SU'U TÂ`M 8

Home | VA(N | VA(N [tt] | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N VUI | VA(N VUI [tt] | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | VA(N VUI 5 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BA`I VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | BÀI VIÊ'T 7 | TIN ... Su'u Tâ`m ! | CHUYÊ.N LA. KHÓ TIN

TA.P GHI 5

Con đường Bác đi là con đường

 

Con đường Bác đi là con đường... bi đát !

(Nguyễn Thanh Ty)

 

 

Đã từ lâu, ai ai cũng đều thấy rõ con đường Bác đi quả là con đường rất ư là... bi đát.

Đó là một sự thật.

 

“Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng sự thật ấy không có gì đảo ngược được”. (Câu này hình như nghe quen quen)

 

Thời gian hơn 70 năm “kinh qua” đã chứng minh đảng ta, cái đảng thổ tả mà Bác có “công ơn trời biển” cõng từ cái nước La Sát về, đã làm cho nhân dân Việt Nam phải chịu đọa đày, máu chảy đầu rơi, khốn khổ cho đến ngày hôm nay.

 

Hơn ba triệu thanh niên miền Bắc đã phải bỏ thây, xương phơi trắng cả dãy Trường Sơn, để làm đá lót đường cho “con đường bác đi” này.

Và Bác với các giáo đồ của bác không ngớt khoe khoang thành tích vĩ đại “đánh đuổi thực dân để dành độc lập” cho nước nhà trên đống xương vô định này.

 

Đồng thời gian này, nhiều nước trên bán đảo Đông Dương cũng có hoàn cảnh tương tự, trong khi Bác hô hào bạo lực, đánh, giết, giết nữa... quyết hy sinh đến người Việt cuối cùng để dành... độc lập thì các nước lân cận như Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương, Ấn Độ v.v... đã dành lại được độc lập tự do cho mình từ tay các thế lực đế quốc, thực dân một cách khoẻ re như bò kéo xe, không tốn một giọt máu nào mà không cần tới (bác) và cái chủ thuyết thổ tả như của bác “hồ hởi phấn khởi” mang về áp đặt lên đầu dân của mình.

 

Thử điểm lại một vài “thành tích vẻ vang” sau khi Bác đã dùng máu xương nhân dân hai miền Nam Bắc để đánh đổi để dành độc lập, xem thử người dân có được sống một cuộc đời như bác đã rêu rao không ?

 

Năm 1954 ở miền Bắc:

- Vụ “Cải cách ruộng đất trời long đất lở” đã giết hại gần nửa triệu nông dân. Tiêu diệt giai cấp “trí, phú, địa, hào - đào tận gốc, trốc tận rễ” đã làm kiệt quệ miền Bắc. Cả miền Bắc lâm vào cảnh đói nghèo khủng khiếp.

- Triệt hạ giới trí thức, trong chiến dịch đấu tố nhóm “Nhân văn-Giai phẩm”, bỏ tù hàng loạt văn nghệ sĩ. Bịt miệng những tiếng nói phản kháng, trung thực. Nền văn học miền Bắc từ đó đến nay bị thui chột, không có lấy được một tác phẩm nào giá trị. Đa số văn nghệ sĩ trở thành văn nô viết theo ngón tay chỉ của đảng.

- Thanh trừng nội bộ khốc liệt qua vụ án Xét lại.

- Đánh tư sản mại bản, thi hành chính sách cào bằng, toàn dân được nghèo mạt như nhau. Thực thi nền kinh tế chỉ huy, tem phiếu, bao cấp. Nền kinh tế liền bị kiệt quệ sa vào hố thẵm đến nỗi cả nước không có gạo, phải ăn hột bo bo, một thứ thực phẩm dành nuôi ngựa, nhập về từ nước La Sát.

- Xã hội miền Bắc bị bao trùm bầu không khí khủng bố. Ai ai cũng đều sợ đảng. Cái chữ “sợ” như lưỡi gươm treo trên đầu mọi người, không biết chém. xuống lúc nào.

- Miền Bắc biến thành một công xã khổng lồ. Nhân dân đều trở thành người máy. Ăn mặc như nhau, nói năng như nhau, đi đứng như nhau… Nhất nhất đều theo nghị quyết mà làm. Không suy nghĩ, không ý kiến…

 

Sau năm 1975 tại miền Nam:

- Thực hiện chính sách “đốt sách chôn học trò” như thời thượng cổ để tiêu diệt văn hóa miền Nam, thay vào đó cái gọi là “văn hóa xã hội chủ nghĩa” ấm ớ hội tề.

- Đuổi dân thành phố lên vùng “kinh tế mới” để cướp đất, cướp nhà.

- Bỏ tù toàn thể quân, cán, chính miền Nam hơn nửa triệu người.

- Đánh tư sản, cải tạo công thương nghiệp.

- Thi hành chính sách “ngăn sông cấm chợ”, biến một miền Nam đang trù phú nhanh chóng trở thành nghèo đói y như miền Bắc.

- Thực thi chính sách đồng hóa miền Nam rập khuôn miền Bắc. Nhưng thất bại vì bị tinh thần tự do của người miền Nam phản kháng ngầm nhưng quyết liệt.

 

Mười năm sau khi chiếm miền Nam, 1985, chủ nghĩa Cộng sản bị phá sản:

- Đảng phải muối mặt “đổi mới” tức là bắt chước đường lối của miền Nam hai mươi năm trước, để sống còn và cứu đảng.

- Ngụy danh đánh Mỹ trong 20 năm, xương chất thành núi, máu chảy thành sông đã trôi sông, trôi biển, để rồi trãi thảm đỏ rước “đế quốc Mỹ” trở lại Việt Nam.

- Suốt 50 năm áp đặt nền kinh tế Cộng Sản lên đầu nhân dân làm cho dân đói khổ triền miên rồi cuối cùng phải bỏ, để chạy theo kinh tế thị trường của bọn tư bản. Thế là đi toi cái chủ nghĩa mọi rợ Mác Lê Nin.

- Tranh đấu hung hăng con bọ xít (nói là) để đánh đuổi bọn thực dân bóc lột, bây giờ lại kêu gào tư bản ngoại quốc vào đầu tư để chúng thay thực dân cũ, tiếp tục bóc lột dân lao động với sự tiếp tay đắc lực của đảng.

- Chủ nghĩa Cộng sản là tranh đấu cho dân nghèo. Thực tế chưa có nước tư bản nào lại đem bán dân mình cho nước khác làm nô lệ như cái nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa VN. Thanh niên thì làm lao nô. Thanh nữ, trẻ em thì làm điếm.

 

Trên đây chỉ là vài ví dụ điển hình cho thấy đảng ta đã làm toàn những chuyện vô bổ, hại nước, hại dân.

Đó là con đường mà bác đã “bôn ba hải ngoại tìm kiếm mang về” để dẫn dắt nhân dân Việt Nam đi lên thiên đường. Cái thiên đường mà bà Dương Thu Hương đã chỉ ngay mặt gọi nó là “Thiên đường mù”.

 

Đến đây, ắt hẳn có nhiều người từng “ơn Bác, ơn Đảng” đã từng “đầu đội chủ trương, vai mang chính sách” của Cụ Hồ, sẽ hô toáng lên rằng:

- Rõ là luận điệu của bọn Ngụy phản quốc, phản động, bọn thua trận, ở hải ngoại luôn tìm cách sổ toẹt công lao của Bác Hồ và đảng ta ! Chúng nó cứ nỏ mồm bôi bác. (bôi tro trát trấu lên mặt bác).

- Ừ ! Thôi thì, cứ cho là “bọn phản động” (nay được đảng ta đổi là “khúc ruột ngàn dặm”) nói không có “linh”, không có “ép phê”, không có “si nhê” ! Hãy cứ để cho các quan cách mạng lão thành, một đời theo bác, theo đảng, nói lên tâm tư, suy nghĩ của người ăn củ mì và bo bo Cộng sản mòn răng, để chúng ta biết “con đường bác chọn để đi” nó huy hoàng xán lạn hay bi đát ra làm sao ?

 

Có thế mới rõ ràng trắng đen.

 

Thử đơn cử vài ba nhân vật điển hình:

 

1/ Nhà văn Quân Đội Phạm Đình Trọng

Nhà văn được đảng ta cử đi dự Đại Hội Thơ Thế Giới (World Poetry Festival) năm 2008 do Ấn Độ tổ chức kéo dài 3 ngày ở thành phố Kolkata vừa kết thúc đúng ngày lễ Độc lập lần thứ 59 của Ấn, ngày 26/01/2008.

 

Nhà văn có thì giờ thả bộ, hòa mình cùng dòng người đi bộ đông đúc trên hè phố để ngắm nhìn sinh hoạt của thành phố 13 triệu dân này.

“Đến Ấn Độ, nhìn lại con đường đi đến Độc Lập của Ấn Độ và của Việt Nam, tôi hiểu nguyên do nỗi thiệt thòi của dân mình nên chỉ còn biết ngửa mặt lên trời mà than cho định mệnh trớ trêu của lịch sử nước mình”

 

Nhà văn chua xót kết thúc bài viết “Nghĩ suy từ Ấn Độ” đăng trong báo Tổ Quốc, số 37, 15/3/2008. Xin trích vài đoạn tiêu biểu sự suy nghĩ như sau:

 

Về tín ngưỡng:

“Ấn Độ là đất nước của thần linh. Việt Nam cũng là đất nước của thần linh. Hơn ngàn năm bị phương Bắc cướp nước, hơn trăm năm bị thực dân phương tây xâm lược mà những đền, chùa, đình, miếu cổ kính vẫn yên ả dưới tán đa, tán trúc. Nhưng chỉ vài chục năm cách mạng vô sản, nhiều đình chùa có tự ngàn năm đã bị san phẳng, thần linh bị báng bổ. Đức tin và bản tánh thiện trong con người bị mất đi, thay vào đó là sự đố kị, tranh giành, đấu đá nhau. Người hiền có tâm và có tài đành lui về trong dân dã. Kẻ bất tài tham lam thắng thế. Những thần linh giả được đôn lên. Thần tài được tôn thờ. Ở cơ quan nhà nước thay vì thờ thần dân, nguyện làm công bộc cho dân, người ta chỉ biết có thần tài. Lập bàn thờ thần tài ở cơ quan rồi lại dùng thời gian của dân, tiền bạc của dân, xe công của dân đi chùa xa, chùa gần cầu tài lộc cho riêng mình”

 

Về kinh tế:

“Công chức nhà nước hết giờ làm việc hẹn nhau ở nhà hàng, quán nhậu. Buổi trưa, buổi chiều bàn nhậu tràn ra kín vỉa hè. Những tiếng gào “Dzô” đầy hứng khởi vang rền từ phố phường đến làng mạc. Dzô ! Tiếng gào thèm khát ấy làm méo mó cả nền kinh tế. Đất nước chỉ có hơn tám mươi triệu dân còn ở mức sống nghèo khổ, thu nhập vào loại thấp nhất trên thế giới mà có cả gần chục nhà máy bia trải đều từ bắc vào nam ! Thác bia xối xả đổ vào cuộc sống làm sạt lở cả nền văn hiến do dòng chảy văn minh sông Hồng hàng ngàn năm bồi đắp lên. Nền kinh tế trông nhờ vào những ly bia sủi bọt là nền kinh tế ăn xổi ở thì, nền kinh tế bóc lột hiện tại và lạm thu vào tương lai vì tương lai sẽ phải trả giá cho nguồn thu từ những ly bia hôm nay.”

 

Phương cách giành độc lập:

“Ấn Độ là một nước gần gũi với chúng ta, Gần gũi về địa lý. Gần gũi về văn hóa. Gần gũi về tâm hồn, Gần gũi về lối sống. Gần gũi cả về trình độ phát triển xã hội.

 

Ấn Độ và Việt Nam có chung cùng hoàn cảnh lịch sử, cùng là nước nông nghiệp lạc hậu bị tư bản công nghiệp phương tây xâm chiếm, bị tước đoạt độc lập, cướp bóc tài nguyên, bóc lột sức người. Nhưng để giành lại phẩm giá dân tộc, mỗi nước chọn một con đường khác nhau, phải trả giá khác nhau và hệ lụy còn đến hôm nay cũng khác nhau. Đến Ấn Độ tôi cứ suy nghĩ về cái khác nhau ấy. Lịch sử để lại cho Ấn Độ sự phân biệt đẳng cấp rất sâu sắc. Nhưng Mahatma Ganhdhi, dù ở tầng lớp trên, nhưng với chủ trương không bạo động, ông đã vận động các tầng lớp xã hội, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, giai cấp và tôn giáo phải hòa tan trong dân tộc. Sức mạnh đoàn kết của dân tộc Ấn đối thoại với thực dân Anh, đấu tranh chính trị, đấu tranh nghị trường với thực dân Anh đòi lại độc lập. Với chủ trương chia để trị, thực dân Anh đã chia Ấn Độ thành hai quốc gia với hai tôn giáo khác nhau: Ấn giáo và Hồi giáo. Để hai phe chém giết lẫn nhaụ Nhưng Mahatma Gandhi đã bền bỉ thức tỉnh ý thức dân tộc phải cao hơn giai cấp và tôn giáo. Hơn một năm sau Ấn Độ đã thực sự độc lập, thống nhất và bình yên cho đến hôm nay.

 

Con đường cứu nước của bác Hồ là con đường bi đát đầy xương và máu:

“Cùng thời với Gandhi, chúng ta có Phan Chu Trinh. Cùng tư tưởng, cùng cách lựa chọn như Gandhi, Phan Chu Trinh cũng chủ trương không dùng bạo lực, không đẩy người dân tay không ra đối đầu với súng đạn thực dân mà trước hết phải nâng cao dân trí cho họ. Dân trí cao, người dân sẽ ý thức được quyền con người, quyền dân tộc mà bền bỉ đấu tranh chính trị, đấu tranh nghị trường giành độc lập.

 

Định mệnh trớ trêu đưa đẩy, chúng ta (chính ông Hồ chứ không phải chúng ta ! NV) đã chọn con đường cách mạng vô sản ! Sự chọn lựa ấy đã xác định luôn cả bạn đường cho dân tộc ta là giai cấp vô sản thế giới ! “Vô sản tất cả các nước liên hiệp lại”. Tiêu chí giai cấp được đưa lên trên hết. Dân tộc không còn được tính đến. Dân tộc phải hòa tan trong giai cấp. Từ một khái niệm còn mơ hồ, giai cấp bỗng hiện hình sừng sững trùm lên xã hội, đè xuống từng số phận con người ! Từ đây con người Việt Nam vốn bao dung, nhường nhịn, “chín bỏ làm mười”... dân tộc Việt Nam bỗng biến thành con người khác, dân tộc khác.

 

Con người ấy, dân tộc ấy bỗng đằng đằng sát khí ôm súng lao vào hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác, lâu dài và thảm khốc ! Con người ấy, dân tộc ấy bỗng lạnh lùng, cay nghiệt tay cầm nghị quyết mê mải đi từ cuộc đấu tranh giai cấp này đến cuộc đấu tranh giai cấp khác.

 

Mất mát của chiến tranh trải rộng trên đất nước, đè nặng xuống số phận dân tộc. Bước vào cuộc chiến tranh từ Nam Bộ kháng chiến, ngày 23 tháng chín năm 1945, đến khi quân đội Việt Nam rút ra khỏi Campuchia,1989, chúng ta mới thực sự bước ra khỏi chiến tranh. Hơn bốn mươi năm trời liên tiếp mấy cuộc binh đao khốc liệt. Và khốc liệt nhất, mất mát lớn nhất, đau thương lớn nhất, phân rã, ly tán dân tộc lớn nhất là cuộc tương tàn Nam Bắc hơn mười năm trời ! Bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ ngày nào, nay tan tác muôn nơi, hàng triệu người trôi dạt tận góc biển chân trời nơi đất khách quê người.

 

Nhìn lại con đường đòi độc lập của Ấn Độ do Gandhi lãnh đạo tôi cứ tiếc nuối, cứ ngẩn ngơ nhớ đến cụ Phan Chu Trinh.

 

... Chúng ta suốt hơn nửa thế kỷ giành và giữ chính quyền bằng bạo lực cách mạng, chúng ta đã coi chính quyền tồn tại bằng bạo lực quá lâu trở thành nghiện, khi ấy bạo lực trở thành ma túy của chính quyền. Quá nghiền, quá ỷ vào bạo lực, làm sao có thể nói đến dân chủ ! Đó là một hệ lụy do con đường chúng ta (Ông Hồ) chọn để lại cho chúng ta ! Đó là cái giá chúng ta phải trả cho con đường cách mạng vô sản chúng ta đã chọn !

 

Ông Hà Minh, một độc giả cũng đã đọc bài “Suy nghĩ từ Ấn Độ của Phan đình Trọng”, có nhận xét trên web Talawas:

 

“ Bài “Suy nghĩ từ Ấn Độ...” rất hay và tâm huyết, nhưng hình như những “suy nghĩ” và “tâm huyết” như thế bây giờ không được sự “quan tâm đúng mức” của dư luận thì phải. Lý do rất đơn giản: người có đầu óc suy luận mãi đầu tư những “suy nghĩ” của mình cho tư lợi, những “nghĩ suy” ấy thứ nhất không mang lại “của cải vật chất” cho bản thân, và thứ hai, chúng mãi mãi vẫn chỉ là "nghĩ suy, chứ chẳng bao giờ biến thành hiện thực". Còn tầng lớp dưới, đầu óc và kiến thức hạn hẹp, chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi, thì giờ đâu mà “suy” với chả “nghĩ”. Hãy nhìn bác xe ôm, ghếch chân ngồi chờ khách, thử hỏi bác “nghĩ suy” cái gì ? Nếu không phải là “nghĩ suy” theo kiểu Bùi Giáng:

 

“... sáng nay bao tử mơ mòng

cà phê bên nọ, cháo lòng bên kia”

 

Chỉ có tầng lớp trí thức “không gặp thời” may ra còn bớt chút thời gian để “nghĩ suy” về ý đồ canh tân đất nước, chấn hưng dân khí như cụ Phan Chu Trinh đã đề xướng. Nhưng tầng lớp này là “thiểu số”, và ngày càng teo tóp, thậm chí bị tầng lớp “trí thức” gặp thời coi là lập dị, dở hơi.

 

Những giây phút lắng đọng như tác giả Phạm đình Trọng khi đi ra nước ngoài không phải là hiếm. Biết bao tác giả khác đã và sẽ gửi gắm “nghĩ suy” của mình như “nghĩ suy từ Thái Lan - đất nước của nụ cười”, “nghĩ suy từ Singapore - đảo quốc sư tử”...từ Hàn Quốc, từ Nhật Bản, từ Iraq, từ Dafur... kể sao cho xiết. Nhưng rốt cuộc lại, ta đã chọn tương lai cho chính ta: “Nghĩ suy từ Việt Nam - Cái nước mình nó thế !”

 

2/ Giáo Sư Tương Lai

GS Tương Lai hiện đang sinh sống tại Sài Gòn, cựu Viện Trưởng Viện Xã hội học thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, đã có bài phát biểu tại Hội nghị Ủy ban trung ương MTTQVN ngày 23/3/2008.

 

Bài phát biểu của GS Tương Lai có mấy thắc mắc, băn khoăn “nổi cộm” xin được lược trích sau đây:

“Diễn đàn của Mặt trận là một diễn đàn rộng rãi nhất, cởi mở nhất của nước ta hiện nay. Tại đây làm sao qui tụ được trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, thiết tha với vận mệnh dân tộc, không phân biệt quá khứ, tôn giáo tín ngưỡng, ý thức hệ, là đòi hỏi của đất nước trong giai đoạn lịch sử mớị Những ý kiến đó có thể trái tai với những cá nhân nào đó, cho dù đang ở cương vị nào, nhưng miễn là ý kiến ấy xuất phát từ một động cơ trong sáng vì nước, vì dân thì rất cần được khuyến khích phát biểu.

 

“Chúng ta” đây là ai ? Là Đảng, là Mặt trận. Đặc biệt là Mặt trận. Chính vì thế, tôi rất băn khoăn, thắc mắc và hôm nay, trên diễn đàn rộng lớn và hợp pháp này, muốn nói to lên thắc mắc, băn khoăn đó để mong được giải đáp.

 

…tôi hết sức lạ là Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam chúng ta không có bất cứ một tiếng nói, một động thái nào trong vấn đề Trường Sa và Hoàng Sa. Mặt trận tuyệt đối im lặng. Thật là lạ. Một chuyện xảy ra tận Cuba bên kia bán cầu, Mặt trận đã có ngay lời tuyên bố đanh thép. Thế mà, Hoàng Sa, Trường Sa, máu thịt của tổ quốc bị người ta mưu toan lấn chiếm, biến thành quận, huyện của họ, thì Mặt trận lại im thin thít. Vì sao ?

 

Trong một bài báo viết nhân dịp này, tôi dẫn ra chỉ dụ của vua Lê Thánh Tôn nhắn nhủ “bọn thái bảo Kiến Dương Bá, Lê Cảnh Huy” … thế mà bị tòa soạn cắt mất. Tôi hỏi, toà soạn trả lời là có sự chỉ đạo buộc họ phải làm vậy, mặc dầu họ không muốn.

 

Ai mà chỉ đạo lạ vậy ? Họ có còn là con cháu của Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung… nữa không ? Sao lại ngăn chặn tinh thần yêu nước của nhân dân, của thanh niên, sinh viên ? Liệu Mặt trận có tham gia vào việc chỉ đạo này không ?

 

3/ Tô Hải, một nhạc sĩ miền Bắc

 

(http:// blog.360.com/blog-00JtmTcldKPt5ZeWinmN12p?p=1123)

 

Đi thực tế miền Nam mới “giải phóng”

Bài viết: Đi thăm… Giàu hỏi… Sướng !

 

“…để giải đáp một số câu hỏi mà người đọc chưa rõ, về sự đánh giá chưa chính xác (của tớ) về sự khác biệt giữa hai miền trong lãnh vực âm nhạc, về cái “gu” thẩm mỹ “không thể thống nhất”…v.v…

 

Có một điều cơ bản nhất của chủ trương “đi thực tế sáng tác” mà các nhà lãnh đạo văn nghệ vô sản không tính đến: Đó là những phản tác dụng mà (bọn tớ) còn gọi là “phản ứng ngược” mà rất nhiều những Thục tế Thật (vérité vraie) đã vả vào mặt anh em văn nghệ những cái tát tỉnh người ! Đó là những thực tế không giống hoặc hoàn toàn trái ngược với thực tế mà các vị ngồi một chỗ tượng tượng ra qua các báo cáo…láo !

 

Buồn thay, chỉ vì… "sợ" (chữ của cụ Nguyễn Tuân) nên những thực tế thật đó đều phải chờ cả gần nửa thế kỷ mới được phản ánh thật (tuy chưa đến lúc thật 100%) lên giấy trắng mực đen.

 

…Chính cái thực tế gớm ghiếc của cải cách ruộng đất và của cuộc chiến ghê rợn trên đường Trường Sơn đã làm tớ không sao tiếp tục viết láo, viết để “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” được nữa mà chỉ viết những gì rung động trái tim của mình.

 

…văn nghệ sĩ miền Bắc chúng tớ, so với anh em ở miền Nam thì … thua đứt đi cái Tự Do Sáng Tác ! Họ không phải viết theo yêu cầu của một cơ quan, đảng phái hay một tổ chức nhà nước nào, không ăn lương của ai để làm văn nghệ. Cái thứ quí nhất trên đời đối với người nghệ sĩ là Tự Do, tớ sẽ kể dần dần trong những lần bọn tớ tiếp xúc với anh em “tại chỗ” ! Vì thế một loạt entries sau này có cái tên chung là “Thăm giầu hỏi… sướng” !!

 

…Và đi đâu tớ đều thấy cái THỰC TẾ RÀNH RÀNH là miền Nam sướng gấp trăm lần miền Bắc, dù tiếng súng chỉ mới im lặng sau miền Bắc có hơn 2 năm. Hàng hóa thực phẩm từ nông thôn đến thành thi, đâu đâu cũng thừa mứa, rẻ rề. Trong khi ở miền Bắc, miếng đậu phụ, lạng thịt cũng phải có phiếu thì ở miền Nam, bác ngư dân, Hai Tường, ở Cà Mau có thể ngồi tại nhà quờ tay xuống nước vớt lên cả cần xé cá, tôm đang còn giãy đành đạch, chiêu đãi đoàn nhạc sĩ cánh tớ nhậu suốt một ngày ! Cái thực tế đó đã “tuyên truyền” về cái sướng vật chất (và có lẽ cả tinh thần ?) hơn hẳn của miền Nam bị “kìm kẹp”, cho chúng tớ quá đơn giản nhưng cực kỳ… thuyết phục ! Tớ không đến nỗi bất ngờ mà phải “ngồi xuống vệ đường mà khóc vì thấy mình bị lừa” như Dương Thu Hương. Trái lại tớ lo, lo cho tương lai của bác ngư dân này khi “bị” vào hợp tác xã, phải bán sản phẩm cho Mậu dịch, phải cấm cả miệng mình ăn một con tôm do chính tay mình câu lên…

 

Thực tế ở miền Nam nó phản tỉnh vào tâm hồn con người văn nghệ sĩ bằng nhiều cách nhưng nói chung là mọi nhân sinh quan, mọi lập trường, quan điểm nó đảo lộn tất cả trong mọi cái đầu và trái tim của những người đã từng làm văn nghệ minh họa. Dẫn chứng gần nhất là lời tuyên bố của nhà văn nổi tiếng là khôn, Nguyễn Khải, trên giường bệnh lúc sắp giã từ cuộc đời được đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 11/1/2008 là: “Miền Bắc cho tôi Độc Lập, miền Nam cho tôi Dân Chủ và Tự Do” thì đủ biết THỰC TẾ MIỀN NAM đã giải phóng cái đầu và trái tim tụi tớ nhứ thế nào !... Và chẳng phải một mình giới văn nghệ, giới chính trị cũng phải nhận thức ra “không thay đổi cách nhìn, cách lãnh đạo là…nguy to ! Và “Đổi Mới” đã ra đời… Cả hai miền đã được… "cởi trói" tiến vào kinh tế thị trường nhưng… đang còn vướng cái đuôi… XHCN ?????

 

Trong một bài viết khác “Tớ đi thăm những người… không chiến bại”, Tô Hải thổ lộ tâm sự thầm kín:

 

“Mới đầu, tớ chỉ coi những người không trực tiếp cầm súng ở miền Nam chống lại quân đội miền Bắc là những người không… chiến bại vì theo tớ, họ có vào sân đá banh đâu mà bảo là họ thua…?

 

Cho nên, giao tiếp với những gia đình, bạn bè không có con phải đi “học tập” nó làm tớ thoải mái hơn cả. Đỡ phải trả lời những câu hỏi mà chính các bố “tuyên bố một đằng làm một nẻo” cũng chẳng đủ sức trả lời.

 

Tớ không thể hiểu nổi các nhà làm ra những câu như “thế ta là thế đứng trên đầu thù”, những người chủ trương vừa tiếp quản thành phố đã bắt toàn dân “treo ảnh lãnh tụ, treo cờ Tổ Quốc”, đã đêm đêm bắt các em nhỏ phải đi tập trung học “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ !” có một chút suy nghĩ gì về tình cảm con người không chứ chưa nói đến tâm lý học. Làm sao mà người ta có thể bị áp đặt phải yêu những thứ mà người ta không những không thích mà còn sợ hãi, thù oán nữa ? Làm sao mấy em nhỏ có bố đi “cải tạo” chưa có ngày về lại có thể mơ thấy gì ngoài bố chúng nó chứ ? Tớ phải cố quên đi những lời hợm hĩnh kiêu binh (sufisance) trên Đài, trên báo, trên những khẩu hiệu giăng đỏ đường để có đủ can đảm bước vào những gia đình mà tớ biết trước sẽ phải đối diện với trăm ngàn thắc mắc đủ loại…Tớ không đến nỗi vào loại nói dối ngu ngốc là: “miền Bắc có cả trăm máy lạnh mắc ở công viên Lê Nin !” Tớ cũng không đủ can đảm để nói miền Bắc sống sung sướng vì không bị... “kìm kẹp” dù không có tủ lạnh, ti vi, xe máy…, dù miếng ăn nào cũng phải có phiếu có tem ! Tớ muốn chửi cha cái thằng dám viết báo nói rằng “phong cách trẻ em khoanh tay, cúi đầu khi chào người lớn ở miền Nam là… rơi rớt từ chế độ phong kiến !”

 

Nhạc sĩ Tô Hải viết nhiều lắm không thể nào trích hết, nhưng tựu chung vẫn là ý nói lên sự thật bi đát của con đường Bác đã chọn đi và lôi theo cả mấy chục triệu dân miền Bắc vào số phận thê thảm. Khi theo chân đoàn quân “giải phóng” vào miền Nam mọi người mới ngã ngửa, nhận ra rằng tất cả đều Bác bị lừa dối. Một sự lừa dối trắng trợn.

 

Sự phồn thịnh, tự do, độc lập ở miền Nam đã thực sự mở mắt cho rất nhiều trí thức miền Bắc, nhất là giới văn nghệ sĩ xưa nay bị đảng “trói”.

 

Tác giả Tô Hải phải thú nhận rằng:

“Tóm lại, sau khi hai miền thành một, theo tớ, riêng về văn nghệ tớ thấy không hề thống nhất. Đặc biệt về âm nhạc thì “ai thắng ai” đã rõ như ban ngày !

 

Nhìn lại chặng đường dài ngút ngàn gần 70 năm, Bác và đảng Cộng sản Việt Nam đã huênh hoang đòi “dắt năm châu đến đại đồng”, người ta chỉ thấy một nước Việt Nam thụt lùi, lạc hậu và nghèo đói nhất so với các nước láng giềng.

 

Ngày nay, Nhà nước Cộng Sản Việt Nam đành phải muối mặt thay phiên nhau, đi đến những nơi, đến những con người, mà ngày xưa đã từng hung hăng con bọ xít cầm mã tấu, lựu đạn chày quyết “phanh thây uống máu” để nói lời ngon ngọt xin họ quay trở lại đầu tư nghĩa là tiếp tục “bóc lột nhân dân và cướp nước” với sự “bảo kê” ăn chia của đảng.

 

Để kết bài viết “Con đường Bác đi là con đường… bi đát”, không gì bằng, một lần nữa, lại lấy lời than khóc của Nhà văn Quân Đội Phạm Đình Trọng làm dấu chấm than:

 

“Đến Ấn Độ, nhìn lại con đường đi đến độc lập của Ấn Độ và của Việt Nam, tôi hiểu nguyên do nỗi thiệt thòi của dân mình nên chỉ còn biết ngửa mặt lên trời mà than cho định mệnh trớ trêu của lịch sử nước mình.”

 

Bài viết này, như đã nói ở trên, đáng lẽ người viết sẽ nêu ra những sai lầm của con đường cứu nước mà ông Hồ đã chọn đi, để chứng minh “Con đường Bác đi là con đường … bi đát”, nhưng e rằng những giáo đồ của ông Hồ và những kẻ “ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản” sẽ cho rằng người viết cố tình xuyên tạc, vu vạ, nói xấu chống phá chế độ, vân vân và vân vân.

 

Đành phải dùng chiêu thức của nhà Mộ Dung Cô Tô.

 

Hóa ra bài phiếm “nói láo mà chơi, nghe láo chơi” lại trở thành mục: “Đọc báo trong nước dùm các bạn”.

 

 

Nguyễn Thanh Ty

 

(Bai Chuyen)

website counter