SU'U TÂ`M 8

Home | VA(N | VA(N [tt] | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N VUI | VA(N VUI [tt] | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | VA(N VUI 5 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BA`I VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | BÀI VIÊ'T 7 | TIN ... Su'u Tâ`m ! | CHUYÊ.N LA. KHÓ TIN

VA(N 10

MÌNH ƠI

 

MÌNH ƠI !

(Tiểu-Thu)

 

www.khoahoc.net

 

Bà Cả Trọng ngồi trên  bộ ngựa gõ lên nước bóng ngời, vừa têm trầu vừa hỏi mợ Tư  Tân, con dâu của bà, đang ngồi lựa nếp để quết bánh phồng ăn Tết:

            - Vợ thằng Tư lo đầy đủ hết chưa? Năm nay nhà mình ăn Tết lớn hơn mọi năm. Cái đám trên Sài Gòn dìa cũng tròm trèm hai chục mạng chớ ít ỏi gì.

            Mợ Tư nhỏ nhẹ trả lời:

            - Dạ, thì cũng coi như đủ hết rồi má. Mớ mứt bí, mứt chùm ruột, mứt thơm ... này nọ chỉ cần phơi thêm một nắng nữa là được. Hăm lăm con mới đổ bánh thuẩn, bánh gai, bánh men bắt bông đường.

            - Năm nay nhớ gói thêm nem với bì. Anh ba, anh tư bây hảo mấy món nầy lắm. Ờ, nhớ thay nước đều mấy lu đựng cá, kẻo mấy con cá lóc, cá bông chết thì hổng có cá để kho chung với nồi thịt kho nước dừa.

            - Dạ. con có nhắc con Ni rồi, má khỏi lo.

            Như chợt nhớ ra điều gì quan trọng, bà cả hấp tấp nói:

            - Còn cái này nữa bây phải coi chừng. Lóng rày con Ni trổ mã, cặp vú nơ nơ. Phải bắt nó bận áo nịt ngực, chớ để nó bẹo hình bẹo dạng như vậy có ngày xảy ra chuyện hổng hay.

 

            Mợ Tư dạ mà trong bụng thấy tức cười, nhớ tới con nhỏ lúc theo mợ về đây mới tròm trèm mười hai tuổi. Con nhà nghèo, đông con, ăn uống thiếu thốn nên nó ốm nhom, nhỏ xíu như đứa trẻ mới chừng chín mười tuổi. Nó theo cốt để đỡ chuyện lặt vặt cho mợ. Rồi khi mợ có con, nó sẽ coi em luôn. Trên lý thuyết thì như vậy, nhưng từ thằng cu Thông cho tới con Thủy, bà Cả đều dành cái vai vú em, con Ni phải làm công chuyện nhà tiếp mợ Tư.  Về đây được ăn ngủ đầy đủ nên dần dần nó có da có thịt hơn xưa và bây giờ đã trở thành một cô thiếu nữ dậy thì rất ưa nhìn, là một trợ thủ đắc lực của mợ Tư trong công chuyện bếp núc, bánh trái. Còn một điều quan trọng  nhứt nhì nữa là con Ni chính là “tai mắt” của mợ Tư. Nó có bổn phận phải nghe ngóng coi có cái “niềm riêng” nào của cậu Tư mà mợ chưa biết ???

 

            Chuyện là vầy. Trước khi về làm vợ cậu Tư Tân, mợ là một trong năm cô con gái của ông Hương Hào Bá trên Đốc Vàng  Thượng. Bà Hương có tay buôn bán nên khá giàu. Ông bà có ba trai năm gái. Cô Mây đứng hàng thứ năm mà cũng là người đẹp nhứt trong năm chị em. Hình mấy cô được chưng trong tủ kiếng của một tiệm chụp hình bên chợ Long Xuyên. Một ngày đẹp trời cậu Út Nhơn con ông bà Hội Đồng Đáng đi ngang thấy hình năm cô tố nữ chụp chung, mà cô nào cũng tươi cũng đẹp như hoa như mộng. Nhưng đặc biệt cái cô đứng giữa với cặp mắt lá răm, hai núm đồng tiền in sâu trên cặp má ửng hồng và nụ cười thiệt là tươi khiến cho con tim cậu không ngày nào, đêm nào chịu ngủ yên. Đi qua đi lại ngắm hình hoài cũng mỏi chân mà lại chẳng có một chút kết quả cụ thể nào, cậu bèn mạnh dạn bước vô tiệm, gồng mình chụp vài “bô” hình để làm quen với ông chủ. Sau đó mới lân la hỏi dò tông tích của người đẹp có hình mà không có bóng này. Biết được “địa chỉ” cậu mừng như bắt được của, vì  người cô họ cũng ở Đốc Vàng.  Sáng hôm sau cậu lập tức xuống đò băng qua sông Cái, tới nhà bà cô lấy cớ lâu quá không viếng thăm. Bà cô cảm động quá sức sai con gái, tên Ngọc Châu, bắt gà làm thịt đãi thằng cháu yêu quí. Cơm trưa xong, Nhơn rủ cô em họ xuống nhà thủy tạ hóng gió. Ở cái xứ này, nhà nào khá giả cũng có cất một cái nhà thủy tạ dưới bến sông để chiều chiều xuống đó ngồi hóng gió, nói chuyện trời trăng mây nước. Gió từ sông Cái thổi lồng lộng, mát mẻ vô cùng. Ngồi chưa nóng chỗ, cậu Nhơn hỏi Ngọc Châu có biết ở đây gia đình nào có năm cô con gái, mà một cô tên là  Thanh Mây hay không ? Châu ngạc nhiên hỏi sao anh biết, thì cậu Út Nhơn bèn thành tâm khai báo rành mạch từ lúc thấy hình năm cô chưng trong tủ kiếng. Châu nhìn ông anh si tình một người chưa biết  mặt thì phát cười khiến cậu Út hơi đỏ mặt. Cô nói:

            - Thiệt tình, em chưa thấy ai như anh. Chỉ thấy hình thôi mà bắt thương ngang xương. Rủi người ta ... có chỗ có nơi rồi anh tính sao ?

            Cậu Út Nhơn nghe tới đây phát nhảy nhổm như bị phỏng nước sôi:

            - Anh thấy trong hình cổ còn trẻ lắm mà. Không lý nào...?

            - Chọc anh chơi thôi. Cho anh biết, con Thanh Mây là bạn học của em. Hai đứa em bằng tuổi. Cô vừa nói vừa nhìn thẳng vào mắt ông anh rồi thả nhẹ, tụi em tuổi Dần. Anh sợ chưa? Cọp cái đó nghen. Anh tuổi Hợi. Dần thân tị hợi tứ hành xung ...

            - Cọp thì cọp sợ gì. Biết đâu là cọp giấy còn phải sợ con heo rừng anh mới chết ! Thôi dẹp chuyện đó đi. Châu có cách nào cho anh gặp được cô Mây không ? Qua tới đây rồi mà không gặp được cổ thì ... nhứt định không về ! Ráng giúp anh nha.

            Ngọc Châu suy nghĩ một hồi rồi đứng lên:

            - Bây giờ anh em mình đi xuống chợ. Bác Hương Hào gái có tiệm bán vải ở dưới. Chị Ba Thanh Mai của con Mây mới về nhà chồng hai tháng nay. Bây giờ nó phải ra phụ bác gái, vì mấy đứa em nó còn đi học. Mình ra tiệm mua ít khúc vải cho anh ngắm nó mãn nhãn.

 

            Cậu Út đi theo cô em mà trong bụng vừa mừng vừa lo. Mừng vì sắp gặp người trong mộng, nhưng không khỏi lo vì không biết ở ngoài cô Mây có đẹp như trong hình không ? Tánh tình có dễ thương không ? Cô đã có ý trung nhân chưa ? Bao nhiêu câu hỏi cậu đặt ra đều bị con em trả lời:

            - Thì ra tới đó anh biết liền chớ gì. Xấu đẹp thì tùy cái nhìn của anh. Còn có ai chưa thì nghe nói cũng có vài chỗ ... Nhưng hình như con Mây chưa chịu ai.

 

            Cậu  Út thở cái phào như trút được ... nửa gánh nặng. Càng tới gần chợ cậu càng hồi hộp. Tiệm vải khá lớn, hai bên vách dựng đầy hàng tơ lụa đủ màu quấn thành cây tròn. Một quầy hàng khá dài, những cây vải được quấn  dẹp dẹp xếp có thứ tự trên mặt quầy. Nhưng cặp mắt của cậu Út Nhơn có thấy gì đâu ngoài cô gái đứng phía sau quầy hàng. Trời ơi, cái câu mây thua sắc thắm, tuyết nhường màu da sao mà đúng như in ! Cái áo bà ba cổ trái tim bằng lụa màu hột gà có thêu rải rác những nụ hồng nho nhỏ càng làm tăng cái vẻ nõn nà mịn mướt của làn da. Nhìn thấy bạn, Thanh Mây cười khoe hàm răng trắng nõn, đều đặn:

            - Ủa Ngọc Châu. Tính mua vải hả ?

 Châu quay lại phía sau, thấy ông anh họ đang ngẩn ngơ nhìn cô chủ tiệm như kẻ mất hồn thì tức cười, nắm tay anh kéo lên:

            - Ờ, Có ông anh cô cậu từ xa tới chơi. Ảnh muốn lựa mua vài xấp vải cho ... em của ảnh. Mây làm ơn ... cố vấn giùm.

            Lúc này Mây mới ngó qua người khách lạ. Cô gật đầu chào rồi tươi cười hỏi:

            - Dạ, anh phải cho biết em gái anh mập, ốm, đen, trắng ... ra sao thì tôi mới có thể cho ý kiến.

            Châu cướp lời:

            - Thì cứ coi như em gái ảnh từa tựa như tao đây nè. Phải hôn anh Nhơn?

            - Ờ...ờ phải. Cậu Út lúng túng trả lời. Trạc như em Châu!

            - Vậy thì mầy lựa đi. Còn nhờ tao làm chi cho mắc công.

            Ngọc Châu liếc qua ông anh họ, cặp mắt sáng rỡ:

            - Vậy em lựa nghe anh Nhơn.

            Cậu Út lúc này đã bình tĩnh lại, cười tươi rói:

            - Ừ, muốn lựa thứ nào cũng được.

 

            Trong khi hai cô chọn lựa, cười nói rộn ràng thì cậu Út cứ đưa cặp mắt nhìn Mây, trong lòng ngất ngây như uống phải rượu mạnh. Cậu thấy cô còn đẹp hơn trong hình.Vả lại, bên ngoài Thanh Mây nói, cười thiệt sống động. Nhìn cái núm đồng tiền lúm sâu trên má, cậu chỉ muốn ... cắn lên đó một cái cho đã thèm ! Rồi cái bàn tay ngà lại cứ vuốt vuốt lên mái tóc mun đen sao mà duyên dáng dễ thương cách gì. Cái thân hình dong dảy, thon thon của cô cho cậu có cái cảm tưởng như một cành liễu mềm rũ bóng trên mặt hồ. Ôi thôi chỉ mới lần đầu gặp mặt mà cật Út đã như bị trúng phải bùa mê thuốc lú !

 

            Lúc Ngọc Châu lựa xong ba khúc vải, nói anh trả tiền thì cậu Út mới sực tỉnh. Châu hối anh về vì sợ trễ chuyến đò chót  trở về Long Xuyên. Cậu Nhơn lui gót mà trong lòng tiếc nuối vô tả. Nhưng cũng tự an ủi Long Xuyên- Đốc Vàng có xa xuôi gì mấy. Hơn nữa cậu có thiếu gì thời giờ. Từ khi đậu bằng thành chung, cậu từ giã mái trường College Mỹ Tho về ở luôn với gia đình. Mấy anh chị lập gia thất tứ tán hết nên cậu phải phụ ông Hội Đồng trông coi ruộng đất. Nói thì nói vậy chớ chuyện nào cũng có Biện lo hết. Cậu chỉ phụ qua loa cho có chuyện.

 

            Từ khi thằng con yêu quí thôi học, bà Hội Đồng Đáng cũng nhờ mối mai vài chỗ. Toàn là những tiểu thơ đài các. Nhưng chỗ nào cậu Út cũng lắc đầu. Cô thì cậu chê xấu, cô thì cậu chê đỏng đảnh, làm bộ làm tịch v.v...và...v.v.  Bà Hội Đồng bực mình bực mẩy nhưng chiều con cũng không ép. Hơn nữa cậu mới hăm mốt cái xuân xanh, chưa lấy gì làm gấp lắm. Cháu nội cháu ngoại gì bà cũng có đầy đủ hết rồi, để thằng út hủ hỉ thêm vài năm với ông bà cũng vui cửa vui nhà.

 

            Cậu út Nhơn khi còn đi học cũng từng theo bạn bè vui chơi, nhưng chưa có một bóng hồng nào khắc sâu trong tâm khảm cậu hết. Không biết sao từ khi thấy tấm hình của Mây thì đâm ra nhung nhớ. Nhưng khi đã gặp mặt nàng rồi thì cái lòng nhớ nhung nhẹ nhàng kia đã đổi sang trạng thái tương tư lúc nào không hay ! Cái cặp mắt lá răm long lanh như hạt huyền, cái nụ cười tươi và cái núm đồng tiền, ôi cái núm đồng tiền đã khiến lòng cậu xốn xang, mất ăn mất ngủ.

 

            Ba ngày sau chịu không thấu cậu lại xuống đò trực chỉ Đốc Vàng. Không may, bữa đó  Ngọc Châu bị bà mẹ sai đi Cái Dầu, nên cậu đành đơn thương độc mã ra chợ.  Buổi trưa vắng khách, bà Hương Hào về nhà nghỉ để tiệm cho con gái coi một mình. Ông bà có căn nhà ngói rất bề thế ở cách chợ chừng vài trăm thước, có vườn cây ăn trái bao bọc xung quanh. Căn phố này chỉ mở tiệm vải mà thôi. Thấy Nhơn bước vô một mình ,  Thanh Mây ngạc nhiên hỏi:

            - Ủa anh Nhơn. Bộ muốn mua vải nữa hả ? Ngọc Châu không đi với anh sao ?

            Nhơn ngượng nghịu trả lời:

            - Không, bữa nay sẵn có công chuyện đi ngang qua đây nên ghé thăm cô Mây chớ không phải mua vải. Còn Ngọc Châu mắc đi xuống Cái Dầu.

            - Sao, cô em của anh có thích mấy xấp vải hôm trước anh mua không ? Thiệt tình lựa cho người khác khó lắm. Nhiều khi mình thấy đẹp, họ lại không thấy như vậy.

            Nhơn hơi mắc cỡ vì đã nói láo với Mây nên ngập ngừng:

            - Vải hai cô lựa đẹp lắm mà. Em tôi rất thích. ( mà Ngọc Châu thích thiệt !)

Thấy Nhơn cứ đứng xớ  rớ, Mây chỉ cái ghế đẩu đặt phía trước quầy hàng:

            - Mời anh ngồi chơi. À, trưa nắng chắc anh khát nước. Trong nhà có nước mía lau mới nấu. Để ... mời anh một ly. Cô không biết xưng hô sao cho ổn. Em thì thân mật quá. Tôi lại quá xa lạ. Thôi thì cứ nói ... trỏng !

 

            Nhơn đang khát khô cổ nghe vậy thì đưa cặp mắt nhìn Thanh Mây đầy vẻ ... thành kính và biết ơn ! Cô mỉm cười đi vô bếp rót ly nước đem ra mời khách. Nhơn uống ly nước mía lau mà có cảm giác như đang uống nước cam lồ. Uống xong ly nước anh chàng trở nên tỉnh táo và hoạt bát hẳn lên, nói chuyện lưu loát hơn trước. Một lát sau bà Hương Hào nghỉ trưa xong trở ra tiệm. Thấy người thanh niên lạ ngồi nói chuyện với con gái bà hơi cau mày. Thanh Mây lật đật giới thiệu Nhơn là anh bà con cô cậu của Ngọc Châu. Chơn đứng dậy cúi đầu chào bà Hương rất cung kính. Thấy tướng mạo chàng cũng đàng hoàng bảnh trai, lại là anh của Ngọc Châu bà Hương mới tạm yên lòng. Trước khi giã từ, Chơn còn nhờ  Thanh Mây chọn cho má cậu một xấp the bông ép để may áo. Khi chàng đi rồi, bà Hương Hào nói trong đời bà chưa thấy cậu con trai nào  hiếu thảo với mẹ như cậu này. Mẹ cậu ta thiệt là có phước !

 

            Hôm sau Ngọc Châu xách giỏ đi chợ. Sau khi mua bán xong xuôi ghé vô tiệm của Mây. Cô chào bà Hương  rồi quay qua bạn hỏi nhỏ:

            - Nghe nói hôm qua anh Nhơn có ghé đây phải không?

            - Ừ, ảnh nói có công chuyện đi ngang qua đây nên ghé chơi. Mây trả lời.

            - Tao chắc từ đây sắp tới ổng sẽ có công chuyện qua đây thường lắm. Mày thấy ông anh tao ra sao ?

            Mây ngạc nhiên vặn lại:

            - Có sao đâu ? Thì ổng nói chuyện cũng vui.

            - Ông anh tao đàng  hoàng dễ thương lắm nghen. Nếu mày cũng thấy vậy thì tao rất ... mừng.

            Thanh Mây nhướng cặp lông mày lá liễu:

            - Ủa ông anh mày dễ thương hay khó thương thì mắc mớ gì tới tao ?             

            - Mắc mớ chớ sao không. Ngọc Châu vừa trả lời vừa cười mím chi. Thôi tao đi về kẻo mấy con tép bạc sình hết bây giờ.

 

            Nhìn theo cô bạn thân Mây lắc đầu chịu thua, không hiểu ất giáp gì hết trọi ! Nhưng cứ cách vài ngày, cậu Út Nhơn lại có việc “đi ngang” ghé thăm Mây. Sau này thay gì mua vải, cậu còn đem biếu ông bà Hương lúc thì hộp trà Thiết Quan Âm, lúc ký lạp xưởng  Mai Quế Lộ. Riết rồi Mây đâm nghi ngờ cái nguyên nhân cậu Út ghé thăm mình. Nhưng sự có mặt của út Nhơn không có gì phiền, trái lại còn rất vui. Tuy không đẹp trai lắm nhưng dáng dấp cậu rất đàn ông. Thanh Mây đoán biết Nhơn con nhà giàu nhưng cậu không bao giờ tỏ ra kiêu kỳ, nói năng trịch thượng. Nói chuyện vui nhưng không ồn ào chớt nhả. Bà Hương Hào tỏ ra rất có cảm tình với Nhơn. Thấy thái độ cậu bà đoán biết Nhơn đã “lậm” con gái bà lắm rồi, nhưng Mây thì vẫn tỉnh rụi !

 

            Còn mấy hôm nữa tới Rằm tháng tám. Lần này Nhơn đem qua một ký bánh nướng thập cẩm và một hộp trà sen biếu ông bà Hương Hào ăn Tết Trung Thu. Bà Hương về nhà nghỉ trưa như thường lệ. Ngoài tiệm chỉ có Thanh Mây. Nhơn ngồi uống nước nói chuyện một lúc, thấy không có khách mua vải, chàng làm gan nắm tay Mây. Lần đầu tiên bị đàn ông nắm tay, cô giựt mình mặt đỏ bừng. Định giựt tay lại, nhưng bị nắm chặt quá cô đành để yên, mắt nhìn Nhơn như dò hỏi. Cậu đưa cặp mắt đắm đuối nhìn Mây, dịu dàng nói:

            - Anh nghĩ chắc Mây dư sức biết vì sao anh qua đây hoài. Ba bốn tháng trôi qua, anh thấy đã tới lúc phải bày tỏ tấm lòng của anh đối với Mây. Anh đã thương Mây từ lúc thấy tấm ảnh bày trong tủ kiếng bên tiệm chụp hình.

            Nghe tới đây Mây thấy ngộ ngộ nên cười lên một tiếng nhỏ. Nhơn cũng cười rồi nói tiếp:

            - Em thấy anh ngố quá phải không ? Thương một người chưa hề biết !  Nhưng khi gặp mặt rồi thì thấy quả nhiên mình không lầm. Bữa nay anh xin thú thật hết với em. Anh là con trai út của ông bà Hội Đồng Đáng bên Long Xuyên. Trước đây anh dặn Ngọc Châu không được tiết lộ gia cảnh của anh. Không phải anh cố tình muốn dấu dếm, nhưng có nhiều trường hợp cái điều này cũng có ảnh hưởng ... Hôm nay anh muốn tỏ lòng thành muốn xây dựng với Mây. Em nghĩ sao cho anh biết.

 

            Nghe Nhơn nói một thôi một hồi, Mây chỉ cúi đầu im lặng, hàm răng trên cắn nhẹ môi dưới, lắc đầu tỏ vẻ không có ý kiến ! Chuyện đột ngột quá cô cũng không biết nghĩ sao. Nếu cô cũng thương Nhơn như cậu thương cô thì dễ quá. Thiệt tình mà nói mấy cậu công tử vườn ở đây theo cô thiếu gì. Nhơn hơn hẳn mấy người đó, nhưng sao trái tim của đứa con gái tròm trèm mười bảy này vẫn không thấy có gì khác lạ. Cô có cảm tình tốt với Nhơn, đồng ý, nhưng thương thì hình như không có ! Cô chỉ thấy vui khi có người để ý tới mình. Còn làm vợ hả ? Eo ơi, còn mơ hồ lắm!

 

            Thấy Mây im lặng, Nhơn  nói tiếp:

            - Anh biết chuyện này hơi đột ngột đối với Mây. Anh để em suy nghĩ cho đàng hoàng rồi trả lời sau.

 

Tuy nói để Mây suy nghĩ, nhưng bữa đó về tới nhà Nhơn đem chuyện kể hết với mẹ rồi nói lần này cậu muốn lập gia đình. Bà Hội cho mời má con Ngọc Châu qua Long Xuyên chơi, sẵn dịp cho bà hỏi thăm về gia đình ông bà Hương Hào Bá. Bà Hội Đồng xuất thân từ nhà quyền quý nên tính tình khe khắt, quan liêu. Phía bên ông không ưa bà chị dâu cho lắm, nhưng má con Ngọc Châu rất thương Út Nhơn, vì vậy họ hết lòng nói tốt cho gia đình ông bà Bá và Thanh Mây. Bà Hội yên lòng nhờ cô em chồng đứng ra làm mai cho hai trẻ.

 

Má con Ngọc Châu về Đốc Vàng là bắt tay vào việc liền. Bà Hương Hào mừng như bắt được vàng. Làm sui với ông Bà Hội Đồng Đáng ! Bà có nằm chiêm bao hay không đây ? Họ giàu có tiếng bên Long Xuyên hèn chi mà Nhơn biếu xén ông bà toàn những thứ sang trọng, mắc tiền. Khỏi nói, bà thuyết phục con gái ráo riết. Ngọc Châu thì tức nhiên muốn con bạn thân nên duyên cầm sắt với anh của mình, nên cũng không ngừng đốc vô. Tứ bề thọ địch,  cuối cùng Mây đành xếp giáp quy hàng. Cô nghĩ trước sau gì cũng phải lấy chồng, bây giờ gặp người tốt, yêu thương cô nồng nàn tha thiết thì cũng khỏe. Cô nghe nói lấy người thương mình thì được cưng chiều hơn. Vì vậy khi  Nhơn trở qua hỏi ý thì Mây gật đầu liền.

 

Bữa đó Nhơn không về Long Xuyên mà ở lại nhà Ngọc Châu. Cơm chiều xong Châu nấu nồi chè đậu xanh bột báng rồi rủ Thanh Mây tới nhà chơi. Ba người ngồi dưới nhà thủy tạ vừa ăn chè vừa nói chuyện. Hàng cây bên kia bờ sông hiện lờ mờ trong làn sương bốc lên từ mặt sông. Ráng chiều dát vàng trên những con sóng lăn tăn ngoài khơi. Một buổi hoàng hôn thật êm ả. Ngọc Châu ăn hết chén chè thì đứng dậy nói:

- Hai người cứ tiếp tục đi. Tui vô nhà bưng bình trà ra uống.

Nhìn theo bóng cô em họ đi vô nhà, Nhơn quay lại nắm hai bàn tay mềm mại của Thanh Mây đưa lên môi hôn rồi thì thầm:

- Hôm nay có thể nói là ngày vui nhứt trong đời anh. Mây biết không, hôm biết mình đậu Diplôme anh vui kinh khủng. Nhưng so với bữa nay thì thua một trời một vực ! Bởi vì nếu anh không đậu Diplôme thì cũng không sao, có thể thi lại, còn không cưới được em thì chắc anh không ... sống nổi !!!

 

Nghe mấy câu chí tình này Thanh Mây thấy cảm động hết sức. Thành ra khi Nhơn ôm nhẹ vai cô cho tựa đầu vào ngực mình, Mây để yên không phản đối. Mùi thơm nhẹ nhàng từ thân thể, từ mái tóc tỏa lên khiến Nhơn cầm lòng không đậu, cúi xuống hôn lên má cô mấy cái thật nồng nàn. Mây mắc cở bật ngồi thẳng lên, đưa tay vuốt mái tóc đang bị gió sông thổi vào phơ phất, mắc liếc về hướng nhà coi Ngọc Châu có đi xuống không. Nhơn cười nhẹ nói:

- Mây đừng lo. Châu biết điệu lắm mà.

Nhưng Nhơn vừa dứt lời thì cô em họ cũng vừa xách cái bình tích trà và ba cái tách đi xuống. Thấy nét mặt bẽn lẽn đỏ hồng của bạn, Ngọc Châu chúm chím cười. Nhơn nhìn cô em, miệng nở nụ cười rạng rỡ, nhưng Thanh Mây thì ngó lơ ra ngoài sông làm như không thấy sự đồng lõa của hai anh em nhà này.

 

... Sau lễ vấn danh là lễ hỏi. Từ sáng sớm bên gia đình Út Nhơn  đã qua tới nhà Ngọc Châu. Không may bữa đó mưa giông tầm tã. Chiếc ghe hầu của ông bà Hội Đồng bị sóng nhồi nghiêng ngả khiến bà ói tới mật xanh mật vàng. Ông bà đội mưa lên nhà người em họ, mặt mày bèo nhèo thảm thương. Trong lúc sửa soạn để tới làm lễ bên đàng gái, bà Hội than phiền với cô em chồng:

- Thiệt cái thằng Út làm khổ vợ chồng tui. Nói đâu xa, ngay bên Long Xuyên cũng có biết bao nhiêu chỗ môn đăng hộ đối muốn gả con, mà nó cứ chê lên chê xuống. Năm rồi ông Cai Tổng Trực ở Thốt Nốt có bắn tiếng với anh của cô. Con gái ổng học trường áo tím đàng hoàng. Gia đình đó thiệt là rân rác. Dâu rể gì cũng thuộc dòng danh gia vọng tộc. Thằng Nhơn vô đó thì như chuột sa hũ nếp. Vậy mà nó chê con gái người ta nào đen như cục than hầm, nào cái miệng như miệng cá trèn, nói năng thì kiêu kỳ điệu hạnh. Con nhà giàu thì vậy chớ sao ! Cái con Mây này đây, tuy là có nhan sắc, nhưng mà con nhà tầm thường quê rích quê rang. So với bên mình thiệt là một trời một vực. Hổng biết nó bị bỏ bùa mê thuốc lú gì mà nằng nặc đòi cưới cho được, báo hại tui đi cực khổ gần chết ! Rồi sau này dìa làm dâu, biết có điều khiển nổi cái đám gia nhân  nhà tui không nữa ? Ứ hự, còn cái đám cưới. Nghĩ tới thôi mà tui đã thấy rầu !

 

Quá biết cái tánh trọng phú khinh bần của bà chị dâu, mẹ Ngọc Châu ráng nuốt ực cái bất mãn , an ủi mấy câu:

- Chắc tại duyên số hết chị ơi. Con Mây cũng có mấy đám tới hỏi mà nó đâu có chịu ai.

Bà Hội xì một cái, ngắt ngang giọng miệt thị:

- Trong mấy đám đó có ai bằng gánh nhà mình hông ?

 

Mẹ Ngọc Châu đánh trống lảng bằng cách kêu con gái hỏi coi mọi việc sắp đặt xong chưa, đâu biết rằng con nhỏ đã nghe hết và đang tức bà bác dâu cành hông. Cô nhủ thầm, nếu không phải đám hỏi của anh Nhơn, cô mặc kệ bà muốn làm gì thì làm. Người gì mà phách lối dữ vậy không biết ! May mà không có mặt đầy đủ mấy đứa con gái đành hanh, kiêu kỳ của bả  bữa nay !

 

Suốt buổi lễ, bà Hội Đồng mặt mày chằm dằm, mặc cho ông Hội và vợ chồng cô em muốn nói gì thì nói. Trong bữa tiệc do nhà gái khoản đãi, bà ăn uống cho có lệ, không thèm khen một lời. Nhơn thấy thái độ bà mẹ như vậy cũng lấy làm áy náy, lo lắng. Phần Thanh Mây sau khi ra chào cha mẹ chồng tương lai, lạy bàn thờ gia tiên rồi là lui vô nhà sau. Ông bà Hương Hào cố gắng đủ mọi cách để lấy lòng sui gia. Bà Hội Đồng đưa cặp mắt khinh miệt nhìn chung quanh, từ cách bày trí cho tới những người thân thích đến dự mà bà kêu là cái-đám-nhà-quê. Trên người bà và cô con gái lớn sáng choang hột soàn cẩm thạch, trong khi cái đám nhà quê nọ chỉ thấy  rặt là vàng y ! Bà đi cho con dâu tương lai một đôi bông hột xoàn năm ly nước dầu hôi tím xanh, chiếu còn hơn sao Bắc Đẩu. Một chiếc cà rá và một mặt dây chuyền bằng cẩm thạch có cẩn bột soàn tấm. Bà con hai họ ai cũng tấm tắc khen vừa đẹp vừa sang.

 

Mấy đứa bạn cùng trang lứa với Mây ghen tức tới xanh máu mặt.  Nhứt là cô Tư Kim Anh, con gái ông Hương Sư Mạnh. Cô này cũng là bạn học với  Thanh Mây, nhưng lớn hơn hai tuổi. Cũng có tiếng là xinh đẹp trong huyện, nữ công gia chánh không có chỗ chê. Khổ nỗi nàng ngậm miệng thì được, hễ mỗi lần phát ngôn thì cái giọng chua chanh chát khế của nàng khiến người nghe phải nổi da gà ! Vì vậy mà sắp sửa tiến tới cái tuổi hai mươi, nàng vẫn còn phòng không quạnh quẻ ! Thấy Mây sắp sửa trở thành vợ yêu của cậu Út Nhơn, con dâu tương lai của ông bà Hội Đồng Đáng, Kim Anh buồn bực bỏ ăn bỏ ngủ, người ngợm héo hon !

 

Phần bà Hương Hào, từ ngày thấy mình được sui gia với ông bà Hội Đồng Đáng thì sung sướng, hãnh diện bội phần. Những bà có “máu mặt” trong huyện tới mua vải đều được nghe bà kể lể tỉ mỉ về cái đám hỏi và cái gia đình sang trọng của ông bà sui bên Long Xuyên, không quên tô màu thêm chút đỉnh cho tăng phần lộng lẫy. Nhưng ở đời mình càng hơn người, càng bị ghét ! Nếu không làm sao có câu ở rộng người cười, ở hẹp người chê ?

 

... Chỉ mới một tháng sau đám nói, bà Hương như thường lệ, nghỉ trưa xong trở ra tiệm thì thấy cô Tư Kim Anh đang nói chuyện với Thanh Mây. Thấy bà, Kim Anh đứng lên chào rồi ra về. Từ đó tới chiều thấy con gái buồn bực, thẫn thờ như có chuyện phải suy nghĩ dữ lắm, bà Hương hỏi lý do nhưng Mây  cứ lắc đầu, nói tối về nhà mới tiết lộ được. Bữa cơm chiều Mây  ăn được nửa chén thì buông đũa. Bà Hương lật đật theo con gái vô buồng. Bà nghĩ chắc có chuyện gì ghê gớm lắm, chớ từ trước tới nay Mây vốn là đứa vô tư, đâu có bao giờ buồn tới bỏ cơm.

 

Thấy con gái ngồi ở mép giường, đầu cúi xuống có vẻ suy nghĩ.  Bà Hương bước tới ngồi bên cạnh, nhỏ nhẹ hỏi có chuyện gì thì Mây ngửng lên, cặp mắt lộ vẻ tức tối, cô gằn từng tiếng:

- Má à, con muốn thối hôn với anh Nhơn.

- Cái gì. Thối hôn ? Bà Hương thảng thốt hỏi, không tin ở lỗ tai mình !

- Dạ phải. Con không muốn về làm dâu bà Hội Đồng Đáng. Bả ỷ giàu rồi khinh khi gia đình mình.

Bà Hương Hào nghe tới đây thì tá hỏa, vội vàng nói:

- Thiệt tình má hổng hiểu gì hết trơn. Bây giờ con từ từ kể đầu đuôi cho má nghe coi chuyện gì đã xảy ra. Có phải hồi trưa con Kim Anh đã nói gì với con phải hôn ?

Mây gật đầu rồi bắt đầu kể cho mẹ nghe lý do nào cô muốn thối hôn ...

 

... Tư Kim Anh là hàng xóm của Ngọc Châu. Hai nhà chỉ cách nhau cái hàng rào bông bụp. Hai bà má hay qua lại chuyện trò, hoặc cho chác nhau những  thứ lặt vặt như  rau cỏ, cây trái trong vườn. Hôm kia má của Kim Anh qua nhà Ngọc Châu cho chục vú sữa tím mới hái. Hai bà nói chuyện một hồi rồi nhắc tới đám hỏi của Nhơn và Thanh  Mây. Má Ngọc Châu còn hậm hực bà Hội Đồng nên đem những lời than thở của chị dâu  kể hết cho bạn nghe. Bà này càng nghe càng khoái chí, thấy cơ hội trả thù đã nằm trong tầm tay. Số là Kim Anh có người anh trai đã từng theo đuổi Thanh Mây một thời gian dài, nhưng không có kết quả. Bị thất tình cậu bỏ xứ lên Nam Vang làm ăn. Bà má của Kim Anh nhớ thằng con trai duy nhứt da diết, nên đâm hận kẻ đã gây ra chuyện này là Thanh Mây. Về sau thấy tình duyên của con nhỏ trời đánh lại lên như diều gặp gió, qua mặt con gái bà cái vù, thì mối hận lòng càng tăng gấp trăm lần. Bữa nay đúng là Trời thương. Má con con mẹ Hương Hào sẽ biết tay bà. Nghe nói lúc này con mẻ lên mặt lắm mà ! Bà hí hửng về nhà kể cho con gái cưng nghe không sót một lời nào, rồi biểu Kim Anh làm bộ ra mua vải để đem chuyện này kể lại cho con Mây nó nghe. Kim Anh nhứt nhứt làm y theo lời mẹ dặn và cuối cùng những lời miệt thị của bà Hội Đồng đã đến tai Thanh Mây. Cô nghe mà như bị kim chích vào lòng, đau đớn vô tả. Té ra cô đã trèo cao. Cô chỉ là một đứa con  gái quê mùa, nghèo hèn không xứng làm dâu nhà bà Hội. Thiệt đúng đũa tre mà đòi mâm son ! Thôi thì tố nào theo tố nấy đi. Cô nhứt định thối hôn.

 

Bà Hương Hào nghe xong thì lặng đi một lúc rồi nói:

- Thì con cũng cứ từ từ hỏi cho ra lẽ. Coi chừng mẹ con con Kim Anh đặt chuyện để chia rẽ con với thằng Nhơn. Má nghi họ muốn trả thù chuyện xưa. Con đừng hấp tấp mà trúng kế của họ. Để má sai con Mộng đi kêu con Ngọc Châu qua hỏi coi sao.

 

Nói rồi bà đứng lên ra ngoài kêu con gái út chạy đi mời Ngọc Châu qua có chuyện cần. Độ mười lăm phút sau thì Ngọc Châu qua tới. Bà Hương Hào ra hiệu cô đi theo bà vô buồng của con gái. Thanh Mây đưa cặp mắt buồn tê tái nhìn bạn. Thấy gương mặt ủ rũ của Mây, Ngọc Châu hết hồn quay lại nhìn bà Hương Hào như dò hỏi. Bà Hương tằng hắng lấy giọng rồi đem chuyện ban trưa kể lại cho Châu nghe. Cô này nghe tới đâu lạnh mình tới đó, thầm trách mẹ mình không kín miệng. Sau cùng bà nói:

- Cháu cứ nói thiệt cho thím với con Mây nghe. Mấy chuyện con Kim Anh kể là thiệt hay nó đặt chuyện để phá tụi này ?

Trong lòng Ngọc Châu ba đào chuyển động. Nói láo thì cô không dám, mà xác nhận đúng thì trời ơi, cô biết cái hậu quả sẽ tai hại vô cùng ! Nói sao đây ??? Thấy bạn cứ ấp a ấp úng, ngập ngừng nói không nên lời, Mây thở dài:

- Con Kim Anh nói thiệt hết phải không ? Thôi, cứ coi như tao với anh Nhơn có duyên mà không nợ. Má ảnh sẽ kiếm  một người vợ giàu sang  xứng đáng hơn tao.

- Khoan khoan, mày đừng nóng. Ngọc Châu hớt hải nói. Bác gái tuy ác miệng nhưng tao chắc trong lòng bả không có gì đâu. Quan trọng là anh Nhơn thương mày...

- Con Châu nói đúng. Bà Hương Hào xen vô. Quan trọng là thằng chồng thôi con à. Nó thương mình là xong hết.

Thanh Mây nghe tới đây thì tức quá hừ một tiếng:

- Mấy người nói vậy mà nghe được ? Châu, mỗi năm mày gặp bả mấy lần ? Má, khi làm sui rồi mỗi năm má sẽ  gặp bả mấy lần ? Có ai nghĩ là con phải ở chung với bả suốt đời hay không ? Hàng ngày ra vô đụng mặt, biểu con làm sao sống nổi đây ? Không kể má con con Kim Anh sẽ đem chuyện này bán rao khắp bàn dân thiên hạ. Má chịu nổi cái nhục này hay sao ? Con thì không.

 

Sau đó ai nói gì thì nói, Mây vẫn giữ vững lập trường. Nhơn năn nỉ cách nào cũng không được. Cậu về nhà gây một trận quá trời với bà mẹ, rồi tuyên bố không cưới được  Thanh Mây cậu nhứt định ở vậy tới già ! Bà Hội Đồng thấy Mây thoái hôn thì trong bụng mừng thầm. Tuy thằng con đe dọa sẽ không cho bà có cơ hội ẵm cháu nội, bà cũng không nao núng. Bây giờ nó còn trẻ nên nói hăng, mai mốt làm sao mà ở một mình cho được. Trai gái lớn lên thì phải có đôi có cặp. Bà thấy ai ở độc thân tới già đâu ? Nồi nào thì cũng sẽ có vung nấy úp vô, lo gì ? Biết đâu từ từ nó sẽ “mở mắt” để cho bà lựa một chỗ môn đăng hộ đối xứng với gia đình bà. Tuy trong bụng nghĩ vậy nhưng ngoài miệng bà Hội vẫn phải nói giả lả với con.

 

Út Nhơn sau đó buồn bã đâm ra rượu chè be bét. Cậu chơi bời xả láng nhưng vợ thì nhứt định không lấy. Bà Hội hối hận nhưng quá muộn màng.

 

Bà Hương Hào tiếc thằng rể quý đau một trận thất kinh. Nhưng sau đó không lâu có một đám khác ở Cao Lãnh lên coi mắt Thanh Mây. Đám này tuy không giàu có, sang trọng như gia đình Nhơn, nhưng nghe nói cậu Tư Tân rất bảnh trai, lại đã từng học trường thầy dòng Taberd trên Sàigòn.

 

Câu chuyện bắt đầu từ bà bác dâu của Mây. Bà này góa chồng sớm nhưng ở vậy không tục huyền, một tay bươn chải buôn bán nuôi đàn con thơ. Quanh năm mặc chiếc áo dài đen, tay xách cây dù xuôi ngược khắp mấy huyện. Nhà nào có vườn cam, vườn quít, xoài, dừa ... là có bà ghé qua. Bà là thân chủ thường xuyên bao vườn trái cây của ông Cả Trọng. Khâm phục sự đảm đang, giỏi giắn của bà, một hôm vui miệng ông Cả hỏi bà có đứa cháu gái nào tới tuổi cập kê thì xin làm mai cho con trai của ông. Ông Cả có tới năm trai hai gái. Ông nói thấy chị giỏi quá, chắc cháu chị cũng không thua. Nói dại nếu con tui có qua đời sớm tui cũng yên tâm cho lũ cháu. Bà nhớ tới Thanh Mây vừa thối hôn với Út Nhơn nên nhận lời về bàn lại với người em chồng. Ông bà Hương Hào mừng lắm, nhưng Mây thì dửng dưng. Vừa mới bị một cú đích đáng, cô thấy không mặn mà lắm tới chuyện chồng con.

 

Nhưng khác với lần đầu tiên gặp Nhơn, lúc Mây bưng nước ra mời ông bà Cả Trọng, nàng liếc qua chàng thanh niên ngồi gần đó, thiếu chút nữa là làm rớt tách trà. Trời ơi, Mây nghĩ thầm, Phan An Tống Ngọc trong truyện Tàu cũng chỉ đẹp trai cỡ anh chàng Tân này chớ hơn gì. Trước khi lui gót trở vô Mây còn làm gan liếc anh ta cái nữa. Lần này gặp ngay ánh mắt sáng rực của Tân đang chiếu về mình với nụ cười nửa miệng thì Mây ... xiểng niểng, cặp má đỏ bừng ! Vô tới nhà trong cô đưa bàn tay run rẩy chặn lên ngực như muốn đè bớt nhịp đập loạn xạ của con tim ! Ai cũng phải nhìn nhận dung mạo của cậu Tân này ăn đứt Út Nhơn. Cậu hao hao giống bà Cả. Thời còn con gái bà đẹp nổi tiếng cả một vùng. Trời còn ban cho cậu ta cái miệng ăn nói duyên dáng nữa mới là chết ...phái nữ ! Sau này Thanh Mây mới biết lúc còn học ở Sàigòn, cậu đã từng làm tan nát biết bao con tim non dại. Lần này lên coi mắt Mây, nét mặn mà, yểu điệu của cô cũng khiến chàng thanh niên đa tình này xiêu lòng.

 

Mọi chuyện tiến triển tốt đẹp. Thanh Mây hân hoan sửa soạn may quần áo, mùng mền ... chẩn bị cho cuộc đời làm vợ tương lai.  Hôm đám cưới ai cũng khen cô dâu chú rể đẹp như Tiên Đồng Ngọc Nữ. Mây về nhà chồng trong trạng thái cực kỳ hạnh phúc. Nhưng cái hạnh phúc này đôi khi bị ông chồng rất ư đa tình của cô làm xáo trộn. Thanh Mây bây giờ trở thành mợ Tư Tân. Ba năm mợ cho ra đời một trai một gái. Hai đứa đều khỏe mạnh xinh đẹp. Bận bịu con cái, thêm nữa dầu bà Cả không đến nỗi khó khăn, kênh kiệu như Bà Hội Đồng Đáng, nhưng cũng không thuộc loại hiền, dễ thông cảm. Từ một cô con gái chỉ biết phụ mẹ buôn bán, bây giờ về làm dâu, mợ Tư  ban ngày đầu tắt mặt tối, đêm về mệt mỏi, tứ chi rã rời chỉ muốn lăn ra ngủ cho lại sức. Nhiều khi cậu Tư muốn bàn bạc hoặc kể lể năm ba câu chuyện với vợ, nhưng câu trước câu sau là mợ đã ngáy khò khò. Cậu cảm thấy buồn chán, lẻ loi nên cứ vài ba bữa lại theo đám bạn cũ đi nhậu nhẹt như thuở còn độc thân vui tánh. Những chuyện tình lăng nhăng của cậu nhiều khi cũng tới tai mợ, nhưng lần nào hễ mợ cằn nhằn là cậu bỏ liền tức khắc. Mợ Tư yêu chồng tha thiết nên dễ dàng tha thứ. Cũng vì vậy mà dần dần cậu đâm ra lờn.

 

Trong đám tá điền của ông Cả có gia đình ông Sáu Cang ở cách nhà độ ba cây số. Ông này có cô con gái tên Kim Phụng. Đúng là cha mẹ cú đẻ con tiên, cô Phụng đẹp sắc sảo, mặn mà không thua mấy cô tiểu thơ đài các. Người đẹp nhưng tánh nết lẳng lơ. Không hiểu cô ta rù quyến, ỏn thót làm sao mà cậu Tư có ý định lập cô ta làm phòng nhì. Tức nhiên bà chánh thất là mợ Tư không hề được đức lang quân thông báo về cái chương trình rất ư là kém hấp dẫn này ! Có điều cậu mù tịt là bà vợ có một màng lưới gián điệp rất tinh vi. Đó cũng là nhờ cô em chồng của mợ. Ông chồng cô này thuộc loại già không bỏ nhỏ không tha, nên cô có tai mắt khắp nơi. Mấy con “đĩ ngựa” vừa mới nhúc nhích ngón tay út là cô đã được cái đám ... vô tuyến truyền miệng thông tin liền tức khắc. Cô thương bà chị dâu cứ bị anh mình làm khổ  nên hết lòng giúp đỡ. Nhờ vậy mợ Tư đã biết đích xác ngày giờ cùng nơi chốn của buổi tiệc sắp diễn ra.

 

Tối “hôm đó”. Sau bữa cơm chiều, cậu Tư lấy xe đạp ra đi, tay xách theo một gói giấy lớn. Mợ làm tỉnh hỏi đi đâu thì cậu nói đi họp trên Đình độ vài tiếng đồng hồ là về liền. Mươi phút sau, mợ Tư tập họp đám tay chân bộ hạ gồm hai chị em con Xuân, con Yến là con bà chị lớn của cậu Tư, con Thơ là con người anh chú bác. Tức nhiên mợ phải trả tiền hậu hĩ và năn nỉ gãy lưỡi mấy đứa này mới chịu hợp tác. Con Xuân mới mười ba tuổi, con Yến và con Thơ mới mười một. Ở nhà quê ban đêm trời tối như mực. Mấy thím cháu phải đốt đuốc mới thấy đường đi. Gần tới nhà cô Phụng, thím Tư tắt đuốc đứng xa xa rình. Trong nhà thắp đèn măng sông sáng trưng, tiếng cười nói vang ra tới ngoài lộ. Mợ còn lưỡng lự chưa biết tính sao, tới khi nghe tiếng cậu Tư dặn người câu đêm, câu được bao nhiêu cá tôm cũng đem lại đây hết thì mợ mất bình tĩnh, kéo đám lâu la tới ngay trước cửa. Tội nghiệp đám nhi đồng run như cầy sấy. Mợ sôi gan khi nhìn thấy ông chồng yêu quý của mình đứng song song với con Phụng “ngựa bà” trước bàn thờ gia tiên khói hương nghi ngút. Lại còn dám diện cái áo dài gấm xanh bông chữ thọ mới là động trời ! Cặp mắt tóe lửa, đôi chân như được chắp cánh, mợ “bay” vô nhà, túm ngay vạt áo dài của cậu kéo mạnh. Vạt áo tét cái rẹt lên tới nách ! Mợ  la lớn:

- Mấy người làm cái gì đây. Đám cưới hả ?

Cậu Tư thấy vợ thì rụng rời. Một tay bụm miệng, một tay ôm ngang eo ếch, cậu cố lôi mợ ra khỏi nhà của tình nhân. Mợ Tư giãy giụa kịch liệt định chuyến này ăn thua đủ với Con Đĩ-Cướp-Chồng đang đứng như bị trời trồng ở giữa nhà. Nhưng vốn yếu đuối, mợ chống không lại với ông chồng to con, bị lôi trở ra đường lộ. Để vợ đứng đó, cậu Tư  vội vàng chạy đi lấy xe đạp, kéo mợ ngồi lên đòn dong rồi hối hả đạp đi, mặc cho đám lâu la vừa chạy theo sau vừa khóc ỏm tỏi vì ... sợ ma !

 

Về tới nhà cậu lại dở cái chiêu năn nỉ. Nhưng lần này câu chuyện trầm trọng quá. Cậu nhẫn tâm định lập phòng nhì ! Thương mấy thì thương cũng phải cho hắn biết tay. Mợ ngồi phịch xuống mép giường, vừa khóc vừa nói một cách chắc nịch là ngày mai mợ sẽ đem hai đứa nhỏ về nhà ông bà ngoại ở luôn. Cái Tết sắp tới bà Cả xoay trở ra sao mợ cũng mặc kệ. Nghe tới đây cậu Tư sợ quá, cái nhà này không có mợ là ... tanh banh ! Từ ngày mợ bước chân về làm dâu, bà Cả đã phó thác hết mọi chuyện trong ngoài cho mợ lo. Tối ngày hết ăn trầu lại nằm trên võng đưa qua đưa lại, cặp mắt nhắm hít, nhưng cái miệng không chịu nghỉ ngơi:

- Nè vợ thằng Tân, bây nhớ trở mấy xề cau tao phơi hồi sáng nghen. Ờ quên nữa, nói con Ni hái mớ rau càng cua chiều trộn giấm. Đừng quên biểu thằng Đực chặt mấy buồng chuối già chín bói phía sau nhà chị hai bây để mơi ép làm chuối khô. Sáng nay tao đi ngang cây mít ngoài góc vườn, nghe mùi thơm bay ra rồi đó. Coi chừng bị lũ tiểu yêu ăn cắp như lần trước là trơ mỏ !..v.v...Có lần con Ni thắc mắc: Con không hiểu sao cặp mắt bà ngủ mà cái miệng bà lại thức ? Cái này thì chỉ có Trời mới hiểu thấu !

 

Bây giờ Tết sắp tới với cả hai chục mạng trên Sàigòn về ăn Tết, mà vợ lại dọa khăn gói quả mướp ra đi, biểu sao cậu Tư không hồn phi phách tán. Thấy năn nỉ hoài mà vợ cứ ngồi đó khóc thút thít, cậu Tư quýnh quá quỳ xuống:

- Bây giờ em muốn gì anh cũng chịu. Em đừng bỏ về Đốc Vàng. Em đi là tía má giết anh chết !

Mợ Tư đang khóc, nghe câu này bỗng nín ngang, đưa cặp mắt như muốn xẹt lửa nhìn ông chồng thiếu chung thủy  của mình, rồi hứ cái cốc:

- Biểu tui đừng đi là vì sợ tía má giết anh, chớ đâu phải tại thương yêu, núm níu gì tui phải hôn ? Dễ quá mà. Cứ đem con Kim Phụng mất nết đó về đây thế vô chỗ của tui là xong,  có gì mà lo ! Tui chán cái tánh trăng hoa của mấy người lắm rồi. Nó vô thế mạng, nói có Trời làm chứng, tui còn cúng heo ăn mừng !

Thấy vợ chịu mở miệng, cậu Tư mừng húm, đi bằng hai đầu gối, sấn tới gần:

-Thôi thôi mình tha thứ cho anh nghen mình. Anh thề mà. Cô Phụng thì cũng là chơi qua đường. Anh chỉ thương một mình mình thôi. Anh mà nói láo Bà bắn !

Mợ Tư trề môi, xí một tiếng dài thòn đượm mùi khinh bỉ:

- Thiệt tình, Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê hồi xưa chắc còn thua  anh xa. Bữa nay ráng suy nghĩ kỹ lại đi. Hồi nào tới giờ anh hứa, anh thề bao nhiêu lần, mà có lần nào anh giữ lời được hay không ? Mợ càng nói càng nghẹn ngào, tức tưởi ...

Cậu Tư vẫn còn quỳ, thấy vợ nói vậy thì lật đật dang tay ôm cặp giò của mợ đang thòng dưới đất:

- Không không, lần này anh nói thiệt. Anh thề độc cho mình tin...

- Thôi đi. Độc tới cỡ nào tui cũng đã nghe đầy hai lỗ tai rồi. Nếu lần này anh thành tâm thì ráng quỳ đó tới sáng đi. Tui mệt lắm rồi. Bây giờ để yên cho tui ngủ.

 

Mợ nói xong thì  hất nhẹ cặp giò để rút  ra khỏi vòng tay của ông chồng đang ôm cứng ngắc. Không ngờ cậu cũng quyết bám trụ tới cùng, không chịu buông ra. Hai bên giằng co níu kéo một hồi, cái quần lãnh Mỹ A lưng thun láng mướt chống không nổi ... Cậu thừa thắng xông lên, vì biết đây là cơ hội cuối cùng có thể làm xiêu lòng bà vợ đang giận cậu tái tê !  Con bé  Thanh My  ra đời chín tháng mười ngày sau đó.

 

Hôm sau biết chuyện, bà Cả kêu mợ Tư lên nhà trên bắt nghe lại cái điệp khúc:

- Trai thì năm  thê bảy thiếp. Lá rụng về cội. Nó chơi chán rồi cũng quay đầu dìa với vợ con. Có hao mòn sứt mẻ gì đâu mà bây ghen cho mệt. Làm um sùm xấu chàng thì hổ thiếp chớ hay ho gì ?!

Mợ Tư nghe má chồng nói mà tức anh ách. Nhưng tối hôm qua mợ đã được chồng o bế một trận để đời nên cũng ráng nhịn, không trả lời đi trả lời lại gì hết, chỉ dạ dạ chấm câu.

 

Không hiểu cậu Tư có thiệt tu tỉnh hay không, nhưng từ đó về sau mấy “điệp viên nghiệp dư ” tuy vẫn theo dõi, nhưng không thấy có điều gì bất thường. Duy chỉ hai ngày sau cái đám cưới đột xuất nhưng bất thành kia, cậu Tư sai thằng Đực đem cho Kim Phụng một món tiền. Cô này buồn vì mộng ước “chia” ông chồng đẹp trai, con nhà giàu học giỏi với mợ Tư Thanh Mây không thành, nên cũng bỏ xứ đi luôn. Sau đó nghe nói cô lấy một ông Tàu già nhưng bộn xu ở Chợ lớn và sanh một thằng con trai đặt tên ...Tân. Không biết để nhớ người tình cũ hay để thỉnh thoảng buồn buồn lôi tên Tân ra rủa cho đã tức ?! Còn một điều lạ nữa là người nào đi Chợ lớn có gặp cô Phụng và đứa trẻ đều quả quyết rằng thằng  cu Tân giống ... cậu Tư Tân như khuôn đúc !

 

Sau lần suýt bị “cưa đôi”  ông chồng, mợ Tư không còn dám lơ là như trước. Dù bận rộn công việc nhà hay mỏi mệt cách mấy mợ cũng ráng chiều chuộng, ngọt ngào với chồng. Mợ hỏi han tới công chuyện của cậu thường hơn trước. Thấy vợ thay đổi hẳn, săn sóc, âu yếm mình  hơn xưa cậu Tư rất cảm động. Nửa tháng trước Tết, cậu nhờ cô em chú bác có tiệm vàng dưới chợ Cao  Lãnh kiếm cho cậu cặp bông tai hột xoàn để tặng vợ.

 

Tối đó, dọn dẹp xong xuôi, mợ Tư vô buồng ngồi trước bàn phấn, xõa mớ tóc mây đen mun ra chải. Cậu Tư vô sau, rón rén tới đứng sau lưng vợ, đưa tay vén mớ tóc, cúi xuống hôn lên cái gáy trắng ngần như ngó sen. Mợ Tư dựa đầu vô ngực chồng, cặp mắt lim dim, cảm thấy niềm hạnh phúc dâng lên rào rạt. Có tiếng cậu thì thầm bên tai:

- Anh có cái này tặng cho mình. Anh đưa trước để tới Tết mình đeo.

 

Nghe nói vậy mợ Tư mở bừng mắt, ngồi thẳng lên. Trên tay cậu Tư có cái hộp bằng nhung đỏ. Cậu mở nắp hộp, đưa tới trước mặt vợ. Đôi bông tai nhận hột xoàn chiếu lóng lánh. Mợ Tư  cầm cái hộp từ tay chồng mà cảm động đến nghẹn lời. Cặp hột xoàn  nhỏ hơn đôi bông hồi xưa bà Hội Đồng Đáng đi cho mợ rất nhiều.  Nhưng đây là quà tặng của người chồng mà mợ thương yêu nhứt đời. Nhớ lại hồi đám hỏi rồi đám cưới với cậu Tư, bà Cả cho mợ đồ trang sức toàn bằng vàng y. Bạn bè, chị em trong gia đình ai cũng chê là nhà quê, nhưng mợ đâu có thèm để ý. Miễn mợ lấy được cậu Tân là  hạnh phúc rồi. Những thứ khác chỉ là chuyện nhỏ ! Bây giờ mợ đã có hột xoàn để chưng diện với chị với em. Có thua gì ai đâu ? Hột xoàn lớn nhỏ thì quan trọng gì, miễn cậu mợ yêu thương nhau nồng nàn là đủ.

 

Mợ Tư đưa cặp mắt ướt rượt nhìn chồng, thỏ thẻ:

- Mình ơi, Tết này em là bà vợ sung sướng nhứt. Em sẽ đeo đôi bông này cho mấy con em xí xọn của em hết chê bai nhún trề. Tụi nó chê em đeo vàng quê quá là quê ! Cám ơn mình.

- Cám ơn suông thôi sao? Phải có cái gì cụ thể hơn mới được. Cậu Tư vừa nói vừa mơn trớn bờ vai tròn trịa của vợ.

Mợ Tư  đặt cái hộp nhung đỏ lên bàn phấn, quay lại đưa hai cánh tay nuột nà ôm lấy cổ chồng, nũng nịu:

- Mình biết lúc nào em cũng chiều mình mà ... Mình thích là em vui rồi.

- Vậy anh tắt đèn à nghe.

 

Cậu vừa dứt lời thì ngọn đèn ống khói để trên bàn cũng tắt phụt. Trong phòng vẫn còn sáng lờ mờ của ánh trăng mười sáu chiếu qua rèm cửa sổ. Còn mười lăm ngày nữa là Tết, mợ nghĩ thầm. Chưa bao giờ mợ mong cái Tết đến sớm như bữa nay. Cậu Tư nửa dìu nửa ẵm vợ bước lại giường.

 

Có tiếng mợ Tư cười khúc khích, rồi kêu lên: Mình ơi !!!

 

 

TIỂU THU

(Mỹ Loan sưu tầm - Việt Hải Trần chuyển)

 

 

website counter