Tâm Sự Tháng
Tư: Tìm Đâu Nguồn Cội
(Trần Hồng Linh)
Tác giả là một thuyền nhân định
cư tại Bắc Mỹ, kể lại chuyến về
thăm Saigon lần đầu. Bài viết của bà được ghi là
"để kỷ niệm ngày đau buồn
Tháng Tư 1975," và thể hiện niềm khắc khoải của
tác giả về thế hệ sinh sau 1975, đang sống
trong nước và ngoài nước. Mong Trần Hồng Linh sẽ
tiếp tục viết thêm.
***
Khối nắng đổ xuống giữa trưa như muốn
làm mềm lớp nhựa đen trên đường.
Dòng xe cộ chen chúc cùng với những tiếng
còi xe gắn máy thi nhau inh ỏi ré lên,
đòi hỏi sự lưu hành ưu tiên.
Tôi nắm chặt lấy tay đứa cháu
gái, con ông anh, ngập ngừng băng qua con
đường ở thành phố Sài Gòn. Bề
ngang của lòng đường chỉ khoảng rộng bằng
ba lane xe chạy thôi, mà sao tôi nhút
nhát, bối rối, không biết nên bước
tới hay dừng lại vì lượng xe gắn
máy vù vù qua mặt quá đông.
"Cứ như cô thì làm sao băng
qua đường được," đứa
cháu gái rộn ràng tiếng cười,
" để cháu dắt cô đi "
Trâm nhanh nhẹn kéo tay tôi lôi đi.
Một tay tôi ôm túi đồ, tay kia tôi nắm
chặt lấy Trâm như thể sợ vụt mất
vị cứu tinh của mình. Tiếng còi xe gắn
máy cứ làm tôi giật mình liên tục,
tim muốn rơi ra ngoài vì sự chen lấn của
dòng xe, cái xe nào cũng như chực
đâm sầm vào tôi. Nếu không có
Trâm, tôi không biết sẽ xử trí ra
sao trong những ngày đầu bước chân ra
đường phố. Tôi lúng túng trong mọi
việc mua sắm và ngay cả việc băng ngang qua
một con đường, tôi cũng không dám
quyết định. Tôi không ngờ rằng chỉ
hơn hai mươi năm xa cách quê hương,
tôi bỗng trở nên người khách lạ
trên vùng đất nhà, mọi thứ sinh hoạt
của thành phố trở nên lạ lẫm đối
với tôi. May mà có Trâm hướng dẫn tôi
trong mọi việc ở nơi này. Dù sao với
Trâm, là người trong gia đình, chúng
tôi dễ thân thuộc với nhau, không như
buổi tiếp xúc ban đầu với hàng
xóm, tôi còn nhớ như in.
Buổi sáng đầu tiên trên quê
hương, đứng trước sân nhà,
tôi còn bỡ ngỡ với không khí
và cảnh vật thay đổi ở nơi này.
Nhác thấy người hàng xóm bước
ra cửa, tôi cất tiếng chào hỏi. Ông
hàng xóm cũng nhận ra tôi và cất tiếng
chào lại. Câu chuyện đang hào hứng
sôi nổi với những hỏi thăm nhau về cuộc
sống, bỗng từ xa một cô bé chừng
mười bốn, mười lăm tuổi rụt
rè tiến đến. Ông hàng xóm vừa
vẫy tay gọi cô gái nhỏ, vừa giới thiệu,
"Con tôi đấy cô à, hồi cô ra
đi tôi chưa có đứa này." đoạn ông ta quay sang bảo đứa con
chào tôi. Cô gái tròn mắt, ra
dáng ngạc nhiên vì lời nói của
ông bố, ý chừng không biết tôi
là ai, ánh mắt thơ ngây và đầy
tò mò, dò hỏi. Ông ta vội nói
"Chào cô đi con, cô Hằng là con
ông bà Mùi." Muốn thêm rõ
ràng hơn nữa về phần lý lịch của
tôi, ông ta quay sang nói tiếp với đứa
con "Cô Hằng là chị của cô
Phương và chú Thắng đó."
À, nói đến mấy đứa em tôi,
nói về những người trẻ tuổi
thì cô bé có vẻ hiểu nhiều hơn. Cô con
gái ông ta mới gật đầu chào như
sự mặc nhận mối quan hệ xóm giềng với
tôi. Tự dưng trong tôi, một cảm giác
ngỡ ngàng ập đến bởi lẽ lời giới
thiệu như một bản kê khai lý lịch với
cán bộ hộ khẩu năm nào trong việc
sưu tra sổ mua lương thực. Tông tích,
lý lịch, tiểu sử phải xưng ra. Nào
có khác chi chàng Từ Thức trở về
quê cũ. Ngày Từ Thức từ tiên cảnh
về thăm làng xưa, bùi ngùi vì những
người đồng trang lứa không còn nữa.
Chẳng mấy ai biết tông môn của Từ Thức
để rồi anh chàng não lòng từ biệt
quê xưa. Nghĩ ra tôi còn may mắn hơn Từ
Thức vì còn có ông hàng xóm biết
đến tôi, biết
đâu nếu chừng thêm dăm năm nữa, những
bạn bè trang lứa không còn nữa,
thì mình sẽ ra sao ? Chao ôi, có bao
nhiêu Từ Thức
tân thời trong thế
hệ của tôi.
Nghĩ lại buổi tối hôm trước,
bà chị dâu tôi, mẹ của Trâm thuật
lại câu hỏi của đứa cháu tôi
"Làm sao để làm quen với cô Hằng
?" tôi đã bật cười vì sự
thơ ngây của trẻ nhỏ, giờ đây
có thêm những đứa bé hàng
xóm nhìn tôi bằng ánh mắt dọ hỏi,
chừng như muốn biết về thân thế của
tôi. Bỗng dưng tôi chơi vơi, hụt hẫng.
Những kỳ vọng của chuyến trở về
thăm quê tựa như trái bong bóng vuột
khỏi tay và bay dần dần lên không trung.
Tôi ngỡ ngàng nhận ra sự đổi thay của
vùng đất này. Khi xưa tôi thông thuộc
từng con ngõ từng khu xóm ngoằn ngoèo, mỗi
góc đường mỗi khu phố đầy ắp
kỷ niệm thuở thiếu thời. Giờ đây
tôi bỡ ngỡ với sự thay đổi của
nó cùng với lớp người mới lớn
lên. Những biến đổi của cảnh vật
và con người sao mau chóng quá đi.
Tôi tần ngần ngước mắt nhìn
phía trước khu chợ Tân Định, những
cột trụ xi-măng thẳng đứng xếp theo
dáng bậc thang ở hai bên cánh nhô cao
đến chóp đỉnh. Khoảng giữa mặt
trước của chợ là cái đồng hồ
to tròn, hai cái kim đồng hồ đứng i
sì một chỗ, không nhúc nhích, ngược
với sự nhộn nhịp của kẻ chợ mua
bán ra vào. Cái chợ không nhiều thay
đổi. Có chăng là những bảng hiệu
quảng cáo của các sản phẩm nước
ngoài đang to choáng nhiều hơn trước.
Lượng hàng đầy dẫy, chẳng bù
cho sự eo xèo hàng hoá trong thời kỳ Quốc
Doanh thương nghiệp lúc chưa có nền
kinh tế thị trường. Người ta cho rằng
phần lớn đồng đô la Mỹ đến từ
người Việt hải ngoại là nguyên
nhân thay đổi quan điểm chính trị của
nhà cầm quyền nơi đây.
Nghĩ lại lúc vượt biên khỏi Việt
Nam,
chẳng ai có thể tưởng tượng
được ngày về thăm quê hương xứ
sở. Vậy mà quay trở về thật, về với
uy lực của tờ Mỹ kim in hình Tổng thống
Washington
trong túi áo. Ngày xưa ra đi trốn chạy
với bóng tối hiểm nguy, bị coi là kẻ
phản quốc. Bây giờ, ở xa thì được
gọi là “khúc ruột ngoài ngàn dặm”
trở về thì được coi là một thứ
Việt Kiều yêu nước, bởi những tờ
Đô Mỹ xanh xanh đầy quyền lực. Thế
mới biết đồng tiền đáng sợ thật.
Nó khiến cho tập
đoàn Cộng sản trở nên ngọt nhạt,
nhũn nhặn, lịch sự với Việt kiều,
là những kẻ đã từng bị lên
án là phản quốc.
Đứng bên này đường Hai
Bà Trưng, tôi ngắm nhìn phía bên
kia là chợ Tân Định. Tôi chợt giật
mình nhận ra, cũng ở vị trí này của hơn ba mươi năm về
trước, vào ngày 30 tháng 4 năm 1975
tôi cùng với đám bạn trong xóm,
đầy hiếu kỳ, đứng bên lề
đường xem đoàn quân miền Bắc tiến
vào trung tâm thành phố. Chúng tôi khẽ
nói với nhau "Ê, trên nóc cái
ba-lô có gài cái chén và
đôi đũa, kỳ lạ há."
Đoàn quân lính
gầy gò, nhỏ thó, võ trang súng
đạn trên lưng trên vai bước giữa
phố phường, có vài người cõng
trên lưng cái bao khá nặng, kích thước
nhỏ cỡ như cái gối ôm tròn của
trẻ nít (sau này tôi mới biết
đó là bao gạo của họ). Những
người đứng xem trên đường ngơ
ngác nhìn nhau hỏi "Thế này mà họ
thắng trận được ư ?"
Vài ngày sau, cảnh phố phường rợp
màu cờ nửa xanh nửa đỏ với ngôi
sao vàng ở giữa, lá cờ tượng
trưng cho sự hoà hợp hòa giải dân tộc
được treo ở mỗi gia cư như một thứ
bùa hộ mệnh, mong cầu thoát khỏi sự
bắt bớ giam cầm.
Giờ đây, khi nghĩ về lá cờ giải
phóng với nửa xanh nửa đỏ ấy,
tôi buồn cười cho những ý tưởng
thơ ngây về sự xây dựng nền hoà
bình của nước tôi bằng những
hoà giải. Xương máu đã đổ
ra, oán hờn ngun ngút, tang tóc điêu
tàn, dễ gì thoả thuận bắt tay với
đối thủ đây chứ. Làm gì
có tổ chức chính trị nào sống nổi
với chế độ đảng Cộng sản, bởi
thế màu cờ giải phóng phải mau
chóng dẹp bỏ và thay vào đó
màu đỏ hoàn toàn. Đó là
màu tượng trưng cho chiến thắng hay
màu u buồn phủ lên dân tộc tôi
? Màu cờ báo hiệu
cho sự đọa đày, ức hiếp,
đói khổ và hàng bao con người
chôn trong lòng đại dương. Ách
đau thương phủ lên dân tộc tôi từ
khi màu cờ đỏ ngự trị trên
thành phố Sài Gòn. Bao giờ màu đỏ
của lá cờ được thay thế, lúc ấy
máu xương con người sẽ không tuôn
đổ, dân tôi mới có hoà bình
thật sự, có phải thế không ? Tôi lắc
đầu xua đi những ý nghĩ của
mình. Đàn bà chân yếu tay mềm
như tôi, nghĩ chi xa xôi quá đi, mình
lẩn thẩn lắm rồi đấy.
Trong dòng người tấp nập của khu phố
chợ. Trâm dắt tay tôi đi xuôi về
phiá cầu Kiệu. Lúc đi ngang tiệm
sách, tôi ngập ngừng dừng lại.
"Có việc gì vậy cô ?"
Trâm hỏi.
"Đi ngang tiệm sách cô nhớ đến
thời kỳ sau "giải phóng" người ta mang sách
đi đốt."
"Vậy sao cô ? Cháu tưởng trong lịch sử chỉ
có Tần Thủy Hoàng đốt sách, chứ
người Việt mình cũng đốt sách
sao ?" Trâm cao giọng hỏi.
"Có. Sau khi giải phóng Sài Gòn,
những người chiến thắng đã hô
hào việc đốt sách, cháu ạ."
Tôi ngậm ngùi nhớ đến những
ngày tháng của tháng Năm năm 1975, từng
đoàn thanh niên mang băng đỏ trên
cánh tay, họ đi lùng khắp phố phường
thu gom những sách báo của chế độ cũ
trong chiến dịch truy quét tàn dư văn
hoá. Lúc bấy giờ, những tiệm sách
phải tuôn đổ những sách báo ra lề
đường để tháo chạy tội
tàng trữ văn hoá đồi trụy.
Những ấn phẩm tràn ngập đường
phố với giá rẻ như bèo mà chẳng ai dám mua
tàng trữ vì không muốn liên lụy,
không muốn bị bắt bớ. Tôi chứng kiến
những chồng sách chất đầy trên xe ba
bánh được đun đến sân nhà
thờ Tân Định, nơi có khoảng
sân rộng rãi
thích hợp cho cuộc tụ hội này. Từng
đống sách được tuôn đổ xuống
mảnh sân gạch, chất cao như ụn rơm. Sắc
mặt ai nấy trở nên nghiêm trọng, một
đám người cầm súng AK giơ lên,
hò hét, chỉ huy cuộc đốt sách
như thể họ đang tổ chức cuộc
hành hình xử bắn tội nhân.
Lại nói, khi tất cả những văn
hoá phẩm của miền Nam đều bị cấm
phổ biến, nhạc vàng loại nhạc tiền chiến
cũng bị cấm đoán. Lúc bấy giờ
chỉ có bài Nối Vòng Tay Lớn của Trịnh
Công Sơn được phép hát trong
các buổi sinh hoạt hội đoàn của sinh
viên học sinh. Còn lại những nhạc phẩm ca ngợi
Đảng Cộng Sản và bác Hồ (như ..
. đêm qua em mơ gặp
bác Hồ) hoặc cả những bài hát
phát xuất từ Trung Hoa như Đông
Phương Hồng ca ngợi tình hữu nghị giữa
Trung Hoa và Việt Nam, được mở đầu
cho các buổi sinh hoạt chính trị của giới
thanh niên. Bởi vậy khi ngọn lửa phát
lên từ những cuốn sách bị đốt
trong cuộc tiêu hủy Văn Hoá của miền
Nam, một đám thiếu niên bị khích
động, chạy vòng quanh gò lửa, hò
hét, ca hát reo vang. Những họng súng chia chỉa cùng với
đôi mắt trợn trừng của người trưởng
toán băng đỏ
hối thúc giục giã đám thiếu
niên hát to hơn, thét lớn hơn để
mừng vui cho thắng lợi vẻ vang thống nhất
đất nước. Bên cạnh đó, những
lưỡi lửa đang liếm từng trang
sách. Nào khác
chi quang cảnh của một buổi tế thần.
Vài tháng sau, trong buổi học tập
chính trị ở giảng đường,
đám sinh viên chúng tôi luôn luôn
nghe những lời mạt sát về nguồn văn
phẩm của chế độ cũ. Hẳn nhiên họ,
kẻ chiến thắng không buông tha cho các
nhà văn, về sau này khi ra nước
ngoài tôi được biết thêm nhiều
nhà văn bị lùng bắt và cầm
tù.
"Sao lúc ấy người ta đốt
sách hở cô ?" Trâm hỏi.
Câu hỏi của Trâm đẩy tôi
vào nhiều suy nghĩ thêm nữa. Làm sao với
một lời ngắn ngủi để giải thích
cho thế hệ sau biết về hành động man
rợ đốt sách của những người chiến
thắng. Thế hệ sinh sau 1975 biết được
những gì về cuộc chiến tương
tàn trong khoảng thời gian hai miền Nam Bắc chia
cắt cho đến lúc thống nhất đất
nước ? Chắc rồi tất cả sẽ chìm
vào quên lãng khi những người ở lứa
tuổi chúng tôi không còn nữa.
Có lần trong buổi ăn tối của gia
đình, tôi nói chuyện với các con của
tôi về một cuốn hồi ký của một
quân nhân trong trận chiến ở Huế và
cuộc triệt thoái quân đội của
mìền Nam.
Các con tôi, chúng được sinh ra và lớn
lên trong không khí tự do, tất nhiên
chúng nó khó mường tượng
được cuộc chiến Việt Nam như thế
nào. Tuy nhiên, ở khía cạnh nào
đó, chúng nó hiểu một cách
nôm na rằng, người thắng thì chiếm
đóng vùng đất mà họ mới giải
phóng, còn người thua thì phải ra đi
nếu không muốn bị chết hoặc tù
đày. Tị nạn chính trị, loại từ ngữ văn
hoa dành cho những người thua cuộc, có phải
thế không ? Cuốn hồi ký nói lên phần
nào những mất mát niềm tin nơi giới
lãnh đạo gây nên sự tan rã của
đội ngũ và sự hỗn loạn lúc
đó. "Những ghi nhận của người chiến
bại rất hiếm hoi" đứa con nói.
Tôi ầm ừ với câu nói của con
trẻ. Phải chăng người thua trận có mấy
ai sống sót để viết lên trang sử
sách ? Vậy mà có biết bao nhiêu
tác phẩm viết từ hải ngoại ghi nhận
những chuyển biến quê hương trong thời
kỳ hậu chiến. Chúng như những mảnh lịch
sử còn đang rời rạc tản mác
và đợi đến lúc thuận tiện sẽ
được ráp nối bởi bàn tay của một
sử gia đầy công tâm, giúp cho thế hệ
mai sau được vững vàng tiếp nối truyền
thống của dân tộc.
Đứa con hỏi tiếp "Phe thắng có
viết về ngày 30 tháng Tư không ?"
Ơ, sao lại không?
Họ xem đó là niềm tự hào
và viết rất nhiều về nó, tuy rằng họ
đã cố tình sai lệch trong cái nhìn
của họ. "Như vậy
cùng một sự kiện lịch sử, có hai loại
sách khác nhau đang được viết
cùng lúc sao ?"
Đành rằng lịch sử được viết
bởi những người chiến thắng, ai cũng biết
điều đó. Nếu những người chiến
thắng trong cuộc chiến Việt Nam ghi lại những
thành tựu của họ nhằm mục đích
xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn
cho dân chúng thì họ xứng đáng
là người thắng trận. Mỉa mai thay, những
cuốn sách rao truyền về cuộc chiến thắng
chống Pháp chống Mỹ lại che dấu sự
thật. Bởi thế, sau hai mươi năm học lịch
sử chiến thắng Mỹ, lớp người trẻ
lớn lên thiếu thốn kiến thức nhân
văn, họ như
cây non lỏng gốc, chao đao trong giòng
phát triển của thế giới. Lớp trẻ
tìm cách ra nước ngoài bằng nhiều
con đường khác nhau. Người thì trong
chương trình xuất khẩu lao động, kẻ
thì ở dạng kết hôn với ngoại kiều,
tất cả những người đó rời
nước với chung một lí do: Kinh tế.
Đó là lối nói lịch sự của thế
giới với ngụ ý về sự nghèo
đói túng quẩn của một quốc gia chậm
phát triển, dẫu rằng miền đất chữ
S dày đặc tài nguyên.
Câu hỏi của con tôi đã làm
tôi lúng túng, giờ đây thêm
câu hỏi của Trâm về sự việc những
người Cộng sản Việt Nam đốt sách
năm xưa.
"Lý do rất đơn giản, người
ta sợ những truyền đạt của sách sẽ
ảnh hưởng tới chế độ mới
cháu ạ."
Thấy Trâm có vẻ ngơ ngác chưa
hiểu, tôi nói tiếp "Chuyện đó
đã hơn 30 năm rồi cháu ạ. Truy
nguyên ra thì chẳng ai dám nhận rằng
mình đã làm điều bất đạo ấy,
người ta đổ lỗi cho nhau, trong lúc ban
đầu hỗn quân hỗn quan thường có
những người lợi dụng thời cơ để
gây điều càn bậy. Xét ra thì chẳng
có điều luật hay ủy ban nào thành lập
để ra lệnh đốt sách hay tù
đày văn sĩ. Tất cả đều chỉ
thị bằng lời nói nên không có chứng
cớ nào buộc tội họ cả vì những
nạn nhân đã chết hoặc lưu lạc xứ
người."
"Có phải họ rút kinh nghiệm vụ
cải cách ruộng đất của miền Bắc
khi xưa, nên lần này họ không thành
lập ủy ban thực hiện pháp lệnh này
không cô ?""
"Có lẽ như vậy, đó là
cách trốn tránh sự phán xét của lịch
sử, cháu à."
Không muốn dài giòng về những
chuyện xưa, tôi giục giã Trâm đi
vào tiệm sách.
Chúng tôi vào tiệm sách. Luồng
hơi thổi từ máy lạnh tỏa ra khá
mát mẻ. Những cô nhân viên bán
hàng mặc áo dài xanh trông rất lịch
sự. Họ trang phục như các cô bán
hàng của tiệm sách Khai Trí ngày
xưa, tuy vẻ mặt
thiếu sự tươi cười mời mọc
của người bán hàng. Trong tiệm, các
sách được bày trên kệ ngay ngắn.
Lượng khách hàng cũng khá đông
đảo.
"Đông khách nhỉ ?" tôi ngạc
nhiên nói.
Trâm đáp khẽ "Không phải ai
vào đây cũng mua sách đâu, "chừng
như để giải tỏa sự thắc mắc của
tôi, cô cháu gái giải thích thêm,
"sách đắt quá trời luôn, mua sao nổi
cô. Đa phần người ta vào đây
để trốn nóng và xem sách
lóm."
Tôi cầm vài quyển sách lên
và xem phần giá biểu. Nếu so với mức
thu nhập trung bình của người dân nơi
đây, giá biểu này quả là thử
thách cho giới đọc sách. Duy những
sách thuộc loại cởi mở có giá cao
thôi, loại sách tuyên truyền vẫn
được sự tài trợ của nhà nước,
giá rẻ ối.
"Bộ nhân viên tiệm sách không
có cách ngăn chận bớt những người
đọc lóm sao ?"
"Thỉnh thoảng thấy ai đứng lâu
quá thì họ yêu cầu người ấy ra
ngoài."
Tôi nhận ra đa phần sách trong tiệm
loại sách tự điển và khá nhiều
sách dịch từ nước ngoài. Sách về
văn học có nhiều tác giả mới xuất
hiện. Dạo bước qua những ngăn kệ, bắt
gặp một tựa sách, tôi đột ngột
dừng chân, vói tay cầm lấy cuốn
sách trên kệ và quay sang hỏi Trâm.
"Hồi đi học, Trâm có phải học
các tác phẩm chống Mỹ cứu quốc
không ?" vừa hỏi, tôi vừa giơ ra quyển
sách mang tựa "Nhật Ký Trong Tù" cho
Trâm thấy.
"Trời ! Đó là sách căn bản
cho chương trình học Văn của cấp 2
và cấp 3 đó cô. Không học thuộc
thì đừng hòng vượt qua kỳ thi tốt
nghiệp. Chưa kể có thêm sách chống Mỹ
cứu quốc nữa . . . . "
"Bây giờ còn học chống Mỹ cứu
quốc sao ?". Tôi tròn mắt hết cỡ, ngắt
lời Trâm.
Hiểu ý tôi muốn nói đến những
cuộc cầu cạnh Mỹ của chính quyền VN.
Trâm cười, "Chứ không học sách
chống Mỹ cứu quốc thì lấy sách
nào ra học đây cô. Có mấy cuốn
sách chống Mỹ xào tới xào lui, mấy
bài thơ của Tố Hữu, Chế Lan Viên cũng
y chang, ca ngợi Đảng nghe phát sợ luôn. Thời
buổi kinh tế thị trường, ai hơi
đâu ngồi soạn sách cho học trò hở
cô ? "
Nghe có lý phần nào chứ. Sách vở
của chế độ cũ đã xóa sạch,
sách mới chưa soạn, hồi thời kỳ chiến
tranh họ lo đánh giặc, đến lúc
hoà bình thì lo xây nhà mua xe. Dẫu nhà nước
có cởi mở cho ngành văn hóa nghệ
thuật, nào có ai dám bước ra khỏi
những huấn-dụ-phủ-từ của Đảng,
viết lời chỉ trích đối lập ?
Giọng Trâm có phần phấn khởi,
nói tiếp: "Bởi vậy có cuốn Nhật
ký trong tù của bác Hồ, bắt tụi
con học đi học lại phát chán luôn.
Thơ phú cái gì mà viết: ghẻ lở
mọc đầy thân .. nghe thấy ghê ghê.
Cô biết không? Riết rồi người ta sửa
thơ của Bác luôn.
Cô đã nghe bài Đêm nay bác
không ngủ chưa ? người ta sửa thành: "Đêm
nay bác không ngủ, ngày mai bác ngủ
bù, anh đội viên gật gù, sao bác
khôn thế nhỉ ?" Trâm cười
hóm hỉnh,"Còn nhiều cái sửa lắm
cô ơi."
Tôi bật cười với câu thơ chế
giễu, châm chọc, phản đối chế độ
ngấm ngầm, nó là nguồn văn học
dân gian truyền miệng theo đúng như
các cụ thường dạy "Trăm năm bia
đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn
còn trơ trơ". Phải chăng lịch sử
đang được truyền khẩu trong nước ?
Nó đang được truyền tụng trong
nhân gian bằng lời nói khi mà người
dân bị áp bức, không có quyền bình
đẳng tự do.
Đặt lại quyển sách lên kệ,
tôi không khỏi suy tư cho lớp người trẻ
ở quê hương. Với những sách
giáo điều cũ kỹ, những tác phẩm
vinh danh sai lệch đã khiến cho giới trẻ mất
niềm tin vào học đường và nhà
nước. Vậy thì trách chi xã hội
có các cô gái làm dâu nơi xứ
người và các chàng trai bán sức
lao động trong chương trình hợp tác
kinh tế !!
Ngẫm lại, ở trong nước và
ngoài nước, lớp người trẻ đang học
lịch sử bằng lối
truyền rao, một con đường vòng cho việc
học hỏi kinh nghiệm của lớp người
đi trước, khá mất nhiều thời gian.
Dù gì đi nữa, tôi tin rằng lớp
người trẻ sẽ có cuộc sống không
vất vả gian nan như thế hệ cha anh, lớp
người đã hy sinh tuổi thanh xuân trong cuộc
chiến tranh.
*
Ngồi trên phi cơ trở về Bắc Mỹ,
tôi tự hỏi bao giờ sẽ trở về
thăm lại quê hương lần nữa. Lúc ấy
tôi sẽ ra sao nhỉ ? Có phải tôi sẽ
như câu thơ:
Bé đi, già mới về
nhà
Giọng quê không đổi,
tóc đà rụng thưa
Trẻ con trông thấy hững hờ
Cười ồ, hỏi khách lại
từ phương nao ?
(Trần Trọng Kim dịch thuật)
Thân tôi lưu lạc nơi xứ người
vọng tưởng về cố quốc đã
đành. Thương thay cho lớp thế hệ mới
trong nước, lớp người sinh sau ngày 30
tháng 4 năm 1975 phải chịu đựng hậu quả
của những bài học lịch sử chống
Pháp chống Mỹ dẫu biết rằng những
điều đó là sai trật và giả dối.
Biết đâu chừng lớp người trẻ
sẽ viết tiếp trang sử mới khi "tức
nước vỡ bờ". Tôi lẩm bẩm với
chính mình.
Nhìn qua ô cửa sổ nhỏ của
máy bay, từng cụm mây trắng xoá ùn
ùn dâng lên, thành phố Sài Gòn nhỏ
dần, mờ mịt, xa tít, cho đến khi mất
hẳn trong tầm nhìn. Mây, như dải lụa
trắng quấn lấy thân con tàu, bềnh bồng
bềnh bồng...
Trần Hồng Linh
(Bai Chuyen)