Nỗi buồn mang
tên Việt Nam
(Song Chi)
Lời giới thiệu: Tin từ Sài Gòn cho
biết, ngày 24-4-09, nữ đạo diễn điện
ảnh Song Chi, đã xin tỵ nạn chính trị
tại Na uy. Song Chi từng hợp tác với Hãng
phim truyền hình Sài Gòn (TFS) trong hai bộ
phim, ‘Nữ bác sĩ’ đoạt giải
vàng Liên Hoan Phim Truyền Hình Toàn Quốc
tháng 1-2008, và phim ‘Phố Hoài’
được giải khuyến khích Hội Điện
Ảnh Việt Nam 2002. Song Chi tham gia cuộc biểu
tình ở Sài Gòn đầu năm 2008
lên án nhà cầm quyền
Trung Quốc xâm lược lãnh hải Việt Nam. Cuộc biểu tình này đã bị
nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp.
Cô và nhiều người tham gia biểu tình
bị công an cộng sản ở Sài Gòn
liên tục theo dõi, thẩm vấn,
đe dọa. Nữ đạo diễn Song
Chi bị Hãng phim truyền hình Sài Gòn
và các Hãng phim quốc doanh khác hủy bỏ
hợp đồng. Xin giới thiệu bài viết
của Song Chi mang tựa đề “Nỗi buồn
mang tên Việt Nam” sau khi tham gia biểu tình phản
đối Trung Quốc năm 2008.
*
Tôi biết rằng đối với tôi
và những người bạn đã tham gia cuộc
biểu tình tưởng niệm 34 năm ngày
Hoàng Sa bị mất vào tay Trung Quốc ngày
19.1.2008 (19.1.1974 -19.1.2008) - một cuộc biểu tình
ngắn ngủi trước khi bị dập tắt nhanh
chóng, nỗi buồn lớn nhất, sự chua
xót lớn nhất đó là vì sao chúng ta
không được phép lên tiếng
? Nỗi buồn
đó tôi cũng đã đọc thấy
trong những đôi mắt ngơ ngác của những
em sinh viên học sinh trong những ngày 9.12, 16.12 vừa
qua khi những cuộc biểu tình của sinh viên
học sinh và một số văn nghệ sĩ phản
đối nhà cầm quyền Trung Quốc xâm
lược Trường Sa, Hoàng Sa đã bị cản
trở, làm khó dễ và sau đó
là đủ mọi biện pháp đã
được áp dụng để ngăn chặn
ngay từ đầu.
Vì sao ? Vì sao chúng ta
không được phép lên tiếng ngay cả
khi lẽ phải thuộc về dân tộc ta ? Có những lúc tình cờ
đôi mắt ngơ ngác của một em sinh
viên nào đó rơi trúng vào
tôi, tôi nhìn thấy nỗi buồn trong
đôi mắt em như em cũng đọc thấy sự
chua xót trong tôi, và càng chua xót hơn
nữa là cả hai cùng có câu trả lời
nhưng không thể nói lên lời. Thôi em ơi, hãy về nhà lo học
hành, làm một đứa con ngoan của ba mẹ;
thậm chí không lo học hành cứ vui chơi
tiêu xài tiền của ba mẹ, thời gian
và tuổi trẻ của chính mình, tham gia
vào mấy chuyện này làm gì không
có lợi.
Còn tôi ơi, tôi cũng
nên đi về nhà làm công việc của
mình lo kiếm tiền, lo kiếm danh, tham gia vào mấy
chuyện này làm gì không có lợi.
Chính cách xử sự của Nhà nước
Việt Nam trong suốt những ngày qua đã
làm cho bất cứ người dân Việt Nam
nào nếu còn quan tâm đến vận mệnh
đất nước đều cảm thấy chua
xót, cay đắng, nhục nhã. Đồng thời,
những ai nếu còn rơi rớt chút ngây
thơ do đã được giáo dục theo kiểu một chiều, bưng bít
thông tin quá lâu, ắt hẳn cũng tỉnh
ngộ ra ít nhiều. À thì ra, ngay cả biểu
tình bộc lộ lòng yêu nước và
là một phản ứng tối thiểu cần phải
có của một dân tộc trước họa
xâm lăng rành rành trước mắt của
một nước khác, mà còn “không
được phép”, còn bị ngăn cấm
thì hy vọng gì biểu tình để phản
kháng trước bất cứ chuyện gì
là nguyên nhân gây nên sự phi lý, bất
công trong xã hội, hoặc đụng chạm
đến quyền tự do, dân chủ, quyền con
người trong xã hội, hoặc kéo lùi tiến
trình phát triển của đất nước
và có hại cho vận mệnh của quốc
gia, của dân tộc …?
Trong những ngày này, trái tim của bao người Việt Nam
đang rỉ máu. Nỗi đau bị cướp
đất cướp biển ngay trước mắt, nỗi
lo họa xâm lăng lâu dài,
nhưng đau đớn hơn là thái độ
hèn nhát đến không hiểu nổi của
chính quyền và sự vô cảm, dửng
dưng của rất nhiều người cùng
là đồng bào với mình. Có một
điều nghĩ cũng lạ lùng, bao nhiêu
năm qua, máu xương của dân tộc
này đã phải đổ xuống quá nhiều,
và những vết thương trong lòng người
còn nhiều hơn, một dân tộc như vậy
lẽ ra phải ngộ ra, tỉnh ra với một lực
phản tỉnh cực kỳ mạnh mẽ để
không được phép sai lầm nữa. Vậy
mà … chưa bao giờ trong lịch sử, những
người lãnh đạo đất nước lại
hèn nhát, bảo thủ đến cùng như
lúc này - thà mất nước chứ nhất
định không chịu từ bỏ con đường
sai, không chịu mất quyền lực, và
chưa bao giờ mỗi lần con số ít ỏi những
người dân Việt dám cất lên tiếng
nói lương tâm lại cảm thấy cô
đơn, lẻ loi giữa cộng đồng và bất
lực như lúc này !
Nếu nói tính cách của con người
làm nên số phận thì tính cách của
một dân tộc cũng tạo nên số phận
của chính dân tộc đó. Dân tộc
tôi, bất
hạnh thay, là một dân tộc cạn
nghĩ, cục bộ, hay chia rẽ, lại thêm
chưa hề được hưởng một nền
dân chủ thực sự bao giờ nên cũng
chưa hề biết xử dụng đúng nghĩa quyền
công dân và quyền làm người của
mình. Dân tộc tôi, bất hạnh thay, trong mọi
lĩnh vực đểu hiếm hoi người tài,
chính trị cũng vậy, không có nổi
ít nhất một nhân vật biết (hoặc
dám) chọn một con đường đi khôn
ngoan hơn rộng rãi hơn cho dân tộc, biết
(hoặc dám) đặt vận mệnh đất
nước, vận mệnh dân tộc lên trên
quyền lợi của một giai cấp, một đảng
phái.
Vậy cho nên em ơi, hãy về
nhà lo học hành hoặc không học
hành thì cứ vui chơi tiêu xài tiền
của ba mẹ, thời gian, tuổi trẻ của em. Còn tôi thì đi làm công việc
của mình, lo bon chen kiếm chút tiền, kiếm
chút danh như phần đông những người
khác đang sống quanh tôi. Bởi vì nếu
em hay tôi hay bạn bè tôi còn tiếp tục
bức xúc muốn lên tiếng muốn bày tỏ
thái độ công dân, lòng yêu nước
hay bất cứ một cảm xúc nào khác, sẽ
nhận được gì chúng ta đều biết
trước. Nhưng sự cay đắng lớn
nhất nhiều khi không phải từ những
gì chúng ta phải nhận từ phía
chính quyền mà từ những người chung
quanh. Người
ta sẽ nhìn chúng ta như những kẻ rỗi
hơi thừa giờ đi làm những việc
tào lao, những kẻ thiếu khôn ngoan hoặc cố
tình lập dị, hoặc bất tài, thất bại,
có điều gì bất mãn cá nhân
nên đâm ra bất mãn xã hội,
còn nếu ta không thất bại mà lại
có chút thành đạt trong công việc của
mình, thậm chí thuộc loại có tiền
thì chắc là … muốn chơi trội để
gây chú ý !
Người ta sẽ khuyên chúng ta thôi hãy
lo làm việc của mình đi, nếu chưa
có bằng cấp thì lo đi kiếm cái bằng
đi, nếu chưa có tài sản thì lo
đi kiếm tiền đi, nếu chưa có gia
đình thì lo đi lấy vợ lấy chồng
đi, làm gì cũng đựơc, chuyện lớn
đã có Nhà nước lo.
Điều gì sẽ xảy ra với một
dân tộc đã quen được giáo dục
để suy nghĩ theo một chiều, quen sống trong bạc
nhược, sợ hãi, luôn luôn tự
biên tập, tự kiểm duyệt chính mình,
chỉ muốn an thân, gần như vô cảm
trước mọi chuyện đang xảy ra ngay trên
đất nước mình, mất lòng tin
vào mọi thứ và chia rẽ, nghi kỵ lẫn
nhau ?
Điều gì sẽ xảy ra với một
dân tộc mà trong xã hội những sự
vô lý bất công bất bình thường
nhất cũng trở thành bình thường
còn điều tốt đẹp, sự tử tế,
tính trung thực, lòng dũng cảm lại trở
thành hiếm hoi ?
Điều gì sẽ xảy ra với một
dân tộc mà ngay cả khi lòng tự cường,
tinh thần tự tôn vừa mới được
nhen nhúm đã lại bị vùi dập phũ
phàng ?
Thôi mà em ơi, nghĩ đến những
chuyện đó làm gì ? Hãy về nhà lo học hành hoặc
không học hành thì cứ vui chơi tiêu
xài tiền của ba mẹ, thời gian, tuổi trẻ
của em. Còn tôi thì đi làm
công việc của mình, lo bon chen kiếm chút
tiền, kiếm chút danh sống đời yên ấm,
rồi nếu có bức xúc lắm chuyện
xã hội thì ta có thể chửi đổng
trong những buổi ngồi quán café quán nhậu
với bạn bè, chửi như thế vừa hả
tức vừa được tiếng quan tâm đến
xã hội mà lại không thiệt hại
gì, ta cũng có thể tha hồ nói về
dân chủ nhân quyền tự do trong những cuộc
nhậu, nói thôi
và đừng làm gì hết.
Nhưng … liệu
em và tôi có sẽ chấp nhận sống
như thế không ?
SONG CHI
(Sưu Tầm Liên Mạng
chuyển)