Cây Cầu Bắc Qua 2 Thế Hệ
(IRIS ĐINH)
Iris Đinh là tác giả đã nhận
Giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước
Mỹ, 2003 với bài viết "Cái Chăn Mỹ
và Con Gái Họ Đinh", thể hiện nhiều
thao thức của người phụ nữ Việt sống
qua thời di cư, chiến tranh, di tản rồi
thành bà bầu ở trại tị nạn
và thành bà mẹ nuôi con trên đất
Mỹ. Bà tự sơ lược tiểu sử bằng
vài nét chấm phá "... còn con gái
tên là cái Nụ, qua Mỹ thấy người
ta kêu là chị Nữ, khi vô quốc tịch
thì đổi tên là Iris. Định
cư tại San Jose
đã hơn 20 năm." Và sau
đây là bài viết mới nhất của
bà.
*
Khi thằng bé con chủ nhân chạy bay ra
ôm chầm lấy nó và hai con chó nhỏ
bạn đồng hành sủa um lên những tiếng
vui mừng "gâu gâu" đôi mắt hiền
từ của nó sáng lên. Con chó già
khá cao lớn, lông hơi dài, màu
vàng nâu nâu như mật ong này trông rất
giống con chó Vàng của tôi khi xưa. Một
chân trước nó bị què, do tai nạn xảy
ra khi đi lạc, bước đi khập khiễng rất
khó khăn. Chắc nó bị đau nhiều
và đã đói lắm, nhưng vẫn đứng
yên với đôi mắt long lanh hạnh phúc
chờ thằng bé vuốt ve hôn hít và
láu táu từng tràng bày tỏ nỗi nhớ
thương lo lắng.
Xem tới đoạn kết vui vẻ và cảm
động của cuốn phim "Going Home" của Walt
Disney, tôi không cầm được nước mắt,
nước mắt vui mừng và nước mắt ngậm
ngùi. Vui mừng cho sự đoàn tụ và ngậm
ngùi cho những kỷ niệm năm xưa.
Đám con nít chung quanh tôi còn
đang say sưa với dư âm của cuốn video,
ngồi im nghe nốt bản nhạc kết thúc.
Tôi đứng lên chuẩn bị đi về
vì đã hết giờ làm của tôi,
và bọn trẻ cũng đã có cha mẹ
chờ đón ngoài cửa.
Đầu năm 2004, tôi thực tập ở
nhà giữ trẻ này như một người
phụ giáo để lấy credit cho chương
trình học về công tác xã hội. Mỗi
ngày 4 tiếng cho một công việc rất dễ
và rất vui. Dạy học và cho ăn uống
đã có các cô giáo lo. Khi tụi nhỏ
gây lộn thì đã có cô giáo
và cô hiệu trưởng can thiệp. Tôi chỉ
cần chơi với đám trẻ từ 5 tới 11
tuổi. Khi thì chơi các trò chơi trong
nhà, khi thì vẽ vời, tô màu tranh ảnh,
có khi lại chơi cầu tuột, chơi
đá banh ở ngoài sân. Khi tôi còn trẻ
đi trường tiểu học, làm gì có
được những phương tiện để
bày vẽ đủ thứ như những trường
tiểu học ở Mỹ này. Bốn đứa con
của tôi đã lớn hết, sau bao năm sanh
đẻ, nuôi nấng cực khổ, và phải
bỏ học nửa chừng để kiếm cơm
áo cho bầy con, tôi trở lại trường, học
một cái nghề mới để dưỡng
già hay để tìm lại sự bình an cho
tâm hồn. Cứ nghĩ tới phải chăm
sóc con nít là tôi thấy ớn lạnh.
Trời xui đất khiến, giấy tờ ở trường
học lộn xộn nên tôi lại được
gửi tới đây để thực tập với
đám con nít Mỹ lau nhau này, thay vì
làm việc với người già như tôi
đã chọn trước.
Không ngờ chơi với con nít vui gì
đâu, nhất là con của người
khác, không giống như nuôi bầy con ở
nhà của mình. Vừa vui lại vừa thảnh
thơi, cứ hết giờ là tôi có quyền
thong thả ra về chẳng cần nghĩ ngợi
gì cả. Bầy trẻ chộn rộn cả
ngày. Chiều đến, tụi nó mỏi mệt
và đói bụng thì đã có cha mẹ
chúng nó rước về. Trường ốc lộn
xộn dơ bẩn thì chút nữa có người
lao công tới quét dọn. Hôm nay thì lại
khác, câu truyện và những hình ảnh
trong cuốn phim tôi vừa xem với tụi nhỏ
theo tôi ra xe và về đến tận nhà, quấy
nhiễu tâm hồn tôi, khơi lại bao nhiêu
kỷ niệm thời thơ ấu của riêng
tôi và thời gian nuôi một bầy con nhỏ
với muôn vàn khó khăn, cả vật chất
lẫn tinh thần.
Vợ chồng tôi tới Mỹ với một
vài bộ đồ cũ, mỗi đứa một
đôi dép rẻ tiền, và không có
cả chiếc áo ấm để mặc trên
người. Con cái thì đẻ năm một,
nên mặc dù tiếng Tây tiếng Mỹ
ú a ú ớ, vẫn phải lăn lộn đi
làm ăn buôn bán để sống. Ngoại
trừ đứa con út sanh sau này, ba đứa
con lớn của tôi thiếu thốn đủ thứ
so với các bạn bè nó ở trong trường.
Bố mẹ thì đi làm tối
ngày, ít khi được đưa đi
chơi, nên chúng rất muốn được
nuôi một vài thứ súc vật gì
đó trong nhà cho vui. Thằng con thứ hai,
Bé, rất thích có được một con
chó. Nó nằn nì:
- Con nuôi được, má đừng lo.
Con sẽ dạy nó giữ sạch sẽ không ị
bậy đâu.
- Má còn không có thì giờ lo
cho con người thì giờ đâu mà lo cho
con chó nữa ? Không
chăm sóc được tử tế để cho
nó chết tội lắm.
-Mình chỉ cần mua cho nó một bịch
đồ ăn ngoài chợ là
nó ăn cả tuần lễ rồi.
-Má tưởng nó ăn cơm nguội chứ ? Lại còn phải
đi chợ cho chó nữa à.
Con bé An rất sợ chó vì lúc
nó còn nhỏ nó bị con chó to tổ bố,
đen thui của nhà hàng xóm chồm lên
người nó một lần. Bé An
bị thất kinh và từ đó hễ thấy
chó là nó tái xám mặt mày
và run lên như cầy sấy. Nó thêm
vào:
- Mình còn phải cho nó đi bác sĩ
nữa đó má.
- Mình còn chưa mua được bảo
hiểm cho gia đình thì tiền đâu
mà trả cho bác sĩ chữa bệnh cho con
chó. Ở đây chuột chẳng
có, kẻ trộm thì có đứa nào
nó thèm dòm vào cái nhà trống
hoác trống huơ của mình đâu mà
phải chó với mèo.
Thằng Bé mặt mày tiu nghỉu. Nó
biết nó có nói gì thì má
nó cũng có trăm ngàn lý do để
từ chối cho nó nuôi một con chó.
Có bữa nó lại hỏi xin nuôi một
con trăn trong nhà vì có
đứa bạn nuôi con trăn bị bố mẹ
nó bắt cho con trăn đi vì hàng xóm
thưa kiện.
-Bé ơi, con chó đã phiền
toái rồi, nhưng chẳng thà nuôi một
con chó chứ bộ con muốn hàng xóm kiện
hay sao mà lại đòi nuôi con trăn
?
Chó không xong, trăn cũng
không được, nhưng sau đó chúng cũng
lần mò kiếm được trước sau
vài ba con thỏ, một con rùa, vài con chim
và mấy con cá vàng. Má
nó nói y như thầy bói. Chỉ sau mấy
bữa đưa về nhà, tíu tít hớn hở
như ngày hội được một lúc, tụi
nhỏ lại bỏ bê, quên không cho ăn cho uống
là chim, cá, thỏ, mèo gì cũng chết
hết. Má nó lại phải dọn dẹp
và mang xác mấy con vật đi chôn.
Khi thằng Bé đã gần 20 tuổi,
nó đã có bạn gái và rất
ít khi nói những chuyện riêng tư với
mẹ. Khi còn nhỏ nó đã
ít nói, bây giờ càng ít nói
hơn. Sau khi đi học về là tối
ngày trong phòng. Nó xin được một mớ
5, 7 con chuột bạch, đẹp như những cục
bông gòn trắng tinh với hai con mắt long lanh
đen như những hạt nhãn. Thằng Bé
ngoài giờ học, nói chuyện qua điện
thoại với bạn gái, và chơi Hockey ra,
nó cặm cụi với đám chuột bạch
suốt ngày. Những con chuột nhỏ xíu
nhưng rất tình cảm. Nó biết ai là
người thân, ai là khách lạ. Mỗi khi
thằng Bé đi đâu về, mấy con chuột
bạch chạy tới chạy lui kêu lên
"chít chít" và có con dí đầu
sát vào những chấn song nhỏ chờ
được vuốt ve hay cho thêm đồ ăn
nước uống. Khi có người khác tới,
đám chuột tạm ngưng chơi đánh
vòng và giương mắt cẩn thận quan
sát ngó kẻ lạ.
Lũ chuột mau lớn. Tụi nó nở ra
đầy chuồng và nước thải của
nó rất hôi hám. Thằng Bé phải mua
mấy thứ giống như mạt cưa lót
cái chuồng con và thay đổi mỗi
ngày. Nó cũng biết nghe lời người bạn
đã cho nó chuột, tách riêng những
con đực và con cái, để chúng khỏi
sinh đẻ ra đầy chuồng. Tuy vậy, vài
tháng sau, một bầy chuột con kêu
"chít chít" đánh thức thằng
Bé dậy mỗi buổi sáng. Có khi mấy
con chuột cạy được cửa bò ra trốn
dưới gầm giường và chạy lung tung
đầy nhà. Cả nhà phải một phen
tá hỏa đi kiếm cho đủ. Nếu sót
một con, nó sẽ chết và sẽ hôi thối
cả nhà. Thằng Bé nghĩ sao
đó, nó mang chuột đi cho bớt, chỉ giữ
lại 2 con. Thằng con có vẻ hơi buồn
nhưng hình như nó phải chăm sóc
hoài cũng mệt.
Hôm nay má nó đi làm về
vừa bước vào nhà đã thấy thằng
nhỏ cao tồng ngồng ngồi nhìn cái lồng
trống trơn mà mắt thì đỏ hoe.
- Hai con chuột lại bò ra trốn đi
đâu rồi Bé ?
- Nó chết rồi. Hôm kia chết một
con. Hôm nay chết một con nữa.
- Hai con chuột bị bệnh
hở ?
- Không má,
nó già nó chết.
- Trước khi Bé
nuôi, Bé biết là nó già nó chết
mà ?
- Bé biết, nhưng
mà Bé vẫn buồn, mà Bé không biết
là khi nó chết Bé sẽ buồn nhiều
như vậy.
Có tiếng rên
nho nhỏ trong ký ức đâu đó của
tôi. Tiếng con chó già 12 tuổi màu
nâu vàng giống như con chó trong cuốn phim
tôi vừa coi chiều nay trong nhà giữ trẻ.
Hình ảnh trong đầu tôi chợt hiện
lên còn sắc nét hơn của cuốn phim
tôi coi hồi chiều. Con chó Vàng sanh ra
cùng một tháng với tôi. Nó chơi với
tôi suốt thời thơ ấu. Các chị
tôi lớn hơn tôi nhiều và đã lập
gia đình đi ở xa hết. Hai ông anh trai
tôi đâu thèm chơi với tôi, mà mấy
ông ấy cóc cần hay bắt nạt nữa,
nên tôi thường quấn quít với con
chó mỗi khi không phải đi học hay phụ
giúp việc nhà, việc ruộng. Thực ra, con
chó thường theo tôi đi ruộng, đưa
tôi một đoạn đường tới trường
học hay nhà thờ rồi mới lủi thủi
đi về, và nó cũng đón tôi từ
đầu ngõ vào giờ tôi thường hay
về lại nhà.
Năm tôi mười
hai tuổi, vẫn còn là một đứa trẻ
con thì con chó đã đến tuổi
già. Nó lặng lẽ hơn và ăn ít
hơn. Không hay đi ruộng săn chuột hay
đánh đuổi mấy con mèo hay chó
hàng xóm qua ăn vụng nữa. Nó hay nằm
lì phơi nắng ở đầu nhà và cũng
không còn quấn quít đón mừng
tôi như trước đây. Tôi mải bận
bài vở của lớp 6 lớp 7 và bạn
bè mới nên cũng không còn nhiều giờ
chơi với nó.
Một buổi chiều
đi học về, anh tôi cho biết con chó sắp
chết. Mắt nó lờ đờ, hơi thở mệt
nhọc rồi yếu dần, ráng nhướng mắt
lên nhìn tôi rồi ngoẹo đầu xuống.
Lông của nó có vẻ phai màu nhưng vẫn
còn mịn bóng như trước. Ở nhà
quê VN, người ta nuôi chó vừa để
giữ nhà vừa để dành ăn thịt khi
cần tới. Những con chó không khôn thường
bị ăn thịt trước. Con chó Vàng của
tôi rất khôn nên không người
nào trong gia đình nghĩ là một ngày
nào đó có thể ăn thịt nó
được. Có thể vì như vậy
mà người Mỹ không hề ăn thịt
chó chăng. Tôi phụ với anh tôi khiêng
xác chó chôn ở dưới gốc cây ổi.
Mất con chó rồi, tôi mới thấy trống
vắng gì đâu, hơi ân hận vì
đã không bỏ nhiều thì giờ chăm
sóc khi nó già sắp chết. Chẳng bao
lâu sau, mẹ tôi bịnh nặng vài tháng
rồi mất. Tôi không thể tưởng tượng
được. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn
mà tôi đã mất đi hai nơi
nương tựa gần gũi nhất.
Khi mấy đứa con
tôi tới tuổi dậy thì, 12, 13 tuổi,
chúng nó không còn gần gũi tôi
như trước nữa. Chúng rút vào
phòng đóng cửa lại. Một buổi tối,
sau giờ đọc kinh như thường lệ, cả
ba đứa con lớn từ chối không hôn bố
mẹ và chúc ngủ ngon như trước. Khi
ông chồng tôi hỏi tại sao. Thằng Đạt,
lớn nhất, dõng dạc trả lời ngắn gọn
bằng tiếng Mỹ:
- Mình chỉ hôn
người nào mình thương, mình
đâu muốn hôn người mình không
thương.
Tôi chua xót, lặng
lẽ chấp nhận, ôm con bé Hân, đứa
nhỏ nhất mới 3 tuổi, trong lòng và trong
trí nhớ thoáng hiện hình ảnh con
sông lớn ở quê nhà vào một
ngày mưa nhiều, nước lũ dâng lên
cao, làm hai bờ sông như xa ra bất tận.
Dòng nước chảy xiết làm mình thấy
yếu đuối hẳn đi và biết rằng
không thể bơi qua được. Phải chờ mực
nước hạ thấp xuống và chảy êm
hơn, hay cần một cây cầu vững chắc.
Mẹ con tôi mấy
năm rồi ít tâm sự với nhau. Khi tôi hỏi
về trường học hay bạn bè của con,
chúng nó trả lời "Yes" hay "No"
cho có lệ. Mỗi khi tôi muốn kể về VN
hay quá khứ của gia đình là chúng
nó tìm cách lủi dần di, không còn
muốn nghe như trước. Tôi cũng bối rối
trăm bề nên nhiều khi buông xuôi luôn.
Đang từ tuổi trung niên bước dần đến
tuổi già, tôi phải đương đầu
với bao nhiêu thử thách trái ngang.
Tuổi mới lớn
và đang chập chững vào đời, con trai
tôi không còn nhìn thấy mẹ là nguồn
tin tức hữu hiệu, nguồn an ủi êm đềm
mật ngọt như khi nó còn nhỏ nữa. Nhưng hôm nay
lại khác. Nó ngồi hoài ở quầy
bàn (counter) nhà bếp, chỗ tôi đang nấu
ăn. Tôi kể chuyện con chó Vàng của
tôi cho nó nghe (hay là tôi đã tự
đưa tôi về với quá khứ của
riêng tôi qua câu chuyện tôi kể cho con).
Tôi kể về cái hình ảnh thân quen,
cái cảm giác êm dịu khi ôm cổ hay
vuốt ve cái đầu con chó, cái cảm
giác vui tươi phấn khởi khi con chó quấn
vòng chung quanh chân tôi và vẫy
đuôi rối rít. Và sau hết, tôi kể
nỗi đau xót khi biết người bạn,
dù là một con vật, của mình
đã ra đi và không bao giờ trở lại
nữa.
- Má biết Bé
buồn lắm. Khi má còn nhỏ, má chứng
kiến con chó chết, ruột gan mình như thắt
lại vậy. Buồn lâu lắm, nên sau này
má không muốn nuôi con chó nào nữa
hết.
-À ... bây giờ
Bé mới hiểu tại sao trước đây má
không muốn mình nuôi chó. You're right. Khi
nó chết mình buồn lắm. Bé không muốn
nuôi con nào nữa hết.
Thằng bé chạy
lại ôm tôi. Nó siết nhẹ vai tôi
và nói rằng:
-Bé không buồn
con chuột chết nữa. Nó già nó chết
thôi.
Tôi vỗ vỗ nhẹ
trên lưng nó:
-Má mừng thấy
con đỡ buồn. Bây giờ má cũng hiểu
rằng sự vật thay đổi thường
xuyên. Khi nào mất đi mình cũng tiếc
nhưng nghĩ lại thì vẫn vui, vi mình
có được một thời gian vui vẻ gần
gũi với người/ vật thân thiết của
mình rồi. Đúng ra má nên để
cho Bé nuôi con chó.
- It's OK, mom. I would have killed it.
Chiều hôm nay cả nhà đi vắng, chỉ
còn hai má con ngồi ăn cơm không nói
thêm gì nhiều, nhưng tôi cảm thấy sự
an hòa, bình yên tỏa ra trong căn nhà,
và niềm vui sâu sắc nhẹ nhàng tràn
ngập trong lòng. Có thể sẽ còn
thêm những con chó, con chuột, hay cả những
người thân yêu nữa, sẽ ra đi, sẽ
chết, như mẹ tôi đã chết. Có thể
sau này thằng Bé sẽ lại rút vào
phòng nó, và chẳng nói gì nhiều
với mẹ về những vấn đề riêng
tư, nhưng tôi vẫn vui vì tôi sẽ nhớ
rằng mẹ con tôi đã có những buổi
chiều như buổi chiều hôm nay.
Một ngày nào đó, dù cho
có đi xa và bị thương tích, nó
cững sẽ khập khiễng trở về. Giống
như tôi, không trở về được bằng
thân xác, thì tâm hồn đã có
lối trở về, bằng cây cầu bắc qua hai
thế hệ.
Iris Đinh
(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)