TRÍCH ÐOẠN -
Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự
Số 297 - Ngày 08
tháng 2 năm 2009
(Văn Quang)
Những chuyện bi đát và
khôi hài
Hai tuần sau Tết Nguyên
Đán, TP. Sài Gòn như mang một sắc
thái mới, cũng có thể nói là mang
một bộ mặt mới. Có lẽ trong những ngày Tết, mọi
nhà, mọi người cố tạo ra vẻ
"thanh bình, yên ấm" theo
cái kiểu "vui thì vui gượng kẻo
là"… cho qua những ngày đầu năm.
Thật sự tự trong đáy sâu tâm tư
hầu hết những gia đình từ đủ ăn đủ mặc trở xuống
đều nhận thấy rất rõ một năm
đầy khó khăn trước mặt. Ngay từ
những ngày trong Tết, rất nhiều gia
đình đã "thắt lưng buộc
bụng", bớt xén đủ thứ, không mua
sắm những thứ không cần thiết. Một cành hoa cũng đủ, không
cần tới một chậu hoa. Nhưng
quả thật người ta không thể ngờ
rằng cả một khu công viên 23-9 tràn
đầy hoa trái năm nào cũng bán
gần hết thì năm nay chỉ bán
được rất ít, có cửa hàng
chỉ bán được 10 đến 20%. Còn bao nhiêu bán son, bán
"bỏ" cũng chẳng ai mua. Một chậu
hoa bán có giá bán 200 ngàn đồng,
30 Tết bán 20 ngàn, thiếu điều nhờ
người ta khuân hộ cũng chẳng ai ngó
ngàng tới.
Không chỉ có hoa mà
nhiều mặt hàng cũng ở trong tình
cảnh ấy. Những
bà bán rau ở chợ cũng ế hàng
vì số công nhân vắng hẳn.
Bước vào hai tuần
đầu năm, điều này được
biểu lộ rõ rệt. Thành phố đã trở
lại nhịp sống bình thường quen thuộc,
nhưng mọi hoạt động uể oải hơn.
Thêm vào đó là cảnh những
cái lô cốt "sống lại", nhiều
hơn, ở những con đường chật chội
hơn. Hứa hẹn sẽ còn có thêm
nhiều con đường khác được
đào xới, sẽ còn vô số những
cảnh kẹt đường, chen
lấn, toát mồ hôi. Ngay trong
quý 1-2009, Thành phố sẽ còn rào
chắn gần 100 vị trí trên 80 tuyến
đường. Dân Sài Gòn tha hồ ăn no "lô cốt".
Công nhân mất việc làm
long đong đi kiếm việc. Nhiều công ty xí
nghiệp đóng cửa luôn hoặc chỉ
nhận một số ít công nhân cũ. Có công ty nhân cơ hội này
còn "thay máu" công nhân. Họ nhận công nhân mới để
khỏi trả tiền làm việc lâu năm.
Nhiều văn phòng được
trả lại cho chủ cũ.
Tóm lại sinh hoạt của
thành phố bắt đầu chịu ảnh
hưởng khá nặng nề trong cuộc suy
thoái kinh tế toàn cầu.
Hành hương hay hành hình ?
Tuy nhiên nhìn ra các lễ
hội trên toàn quốc, thường bắt
đầu vào những ngày đầu xuân,
lễ hội nào cũng chật cứng. Có lẽ năm nay
đông hơn mọi năm vì người
dân không còn biết tin vào cái gì
khác hơn là "số mệnh".
Sau Tết cổ truyền, từ Nam chí
Bắc, các lễ hội lại liên tiếp
mở ra. Có
thể kể một số lễ hội nổi tiếng
từ xưa tới nay. Hà Nội có hội
Chùa Hương, hội Thánh Gióng Phù
Linh, hội vật Triều Khúc, Bắc Ninh có
hội Lim, Cao Bằng có lễ hội Kỳ Sầm
Hoà An, Bắc Cạn có lễ hội Nam Mẫu,
Ba Bể, Tuyên Quang có hội chọi trâu
Hàm Yên; Lao Kay, Ninh Bình có hội chùa
Bái Đính, Quảng Ninh có hội Yên
Tử, Hải Dương có hội Côn Sơn,
Thừa Thiên-Huế có hội làng Sình
…
Tổ chức lễ hội nhằm đáp
ứng yêu cầu sinh hoạt văn hóa cộng
đồng ở nhiều địa phương có
di tích lịch sử văn hóa hoặc danh lam
thắng cảnh mang bản sắc văn hóa của
mỗi vùng, miền, đó cũng là
việc làm đáng khích lệ. Song nhìn vào sự tổ chức lễ
hội thì chúng ta không khỏi thất
vọng vì ở rất nhiều nơi có
những cảnh đúng nghĩa là "vô
tổ chức".
Việc khoán trắng cho các "cai
thầu" tổ chức bán vé vào hội,
thuyền đò lừa đảo khách, hàng
ăn quán xá bẩn thỉu, chặt chém
khách hành hương vô tội vạ.
Hàng trăm trò làm tiền, bịp bợm
của những kẻ buôn thần bán thánh
công khai diễn ra. Năm nào cũng
như năm nào, năm nay "khắc phục"
rồi năm sau lại y chang năm trước. Mỗi năm dường như cường
độ lại mạnh hơn. Đến
nỗi nhiều người ví cuộc hành
hương không khác gì một cuộc
"hành hình". Vệ sinh môi
trường ở nhiều lễ hội chưa bảo
đảm, nhất là vệ sinh, an
toàn thực phẩm chưa được giám
sát, chẳng ai quản lý. Đi
hội là để tham gia trò vui, nhưng
nhiều nơi trò vui bị biến tướng
thành những sòng bạc trá hình,
nhiều khách bị "lột" không còn
một xu dính túi. Tệ hại hơn
nữa là nạn trộm cắp tung
hoành ở khắp các lễ hội, các
cơ quan an ninh đành bó tay.
Ở một số lễ hội,
phần "lễ" nặng hơn phần
"hội" và các trò vui chơi giải
trí lành mạnh còn ít. Lễ nặng nhưng nặng về
phần “diễn” của quan chức,
"diễn" của những đạo diễn
quá sáo mòn, nhàm chán chứ không
tạo được ấn tượng, ý nghĩa
thực sự cho mọi người. (Mời xem
thêm hình ảnh * LỄ HỘI
CHÙA HƯƠNG *)
… …
… …
Đến chuyện cướp gà
thiêu hủy
Một thông tin khác khiến
người dân ngỡ ngàng, không thể
ngờ lúc này có một số người
lại "đói" đến thế.
Chi cục Thú y Hà Nội cho biết,
vào 4g sáng ngày 5-2 (tức sau Tết 10
ngày), chốt kiểm dịch liên ngành
tại Ba La (Hà Đông) đã phát
hiện và bắt giữ 1 xe
vận tải vận chuyển gia cầm không có
giấy kiểm dịch. Lực lượng liên
ngành kiểm tra phát hiện, trên xe có
1.500 con gà thịt, trọng lượng khoảng 3
tấn, giấy kiểm dịch đã bị chữa
ngày tháng. Lực lượng
liên ngành đã quyết định tiêu
hủy số gà này.
Chiều cùng ngày, số gia
cầm bị bắt giữ trên đã
được chở đến bãi cát xã
Hồng Vân (Thường Tín) để tổ
chức tiêu hủy.
Tuy nhiên, tại đây, khi lực lượng
chuyên ngành bắt đầu đưa gà
xuống hố để chôn theo quy
định thì người dân địa
phương đã đổ xô vào
cướp gà.
Người ta nhảy cả xuống
hố để lấy gà, ném lên cho
người bên trên cho vào bao tải. Tiếp đến, người dân
đổ xô vây lấy xe
chở gà và trèo lên xe để
cướp. Thậm chí, để tiện cho việc
lấy gà, có người dân đã leo lên ca bin và lái luôn
chiếc xe chở gà ra giữa bãi cát. Và, 1.500 con gà không giấy tờ
kiểm dịch bị bắt giữ đi tiêu hủy
nhưng lượng tiêu hủy không
được 20%. Khắp nơi,
những con gà chết bị bỏ lại
vương vãi.
Trong khi đó, chính quyền
địa phương lại không có hành
động nào trước sự việc này.
Liều mình vì gà
Chi cục phó Thú y Hà Nội Nguyễn
Xuân Vui kể về vụ tiêu hủy gà
ở xã Hồng Vân (Thường Tín):
"Lực lượng chức năng gần 30
người, nhưng không thể ngăn
được. Thậm chí, khi chúng tôi
đổ 20 lít xăng xuống hố chôn và
châm lửa đốt, vẫn có người
nhảy xuống lấy gà".
Ông Vui kể lại: "Gò cát
cách xa khu dân cư, chỉ có người
làm gạch, xúc cát bán. Thấy
gà tiêu hủy còn khỏe, rất nhiều
người đã kéo đến cướp.
Gần 30 người gồm công an, quản lý
thị trường, thú y thành phố, thú y
huyện Thường Tín và an
ninh xã Hồng Vân không thể ngăn chặn
được dân".
Theo ông Vui, rất nhiều người sau khi
cướp được, thấy gà chết,
hoặc ướt sũng do được phun thuốc
khử trùng, đã vứt khắp gò
cát. Lực lượng thú y lại phải
đi thu gom từng con để đốt. "Chúng
tôi không tính đến khả năng dân
cướp gà tiêu hủy, nên bố trí
lực lượng mỏng. Từ
trước đến nay, địa bàn Hà
Nội và Hà Tây cũ chưa bao giờ
có hiện tượng này".
Hiện cơ quan thú y rất
khó xác định chính xác bao nhiêu
gà bị cướp, chỉ ước đoán
sau khi thu gom gà vứt bừa bãi khắp gò
cát, số tiêu hủy chiếm khoảng 3/4. Hiện, không thể kiểm
soát được số gà này đang
ở đâụ Đề phòng gà tiêu
hủy có thể mang mầm bệnh và lây lan
dịch cho địa phương, thú y huyện
và xã đã khoanh vùng bán kính 1
km, tính từ vị trí chôn lấp, để
phun thuốc khử trùng và giám sát
dịch bệnh.
Nguy cơ dịch lây lan từ
các địa phương là rất có
thể xảy ra. Gần đây nhất,
vào chiều ngày 3-2-2009 vừa qua, tại
Quảng Ninh đã phát hiện một
trường hợp nhiễm virus H5N1.
Đó là bệnh nhân Lý Tài
Múi, 23 tuổi, người dân tộc Dao, thôn
Nà Cáng, xã Quảng An,
huyện Đầm Hà, Quảng Ninh.
Bệnh nhân đã được xét
nghiệm lần thứ nhất bằng test nhanh, nhưng
kết quả cho được là âm tính. Lần thứ hai được xét
nghiệm bằng phương pháp PCR (phương
pháp tích hợp gen), kết quả là
dương tính.
Theo kết luận ban đầu, bệnh nhân
Lý Tài Múi đã nhiễm virus H5N1.
Các chuyên gia thuộc Bệnh viện y học
lâm sàng các bệnh nhiệt đới
và Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương
đã có mặt tại Quảng Ninh để xem
xét trường hợp này và địa
phương nơi xuất hiện nguồn bệnh.
Nếu 1.500 con gà bị cướp ở
Hà Tây, trong đó mang mầm mống dịch
bệnh thì chưa biết điều gì sẽ
xảy ra. Và hành động
này của một số người dân, phải
chăng đã chứng tỏ sự thiếu đói ở những
vùng quê đã đến lúc báo
động. Họ đáng
thương nhiều hơn đáng trách.
Bi đát và khôi hài
Bên cạnh đó có
một thông tin cũng khiến người dân
sững sờ. Một
ông trưởng công an xã
chuyên … bắt trộm gà của dân.
Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tuy An,
tỉnh Phú Yên đã có kết luận,
Phạm Ngọc Minh Tâm, Trưởng Công an xã
An Chấn, thường đi bắt trộm gà
của người dân hàng xóm và
nhiều lần bị … bắt quả tang.
Tất nhiên Ban Thường vụ huyện
ủy Tuy An ra quyết định kỷ luật và
đề nghị cách chức Trưởng Công an
xã An Chấn đối với ông Tâm và
Trường Trung cấp Cảnh sát II, nơi ông
Tâm đang theo học lớp trung cấp Trưởng
Công an xã, hệ “vừa học, vừa
làm”, cũng đã buộc ông này
thôi học.
Quả là một thông tin "bi đát
và khôi hài", chẳng còn gì
phải "bình loạn". Phải không bạn ?
… …
… …
TRÍCH ÐOẠN -
Lẩm cẩm Sài Gòn thiên hạ sự
số 299
Ngày 22 tháng 2
năm 2009
(Văn Quang)
… …
… …
Chỉ Hà Nội mới có
Những cái hay, cái đẹp
của Hà Nội, báo chí ở VN đã
nói đến nhiều rồi, tôi cũng
được nghe không thiếu. Cả cái dở,
cái xấu cũng khá nhiều. Đó
là chuyện tự nhiên của một thành
phố lớn. Ở đâu chẳng
vậy.
Nhưng có một thứ mà
chỉ Hà Nội mới có, đó là
chuyện ẩm thực với "bún quát, phở đuổi, cháo
chửi". Chuyện này tôi
nghe từ lâu đã thấy kinh ngạc lắm
rồi. Không ngờ đi ăn
bún thì bị quát, đi ăn phở
thì bị đuổi, đi ăn cháo thì
bị chửi. Các bạn đã thấy,
đã nghe ở bất kỳ nơi nào trên
thế giới, kể cả ở những nước
lạc hậu nhất, có chuyện này chưa ?
Ấy thế mà bây giờ
lại còn có chuyện "động
trời" hơn. Nghe qua cứ tưởng là chuyện
bịa, bịa trắng trợn, bịa láo lếu.
Làm gì trên đời này lại có
thứ chuyện quái đản đến như
thế. Song tôi cũng rất tiếc
rằng đây là chuyện có thật 100%.
Nói có sách mách có
chứng. Chỉ cần dẫn chứng
một nguồn tin trên báo của một anh phóng
viên ở ngay Hà Nội là đủ,
không cần thêm mắm muối đã
hoảng hồn rồi.
Đọc nguồn tin kia, tôi
còn đang phân vân thì lại nhận
được cái "meo" của một
người đẹp được mệnh danh là
"Bà Phổi Bò Hồng Ọ" từ Seattle, tuốt
tận bên Huê Kỳ, gửi tới. Hồng Ọ
cũng chẳng “bình loạn” gì thêm, chỉ gửi nguyên xi tin
này “bố cáo” với bạn bè. Thế là quá đủ. Tôi
đành phải viết bài này tường
trình cùng bạn đọc cho rõ ràng,
kẻo sợ người biết người không,
hoặc "tam sao thất bổn" cái thừa
cái thiếu, mất đi tính xác thực,
vốn là thứ quý nhất của nguồn tin.
Phong cách mới
Những phong cách "bún
quát, phở đuổi, cháo chửi", như
tôi đã nói ở trên, bây giờ
đã thuộc về quá khứ. Không phải nó
tàn lụi mà nó "phát triển
lên một chiều cao mới", kinh hoàng
hơn. Anh chàng phóng viên
của Hà Nội gọi là "ác
liệt" hơn. Có lẽ từ ngữ
này cũng bị ảnh hưởng từ thời
chiến tranh, thí dụ như B52 đánh phá
ác liệt.Tôi còn nhớ hồi đó,
đứng từ xa nhìn máy bay B52 đánh
phá ác liệt như thế nào, song nghe qua
những lời lẽ trong vài quán ăn được
diễn tả, cũng có thể hình dung ra
lời nói đó làm ù tai hoa mắt
không kém gì nghe B52 giội bom giữa thời
bình.
Không còn cách dùng
từ nào khác nên tôi tạm gọi
những cách hành sử sau đây là
một “phong cách mới” vậy. Nếu bạn đọc
nào có câu chữ hay hơn, xin vui lòng
góp ý để bà con cùng bàn
luận cho vui chuyện "thiên hạ sự".
Hầu như một số rất lớn
người Hà Nội, công tư chức,
thuộc dạng trung lưu, tiểu thương có
thói quen đi ăn sáng ở những hàng
quán nổi tiếng dù nó nằm ở
ngóc ngách nào. Ham rẻ thì ít, ham
ngon thì nhiều. Còn những "đại
gia" thì không ham ngon, ham rẻ mà lại ham
"làm sang", chọn những quán nổi
tiếng được trang trí như "bố
thằng Tây" và điều kiện là
phải chém đắt mới đúng là
nơi đáng ăn. Cho dù lúc nay đang là
lúc suy thoái kinh tế trầm trọng, ai thắt
lưng buộc bụng ở đâu không biết,
các "đại gia" vẫn không từ
bỏ thói quen đã làm nên tính
cách đại gia của mình.
Ở Sài Gòn và các
thành phố lớn cũng thế thôi, nhưng
mỗi cửa hàng có một phong cách
phục vụ khác nhau.
Ở đây tôi đi vào cụ
thể, một số hàng quán ở đất
thủ đô ngàn năm văn vật hiện nay.
(Nếu viết phóng sự hồi xưa, tôi
không ngần ngại diễn tả rằng
"Hà Nội ngay bây giờ, liền tút
suỵt". Lối đó hơi xưa
rồi nên tôi không xài nữa, cho vào
viện bảo tàng chữ nghĩa).
"Miệng nhai, tai nghe chửi"
Xin nói ngay, đó là
tiêu đề của anh chàng phóng viên
sống ở Hà Nội, chứ không phải
của tôi. Thực
khách đã quá quen với lối vừa ăn vừa nghe chửi này rồi
nên cứ tỉnh như ruồi, ăn uống xì
xụp ngon lành. Ngay từ khi khách
chưa bước chân vào cửa hàng,
đã có thể nhận ngay một lời
chào đầy tình cảm chua lòe của
chính chủ nhân.
Tại quán bún canh dọc mùng nổi
tiếng thơm ngon với món lưỡi,
sườn, giò heo chấm xì dầu, hông
chợ Ngô Sĩ Liên (Hà Nội), trưa
ngày 15-02-2009 vừa qua, một khách mới
dừng xe trước quán hỏi bà chủ:
- "Chị ơi, để xe ở đâu
?".
Bà đốp ngay vào mặt:
- "Để lên nóc nhà này này !".
Bà chủ ngoài 50, ít khi
ngớt tiếng léo nhéo chua loét. Một thực khách thích ăn rau sống, gọi rau đến
lần thứ 3, bị bà chồm qua bàn bán
hàng quát nạt:
- “Đây không có rau, tự trồng
mà ăn !”.
Ấy thế mà khách không giận mới
là lạ.
Một bà khách sau bữa trưa ngon
miệng, biết tính bà chủ hay cáu
gắt, chị lại gần bà chủ nhỏ
nhẹ: “Chị gói cho em 1 cái lưỡi mang
về nhà. Nhà em ít
người, chị cho cái nho nhỏ thôi".
Bà chủ quán ngồi cạnh nồi canh nghi
ngút khói, mặt đỏ phừng phừng
quắc mắt: "Đây không có hàng
nho nhỏ ! 60 nghìn
đổ đầu”. Chị
khách bắt đầu sợ, đành phải
gật đầu ngay. Nhưng bà hàng
chưa hết cơn. Bà vừa gói hàng,
múc nước chấm, vừa nguýt chị
khách: "Đã muốn ăn ngon lại còn
đòi rẻ !". Rồi cơn
cáu giận dâng cao, bà móc cái
lưỡi heo luộc ra khỏi túi nilon định
đưa cho khách, song lại ném vào rổ: “Thôi
không bán nữa đâu, về đi
!”. Chị khách tím mặt
lủi thủi ra về.
Ở một quán ăn khác, quán
mì vằn thắn trên phố Trần Hưng Đạo,
hai vợ chồng chị Chị Hồng Hạnh (ở
Vĩnh Hồ, Hà Nội) kể, một lần
chúng tôi đến ăn, chờ mãi không
thấy nhân viên đến hỏi, chồng
chị ra tận quầy chủ quán gọi món
ăn. 10 phút sau không thấy ai mang đồ ăn ra, hai vợ chồng ngại quán
đông, đứng dậy ra về. Vừa ra khỏi
cửa, đã nghe một giọng đàn ông
chửi với theo: “Loại giẻ rách, có
C. tiền mà ăn !".
Vợ chồng chị Hạnh ấm ức lắm,
nhưng không dám phản ứng vì: Thứ
nhất, không đáng phải đối phó
với những loại người thô tục như
thế này. Thứ hai, cái quán ăn nổi
tiếng này chắc nó phải có
"bảo kê", có bọn "mặt
rằn" đứng sau, chính quyền ở
đây chắc cũng không xa lạ gì với
chủ quán. Thứ ba, chị thấy người ăn vẫn vòng trong vòng ngoài
chầu chực để được "xin ăn
". Thôi thì đành
"nhắm mắt làm ngơ" vậy. Chị không hiểu tại sao giữa
thành phố lớn, những người ra vẻ
lịch sự như thế này mà vẫn có
những người chấp
nhận "tủi nhục" để được
ăn. Họ quen với lối "xin
cho" thời bao cấp rồi chăng ?
Một kiểu vừa bán hàng
vừa "chửi chó mắng mèo"
Khi bạn đến chơi nhà ai, thấy
chủ nhà tiếp đãi bạn ân cần,
nhưng trong khi đó vẫn cứ quát nạt
chửi bởi, mắng nhiếc con cái, bạn
đã thấy nhột lắm rồi. Trong
cách xử thế, người ta gọi là
kiểu "chửi chó mắng mèo"
để gián tiếp đuổi khách.
Quán bún ngan trên
đường Trần Hưng Đạo bà chủ
quán áp dụng chiêu này để ra oai. Bà tỏ ra ngọt ngào
với khách nhưng lẫn lộn trong sự ngọt
như mía lùi ấy là những câu
chửi thậm tệ đám "lâu la"
bưng bê của cửa hàng: "Mày đi
đâu mà giờ mới vác xác
đến, ở nhà chôn bố mày à ?".
Thì ra nạn nhân là cô
giúp việc mới đang đứng chịu
trận trước bà chủ và hàng
chục thực khách đang tất bật nhai và
... nhẫn nại nghe.
Bà chủ quán thấy nhiều người
ngẩng đầu ngó, như được
khuyến khích (ở Hà Nội con gọi là
được động viên), tay làm hàm
càng ... chửi !.. Càng chửi
càng hăng.
Ở hàng hủ tiếu nổi
tiếng trong "ngõ ẩm thực" phố
Hàng Chiếu, bà chủ hàng cũng phải
chửi người giúp việc liên tục. Bà chửi rất du dương,
xen lẫn lời mời với khách hàng khá
êm đềm:
"Mày có rồ không mà cắt rau
dài thế này ?". Rồi
quay sang phía một khách hàng trẻ, bà
tiếp nối luôn: "Em không ăn
rau sống, à". Rồi lại quay vào chửi
người làm: "Cái con ngu vạ ngu vật
kia, khách chờ vòng trong vòng ngoài
mà cứ đứng như con chết rồi thế
kia à ?" Lại quay sang phía
khách hàng bà "hát luôn":
"Chưa đến lượt em, đợi tí, gái
nhé !". Lại liên tục
chửi: “Xéo về quê mà hốc C.!
Loại lười thối thây như mày chỉ
tổ ngứa mắt tao!". Quay sang
khách bà đổi giọng một chút:
"Ngồi xuống đây em, chật chội
tí, thông cảm nhá!"... Cứ
thế liên tục bà vừa chửi vừa
"hát" vừa bán hàng, không hề
biết mệt.
Nhiều người khẳng định họ
đều ít nhất 1 lần vừa ăn
hàng vừa ... được nghe chủ quán
chửi người làm. Bà Lan
(bán hàng lưu niệm) kể: Cuối tuần
trước, cả nhà bà đến quán
hải sản biển B.H trên phố Tô Hiến
Thành. Bà chủ ở đấy
đang quát tháo một nhân viên, thỉnh
thoảng lại xỉa xỉa con dao về phía
cậu người làm; cậu này thì
mặt lạnh tanh như không nghe thấy gì.
Các cháu bà Lan ngồi
cạnh sợ rúm ró trước lưỡi dao
sắc lẻm thỉnh thoảng vung loang loáng
trước mặt.
Trước những chủ quán
mồm năm miệng mười, chửi người
làm như hát hay, nhiều khách nghẹn. Bà Lan chỉ
còn biết nói:"Nuốt chưa hết
miếng đã muốn đứng lên, ăn
một lần là cạch đến già"
Nhưng cũng với nhiều người, nghe
chửi ở quán hàng thường như ...
vừa ăn vừa xem biểu diễn (cốt sao
tiếng chửi không dành cho mình
!).
Thế nên, "phong cách bán
hàng" kiểu... chửi không chỉ phát
huy cao độ ở các quán hàng nhỏ,
mà nay nó còn được lan
sang ở hệ thống nhà hàng bậc trung
như L.V (phố Lý Thường Kiệt), Q.N (phố
Phan Bội Châu)...
Văn hóa Hà Nội của
các anh như thế đó
Điều kinh ngạc hơn cả là tại
sao người Hà Nội, dù chỉ là
một số người, lại chấp nhận
"phong cách" mọi rợ này như một
nét riêng của Hà Nội. Những
ví dụ nhỏ nhưng có ý nghĩa rất
lớn. Đó chính là
văn hóa, chính là bộ mặt của
Hà Nội. Chẳng lẽ cứ để
thế mãi sao, hỡi những nhà thông
thái, những nhà xã hội học, những
người có bổn phận xây dựng Hà
Nội, những người lo cho cả một thế
hệ tương lai Hà Nội ???
Có lẽ nào các vị này đã
quá quen rồi nên thấy như thế là
chuyện bình thường chăng ?
Du khách sẽ nghĩ gì, sẽ "kinh
sợ" Hà Nội đến như thế nào
nữa ?
Một người bạn tôi ở Hà
Nội, đang làm việc tại Sài Gòn,
đã cam đoan rằng nếu ở Sài Gòn
thì những hàng quán như thế không
có một cơ hội nào sống sót.
Dù rằng cũng còn có một vài
hàng quán chưa tiếp đãi ân cần,
chưa thể hiện được tính văn minh
lịch sự đúng nghĩa, nhưng "phở
đuổi, bún quát" thì không hề
có. Ngay cả trong cách giao tiếp hàng
ngày, hai tiếng "cảm ơn" và "xin
lỗi" ở Sài Gòn cũng nhiều hơn
ở Hà Nội. Anh bạn tôi ngán ngẩm:
“Nếu vừa ăn vừa nghe chửi mà
được gọi là “nét văn hóa
Hà Nội” thì xin lỗi, chắc tôi
không bao giờ dám nhận mình là
người Hà Nội nữa”.
Một độc giả ở miền Nam cũng lên tiếng:
"Tôi là người miền Nam, tôi
thường hay ra Hà Nội công tác và
rất thích các món ăn ở Hà
Nội. Những lúc rảnh rỗi, tôi
thường lân la ăn nhiều
món ở Hà Nội. Tuy nhiên, ăn
ở đây tôi có cảm giác mình
không phải là thượng đế. Ăn mà phải tự mình phục
vụ, tự bưng bê, lấy ghế, trông xe,
giữ xe, tự đi tính tiền ... rồi còn
nghe chủ quán quát tháo, cằn nhằn.
Điều này khác hoàn toàn
với trong miền Nam, khách hàng khi vào ăn
được nhân viên giữ xe ân cần
dắt xe, khi ra thì ân cần dắt ra, vào
quán chỉ cần kêu, chủ quán phục
vụ tận bàn, cho dù gọi lắt nhắt,
đủ thứ thì bao giờ người bán
hàng cũng vui vẻ, niềm nở. Không có
kiểu "không ăn thì biến" như
ngoài Hà Nội".
Một người có bạn ở nước
ngoài về, hãnh diện đưa bạn đi
ăn sáng ở quán bún riêu hôm
mùng năm Tết. Khi phải đợi hơi
lâu, anh bạn lịch sự hỏi người
bán hàng, vậy mà được nhận nay
câu chửi: “Từ từ, là bố
người ta đ... đâu mà đòi ăn
là có được ...". Anh bạn
người Hà Nội ngượng tím mặt,
đành đem "lịch sử" ra bào
chữa rằng "Cái thời mà anh biết
về Hà Nội thanh lịch xưa qua rồi,
thời đồ đá có lối giao tiếp
của đồ đá, thời đồ
đồng có lối giao tiếp của đồ
đồng, thời đồ đểu có lối
giao tiếp của đồ đểu. Anh bằng
lòng vậy, anh chỉ ở đây vài
ngày rồi đi, còn chúng tôi ở
dài dài mới đau"
Một độc giả khác kể: Tôi
được một người bạn mời ăn phở tại quán Phở Nhớ
trên đường Huỳnh Thúc Kháng
(ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Nguyên
Hồng). Thật ngạc nhiên khi bước vào
đã nghe thấy bà chủ quán chửi
người làm bằng ngôn ngữ thô tục
hết chỗ nói, thật sự là ngồi ăn trong hoàn cảnh đó
làm sao mà ngon được.
Chưa hết, khi anh bạn tôi hỏi
người thái hành: "Hành chưa rửa
hay sao mà trông bẩn thế ?".
Lập tức bà chủ quán quát tháo:
"Anh nói gì ? Ai chưa
rửa, nhà tôi bán hàng có cho
mình anh đâu, ăn thì ăn không ăn
thì bước, không cần bán, đ.m.
cái loại khách này đ.. cần".
Ôi trời ! Tôi nghe như
tiếng sét bên tai, thật quá hãi
hùng, tôi không thể hiểu nổi
người bán phở này nghĩ cái gì
trong đầu ? Văn hóa nào
dạy họ có cách cư xử như vậy ? Bây giờ nghe cái gì
có từ "Nhớ" tôi cũng giật mình ! Thật sự là quán
phở đáng "nhớ" ! Tôi cảm thấy xấu hổ và
xót xa cho Thủ đô của chúng ta".
Không phải mình bạn xấu hổ
đâu, cả Hà Nội, cả nước
xấu hổ và ngay cả người VN ở
nước ngoài cũng xấu hổ nếu có
một du khách nào đó kể về văn
hóa Hà Nội của các anh như thế
đó.
Không tin bất cứ cái
gì ở VN
Tạo nên một phong cách giao tiếp
về mọi mặt, từ ẩm thực đến
lối cư xử, từ nhà hàng buôn
bán, khách sạn, sân bay, bến xe,
nơi du lịch của người dân Thủ
Đô là điều cần thiết. Xin lấy
một ví dụ khác, vừa xảy ra:
Ngày 14-2, bà Huyền Thanh - giám
đốc Công ty cổ phần Thương mại
& Du lịch Sen Rừng cho biết, lại vừa
có thêm hai khách du lịch nước
ngoài đi tự do bị taxi “dù”
tại sân bay Nội Bài lừa tiền trắng
trợn.
Ông bà Duguay Lionel trước khi sang Thái
Lan thăm con gái đã
dành một tuần vào VN du lịch từ
ngày 13-2. Ở Canada,
hai người đã tự đặt trước
phòng khách sạn và đã biết
rõ, giá taxi bốn chỗ từ Nội Bài
về khu phố cổ Hà Nội cao nhất là
250.000 đồng VN một chuyến.
Theo lời kể của khách, mặc dù
đã thỏa thuận với tài xế taxi
ở Nội Bài đúng giá 250 ngàn
nhưng khi về tới khách sạn tại phố
Hàng Trống, người này “giở
mặt” đòi thanh toán 450 ngàn. Thấy
hai bên to tiếng, nhân viên khách sạn ra
can thiệp nhưng tài xế taxi kiên quyết
không mở cửa cho khách xuống. Cuối
cùng, hai vợ chồng già đành phải
trả thêm 200 ngàn để được
yên thân.
Bà Thanh than phiền: “Khi tới văn
phòng Sen Rừng mua tour, khách vẫn bất
bình và tuyên bố “không tin bất
cứ cái gì ở VN”.
Nghe câu này người nào
còn ở Việt Nam
mà không đau.
Đau mà không chối cãi được,
không "đính chính" gì
được. Chỉ còn biết than: Ô hô ! Ai tai !. Văn minh
thủ đô là như thế đó
!
Và đến chuyện chợ
búa
Tại chợ Ngã Tư Sở trưa 16-2,
tại một quầy quần áo, một khách
bị chủ hàng túm tóc, nắm chặt tay
không cho đi, chủ hàng lấy lý do vì
“chưa mở hàng, mặc cả rồi thì
phải lấy !”. Hỏi
ra, mới biết giá nói thách của
chiếc áo là 300.000 đồng, khách chỉ
trả 100.000 đồng. Thấy khách đi
chợ tò mò đứng lại xem, bà
chủ hàng đành buông tay
giữ khách, tay kia quăng cái áo vào
mặt khách, miệng không ngớt ném theo sau
"thượng đế" những câu chửi
tục tĩu.
- "Đồ con điên", xấu như
Thị Nở còn bon chen áo xống !".
- "Khố rách áo ôm, một xu
không dính túi thì đừng có
sờ vào hàng người ta, hãm tài
cả ngày!".
Cảnh chèo kéo, chửi bới khách
xem hàng rồi không mua, không chỉ đầy
rẫy ở chợ Ngã Tư Sở mà còn
"thường như cơm bữa" ở nhiều
cửa hàng, chợ Hà Nội.
Có những điều mà
nếu luật pháp nghiêm minh, quyết tâm
trừng trị vẫn có thể dẹp
được. Nhưng
cũng có nhiều thứ mà luật pháp
không thể can thiệp được. Người
ta chửi thề mấy câu, nói tục vài
tiếng, cử chỉ ngông nghênh thô lỗ,
khó có thể phạt được, dù
là phạt hành chính. Chỉ có sự giáo
dục trong từng gia đình, trong từng con
người từ lúc còn nhỏ, chỉ có
tính cách truyền thống mới làm nên
phong cách lịch lãm của một thành
phố. Từ
trên xuống dưới phải hấp thụ
được cái tinh hoa đó thành
thói quen và phải có thái độ
phản kháng lập tức với những thái
độ thô tục, những ngôn ngữ
"chợ búa". Không thể coi đó là chuyện
bình thường để rồi chấp nhận
nó như một lối sống. Nó sẽ
phát huy làm tiêu tan cả một nền văn
hóa thanh lịch của người Tràng An, ông cha ta đã để lại.
Chỉ có ý thức của
người dân Hà Nội mới tự bảo
vệ được thanh danh của mình. (Mời
xem thêm * VĂN CHƯƠNG HÀ
NỘI *)
Văn Quang
(Bai Chuyen)