|
Đứng trước sự
đau khổ, người ta có thể làm
gì ? (T.Vấn) Tôi chống anh KHÔNG
PHẢI VÌ DĨ VÃNG Mà là vì HIỆN
TẠI với TƯƠNG LAI Vì dân tôi ĐANG
sống kiếp dọa đày Thế hệ trẻ
nhìn TƯƠNG LAI VÔ ĐỊNH ! (Vô Đề - TCY) 1. Người bạn tôi, từ
quê nhà đã lên máy bay quay lại
nước Mỹ, sau mấy tuần lễ đi tìm
một quê hương đã mất. Cùng ngày hôm đó,
đoàn dân quê biểu tình từ mấy
tỉnh miền Tây lên Sài Gòn đòi
công lý cũng đã được "hốt
sạch" đưa về lại bản quán. Cuộc hành trình đi tìm lại
quê hương đã mất của người bạn
tôi kết thúc với những hình ảnh chỉ
khiến cho quê hương trong trí nhớ
ngày càng thêm mờ nhạt. Cuộc
hành trình đi tìm lại công lý
đã mất (liệu có hay không những
điều gọi là công lý để
đánh mất ?) của những
người dân quê hiền lành chất
phác cũng chấm dứt trong sự uất ức, tức
tửi. Công lý cũ cũng
đã không tìm thấy, mà những bất
công mới lại càng làm cuộc sống họ
ngày một thêm khốn khó. Trong lúc một nhà văn ở Việt Nam
(*), nhìn cảnh tượng bi đát của những
người biểu tình, đã thốt lên tiếng
kêu thống thiết "đứng trước sự
đau khổ của con người, nhà văn
có thể làm gì ?", thì ở bên
ngoài đất nước, một nhà thơ viết
những câu thơ nghẹt thở : đây là thời chủ nhân ăn
mày ăn nhặt trong khi đầy tớ nhân dân
ăn ngập mặt, ngập mũi ăn hớt, ăn bẩn, ăn tục,
ăn lận, ăn chặn, ăn cướp, ăn gian,
ăn tham, ăn lường, ăn bịp, ăn suông,
ăn ké, ăn chia, ăn sống, ăn lạnh,
ăn nóng, ăn theo, ăn chực, ăn vạ,
ăn lẻ, ăn sỉ, ăn tất tần tật chỉ trừ ăn năn ăn không sợ ngày trả miếng đây là thời của xe than đây là thời của tàng tàng đây là thời người sống ở
nghĩa trang và người chết ngồi ở
nhà hàng đây là thời của tan hoang ô nhục một thời đại cục
súc (PHAN NHIÊN HẠO - Lịch sử thời
đại tường thuật bởi một người
lưu vong)* Đứng trước sự đau khổ của
con người, nhà văn có thể làm gì ? Chữ nghĩa có thể
làm được gì ?
Đánh động lương tâm đồng lọai
ư ? "Một thời đại
cục súc" sẽ
cho những thứ đó (chữ nghĩa) là
món hàng xa xỉ.
Chắc là vì vậy nên các nhà
văn nhà báo nhà thơ ở Việt Nam chọn
sự im lặng khi ngày ngày, trên đường
đi làm đi họp đi ăn đi nhậu, họ
nhìn thấy những người dân quê
núp mình che nắng che mưa dưới những
tấm biểu ngữ đòi công lý, dù
những hình ảnh ấy thật lạ mắt trong
suốt 32 năm người cộng sản cai trị
Sài Gòn. Và cũng vì là "một thời đại
cục súc", nên
tâm hồn nghệ sĩ mong manh của người bạn
tôi đã bị thương thêm một lần
nữa trong lúc đi lục từng góc phố, từng
con đường, tìm lại một Sài Gòn
trong trí nhớ, trước khi tuổi già với
căn bệnh nghễnh ngãng ập đến tước
đọat chút tài sản cuối cùng
còn lại của anh. Chưa bao giờ người ta phải
sống qua một thời đại khốn khó
như thế này. ngoài trời tuyết rơi chúng ta ngồi những đêm cô
độc rì rầm ngoài kia xe cứ cỡi
lên đường ngày mai đến qua nhanh công lý bắt đầu bạc
tóc lịch sử không chạy, lịch sử
không đi, lịch sử lết lê què quặt chúng ta muốn lịch sử tiến
lên, động tình, sinh sản nhưng lòng người bại liệt,
ý chí khô nước nhờn Viagra nè cố lên cố
lên Việt (PHAN NHIÊN HẠO - Lịch sử thời
đại tường thuật bởi một người
lưu vong) 2. Đứng trước sự đau khổ của
con người, người ta có thể làm gì ? Hỡi ôi, đấy
là điều mà những người dân
quê ít học, cầm những tấm biểu ngữ
viết sai chính tả "chúng tôi đi tiềm
(tìm) công lý" đã dễ dàng trả
lời. Đứng trước sự
đau khổ, họ đã đứng lên để
yêu cầu người ta phải chấm dứt
nguyên nhân gây ra sự đau khổ ấy.
Đó cũng là câu trả lời cho ý
nghĩa của hai chữ tự do. Vì không
được tự do làm, không có nghĩa
là họ ngồi yên, thúc thủ, để mặc
cho đau khổ gậm nhấm. Bản năng sinh tồn
cùng với bản chất nông dân đã
tăng thêm sức mạnh tinh thần cho những
người dân quê suốt một đời chỉ
biết quẩn quanh bên mảnh ruộng phèn. Họ
không quen suy nghĩ và tin rằng không có
gì để mất, ngọai trừ công lý
cho cuộc sống đơn sơ của
mình. Khi cần phải đứng
lên, họ đứng lên đơn giản như
ngọn lúa ngoài đồng. Trước sự kiện gần 600 cơ quan truyền
thông ở trong nước cùng đội ngũ
hàng chục ngàn phóng viên ký giả
giữ một sự "im lặng đáng sợ"
trước hình ảnh những đoàn dân
quê biểu tình ngày này qua ngày nọ
ở Sài Gòn, ở Hà Nội, một người
làm thơ đã từng nhiều lần bị
tù tội vì chữ nghĩa đã lên tiếng
hỏi : "...Gần tháng nay, trên một số trang
web của các đài phát thanh nước ngoài, ta liên tục
đọc được các bài phản ánh
chuyện bà con nông dân các tỉnh tập
trung lên Hà Nội, TPHCM khiếu kiện về
đất đai trước Văn phòng Quốc hội,
Chính phủ… kèm theo không ít hình
ảnh và âm thanh sống động, với chi tiết
diễn biến sát sao có thể nói là từng
ngày. Có đài còn phỏng
vấn được cả một đại biểu Quốc
hội về chuyện này. Trong khi đó, nếu theo dõi các tờ
báo trong nước, ta thấy
thực tế động trời trên chỉ
được phản ánh gián tiếp và mờ
nhạt trong vỏn vẹn hai bài thông báo
ý kiến của thanh tra Nhà nước, một
trên VietNamNet ngày 8/7, một trên Tuổi trẻ
ngày 13/7. Phương tiện truyền thông quan trọng
nhất là truyền hình thì mãi đến
tối 15/7, tức là khoảng 3 tuần lễ sau khi
bắt đầu sự kiện, mới đề cập
qua loa. Chắc là sau khi có ý kiến
chính thức của Phó Thủ tướng
Trương Vĩnh Trọng. Vì sao báo chí trong nước lại thiếu
nhạy bén đến thế, trong khi bất cứ
người dân bình thường nào nếu
muốn đều có thể mắt thấy tai nghe
chuyện đau lòng của hàng trăm đồng
bào mình, vì nó chình ình ngay giữa
lòng thành phố Hà Nội và TPHCM.
Và chính một số người dân
bình thường đã chụp ảnh, cung cấp
tin cho đài nước ngoài thay vì cho
báo chí trong nước. Tôi không tin rằng các đồng nghiệp
của mình, rất nhiều người trong
đó, từ phóng viên đến tổng
biên tập, đã chứng tỏ lương
tâm nghề nghiệp, lòng yêu công lý,
tinh thần dũng cảm đứng về lẽ phải
trong rất nhiều trường hợp vượt qua sợ
hãi và mua chuộc để lên tiếng bảo
vệ dân oan, vạch trần quan tham, lần này lại
gần như trăm phần trăm tự nguyện…
giữ một “sự im lặng đáng sợ”
đến thế ? Ai đã ngăn cản họ thực
hiện nghĩa vụ cao cả của người
làm báo, để họ phải chịu thua một
bàn oan uổng trước các đồng nghiệp
quốc tế ngay trên sân nhà?" (HOÀNG HƯNG - Từ hai chuyện
khó hiểu của báo chí nước
nhà) Ai đã ngăn cản họ thực hiện
nghĩa vụ cao cả của người làm báo ? Câu hỏi
đã hàm chứa sẵn câu trả lời.
Nhưng đã chắc gì không có những
thế lực ngăn cản những đoàn biểu
tình, không cho họ đứng lên, không
cho họ giương cao những biểu ngữ
đòi công lý ? vậy
mà người ta vẫn thấy những hình ảnh
ấy trên những đường phố của
Sài Gòn, của Hà Nội, không phải chỉ
một ngày, hai ngày mà hơn 3 tuần lễ liền ở
Sài Gòn, mà đã kéo dài từ
tháng này qua tháng kia, năm này qua năm
kia, ở Hà Nội. Và những người làm báo Sài
Gòn vẫn tiếp tục im lặng, ngay cả trong
đêm 18 tháng 7 năm 2007, khi bộ máy kềm
kẹp nhà nước âm thầm như một
đạo quân ma ra tay trấn áp cuộc xuống
đường. Đó là lý do mà người bạn
tôi, dân Sài Gòn chính tông,
đã bước lên máy bay quay lại Mỹ
với trái tim bị thương tổn nặng nề. 3. chúng ta ở đây bình nhật,
bình thường nhưng không phải lúc nào cũng
bình yên áo lính sờn cũ (mua chợ trời
Mỹ) người đàn ông làm vài ngụm
rượu từ chiếc bình toong thời chiến ngồi hàng giờ nhìn những
đám mây không kịp về phương Đông
trước khi ngày tắt nắng ông từng bị giam trong lòng đất khẩu phần mỗi ngày một trăm
hai mươi bảy hạt ngô bao giờ cũng dành một hạt dùng đếm thời gian thời gian bóng tối có mùi trứng ung con người là sinh vật duy nhất
biết cách giữ ký ức không vữa
nát sinh ra để sống dưới mặt
trời đôi khi chúng ta bị lùa vào
ô nhục bởi lũ đồng cô bóng cậu
mang vũ khí cơn điên tập thể này phải
mấy mươi năm nữa mới thăng Rất nhiều khi, tôi ngồi
câm lặng hàng giờ liền trước màn
hình trắng lóa của chiếc máy điện
toán. Tôi
nghi ngờ khả năng của chữ nghĩa. Cuộc
sống ngoài kia thiên hình vạn
trạng, giữa những điều tốt đẹp vẫn
không thiếu bao sự xấu xa, giữa muôn tiếng
cuời vang hạnh phúc vẫn không thể
không nghe những tiếng tức tửi xé
lòng. Vậy chữ nghĩa của tôi có
chuyên chở được những thứ ấy không ? nếu
không, chắc chúng chẳng có lý do để
tồn tại. Và, nếu chúng không có
lý do để tồn tại, thì hẳn là
tôi cũng không có lý do để tồn
tại. Người nông dân đổ
mồ hôi trên mảnh ruộng, mong đến
ngày hái đem về nhà những bông
lúa trĩu hạt. Thực phẩm cho đời
là lý do tồn tại của người
nông dân. Còn những người trăn trở
với chữ nghĩa hằng đêm, không đổ
mồ hôi nhưng trái tim rỉ từng giọt
máu, liệu có tìm được lý do
để biện minh cho sự tồn tại của
chính mình ? Những dòng
thơ trích dẫn trong bài viết này, từ
một người làm thơ trẻ hải ngoại,
giúp tôi an lòng hơn với
khả năng của chữ nghĩa. Vấn
đề chỉ còn là khả năng và tấm
lòng của người sử dụng chữ nghĩa.
Như cây cuốc trên bàn tay
bác nông dân. Như cây súng trên tay người lính. Và
cả sự đảm lược mà không phải
ai cũng có được. Đứng trước sự đau khổ,
nhà văn có thể làm gì
? Có lẽ
câu trả lời đơn giản chỉ là xin
đừng thờ ơ, vô cảm với sự
đau khổ. Nếu
không, danh phận nhà văn cũng chẳng cao
quý gì hơn danh phận của kẻ đi ăn mày. 4. Cuộc biểu tình của
đoàn dân đòi công lý ở miền
Tây đã bị nhà cầm quyền trấn
áp một cách êm thấm, ít ra là
trên bề mặt.
Nhưng những bài học "vỗ mặt
"có thể rút ra được từ
cách hành xử "đơn giản như
cây lúa" của họ sẽ còn là những
chất liệu quý giá cho những kẻ
"có học "suy ngẫm. Nếu quả thực,
những kẻ ấy còn có một trái tim
để suy ngẫm, sau khi đã quay cuồng trong
"cơn điên tập thể", sau khi
đã hết run rẩy trước lũ "đồng
cô bóng cậu mang vũ khí" để tự
đặt mình trước đối diện với
thực tại : Đứng trước sự đau khổ,
người ta có thể làm gì ? T.Vấn Tháng 7-2007 - Ngày 18-07-2007, từ Sài Gòn, nhà
văn Nguyễn Viện đã lên tiếng về
số phận những đoàn biểu tình
dân oan bị đàn áp. Đây là tiếng
nói duy nhất của mảnh đất "bất
khuất" Sài Gòn được nghe thấy
trong suốt 3 tuần lễ những người nông
dân "thành đồng tổ quốc" đứng
lên đòi công lý. Ngoài ra, trước
đó, từ Hà Nội cũng chỉ có một
tiếng kêu đơn độc của nhà
thơ Hoàng Hưng (phần trích dẫn trong
bài). - Bài thơ “Lịch sử thời đại
tường thuật bởi một người lưu
vong" của nhà thơ trẻ Phan nhiên Hạo
được trích lại từ Talawas Chủ Nhật
ngày 29-07-2007 (Sưu Tầm Liên Mạng chuyển) |
|
|