Xoá đói, giảm
nghèo
(Nguyễn Ðạt Thịnh)
Trong số báo hôm qua, khi viết về bệnh
thành tích của các viên chức
chính phủ cộng sản Việt Nam, tôi kể
lại việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
mắc bệnh thành
tích khá nặng;
ông ta trình bày, "tăng trưởng kinh tế
năm 2007 đạt cao nhất trong 10 năm nay với tỷ
lệ 8,5%, hầu hết các chỉ tiêu (đều)
đạt và vượt, riêng tỷ lệ hộ
nghèo giảm còn 14,7% (chỉ tiêu 16%, vượt
1.3% ), thu nhập bình quân đầu người
đạt 835 USD; vị thế nước ta được
nâng cao khi Việt Nam vừa được bầu
làm Ủy viên không thường trực Hội
đồng Bảo an LHQ ..."
Cũng theo báo cáo nói trên, từ ngày 1-1-2008, mức
lương tối thiểu sẽ tăng từ 450
nghìn lên 540
nghìn đồng.
Hôm nay tôi mời bạn đọc nghe chuyện
của bác sĩ Minh Nghĩa, làm việc tại
Thái Nguyên; câu chuyện do ông tự kể
và đuợc tờ Tuổi Trẻ ra ngày thứ
Ba 10/30 đăng lại nguyên văn như sau:
"Tôi và đồng lương "suy dinh
dưỡng".
"Tôi là bác sĩ,
làm việc ở một cơ quan của Nhà
nước đến nay là 11 năm bảy
tháng. Tôi
đã trải qua bốn bậc lương và chứng
kiến bốn lần tăng lương tối thiểu,
nhưng hiện tại lương cơ bản hằng
tháng của tôi chỉ có 1.498.500 đồng.
Nếu tính cả phụ cấp
thì xấp xỉ 2 triệu đồng/tháng. Tôi chưa lập gia đình, với
khoản lương còm này, hằng tháng
tôi phải gánh các khoản chiết trừ
và chi phí cố định (ở mức chi
dè sẻn) như sau:
- Tiền ăn: 750.000 đồng
- Tiền điện, nước: 70.000 đồng
- Tiền chất đốt: 80.000 đồng
- Tiền xăng xe, đi lại:
250.000 đồng
- Tiền phí điện thoại cố định:
100.000 đồng
- Tiền phí điện thoại di động:
200.000 đồng
- Tiền xà phòng tắm, giặt, dầu gội,
kem đánh răng: 50.000 đồng
- Tiền quần áo, giày dép...: 100.000
đồng
- BHXH, BHYT, công đoàn phí, đảng
phí: 120.000 đồng
- Các khoản phí: vệ sinh, đổ
rác, an ninh trật tự khu phố:
20.000 đồng.
"Như vậy, chỉ tính phần “cứng”,
mỗi tháng tôi đã tiêu tốn mất
1.740.000 đồng, chưa kể các khoản
đóng góp đột xuất nhưng lại rất
thường xuyên ở cơ quan và ở khu phố.
"Tính ra mỗi tháng tôi
chỉ còn nhiều nhất là 260.000 đồng
để trong ví phòng khi phải sửa chữa
xe cộ hoặc các sự cố đột xuất
khác. Gọi là
chi phí dự phòng nhưng tháng nào
tôi cũng tiêu hết số tiền này cho việc
giao tế như thăm người ốm, cưới hỏi,
sinh nhật, tang ma. Cuối cùng, tôi
chẳng để được đồng nào
để dự phòng cho những lúc ốm
đau, bệnh tật.
"Là bác sĩ nên nhu cầu
tự học để bồi dưỡng chuyên
môn, nghiệp vụ là hết sức cần thiết. Vậy mà tôi không thể
có nổi khoản tiền nào để mua tài liệu
chuyên môn vì sách bán trên thị
trường hiện có giá rất cao. Có những
quyển sách rất cần thiết cho chuyên
môn của tôi như cuốn Dược thư Việt Nam có giá tới
380.000 đồng! Giá sách cao như
vậy nên tôi chỉ dám ngắm nhìn
và chiêm ngưỡng chứ không mua nổi.
"Tôi thấy có một khẩu hiệu
hô hào vẫn xuất hiện thường
xuyên trong các văn kiện, báo cáo
là: "Đội ngũ
cán bộ cần luôn luôn tự trau dồi
và nâng cao kiến thức, tri thức cho bản
thân”, nhưng với đồng
lương ít ỏi như thế, với một cuộc
sống eo hẹp như thế thì chúng tôi lấy
cái gì để nâng cao kiến thức?
"Đồng lương còm như thế
thì chuyện nhà cửa để "an cư lạc nghiệp" là giấc
mơ xa vời với chúng tôi. Bản thân
tôi đang ở chung với gia
đình thì còn đỡ, chứ nhiều
công chức nhà nước khác nhà ở
xa, phải ở nhà thuê thì mất thêm
ít nhất cũng 400.000 đồng/tháng.
"Tôi thấy thật buồn khi phải kể
ra như vậy, nhưng thực trạng phần lớn cán bộ
công chức nhà nước có cuộc sống
quá khổ sở, quá chật vật vì đồng
lương eo hẹp đã tồn tại dai dẳng
hàng chục năm qua buộc tôi cũng như nhiều
người khác trước tôi đã
lên tiếng trên mặt báo.
"Vừa qua, sau nhiều vụ đình
công của công nhân, Bộ LĐ-TB&XH quyết
định kể từ 1-1-2008 sẽ tăng lương tối
thiểu cho người lao động trong khối doanh
nghiệp có vốn đầu tư nước
ngoài lên 1 triệu đồng/tháng. Nghe
thông tin này, tôi tự hỏi khi nào
thì Bộ LĐ-TB&XH thấy rằng cần phải
có quan điểm và chính sách tiền
lương mới đối với đội ngũ
công chức nhà nước ?
MINH NGHĨA
(bác sĩ ở Thái
Nguyên)
Ðiều thứ nhất xin mách bác sĩ
Minh Nghĩa là tin tăng lương cho người
lao động lên 1 triệu/ một tháng là tin vịt đấy, vì chính thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng mới nói
ngày hôm qua trước quốc hội là,
lương tối thiểu sẽ đuợc tăng kể
từ ngày 1/1/08, nhưng cũng chỉ tăng đến
mức hơn nửa triệu có 40,000 thôi; điều
thứ nhì là số lương 540,000 đồng
mỗi tháng sắp lãnh, nó nhỏ hơn số
lương 450,000 người lao động đang
lãnh tháng này, vì lạm phát đang
chạy nước sải như ngựa phi đuờng
xa, và thứ ba là bác sĩ không thuộc
thành phần 14.7% người Việt Nam hoặc
nghèo, hoặc đói, nên đừng mong bộ
Lao Ðộng, Thương Binh thương bác sĩ,
tăng lương để xóa đói, giảm
nghèo.
Bác sĩ than chỉ còn có 260,000 đồng
Việt Nam cất trong ví để chi ra khi có
"sự cố đột xuất" thì quả
là ít quá; tính theo hối xuất cũ
15,000 ăn một mỹ kim thì tiền dằn
túi của bác sĩ chỉ có 17 mỹ kim,
đủ ăn 3 tô phở. Nhưng với
đà lạm phát hiện nay thì chỉ
vài tháng nữa, bác sĩ chỉ đủ tiền ăn
2 tô phở thôi. Ấy là chưa
nói đến khoản 400,000 đồng tiền
nhà bác sĩ sẽ phải trả, nếu
bác sĩ không ở chung với
đại gia đình.
Quản lý nền tiền tệ của
một quốc gia là việc khó đến mức
một vị thống đốc tài ba cỡ ông
Alan Greenspan còn đổ mồ hôi hột, chứ
không giản dị khoe thành tích mà qua
truông đuợc đâu.
Nếu một bác sĩ lãnh hai triệu
đồng một tháng mà không có tiền
mua sách đọc thì người lao động
lãnh nửa triệu bạc làm sao nuôi vợ,
nuôi con ?
Tôi xin đề nghị cô luật sư
Bùi Ngọc Hân, người đứng đầu
tổ chức "CO Việt Nam" (Creating Opportunities
for Vietnam) giúp tôi chuyển về biếu cậu
bác sĩ Minh Nghĩa số tiền 380.000 đồng
cậu đang cần để mua cuốn "Dược
thư Việt Nam" rất quan trọng cho việc cập
nhật kiến thức nghề nghiệp bác sĩ của
cậu.
Nguyễn Ðạt Thịnh
(DaiDoiHaiQuan chuyển)