Người
đàn bà bị hành hạ hơn nô lệ
(trích đoạn
Lẩm Cẩm SGTHS-249)
-VĂN QUANG-
- Số phận
thôn nữ ngày nay
Ở nhà quê
hơn 3 năm, tôi đã từng mắt thấy
tai nghe quá nhiều số phận của những
cô gái thôn quê ngày nay, kể cả những
cô gái ở những thị trấn từ nhỏ
đến lớn. Hầu như khó tìm ra một
cô thôn nữ đẹp và khỏe mạnh
trong những ngôi nhà tồi tàn, bởi họ
đã tìm đường ra thành phố
“làm ăn” hoặc kiếm một cuộc
đổi đời bằng cách lấy chồng
nước ngoài, hoặc một cách nào
đó tùy theo hoàn cảnh từng người.
Nguyên nhân sâu
xa… thật ra không sâu xa. Khi đời sống
vật chất ngự trị trên cả giá trị
luân lý đạo đức, khi nạn tham nhũng
trở thành chuyện tất nhiên ở bất kỳ
nơi nào, khi những đồng tiền được
làm ra quá dễ dàng, không bằng mồ
hôi nước mắt, nó thúc đẩy
lòng ham muốn của con người xung quanh là
chuyện dễ hiểu.
Ở hầu hết
các thôn xã hẻo lánh, nơi nào cũng
đã từng có những cô gái đi
tìm một cuộc "lên đời" và
chụp giựt được hào quang “dỏm”
hay không “dỏm” cũng đã gây ảnh
hưởng tâm lý rất nặng nề trong tận
cùng tâm thức của những cô gái
quê cùng với lối suy nghĩ của gia đình
những người nông dân đó. Bỏ
quên truyền thống lâu đời của cha
ông, bước qua hàng rào dư luận của
làng xã, họ tìm cách “vươn
lên” cho bằng người khác, hoặc
ít nhất cũng thoát được cảnh tối
tăm bần hàn hiện tại. Họ phải tự
cứu mình, không còn cách nào khác.
Thôi thì “ai nói mặc ai, chuyện
mình mình lo”. Quan lo cho gia đình nhà
quan, dân lo cho gia đình dân. Sự cách biệt
đã quá lộ liễu và trở thành
chuyện bình thường. Anh nào vơ được
bao nhiêu cứ vơ, anh nào chết kiểu
nào cứ chết.
Nói như thế
tôi không có ý “thần thánh
hóa” một xã hội tốt đẹp trong
tưởng tượng mọi người thương
yêu đùm bọc lẫn nhau như trong luân
lý giáo khoa thư. Tôi chỉ muốn nhấn
mạnh rằng xã hội bây giờ là
như thế. Họ lạnh lùng và “vô cảm”
hơn xưa nhiều, nhiều đến nỗi bạn
không thể hình dung ra được nếu bạn
không sống ở những nơi này ..
.. ..
- Người
đàn bà bị hành hạ hơn nô lệ
.. Đó là
thân phận những cô gái quê bị cuộc
đời hành hạ. Còn những cô gái
quê bị chính người thân mình
hành hạ cũng không hiếm. Ngoài những
chuyện như tôi đã tường trình với
bạn đọc như người đàn bà bị
chồng đốt, đến nay lại thêm một
thân phận đàn bà bị ngược
đãi tàn tệ nữa vừa bị phanh phui.
Rất nhiều người
dân ở thôn 4, xã Quảng Tân, huyện
Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông xác nhận việc
chị Nga bị chồng hành hạ như cơm bữa
suốt 5 năm qua. Bà Lê Thị Mười cho biết:
"Không ít lần Phạm Văn Quang sai vợ
đi mua rượu, rồi bắt vợ cởi hết
quần áo, ngồi rót rượu để Quang
vừa uống, vừa đánh đập, cưỡng
hiếp, lấy dao cắt thịt vợ để xem
máu chảy. Quang còn bắt vợ đưa miệng
và sống mũi ra để giẫm đạp.
Không ít lần Nga không chịu nổi những
trận đòn của chồng, đã vùng chạy
ra đường, trên người không có mảnh
vải che thân".
Mùng một Tết vừa
rồi, Nga bị chồng đánh nhấc chân
không nổi, phải bò vào gầm giường
trốn. Quang hất tung vạt giường, rút một
thanh ngang đánh gãy tay trái, đập giập
thêm một ngón tay nữa của vợ. Người
chồng thú tính còn lôi vợ ra,
dùng dao chém thêm một nhát vào đầu,
chị phải khâu 4 mũi. Theo kết quả
giám định pháp y, chỉ riêng trận
đòn này chị đã chịu thương
tật 18%. Không kể những trận đòn lẻ
tẻ hàng ngày, một trận hành hạ tồi
tệ như trên lại tái diễn vào
ngày 6-3.
Chị Nga khóc, kể:
"Trên người em có gần 30 vết sẹo.
Tay chân bị đánh gãy nhiều lần.
Còn ngón tay, ngón chân thì gãy
đi, gãy lại bao nhiêu lần em cũng không
nhớ nữa". Cả thôn, cả xã đều
biết chuyện, nhưng ai đến can ngăn cũng bị
Quang vác dao đuổi chém. Ông Nguyễn
Văn Châu (dượng Quang) có lần vào cứu
chị Nga cũng bị Quang đánh gãy 3
xương sườn.
- Chính
quyền địa phương… đứng nhìn
Ông Dương
Văn Châu - Phó trưởng Công an xã Quảng
Tân - nói: "Vẫn biết Quang thường
xuyên đánh đập vợ, nhưng chúng
tôi chỉ nhắc nhở, cảnh cáo anh ta,
vì gia đình không làm đơn tố
cáo nên chúng tôi không thể xử
lý nặng được" (?). Còn bà
Đinh Thị Liên - Chủ tịch Hội Phụ nữ
xã - cho biết: "Tổ hòa giải cũng
đã hòa giải rồi, song anh Quang vẫn chứng
nào tật ấy, bố mẹ Quang lại bênh vực
con trai nên chúng tôi không làm gì
được".
Rõ ràng
chính quyền địa phương chỉ đứng
làm bù nhìn. Công an xã và Hội
Phụ Nữ “không thể can thiệp”
và không dám “xử lý”. Họ chờ
đợi cái gì ? Chẳng lẽ thấy một
người dân bị hành hạ như súc vật
trước mắt mọi người, chính quyền
đợi người đó phải tố cáo mới
dám can thiệp ? Hay đợi người
đó chết rồi đến lập biên bản
và điều tra ?
Cái khổ của
người dân quê chính là ở
đó.
Văn Quang
(Bai Chuyen)