Lẩm Cẩm Sài
Gòn Thiên Hạ Sự Số 310
- TRÍCH ÐOẠN -
(Văn Quang)
Nạn bạo hành trẻ em từ
dân đến quan
Chuyện hành hạ phụ nữ và ngược
đãi trẻ em ở Việt Nam đã từ
lâu trở thành một vấn nạn lớn,
các cơ quan thông tin đại chúng
đã tốn khá nhiều giấy mực lên
tiếng kết án những
hành động tàn ác, man rợ này. Các cơ quan có chức năng bảo vệ
quyền lợi của phụ nữ và trẻ em cũng
như nhà cầm quyền đã nhiều lần
cam kết sẽ trừng trị thích đáng, bảo
vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ
em.
Nhưng rồi tất cả vẫn chẳng
giải quyết được gì. Nạn bạo hành vẫn
tiếp diễn dưới nhiều hình thức, nhiều
thủ đoạn tàn nhẫn hơn. Không chỉ ở các vùng
"thôn quê lạc hậu" mà ngay cả ở
những thành phố lớn nhỏ khắp nước.
Không chỉ những người dân không hiểu
pháp luật mà ngay cả những người bảo
vệ "nhân dân" cũng vi
phạm trắng trợn.
Hành động nửa vời
Thậm chí đã có những
nhà tạm nghỉ cho những bà vợ bị chồng
hành hạ. Đây chỉ là một hành động
nhân đạo, nhưng thật ra là tiêu cực.
Đưa những người đàn
bà khốn khổ đi ở một nơi khác,
trốn những ông chồng vũ phu không phải
là cách giải quyết tốt nhất cho vấn
đề này. Muốn giải quyết vấn đề phải
là giáo dục, phải là nâng cao
trình độ dân trí và cuối
cùng phải dựa vào một nền tảng
pháp lý vững chắc và cương quyết
đối với những kẻ gây bạo lực.
Ở những nước văn minh, pháp luật
rất rõ ràng, minh bạch và cương quyết
đối với những người gây bạo lực,
dù là trong gia đình của họ. Nhưng ở
Việt Nam thì sự áp dụng luật lệ nửa
vời bởi quan niệm "đèn nhà ai nấy
sáng", bởi một thứ "lễ
giáo" truyền thống, người đàn
ông luôn là chủ trong gia đình, là
người được toàn quyền quyết
định mọi việc. Cái kiểu "chồng
chúa vợ tôi" đã ăn
sâu trong đời sống gia đình, nhất
là ở những vùng nông thôn. Ở một
vài vùng rừng núi xa xôi, hủ tục
chôn vợ theo chồng còn tồn
tại. Rất nhiều nơi, nhà chức trách
chùn tay trước những hủ
tục này. Cho nên những mâu thuẫn
trong gia đình dẫn tới những hệ quả
ngược đãi hành hạ phụ nữ
và trẻ em vẫn thường xuyên xảy ra
như ở một xứ sở mọi rợ. Những
khẩu hiệu bình đẳng bình quyền chỉ
là khẩu hiệu, các hội đoàn phụ
nữ hầu như chẳng làm được
gì ngoài … những cái loa cứ bô
bô kêu gọi và lên án
rồi chẳng mang lại kết quả nào. Bởi
các hội đoàn đó thành lập với
tính cách một "đoàn thể quần
chúng nhân dân", kêu thì rất to,
song thực tế chẳng có quyền hành
gì. Mọi quyền hành được
giao cả cho công an, cho lực lượng dân
phòng, cuối cùng là cho toà án.
Song toà án nào cũng là "toà
án nhân dân" cũng lại đòi hỏi
"nhân dân" phải có đủ bằng
cớ, nhân chứng, vật chứng mới có thể
xử được. Và khi anh chồng cao chạy xa
bay một thời gian thì kể như huề. Như
vụ chị Nguyễn Thị Lý ở Lộc Ninh bị
chồng đốt cách đây hơn 5 năm,
tôi đã tường trình và được
sự giúp đỡ tận tình của bạn
đọc trong và ngoài nước, anh chồng
tránh mặt một thời gian rồi bây giờ
cũng huề cả làng. Khi vợ có tiền anh
ta lại mò về ăn bám. Pháp luật vẫn dửng dưng. Chính vì thế nạn bạo hành phụ
nữ và ngược đãi trẻ chưa hề
bớt đi tại Việt Nam. Nhìn vào
cách đối xử này, người nước
ngoài có thể đánh giá được
đó là một xã hội tiến bộ hay
lạc hậụ
Chỉ trong tuần vừa qua thôi,
hai vụ ngược đãi trẻ em xảy ra tại
Việt Nam
đã khiến người dân phẫn nộ. Phẫn nộ vì
hành động tàn ác là điều tất
nhiên nhưng phía sau đó là sự phẫn
nộ về thái độ "vô cảm" của
nhà chức trách địa phương.
Chúng ta hãy thử phân tích xem thái
độ nào đáng lên án
hơn.
Cháu bé 11 tuổi bị
thiêu sống
Cháu Trịnh Xuân Hiệp, 11 tuổi,
trú ở thôn Yên Ngư, xã Xuân
Yên, huyện Nghi Xuân (học sinh lớp 5A, Trường
Tiểu học Xuân Yên) bị anh họ là Trịnh
Xuân Toàn (31 tuổi, trú cùng xã)
thiêu sống, khiến Hiệp bị bỏng nặng
đã gây phẫn nộ trong nhiều người
dân.
Anh Trịnh Xuân Thu, bố đẻ cháu Hiệp
đau xót kể lại: ”Do là anh em, lại gần
nhà nên hàng ngày cháu Hiệp thường
sang nhà anh Trịnh Xuân Toàn trông con cho anh.
Khoảng 12g trưa ngày 11-4, Toàn bị
mất 1 con heo tiết kiệm, nghi cho cháu Hiệp lấy
trộm. Toàn bắt Hiệp lại,
trói giật khuỷu tay lại rồi tìm đủ
mọi cách đánh đập bắt Hiệp khai
ra số tiền trên”.
Lúc đó Hiệp đã khai nhận
đã lấy trộm con heo tiết kiệm, đem giấu
vào đống rác trước nhà bà
Mùi (mẹ Toàn) đang xây dựng. Toàn lôi Hiệp đưa ra đó
và tìm lấy lại được 270.000 đồng.
Chưa dừng lại ở đó, vì cho rằng
số tiền tiết kiệm nhiều hơn nên
tên Trịnh Xuân Toàn và một số
người khác tiếp tục tra tấn Hiệp bằng
cách trói vào gốc cây, cào lá
phi lao, lá bạch đàn phủ kín người
như cây rơm. Sau đó, một người
còn lấy cây xương rồng treo lên
trên người Hiệp, một người khác
đi lấy dầu tưới vào cháu bé rồi
châm lửa đốt.
Chị Trương Thị Danh, 42 tuổi, mẹ
cháu Hiệp là người chứng kiến cảnh
con mình bị tra tấn và đốt, chị kể:
“Lúc đó tôi cứ nghĩ rằng do con
mình lấy tiền của Toàn nên cứ nghĩ
là Toàn chỉ doạ cháu nên nói
là “đốt cho chừa”, nhưng không
ngờ Toàn đốt thật và khi lửa tắt
lại châm đốt tiếp”.
Khi chị Danh và mọi người hoảng hốt
chạy lại doạ báo công an
thì Toàn mới thả ra và còn bắt Hiệp
chạy một vòng xung quanh nhà tìm kiếm một
lần nữa. Chỉ đến khi cháu
Hiệp ngất xỉu, tên Toàn mới để
mọi người đưa cháu đến Trạm
y tế xã Xuân Yên để cấp cứu.
Cấp cứu sơ qua ở Trạm y tế
Xuân Yên, cháu Hiệp được mọi
người chuyển ra Bệnh viện nhi
Nghệ An để điều trị. Tại đây
các bác sỹ đã nhận định Hiệp
bị đốt cháy 2 tay 2
chân, khắp mình đều có vết
thương của đánh đập. Do vết
thương quá nặng, cháu Hiệp tiếp tục
được chuyển ra Viện bỏng Quốc gia
điều trị.
Điều trị sau gần một
tháng bị tra tấn dã man nhưng tình
hình sức khoẻ của Hiệp vẫn còn hết
sức nguy hiểm. Cả
hai tay và hai chân bị bỏng rất
nặng, thể trạng sức khoẻ thì rất yếu.
Bố cháu cho biết là do bị đốt
quá lâu (khoảng gần 2 tiếng đồng hồ),
nên đến bây giờ đã hơn 20
ngày nhưng chưa mổ để cấy ghép lại
da tay cho cháu được. Đến
giờ vết thương nặng nhất của Hiệp
là ở hai bàn tay vì
khó cử động, máu và mủ vẫn chảy
ra liên tục, 2 cổ tay bị cháy teo. Còn ở 2 cẳng chân thì vừa rồi
các bác sỹ đã lấy da ở
đùi trái đắp vào nhưng hiện vẫn
còn đau rát.
Từ khi con bị đốt, cả hai vợ chồng
anh Thu phải bỏ hết công việc để
chăm sóc cho con. Nỗi lo lớn nhất của vợ
chồng anh Thu là không biết sau này con
mình có thể lành lặn để theo học được không.
Trong khi đó, kể từ khi sự
việc xảy ra, gia đình anh Thu, chị Danh
còn bị gia đình của người bác
(tức gia đình Toàn), nhiều lần gây
áp lực. Anh Thu
nói: “Gia đình tôi sợ lắm vì
bên nhà bác gây áp lực với vợ
tôi ở nhà, nếu tôi kiện mà
Toàn bị đi tù thì “nợ máu phải
trả bằng máu” và sẽ không cho tiền
điều trị cho cháu bình phục”.
Chính quyền địa
phương đồng lòng … làm ngơ
Trước sự việc cháu Hiệp
bị tra tấn dã man như vậy, phóng
viên báo chí đến trụ sở UBND
xã Xuân Yên để tìm hiểu thêm
thông tin thì đã bị từ chối. Một viên chức của Công an huyện Nghi Xuân phụ trách địa
bàn nói rằng: “Phải có sự đồng
ý bằng văn bản của lãnh đạo
Công an huyện Nghi Xuân mới được
phép xuống cơ sở tìm hiểu” và
từ chối cung cấp thông tin.
Ông Trần Văn Anh - Phó trưởng
Công an huyện Nghi Xuân cũng từ
chối cho ý kiến về vụ việc và cho rằng
phải gặp trực tiếp thủ trưởng cơ
quan (đi vắng) vì … “đang trong thời
gian điều tra”.
Chúng ta thấy rõ, từ Uỷ
Ban được gọi là "Uỷ Ban Nhân
Dân" đã cố tình ém nhẹm
thông tin này. Chẳng hiểu gia đình Toàn có
"vai vế" như thế nào với các
quan xã. Thông thường những
người giàu ở các địa phương
đều được chính quyền nể nang,
chưa kể họ hàng hang hốc, tình đồng
đội đồng chí về hùa với nhau. Cái mỹ từ
Uỷ Ban Nhân Dân chẳng phải là của
dân nữa mà là của một phe phái. Ở đây ai cũng thấy
được quyền hành của Uỷ Ban là
che đậy cho những hành vi
vô nhân đạo của anh nhà giàu,
chèn ép người nghèo thân cô, thế
cô. Nhiều Uỷ Ban Nhân dân đã
được người dây chua chát gọi
là Uỷ Ban Hành
Dân và nơm nớp
lo sợ bị "sờ gáy", bị lôi ra phạt
vì trăm thứ tội vu vơ.
Một sự việc trắng trợn như thế
giữa một làng xóm nhỏ gây xôn xao
dư luận, người dân bất bình mà
Uỷ Ban Nhân Dân và Công an còn phải
đợi chỉ thị của huyện mới "được
phép xuống tìm hiểu" thì Uỷ Ban lập
ra để làm gì cho dân ?
Chỉ khi nào dư luận ầm ỹ,
báo chí làm rùm beng thì mới thấy
mấy ông trong Uỷ Ban ra cái điều sốt
sắng tuyên bố hùng hồn là sẽ
điều tra đến nơi đến chốn, truy tố,
trừng trị những kẻ phạm pháp. Còn
dân thấp cổ bé miệng thì mọi chuyện
đi vào lãng quên. Nói
là điều tra nhưng điều tra như thế
nào, có lợi cho ai lại là chuyện "hồi
sau phân giải". Chẳng thiếu
gì những loại tội phạm còn nguy hiểm
hơn thế kéo dài lằng nhằng rồi chẳng
đi đến đâu.
Còn Phó trưởng Công an
huyện Nghi Xuân Trần Văn Anh, cũng từ chối
cho ý kiến về vụ việc và cho rằng
phải gặp trực tiếp thủ trưởng cơ
quan (đi vắng) vì … “đang trong quá
trình điều tra”.
Sự từ chối này đã
trở nên nhàm chán, người ta bắt gặp
ở nhiều nơi. Khi
nào "thích làm" thì chắc chắn
ông Phó CA này đã cùng một
lô nhân viên nhảy bổ xuống "làm
việc" ngay (tôi chứng minh ở đoạn sau),
khi nào cần phải lờ đi thì chỉ việc
đổ tại cấp trên đi vắng, cấp
trên bận họp là xong. Làm CA nhất cử
nhất động của người dân trong
làng xã là phải "nắm" được.
Vậy mà làm tới Phó Thủ Trưởng
Công An huyện mà không biết
ất giáp gì thì nên về vườn
quách cho rồi. Cái gì cũng đợi chỉ
thị, đợi văn bản mới dám làm
thì có khác gì một chú robot ?
Xét như thế, thái độ "vô
cảm" và "không biết gì" của
nhà chức trách địa phương
đáng giận hơn là hành động của
tội phạm. Sự việc động trời ở
địa phương xảy ra từ ngày 11-4, tức
là cách đây vừa tròn một
tháng mà cả Uỷ Ban Nhân Dân và
Công An Nhân Dân xã Xuân Yên, huyện
Nghi Xuân vẫn bình chân như vại thì
họ làm gì được cho nhân dân ?
Hai chữ "nhân dân" có bị lạm dụng
quá nhiều không ? .. ..
(NGƯNG TRÍCH)
VĂN QUANG
(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)