Chuyện buồn người
vợ tù
(Ý Cơ)
Chuyện buồn người vợ tù là một
chuyện đã thực sự xẩy ra cho một
người phụ nữ sau tháng tư năm 1975,
Ý Cơ tin rằng hoàn cảnh ấy không xẩy
ra riêng cho mình chị, mà câu chuyện
thương tâm, phần nào phảng phất một nét đời
đã qua nhưng khó quên của mỗi chị
em chúng ta, khi có chồng, có con bị tập
trung trong trại cải tạo. Ý Cơ đã viết
lại theo lời kể của nhân vật chính,
vì thế chữ "tôi" được
dùng trong chuyện kể, không phải là
tác giả bài viết, rồi vẫn giữ
nguyên danh tánh của hai nhân vật. (Nhân vật
tên Chung trong chuyện kể này là Trung
Úy Trương Kim Chung, giảng viên Tâm
Lý Chiến và Xã Hội Học Trường
Võ Bị Quốc Gia Dalat)
Ngôi biệt thự nhỏ, khiêm
tốn, cuối đường Hoàng Diệu, Dalạt. Phía sau là vườn
hồng, từ đó, thấp thoáng nhìn thấy
những mầu áo xanh lam của nữ sinh nội
trú trường Couvent des oiseux. Đó
là: “Ngôi nhà hạnh phúc!” của
chúng tôi, cũng là tên do các bạn
yêu thương đặt cho nó.
Chúng tôi sống êm đềm hạnh
phúc, bên ba đứa con nhỏ dễ
thương, và một em bé còn đang trong bụng
mẹ. Căn nhà lúc nào cũng rộn
rã vui tươi, nhất là khi Tết đến,
nó lại có cơ hội tiếp đón những
‘Con bà phước’, đó là những
Sĩ Quan huấn luyện viên của trường
Võ Bị Quốc Gia Dalat, không được về
thăm nhà khi Tết đến, tất cả đều
quây quần vui chơi, như chính nhà của
họ, bởi vì, vợ chồng tôi, luôn coi
các anh như người ruột thịt.
Thời gian như thế chẳng bao
lâu, và cuộc sống đầm ấm ấy
đã bị đảo lộn, khi tiếng súng bắt
đầu nổ vang trên bầu trời Buôn
Mê Thuột, để rồi dẫn đến
ngày cuối tháng tư đau thương này.
Được lệnh thượng cấp rút
khỏi Dalat vào cuối tháng 3/75, Chồng tôi
cùng các chiến hữu, đã lặng lẽ
lên đường, giữ an ninh lộ trình di tản
cho dân chúng và các đơn vị bạn
thuộc Tỉnh Tuyên Đức và Thị Xã
Dalat, các anh là những người sau cùng rời
xa Dalat.
Phải rời xa nơi chốn hạnh phúc của
chúng tôi và bè bạn, anh đi mà vẫn
quay đầu nhìn lại, anh muốn ở lại
để bảo vệ mảnh đất thân yêu
ấy, nhưng không thể cãi lệnh thượng
cấp, vì anh là một quân nhân, anh kể
lại cho tôi như thế, về suy tư của anh
trên đường rút quân.
Sàigon thất thủ, Anh cùng một
số chiến hữu đã ra đi, sau lời
tuyên bố của Tướng Dương Văn Minh. Nhưng .. đến chiều tối, Anh
đã trở lại cùng mẹ con tôi, Anh
đã rời chiến hạm của quân chủng
Hải Quân để về cùng mẹ con tôi,
vì anh không muốn xa lìa hạnh phúc
đời mình, để ra đi, chỉ một
mình anh như thế ! Nếu biết, trở lại
để rồi phải vĩnh viễn xa lìa mẹ
con tôi, chắc anh vẫn quyết định như thế,
tôi tin như vậy ở tình yêu của anh
giành cho mẹ con tôi .. Đó, chính
là niềm đau ray rứt, niềm ân
hận khôn nguôi trong cuộc sống mẹ con
tôi đến cuối đời.
Là một sĩ quan cấp úy, cuối
tháng 6/75, Anh cũng như bao người khác
đã trình diện để học tập cải
tạo, với hy vọng sau vài mươi ngày sẽ
trở về, nhưng .. .. .. ..
Vắng Anh, tôi ở lại, với bao hoang mang
lo sợ, lo sợ cho sinh mệnh của anh nhiều hơn
cho sự bơ vơ của mẹ con
tôi. Thời gian cứ hun hút qua
đi, không một tin tức nào về anh.
Tất cả chúng ta, các chị và mẹ
con tôi, cũng như những người cha, người
chồng yêu quý của chúng ta, đều bị
những kẻ chiến thắng lường gạt một
cách hèn hạ.
Anh đã cho tôi và các con anh một
đời sống ổn định vững vàng, nay
không có anh, tôi đã mất hết, mất
cả những ước mơ toan tính cho
tương lai con cái về sau, tôi chẳng
còn gì, ngay cả mạng sống cũng mong manh
bên cháu nhỏ mới chào đời.
Nhưng thực tế, vẫn là thực
tế, dù là thực tế phũ phàng,
tôi và hầu hết chị em chúng ta phải
gánh chịu, phải tự vực mình đứng
lên, và tự nhủ, phải đứng thật
thẳng để là nơi nương tựa vững
chãi cho chồng con.
Tự nhủ như thế để lấy lại
can đảm, tôi đã phải ngược
xuôi trăm đường, bán buôn đủ
thứ nơi đầu đường xó chợ,
trong cảnh vạn người bán mà chỉ
có vài người mua, để thay chồng
nuôi con.
Dân chúng tại các
thành phố và tỉnh thị, không có gạo
mà ăn. Khoai lang, khoai
mì, bo bo .. đã
trở thành lương thực chính, phân phối
theo sổ gia đình, khi nào được mua bột
mì, đã là một hạnh phúc lớn
cho dân chúng miền nam, vì có thể lấy
bột làm bánh mì để ăn, hoặc
để bán, đi bán bánh mì cũng
là một trong muôn nghề, tôi đã nhờ
đó nuôi con.
Ngày tháng cứ
qua đi, với buồn lo nặng chĩu hai vai, không
người chia sẻ, tôi vẫn nhủ thầm,
lúc này, mình không được gục
ngã, không thể gục ngã, khi mà
các con tôi còn quá nhỏ, khi mà sự
sống chết của người chồng yêu quý
không một chút tăm hơi.
Với một chiếc xe đạp
cũ kỹ, tôi chạy ngược xuôi kiếm sống,
nuôi con. Khi những người cầm quyền CS biết
rằng, đa số chị em chúng ta, đang chiếm
lòng lề đường, và những đầu
con hẻm làm nơi kiếm sống, họ
đã cho thi hành chiến dịch, dẹp
lòng lề đường, để triệt hạ
con đường sống của những vợ con ngụy.
Tôi đành chuyển cách kiếm sống,
khi thì chạy thuốc tây, đôi khi vài
ba mảnh vải .. để
chuyển từ tay người muốn bán, đến
tay người muốn mua, ở giữa mình kiếm
vài củ khoai nuôi con ..
Có những lúc đạp xe muốn kiệt
sức, vì từ sáng chưa có chút
gì vào bụng ngoài một ly nước lạnh,
trời Saigon nắng gắt, đạp xe mà không
nhìn thấy gì phía trước, không biết
vì mồ hôi từ trán chẩy xuống, hay
những gọt nước mắt tuôn rơi. Nhiều
lúc đầu óc muốn vỡ tung, vì những
mưu toan sinh kế, trước những ách bức
nặng nề do xã hội chủ nghĩa gây
nên, ấy thế, những giây phút tưởng
như cuồng điên ấy, có lẽ còn dễ
chịu hơn những khi màn đêm buông xuống,
Ngồi cạnh giường, nhìn đàn
con ngủ, những khuôn mặt ngây thơ vô tội,
nhưng chắc cũng đã một chút ấm
lòng, vì chiều nay mẹ đã mang về
cho các con được hơn một ký gạo.
Nhưng còn chồng tôi đâu
? đói-no, ấm-lạnh ra sao
? Anh là người nặng tình vợ con, liệu
có yên giấc ngủ, hay đang chong mắt nhớ
về gia đình, với những lo lắng, mà
không sao Anh gánh vác thay vợ lúc này .. Chỉ có lúc này
tôi mới được tự do khóc, nức nở
khóc, để vơi chút buồn
lo.
Thời gian qua, gần một năm sau
ngày chồng tôi bị đưa đi cải tạo,
tôi mới được tin chồng, dù chẳng
phải tin vui, nhưng có vẫn hơn.
Anh đang bị bệnh sốt rét ác
tính, và thiếu dinh dưỡng trầm trọng,
không biết Anh có còn chờ được
thấy em lần cuối hay không ? Một người bạn đưa tin về,
mong ước của Anh là được tin vợ
con, trước khi Anh nhắm mắt.
Trời đất như sụp đổ dưới
chân tôi, không còn đủ sức đứng
vững, hay tôi đã quỳ xuống để
xin Người về, chỉ đường cho tôi,
tìm đến với người chồng bất hạnh
cho kịp lúc.
Ngay tờ mờ sáng hôm sau, tôi
đã vội vã lên đường đi,
tìm chồng. Băng rừng, vượt suối, muỗi,
vắt, cắn bầm tím cả người,
không màng tới, quần áo ướt rồi
khô, khô lại ướt, gió lạnh căm
căm nơi rừng sâu, chẳng sờn.
Tìm được trại giam chồng, tôi
chưa kịp mừng, một bọn đàn ông với
đôi mắt cú vọ hạch hỏi đủ
điều, chỉ với lý do, tại sao tôi biết
địa điểm của trại tù này.. .. Nhưng cuối cùng họ cũng
cho tôi gặp Anh có lẽ vì: "cảm phục
lòng yêu chồng của phụ nữ miền nam".
Tôi đọc được điều
đó, qua ánh mắt của họ giành cho
tôi lúc đó.
Chồng tôi bệnh nặng, anh em cùng
láng, cho mắc võng chồng tôi chính giữa,
còn võng của Anh Em bao chung quanh để che
gió lạnh cho chồng tôi, thật sự, có
che được bao nhiêu, vì mỗi khi gió
thôi tạt vào, thì tất cả đều
phải đón nhận những làn gió lạnh
và cát bụi bám đầy mặt. Tôi đem lòng kính yêu những tấm
lòng ấy, và ngỏ lời cảm ơn
các anh.
Tôi chết sững, khi các anh chỉ cho
tôi chiếc võng ở giữa, nơi chồng
tôi đang nằm, Chồng tôi đó sao ? Một người cao gần 1m80, nặng
trên 70 ký, nay chỉ còn là một bộ
xương sơn đen, hàm răng trắng nhô
ra, làm cho đôi má đã hóp, lại
càng thấy trũng sâu hơn, đôi mắt
lõm sâu không thần sắc .. nước mắt như
cùng lúc với tôi, nhào lăn đến
bên Anh, tôi ôm ghì bờ vai Anh, đôi bờ
vai ấy, những năm tháng qua đã là
nơi nương tưa quý báu cho tôi, những
khi tôi buồn. Còn Anh, Anh không đủ sức
kéo đầu tôi ngả vào vai như
ngày xưa nữa. Thời gian như ngừng
lại, các bạn Anh đứng bên cũng
yên lặng ngậm ngùi, yên lặng đến
độ tôi đã nghe thấy âm thanh của
nước mắt tôi rơi trên vai chồng.
Làm sao tôi có thể quên được
đêm ấy, bên đống lửa bập
bùng, mấy chục khuôn mặt, mà tôi chắc,
trước kia oai phong và đẹp trai lắm, trong bộ
quân phục VNCH .. nhưng .. bây giờ .. quanh
tôi .. chỉ
còn là những bộ xương biết cử
động. Hai mắt tôi đã
đau nhức vì khô cạn nước mắt,
tôi khóc cho tôi, tôi khóc vì các
anh, và chắc các anh cũng đang cùng
tôi khóc cho quê hương dân tộc.
Chồng tôi nằm đó, thoi thóp thở,
miệng vẫn cố cười, nụ cười
héo hắt, chắc Anh đã mãn nguyện,
khi biết rằng vợ con Anh còn sống
?
Đứa con gái út của Anh mới
được tám tháng, nên mẹ nó
còn sữa, hai bầu sữa căng nhức
đã kéo tôi ra khỏi cơn mê, tôi
chợt tỉnh táo để xin lỗi các bạn
Anh tránh ra xa một chút, để tôi có
thể san sẻ phần sữa của con tôi cho bố
nó. Bưng bát sữa, vừa bỏ thêm hai muỗng
đường, xúc từng muỗng đưa
lên miệng Anh, tôi hy vọng là không
có giọt nước mắt nào của tôi,
rơi vào bát sữa, để Anh không phải
uống thêm những đắng cay của cuộc đời
vào lúc này.
Không hiểu vì bát sữa, hay vì
tôi đã đến, sáng ra Anh đã tỉnh
lại nhiều, các bạn Anh bảo, nhờ có
sữa tiên nên Anh mới khoẻ lại như vậy,
tôi biết các bạn Anh nói đùa, vui,
cho chồng tôi lên tinh thần. Xin cảm
ơn các Anh.
Chiều đó tôi bắt buộc
phải rời trại giam.
Trên đường về, đầu óc lại
làm việc, mong sao tìm được cách kiếm
tiền đi thăm nuôi chồng, càng sớm
càng tốt, nếu không tôi sợ không kịp .. không kịp
.. không kịp ?.. .. tôi
không dám nghĩ tiếp.
Sau lần thăm ấy, tôi bị mất
liên lạc, vì chồng tôi bị chuyển qua
nhiều trại khác.
Mãi đến giữa năm 1977, tôi mới nhận
được giấy báo của trại cho phép
đến thăm Anh, tại trại an
dưỡng Biên Hòa. Sau lần
đó, chồng tôi cùng các bạn bị
chuyển ra Bắc.
Thời gian này thật khủng khiếp,
vì Anh luôn bị chuyển trại, hết Lào
Cai, rồi Yên Bái, rồi Lạng Sơn .. .. .. ..
!
Vừa được tin anh ở trại này,
đến nơi, anh đã bị chuyển đi trại
khác, tôi rượt đuổi theo
anh nhiều ngày tháng, nhưng không sao bắt
kịp bước đi của anh. Phải
trở về, vì bốn đứa con nhỏ còn
đang cần mẹ. Tôi phải hối lộ
cho bọn cán bộ Bưu Điện để
có những tấm phiếu gởi quà, qua
đường bưu điện, mỗi phiếu
được ba ký. Phải tính toán
làm những món ăn để được
lâu, một chút thịt mỡ cũng phải kho
thật mặn .. trông
thấy tôi làm những món ăn gởi cho
Anh, các con Anh nói:"Bố
sướng quá, bố có nhiều đồ
ăn ngon hơn tụi mình !" .. còn gì đau khổ và xót
xa cho tôi trước những câu nói so
sánh ngây thơ ấy, nhưng cũng có
chút an ủi cho chúng, là còn được
vét xoong.
Cuối cùng tôi cũng tìm ra, họ
đã chuyển Anh về Nghệ Tĩnh, tôi vội
ra thăm Anh, dù không có giấy phép,
đủ mọi mưu kế, đủ mọi tính
toán .. tôi không biết mình đã trở
thành người nhiều mưu kế như thế
tự bao giờ, và cuối cùng tôi
đã xin được giấy chứng nhận bị
mất cắp toàn bộ giấy tờ và tiền
bạc, trong đó có giấy phép được
thăm nuôi, nhờ thế tôi đươc
vào trại giam chồng tôi. Tôi đến
được trại giam vào tối thứ bẩy,
qua ngày chủ nhật sẽ được gặp mặt
chồng, nhưng qua hôm sau cán bộ ở trại
họ cho biết, đến thứ hai mới gặp
được vì chồng tội bị đi lao động xa, và họ sẽ cho gọi
Anh về.
Đêm chủ nhật trằn trọc mãi
không ngủ được, phần vì lạ chỗ,
phần thì mừng, mai được gặp mặt
chồng sau nhiều năm xa cách, hơn nữa, xem
Anh có mạnh khỏe hơn, sau lần được
uống sữa tiên hay không ? Nhiều ý nghĩ
dồn dập tới .. Nhưng
mệt quá nên tôi cũng thiếp đi
được một chút. Trong giấc ngủ,
tôi nằm mơ thấy anh về báo tin cho
tôi là anh đã chết .. Tôi choàng thức giấc, mà miệng
còn ú ớ, như đang nói điều
gì, tôi tỉnh dậy, lo buồn, khóc
thành tiếng, làm thức giấc các chị
cũng đến thăm chồng thăm con như tôi.
Các chị biết chuyện, hùa vào an ủi,
thôi, sinh dữ tử lành, yên tâm ngủ
đi, rồi mai thế nào cũng được gặp,
tôi cũng tự an ủi mình như thế.
Hôm sau, mờ mờ sáng, tôi đã
cùng chị em nấu cơm cho chồng, cho con một
bữa, mong được ấm lòng cả hai. Trời
sáng hẳn, qua màn sương mỏng, từ cao
nhìn xuống, tôi thấy từng lớp người
lũ lượt theo từng toán
đi lao động. Tôi như kẻ mộng du,
như có ai xô đẩy sau lưng tôi,
tôi chạy ào xuống chân núi, nơi cấm
những thân nhân tù cải tạo đến
gần, tôi thấy, toán 1, rồi toán 2, rồi
toán 3 .. Tôi chợt nghe tiếng gọi: "Chị
Chung .. .. à .. .. Chị
Minh" và tiếp theo có tiếng
người la to: "Anh Chung chết rồi". Tôi ngã xuống và không còn
biết gì nữa.
Khi tỉnh lại, tôi thấy mình bị
trói chặt tay chân vào một
chiếc chõng tre, một người y tá đang
chích thuốc cho tôi. Tôi nghe kể lại,
tôi đã bị ngất xỉu hơn một giờ
đồng hồ, họ phải khiêng tôi lên
từ chân núi, họ phải trói tôi lại
vì sợ tôi vật vã, làm gãy kim chích. Tôi nói,
tôi không sao, cởi trói cho tôi.
Sau cơn choáng, quá đau đến dại
người, tôi trở nên bình tĩnh lạ
thường, bây giờ nghĩ lại tôi vẫn
còn sợ cho sự bình tĩnh cuả tôi
lúc đó, miệng tôi luôn lẩm bẩm:
"Anh linh thiêng đến thế sao ?"
Khi nhớ lại giấc mơ đêm qua.
Tôi được gặp trại
trưởng, tôi yêu cầu gì, họ cũng
chấp thuận. Tôi
xin được gặp bạn bè thân của chồng
tôi, trao lại cho các anh hơn 120 kg quà
tôi mang đến cho chồng, tôi nói với
các Anh rằng, ai cần gì thì lấy thức
đó, rồi thư về cho vợ
con, trả tiền lại cho tôi sau, phải nói thế
các Anh mới chịu nhận, thực trong lòng
tôi thương các Anh như thương chồng
mình vậy.
Sau đó, cán bộ trại mang đến
cho tôi một xách tay, bên
trong không có gì khác hơn ngoài một
bộ bà ba đen đã bạc mầu.
Họ cho tôi một chén cơm hẩm,
còn hôi mùi mốc, trên có một quả
trứng luộc, để mang ra mộ Anh, tôi đi
như một xác không hồn, mắt mở
căng như toát ra nỗi căm hờn, phẫn uất,
nhưng nào nhìn thấy gì phiá trước,
bước thấp, bước cao, theo hai người dìu
tôi đi.
Tôi không thể chết bên mộ chồng,
vì ở nơi xa kia, còn
có bầy con thơ đang chờ mẹ về, kể
chuyện đi thăm bố.
Vài tháng sau, tôi nhận được
hai gói quà trả lại với hàng chữ: "Người
nhận đã chết, trại yêu cầu
hoàn lại". Ra bưu điện nhận lại
hai gói quà, tới bữa ăn, nhìn bốn
đứa con ngồi ăn ngon lành, những món
quà trả lại, vì bố các cháu
không còn cần nữa, mắt tôi lại một
lần mờ lệ thương thân.
Vài năm sau, tôi dời mộ chồng về
Saigon, trong ngày bốc mộ Anh, tôi được
vài người bạn tù của Anh giúp
đỡ, một trong các Anh lấy lên từ
dưới mộ, đưa cho tôi một kỷ vật,
do chính chồng tôi làm ở trong tù,
nó được chồng tôi làm từ những
sợi giây kẽm nhỏ, thành sợi giây
chuyền, với chiếc mặt nhựa kính máy
bay, có khắc hình hai đứa đứng cạnh
nhau. Anh đã dấu diếm từng ngày để
không bị cán bộ CS tịch thu,
các bạn Anh đã tìm thấy trong khi liệm
xác Anh, họ đã chôn nó cùng Anh
trong huyệt lạnh.
Hơn một năm, sau ngày Anh mất, phường
khóm đưa đến cho tôi một biên bản
"Phạm nhân chết", trong đó ghi
rõ tội ác của chồng tôi can tội: "Giảng
viên tâm lý chiến, xã hội học,
Trường Võ Bị Quốc Gia Dalat. Án
phạt: 3 năm tập trung cải tạo". Nhưng khi chồng tôi chết, Anh đã
bị tù đúng 3 năm 7 tháng. Bẩy tháng oan nghiệt giết chết chồng
tôi.
Đến năm 1994 tôi được định
cư tại Hoa Kỳ theo diện HO
vì có chồng chết trong khi bị tập trung cải
tạo.
Nay các con tôi đã khôn lớn,
đã thành đạt, và các cháu rất
hiếu thảo. Tôi đã và
luôn tự nhủ, phải đứng thẳng
làm nơi nương tựa vững chắc cho chồng
cho con, trách nhiệm phần nào đã nhẹ
gánh.
Em đã sống vì anh, thay anh nuôi dậy
con chúng ta, tôi vẫn thì thầm cùng anh
như thế, "Hãy đợi em đến
cùng anh". Vâng, tôi ước mong được
sớm ra đi bình yên như thế, để
được xum họp với chồng tôi, để
nối lại gánh hạnh phúc của chúng
tôi bị gẫy sau 4
năm 5 tháng chung sống. Tôi chắc
Anh có nhiều nuối tiếc như tôi và
đang chờ tôi đến cùng Anh.
Ý CƠ
(Long Pham & Sưu Tầm Liên Mạng
chuyển)