SU'U TÂ`M 8

Home | VA(N | VA(N [tt] | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N VUI | VA(N VUI [tt] | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | VA(N VUI 5 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BA`I VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | BÀI VIÊ'T 7 | TIN ... Su'u Tâ`m ! | CHUYÊ.N LA. KHÓ TIN

TA.P GHI 11

2traitim_trenlaxanh.jpg

TIM & ÓC

 

TIM & ÓC

(SƠN NGHỊ)

 

 

Trong tình yêu, khi đam mê làm cho con người trở nên mê muội người ta thường viện một câu nói bất hủ của Blaise Pascal: “Con tim có những lý lẽ riêng của nó mà lý trí không thể nào hiểu biết được.”, (Le coeur a des raisons que la raison ne peut pas savoir). Trí óc bao gồm nhiều trung khu thần kinh, như trung khu nói, trung khu hiểu tiếng nói, trung khu suy luận, trung khu nhớ, và trung khu cảm xúc. Chính những trung khu này đã điều khiển toàn bộ chức năng của mọi bộ phận trong cơ thể trong đó - dĩ nhiên - có trái tim. Nhưng chính trái tim đã có lúc từ chối sự điều khiển của bộ óc, tự biện minh cho tình yêu để yêu và được yêu.

 

Óc nói đến lý, tim nói đến tình. Khi yêu là nói đến chức năng của trái tim. Nhưng theo cơ thể học, chức năng của trái tim chỉ là bơm máu vào các mạch chạy khắp cơ thể để duy trì sự sống, kể cả óc cũng cần tim bơm máu đến để nuôi các tế bào thần kinh. Tim chỉ là một khối thịt nặng khoảng 400 gram với một nhiệm vụ thật cần thiết nhưng rất đơn giản chứ không phức tạp như lúc sa vào chốn yêu. Mỗi lần đập là mỗi lần bơm máu đi. Và tim đập liên tiếp như thế khoảng 2.5 tỷ lần trong quãng đời trung bình 66 năm. Nhịp đập cũng nói lên trạng thái của con tim. Nếu tình cờ ánh mắt gặp nhau mà hai trái tim đập rộn rã trong lồng ngực là lúc thôi thúc tìm đến nhau trong vòng tay. Khi hai trái tim đập cùng nhịp là lúc không thể sống xa nhau. Nếu đập lỗi nhịp thì xin đành hẹn lại kiếp sau. Và thật bất ngờ, tim ngưng đập là lúc nói đến chia ly vĩnh viễn.

 

Một lúc nào đó, những con sóng (lãng) tình cảm vượt bờ (mạn) lý trí là lúc trái tim làm chủ những nghĩ suy, gạt bỏ tất cả mọi lời khuyên bảo hữu lý của óc. Thế gian ca ngợi những mối tình lãng mạn như thế. Khi yêu chỉ biết yêu và bất chấp mọi hậu quả để được yêu. Sử xanh đã ghi lại những mối tình với con tim phủ mờ lý trí, gây mối cảm hoài cho hậu thế qua bao nhiêu thế hệ. Shakespear đã thi vị hóa mối tình của Romeo và Juliette giữa hai gia đình thù nghịch. Họ đã yêu bất chấp những truyền thống xã hội thời bấy giờ để rồi mang cả mối tình xuống tuyền đài. Lịch sử nước Nam cũng để lại hậu thế một chuyện tình đau thương của Trọng Thủy và Mỵ Châu thời An-Dương-Vương. Triệu Đà thuộc nước Nam Hải có ý thôn tính nước Âu Lạc của An-Dương-Vương bèn sai con trai là Trọng Thủy sang kết nghĩa với Mỵ Châu là con gái của An-Dương-Vương. Thần Kim Quy có ban cho An-Dương-Vương một cái nỏ thần dùng để triệt yêu quái khi dựng Loa Thành và giữ nước vì một khi bắn ra là giết chết vạn quân địch. Nhờ cái nỏ thần này mà An-Dương-Vương giữ vững nước Âu Lạc. Tình yêu vợ chồng say đắm nên Mỵ Châu mới nói cho Trọng Thủy biết bí mật của nỏ thần. Chính Trọng Thủy đã đánh tráo bằng cái nỏ thần giả. Vì thế Triệu Đà chiếm trọn nước Âu Lạc dễ dàng. Hai cha con An-Dương-Vương và Mỵ Châu trên đường chạy trốn, nhà vua cầu thần Kim Quy giúp. Thần hiện ra và nói giặc đang ngồi ở sau lưng. An-Dương-Vương hiểu ra vì đứa con gái mà mất nước nên vung gươm chém chết con gái. Trọng Thủy theo dấu lông ngỗng tìm được xác vợ. Chàng buồn rầu và cũng nhảy xuống giếng tự tử. Chuyện tình lãng mạn kết thúc bằng cái chết của hai vợ chồng giữa hai nước thù địch.

 

Nhưng chuyện tình giữa Trương Chi và Mỵ Nương lại có sự phán đoán của trí óc. Nàng công chúa tương tư anh lái đò có tiếng sáo lãng đãng vang trên quãng sông vắng làm mê mệt lòng người. Con tim thôi thúc nàng phải yêu nhưng đến khi gặp nhau óc đã phủ nhận mối tình chỉ vì chàng quá xấu trai. Hóa ra nàng chỉ tương tư tiếng sáo chứ không hề yêu người thổi sáo. Dù không nên vợ chồng nhưng rõ ràng trí óc đã giúp nàng công chúa chấp nhận thực tại. Chẳng thà phụ nhau ngay từ đầu còn hơn dấn sâu vào một cuộc hôn nhân không hạnh phúc.

 

Óc chính là cái phanh để hãm chất lãng mạn trong tình yêu. Nhưng nếu người ta chấp nhận buông thả trái tim để yêu không cần đến lý trí thì thế gian cũng thông cảm, không ai khắt khe lên án một người sẵn sàng chết cho tình yêu. Nhưng nếu con tim cứ hành động theo những lý lẽ riêng của nó mà bất cần đến lời khuyên bảo của trí óc thì sẽ dẫn đến hậu quả thế nào ?

 

Trong lãnh vực gia đình, cha mẹ thương yêu con cái là một lẽ tự nhiên. Nhưng nếu thương yêu chiều chuộng chúng một cách vô lý thì chưa hẳn là một lối giáo dục tốt. Con cái cần phải được răn đe, để chúng nhận biết tốt xấu, sự lành, và sự dữ. Chiều chuộng chúng để muốn gì được nấy chắc chắn không giúp ích gì cho đứa trẻ sau này khi bước vào trường đời. Một đứa trẻ được nuông chiều quá mức ở trong gia đình dễ sinh ra tuyệt vọng khi gặp phải thất bại trong cuộc sống.

 

Trong lãnh vực luật pháp cũng thế, tim và trí óc phải đi đôi với nhau. Cho dù “pháp bất vị thân” nhưng một quan tòa cứ áp dụng cứng nhắc luật lệ thì bản án sẽ đưa đến bất công. Tình và lý cần phải cân nhắc để đi đến một phán quyết. Tục ngữ Việt có câu, “Có ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Tục ngữ Mỹ cũng nói, “Before criticizing a man, walk a mile in his shoes”. Người quan tòa công chính là người phải hiểu rõ hoàn cảnh của từng tội nhân. Luật là phạm vi của trí óc nhưng nếu đặt mình vào tình huống của tội phạm là lúc nói đến lý lẽ của con tim. Phán quyết dựa vào tim và óc sẽ thấy một bàn tay sắt nhưng không thiếu khoan dung.

 

Lãnh vực chính trị cũng thấy tim và óc song hành. Aristide Briand (1862 - 1932), một chính khách từng giữ chức Thủ tướng Pháp trong nhiều nhiệm kỳ đã khẳng định: “Một người ở tuổi hai mươi không theo chủ nghĩa xã hội thì đúng là không có trái tim, nhưng nếu đến tuổi bốn mươi mà vẫn còn mê chủ nghĩa xã hội thì đúng là không có óc.” (L'homme qui n'est pas un socialiste à vingt n'a aucun coeur, mais s'il est toujours un socialiste à quarante il n'a aucune tête.) Một chủ nghĩa mà Marx vẽ vời ở thế kỷ 19, khi tư bản mới phôi thai, được Lênin phát triển một cách có hệ thống vào đầu thế kỷ 20 đã được chứng minh là một chủ nghĩa điên rồ, tàn bạo, và vô luân. Ông Briand nói phải mất 20 năm mới nhận ra sự hão huyền của chủ nghĩa nhưng thật ra chỉ cần sống vài năm ở xã hội què quặt luân lý Việt nam là hiểu rõ cái bản chất bất nhân của một chủ nghĩa đã gây biết bao tang tóc cho nhân loại. Cần gì phải đợi đến tuổi 40, yêu chủ nghĩa ở tuổi 20 nhưng đến 25 tuổi mà vẫn mở miệng bệnh vực cho cái chủ nghĩa vô luân ấy thì quả thật đầu óc đó không có một chút chất xám nào. Họa chăng những cái đầu này chỉ chứa một thứ chất vàng sền sệt mà con người thải ra mỗi ngày. Viễn ảnh của một chủ nghĩa về một thế giới đại đồng, trong đó con người “làm theo khả năng” và “hưởng theo nhu cầu” được lịch sử minh chứng một cách hùng hồn là viển vông, là không tưởng. Giấc mơ đại đồng này đã làm say mê hàng triệu con tim đầy nhiệt huyết của các thanh niên thiếu nữ. Vì mục đích “cao cả” này, họ đã quên đi tính chất bạo lực cách mạng, nền tảng “luân lý” của chủ nghĩa cộng sản, là phải tàn sát cho hết những người không cùng chí hướng, những kẻ đối lập. Kết quả là nhân loại phải hứng chịu cái tai ương nghiệt ngã này trong suốt thế kỷ 20 với cái giá của hơn 100 triệu người chết vì bị trấn áp, bị thủ tiêu và bị tù đày trong các trại cải tạo. Những người cộng sản bây giờ chẳng còn có con tim để yêu một chủ nghĩa “lý tưởng” như ông Briand đã nghĩ. Họ hoàn toàn lệ thuộc vào vật chất, yêu những tờ giấy đôla xanh hơn là yêu giấc mộng ban đầu như đấu tranh giành thắng lợi cho giai cấp vô sản, mơ tưởng một thế giới không còn sự bóc lột, xây dựng một xã hội công bằng. Trái lại, chủ nghĩa chỉ dựng lên để đấu tranh quyền lợi tuyệt đối cho giai cấp tư bản đỏ, để thực hiện một thế giới đầy dẫy bóc lột tàn khốc và dữ dội hơn bao giờ, và để dựng lên một xã hội với những thảm cảnh luân lý suy đồi đến tận cùng và nhan nhản bất công với nhiều nước mắt.

 

Ban đầu, có thể Marx ôm giấc mộng đại đồng với ý tốt muốn biến cõi đời ô trọc này thành cõi thiên đàng, đến Lênin thêm chút mắm muối “bạo lực cách mạng” và kêu gọi “vô sản các nước, đoàn kết lạ i!” thì cái chủ nghĩa xã hội huyễn hoặc của Marx bước sang một khúc ngoặt gây đau thương cho con người nhất trong lịch sử nhân loại. Sự tàn ác của chủ nghĩa phát-xít so ra chẳng thấm gì với sự tàn bạo và độc ác cách mạng của chủ nghĩa cộng sản. Họ - những người sống chết với lý tưởng cộng sản - say mê đấu tranh với khẩu hiệu tất cả vì quyền lợi của giai cấp bị bóc lột nhưng thực tế hoàn toàn khác hẳn. Họ chỉ mượn sức mạnh của giai cấp bị bóc lột để tranh đấu cho quyền lợi cá nhân của từng người cộng sản nắm giữ quyền lực cao nhất nằm trong cái-gọi-là bộ chính trị. Bên trong thâm cung của các quan cộng sản, sự tranh dành quyền lực gay gắt và khốc liệt không thua gì cuộc đấu tranh bằng bạo lực ở bên ngoài với các nước tư bản. Mãi đến cuối thế kỷ 20 thì chủ nghĩa cộng sản đã bị biến thái hẳn. Nó biến thái đến mức người ta hoàn toàn không nhận ra cái cốt lõi chủ nghĩa nằm ở chỗ nào trong suốt tiến trình tiến lên thế giới đại đồng nữa. Người ta không hiểu nó là một triết lý ? một chủ nghĩa ? hay một học thuyết ? Nó như một nồi tạp-pí-lù - trộn một thứ một ít vào rồi gọi là chủ nghĩa cộng sản ở thế kỷ 21 - để lâu ngày ươn sình và bốc mùi làm ai cũng buồn nôn mửa. Nó như một cái xác bị chết cháy không còn nhận diện được hình dạng của nạn nhân. Làm sao một người được Thượng đế ban cho một trí óc bình thường lại có thể nói rằng tôi vẫn còn yêu cái chủ nghĩa phi nhân bản như thế ? Đừng tìm hiểu chủ nghĩa cộng sản qua sách vở ! Đừng đọc mớ chủ thuyết đó bằng trái tim nhưng bằng cả trí óc ! Khẩu hiệu với những mỹ từ dễ làm mê muội con người. Tính chất “lãng mạn” của chủ thuyết cộng sản dễ làm con tim rung động. Hãy luôn nhìn nó bằng trí óc minh mẫn của một người bình thường.

 

Trong cuộc sống lưu vong cũng cần suy nghĩ về thái độ chính trị chính đáng của một người tỵ nạn. Vào đầu thập niên 80, dân chúng Việt nam ùn ùn kéo nhau ra biển. Họ tìm đủ mọi cách để đào thoát khỏi cái xã hội rách nát nhân bản và bần cùng vật chất đó. Người ta phỏng đoán khoảng hơn 1 triệu người bỏ nước ra đi nhưng đến bến bờ tự do chỉ được non nửa. Những người đi sau không phải không biết những hiểm nguy của cái giá vượt biển, cứ hai người đi ra biển thì chỉ một người thành công. Thất bại là đồng nghĩa với cái chết vì bão tố, hải tặc, đói khát … thế mà họ vẫn lầm lũi cắm đầu đi sống đi chết ra biển. Băng qua lãnh thổ Miên đến đất Thái cũng đối đầu với những hiểm nguy chết người. Nào là bọn Miên đỏ khát máu, bọn Việt cộng điên cuồng thù hận, thú dữ trong rừng già, bọn thổ phỉ buôn người, đám buôn lậu có máu lạnh giết người không chùn tay. Có người đi ra biển không thành lại quay về đi bộ. Có người vượt biển thất bại đến khánh kiệt tài sản. Cả miền Nam lên cơn sốt bỏ nước. Tính đến đầu thập niên 90, non nửa triệu người đạt được ước nguyện.

 

Con số nửa triệu người may mắn sống sót, một lần nữa, lại may mắn được định cư ở các nước tư bản, có cơ hội ngắm nhìn bầu trời dân chủ, hít thở không khí tự do, và nhất là có cơ hội vươn lên từ hai bàn tay trắng. Sau hơn 30 năm, con số người Việt tỵ nạn sinh sôi nẩy nở đã lên đến vài triệu, ở rải rác khắp năm châu, thành công ở khá nhiều mặt trong xã hội, tạo của cải vật chất cho chính gia đình mình và đất nước nơi hai ba thế hệ Việt sinh sống thành từng cộng đồng với sinh hoạt khá khởi sắc.

 

Khi trong tay có chút tiền thì những người Việt hải ngoại chợt nghĩ đến chuyện “vinh qui về làng”. Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi nhà nước cộng sản bắt đầu mở cửa, một số người Việt lưu vong trở về với mớ tiền trong tay. Thuở ấy trong nước ai ai cũng nghèo, kể cả bọn cán bộ. Thế là có màn vung tiền tiêu cho thỏa thích với trăm đô đổi ra tiền triệu, một giấc mơ của khá nhiều người nghèo khổ. Bên Mỹ không biết những người đó làm gì nhưng khi về nước họ tìm thấy được sự nể trọng (đồng tiền), tự ái họ được vuốt ve đến độ tận cùng. Từ đó, họ cố gắng làm lụng ký cóp cho được kha khá tiền và mỗi năm trở về nước ngồi bảnh chọe tiêu tiền trên sự đau khổ của rất nhiều kẻ khác. Cho đến năm nay, năm 2008, tuy sự nể trọng (cũng đồng tiền) đã bớt đi nhiều nhưng vật giá vẫn quá rẻ so với khi du lịch ở các nước khác nên số người về nước ngày mỗi đông hơn. Số người đổ xô về nước chưa hề giảm bao giờ.

 

Hơn 30 năm trước, chúng ta đánh đổi lấy mạng sống để ra đi cho bằng được thì không vì một lý do gì để có thể trở lại mảnh đất khốn khổ đó một cách quá dễ dàng. Mảnh đất dứt khoát bỏ lại sau lưng bằng chính mạng sống của mình, của vợ chồng con cái mình thì làm sao có thể trở về nhìn lại cái đám người đã chưởi rủa những kẻ ra đi - chính chúng ta - là bọn trộm cắp, đĩ điếm. Nếu dùng óc để suy nghĩ, nếu còn sĩ diện, cần phải tỏ thái độ khinh bỉ bọn nhà nước cộng sản đã hàm hồ kết tội chúng ta là thành phần cặn bã của xã hội bỏ nước ra đi. Xét cho cùng, cần trân trọng những người trở về để thăm cha mẹ già yếu, lo ma chay cho người thân, giúp đỡ những kẻ khốn cùng. Có những kẻ trở về với trái tim độ lượng, xót thương người, cố làm một cái gì nho nhỏ để xoa dịu nỗi đau khổ của đại đa số đồng bào. Về với trái tim nhân từ như thế thật đáng khuyến khích, thật đáng kính phục. Không bao giờ về với đầu óc của kẻ lợi dụng thời cơ, vui đùa hưởng thụ vật chất rẻ mạt, cười cợt trên thân xác bèo bọt của những cô gái quê mà quên đi cảnh chiếc thuyền nan lênh đênh trên biển khơi mấy mươi năm về trước.

 

Nghĩ là nghĩ thế nhưng thực tế tin tức cho thấy mỗi năm cả triệu người rầm rộ về thăm quê hương; chỉ riêng trong dịp Tết cả trăm nghìn “khúc ruột ngàn dặm” rộn ràng trở về quê ăn Tết. Thèm ăn Tết trên quê hương đến vậy sao ? Cho dù Tết đã mất hẳn cái hương vị ngọt ngào của bầu sữa mẹ ? Vương trong không khí của một buổi sáng đầu năm nghe có tiếng ai oán của đám dân oan, nghe có tiếng than khóc mỏi mòn của những người vợ thương nhớ chồng còn bị đày đọa trong các trại tù vì họ lên tiếng đòi hỏi một nền dân chủ của một nước Việt nam, nghe có tiếng kêu gào bi thiết của những nhà lãnh đạo tôn giáo đã lên tiếng bênh vực cho công lý. Một bầu khí Việt nam bị ô nhiễm độc tài, bị vẩn đục áp bức đến thế liệu chúng ta có thể thản nhiên trở về quê ăn Tết hay sao ?

 

Bài thơ, “Ta Chẳng Về Chi” (không rõ tác giả là ai) diễn tả những suy nghĩ chín chắn của một người có trái tim tràn đầy yêu thương.

 

Bạn hỏi ta sao chẳng trở về

Về chơi nối lại mối tình quê

Theo bạn bên nhà giờ vui lắm

Tha hồ du hí, sướng hả hê !

 

Ta nghe bạn tả, dạ nao nao

Bao năm biệt xứ nhớ làm sao

Vẫn hằng mơ ước về quê cũ

Cho thỏa chờ mong tự thuở nào

 

Nhưng rồi nghĩ lại ta chẳng về

Sá gì một phút chốc đam mê !

Để rồi phải thấy bao ngang trái

Bao nỗi tang thương luống não nề

 

Bạn trách bao người đã hồi hương

Cứ ngồi tiếc nuối với vấn vương !

Ta đã ra đi trong hận tủi

Về chi gợi dĩ vãng đau thương

 

Bạn rủ ta về thăm phố phường

Thăm mái nhà xưa, những người thương

Nhà xưa bị chiếm còn đâu nữa

Người thương thời tản mác bốn phương

 

Bạn bảo quê hương giờ thanh bình

Danh lam, thắng cảnh thật đẹp xinh

Lòng ta còn đâu mà du ngoạn

Khi thấy bên đường cảnh điêu linh

 

Bạn giục tội gì không về chơi

Đất nước giờ đây đổi thay rồi

Ta thấy vẫn ngục tù, bắt bớ

Đàn áp không ai được hé môi

 

Bạn nói về đi ăn đã đời !

Sao ta có thể nuốt cho trôi

Khi thấy chung quanh bao đứa bé

Chẳng có miếng ăn, đứng chực chờ

 

Bạn kể ta nghe rất mê hồn !

Các em mơn mởn, hãy còn son

Ta thấy xót thương thân nhi nữ

Mới từng ấy tuổi phải bán trôn

 

Bạn khuyên lo sướng cho thân mình

Dại gì để ý chuyện linh tinh !

Ta chẳng thể nào câm nín được

Trước sự trái tai, cảnh bất bình

 

Bạn có thể vui thú nhởn nhơ ?

Mặc ai rên siết, cứ làm ngơ

Ta không nỡ sống trên đau khổ

Ôm mối hoài hương ở xứ người.

 

Lại còn vấn đề gửi tiền về giúp thân nhân. Gửi tiền giúp là do trái tim thúc đẩy nhưng giúp thế nào để có hiệu quả thì là công việc của lý trí. Từ năm 2000 đến nay, số tiền gửi về hàng năm cứ tăng mãi. Năm ngoái số tiền là 4 tỉ đôla, năm 2008 có lẽ cũng bằng hoặc hơn chứ không kém. Đây chỉ là con số gửi qua hệ thống ngân hàng Mỹ có chứng từ hẳn hòi, còn những nghìn dấu kỹ trong ruột tượng của các cụ già đem về cho con cháu thì không ai kiểm chứng được. Cứ tính đổ đồng mỗi người mang về nước chi tiêu khoảng $5000 đôla, với từng ấy người về hàng năm thì số tiền đổ khơi khơi vào nước phải thêm vài tỷ bạc nữa. Như thế số tiền rót về nước (cho không) giá chót phải 6, 7 tỷ bạc mỗi năm.

 

Số tiền gửi về dưới nhiều hình thức khác nhau như gửi giúp các nạn nhân thiên tai, gửi về giúp thân nhân có vốn làm ăn, hoặc giúp chỉ để nuôi sống từng ấy miệng ăn, mỗi ngày … Tính ra hàng tỉ đôla là công khó của biết bao nhiêu người Việt ở hải ngoại, sẵn sàng hy sinh một chuyến du lịch hàng năm của gia đình, hoặc chấp nhận giảm bớt những chi tiêu để có đủ tiền gửi giúp thân nhân. Từng ấy tỷ bạc thân nhân tung vào thị trường để mua sắm, để ăn chơi, để khoe khoang kiêu hãnh, nhưng cũng giúp nhiều gia đình chỉ vừa đủ sống và sinh hoạt hàng ngày trong một xã hội mà sự lạm phát leo thang theo nhịp độ hàng tháng. Đúng ra tiền tệ trong lưu thông bỗng nhảy vọt lên con số tỷ mà không cần trữ kim bảo chứng như thế cũng tạo ra công ăn việc làm nhất thời cho đám dân nghèo khổ. Những công việc làm hoàn toàn mang tính chất tiêu dùng, chứ chưa hề dùng tiền tạo ra những cơ sở sản xuất mang lại lợi nhuận về lâu về dài trong tương lai.

 

Có nhiều lý lẽ biện minh cho việc gửi tiền. Lý lẽ được rất nhiều người ủng hộ là thân nhân cần được giúp đỡ trong một xã hội quá bần cùng. Họ quan niệm rất đơn thuần rằng nếu ngưng gửi tiền, chẳng biết bọn chóp bu cộng sản có chết không nhưng thân nhân của họ chắc chắn sẽ chết trước hết. Suy nghĩ này quả thật không sai thực tế bao nhiêu. Nhưng nếu thị trường tiêu dùng thiếu hẳn 4 tỷ trong 1 năm, chắc chắn công ăn việc làm sẽ giảm thiểu đi rất nhiều, những thân nhân sẽ sống dở chết dở nhưng sẽ tạo một áp lực lớn lao trên chính quyền cộng sản. Người dân đói quá đành phải làm liều. Xã hội sẽ hỗn loạn. Công an có bắt giữ được cả trăm hoặc cả nghìn nhưng nếu cả triệu người liều mình thì chính quyền cộng sản chẳng thể nào đàn áp nổi. Nhà tù nào chứa cho nổi khi vài chục triệu người sẵn sàng chết để kiếm cái ăn cho gia đình. Chính bao tử sẽ thôi thúc con người đến trở thành thú vật. Đây chẳng phải là bài học mà bọn việt cộng đã áp dụng triệt để trong mấy mươi năm cai trị nhân dân miền Bắc và cả trong các trại tù sao ? Từng ấy nhân dân quá đói khổ nổi loạn thì cái chỗ ngồi của bọn Bắc bộ phủ cũng phải lung laỵ

 

Biết rõ như thế nhưng không một ai dám làm, hoặc không nỡ nhẫn tâm đẩy những người thân đến một hoàn cảnh cùng cực, nơi mà ranh giới của lý trí và thú tính chỉ mong manh như sợi tơ. Nếu đổi ngược lại hoàn cảnh, nghĩa là nếu những kẻ cộng sản ở hải ngoại gửi 4 tỉ mỗi năm về nước để cứu đói và họ biết rõ rằng nếu không có 4 tỉ này thì xã hội sẽ hỗn loạn, chế độ sẽ sụp đổ thì chắc chắn họ đã thực hành từ lâu rồi. Đây là sự khác biệt lớn lao giữa người quốc gia và người cộng sản. Sự dị biệt đó là trái tim. Những trái tim còn máu đỏ luân lưu trong thân xác của sinh vật mang có tên gọi là người. Chính con tim đã thổn thức khi thấy đồng bào trong nước lâm vào cảnh thiên tai. Chính con tim đã tha thiết khi thấy những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật lăn lóc trên hè phố kiếm ăn. Và cũng chính con tim đã thôi thúc những người Việt hải ngoại gửi tiền về giúp những người thân nghèo khổ. Mặc dù họ biết rằng chính số tiền này đã phần nào giúp chế độ đứng vững đến ngày hôm nay.

 

Đã đến lúc lý trí cần phải xen vào hành động của con tim. Gửi vừa phải và gửi đúng lúc là cách hay nhất để giảm thiểu những số tiền thặng dư không cần thiết. Nên gửi để tạo công ăn việc làm hơn là gửi để giúp miếng ăn từng bữa. Giúp cần câu hơn là biếu con cá. Mỗi khi có thiên tai, làm thế nào để số tiền cứu đói phải đến thẳng tay các nạn nhân, không thể qua tay bọn cán bộ ở xã, ấp, huyện, hoặc phường. Phải hạn chế tối đa tiền của lọt vào tay những kẻ không tim này. Biết cách gửi, và biết gửi qua người nào. Các bậc tu hành, những sơ, những ni cô, các linh mục, thượng tọa (tuyệt đối không phải là bọn quốc doanh) là những người xứng đáng chọn mặt gửi vàng. Trở về thăm quê hương đọa đày khi thật sự cần thiết. Nên hạn chế tối đa những chuyến du hí vung tiền mua vui trên những thân xác bọt bèo. Nên tự chế để cái xã hội quá bấp bênh về đạo lý bớt bị bấp bênh. Nếu không làm cho nó tốt hơn thì cũng đừng nhẫn tâm làm cho nó tồi tệ thêm.

 

Xem ra, trái tim và trí óc cần song hành. Hành động xuất phát do trái tim thôi thúc, và hành động dẫn đến một kết quả tốt đẹp lại luôn cần có lý trí hướng dẫn.

 

 

Sơn Nghị

 

(Bai Chuyen)

 

website counter