SU'U TÂ`M 6

Home | CÚ'U TRO*. !!! | CÚ'U TRO*. [tt] | CÚ'U TRO'. 1 | CÚ'U TRO'. 2 | VA(N | VA(N (tt) | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N 11 | VA(N 12 | VA(N 13 | VA(N 14 | VA(N 15 | VA(N 16 | VA(N 17 | VA(N 18 | VA(N 19 | VA(N 20 | VA(N 21 | VA(N 22 | VA(N 23 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | NHA.C & HÌNH A?NH | VA(N VUI | VA(N VUI [tt]

TA.P GHI

Tựu trường

 

Tựu trường

(Phan)

 

 

Tôi đi làm về tối, trước phòng khách lại lù lù mớ hành lý như một cuộc đi xa đã dứt khoát sau đêm nay. Lần này người đi là thằng con mà mười tám năm qua nó đã khóc cười mỗi ngày trong căn nhà này. Không phải là chuyện tôi mới biết vì chính tôi đã đi tha về cho nó cái microware, cái tủ lạnh bé con. Bỏ ra nửa buổi để dạy nó thay bánh xe nếu bể dọc đường, để coi lại cái xe cho nó - sẵn sàng xuyên bang.

 

Tôi mở tủ lạnh dưới nhà bếp lấy chai bia thì thấy cái hộp giấy trắng to lớn, chắc chắn bên trong là cái bánh sinh nhật nó. Thằng nhỏ phải ăn sinh nhật lần thứ mười tám sớm hai ngày để đi tựu trường. Tôi buồn. "Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn ?" - XD

 

Con tôi. Hôm nay nó nghĩ gì ?! Chắc con đã thấy ngày mai khổ rồi, phải không ? Không còn mẹ để nay đòi ăn phở - mẹ nấu; mai đòi ăn cánh gà cay - bố làm. Không còn thằng em chí nghĩa với anh hai từ miếng ăn, giấc ngủ. Không còn mỗi ngày thấy ông bố khó ưa nhưng rất cần mỗi khi con bế tắc một chuyện gì ? Tóm lại: Cơ hội giúp nhau đã khó khăn hơn hôm qua và kéo dài tới không hạn định. Bởi con trai đã ra khỏi nhà, có trở về thăm thân nhân thì nó cũng không còn là thằng con của gia đình như trước. Có lẽ đó là cái tôi buồn mà hồi mười tám tuổi, tôi không hiểu. Bởi tôi đã đi từ đó cho tới khi về lạy mẹ được một cái thì phải cưới vợ cho con. Vài năm sau … lạy mẹ con đi. Tôi ôm mẹ tôi thật lâu, mẹ tôi thấp quá nên tôi phải quỳ xuống để úp mặt vào ngực mẹ tôi cho đừng ai thấy tôi khóc và một điều không hiểu “mới” phát sinh mà những năm tháng một mình một góc trời. Giờ này hoàng hôn đã tắt con nghĩ gì đây con nhớ mẹ nhiều … Lê Minh Đảo, tôi mới ngộ ra: Đứa con khi xa mẹ và không dám mong ngày gặp lại, nó cố tìm nơi có nhiều mùi người mẹ nhất để ghi nhớ trong tiềm thức. Hiểu rồi. Tôi chỉ còn câu nói của người: “Con đã ba mươi hai … Ba mươi hai tuổi, bố con dắt gia đình vào Nam, ông nội chỉ nói ráng lo cho cháu học hành. Bây giờ mẹ cũng chỉ biết mượn lời ông nội để nói với con …”

 

Hèn gì thằng con tôi dạo này, từ hôm nghỉ job học trò để đi tựu trường. Cứ sau khi mẹ đi làm sớm, nó lủi vô giường mẹ. Cuộn mình trong chăn, úp mặt vào gối như hít được càng nhiều hơi của mẹ nó, càng tốt. Không biết nó có ý thức về hành động của nó không ? Nghĩ kỹ cũng không cần tìm hiểu làm gì. Bác sĩ Lập ở nhà bảo sanh Lương Kim Vi, quận nhất. Lôi nó ra khỏi bụng mẹ, cắt đứt cái nhau, cắt đứt sự liên hệ trực tiếp của nó với mẹ nó. Nhưng mười tám năm qua, mẹ nó đã nối lại được sự liên hệ mật thiết hơn là từng ngày gieo vào nó sự hiện diện của người-mẹ-Việt-Nam. Những ngày qua mẹ nó cũng tẳn mẳn tằn mằn từ cây kem đánh răng, cái tà lỏn … y như mẹ tôi ngày xưa gởi hết tình thương vào những cái nhỏ nhặt, cỏn con đó để thằng Bảy đi Quân trường thì thằng Sáu đã ra Trung lập đồn. Đêm đêm ngồi nhìn hỏa châu thắp sáng vùng trời Bình Chánh mà lòng mẹ không yên ! Thằng Tư … không biết có sao không ? Tàu thằng Ba đang đánh nhau với Trung cộng ngoài Hoàng Sa, thằng Hai ở Phước Long rừng thiêng nước độc, nghe nói trên núi Bà Rá có hang Bạch Hổ thiêng lắm ! Phải như mẹ được đến đó thắp nhang. Lại đi thắp nhang khấn Phật Bà che chở. Trong khi anh Tư tôi đang tắm mưa pháo ở An Lộc. Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình - không phương hướng vì chỉ có một hướng duy nhất là hướng về những đứa con đang mịt mù khói lửa. Và Phật Bà còn bận rộn thu xếp chỗ ăn, chỗ ngủ cho những người vừa nằm xuống của đôi bên, thì giờ đâu che chở cho đứa còn đang cắc-bùm với thằng Năm. Hồi mẹ đi di cư, nó ở lại với ông bà nội. Nghĩ đến anh em nó bắn nhau từ hai chiến tuyến, mẹ tôi lại khóc. Nói làm sao cho hết tấm lòng người mẹ đã sinh ra đàn con trên quê hương điêu linh. Nhà tôi lại toàn con trai.

 

Hòa bình lập lại thì lo kiểu khác. Buôn gánh bán gồng, chắt chiu từng đồng để thăm nuôi những thằng con thất trận trong trại tập trung. Thằng ngoài Bắc không chết, chiến thắng trở về từ Nam Lào thì bị khai trừ khỏi Đảng vì có gia đình toàn Ngụy quân ở Sàigòn. Cầm cái bằng Y sĩ tốt nghiệp ở Tiệp Khắc mà đi làm phụ hồ sau chiến thắng trở về. Hề ! Thằng Tám - tôi lớn lên như con chó hoang lạc đàn ngay trên quê hương tôi, không còn đàn anh để tiếp bước. Mẹ tôi lại lo kiểu mới. Nhờ ơn cách mạng, bà mẹ quê biết quê mình có biển Đông và những người chết - không cần súng đạn như xưa nữa. Một trái pháo của Việt cộng xưa kia chỉ giết được vài chục thường dân. Bây giờ một con tàu, chiếc ghe đắm, chết cả trăm mạng người. Đã là người Việt Nam, mỗi thế hệ có một con đường chết khác nhau, tôi đi về phía biển - không cần sợ.

 

Giờ. Cái lo của vợ tôi thật khó nói. Thằng con đi học thôi mà. Cách nhà có bốn tiếng lái. Nó sở hữu một cái xe, điện thoại, computer để e-mail 24/24. Có cần phải lo quá lo như vậy không ? Nó đi trong tư thế của một người bước vào thế kỷ 21 khoa học kỹ thuật chứ đâu có đi mà ngày về mơ hồ … có thể là sáu miếng ván phủ cờ Tổ quốc ghi công. Hay anh trở về trên đôi nạng gỗ, anh trở về dang dở đời em … như đàn anh tôi. Hay đi để đánh lộn với hà bá ngoài biển Đông như tôi. Tóm lại: Sự ra đi nào cũng có cái được và cái mất ! Cái được cho con, cái mất cho mẹ. Bởi hoàn cảnh đất nước tôi thôi. Thân phận người con gói gém trong phận đời của mẹ-Việt-Nam. Tôi đã định nghĩa được sự ra đi và công bằng khi nói về tình mẫu tử. Còn tình phụ tử sau mười tám năm dưỡng dục sinh thành, sáng mai nó đi thì chiều nay kéo cái máy cắt cỏ ra cắt cho bố lần nữa trước khi con đi. Mấy lần cắt cỏ trước, nó ưa quên lắm !

 

Tối về, tôi đi chân không trên cỏ mới cắt, tay cầm chai bia và thấy cuộc đời đáng yêu nhất là những đứa con bé nhỏ của mình. Tôi là người nông dân chân chính, tôi có gieo nên tôi có gặt. Vui vui. Hài lòng. Tôi đi nằm mà sao không chợp mắt được dù biết mai mình phải đi sớm. Ba mẹ con nó bên phòng bên kia cũng rù rì riết đến tận khuya. Lại phải đóng vai “ác”, hét lên cho cả nhà đi ngủ.

 

* * *

 

Sáng hôm sau, chưa tỏ mặt người. Thằng con lái xe một mình, chạy phía sau xe bố hơn ba tiếng đồng hồ. Bây giờ, sau lưng nó đã là kỷ niệm của thời thơ ấu … có cha mẹ, thằng em và bạn bè. Ngôi nhà mà nó sẽ thèm được lau chùi chứ không phải mẹ la toáng lên mới cầm cây “móp” đi quẹt quẹt sơ sơ. Miệng không ngớt dụ thằng em nhỏ: “Tịt, đi lau bàn, dẹp dọn bớt games đi … Chiều anh hai chở đi mướn phim”.

 

Tất cả. Đã là quá khứ ! Chỉ còn là kỷ niệm.

 

Cả nhà ghé ăn sáng trước khi vô thành phố Bryan. Có khung trời Đại học, lừng lững nhà tù A&M. Nó nuốt gì nổi. Chữ buôn huyền buồn phảng phất trên gương mặt búng ra sữa … sắp sửa mồ côi, liếm lá đầu đường tới nơi rồi con ạ ! Rồi đây râu ria sẽ chứng minh: Đời là vạn ngày sầu ! Không biết ngày xưa có ai nhìn tôi như thế ? Con đường trước mặt của mỗi người đều bắt đầu từ sự rứt ra khỏi vòng tay mẹ mình. Sự trống lổng chưa quen đó sẽ được lấp lại mau thôi hay chậm là tùy ở duyên phận từng người. Sự chững chạc sẽ hiện diện nếu không phải là đổ đốn. Những điều ấy phụ thuộc vào lá thơ tôi đang viết cho con tôi. Bạn có viết cho con bạn lá thơ sau khi nó ra khỏi nhà bạn ? Quan hệ cha con nhất là con trai thường khó nói lúc gặp nhau vì cùng phái tính nhưng một người đã bị những thất bại trong đời bào mòn bớt “cái tôi” để sống lặng lẽ, khiêm nhường … bỏ ra nhiều thời giờ để nghiền ngẫm sự thành bại và lòng chỉ muốn truyền đạt kinh nghiệm lại cho con thì làm sao dễ dàng chấp nhận một con ngựa non háu đá, “cái tôi” còn cao ngất Trường Sơn. Bụt nhà không thiêng là vậy ! Bụt chùa hoang đá cho vài cái thì thức tỉnh ra ngay, đó là thời gian con cái bắt đầu học hỏi ngoài đường, cứ theo dõi qua vệ tinh: mẹ nó; em nó; bạn bè nó … Không bỏ nhưng cũng không can thiệp quá sâu vào một chút đời sống riêng tư của con mình, nhất là khi nó đã “có râu”.

 

Tôi đang viết cho con tôi lá thơ để nó có cái đọc những đêm không ngủ, dở ra tình cha con mà lớn thành người. Tôi chỉ mong con tôi thành nhân. Danh phận không làm cho người ta sống có ý nghĩa hơn đâu ! Đừng lệ thuộc vào văn bằng để đánh mất mình. Danh vị thường làm cho người ta xa lạ với chính mình nên Phạm Thiên Thư ngày xưa mới viết : Rằng xưa có gã từ quan, lên non tìm động hoa vàng ngủ sayÔng quan đã đi tìm lại mình đó. Có muộn quá không thì tôi không biết !

 

Vài tiếng đồng hồ sắp xếp cho con trong căn phòng lạ hoắc mà nó sẽ phải nuốt trôi những hóc búa vô cùng thời đại của mảnh bằng Đại học. Nó sẽ nghiệm ra câu xin lỗi Mẹ về quá khứ hỗn hào - đôi khi thôi. Hiếm hoi không có nghĩa là không có. Nó hiểu bố nó hơn. Nó thương em nó hơn vì đến lượt thằng em chui vô đây. Mày có bản lĩnh bằng anh hai không ? Nó sẽ tự trao cho nó ý thức trách nhiệm với đàn em thì tốt hơn là cha mẹ ép nó. Nó thành một con người khác thôi bạn ạ ! Con người chứng minh cho sự đầu tư của bạn là đúng hay sai ? Không có “hên - xui” trong chuyện này. Bạn gieo thóc thì gặt lúa, bỏ ruộng hoang thì đi cắt cỏ dại. Tôi chỉ nghĩ thôi, không biết có đúng không ? Con đi Đại học không có nghĩa là mình hết trách nhiệm. Tôi đã qua thời đó. Những đứa còn nhận tiền nhà dưới quê gởi lên Sàigòn, chúng còn biết: Trên đầu có ai. Biết trời cao đất rộng hơn những đứa sáng đi học, chiều đi ta bà thiên địa kiếm sống. Dọc ngang trời bể trên đầu có ai ! Coi trời bằng vung, trong mười đứa lang bạt kỳ hồ đó, mấy đứa không ngã hư ? Có thể nói là kinh nghiệm bản thân, nếu tôi không may mắn có người níu lại thì đâu có cơ hội hôm nay để ngồi hoài niệm, nhớ về quá khứ. Thiếu tình thương và sự quan tâm của gia đình thường làm cho tuổi trẻ hận đời vì suy nghĩ chưa sâu và những đứa hận đời - khờ khạo còn đỡ. Gặp đứa thông minh thì tác hại khôn lường. Có lần tôi rầy con tôi về việc sống vô trách nhiệm. Ăn xong bỏ tô, ly đầy bồn rửa chén cho mẹ về mẹ rửa là không đúng. Nó nói với mẹ nó: “Bố chỉ mong cho con ra khỏi nhà …” Rồi đây nó sẽ hiểu câu nói ấy của nó là đúng hay sai ? Bây giờ đến ngay cái ăn cũng không phải muốn là có như ở nhà thì việc rửa cái tô mình ăn chỉ còn là chuyện nhỏ. Hiến pháp không quy định ai là người rửa chén trong một gia đình nên con người phải tự nhắc nhở mình luôn luôn, sống làm sao cho người khác thương kính chứ đừng để người khác thương hại hay thương tình.

 

* * *

 

Ông kia to lớn gấp hai lần tôi, đứng ôm đứa con gái khư khư, làm như buông ra là thằng thanh niên nào nó chộp mất ngay. Đứa con gái cũng không biết mắc cỡ, khóc ròng trong tay cha. Cái kính Rayban không che hết được nước mắt ông lăn xuống. Ông ra xe để về thôi, tôi liên tưởng đến người lính Mỹ rời Việt Nam xưa kia ! Lặng lẽ. Cúi đầu.

 

Đến lượt tôi cũng không khá hơn. Nhìn hai đứa con mình cứ xiết chặt vào nhau - dặn dò. Thằng lớn ứa ứa, thằng nhỏ còn quá nhỏ nên tự nhiên buông lơi cảm xúc. Thấy thương lắm bạn ơi ! Trong bài báo “Món quà của Thượng Đế ” trên Phố Văn - số Giáng sinh năm rồi, tôi có viết: “Món quà của Thượng Đế ban cho vợ là chồng, ban cho anh là em, ban cho bạn là tôi…” Trong không khí Giáng sinh, tôi nghĩ vậy thôi. Bây giờ đã xác chứng. Thượng Đế đã ban cho loài người tình huynh đệ. Anh em như thể tay chân / như chim liền cánh như cây liền cành - Gia huấn ca.

 

Vợ tôi cố nén những giọt nước mắt người mẹ khi đứa con yêu mười tám năm trời, đêm nay không còn ngủ trong nhà mẹ nữa. Tôi chợt nhớ mẹ tôi khi xưa, những lần các anh tôi lặng lẽ đi quân trường. Mẹ tôi chắc buồn lo lắm. Đúng là làm cha mẹ mới hiểu lòng cha mẹ, ngày còn nhỏ chỉ giỏi phá làng phá xóm. Thằng con tôi ôm bố, vỗ lưng đùm đụp, “Con cám ơn bố nhiều lắm !…” Tôi quay đi để giữ vững vai trò người hùng trong gia đình chứ thiệt ra … tôi cũng con người, thậm chí giàu hơn tiền bạc tôi có là tình cảm trong tôi. Tôi nói con tôi: “Con bảo trọng, cần gì gọi bố”. Tôi đi những bước nặng nề để từ từ xa đứa con đứng tựa cửa trông theo những người thân đang rời xa nó.

 

Tôi nghĩ đến căn phòng lạnh lùng, một mình nó đêm nay … tôi đang dẫm lên những dấu chân người đàn ông Mỹ ban nãy. Phải chăng người Việt mình dù có mang quốc tịch gì đi nữa thì sự gắn bó trong gia đình cũng là người Việt. Người đàn ông mang quốc tịch gì đi nữa thì tình cảm của họ cũng không tệ lắm đâu.

 

Thật tội nghiệp cho những đứa trẻ đến trường một mình với hành trang đơn sơ. Tự khuân, tự vác … tự nhiên đứng nhìn sự lạc lõng của mình bị phản chiếu bởi những sự-không-nỡ-rời-xa-của-kẻ-khác. Tôi thấy mình bất nhẫn với người khác nên đi nhanh thôi. Xin gởi những người cha quên đưa con đến trường; những người cha còn sống như đã chết; những linh hồn chưa bị bôi số xã hội vì tim còn đập nhưng đập theo nhịp của đồng tiền và danh vị phù du. Xin lỗi !

 

Bài học thuộc lòng thuở nhỏ: “Tôi đi học” của Thanh Tịnh vang vang trong tôi theo những bước chân nặng nề để ra xe ngoài parking. “Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc … mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp …” Ôi ! Bâng khuâng.

 

* * *

 

Đường về thăm thẳm, tôi nuốt những cánh đồng cỏ cháy dọc theo xa lộ như con bò già nhai lại quá khứ buồn tênh. Nhà bốn người. Giờ còn ba, nghe buồn lắm bạn ạ ! Cái bàn ăn sẽ trống đi một chỗ, thức ăn chắc không còn ngon miệng như xưa. Đứa con tới tuổi trưởng thành là do xã hội quy định. Trong con mắt cha mẹ, nó là thằng Nhí muôn năm.

 

Về đến nhà là điện thoại reo, nó biết: “Sáng đi với con thì bố chạy ba tiếng rưỡi, chứ bố về một mình thì ba tiếng thôi chứ nhiêu”. Thằng em nhỏ hơn thằng anh mười tuổi, vậy mà nhiều khi tôi cũng không biết thằng nào là anh hai thằng nào. Toàn nghe thằng em nhắc nhở; dặn dò thằng anh: “Hai lấy hộp cơm trong tủ lạnh, ngăn trên đó, ăn đi. Warm-up chút thôi nha, nhớ đậy … để nó giăng … dơ microware lắm đó ! Uống một cái coke thôi nha, uống nhiều quá chảy máu lỗ mũi đó.” Rồi khóc.

 

Sáng hôm sau thức dậy, lật đật chạy qua phòng anh hai, kêu anh hai dậy đi học. Nó “sốc” thật sự với căn phòng trống huơ, “Hai đi mất tiêu rồi, bố ơi ! ” Nó lại khóc ! Tôi ước gì mình cũng tám tuổi như nó để có một tình yêu thật thà thánh thiện không nửa người nửa ngợm nửa đười ươi như tình yêu chó cắn đang có trong tôi. Tôi chở nó đi học, ngày tựu trường. Chú nhóc cười được ngay với bạn bè gặp lại sau một mùa hè. Đứa nào cũng sáng rực như những ngọn đèn trong nhà mỗi đứa.

 

Trở về nhà ngồi gõ cái chi đây ? Chắc đến thằng nhỏ đi Đại học, tôi bán nhà theo nó luôn cho rồi. Cái thằng nhóc con rộn ràng nhất trong nhà nhưng nó là: nhịp cầu nối những bờ vui.

 

 

Phan

(Bai Chuyen)

website counter