NỖI BUỒN MÙA
THU
(PhạmTín An Ninh)
Có lẽ những chiếc lá mùa thu
đã nhuộm vàng phần lớn thi ca nhân
loại. Và dường như nếu không có
mùa thu thì những cuộc tình sẽ
không còn lãng mạn, thế gian này sẽ
không có mặt của thi nhân. Ông Văn
Cao đã khởi đầu sự nghiệp của
mình bằng "Buồn Tàn Thu" để rồi
cuộc đời của người nghệ sĩ
tài hoa này cũng tàn theo Giai Phẩm Mùa
Thu (trong Nhân Văn Giai Phẩm). Ông mất đi
trong cảnh khôn cùng để lại cho đời
một kho tàng âm nhạc quí giá,
cùng sự thương tiếc ngậm ngùi
và bao điều suy ngẫm. "Cây đại thụ"
Phạm Duy phỏng theo một bài thơ Tây, phổ
bản "Mùa Thu Chết", để rồi
tên tuổi cũng đã chết theo mùa thu ở
cái "thị trấn giữa đàng"
bên tận xứ Cali, bởi cái tính kênh
kiệu và tấm lòng phản trắc, chỉ
để lại cho những người từng hâm mộ
ông sự chua xót, bẽ bàng. Ở Việt
nam ta, nếu "con nai vàng ngơ ngác đạp
trên lá vàng khô" đã làm
nên Lưu Trọng Lư, thì bên Tây
"Les Feuilles Mortes" đã khắc sâu tên
tuổi Jacques Prévert trong lòng những người
mê thơ, yêu nhạc.
Riêng cái thằng vừa nhà quê vừa
ít chữ như tôi dĩ nhiên không thể
nào làm nổi một câu thơ và cũng
chẳng mò ra được một nốt nhạc, vậy
mà tâm hồn lại rất dễ bị đắm
chìm trong những lời thơ tiếng nhạc -
đặc biệt có Mùa Thu trong đó.
Nhưng trong tất cả những tác phẩm có
bóng dáng Mùa Thu trên thế gian này,
cái bài làm tôi xúc động nhất,
thuộc lòng từ thời tấm bé, không phải
là thơ, là nhạc, của ta hay tây, mà
lại là một bài văn xuôi rất... học
trò của ông Thanh Tịnh.
"Hằng năm cứ vào cuối thu, lá
ngoài đường rụng nhiều và trên
không có những đám mây bàng bạc,
lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm
hoang mang của buổi tựu trường. Tôi
quên thế nào được...
Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy
sương thu và gió lạnh, mẹ tôi
âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con
đường làng dài và hẹp..."
Không biết ngày ấy ông Thanh Tịnh ở
tận nơi đâu, mà sao cái cảnh
ngày đầu tiên ông đi học giống
tôi như đúc. Tôi cũng được mẹ
nắm tay dẫn đi trên con đường
làng Phú Hội, cũng vào một buổi
sáng có (một chút) sương thu và
gió lạnh.
Một năm sau mẹ tôi qua đời, bỏ
lại tôi một mình đi trên con đường
dài và hẹp đó với bóng dáng
yêu dấu của bà. Rồi cũng một năm
sau nữa, cha tôi đang dạy học ở trường
Pháp Việt thì bị Việt Minh bắt
đưa ra Liên Khu Năm làm "công tác
xóa nạn mù chữ". Tôi trở
thành thằng bé mồ côi, phải về ở
với ông bà nội. Mỗi ngày tôi vẫn
đi trên con đường làng ấy, nhưng
bây giờ tôi đến trường cùng một
đám anh em bà con trạc tuổi. Sau này,
trong đám học trò dưới mái trường
làng ngày ấy có vài thằng lên
núi đi làm... kách mệnh, có đứa
sớm thành liệt sĩ; nhiều đứa
làm quan làm lính cộng hòa, cũng
có lắm thằng đuợc Tổ Quốc Ghi
Ơn; đám còn lại là nông dân
năm tháng soi mặt với ruộng đồng,
nhưng cũng có thằng trở thành giáo
sư, bác sĩ, lấy vợ rồi đóng
đô luôn ở chốn thị thành, chỉ
lâu lâu dắt díu nhau về thăm làng cũ.
Vậy mà cái tình đồng môn của
thời thơ ấu đó lại keo sơn gắn
bó đến không ngờ. Mấy ông nông
dân có con cháu đi lính, được mấy
ông bạn nhà binh nhận về đơn vị
chở che, xuống thành phố đi học có mấy
ông bạn thầy giáo hướng dẫn lo
trường lo lớp, nơi ăn chốn ở; đau bệnh
thì có mấy thằng bác sĩ chăm
sóc thuốc men, xin vào nhà thuơng miễn
phí. Mấy thằng làm quan lâu lâu về
quê chở cả đám nông dân ra
thành phố tập tễnh ăn chơi cho biết
cái sự đời. Quân với dân còn
hơn cả cá với nước.
Rồi đùng một cái, tháng 4/75,
bão tố bất ngờ ập xuống, kéo theo
cơn lốc đổi đời bi thảm: Mấy
ông bạn trên núi nghênh ngang về nắm
chính quyền, mấy ông nông dân vốn
bao năm an nhàn với đồng áng bây giờ
lại được mấy ông bạn chính quyền
ưu ái lấy hết ruộng đất đưa
vào hợp tác xã, giúp những thằng
bạn cũ sớm trở thành vô sản, hầu
cùng nhau "tiến nhanh tiến mạnh tiến vững
chắc" lên thế giới đại đồng
(!). Mấy ông lính, ông thầy, ông
bác sĩ tự dưng trở thành "những
con nai vàng ngơ ngác", cuốn gói về
quê nương náu để đợi chờ số
phận, lại được mấy ông bạn
nông dân ngày trước cho gạo cho tiền,
chí ít cũng đãi đằng được
một chầu thịt gà rượu đế, tiễn
đồng môn cũ đi vào "trường cải
tạo". Một ít vào trường sơ cấp,
trung cấp trong nam, số còn lại được
ưu ái ra trường cao cấp tận vùng
núi rừng Việt Bắc.
Sau sáu, tám, rồi mười năm, thằng
nào còn sống mang tấm thân tàn tạ
ra tù, kẻ thì vượt biển, người
thì đi diện HO, lưu lạc tha phương, bỏ
lại sau lưng con đường quê, ngôi
trường làng cũ với biết bao kỷ niệm
êm đềm. Đất khách gặp nhau, chỉ
còn biết vỗ vai an ủi:
Qua cơn mờ mịt binh đao
đứa còn đứa mất ba
đào tang thuơng
Lạc loài trên chính
quê hương
thôi thì gió cuốn mười
phương cũng đành
Định cư xong, lo góp tiền gom bạc gởi
về cứu đói mấy ông bạn nông
dân, bây giờ đã bạc cả mái
đầu mà còn trắng cả đôi tay.
Còn mấy ông bỏ trường lên núi
hồi còn son trẻ bây giờ phục viên về
nằm nghỉ mát, mỗi ngày uống trà ngắm
mấy cái "bằng khen", mấy cái huy
chương "dũng sĩ" treo tòn teng trên
vách mà ngẫm nghĩ con đường
cách mệnh đã bỏ gần cả một
đời theo đuổi mà sao cái làng
quê của mình vẫn cứ xác xơ và
những bạn bè ấu thơ giờ thì
đã chết hoặc điêu linh tan tác.
Rồi cũng vào một mùa thu, từ
đất khách tôi về lại quê
hương. "Mùa thu năm ấy tôi ra đi,
mùa thu này nữa tôi... trở về". Khoảng
cách giữa hai mùa thu... vậy mà cũng
đã hai mươi năm. Tôi về để
tìm lại ngôi mộ của cha tôi được
mấy người bạn tù chôn cất sơ
sài trên núi bên ngoài trại cải tạo
Đá Bàn. Ông đã chết sau hơn một
năm bị giam trong trại tù này, cũng
vào một ngày cuối thu ảm đạm.
Tôi nhờ người cải táng, đưa
ông về nằm bên cạnh mẹ tôi và
ông bà nội trong nghĩa trang gia tộc.
Tôi đi một vòng thăm lại làng
xưa. Cái làng Phú Hội của tôi một
thời đông vui giàu có như cái
tên gọi, bây giờ sao trở nên vắng vẻ
điêu tàn. Đám bạn bè cũ
bây giờ chẳng còn mấy đứa, thằng
chết, kẻ ra đi, gởi thân khắp bốn
phương trời. Hôm
nay, tôi lại đi trên con đường
làng cũ, vẫn con đường dài và hẹp
mà ngày xưa mẹ tôi âu yếm dắt
tay tôi tới lớp. Hôm nay cũng có nhiều
sương thu và gió lạnh, tôi đi một
mình trơ trọi, chỉ còn đâu
đây bóng dáng, tiếng nói tiếng
cười của đám bè bạn ngày
xưa rì rào trong gió. Tôi chợt nhớ
tới bài thơ của một ông bạn
già thân thiết:
Tôi về đứng trước
ngôi trường cũ
nhìn xuống làng xưa chạnh
nỗi niềm
nhấp nhô những mái
nhà rêu phủ
thương hải tang điền mấy
biến thiên
Tôi về xuôi một dòng
sông chảy
con nước vô tình lặng lẽ
trôi
hiểu nghĩa cuộc đời
đành không thể
hai lần tắm ở một dòng
thôi
- Tôi về - có phải
sông về biển
sao nghe từng con sóng não nề
như thể bây giờ là cổ
tích
tôi về - chỉ gặp lại
mình .. tôi
Bây giờ nhờ tiền tài trợ của
mấy ông tư bản, nên ngôi trường vừa
được xây cất lại khang trang. Có lẽ
học sinh cũng vừa mới tựu trường,
nên cờ xí khẩu hiệu còn đỏ cả
sân trường. Cái trường mang tên
làng Phú Hội ngày xưa bây giờ
đã được đổi tên thành
"Trường PTCS Lê văn Tám". Nhìn
các em bé sắp hàng vào lớp mà
lòng tôi cứ bâng khuâng. Không phải
vì vừa mới tìm lại được
bóng dáng của mình ngày trước,
mà vì thấy thương và tội nghiệp
cho các cháu học trò. Không biết mỗi
ngày phải học thuộc lòng những bài
"thơ trong tù"của bác, thơ
"Khóc ông Lê Nin" của nhà thơ lớn
Tố Hữu, có bao nhiêu em đã "từ ấy
trong tôi bừng nắng hạ, mặt trời chân
lý chói qua tim" (thơ T.H), và liệu
các em có còn nhớ đuợc cái
bài văn xuôi "hằng năm cứ vào cuối
thu, lá ngoài đường rụng nhiều
và trên không có những đám
mây bàng bạc .." hồn nhiên và dễ
thương của ông Thanh Tịnh mà thế hệ
cha ông ai cũng nằm lòng ? Các em có
xót xa khi biết trường của các em mang
tên "anh hùng Lê văn Tám" mà
các em được dạy như là một tấm
gương, lại là một người không hề
có thật, mà chỉ là nhân vật trong
phim truyện của đạo diễn Phan Vũ (xem
Báo Thế Giới - Hà Nội số 39 (154)
ngày 27.09.04 trang 22-23, website Talawas ngày 11.10.04 / Quang
Hùng, đài BBC chương trình ngày
15.10.04)
Rồi mới đây bà hiệu trưởng
Trần Thanh Vân đầy quyền uy (dưới những
ô dù) kéo theo một nhóm thầy cô
vây cánh của trường chuyên Lê
Quí Đôn nào đó ở "thành
phố mang tên bác" thản nhiên lấy tiền
đô la, làm hồ sơ ma nhận cả một
đám học trò dốt nát, con cháu của
những đại gia và các ngài quan lớn
(trong đó có con trai của đồng chí
chánh thanh tra sở giáo dục thành phố)
vào ngôi trường chuyên một thời
có tiếng.
Tội nghiệp, chẳng lẽ mới lớn
lên, các em đã phải học những
điều gian dối, và tương lai các em sẽ
ra sao với một nền
giáo dục và văn hóa "phong bì"
?
Cũng may mà các em còn bé và ở
tận một vùng quê, nên không biết nhiều
về đạo đức của các nhà
"mô phạm", những "nhất tự vi
sư bán tự vi sư" một thời được
dân chúng trải chiếu hoa mời ngồi dưới
mái đình làng.
Ngoài Hà Nội, có lẽ vì
thành phố thủ đô trữ tình với
mùa thu và hương hoa sữa, nên ông thầy
già trưởng khoa Đỗ Tư Đông
"khả kính" ở trường Cao đẳng
Truyền Thanh Truyền Hình nhà nước "lấy
điểm gạ tình" một số nữ sinh
viên. Thầy chỉ cho điểm cao khi nào
trò hoàn thành nhiệm vụ "trả
bài" cho thầy trong khách sạn !
Dưới cái tỉnh Bình Phước mới
toanh, nên thầy Lê Hoàng Sang, hiệu trưởng
trường Lê văn Tám (lại Lê Văn
Tám !) cũng vừa làm một điều vô
cùng tân tiến: bắt các cô giáo
chưa chồng phải uống rượu cùng
các quan lớn địa phương, bất kể
trưa chiều hay trước giờ lên lớp. Nếu
lỡ gọi các quan già bằng "chú"
mà không phải bằng "anh" thì bị
thầy hiệu trưởng nạt nộ đòi kỷ
luật.
Mới đây trên đài BBC, ông Tạ
Phong Tần, cán bộ sở thuơng Mại Du Lịch
Bạc Liêu, sau một khóa được
đào tạo tại chức, đã công khai
tuyên bố: "Không ít tiến sĩ, thạc
sĩ là những người biết diễn đạt
những điều đơn giản trở thành
khó hiểu hoặc không ai hiểu nổi."
(nguyên văn)
Cầu mong cho các em học trò nhỏ ở
quê tôi không nghe được mấy cái
tin "vui" này đăng đầy trên
báo mỗi ngày, để còn thấy
mùa thu trên quê nghèo vần còn một
chút thơ mộng dễ thương.
Trước khi rời khỏi quê hương,
tôi ghé lên thành phố thăm thằng bạn
học cũ, trước tháng 4/75 là một
giáo sư toán-lý-hóa nổi tiếng của
một trường trung học lớn. Bây giờ ngồi
bán thuốc lá ở vỉa hè. Con cái
nó cũng đã nghỉ học từ lâu
để lăn vào cuộc sống, nên mấy
cái bằng cử nhân toán từ cái thời
63-64 chỉ còn cùng để .. gói thuốc
lá. Bỗng dưng tôi nhớ tới bài
thơ của một ông nhà thơ nào
đó trong nước mà lòng thấy ngậm
ngùi.
"Thầy có nhớ con không
..?"
Tôi giật mình nhận ra
người đàn ông áo quần nhếch
nhác
người đàn ông gầy
gò ngồi sau tủ thuốc ven đường.
"Thầy còn nhớ con không
..?"
Câu lặp lại rụt rè
rơi vào im lặng
hoa phượng tháng Năm rơi
đầy vỉa hè
rụng xuống trên vai người
thầy học cũ
"không .. xin lỗi .. ông lầm
..
Tôi chưa từng dạy học
Xin thối lại ông tiền thuốc
.. cám ơn !"
Cuộc sống cho ta nhiều quên,
nhớ, vui, buồn
Thầy học cũ mười năm
không lầm được
Thầy học cũ ngồi kia giấu
mình sau tủ thuốc
giấu mình sau hoa phượng rụng
buồn tênh.
Con biết nói gì hơn, đứa
học trò tôn sư
người Thầy cũ lại chối
từ kỷ niệm,
chối từ những bài giảng
dạy con người đứng thẳng,
biết yêu anh em - đất nước
- xóm giềng.
Đứa học trò vào đời
với trăm nghìn giông bão,
Bài học ngày xưa vẫn
nhớ mãi không quên.
Bên hè phố
im lìm,
vành nón sụp
che mắt nhìn mỏi mệt.
Câu phủ nhận
phải vì câu áo rách
trước đứa
học trò quần áo bảnh bao ?
Tôi ngẩn
ngơ đi giữa phố xá ồn ào,
những đứa
trẻ con tan trường đuổi nhau trên phố.
Mười năm
nữa đứa nào trong số đó,
sẽ gặp thầy
mình như tôi gặp hôm nay ?
Ngày rời khỏi
quê hương, ngồi trên máy bay nhìn xuống,
mùa thu Sài gòn không có lá
vàng rơi, cũng không có con nai vàng
nào ngơ ngác, mà sao tôi thấy như
vàng cả không gian, ảm đạm cả đất
trời. Tôi bỗng ngộ ra một điều ngộ
nghĩnh: Đâu phải chỉ có mấy ông
nhà thơ, mấy ông nhạc sĩ mới nhuộm
buồn được mùa Thu, mà có những
"đỉnh cao" đang ngự trị trên
quê hương tôi, dù chẳng có một
chút xíu tâm hồn nào, có khi
không có cả quả tim, cũng có thể
làm cho mùa thu quê tôi .. buồn chết
được.
Phạm
Tín An Ninh
(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)