SU'U TÂ`M 10

Home | VA(N | VA(N [tt] | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N 11 | VA(N 12 | VA(N 13 | VA(N VUI | VA(N VUI [tt] | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.P GHI 17 | TA.P GHI 18 | TA.P GHI 19 | TA.P GHI 20 | TA.P GHI 21 | TA.P GHI 22 | TA.P GHI 23 | TA.P GHI 24 | TA.P GHI 25 | TA.P GHI 26 | TA.P GHI 27 | TA.P GHI 28 | SU'U TÂ`M | SU'U TÂ`M [tt] | SU'U TÂ`M 1 | SU'U TÂ`M 2 | SU'U TÂ`M 3 | SU'U TÂ`M 4 | SU'U TÂ`M 5 | SU'U TÂ`M 6 | Su'u Tâ`m TÊ'U | SU'U TÂ`M TÊ'U [tt] | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | LINKS | THÚ VI. | CHUYÊ.N LA. | CU'̉'I CHÚT CHO'I | CU'̉'I CHU'T CHO'I [tt]

TA.P GHI 3

Lẩm cẩm Sài Gòn thiên hạ sự số 300

 

Cô gái Việt bị chồng lừa đẻ thuê tại Hàn Quốc

 

Lẩm cẩm Sài Gòn thiên hạ sự số 300

Ngày 01 tháng 3 năm 2009

(Văn Quang)

 

 

Ngày 15-2-2009 vừa qua ở Seoul - Hàn Quốc, đã đưa kết quả phiên tòa xử “vụ án đẻ thuê” từng xôn xao dư luận Hàn Quốc (HQ) cũng như Việt Nam. Vụ án khởi đầu từ 2 năm trước kéo dài lằng nhằng mãi đến nay vẫn chưa có kết luận rõ ràng.

 

Mặc dù tòa án Seoul đã đưa ra phán quyết, nhưng dư luận vẫn phẫn nộ và không thể chấp nhận mánh lới lừa gạt của người chồng HQ đối với một phụ nữ Việt Nam. Nữ luật sư có tên Sơ Ra Mi thuộc đoàn luật sư công ích Gonggam (HQ) cũng khẳng định đây là một vụ lừa đảo và đòi kháng cáo.

 

Những chuyện đau lòng và không kém phần tủi nhục của những cô gái quê Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc, chồng Đài Loan, Singapore đã từng xảy ra khá nhiều, hẳn bạn đọc đã biết quá rõ. Không phải là tất cả, song đã từng có những cô dâu Việt bị đối xử tàn bạo đến nỗi phải nhảy lầu tự tử, phải ngậm đắng nuốt cay nơi quê người đến nỗi mắc bệnh tâm thần, phải trốn khỏi nhà chồng đi lang thang. Có những cô không dám trở về quê nhà, nay vẫn còn sống vạ vật ở một nơi nào đó trên xứ người xa lạ. (Cô Dâu Hàn Quốc,  Cô Dâu Hàn Quốc [tt],  Môi Giới Cô Dâu Việt)

 

Nhưng chuyện lừa gạt cô gái Việt nghèo nàn, ngây thơ trong trắng để trở thành một cái máy đẻ thuê cho vợ chồng anh ta thì đây là vụ án thứ nhất. Có thể có những vụ án tương tự như vậy mà chúng ta chưa biết tới. Với những thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt qua mặt bà con anh em đôi bên, qua mặt luôn pháp luật và hòng qua mặt hàng rào thuần phong mỹ tục, anh chồng HQ đang có vẻ như thắng thế trước pháp luật Hàn Quốc.

 

Mọi chuyện đều dễ dàng

 

Chuyện lấy chồng Hàn, chồng Đài đã từ lâu trở thành chuyện bình thường của những gia đình nông dân nghèo ở các vùng quê Việt Nam. Có những gia đình nhờ đó mà trở nên khá giả, dù chẳng có nhà lầu xe hơi, nhưng cũng mát mặt, có đồng ra đồng vào, khá hơn nữa thì sửa được cái nhà cái cửa cho khang trang, hãnh diện với bà con. Có lẽ chính vì thế mà con số gái quê lấy chồng Hàn, chồng Đài cho đến nay ngày cứ một tăng. Thậm chí những cuộc tuyển chọn vợ của những người đàn ông HQ và Đài Loan (ĐL) ở ngay TP. Sài Gòn vẫn thu hút hàng trăm (chứ không phải hàng chục) cô gái quê cho mỗi lần "tuyển chọn". Các cô sẵn sàng "trình diễn" như người mẫu trước sàn diễn cho các "chú rể tương lai" ngắm nghía, đôi khi "ve vuốt" để chọn hàng.

 

Dù bị cảnh sát săn bắt nhiều lần, đến nay vẫn cứ diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhaụ Bắt hoài cũng không hết. Nhưng cảnh sát bắt rồi lại phải thả cho về, lần sau các cô lại tiếp tục khăn áo đi "thi tuyển" tiếp.

 

Ngay trong khu chung cư tôi sống, tính ra trong vài nhà hàng xóm khá giả, mướn người giúp việc, đã có hai cô, bỏ nghề "ô sin" (gọi theo chữ nghĩa ở Sài Gòn) đi lấy chồng Đài Loan. Năm vừa qua thì một cô gái, bố mẹ làm nghề giữ trẻ, cô vừa đủ độ nẩy nở, khôn lớn, chỉ tháng trước tháng sau đã có một anh chồng HQ, bỏ lại một người yêu trẻ vẫn thường xách xe gắn máy đứng đợi ở đầu cầu thang chung cư.

 

Những cái đám cưới chỉ để “làm cảnh”, cưới vội vàng, cưới cho có cưới, thường chỉ có một hai bàn chiếu lệ, đưa nhau đến Đầm Sen, Bình Qưới, bên hông Nhà Thờ Đức bà chụp vài chục kiểu ảnh cho xôm tụ. Sau đó thuê một căn phòng khách sạn, thế là xong.

 

Mọi chi phí đều được tiết kiệm tối đa. Chừng trên dưới một ngàn đô là giải quyết được mọi vấn đề, kể cả nghi lễ và thủ tục. Mọi sự đều dễ dàng, chóng vánh.

 

Trở lại "vụ án đẻ thuê" tại Hàn Quốc, tôi tường thuật lại những nét chính để bạn đọc tiện theo dõi.

 

Người chồng "lý tưởng"

 

Thu Hà sinh ra ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi vốn nổi tiếng sinh ra nhiều thôn nữ đẹp, trắng trẻo, hiền lành. Khi vừa khôn lớn, vào tháng 8 năm 2003, một người bạn lấy chồng ở Hàn Quốc về chơi nói với Hà rằng muốn giới thiệu cho cô một người đàn ông Hàn Quốc đã có một đời vợ nhưng không có con cái.

 

Tất nhiên, lúc đầu Hà cảm thấy hơi bối rối, nhưng nhìn người bạn mình đã lấy chồng và yên ổn ở xứ Hàn nên cô đồng ý.

 

Có lẽ việc này đã được bạn cô và người đàn ông HQ bàn bạc từ trước nên chỉ vài hôm sau người đàn ông Hàn Quốc đến nhà để gặp mặt. Anh ta (tạm gọi là anh B) không đui què mẻ sứt, không tâm thần như một số anh HQ khác trong những cuộc tuyển vợ. Anh chồng khỏe mạnh và đã ly dị vợ, không có con cái là điều kiện “lý tưởng” để Hà có thể trao thân gửi phận.

 

Thế là thủ tục kết hôn được tiến hành nhanh chóng. Chồng tương lai của Hà cho cô 1.000 USD để chuẩn bị đám cưới. Sau hai tháng làm giấy tờ, cô mới biết người đàn ông mình sắp lấy làm chồng 47 tuổi.

 

Sau khi theo chồng về Hàn Quốc, kết hôn được một tháng, Hà có thai. Gần đến ngày sinh thì chồng cô nói: “Nếu sinh con sẽ gửi cho chị gái đang ở bên Mỹ nuôi”.

Cô nói có con thì cô phải nuôi và phải được gần bên con. Sau đó cô đã sinh một bé gái rất dễ thương với đôi mắt trong veo.

 

Hai màn lừa đảo trắng trợn

 

Khi Hà ở bệnh viện ra thì không thấy con gái ở nhà. Quần áo của con, bình sữa... cũng không còn. Cô chưa hết ngơ ngác thì anh chồng giải thích:

“Con còn non quá nên để ở bệnh viện cho bác sĩ chăm sóc. Rồi sẽ gửi con cho chị ở quê nuôi, em không biết nuôi con nhỏ”.

 

Cô bật khóc nức nở vì nhớ con quá nhưng chồng cô không hề tỏ thái độ gì. Cuộc sống tiếp tục. Nhiều lần Hà hỏi về đứa con nhưng anh chồng vẫn nói gửi con ở nhà quê và anh ta thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Nơi quê người xa lạ, không ai tâm sự, không ai giúp đỡ nên Hà đành cam chịu.

 

Ít lâu sau Hà có thai đứa con thứ hai.

 

Trước khi sinh vài ngày, B (tên anh chồng Hà) thủ thỉ thú nhận với cô là người vợ trước sống với anh ta 21 năm không có con nên mới nghĩ ra cách ly hôn để anh lấy vợ Việt. Sau khi cô sinh con xong, anh sẽ ly hôn với Hà và từ bỏ luôn quyền làm mẹ của Hà. Anh chồng viện cớ: Tất cả nhà cửa, tiền bạc và tài sản mà anh ta và Hà đang sử dụng đều mang tên người vợ cũ. Nếu Hà muốn các con có chỗ ở thì phải ký vào đơn ly dị để anh ta còn đòi lại nhà và hứa sẽ chăm sóc mẹ con Hà chu đáo.

 

Một tuần sau, người chồng lạnh lùng bảo Hà phải ký vào đơn xin ly dị. Nếu không ký sẽ không bao giờ được gặp con.Trước tình thế bi đe dọa, Hà đành phải cầm bút ký đơn ly dị. Thủ đoạn tàn nhẫn.

 

Cầm được lá đơn trong tay, chỉ 20 ngày sau, B lập tức kết hôn trở lại với người vợ cũ. Một tháng sau, B cho Hà gặp lại đứa con gái đầu lòng. Nhưng cháu bé sống với người vợ cũ của B nên không biết Hà là ai.

 

Tệ bạc và tàn nhẫn hơn, ngay sau đó B chuyển chỗ ở đến nơi khác và đổi luôn số điện thoại. Thân cô, thế cô, Hà đã nhiều lần tìm nhưng không bao giờ gặp lại người chồng cũ và hai đứa con của mình.

 

Một nhà báo HQ biết chuyện, ngày 1-7, nhà báo Kim Nam Il đến gặp người chồng của Hà (hiện đang sống tại Inchon, một phường của Seoul) mà trong bài báo được gọi là anh B. Anh ta mặc nhiên thừa nhận có lừa dối Hà trong việc kết hôn và sinh con. Nhưng anh ta nói đã cho tiền Hà và gia đình ba lần, tổng cộng đến 50.000 USD để cô chối bỏ quyền làm mẹ và ký vào đơn ly dị. Hà nói rằng đó là điều hoàn toàn bịa đặt. Anh chồng có cho bố mẹ Hà tiền để sửa nhà nhưng không phải là tất cả vì anh trai Hà cũng đóng góp tiền vào việc sửa sang ngôi nhà ấy.

 

Ngày 7-7, Hà làm đơn tố cáo chồng gửi đến Tòa án Seoul đòi quyền nuôi đứa con thứ hai (vì theo luật Hàn Quốc, cô sẽ khó đòi quyền nuôi được hai con khi tình trạng tài chính không ổn định).

 

Theo nhà báo Kim Nam Il, Thu Hà - đau đớn vì mất con, vì bị lừa gạt, không chốn nương thân giữa xứ người, cô tìm đến Trung tâm Hỗ trợ người lao động nước ngoài ở Seoul. Tại đó, luật sư So Ma Ri - thuộc Đoàn luật sư công ích Gonggam - đã nhận lời giúp cô kiện đòi quyền nuôi con.

 

Lợi thế thuộc về kẻ lừa đảo

 

Khi đó, trả lời phỏng vấn của một tờ báo ở Việt Nam, luật sư So Ma Ri đã báo trước những bất lợi cho thân chủ của mình. Bà phân tích: “Về điều kiện nuôi dưỡng con cái thì chồng cũ của Hà có lợi thế hơn. Thứ nhất, luật pháp sẽ xem xét khía cạnh ai là người nuôi những đứa trẻ thì tốt hơn cho chúng. Người ta sẽ dựa vào tình trạng kinh tế của Hà không ổn định, hơn nữa cô ấy không biết tiếng HQ, chưa phải là công dân HQ ... để phán xử. Trong khi đó, hai đứa trẻ đã có quốc tịch HQ và cũng chính là con của chồng cũ của Hà, nên điều kiện chăm sóc của ông này sẽ được cho là tốt hơn.

 

Thứ hai, những đứa bé này đang ở trong môi trường ổn định, nếu đột nhiên lại thay đổi hoàn cảnh chúng có thể bị sốc hoặc stress.Trong khi đó nếu Hà không đòi được con thì cô ấy vẫn có thể đòi quyền thăm nom con định kỳ và sẽ được bồi thường về mặt dân sự”.

 

Và một phần dự báo của luật sư So Ma Ri đã thành sự thật. Thu Hà đã không được quyền nuôi con. Tuy nhiên bản án ngày 15-2 cũng nói rõ: với vai trò là mẹ đẻ thì “vào thứ bảy của tuần thứ ba mỗi tháng ... tại nhà chồng cũ, Thu Hà được quyền gặp gỡ con của mình”.

 

Nhưng nay quyền gặp gỡ con mình trong bốn giờ mỗi tháng của Thu Hà cũng đang bị thách thức khi chồng cũ của Hà, người đã công khai thừa nhận “sắp đặt mọi việc để lừa Hà như một công cụ đẻ thuê” (theo lời luật sư So Ma Ri), không chấp nhận và đòi kháng cáo.

 

Luật sư So Ma Ri kể lại:

"Cô ấy khóc suốt, rất nhớ các con của mình, xót xa hơn khi chồng Hà cũng là người đàn ông đầu tiên của cô ấy, Hà không muốn chia tay nhưng chồng Hà đã đẩy Hà vào tình trạng bi đát này.

 

Giờ thì các con của Thu Hà được vợ ông B. nuôi từ bé, đã không nhận ra cả mẹ đẻ của mình. Nếu tòa án lại chấp nhận kháng cáo của ông B., thì Thu Hà sẽ không bao giờ được yêu thương, chăm sóc con mình, không bao giờ được bảo ban con, và cả cội nguồn Việt Nam của chúng. Một mất mát quá lớn, một nỗi đau quá lớn. Và những đứa trẻ, liệu chúng sẽ thế nào khi biết được sự thật này ? Người lớn nào lại cho mình cái quyền cướp đi mẹ chúng ?".

 

Các quan tòa không thể không thấy

 

Với tư cách người bênh vực quyền lợi cho Thu Hà, luật sư So Ma Ri cho biết thêm: “Vì tính chất phức tạp của vụ án nên toàn bộ quá trình xét xử vụ án “đẻ thuê” được xử làm ba lần, lần một xử vào ngày 15-1, lần hai vào ngày 15-2 vừa qua. Còn ngày xử lần thứ ba nữa, bản thân tôi và đoàn luật sư công ích Gonggam đang cố gắng hết sức để theo vụ kiện tới cùng nhằm đòi quyền nuôi con cho Hà và đòi bồi thường thiệt hại một cách xứng đáng”. Bà không cho biết gì thêm vì đang trong quá trình chuẩn bị cho phiên xử thứ ba.

 

Báo chí Hàn Quốc cũng đưa tin về kết quả phiên xử lần hai này. Trong bản tin đăng ngày 16-2-2009, báo Korea Times cho biết cô Thu Hà hiện nay đang sống “tại một ngôi nhà tồi tàn ở Seoul và làm việc trong một xưởng may”. Bài báo nói luật sư bào chữa cho cô rất dè dặt khi bình luận về vụ án này, vì lo ngại việc thông tin trên báo có thể ảnh hưởng không tốt đến thân chủ mình và làm người chồng cũ nổi giận cấm cô đến thăm con.

 

Nữ luật sư nói với Korea Times: “Tòa án cho phép cô ấy được gặp con, nhưng như thế không có nghĩa là việc gặp con sẽ sớm thành hiện thực. Nếu người chồng cũ khước từ thì cô ấy không thể nào gặp được con mình”. Bài báo cũng nói nữ luật sư cho biết thêm đang theo đuổi vụ kiện khác liên quan đến tiền cấp dưỡng cho Hà mà kết quả dự trù được đưa ra trong nửa đầu năm nay.

 

Khi bài báo về thân phận của Hà được đăng tải, dư luận HQ rất phẫn nộ, họ cho rằng đây là vụ lừa đảo đầu tiên và người phụ nữ đã bị coi như một thứ công cụ sinh sản. Những thủ đoạn của người chồng và cả người vợ anh B là rất trắng trợn. Ly dị vợ để kết hôn với một người con gái khác, khi sinh con xong thì ly dị và lập tức quay trở về tái kết hôn với người vợ cũ mang theo cả những đứa con của người vợ sau. Các quan tòa không thể không thấy rõ mưu toan đó.

 

Liệu bản án lần này có dấy lên một dư luận bảo vệ quyền được nuôi con của người phụ nữ này không ?

 

Tòa án sai lầm

 

Ông Young Shim Lee, Giảng viên Đại học Tôn giáo Seoul, Hàn Quốc đã lên tiếng cho rằng đó là một “Phán quyết không công bằng”. Ông nói:

 

“Tôi cho rằng tòa án đã có sai lầm.

 

Thứ nhất, ông B. (và vợ cũ) đã sinh sống với nhau nhiều năm mà không có con nên việc giả vờ ly hôn để kết hôn với người con gái Việt Nam, dựng lên cả một kế hoạch cướp con, đó là một việc rất xấu không thể chấp nhận được.

 

Thứ hai, phán quyết ấy đối với cô Thu Hà là không công bằng. Sau này những đứa trẻ ấy lớn lên có thể sẽ không biết rõ mẹ mình là ai, không có tình cảm; còn nếu những đứa bé ấy có nhận thức đúng đắn thì chúng sẽ nhận thấy rằng bố chúng đã rất sai và xấu".

 

Một sinh viên kể lại: Ông giáo sư người Hàn của tôi bộc bạch với cả lớp khi vừa bắt đầu giờ thảo luận:

 

“Tôi còn nhớ ngày trước nhiều đàn ông Nhật ế ẩm đã tìm đến Hàn Quốc để lấy vợ, những cô gái xinh đẹp nhưng nghèo khó. Rất nhiều phụ nữ Hàn khi đó đã phải chịu khổ sở, bất công, chà đạp... và xã hội Hàn đã uất ức như thế nào. Vậy mà bây giờ lẽ nào chúng ta lại có thể diễn nguyên cái kịch bản ấy đối với phụ nữ ở các nước khác"?

 

"Thật bất hạnh và đáng thương cho những người phụ nữ nước ngoài bị những người chồng Hàn đối xử vô đạo đức như thế”.

 

Khi được hỏi: “Giáo sư cũng quan tâm đến sự kiện cô dâu VN bị lừa mất con sao ?”

 

Vị giáo sư vẫn còn đỏ mặt tức giận đáp ngay:

“Sao lại không chứ? Tôi luôn nhìn thấy đất nước tôi ngày xưa trong hình ảnh nước bạn hiện nay, và nhìn thấy bản thân tôi trong hình bóng bạn đang lặn lội du học bây giờ. Thật xót xa khi người ta đã quên quá khứ...”.

 

Thương hiệu và uy tín Quốc Gia

 

Chính phủ Hàn nhiều năm nay đã chi biết bao tiền của để xây dựng hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Khái niệm “nhãn hiệu, thương hiệu quốc gia” gần như là câu cửa miệng của những người làm quan hệ công chúng trong chính phủ. Chỉ tiếc rằng chưa mấy ai đo đạc xem những vụ việc lừa gạt trong hôn nhân quốc tế, chà đạp nhân phẩm các cô dâu nước ngoài... sẽ làm tổn thương “thương hiệu quốc gia” và uy tín của đất nước này như thế nào.

 

Có người nước ngoài đã bình luận trên tờ Thời Báo Hàn Quốc (koreatimes.com) rằng: tòa án xử một vụ ly hôn ở Hàn Quốc còn nhanh và dễ dàng hơn là bắt một chiếc taxi vào buổi tối ở khu Jongno 3 ga (khu trung tâm Seoul)! Thời gian thụ lý một vụ ly hôn thông thường rất nhanh, và phần lớn trong đó người đàn ông do có thu nhập và công việc ổn định hơn nên được quyền nuôi con.

 

Bài báo này nhận xét: “Pháp luật Hàn Quốc đã thay đổi và tiến bộ hơn nhiều, trừ việc người phụ nữ bị thiệt thòi rõ rệt trong các vụ ly hôn không hề thay đổi”.

 

Trên một diễn đàn khác là hankooki.com, một nick ký tên K.C. Jang viết: “Việc đẻ thuê, ông chồng chỉ cần con để nối dõi, còn vấn đề về quyền được sống hạnh phúc như một phụ nữ Hàn, quyền nuôi con ... ở đâu, đây là hành động thiếu đạo đức ở xã hội Hàn Quốc”.

 

Trên mạng vnkrol.com đã xuất hiện những lời kêu gọi giúp đỡ Hà, thậm chí còn có lời kêu gọi biểu tình nếu Hà không được quyền nuôi con!

 

Chưa biết trong lần xử thứ ba sắp tới đây, tòa án Seoul sẽ mang lại cho người con gái cô đơn bị lừa gạt kia những điều gì? Bản án chính là lương tâm con người và cũng chính là thương hiệu và uy tín của Hàn Quốc hiện nay.

 

Văn Quang

 

(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)

website counter