Lão Nhà Quê...
Sống Thử
(Hồ Henry)
Tác giả là một Electronic
technician, cư dân Fountain Valley, Orange County. Bài viết về nước
Mỹ đầu tiên của ông được ghi
là “Viết theo lời kể của người
thầy cũ” vừa có hai tháng “sống thử với
nước Mỹ” vài tháng ... Mong Hồ Henry tiếp tục
viết.
Thủ tục nhập cảnh đã xong, vừa
bước đến cổng ga phi trường LAX,
tôi đã nghe tiếng reo mừng rỡ: "Ba, mẹ
! Chào ông bà ngoại !" Ôi! Những
người thân yêu: trai út, gái út,
hai thằng nhóc con của đứa gái thứ
tíu tít chạy đến. Tôi ôm hôn
hai cục cưng cháu ngoại trong khi trai út
móc mấy đô lẻ đền công đẩy
hành lý cho cậu nhân viên sân bay, rồi
cùng chị út xách đồ đạc ra
bãi xe.
Chiếc xe bảy chỗ bon bon trên đường
về Santa Ana.
Gái út lo lắng: "Trông ba xuống sắc".
Trai út: "Ba không khoẻ ?" "Không
có gì. Tôi đáp. Chỉ vì
đây là lần đầu xuất ngoại
nên khó tránh áp lực tâm lý. Suốt
mười mấy giờ ngồi phi cơ, không ngủ
được giấc dài, chắc là ... hốc hác ". Nhóc
nhỏ nịnh: "Ông ngoại... đẹp trai". Cái giọng
lơ lớ không thuần Việt nghe vui tai, tôi bật
cười: "Ông già rồi, đã 69. Phải
nói đẹp lão". Nhóc lớn tếu:
"69 trẻ hơn 96 mà". Bà ngoại nó
cười, âu yếm nhìn nó.
Thằng chó con nầy có óc khôi
hài giống cái phong thái lạc quan yêu
đời của mẹ nó, dẫu rằng nó mới
lên 9. Cha nó gốc Hoa, thế nên việc
đàm thoại trong gia đình bốn thành
viên ấy sử dụng tiếng Anh giọng Mỹ. Sợ
mất gốc Việt nên qua các cuộc điện
đàm, tôi thường buộc đứa
gái thứ ba (theo thứ bậc trong gia đình miền
nam Việt Nam) phải dạy chúng tiếng Việt.
Nhà giáo (đã về hưu) như tôi
mà để cháu mình vong bổn thì tội
trọng nầy gánh sao kham. Tôi chỉ có thời
khoản ngắn ngủi ba tháng sang Mỹ-tự
tôi qui dịnh như vậy-rồi phải hồi
hương. Dù gì, cũng thu xếp thời gian dạy
tiếng Việt cho các cháu.
Thuở thanh xuân, từ Bạc Liêu lên
Sài Gòn học thi Tú tài, nghe bạn học
ca ngợi ông thầy tướng số ở gần
cầu Calmette (Quận 1 bây giờ) là "thần
bốc", tôi tò mò tìm đến. Gian
phòng nhỏ dành cho người độc
thân đèn điện sáng rực; ông rất
kiệm lời, gương mặt lạnh lẽo. Tôi
chào và xòe bàn tay trái (nam tả nữ
hữu) đúng điệu, ông vỗ lên
đó cái chát, giọng khô khốc:
"Lột giày, lột vớ chân trái".
Ngạc nhiên, tôi vẫn làm theo sau khi ngồi
lên chiếc chiếu. Ông ngồi đối diện,
nâng bàn chân trái tôi lên cao.
Quái ! Ông phán câu đầu sau hơn 10
giây săm soi: "Hồi nhỏ có té
sông té giếng hai lần ?" Tôi "dạ
phải" mà giật mình. Lão nầy ở
Sài Gòn; mình ở vùng quê Bạc
Liêu, cớ sao chuyện xa xưa từ đời
ông cố hỉ lão cũng thấu ? Quả thực,
tôi có té sông do cậu tôi bất cẩn
khi cõng tôi đi chơi; và lần té giếng
do tôi bị trợt khi tắm cùng các anh chị
em trên sàn nước của cái giếng
đào hình khối chữ nhật. Ông
phán tiếp câu hai: "Có số xuất ngoại".
Trời đất ơi ! Mình học khá giỏi,
đâu đến độ xuất sắc để
được cấp học bổng ra nước
ngoài; lại nữa, ba mẹ tôi không hề
có ý định cho bất cứ đứa con
nào du học. Đó là điều không
tưởng đối với tôi; bởi ngoài việc
du học, không có nguyên do gì giục
tôi rời quê hương đất nước.
Ông phán câu thứ ba khi tôi hỏi về
tương lai: "Lận đận, nghèo khó
!".
Sau đó, tôi đậu vào trường
Sư phạm Sài Gòn, và dạy tại
Sóc Trăng khi tốt nghiệp. Thời gian trôi,
lương của một nhà giáo giữa thời
chiến thiếu trước hụt sau đâu đủ
trang trải cho vợ con trong một cuộc sống đạm
bạc đến mức tối đa. Tôi an phận với
số nghèo, chỉ mong nghiệp nghề tinh tiến,
góp sức mọn trả ơn đời. Nhưng
đã được đâu ! Bao nhiêu tai họa
giáng xuống theo cụm từ "cây muốn lặng
mà gió chẳng dừng"; tứ hướng
vô thân, nào tìm được chỗ dựa
xẻ chia, an ủi ? Lắm lúc tủì buồn,
cố giấu sự hiển thị giọt lệ
trên mi, chuyển hóa nó thành cơn thổn
thức nức nở tâm can.
Sau 30/4/1975, vài học trò cũ người
Hoa rủ vượt biên. Tôi bảo không
có vàng. Chúng nói cho đ i... chùa
(free). Tôi từ chối thẳng thừng. Có lẽ
chúng nghĩ rằng thầy mình ngu. Tiếng Việt
qua sự thể hiện của ngưòi Hoa thường
thô ráp và giản đơn thế
đó. Qua bao bi kịch cuộc đời, tôi
đã minh định rằng: bảo vật yêu
qúy nhất đời mình là các con. Bậc
cha mẹ có đưòng lối sống
đúng, các con được nhờ; bằng
không, mọi hậu quả, bất hạnh do cha mẹ
gây nên, chúng ... lãnh đủ. Trừ những
lúc tang chế tứ thân phụ mẫu, cả hai
vợ chồng cùng về quê làm nhiệm vụ,
chưa bao giờ chúng tôi cùng đi xa có
đôi. Những riêng tư tạm gác, tất
cả cho hạnh phúc các con. Trên lộ
trình giao thông, sự rủi ro không lường
trước, chẳng may cả hai đều tử nạn,
chúng phải sống sao đây ?. Sống với
ai -dù là ruột thịt- chắc chắn
không bằng sống với mẹ cha, dẫu dưới
mái tranh nghèo.
Thập niên 90 (thế kỷ 20), các con
đã lớn, có công ăn việc làm.
Gái thứ ba sống ở Garden Grove;
gái út có chồng (người Việt gốc
Sóc Trăng) định cư ở San Jose. Riêng trai út
lúc 12 tuổi được người dì bảo
lãnh qua Mỹ ăn học. Ở Việt Nam, 1 trai 1
gái đều có gia đình riêng. Sinh nhật
năm 2005, tôi đắc ý khoe cùng bạn
bè khi ôn lại dĩ vãng, chuyện ông thầy
tướng số đoán trúng phóc câu
thứ nhất và câu thứ ba. Riêng câu thứ
hai, vì cố tình làm theo câu "Xưa
nay nhân định thắng thiên cũng nhiều"
của thi hào Nguyễn Du mà tôi từ chối
vượt biên với học sinh cũ, và nhiều
lần tha thiết nài nỉ của các con
được bảo lãnh cha mẹ. Lý do
đơn giản: Sự nghèo túng thời son trẻ
đến xế chiều không cho tôi cơ hội
đi du ngoạn hoặc du lịch, kiến thức
đó đây bị hạn chế, giờ
đã là một lão quê ... thâm niên, khó
hoà nhập nếu nhập cư xứ người.
Nhất là ở Mỹ, không hòa nhập sẽ
gây tổn thương cho các con, thoái
hóa đạo lý, tình cảm, ứng xử
giữa chúng và cha mẹ. Tôi thầm
hãnh diện rằng với tầng tuổi nầymình
gần như chiến thắng định số: "Tui
không xuất cảnh, ông Trời sẽ thua, tui sẽ
thắng thiên ".
Nhưng hỡi ôi ! Quả bóng tự đắc
của lão nhà quê đang thăng hoa giữa
không gian phơi phới bỗng nổ tan tành đúng
giờ định mệnh: Tết Đinh Hợi, trai
út gọi điện mừng tuổi; câu cuối
cùng là "ba mẹ làm hộ chiếu để
qua Mỹ tổ chức đám cưới cho con".
Như sét nổ ngang tai. Hai đứa nó đều
là Việt kiều Mỹ, yêu nhau đã 11
năm; làm lễ cưới tại Hoa Kỳ là
hợp lý, thay vì Việt Nam "Ôi thôi rồi
" ... ba từ nầy vang trong tâm não tôi
như câu vào thể điệu Nam ai lớp
mái trong tình huống tuyệt vọng của
nhân vật vở cải lương nào
đó. Tôi tự hỏi: "Còn cách
nào cứu vãn thất bại nầy ?"
Có chớ. Đừng đi. OK ! Đừng định
cư, đừng du lịch bên ấy thì
được. Nhưng không đi làm bổn phận
đối với con, với cuộc chung thân đại
sự của nó thì còn thể thống
gì ? Cái được của sự chiến thắng
sẽ trở nên điều tồi tệ so với
cái mất lớn lao vô định của đạo
lý. Thượng đế ơi ! Con xin đầu
hàng. Thế đó, số trời khó
cãi, không tin không được. Ông tướng
số kia quả có chân tài, chẳng phải
hạng lừa đảo kiếm sống. Thôi
thì vì đại sự của con, tôi phải
phá lệ đi cùng mẹ nó sang Mỹ.
*
Kính thưa qúy thân hữu và
thân tộc hai bên chủ hôn, cho tôi xin ba
phút để kể về một giai thoại
không thể không kể. Chuyện kể rằng:
mười hai năm trước, khi cậu trai Darwin gặp cô
gái Lisa, đôi mắt cậu tóe hào
quang. Phần đối phương, cô nghe như
có tiếng sét nổ bên tai; nhưng dư
âm của nó lại nhu hòa đầy hấp
lực. Ánh mắt họ giao thoa. Và khi tâm cảm
họ tiếp cận nhau, đã nảy sinh, lan tỏa
một từ trường kỳ ảo. Bỗng nhiên,
một hạt giống không tên từ đâu
bay vút vào từ trường ấy. Thời gian
trôi qua mau. Những tưởng hạt giống kia
đã chìm trong đáy sâu quên
lãng; nào ngờ, nó nảy lộc, nó
đâm chồi, nó bám rễ... Cái cây bé
xiú được hình thành, mang mỹ danh:
Cây Tình Yêu.
Mười hai năm, cây Tình Yêu
đã sum suê cành lá, hiển thị
ngày tốt giờ lành trên chiếc máy
Nhân duyên mà Nguyệt Lão đang se mối
tơ hồng. Vậy
nên, quý thân hữu, quý thân tộc
đồng nhiệt tình hiện diện tại
đây sau khi bắt được cánh thiệp hồng
báo tin hỉ lạc từ hai họ Nguyễn-Trần.
Thay mặt hai họ, tôi xin tri ân chư vị
đến chung vui. Trân trọng kính chào
và ... xin mời
nâng ly !
Gần ba trăm khách mời và tộc thuộc
hai họ vỗ tay không ngớt. Trai út Darwin và cô
dâu Lisa Trần hân hoan suốt từ lễ rước
dâu buổi sáng, lễ thánh đường
buổi xế và tiệc mừng đêm nay.
Tan tiệc cưới, tôi được những
cái siết tay từ giã và những lời
thăm hỏi nhiệt tình khi thực khách biết
tôi từ Việt Nam
mới qua đúng một tháng chớ chẳng phải
Việt kiều như họ. Có cậu trai bạn
thân cuả chú rể hỏi: "Darwin đã mời bác
ăn pizza chưa ?" "Rồi". "Bác
có ý kiến gì ?" "Thua bánh
xèo Việt nam. Xin lỗi, tôi nói thật chớ
không dám chảnh. Tôi vốn là lão
nhà quê mà". "Nghe nói các con bảo
lãnh, hai bác chưa chịu qua đây. Hai
bác cứ qua; rồi sẽ quen với pizza,
hamburger". "Nếu đã thuận qua, sá
gì pizza, hay mì Ý ? Cứ làm bánh
xèo, mì xào dòn chẳng ngon sao ? Thú
thật, kỳ nầy sang đây, ngoài nhiệm vụ
ngồi sui, chúng tôi có thời gian hai
tháng nữa để ...
sống thử. Thích hợp hay không, phải
trả lời các con trước khi lên phi cơ hồi
hương". "Hy vọng hai bác không
làm họ thất vọng". "Cảm ơn hảo
ý của cháu".
Hai ngày sau lễ cưới, các con thu xếp
đưa ông bà nhà quê du ngoạn. Cảm
nhận về nước Mỹ: USA
đất rộng người thưa, so với Việt Nam đất
chật người đông. Ở Việt Nam-nhất
là miền Nam-nếu từ trên cao nhìn xuống,
thấy toàn những dòng sông, và cũng
tầm quan sát từ cao, bắt gặp toàn những
dòng xe, ở Hoa Kỳ. Ra đường, chỉ thấy
dập dìu đủ loại xe (đông nhất
là xe bốn bánh) mà chẳng thấy người.
Kẻ đi bộ chỉ xuất hiện lai rai vào
ngày cuối tuần. Đường sá thì rộng
rãi, đa dạng; đường vượt, cầu
vượt, free way nhiều như tơ nhện giăng mắc
mọi miền từ thành thị đến xóm
thôn, được thiết kế rất khoa học,
phân làn phân tuyến tinh vi. Người lưu
thông tuân thủ luật lệ rất cao, ít
có tai nạn. Tình trạng kẹt xe -nếu
có- cũng giới hạn trong thời gian ngắn, chẳng
kéo dài đến mỏi mòn như ở
quê nhà. Hầu như không thấy bóng cảnh
sát giao thông. Chỉ khi có biến cố xảy
ra, họ xuất hiện trong thời lượng nhanh nhất.
Trên những tuyến đường freeway, xa xa
có "hộp điện thoại" (call box) miễn
phí dành cho người hữu sự sử dụng.
Đường đến cầu Cổng vàng (Golden
gate) San Francisco phải băng qua - trước tiên - một
cây cầu dài bắc qua eo biển với vóc
dáng khôi vĩ hai tầng; tầng trên cho
lượt đi, tầng dưới cho bận về.
Golden gate là thắng cảnh đẹp kiêu kỳ
đến nỗi có câu: du lịch Hợp Chủng quốc sẽ phải
ân hận khi từ chối ghé thăm Golden gate. Cụm
từ tương tự được nghe khi có lời
rủ rê đi Las Vegas.
Từ Cali đến xứ "cờ bạc" phải
qua lộ trình thâm nhập bang Nevada, một địa
phương với nhiều đồi núi trọc
toàn sỏi đá khô cằn ngỡ như
đất chết. Thế nhưng quả là lẽ sống
ẩn trong cái chết, Las Vegas ngạo nghễ mọc
lên đông nghịt những cao ốc, khách sạn,
nhà hàng, casino diễm lệ huy hoàng dưới
ánh đèn màu đa sắc lúc màn
đêm ngự trị. Las
Vegas là biểu trưng của
tuyên ngôn thách đố, không cam chịu
phận hẩm hiu "chó ăn đá, gà
ăn muối". Điểm tương đồng giữa
Las Vegas và San Franciso là đất chật người
đông, cao ốc liền cao ốc. Từ Las qua San Jose, tài xế rể út chẳng
quen đường như quận Cam - San Jose; nên có nhờ sự
theo dõi cuả "bộ cảm ứng (GPS)". Mỗi
khúc quanh, mỗi vị trí quan trọng đều
được một giọng nữ thông báo
chính xác đến từng yard. Bỗng có tiếng
nhắc nhở: "Bạn đã sai lộ trình,
phải quay lại. Tài xế làm theo lời
và rẽ lối khác; lại bị nhắc nhở.
Tôi hỏi: "Tại sao nhắc nhở mà
không hướng dẫn ?" Rể út giải
thích đoạn đường nầy đã sửa
chữa về kết cấu mà chủ xe quên thay
bộ cảm ứng khác thích hợp với đồ
hình (mới) cài đặt trên vệ tinh. Thế
mà lời nhắn từ vệ tinh vẫn lọt
vào bộ cảm ứng cũ. Thần kỳ đến
ma quái ! (nhà quê nghĩ vậy đó). Hậu
quả được khắc phục bằng cách ngừng
xe vệ đường, xuống hỏi dân địa
phương.
Đường từ San Jose đến quận Cam
đẹp như tranh. Núi đồi trùng điệp
được phủ kín những thảm cỏ xanh
mượt chỉ có "thợ Trời" mới
trồng nổi; xen lẫn là những đồi hoa
vàng bát ngát sắc xuân, kiêu hãnh
ẩn dụ một xứ sở phong phú kỳ hoa dị
thảo, đến hoa dại cũng đậm
đà nhan sắc. Dặm trường những
vòng bánh xe hơi giun rủi, thỉnh thoảng chợt
hiển thị trước nhãn quang đàn
bò đang gặm cỏ trên non cao, con vàng con
đen xa trông cỡ con chó phèn, chó mực.
Trật tự, an ninh phố phường rất tốt.
Nhà ai nấy ở; hầu như không nghe cãi
vã đôi co giữa những người láng
giềng. Nhà nào cũng có hàng rào
ranh giới được những gia chủ hai bên kế
cận cùng tôn trọng. Con gái thứ ba
có một cửa hiệu hàng công nghiệp
khá đắt khách nhờ giá cả phải
chăng và phong thái vui vẻ. Tiệm có gắn
camera chống gian. Tuy vậy, bữa nọ có gã
thanh niên vào lấy một lúc bốn lon bia rồi
điềm nhiên bỏ đi. Chủ tiệm
đòi tiền. Nó bảo không trả.
Và bỏ chạy khi chủ tiệm gọi 911. Lập
tức, thông tin nầy truyền đến cảnh
sát địa phương với sơ lược
nhân dạng. Hắn bị chộp trong vòng
ít phút; vì như đã nói:
đường sá trong những ngày thường
(không phải cuối tuần) chỉ toàn xe, cho
nên tên chôm chỉa đi lơn tơn dễ bị
nhận diện. Cảnh sát hỏi có muốn
truy tố hắn không. Gái thứ ba đáp
là không cần, chỉ mong nhà chức
trách cảnh cáo và ghi tên hắn vào
hồ sơ tiền sự.
Nhà cửa ở quận Cam
đa phần là một tầng trệt được
thiết kế bằng vật liệu nhẹ do địa
chấn thỉnh thoảng xảy đến. Cộng đồng
người Mỹ gốc Việt nơi đây rất
đông. Họ lập ra nhiều hội Đồng
hương theo từng đơn vị tỉnh thành
gốc ở Việt Nam
để đoàn kết, giúp đỡ nhau.
Đáng khâm phục là việc bảo tồn
bản sắc quê hương qua các dịp lễ,
Tết, với sinh hoạt văn nghệ, trang phục
dân tộc, giỗ cúng, họp mặt ... Về giáo dục,
có chương trình song ngữ Việt-Anh
giúp các công dân nhí hòa nhập
đắc lực xã hội Mỹ, đồng thời
am hiểu chữ Việt, tiếng Việt.
Đại đa số Việt Kiều rất hiếu,
thảo với thân nhân. Nhiều người chịu
thương chịu khó chắt mót từng đồng
gởi giúp cha mẹ, anh em. Thế nhưng không
ít người ở quốc nội sống ỷ lại,
phung phí những đồng tiền xương
máu ấy, sống phè phỡn chây lười.
Trong đó, không loại trừ các bậc cha
mẹ.
Dù vậy, Việt kiều nào cũng
có chiếc ô-tô làm chân. Nghèo
thì ở nhà thuê, phòng thuê với tiện
nghi thoải mái. Nhiều người có nhà
cửa khang trang, làm ăn cần cù siêng
năng nên phát đạt hơn so với các
sắc kiều dân khác. Trừ một thiểu số
hợm hĩnh hãnh tiến, đa số là người
tốt, lịch sự, văn minh, dễ gần. Nhiều
người thông thái, thành đạt cao, tầm
cỡ quốc tế làm hãnh diện dân tộc
Rồng Tiên. Họ
lưu vong chớ không vong bản, lúc nào cũng đau
đáu nhớ về quê hương, xót
thương những mảnh đời cơ cực, tật
nguyền. Lòng trắc ẩn thôi thúc họ dấn
thân vào việc thiện, những mong đem hạnh
phúc đến đồng bào ruột thịt.
Ôi Đồng Bào ! Danh từ ghép nầy
có nghĩa là cùng chung một bào thai -
theo cách hiểu của lão quê nầy - bắt
nguồn từ sự tích mẹ Âu Cơ sanh một
bọc trứng nở trăm con, tiền sử của
dân tộc ta hôm nay. Hai tiếng "đồng
bào" thiêng liêng lắm thay !
Tình dân tộc, nghiã đồng
bào trân quý đến vậy, lẽ ra
là một khối đại đoàn kết ! Buồn
cho vận nước, lại nghĩ chuyện gia tộc.
Chị cả tôi có mối thâm thù với
hai đứa em gái thứ bảy và thứ
tám từ 30 năm trước ở Việt Nam với
nguyên nhân tệ hại đúng y câu : "chị
em ở thật là hiền, chỉ một đồng
tiền làm mất lòng nhau". Nhiều cuộc
khẩu chiến điếc tai không ai can nổi nổ
ra trước mặt cha mẹ già nua bệnh yếu.
Trong mâu thuẫn ắt có kẻ phải người
quấy. Nhưng ngẫm ra ai cũng có tội
phá nát những ngày tháng cận địa
viễn thiên cuả đấng sinh thành.
Nhớ lại khi tôi tới trao thiệp mời
dự lễ cưới trai út, bà chị bỗng
đùng đùng động nộ, giở chuyện
năm xưa nguyền rủa hai đối thủ
không tiếc lời. Bực vì bỗng dưng
thính giác bị ra tấn, tôi cố ôn tồn:
"Lỗi của cả hai đứa nó, em biết.
Tuy nhiên, có nên trút giận vào kẻ
vô can ? Thôi thì cho em thay mặt hai đứa
nó xin lỗi chị, dẫu rằng em không
có lỗi".
Tôi nói câu chót khi được tiễn
ra cửa: "Ai cũng trên 60, 70 cả, hoàng
hôn bóng xế sắp đến rồi. Hãy
tha thứ nhau cho vong linh cha mẹ được vui. Kỳ
nầy em sang đây là lần duy nhất. Mai kia chị
còn khoẻ chân, em sẽ được tái
ngộ nếu chị về thăm Việt Nam. Bằng như chẳng
thể, xin xem đây là lần vĩnh biệt."
Kỳ diệu thay ! Do tầm ảnh hưởng từ
những lời vừa rồi; hay do tác động
tâm lý từ mấy đứa con của chị;
hoặc do linh ứng của hồn thiêng cha mẹ
mà bà chị cả và cô em tám
đã làm lành tại bữa tiệc cưới
của trai út.
Các con tôi hớn hở reo vui. Tôi
nói: "Nội chết đã một phần
tư thế kỷ họ mới cầu hoà. Tuy muộn
vẫn hơn không. Các con nên rút kinh nghiệm
về việc nầy. Ruột thịt với nhau, chớ
quá cố chấp.
*
Dân tộc Mỹ đạt đến văn
minh bậc nhất nhân loại. Họ rất tốt,
lễ độ, nhân ái. Sorry, excuse me, pardon me
là những từ đầu môi cuả họ
trong giao tế.
Bà hàng xóm ngang cửa hàng con
gái thứ ba trầm tính, tưởng khó gần.
Tối nọ có mấy khách mua hàng người
Mễ lớn tiếng với nhau, bà gọi cảnh
sát. Họ đến hỏi: "Are you alright ?"
Con gái tôi giải thích, họ rút đi.
Sáng hôm sau, nó cám ơn; bà cụ
cười.
Ông cụ kế bên nhà trai út
thích trồng hoa, ngày nào cũng tưới,
tưới luôn đám hoa của nó. Nó cảm
kích xin lỗi với lý do không rảnh
vì bận việc. Ông bảo mình làm do sự
tự nguyện; vì nhà ông có hoa đẹp,
ông không muốn nét thẩm mỹ mất
đi khi hoa nhà kế bên héo úa, xấu
xí ; tội cho hoa lắm !
Em gái của rể thứ ba lấy chồng Mỹ
trắng; David -tên anh ta- nghe nói tôi là
người Việt Nam nên cùng vợ đến
thăm. Mấy hôm sau lại mời cả nhà
đi ăn.
Rể út đưa cha mẹ vợ đi du ngoạn
Las Vegas và chụp ảnh kỷ niệm. Gặp chỗ
đông người qua lại có chàng thanh
niên tươi cười giang tay cản lối
giúp chúng tôi ghi hình thuận lợi. Dĩ
nhiên là phải "thank you a lot".
Lúc bách bộ lên xuống cái dốc
đồi nhiều bậc thang ở San Francisco, một
bà khách Á châu bỗng bị mệt đến
xuất hạn, mặt tái, tay lạnh. Một cô
gái Mỹ tập thể dục từ dưới chạy
lên, thấy vậy hỏi thăm, và có
nhã ý cõng bà lên trên dốc,
nơi bà đỗ xe ô-tô.
Dân Mỹ có nhiều người thích
mua sắm. Cũng có nhiều người xài kỹ:
cả bọn rủ nhau đi ăn, xong rồi tiền ai
nấy trả, không có thói "bắt địa",
chơi không bền.
Chính thể Mỹ, theo cách nhìn của
cộng đồng quốc tế, có thể gặp
thiện cảm hay sự bất mãn; nhưng họ rất
tốt với công dân mình không phân biệt
màu da qua những chương trình phúc lợi
xã hội cho người già, trẻ mồ
côi, dân nhập cư, người thất nghiệp,
y tế, bảo hiểm (đa dạng) v v... . Kinh tế
đi xuống, người dân được cho tiền
theo đầu người mỗi gia đình để
kích thích mua sắm, chi tiêu (hạn chế
tình trạng thất nghiệp cuả giai cấp
công nhân) ... chính phủ phải chi một số
tiền rất lớn hỗ trợ những người
mua nhà trả góp khi ngân hàng điều
chỉnh lãi xuất, tiền lời cao hơn giá
trị căn hộ. Người thu nhập cao phải
đóng thuế nhiều. Một cái áo
sơ-mi nếu đặt may gia công ở Trung Quốc
hoặc Việt Nam
giá thành chỉ khoảng 2 đô (nhân
công rẻ), được bán ở Virginia hơn 20 đô.
Không có sự bóc lột hay cắt cổ
đâu. Tất cả đều phục vụ lợi
ích xã hội, ưu tiên cho người
nghèo; thậm chí người ta còn tặng cả
bóng đèn tiết kiệm điện, bồn cầu
tiết kiệm nước cho dân.
Gần ngày trở về VN, rể và
gái út đưa chúng tôi đến viếng
mộ chị thứ ba và ông anh rể trên Oak
hill (San Jose). Chị tôi mất lúc chồng (trung
tá chế độ cũ) đi "cải tạo",
bỏ lại ba con nhỏ. Anh được về
nuôi con; sau đó dắt bọn nhỏ vượt
biên và từ trần cách đây mấy
năm. Tro cốt chị Ba, chúng tôi gởi qua cho
con chị chôn cất cạnh mộ anh. Cảm ơn
lòng đất Mỹ nghìn thu hào hiệp ru
ngọt giấc vĩnh hằng hai kẻ thân yêu. Tay run run cắm nhang lên mộ mà
lòng bỗng nhớ về đứa cháu rể
-người VN duy nhất- tử nạn tại Ngũ
Giác Đài bởi biến cố 9-11. Xem băng
hình đám tang thấy có nữ diễn
viên Kiều Chinh thay mặt cộng đồng người
Việt Cali tôn vinh sự hi sinh nầy như một
cách đáp ơn cao cả cho quê hương
thứ hai. Xúc cảm vì đứa cháu 4 tuổi
mất cha, tôi sáng tác tặng nó bài
thơ Đoạn trường:
"Cháu bé gọi daddy cơn
nức nở.
Tiếng thét gào nghe rạn vỡ
tim gan.
Bé đòi cha giọng thảng
thốt kinh hoàng.
Khi lò thiêu nuốt chửng cỗ
áo quan xám bạc.
Gương mặt bé đẫm
tràn nước mắt.
Kiếp nạn
gì chia cắt cha con.
Con khóc cha
có bi thiết nào hơn.
Đang sum họp
bỗng âm dương đôi ngả.
Tiếng trẻ
khóc sao nghe bi thảm quá !
Khơi bão
lòng ai lã chã giọt sầu.
Đưa bàn
tay ngăn mẹ bớt thương đau.
"Mẹ đừng
khóc", bé run run lau mắt mẹ.
Lau mắt mẹ
nhưng ai lau mắt bé ?
Tuổi ấu thơ hiếu
đễ rạng ngời.
Thế mà sao
sớm bất hạnh cuộc đời.
Ơi bé hỡi,
trên cao Trời có biết ?
Thôi nhé từ
nay cha con vĩnh biệt.
Hãy ngẩng
cao đầu vì cha chết vinh quang".
*
Tất cả các con đưa ba mẹ ra phi
trường mong nhận câu trả lời sau ba tháng
"sống thử" với nước Mỹ. Tôi
nói: "Tên gọi đất nước nầy
là Hợp Chủng Quốc. Hoa Kỳ là lá cờ
nhiều sao như hoa. Nước Mỹ là nước
đẹp, chính người Việt ta đặt ra
cái tên gọi nầy hàng trăm năm nay.
Có câu "Không ai có thể sống thay
cho ai". Nhưng ba muốn các con sống thay cho ba mẹ.
Ba mẹ như buổi chiều tàn. Tà
dương mà bịn rịn mãi, làm sao
bình minh mau lên ? Ba mẹ không có
đóng góp chút công gì cho đất
nước nầy, không thể lợi dụng tuổi
già hưởng tiền trợ cấp. Thôi
thì nhường cho ai có hoàn cảnh xứng
đáng hơn. Các con ở lại cố gắng
làm nhiều điều hữu ích, nuôi dạy
tốt các cháu để không vong bản
là ba mẹ vui. Hẹn gặp lại các con tại
quê nhà khi các con về thăm nguồn cội".
HỒ HENRY
(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)