HẠNH PHÚC
(Sơn Nghị)
Ở cõi đời này có 3 bí nhiệm
(mysteries). Đó là Tình Yêu, Đau Khổ,
và Sự Chết. Sở dĩ gọi là bí
nhiệm vì đây là những vấn đề
gay cấn nhất trong cuộc sống. Biết bao
nhiêu chữ nghĩa được viết ra nhằm
giải thích chúng nhưng vẫn hoài công.
Con người đã bỏ công tìm tòi
nhưng chỉ hiểu được một phần
nào ý nghĩa đích thực của
chúng. Chưa một ai dám tự hào
đã hiểu trọn vẹn hết những góc
cạnh sâu thẳm nhất của những bí nhiệm
này.
Tình Yêu hiện diện trên cõi
đời này ngay từ thuở hồng hoang. Cho
dù Agape (Tình Yêu Dâng Hiến) hoặc Eros
(Tình Yêu Nhục Dục), Tình Yêu muôn
thuở vẫn là một bí ẩn. Xuân Diệu
nói, “Có ai cắt nghĩa được
tình yêu ? ...” Bi quan hơn lại cho rằng,
“Tình Yêu đứng xa trông như hạt
kim cương nhưng đến gần chỉ là giọt
nước mắt.” Có người thở
dài bảo, “Con người không có
Tình Yêu như trái đất không có
mặt trời.” Mỗi người tùy theo
quan niệm và kinh nghiệm sống của riêng
mình định nghĩa Tình Yêu mỗi
cách khác nhau. Không một ai đúng
hoàn toàn và cũng chẳng một ai sai.
Sự Chết cũng thế. Con người sinh ra
để rồi già đi, vướng bệnh
và chết. Chết là từ giã cõi
đời này. Có người cho rằng chết
là hết nhưng lại có người lại
tin rằng chết là bước sang một thế giới
khác. Vì muốn chống lại sự chết
nên đã có người cố công
tìm cho được thuốc trường sanh bất
tử. Họ thèm sống. Nhưng không một ai
cãi lại được định luật của
Tạo hóa. Đúng theo tam đoạn luận của
Socrate; phàm là con người đều phải
chết, tôi là con người, vậy tôi cũng
phải chết. Sự chết đã bám dai dẳng
trong suy tư của con người. Một đời người vỏn vẹn
chỉ được trăm năm và rồi biến
mất hẳn khỏi trần gian này. Thật vô lý nhưng
đó là một thực tại không thể
chối cãi được.
Nhưng Đau Khổ là vấn đề nhức
nhối nhất theo thiển ý của người viết.
Có người dùng đau khổ để
thăng hoa, để cứu chuộc như Đức
Giêsu. Nhưng nó nhức nhối vì đau khổ
luôn hiện diện trong đời sống của con
người. Nhân loại vẫn không thể hiểu
được tại sao một người sinh vào
cõi đời này để rồi chuốc lấy
đau khổ. Có lẽ vì thế mà con
người là động vật duy nhất sinh
vào cõi đời này bắt đầu bằng
tiếng khóc chăng ? Chẳng một ai muốn sống
đau khổ cả. Họ muốn sống sung sướng.
Sống sung sướng nghĩa là sống thụ
hưởng hạnh phúc, ngược lại với sống
chịu đựng đau khổ.
Vậy làm thế nào để cuộc sống
có hạnh phúc ? Đã có nhiều
sách vở bàn luận về hạnh phúc. Cũng
có nhiều diễn giả nói về vấn đề
khúc mắc này. Tôn giáo là một giải
pháp giúp con người có bình an trong
tâm hồn; để từ đó dẫn đến
hạnh phúc trong cuộc sống. Nhưng thử
bàn luận vấn đề nan giải này
trên kinh nghiệm, qua những con số thống kê
thực tế trong xã hội. Mới đây, tờ
Readers Digest số tháng 5, Arthur Brooks đã tóm
tắt cuốn “Gross National Happiness” (chính
ông là tác giả) và đưa ra kết
quả dựa trên khoa học và kinh nghiệm
làm thế nào để đạt được
hạnh phúc. Mời quý độc giả theo
dõi cuộc khảo sát giá trị của Arthur Brook sau đây.
Quý vị muốn sống hạnh phúc ư
? Tôi tạm cho là quý vị cũng có một
ước muốn như tôi. Socrate đã có
lần nói với các học trò,
“không phải ai ai cũng muốn hạnh phúc
sao ?” Nếu suy nghĩ của Socrate đúng
thì một câu hỏi hợp lý đặt ra
là xã hội mà chúng ta đang sống cũng
phải tạo ra những điều kiện để
người dân có thể mưu cầu hạnh
phúc chứ ? Trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập,
những vị Khai Quốc không bao giờ xem hạnh
phúc là một khái niệm mơ hồ;
nhưng họ tin tưởng rằng con người
luôn muốn hạnh phúc và có quyền
mưu cầu nó. Theo sát đời sống
và tự do, hạnh phúc là nhịp cầu nối
liền giữa Thượng đế với vận mạng
của quốc gia, và chính khả
năng của người dân mưu cầu hạnh
phúc là thước đo sức mạnh và nền
luân lý của xã hội.
Nhưng ngày nay, những vị lãnh đạo
hầu như quên mất điều này. Cứ
nghe những nhà chính khách hoặc các
chính trị gia nói về tổng sản lượng
quốc gia, cuộc cách mạng y tế và tiền
già, người ta nghĩ rằng những vị Khai
Quốc nếu còn sống sẽ cảm nhận
rõ ràng là con người được sinh
ra để cố mua sắm những món hàng
có phẩm chất cao, hoặc thỏa mãn về
một nền kinh tế tăng trưởng vững
vàng với mức lạm phát thấp và lực
lượng lao động dồi dào. Những vị
Khai Quốc không hề nói đến những vấn
đề này, không phải là tại vì
chúng không quan trọng, nhưng bởi vì Họ
tin tưởng rằng đạt được hạnh
phúc không chỉ đơn thuần như thế,
mà hạnh phúc mang một chiều kích
sâu xa hơn.
Là một giáo sư ngành kinh doanh
và chính sách quốc gia, đã từ
lâu tôi xem mưu cầu hạnh phúc là một
khái niệm quốc gia.
Theo những cuộc khảo sát tin cậy liên quan
đến hàng nghìn người dân ở quốc
gia này thì nếu người dân càng sống
hạnh phúc, thịnh vượng quốc gia cũng
tăng theo, và làm vững mạnh đời sống
cộng đồng. Hạnh phúc làm con người tốt
hơn, và chính những công dân tốt sẽ
là nhân tố quan trọng thúc đẩy
xã hội tiến triển lành mạnh. Hạnh phúc, nói một
cách khác, rất quan trọng trong đời sống
của xã hội Hoa kỳ.
Sau đây là 5 nhân tố ảnh hưởng
đến hạnh phúc. Chúng không những
liên quan mật thiết với nhau mà còn hỗ
trợ nhau, bổ túc cho nhau trong việc mưu cầu
hạnh phúc.
1. Niềm Tin
Khoảng 85% người dân nhìn nhận
có theo một tôn giáo nào đó,
và khoảng 1/3 tham dự một nghi thức tôn
giáo hàng tuần. Con số này thay đổi
một ít trong vài thập niên trở lại.
So với các nước khác thì con số
dân Mỹ theo đạo và giữ đạo
khá cao so với các nước tân tiến
khác trên thế giới. Chẳng hạn như chỉ
có 9% dân Hòa Lan tham dự thánh lễ
hàng tuần; còn ở Pháp con số lại
thấp hơn, 7% và ở Latvia chỉ có 3%.
Nhìn chung, những người Mỹ có niềm
tin (đi dự lễ hàng tuần hoặc nhiều
hơn) có hạnh phúc hơn những người
tuy có đạo nhưng chẳng bao giờ đến
nơi thờ phượng. Năm 2004, cuộc Khảo
Sát Xã hội Tổng Quát (General Social Survey)
cho thấy 43% những người dân từng tham dự
nghi thức thờ phượng nhìn nhận họ sống
hạnh phúc, so sánh với 23% những người
chẳng hề bao giờ tham dự. Con số những
người hữu thần nhìn về tương lai
cảm thấy lạc quan so với những người
vô thần có lạc quan cách biệt 33%.
Còn con số những người vô thần cảm
thấy thất bại trong cuộc sống gấp
đôi con số những người hữu thần
có cùng một cảm nghĩ.
Tôn giáo và hạnh phúc gắn chặt
với nhau như tương quan nhân quả. Niềm
tin vào bất cứ tôn giáo nào đều
đưa đến một hạnh phúc gần giống
nhau. Những cuộc khảo sát khác cũng cho thấy
những người Thiên Chúa giáo (Tin
lành, Công giáo, Mormon, và các giáo
phái khác) và Do thái giáo nhận thấy
họ sống hạnh phúc hơn, rất xa con số
của những kẻ vô thần. Năm 2004, 36% những
người cầu nguyện hằng ngày cảm thấy
hạnh phúc, so với 21% những người chẳng
hề bao giờ cầu nguyện.
Dĩ nhiên, không phải tất cả những
người hữu thần đều hạnh phúc, hoặc
tất cả những người vô thần đều
không thấy hạnh phúc. Nhưng một điều
không thể phủ nhận là niềm tin tôn giáo chính
là một nhân tố quan trọng dẫn đến
hạnh phúc.
2. Công Việc
Nếu trúng số độc đắc,
quý vị có nghỉ việc không ? Nếu
quý vị là người Mỹ thì có thể
điều đó không xảy ra, nghĩa là
trúng số rồi nghỉ việc. Năm 2002, khoảng
1000 người được hỏi rằng, “Nếu
có đủ tiền bảo đảm một cuộc
sống thoải mái cho đến lúc chết, liệu
quý vị có nghỉ việc không ?”
thì chỉ có khoảng 1/3 số người trả
lời sẽ nghỉ việc.
Trái ngược với rất nhiều người
lầm nghĩ, hầu như tất cả những người
Mỹ yêu thích công việc làm của họ.
Năm 2002, con số đó lên đến 89%. Con số
phần trăm này lại không áp dụng
vào trường hợp những người có mức
lương bổng cao, hoặc những người với
việc làm đòi hỏi nhiều kỹ năng
nhưng lại đúng với số nhân công
với lợi tức trung bình. Con số phần
trăm này cũng gần đúng với những
người có hoặc không có bằng đại
học làm trong các công ty tư nhân, trong
các hội từ thiện, hoặc trong các
công sở của chính quyền.
Hầu hết những người Mỹ cho rằng
sự yêu thích việc làm (job satisfaction) quan
trọng ngang ngửa với sự yêu thích cuộc
sống (life satisfation). Trong số những người cảm
thấy yêu thích cuộc sống thì 95% cũng
cảm thấy yêu thích việc làm. Kết quả
những cuộc khảo sát còn cho thấy,
yêu thích việc làm dường như dẫn
đến hạnh phúc trong cuộc sống nhưng lại
không đúng trong trường hợp ngược
lạị
Vấn đề lõi cốt là nếu muốn hạnh phúc,
quý vị cần phải làm việc. Việc gì cũng được
nhưng cần phải làm; có thể là
tình nguyện làm một công việc từ
thiện nào đó ở các hội thiện
nguyện, hoặc giúp nhà thờ, chùa chiền…v..v.
Biết bao nhiêu công việc ở những cơ
quan công cọng như nhà thương, thư viện,
trường đại học đang cần nhiều
người tình nguyện. Quan niệm này cũng
cần nên chia sẻ với con cháu của
quý vị.
3. Hôn Nhân & Gia
Đình
Có những quan niệm sai lạc về hôn
nhân kể từ thập niên 60. Những lời
đồn đãi này làm nhụt chí,
trong đó phải kể đến giới phụ nữ,
nhiều người không dám nghĩ đến việc
lập gia đình. Đừng tin vào những lời
đồn đãi như thế.
Năm 2004, khoảng 42% những người lập
gia đình nói họ tìm thấy hạnh
phúc. Trong khi đó, chỉ có 23% những
người độc thân cảm thấy họ
có hạnh phúc. Con số phần trăm này
càng ít đi đối với những nhóm
khác: 20% những người góa vợ hoặc chồng,
17% những người ly dị, 11% những người
sống ly thân chờ ly dị. Nhìn tổng
quát, số người lập gia đình cảm
thấy hạnh phúc cao gấp 6 lần số người
tuy lập gia đình nhưng lại không cảm
thấy hạnh phúc. Nói chung, phụ nữ lập
gia đình cảm thấy hạnh phúc nhiều
hơn đàn ông lập gia đình.
Hôn nhân không những tương quan
đến hạnh phúc mà chính nó mang
đến hạnh phúc, ít nhất là cho hầu
hết mọi người. Một trong những thống
kê hoàn tất năm 2003 sau hơn một thập
niên khảo sát 24.000 người đưa đến
một nhận xét rằng mức độ hạnh
phúc đã gia tăng đáng kể sau khi lập
gia đình. Chỉ một số nhỏ trong nhóm
24.000 người này cảm thấy mức độ
hạnh phúc giảm dần sau vài năm lập
gia đình, trở lại mức độ trước
khi chung sống nhưng hầu hết đều cảm thấy
hạnh phúc tiếp tục tăng trưởng theo thời
gian chung sống.
Còn con cái thì thế nào ? Nếu
chỉ nói đến sinh con đẻ cái
thôi thì hình như mức độ hạnh
phúc có phần thuyên giảm nhưng những
cuộc khảo sát đều thấy một điểm
tương đồng rằng con cái hầu hết
là một nhân tố gắn liền với hạnh
phúc trường cửu, trong đó bao gồm cả
niềm tin và hôn nhân. Hãy cân nhắc
điều này: trong khi 50% những người lập
gia đình có con cái và đặt niềm
tin vào tôn giáo cảm thấy hạnh
phúc thì chỉ có 17% những người
vô tôn giáo, không lập gia đình,
không con cái cảm thấy có hạnh
phúc trong cuộc sống.
4. Từ Thiện
Ai cũng biết rằng tiền của không dẫn
đến hạnh phúc và cho đến tận
bây giờ điều này vẫn là một
chân lý. Nhưng nếu cho bớt tiền tài
của cải thì lại dẫn đến hạnh
phúc. Hai điều này vẫn là chân
lý tuyệt vời nhất.
Bằng chứng thật rõ ràng là biếu
tặng cho các hội từ thiện mang đến một
niềm vui đáng kể cho những người rộng
lượng. Nếu quý vị muốn một hạnh
phúc đáng giá $50 thì nên dâng
cúng cùng một số tiền cho một hội từ
thiện mà quý vị ưa thích.
Những người dâng cúng tiền của
cảm thấy rất hạnh phúc 43% nhiều hơn
những người không bao giờ dâng tặng.
Những người tình nguyện (làm việc
không lương) cảm thấy rất hạnh
phúc 42% nhiều hơn những người không
bao giờ dấn thân trong các công tác
tình nguyện. Cho đi mới quan trọng, cho ai
đôi khi lại không quan trọng lắm; nghĩa
là quý vị dâng tặng của cải cho
nhà thờ, chùa chiền, hội từ thiện,
hoặc bất cứ cơ quan thiện nguyện nào
đều mang đến một niềm hạnh phúc
như nhau và cảm nhận hạnh phúc hơn hẳn
những người không bao giờ dâng tặng.
Ngay cả đến việc hiến máu, và đặc
biệt tặng những di sản cá nhân, luôn
dẫn đến một đời sống lạc quan
hơn.
Thực tế thật rõ ràng, càng cho đi
càng hạnh phúc.
5. Tự Do
Những vị Khai Quốc đã khẳng định
quyền tự do với quyền theo đuổi và
mưu cầu hạnh phúc cho chính mỗi công
dân. Đây là những quyền căn bản
của con người trong một quốc gia độc lập.
Nói cho cùng, tự do và hạnh phúc
tương quan mật thiết với nhau: những người
cảm thấy có tự do trong cuộc sống
luôn thấy hạnh phúc hơn những người
không có tự do. Năm 2000, cuộc Khảo
Sát Xã Hội Tổng Quát cho thấy số
người có “hoàn toàn tự do” hoặc
“rất tự do” cảm thấy đời sống
hạnh phúc có tỉ lệ gấp đôi số
người không có tự do cảm nhận
được hạnh phúc.
Tuy vậy, không phải tất cả các loại
tự do đều mang đến hạnh phúc. Tự
do về kinh tế quả mang đến hạnh phúc,
kể cả tự do về chính trị và
tôn giáo. Nhưng tự do về luân lý, một
loại tự do phóng khoáng thiếu tự chế,
thì hoàn toàn không mang lại hạnh
phúc. Những người cảm thấy họ
có rất nhiều sự chọn lựa (quá tự
do) về luân lý trước những vấn đề,
chẳng hạn như, tình dục và ma túy
thường không cảm thấy hạnh phúc
hơn những người cảm thấy họ không
có quá nhiều sự chọn lựa trước
cùng một vấn đề.
Cử tri Mỹ hiểu điều này rất
rõ ràng. Những người đi bầu cử
chọn Tổng thống năm 2004 khi được hỏi
xã hội đang đối diện với vấn
đề nào nghiêm trọng nhất thì hầu
hết mọi người đều cho là vấn
đề luân lý. Vấn đề này vượt
hẳn lên trên những vấn đề khác
như kinh tế, khủng bố, chiến tranh Iraq, y tế
là những khúc mắc làm họ nhức
đầu từ bấy lâu nay.ỵ Những nhà
chính trị lại mong dân Mỹ gạt bỏ vấn
đề luân lý sang một bên và nghĩ
đến vấn đề khác để họ dễ
kiếm phiếu. Những nhà phê bình cho
đó là một bằng chứng hiển
nhiên rằng không dễ gì nắm được
cử tri Mỹ. Thật thế, những giá trị
luân lý đang dằn vặt tâm trí những
người dân. Điều này nói lên rằng:
là một người dân trong xã hội
này, chúng ta làm tất cả những gì
có thể làm để gìn giữ một nền
tự do kinh tế và chính trị đồng thời
đề phòng những loại “văn
hóa” cổ võ một nếp sống
phóng túng và thác loạn.
BÀI HỌC CHO DÂN MỸ
CHÚNG TA
Những số liệu này cho thấy hạnh
phúc không phải ở chỗ sở hữu thật
nhiều cho mình nhưng chính là bảo toàn những giá trị
lành mạnh. Không
có những giá trị căn bản này, việc
làm và nền kinh tế của chúng ta chỉ
mang lại một sự vô cảm và sự
giàu có vô nghĩa. Sẽ chẳng có
lý do nào để chúng ta chiến đấu
bảo vệ cuộc sống này cả. Hệ thống
y tế tân tiến ở đất nước
này sẽ giúp chúng ta sống thọ hơn
nhưng sống lâu làm gì khi cuộc sống
không tìm thấy hạnh phúc.
Kết quả của công trình khảo
sát này cũng giúp chúng ta tìm thấy
chìa khóa hạnh phúc ở đời
này. Đó là những giá trị căn
bản giúp con người đạt được
hạnh phúc. Nên nhắc lại những giá
trị này một lần nữa mà không cảm
thấy thừa; đó là niềm tin, việc làm, gia
đình, từ thiện, và tự do. Những giá trị mà
chúng ta nên gìn giữ và bảo vệ
để bảo toàn hạnh phúc. Kết quả
của công trình khảo sát đồng thời
gửi đi một thông điệp đến những
nhà lập pháp, những nhà lãnh đạo
tinh thần cũng như xã hội về tầm mức
quan trọng của sự mưu cầu hạnh phúc
cho quần chúng. Chúng ta phải tỉnh thức
để lên tiếng khuyến cáo họ về sự
thật của niềm hạnh phúc trong tâm hồn
của từng người cũng như trong mỗi gia
đình chúng ta. Mỗi khi họ ra những đạo
luật làm giảm thiểu giá trị của niềm
tin, việc làm, gia đình, từ thiện,
và tự do thì chúng ta phải vô hiệu
hóa những đạo luật đó bằng những
quyền công dân mà hiến pháp Hoa-kỳ
cho phép. Ứng cử viên trong bất cứ mọi
địa hạt hoặc lãnh vực nào đều
phải trả lời cho chúng ta rõ quan niệm của
họ về hạnh phúc như thế nào,
và làm thế nào để mưu cầu hạnh
phúc cho người dân. Câu trả lời của
họ chắc chắn phải liên quan đến 5
nhân tố quan trọng trên. Câu trả lời
này đồng thời sẽ quyết định
lá phiếu của chúng ta.
Hạnh phúc rất quan trọng trong đời
sống của mỗi chúng ta. Và không một
ai có quyền xem nhẹ những nhân tố tinh thần
dẫn đến niềm hạnh phúc mà Thượng
đế đã ban tặng cho nhân loại.
Sơn Nghị
(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)