tới Bàu Sàn thì trời hừng sáng. Khoa vẫn đứng trước mũi ghe và Thịnh ngồi nép bên mé sập. Cả hai cùng nhìn về phía chân trời. Mặt trời như cái nia giã gạo đỏ chói bắt đầu nhô lên từ cuối chân trời sau lớp sóng nhấp nhô. Thịnh đưa tay đỡ lại chiếc khăn kim tuyến quấn vòng trên tóc khẽ nói.

- Mặt trời lên đẹp quá.

Khoa gật nhẹ nhưng không quay lại. Chàng muốn tận hưởng khung cảnh thiên nhiên của sóng nước như sẽ không bao giờ chàng có thể tìm lại những giây phút thiêng liêng nầy.

 

Làm lễ lạc xong chưa tới mười giờ khách mời dự tiệc cưới ăn trưa đã đến rần rần. Rồi buổi tiệc quê được dọn lên. Con heo cắt tiết hôm qua đã hóa kiếp thành những món đưa hơi bắt rượu, hay dĩa thịt kho nước dừa béo ngậy bên cạnh dĩa dưa giá và mấy cuốn bì được cắt khoanh ngang. Rồi ly mừng ly chúc, thứ rượu đế và rượu nếp than thơm thơm, uống say khi nào không hay. Bà Lựu tội nghiệp cho Khoa, tới đúng ngọ đã say mềm. Mấy khuy áo cổ đã cởi ra kéo trễ xuống ngực. Câu tư Thanh phải cáo lỗi và đưa Khoa vào nhà, nằm dài trên bộ ngựa gõ. Xế chiều chiếc xe bao vào đón cô dâu, chú rể và bà con về một khách sạn ở Bạc Liêu. Khoa vẫn tiếp tục ngủ say và ngủ suốt luôn đêm hôm đó.

 

Theo dự định Khoa và Thịnh sẽ đi du lịch Viêt nam từ nam ra bắc trước khi Khoa về Mỹ và chờ thủ tục xong Thịnh sẽ sang. Nhưng giờ chót Khoa bảo công ty có việc khẩn ở Mã Lai, nên Khoa phải bỏ dự định. Sau ngày đám cưới Khoa phải trở lên Sài Gòn ngay để đáp chuyến bay qua Kuala Lumpur. Hai tuần sau Khoa về Mỹ.

 

Bà Lựu ở lại Bạc Liêu với Thịnh ít hôm lo thủ tục giấy tờ cho xong rồi cùng Thịnh trở về Bàu Sàn. Hai mẹ con hủ hỉ trong ngôi nhà hương hỏa. Ông sáu Trọng ông nội của Thịnh đã mất. Căn nhà bây giờ do ông hai Biểu, ba của Thịnh thừa kế và lo việc hương hỏa.

 

Mặc dù sanh ra và lớn lên trong quê nhưng Thịnh được cha mẹ cho ra Bạc Liêu và học hết trung học, nên Thịnh không quê mùa. Thịnh có phụ giúp cha mẹ những ngày mùa gặt, lo trông coi đem lúa từ ruộng về lẫm chờ vựa trên Bạc Liêu tới cân đong. Làn da của nàng hơi rạm nắng nhưng vẫn nịn màng. Đôi mắt hiền hòa mở sáng trên nụ cười tươi tắn.

 

Tự nhiên mối tình mẹ con của bà Lựu với Thịnh thắt nối ngay. Bà Lựu thương Thịnh. Nỗi trìu mến như đã ràng buộc trong bà với Thịnh từ kiếp trước. Ngày bà Lựu trở về Mỹ, Thịnh và ba má nàng theo lên Sài gòn đưa bà ra tận phi trường Tân sơn Nhứt. Bà Lựu dăn dò.

- Qua bên đó má sẽ biểu thằng Khoa đi tìm luật sư ngay để lo cho con qua sớm.

- Dạ.

- Con đừng lo ở Mỹ có đủ thứ hết không thiếu thứ gì đâu. 

- Dạ.

- Quần áo con đừng sắm ở đây qua đó bận không hạp đâu. Chừng con qua má sẽ nhờ mợ Út đưa con đi sắm sửa cho theo kịp với người ta.

 - Dạ.

 

Mấy tháng sau Thịnh gọi sang Mỹ, lúc đó Khoa đang ở Thái Lan lo chuyện công ty. Thịnh báo cho bà Lựu hay nàng được cấp chiếu khán và đã mua xong giấy máy bay hai tuần sau tới Mỹ.

- Con đừng lo, má với cậu mợ Út ra đón con, nếu thằng Khoa về không kịp. Mà nhớ đừng mua sắm gì nhiều bên đó qua đây bỏ uổng lắm.

- Dạ.

 

Khoa về Mỹ kịp để ra đón Thịnh ở phi trường. Cầm bó hoa bà Lựu mua sẵn, Khoa đi đón vợ. Thịnh đang ngơ ngác bước xuống chiếc thang cuốn đi ra ngoài cổng an ninh trong hành lang phi trường, chợt thấy Khoa và bà Lựu nàng mừng rỡ nhưng hơi e thẹn. Khoa tiến về phía nàng. Bà Lựu đứng yên chờ. Khoa bỡ ngỡ giây lát trao bó hoa cho Thịnh, và hôn nhẹ lên trán Thịnh. Bà Lựu nhìn con sung sướng. Thịnh theo Khoa tiến về phía bà Lựu.

- Thưa má.

- Ờ con ngồi máy bay mệt không, coi bộ con khờ khạc, chắc không ngủ được chớ gì ?

- Dạ thưa má con mừng và nôn quá nên không ngủ được. Vả lại lần đầu con được đi máy bay mà đi xa như vậy.

- Thôi con đi với thằng Khoa ra coi hành lý lấy về. Mà má có dặn con rồi, đứng đem gì nhiều qua, mình đi mua ở đây dễ hơn.

- Dạ thưa má, con có nghe lời má dặn, chỉ mang theo một vali thôi vài món đồ dùng của con và chút quà má con gởi qua cho má và bà con.

- Chèn ơi, còn quà cáp gì cho tốn kém. Đường sá xa xôi, chị hai bển thiệt là khách sáo.

 

Rước vợ về nhà hôm sau Khoa phải đi ngay, công ty cần làm cho xong một chương trình cho quốc phòng, không thể trì hoãn được. Còn Thịnh bị "jet lag", ngày đêm ngủ thức vẫn còn xáo trộn, nên vắng mặt Khoa cũng không làm nàng ưu phiền. Ba tuần sau, xong công việc Khoa về nhà và cuộc sống trong gia đình bà Lựu trở lại bình thường. Thịnh đã quen với giờ giấc mới. Bây giờ có thêm Thịnh, căn nhà ấm cúng ra.

- Thịnh à, má tính vậy, thằng Khoa nó đi làm một mình nó, mình dư xài rồi. Con ở nhà với má, khỏi đi ra ngoài tìm công ăn việc làm, mai mốt có con, ở nhà trông con. 

- Dạ thưa má, con ở quê có biết đi làm gì đâu. 

- Thằng Khoa đi hoài, má ở nhà một mình đơn chiếc. Bây giờ có con ở nhà hủ hỉ với má, má mừng lắm.

- Dạ thưa má, má với anh Khoa tính sao cũng tốt cho con hết.

 

Thế rồi bà Lựu và Thịnh sống rất đầm ấm, thuận thảo yêu thương như mẹ con ruột thịt.

 

Bà Lựu có vun một mảnh đất sau nhà trồng chút rau thơm, hành ngò cho vui. Bây giờ có Thịnh mảnh vườn nhỏ bành trướng. Hàng ngày Thịnh cần mẫn cày sới lớp đất đen, vun tưới liếp rau xanh. Đất và nước là thứ tặng phẩm thiên nhiên nhiệm mầu. Với Thịnh, mùi đất, mùi nước, mùi lá quyện nhau thành một thứ hương thơm gần gũi, đơn sơ. Thứ hương trời đất đã thắm sâu vào da thịt Thịnh bao nhiêu năm qua.

 

Trên một liếp đất đen được Thịnh cuốc sới nhuyễn, người ta thấy dây dưa leo bò xanh tươi trên dàn nọc Thịnh dựng. Thịnh cột những cây trúc khô thành những cái nọc chẽ ba chân, phía chân rộng khoảng năm tấc và chụm lại bên trên, dựng cách nhau khoảng một sải tay. Mớ lá lốt bà Lựu xin của cụ Lễ trên chùa cũng nhờ Thịnh đang vươn lên những chiếc lá xanh mướt. Giàn mướp hương dựng bên hàng rào mắt cáo phía giáp ranh sân nhà ông Alen đang mang những bông mướp vàng tươi. Vài trái mướp đã đậu và hứa hẹn những quả mướp non to mọng.

 

Kế nhà bà Lựu là nhà của ông Alen. Ông khoảng bốn mươi hay năm mươi tuổi cũng nên. Thịnh không rõ. Thịnh không đoán được tuổi của người Mỹ ở đây. Bà Lựu nói không thấy ai khác ở nhà ông. Sáng sớm bà thường thấy ông khoác chiếc áo choàng, kéo đôi dép lẹp kẹp ra nhặt tờ báo nằm trên sân. Những ngày trời mát ông ngồi sau hiên nhà tay cầm tách cà phê, tay cầm tờ báo đọc. Gần tám giờ sáng ông lái xe đi làm. Khoa nói ông làm sở cảnh sát, nhưng không thấy ông bận đồng phục, nên bà Lựu đoán ông làm cảnh sát chìm. 

- Lính kín. 

Bà Lựu bảo Thịnh.

 

Khoa nói ông Alen có vợ có con nhưng họ bị chết vì tai nạn. Năm đó sau một trận mưa đầu mùa, mặt lộ ướt trơn, vợ ông lái xe chở con đi học ra, thắng trước bảng stop, nhưng chiếc xe bị tuột đâm vào xe hàng đang chạy ngang. Ông Alen buồn bỏ việc trở về thành phố nầy nơi ông sinh trưởng.

 

Bà Lựu hay chắc lưỡi. 

- Không đâu hơn quê hương mình. Với người Mỹ cũng vậy.

 

Khoa như bóng ma, khi về khi đi công việc hãng bất chợt ít khi được báo trước. Bà Lựu mừng có Thịnh ở nhà. Thịnh nhát quá thôi ở nhà với bà cũng tốt. Đi làm cạnh tranh xô bồ có tốt gì đâu. Khoa có đưa Thịnh đi học lái xe và mua cho Thịnh một chiếc xe cũ nhưng còn tốt, một đời chủ chạy ít thôi nên còn mới tinh. Có Thịnh bà Lựu khỏi gọi nhờ người quen chở bà đi chợ hay lên chùa.

 

Hôm đó Thịnh đang trên đường lái xe lên chùa đón bà về. Trời mưa lâm râm, đường phố khá đông xe. Chiếc đèn đường chuyển xanh sang vàng, Thịnh đạp thắng xe chậm lại chợt đánh ầm, chiếc xe sau Thịnh tông mạnh vào xe Thịnh làm xe Thịnh văng tới trước, quay vòng và đập vào một gốc cây. Chiếc bọc an toàn mở bung ra đập vào mặt Thịnh. Khi chiếc xe ngừng lại hoàn toàn, phản ứng tự nhiên, Thịnh mở cửa và may quá cánh cửa mở được, Thịnh thoát ra khỏi xe. Thịnh điếng hồn. Thịnh đi vào bên lề đường mà không biết những gì đang xẩy ra. Một dọc năm sáu chiếc xe đụng nhau.

Khi xe cảnh sát và cứu thương tới, họ lo cấp cứu những chiếc xe bị đụng nặng. Nhiều người bị thương khá nặng. Có xe người bị kẹt trong xe, người ta phải cưa cánh cửa mới đưa ra được. Họ không có thì giờ để ý đến Thịnh đang đứng lặng thinh bên lề đường.

Chợt có người đàn ông, người Mỹ, chạy nhanh đến Thịnh.

- Tin ! Are you alright ? (Thịnh ! Cô tốt cả chứ ?)

- Tin ! Tin ! (Thịnh ! Thịnh !)

 

Thịnh đứng ngơ ngác, run rẩy. Thịnh không biết chuyện gì đang xảy ra. Mưa vẫn tiếp tục lâm râm đổ xuống. Thịnh bị ướt lạnh nhưng vẫn không hay biết, đứng như kẻ mất hồn.

- Tin, are you alright ? Are you alright ? (Thịnh, cô tốt cả chứ ? Cô tốt cả chứ ?)

Người đàn ông lắc nhẹ vai Thịnh. Ông Alen, người lối xóm của Thịnh. Thịnh ngơ ngác nhìn ông Alen và như chợt nhận ra được nét mặt quen thuộc của ông, Thịnh òa lên khóc. Thịnh khóc sướt mướt. Thịnh khóc ngon lành.

- It's alright, Tin. It's alright. (Tốt cả, Thịnh. Tốt cả.)

- Do you get hurt ?  (Cô có bị đau đâu không ?)

Thịnh lắc đầu nhưng vẫn còn khóc sướt mướt trên vai ông và ông để yên cho Thịnh khóc. Ông Alen đưa thẻ cảnh sát cho bạn đồng nghiệp xem. 

- She lives next to my house. She can't not speak English well. She seems to be alright, not critical beside some bruises. I will take her to the hospital to check her out and will send her home if all are well. (Cô ấy ở kế bên nhà tôi. Cô nói tiếng Anh không khá lắm. Thấy không sao, không có gì nặng, chỉ bầm vài chỗ thôi. Để tôi chở cổ vô nhà thương khám. Nếu không có gì tôi sẽ đưa cổ về nhà).

 

Thịnh chỉ bị vài vết cắt sơ sài, nhưng bị điếng hồn khá lâu. Có lẽ cũng khoảng một tuần sau Thịnh mới hoàn hồn. Khoa không có ở nhà. Ông Alen khá tốt mấy hôm đầu chịu khó qua nhà thăm hỏi Thịnh. Bà Lựu cám ơn ông Alen rối rít.

- Thanh kiêu ve ri mốt. Du heo pờ mai đo tờ. (Thank you very much. You helped my daughter.)

Bà xít xoa bảo Thịnh.

- Ông đó tốt quá. Giúp đỡ con tận tâm. Thiệt ơn không biết báo sao cho hết.

Như để báo ơn tượng trưng, Bà Lựu thường hay làm chả giò, xào cơm rang bảo Thịnh mang sang cho ông Alen.

- Người Mỹ thích chả giò với cơm rang lắm. Má làm cho thằng Khoa đem lên sở hoài.

 

Một hôm ông Alen gõ cửa nhà bà Lựu. Ông Alen bảo cứ ăn đồ bà Lựu mang qua cho, ông không có gì cho lại, nên mời gia đình bà Lựu đi ăn. Qua số vốn tiếng Anh chắt mót của bà Lựu và của Thịnh, hai mẹ con nhận lời mời đi ăn của ông Alen. Khoa không có ở nhà, nhưng bà Lựu nhận lời mời, người ta tử tế quá đã giúp mình.

 

Từ đó hai nhà lối xóm trở nên gần gũi hơn. Bức hàng rào mắt cáo sau nhà được mở một ngách nhỏ để bà Lựu qua hái mấy trái mướp thòng qua nhà ông Alen. Tội nghiệp, ông Alen cũng dễ, bà Lựu hỏi ông cho mở ngách rào, ông chịu ngay. Thỉnh thoảng bà Lựu bảo Thịnh qua nhờ ông Alen sửa giùm vài thứ trong nhà, như thay giùm chiếc cầu chì khi điện nhà bị mất. Cửa nhà đơn chiếc có người giúp đỡ thật quí vô cùng. Khoa bây giờ vắng nhà thường xuyên hơn. Những chương trình trong hãng gấp rút quá. Thôi thời buổi nầy lay off lung tung, Khoa ráng cày cực chút để giữ việc.

 

Sau đó ông Alen tiếp tục mời hai mẹ con đi ăn, nhưng bà Lựu bảo Thịnh.

- Thôi con đi thế má. Má ăn đồ Mỹ không được, bỏ uổng tiền.

 

Năm đó qua lễ Tạ Ơn ông Alen dọn nhà. Ông qua từ giã bà Lựu. Ông cho hay ông đổi qua Iraq làm việc. Nhà ông sẽ cho mướn. Ông nhờ bà Lựu để ý trông coi giùm. Ông hứa ông sẽ gởi bà post card từ Iraq.

Khoa nói cho bà Lựu và Thịnh sau đó.

- Ông Alen làm CIA đó, qua Iraq coi chuyện tình báo.

 

Bà Lựu bây giờ trông có cháu bồng rỏi mắt. Bà lên chùa cầu nguyện Phật Di Lặc (Ông Phật Di Lặc có đám trẻ nít đeo quanh đó ! Bà giải thích cho Thịnh). Bà cầu Phật Di Lặc ban phước cho vợ chồng Khoa và Thịnh sớm có con để cho bà có cháu đích tôn bồng. Bà kiếm hình poster trẻ nít mua treo đầy cả nhà. Như đáp ứng lòng cầu nguyện tận tình của bà Lựu, Thịnh cấn thai. Bà mừng quá gọi điện thoại qua Mã Lai cho Khoa hay, lúc đó Khoa đang đi công tác ở đó. Bà gọi về báo cho sui gia bà, vợ chồng ông hai Biếu ba má của Thịnh ở Việt Nam hay. Bà gọi cho vợ chồng cậu tư Thanh hay luôn.

 

Thịnh sanh được đứa con gái. Hôm đó cũng may, Khoa không có đi công tác nên đưa Thịnh và bà Lựu lên nhà thương. Thịnh chuyển bụng cũng nhanh. Khoa nhát nên không dám vào phòng sanh của vợ

- Con sợ máu me quá. Má vô giùm con nghe.

- Ừ ! Con vô làm chi ? Bên mình sanh đẻ chuyện đàn bà. Đàn ông vô làm chi.

Bà Lựu bồng đứa bé trên tay.

- Con gái bảy pound, khóc to dữ hông. Coi dễ thương quá trời ! Nè con bồng nó một chút coi.

Khoa ái ngại.

- Thôi má, nhỏ quá bồng lỡ rớt làm sao ?

 

Bà Lưu đặt tên cháu An Lành. Thịnh thích tên Jeni, nên Khoa đặt tên con Jenni An Lành.

Cháu Lành càng lớn càng dễ thương. Cháu có đôi mắt to. Mái tóc hồi mới sanh hoe hoe đỏ, dần dần chuyển sang đen nhánh, trông như hình mấy đúa trẻ trong poster bà Lựu treo ở nhà. Bà Lựu thường hay khoe với Mợ Út.

- Nhờ chị treo mấy tấm hình con nít Mỹ nầy cho con dâu chị nhìn hàng ngày nên nó sanh được cháu đẹp như tiên cho chị.

 

Khoa bây giờ đi công tác và vắng nhà thường xuyên hơn. Nhưng có thêm một đứa bé nhà bà Lựu xôn xao vui hẳn ra. Thịnh lo chăn sóc con, lo cho bà Thịnh và trông đám rẫy sau nhà, không xao lãng.

Bây giờ bé An Lành đã hơn hai tuổi. Cháu rất thông minh, bà Lựu dạy cháu hát vè, chỉ hai hôm thôi cháu đã đọc ran cả nhà.

 

Ông trẳng ông trăng,

Xuống chơi với tôi.

Có bè có bạn,

Có chén cơm xôi,

Có nồi cơm nếp,

Có nẹp bánh chưng,

Có lưng hũ rượu !

 

Một hôm bà Lựu đang ngồi hát vè với cháu lúc Thịnh bận vun tưới khu vườn sau nhà, điện thoại reo. Ở đầu dây một giọng nói tiếng Việt trong trẻo.

- Dạ thưa có phải nhà của bà Thịnh không ?

- Dạ Phải, thưa cô là ai tìm con tôi có chuyện gì không?

Bà Lựu cẩn thận trả lời.

- Da thưa chúng tôi văn phòng luật sư Thu Nhi Nguyễn. Chúng tôi cần nói chuyện với bà Thịnh.

- Cô chờ một chút.

Thịnh đang ở sau vườn. Bà Lựu gọi Thịnh vào.

- Thịnh ơi văn phòng luật sư Thu Nhi điện thoại kiếm con.

 - Có chuyện gì vậy má ?

 Thịnh hơi lo. Bà Lựu trấn an.

 - Chắc không có chuyện gì hệ trọng đâu con. Có thể giấy tờ nhầm lẫn gì đó.

 Thịnh bắt điện thoại.

 - Dạ tôi là Thịnh.

 Thịnh đáp ngập ngừng.

 - Dạ, Jeni là con tôi.

 - Dạ được sáng thứ năm mười giờ tôi tới được. Có má tôi cùng đến có được không cô ?

 - Vậy thì tốt, tôi sẽ tới sáng thứ năm. Chào cô.

 Bà Lựu hỏi.

 - Có chuyện gì vậy Thịnh ?

 - Dạ con cũng không biết. Họ nói có giấy tờ gì đó liên hệ đến cháu Lành, cần phải nói trước mặt con.

 Bà Lựu trấn an Thịnh.

 - Thằng Khoa không có ở nhà nhưng có má, nếu có gì rắc rối má gọi cậu Út.

 

Sáng thứ năm bà Lựu cùng Thịnh và bé Lành đến Văn phòng luật sư Thu Nhi. Văn phòng ở gần down town nhưng nhờ có chỉ dẫn và có chỗ đậu xe trong ga ra, nên Thịnh tìm tới không khó gì. Sau khi ngồi chờ ở phòng khách chốc lát, cô thơ ký mời cả ba vào.

 

Luật sư Thu Nhi trông trẻ nhưng hiểu biết. Bà Lựu có nghe tên bà và có gặp chồng bà trên chùa một lần. Bà Thu Nhi trông trẻ hơn chồng nhiều. Trên bàn làm việc của bà hơi bừa bộn. Vài xấp hồ sơ đang mở ra.

- Bà đây là bà Thịnh ?

- Dạ tôi là Thịnh.

Quay sang bà Lựu, bà Thu Nhi tiếp tục hỏi.

- Còn bà đây quan hệ gì với bà ?

- Thưa đây là má tôi.

Vẫn với sắc mặt nghiêm túc, bà Thu Nhi tiếp tục.

- Còn cháu nầy là Jeni ?

- Dạ phải. Cháu chưa đi học. Ở nhà chúng tôi gọi cháu là Lành, nên cháu chưa quen tên Jeni.

Bà Thu Nhi vào vấn đề ngay. 

- Văn phòng chúng tôi được liên lạc về một vấn đề liên quan đến ông Alen Cunningham. Ông Cunningham không may bị tử trận ở Iraq.

Bà Lựu sửng sốt.

- Trời, tội nghiệp ông quá !

Bà Thu Nhi không thay đổi giọng nói.

- Theo thủ tục chính phủ, ông Cunningham có để lại hồ sơ cá nhân của ông.

Bà Thu Nhi ngừng giây lát, nhìn hai mẹ con bà Lựu và Thịnh đưa tay lau nước mắt. Bà Thu Nhi tiếp tục.

- Theo giấy tờ của ông Cunningham, tất cả số tiền tử tuất của ông để lại hoàn toàn cho cháu Pham Jeni An Lanh và người mẹ ruột của cháu ông chỉ biết tên Thịnh ở tại địa chỉ nầy .. Theo pháp định, cháu Jeni .., à cháu Lành sẽ được chính phủ nuôi dưỡng và trợ cấp cho đến khi cháu tốt nghiệp đại học.

Bà Thu Nhi ngước mặt lên.

- Bởi vì ông Cunningham nhận Jeni là con mình. 

Bà Thu Nhi quay sang Thịnh.

- Bà có điều gì thắc mắc không ?

Cả hai mẹ con bà Lựu và Thịnh chợt òa khóc. Bà Lựu xoay qua bà Thu Nhi.

- Nếu không phiền, xin bà luật sư cho mẹ con tôi nói chuyện riêng một chút có được không ?

Bà Thu Nhi đáp.

- Không sao, bà cứ tự nhiên. Khi nào xong bà cho tôi biết.

Bà Thu Nhi đi ra ngoài khép kín cánh cửa lại sau lưng. Thịnh lặng lẽ nhìn bà Lựu. Bà Lựu rút tấm klenex trên bàn lau nước mắt. Chợt Bà Lựu và Thịnh thốt cùng một lúc.

- Thưa má con có lỗi ..

- Con tha lỗi cho má ..

 

Trong giây phút bàng hoàng, bà Lựu chậm rãi cúi xuống kéo cái xách tay của bà. 

Cái xách tay to tướng bà thường dùng để xách các thứ lỉnh kỉnh, cái kiếng lão bà mang theo để đọc kinh trên chùa. Chai dầu gió hiệu con sư tử bà thường hay nói với Thịnh, "Dầu gió hiệu con sư tử không hôi mà còn nó mùi khuynh diệp trộn với chút hương bạc hà và hương trầm thơm ấm, má thích", và Thịnh cũng thích mùi đầu nầy. Một lọ thuốc nhức đầu bà Lựu biết Thịnh khi có tháng đưa bà đi đây đi đó thường hay hỏi. Sau nầy khi có Lành, bà còn mang theo cho cháu đôi khi bịch kẹo "gummy bear" hay bịch "bánh tây" hiệu Lu mà Khoa thỉnh thoảng nói đùa, "Giống tên má ở Mỹ !"

 

Bà Lựu lôi ra từ chiếc xách tay, một bó thơ cột lại bằng sợi thun đen. Trên những chiếc phong bì còn nguyên niêm chưa cắt, hàng chữ viết tay, nét cứng cáp gởi cho bà Lựu là người nhận, và người gởi Alen Cunningham, US Army, Divison .. 

- Má đâu có biết đọc tiếng Anh, nên thôi mở làm chi. 

Bà Lựu buồn buồn nói.

- Ông Alen giữ đúng lời hứa. Qua Iraq ông có gởi postcard về cho má.

Bà Lựu lục trong bó thư, móc ra một postcard, hình chụp ngôi đền Iraq với màu sắc tươi tắn.

- Khi có địa chỉ của ông, má gởi ông hình má con mình chụp hồi Noel năm đó qua. Sau đó má nhận được một bức thơ của ông gởi cho má, chắc hồi đáp khi nhận hình má gởi. Má đâu biết đọc thôi xé thơ ra làm gì. 

Bà Lựu tiếp tục kể.

- Sau đó ông với má bên gởi hình bên gởi thơ qua lại. Má gởi hình chụp lúc con có mang bụng lớn. Sau khi con sanh má gởi hình cháu An lành, má có viết tên cháu sau lưng hình và hơn hai năm nay má tiếp tục gởi hình An Lành. Ông Alen vẫn tiếp tục gởi thơ cho má.

Thịnh khóc rấm rứt. 

- Con tha lỗi cho má. Má tưởng cưới được con, thằng Khoa thôi không qua lại với đám bạn trai của nó. Nhưng má đã lầm, phái tánh của con người trời cho, không đổi được.

Thịnh nắm chặt tay bà Lựu.

- Thôi mẹ con bà cháu mình đi về, má !

 

 

CHÚC CHÂN

(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)


website counter