The Lady First
Tản mạn buồn vui
lẫn lộn
Duy Nguyễn
(Nguyễn Duy Biên)
Bố con tôi tính tình giống nhau
như khuôn đúc. Nổi trội vẫn là
cái tính hay thắc mắc: luôn sẵn
sàng tra vấn với mọi thứ trên đời.
Nhỏ thì như mẫu thời trang mới, một
kiểu giầy bắt mắt nào đó mới
ra, vừa vừa thì, như thế nào là
"tiên học lễ, hậu học văn". Lớn
bự hẳn thì may quá ,... chưa có !
(được như thế này là do 2 bố con
tôi đã đồng ý với nhau là hẵng
cứ né các vấn đề gai góc cái
đã, nó rách việc lắm). Hơn nữa
chiều nào rồi cũng còn ngồi 1 mâm
(mà lỡ hôm đó ông bố [là
tôi đấy] đuối lý, thì cũng
khó xử thiệt !)
Cứ tra vấn vặn vẹo mãi thì
cái sự bất như ý trên đời
này nó sẽ đến với mình !! Và
rồi có gấu ó, to tiếng, giận dỗi
thì cũng là lẽ đương nhiên
thôi. Con gái tôi nhỏ người song cái
tự ái của nó thì lại lớn lắm.
Hơi bị xử ép 1 chút là nó sửng
cồ, lầm lầm lì lì, nước mắt cứ
vãi ra rồi tay chân lạnh tanh, các ngón
quíu lại; không can thiệp ngay là dám xỉu
lắm !! Can thiệp thế nào bây giờ ? May 1
điều là cứ ở vào những lúc dầu
sôi lửa bỏng như thế thì vợ tôi
lại xuất hiện.
Bả rít lên:
- Ông có thôi ngay đi không nào.
Người gì mà chỉ ham dồn, dồn con
người ta đến ngõ cụt mà vẫn
còn dồn: làm con bé uất lên ! Mau lại
đây, nào ! Mau lên !
Liền đó là tay ngoắc, mắt
nháng lửa ý phải giúp đưa con
bé ra khỏi vùng cãi cọ gấp ! Tay quạt,
vớ được cái gì cũng thành quạt
hết, vợ tôi lúc này, thoắt cái biến
thành một Lady First hết sức dễ
thương, từ hình thức đến nội dung
đều ngon cơm ! Ngực tôi bỗng đau
nhói một cái, ý hẳn lại con
lương tâm, muốn lên tiếng ý kiến
ý cò gì đây ? Cứ thế ! Giữa
lúc lửa tắt cơm sôi, con lương
tâm đủng đỉnh lên tiếng. Thấy
mà lộn máu ! May là chỉ lát sau
là con bé nhà tôi lại thơ thới,
bình thường y như mọi lúc. Nó lặng
lẽ đi vô nhà trong. Còn tôi thì
đứng xớ rớ, xớ rớ, hết thắp nụ
này đến mồi nụ khác, cái nụ
cười cầu tài, chứa chan chất xẻn lẻn,
thứ vũ khí duy nhất sẽ giúp tôi qua
cơn giông gió, dập vùi bay ra từ cửa
miệng người bạn đương kim chăn gối
của tôi. Nhưng bả lại không nói
gì, chỉ rất khẽ khàng:
- May mà con mình nó không biết
kêu cảnh sát !
Vâng ! May lắm ! Chính xác, phải
nói là phúc ấm nhà tôi còn dầy
! Chứ không với một yêu cầu ngon ăn
như thế hẳn là tay này đã
đượm mùi còng. Cám ơn mẹ con.
Cám ơn mẹ con rất Việt Nam của bố. Nếp
nhà - vốn liếng trông vô mấy .. khoẻn
này đây ! (Bố ý à, một mụt
lác ướt, khuất nơi ngã ba xương
cùng. Mẹ phát biểu về bố đấy.
Chắc cũng không sai mấy. Phải không,
thưa Mẹ Bề Trên ?). Từ sau biến cố ấy,
con gái tôi được xếp vào loại
"yếu nhân" cần có chế độ
sinh hoạt đặc biệt, song hai bố con có chịu
lơi ra đâu! Có dịp là lại xáp
vô tranh cãi đến đổ mồ hôi hột.
Cũng từ sau sự việc ấy, trong các buổi
truyện trò, gia đình tôi tự động
chia làm hai phe. Trước hết là phe
"Châm Ngòi". Phe này do con gái tôi
vừa tròn tuổi teen, thành quả tốt nghiệp
trung học xuất sắc. Những điều này quả
có làm con gái tôi nhìn đời bớt
hẳn rụt rè (nếu không muốn nói
là có hơi xem thường nữa là
đàng khác.) Ðiếu này chúng tôi
không trách, chỉ bảo nhau kín đáo
xem đâu là phạm vi tự tin, đâu
là sự phách lối khiếm nhã còn
tìm cách uốn nắn, hoặc như người
chơi cây kiểng, dùng kéo bấm đi những
nhảnh cành xấu. Cũng xin nói thêm rằng,
việc chia phe, tách nhóm, ban đầu là do vợ
chồng tôi ướm đặt, mong cho cháu
có thêm chút vốn liếng Việt Ngữ,
sau thấy công việc tiến triển tốt (nhất
là từ bữa có thêm hai anh em nhà Hảo
tham dự các buổi tập đọc, có
thêm người lạ, không khí hào hứng
hẳn lên) lôi khéo người lớn đầu
tiên là bà xã tôi đứng hẳn về
phe Châm Ngòi ... "trước là tạo sự
quân bình, " bả nói. (Sâu xa tôi hiểu
mọi sự đều nhắm vô tôi, quân
bình là quân bình với chính tôi
cái đã). "Thứ đến", coi như
muốn biểu lộ một thái độ rõ
ràng: muốn chấm dứt 1 giai đoạn đứng
sau, cười góp. Nhìn chung mà xét cuộc
trỗi dậy của vợ tôi được kể
là còn êm ái chán (Bạn bè
tôi người chìa tay cho còng, người nhận
lệnh Toà là không lui tới xớ rớ
quanh quẩn "nhà nàng" trong phạm vi bao
nhiêu feet hay mét miếc gì đó !! Ở
đây nàng của tôi không đòi hỏi
gì rõ rệt, chỉ như muốn nhắn gởi
rằng: Bánh xe lịch sử đã lăn (24/24)
tình hình tất thắng của ngọn cờ
Lady First đã rõ như ban ngày (liệu đấy
mà ăn ở). Chớ hòng lật lại thế
cờ ! Bạo lực Cách Mạng, xin tuyên
cáo rằng, Bạo Lực Cách Mạng là 1
điều có thực (Ông Cảnh Sát
đó) Bạo Lực Cách Mạng sẽ vung
còng lên, bóp cái cốp, khoá cứng
bàn tay những kẻ phản động dám
đi ngược trào lưu lịch sử, bánh
xe lịch sử (18 bánh lận) sẽ cán cho bẹp
nhe, thẩy tuốt ra ngoài bãi rác lịch sử
(đố ai biết ở đâu ?). Mất xác;
hòng gì giỗ với tết, nào !!! Cộng
Ðồng VIỆT NAM,
đứng từ xa mà ngắm, in hệt một lady
nõn nường, yểu điệu, điện nước
đầy đủ ! Cộng Ðồng đó
đã tiến mạnh về mọi mặt, đem về
nhiều thành quả, nhiều tiếng thơm rất
đáng khen ngợi ... Nhưng theo sự đánh
giá từ trong sâu xa, thì tập thể
này cũng đang phải chịu những LAY LẮC
dữ tợn y như của 1 cơn địa chấn
có độ Richter tròm trèm con số 7 !!
Ngôi nhà Việt Nam từ cột cái,
kèo chánh thậm chí những phụ tùng
hết sức râu ria cũng đều có dấu
hiệu xuất hiện cuả 1 giống mối mới
(Termite ) tên khoa học là ... (chết thực,
nhân viên phụ trách quên ghi ra đây rồi
!!) xông cho rất trầm trọng. Cơ sự ra sao
mà đến nông nỗi này ? Khốn
khó , khốn khổ lắm. Ðời tôi chưa
bao giờ ẹ như thế này. Khỏi dài
dòng, thoáng cái, biết ngay đây là
một đấng Gia trưởng mới té ngựa,
còn đau lắm: mặt người vêu vao, trứng
cá bọc mãn khai, hết biết. Làm gì
mà rầu rĩ dữ vầy nè ! Nói rồi,
sông có khúc, con người có lúc. Bị
đè (nén) mãi, cũng phải cho chị em
người ta thở với chứ. Ðây là xu
thế thời đại, tất yếu. Thằng Mẽo
thực tế cũng xấc bấc sang bang, cái miệng
thì cứ dẻo quẹo ladies first, ladies first vậy
thôi !! Ăn thua là ở chỗ này. Cơn
gió chướng rồi cũng sẽ qua. Ta cứ liệu
mà nắn. Cứ ngọt vô. Có là con mẹ
dại mới chê lời ngọt, tiếng khéo thế
gian !. Ðâu đâu trên đất Mỹ ngọn
cờ Lady First cũng phần phật ngốn gió ! (Khổ
nỗi, rất nhiều người cứ coi cái quốc
dịch này không ra đâu vào đâu !
Âu đó cũng là cái sự ngu si hưởng
thái bình còn hiện diện trong mọi tộc
người, mọi tầng lớp, mọi thời đại
cho dù đất nước đó có là
Hoa kỳ, nơi văn minh, tiến bộ có giềng
mối chắc nịch). Nhưng, một nhãn tiền
khác ta không thể nào bỏ qua, đó
là một khung cảnh tiêu điều, bại xuội,
lũ lượt các đấng, (ta nhận ra ngay
là các đấng Gia Trưởng Việt Nam,
bính quyền một thời huy hoắc) nay xuội
lơ, nhẩn nha, từ từ khuất bóng trong hậu
trường chính trị. Ôi, đã gọi
là chia ly thì đánh chết cũng không
ai dè xẻn được nước mắt, song chứng
kiến cuộc chia tay với quyền uy của các
đấng gia trưởng Việt Nam thì ta lại phải
gọi đó là cuộc chia tay khô vì họ
không ai khóc, chỉ lầm lũi mà đi, uất
quá thì lăn ra mà ... chết vì tự cổ
chí kim ai cũng biết là đàn ông
không biết khóc. Phải chăng vì thói
quen cắn răng mà chịu nên nước mắt
cũng vì vậy mà cứ ùng ục chảy
ngược vô trong, gây úng thủy
một số cơ quan trách nhiệm (hữu hạn
!). Từ đó gây hậu quả dây truyền
.. cơ quan quân nhu lo về súng ống đạn
dược cho một đấng nam nhi, bị ngập
nước liên miên, làm sao ai dám bảo
đảm khả năng tác chiến luôn cao ?
Vậy thì đây có thể cũng là một
lý do khiến chàng sớm mất uy quyền
chăng ? Vấn đề này cần phải điều
tra sâu rộng, lấy khoa bọc nhân bản
làm nền tảng. Ai vội vã kết luận
đều mang tội (nhẹ) với lịch sử.
Nước Mỹ là vua rất nhiều thứ, đặc
biệt về lãnh vực khoa học. Vậy chứ,
xin hỏi, liệu nước Mỹ có thứ thuốc
XỊT nào cho giống MỐI mới này không
? Cả một đất nước hùng mạnh, cả
một dân tộc hiệp chủng cương cường,
người sống cũng như kẻ đã khuất
đều nhất tề OÀ lên tiếng khóc.
THƯA KHÔNG !! Cả vạn lần không ! Cả vạn
lần sầu ! Ðôi khi lầm lỡ, đánh chết
nhân tình cũ !... (Có chi người ơi
...)
Liền đó, một cuộc vận động
để các nhà hoạt động xã hội
ngồi lại với nhau tìm giải pháp. Thời
gian không còn chờ chúng ta đâu ! Trong xu
thế xôn xao người người đua tiếng,
tiếng nói của các nhà hoạt động
tại Pháp dõng dạc phản đối
thái độ quá khích của chị em Hoa Kỳ,
nơi ngọn cờ Lady First đã ở vai trò
thống lĩnh. Họ viện dẫn lời của một
nhà tình dục học người Ý, bà
Lombrosseau, nói "Mọi
sự xung đội trong đời sống lứa
đôi đều có thể giải quyết
được trên giường !" À há ! Vậy chứ tại
sao ta không giải quyết theo hướng ngon ăn
này cà ? Trên diển đàn diễn giả
hô hào: Hỡi bà con nòi giống Việt,
chỉ chúng ta mới giải quyết được
vấn đề của chúng ta, (vỗ tay) trong
chân tình và hợp tác. Liền ngay
đó đám đông ồn ào hẳn
lên, người ta nghe rõ ràng một tiếng
nói lấn lướt. Tiếng này càng
ngày càng đông càng nhiều, lấn
át lời diễn giả. Xin bà con lấy
chân tình đối xử với nhau. Tiếng ồn
ào trong đám đông. Hoan hô chân
tình (nằm giữa hai chân thực !). Chân
tình muôn năm !. NGUYỆN một đời xin
đối Xử bằng CHÂN TÌNH với chị
em Phụ Nữ Năm Châu (vỗ tay tợn). CHÂN
TÌNh Vạn Tuế ! VẠN VẠN TUẾ ! Hỏng hết
!. Có phá hoại, Xin bà con thông cảm ...
Chúng ta không thể tiếp tục hội thảo
được ! Người trách nhiệm thu dọn
đồ đoàn trong im ắng Việc này dưới
một xã hội tự do là chuyện cơm
xoàng thôi. Trong Hội Nghị các nhà
xã hội học vẫn diễn ra bình thường.
Hội nghị rất quan tâm đến phương
pháp vận động hành lang (Lobby) trong sinh hoạt
chính trường Hoa Kỳ. Sau đây là phần
trích Nghị Quyết cuả Hội nghị.
... Chẳng đặng đừng chúng ta mới
nói tới thỏa hiệp. Từng bước một
chia quyền... Nghĩa là câu giờ, câu giờ
tối đa !! Hoa Kỳ sẽ chung trách nhiệm giải
quyết vì chúng ta chỉ là nạn nhân
(Ai cũng thừa biết virus gốc gác là ở
Hoa Kỳ tràn qua mà ! Ðánh chết cũng
không sai chạy được !) Rồi ngày ... Rồi
tháng ... qua đi ... mau lắm.
Hóa ra sự gì dù lớn dù nhỏ
và ở bất luận phương trời nào
trong cõi Ta Bà này đều sẽ không
qua khỏi sự xơi tái của thời gian, y
như câu tục ngữ VN ta hàm ý: Ngày
lâu cứt trâu hóa bùn ! Một sự
gì như là mệt mỏi, bơ phờ lắm lắm
đến nằm ỳ trong mọi sinh hoạt của
bà con. Thời gian này chính sử Hoa Kỳ cũng
có chép: cuộc đấu tranh của tập thể
các gia trưởng VN tuy có hơi âm thầm,
vừa bùng lên bỗng khi không ... xuôi
cò, y như vỏ xe cán đinh ! Các giới
chức liên quan Hoa kỳ túa đi tìm hiểu.
Mời bạn xem một đoạn phim thời sự minh
họa giai đoạn ... nhậy cảm này.
Toàn cảnh: một nam nhi to con tốt tướng,
hẳn là một businessman, hoặc ít ra cũng
là một cụ trong dân. Sai toét ! Chính
xác đó là: hình ảnh một nam nhi
đất Việt thời còn là gia trưởng
uy thế, trong sinh hoạt một ngày như mọi
ngày. Cảnh 2: vẫn là nhân vật cũ, giờ
diện bộ Pyjama lâu lâu có ý muốn
xem giờ, cận ảnh cho thấy nét mặt
chàng hết sức tâm trạng, râu ria, mụn
mằn thấy khiềp (ý nói vấn đề bức
xúc đến độ rồi) tiếp bước tới
lui ngay trước khuê phòng của mình. Cảnh
trong phòng: nhân vật nữ, vợ chàng chứ
ai, vẫn say sưa trong chăn nệm tinh tươm.
Rõ ràng hai nhân vật này đang ở
trong tình trạng cơm canh nhạt nhẽo hết thuốc
chữa ! Màn ảnh bỗng tối đen như
không có gì ÐEN bằng rồi hai chữ CẤM
VẬN đen xì xì choán hết màn ảnh,
xuất hiện cho đến HẾT. Tiếp là tiếng
ghế, rồi đèn phực phực ... sáng
banh, bất cần bài bản, miễn là :
nói thẳng, nói mạnh và nói hết !
Truy tìm trong chính sử Hoa Kỳ, rải rác
thấy cũng có chép: Các đấng nam nhi USA cũng
đã rất quay quắt, khốn khổ với phong
trào Lady First. Họ chiến đấu rất dũng
mãnh rồi vì lực lượng quá mỏng
đành êm ru trao hết quyền bính cho nữ
phái ngay từ những ngày còn lênh
đênh trên con tầu Mayflower kia rồi ! Thầm
kín thay là, các bậc nữ lưu của chúng
ta ! Các nàng đâu có ngu gì mà
ham xuất hiện. Các nàng cứ tàn
tàn ỉ ôi nơi phòng the mà nắm tuốt
tuồn tuột ! Các nàng lái phi
công, lái đến tổng thống mà cứ
êm ru bà rù ! Khổ là khổ mấy anh
đàn ông đầu hói tuyệt đối
mà giờ vẫn phải ghìm đầu chịu
báng ! Hỡi ơi ! Sự khó đâu có
chừa một ai ! Tất thảy chúng ta đều
là nạn nhân, hỡi những con người mang
CHÂN TÌNH cùng với CHÂN THỰC hãy nối
liền một vòng tử sinh ! Nếu nước Mỹ
được tạo nên bởi những trang nam nhi
cương cường, bất khuất thì ngọn cờ
Lady First cũng đã được giương cao bởi
những trang nhi nữ chẳng quần vận yếm mang
chút nào !! Ðược Thượng Ðế
ưu ái ... Họ tận dụng ... và
đã hoàn chỉnh thành một món vũ
khí quỷ khốc thần sầu, nam nhi nào cũng
rũ liệt một khi thử nếm !
Thưa Cộng Ðồng Nam Nhi nước Việt,
Tạm thời coi như chúng ta có thể
đã thua. Lập chí vẫn là công việc
muôn đời của nam nhi chí khí. Lập
chí, lòng phải bền, bền lắm (Chả
kém gì chí ấy được dệt bằng
sợi Nylon , ngoại nhập chính cống nghen). Chỉ
1 sơ hở cỏn con, mắt phượng kia mà quắc
lên là thân trai liền long đong 12 bến
nước, bến Sofa nằm phơi củ cải sẽ
là chốn răn mình của chàng
đó, chàng ơi !!
Như trên đã nói, từ ngày vợ
tôi đứng hẳn về phe bên kia, trật tự
quả có tốt hơn song đó vẫn chỉ
là bề ngoài còn bề trong thì vẫn
bầy hầy những ngậm đắng cùng nuốt
cay. Vợ tôi quyền hành đến trong một
sớm thì tránh sao khỏi những quá
đà. Cái quá đà đầu tiên
vốn là căn bịnh muôn thủa của
các cụ trong dân: Trong buổi giao thời cụ
nào cũng muốn tỏ ra mình hết sức
dân chủ, rất gần quần chúng bằng
cách là nói nhiều, nói dai và, hỡi
ôi, nói ... dở!! Chúng tôi yên sao cho
được ! Một đàng là cái
lò cừ (The USA Melting Pot) nung cho mềm chảy người
ra, một đằng chứng kiến sự đổi
thay từng giờ, từng phút nơi đầu
óc người bạn tào khang (đã từng
biết đến ngọn cờ The Lady First, giờ ngọn
cờ ấy đang lên tiếng réo gọi). Cay
còn hơn ớt hiểm bạn à ! Cộng Ðồng
nam nhi đất Việt bỗng như cùng nhiễm một
căn bịnh, đó là HỘI CHỨNG ẤP
ÚNG-RỤT RÈ. Rụt rè ngay cả trong
đêm hôm khuya khoắt, rụt rè .. với
chính những công việc (mình hằng
múa gậy ... ) ngon ăn tưởng còn phải
hơn sáo chó ! Ôi Lò Cừ USA với thân phận
nam nhi đất Việt nói riêng. sao mà nhiễu
sự quá thế !
Ði Mỹ lúc đầu toàn tâm
toàn ý là thế, giờ sinh ra lấp lửng,
nói nước đôi: "Vấn đề
gì cũng có mặt này mặt nọ của
nó, nước Mỹ đâu phài toàn
bích về mọi phương diện. " Chúng
ta đã bị trắng tay một lần bởi nhiều
lý do ngoại tại, còn cái sự đe dọa
về một lần trắng tay nữa nó. nằm
ngay giữa chốn yêu dấu là cõi lòng
người bạn tào khang. Ðất Mỹ
đã làm cho rất nhiều anh em chúng ta trở
thành triết nhân. Lừng khừng. Ðủng
đỉnh. Mở miệng ra là cay đắng, đắng
cay. Và theo các bà thì chính thái
độ ơ thờ, giả ngô, giả ngọng
này đã làm sơ vữa thiện ý của
các bà. Cái gọi là chiến tuyến giữa
hai phe chỉ ấm ớ như thế song với nhiều
đấng nam nhi đã là tức hộc máu
! Xưa, chuông reng một cái là phải
lên (Chết ! Chết ! Ðể tôi lên xem
ông nhà tôi bảo gì), giờ cải giả
lơn tơn ! (Ðang giở tay! Giỏi thì làm lấy
một mình đi).
Giờ nói đến chuyện bố con
tôi, giống nhau thì rất giống mà
khác biệt thì lại cũng rất khác biệt.
Một đàng, với sáu bó lẻ tuổi
đời, đầu óc có kém, có dở
lắm thì cũng còn nhớ xưa ta có
câu, "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết
vô." Cho nên có nhiều lúc đầu
óc cũng rất chi là gia trưởng ... độc
tài, độc đoán, độc tôn, độc
ẩm với độc hành ! Thử hỏi
vơí bằng ấy thứ ÐỘC, bố ai
còn dám ngồi chung, nói chi đến đi
đứng với chung trà, ly rượu. Nay có
cơ hội nhìn cận ảnh nền giáo dục
Hoa Kỳ thông qua lớp tuổi teen là tôi
hăng say tìm hiểu liền. Ðàng khác,
đối tượng nghiên cứu của tôi từ
thủa còn bú dặm thì ngọn cờ Lady
First đã thấp thoáng đâu đây !
Cho nên bảo bố con tôi khắc khẩu thì
cũng là nói cho có ! Mà nhiều truyện
không ra đâu vào đâu vẫn đem lại
kết quả rất tệ hại. Liên Hiệp Quốc,
vợ tôi tự ví mình, nhẩy vào.
Trường hợp này, theo tôi, khôn ngoan nhất
thiên hạ vẫn là cứ im re cái
đã. Phân tích với phân giải miết
có mà mang họa. Mà trớ trêu lắm, lẽ
phải chung cuộc, rất ít khi ở bên
tôi. Vì nó, cái lẽ phải ấy,
đã mặc lấy tính người đã
tạo dựng ra nó, thản nhiên đứng về
phía nàng tức là vợ tôi vậy.
Có lúc tranh luận đã thành
cãi vả thiệt sự, điều này tối
kỵ đối với bà xã tôi. Bả on
air liền liền:
- Bố con thiệt là vô tích sự.
Làm gì mà cứ om xòm lên thế.
Hàng xóm người ta cười vô mặt
cho là bố con rách việc, chỉ được
cái cãi nhau là không ai bằng !
Tôi quán triệt tình thế ngay. Ba
chân bốn cẳng tôi trở về với
cái thế truyền thống cuả một nam nhi USA
là luôn luôn hiếu hòa với chị em phụ
nữ. Hiện tình đang rối kênh lên. Con
bé nhà tôi thì nhề nhệ nước mắt,
ngồi chết dí một xó. Tôi cũng chẳng
nhớ là đã nói gì với nó.
Ðến nông nỗi này thì tôi chỉ
còn có nước tôi lo cho thân tôi
thôi. Vợ tôi, bơ bơ trên đường
từ nhà trên đi xuống:
- Anh đói thì ăn cơm trước. Kệ mẹ
con em !
Hay nhỉ ! Kệ mẹ
con em! Bạn, Bạn cho tôi biết, có thể kệ
mẹ con em được không ? Tôi ý à
? Không ! Trăm ngàn lần không. Không thể
để cái xẩy nẩy cái ung. Tôi xoay
hướng khác.
- Ô hay ! Cơm
nước rồi thì phải ăn chứ ! Hoan !
(tên thằng em đang dí mũi vô máy
Game) Lên kêu mẹ với chị xuống ăn
cơm, để bố còn đi công chuyện !
Vẫn không động
tĩnh gì sao ? Ái chà! Tình hình
không khéo xoay chuyển, diễn biến e khó
lường à nghen ! Tôi phán đoán,
dù việc gây ồn ào vừa rồi do ai,
không lý tới nữa. Cái chính là
đã lơ lơ ý kiến của bả. Liều
thuốc bồi lại nháng lên trong đầu bả:
đây không phải Ô-Xin của mấy người
nha ! Bài toán vẫn cần phải được
thử lại. Ðưa tay ra ngắt một cái !
Không xong thiệt rồi !! Viễn ảnh đen
sì sì của cái món cấm vận chắc
khó buông tha tôi. Nó đã sờ sờ
ra đây rồi !
KÉO MÀN !
Bạn biết đấy,
phần mở đầu cho một cuộc thương
thuyết thường diễn ra trong bóng tối.
Tôi cũng sẽ tiến hành thuơng thảo.
Tôi không muốn lịch sử nhìn thấy những
gì tôi làm.
MÀN HẠ GẤP
!!
Phi Trường
Thái Lan cuối 1992.
Năm 1992 là
năm gia đình ta thực sự sống lại. Bố
nhớ rất rõ lúc đó: gần 12 giờ
trưa ngày 2 tháng 11 năm 1992, máy bay mới
rời TSN và giờ đang ở phi trường
Thái Lan. Người bố như muốn trườn
khỏi băng ghế, nghển mãi đầu mà
nhìn theo đuôi chiếc 747 vừa chầm chậm
chạy qua. Bố mê mải nhìn, cái Logo gồm
hai chữ AA, nhìn ra ngay hai cánh bướm như
đang vờn vờn trước khi đậu xuống
bánh lái đuôi của máy bay. Hình ảnh
sống động vô cùng, bố không biết
tả sao cho hết cái vẻ tinh khôi của
nó, chỉ biết ngơ ngẩn nhìn vì với
bố nó đẹp vô ngần. Và càng
đẹp hơn nữa là bố con ta còn
được thấy CÁI ÐẸP dưới
thiên hình vạn trạng của một xứ
phát triển. Lòng bố nức lên những
hân hoan, như những đợt sóng, đợt
này kế tiếp đợt kia, xôn xao vang vọng.
Có người ví, đời vui như ong bay,
có lẽ là đây, là lòng bố
lúc này. Xin gởi đến khối óc tuyệt
vời nào đó đã sản sinh ra nó,
American Airline Logo, một lời khen muộn, rất muộn
màng vì chính cuộc đời chúng
tôi suýt chút nữa cũng muộn màng, lỡ
giở tưởng rằng như không còn có
nữa ! Bố nhìn mẹ con tìm đồng cảm.
Mẹ con còn đang mê mải với cảnh lạ,
người xa. Ôi chao là đẹp ! Nguy nga như
chưa từng thấy. Ðây mới là Thái
Lan mà. Vâng, thế mới biết ... Có
người nói nho nhỏ. Tôi nhìn vợ con,
chạnh lòng một chút quê nhà. Quê
hương ơi ! (cái gì nhen nhen như một
chút se sắt muốn tụ hình ?). Tôi
nhìn con. Cái đầu sọ khỉ như một
trái bưởi Năm Roi nhỏ khuất lấp trong
ngực áo mẹ, nói nhỏ như nói với
chính mình. "Con ạ, cuộc đời rồi
sẽ lại mở ra trước mắt con bao la, kỳ
thú. Dần dà theo từng độ tuổi, nền
giáo dục xứ này sẽ cung cấp cho con
phương tiện để con nhận biết nhân sinh,
vũ trụ, cuộc đời. Con an tâm mà
đón nhận. Vì đã hết thực rồi
cái thủa người ta gầm ghè nhìn nhau
qua cái bao tử lép của mình !!"
Texas,
cuối 2007.
Con gái yêu của
bố mẹ,
Sinh nhật vừa rồi
là con tròn 18 tuổi. Thực tế và rồi
nay luật pháp Hoa Kỳ cũng đã công nhận
con đã là người lớn. Con không
thích, bố biết, (thực tế cũng chẳng mấy
người ưa cái cuộc sống bắt đầu
bằng đầy rẫy những phiền toái
và bó buộc này). Thời bố, còn chiến
tranh, mấy anh con trai từ 18 trở lên gọi
là cứ mệt đứ đừ với 1 lô
những giấy tờ và công việc mới.
Ðầu tiên là anh phải có THẺ CĂN
CƯỚC (ID card đó), liền ngay đó
là phải có giấy Hợp Lệ Tình Trạng
Quân Dịch. Giấy này "gay" lắm con ạ.
Vì không có nó con sẽ chẳng lúc
nào yên, nói chi đến làm ăn với
học hành. Xe tuần cảnh thường xuyên dểu
dểu ngoài phố, mời lên xe ngay những anh
không giấy tờ, đương nhiên rồi, những
anh giấy tờ có nghi vấn, cứ lên xe, về
đồn tính !!! Còn tính gì, chết
đến đít rồi, còn tính gì ??
Khoan, "bác" nóng quá ! Chuyện
đâu còn có đó. Người hiểu
chuyện, tức là đã từng bị hốt
vài ba phùa, nhạt nhẽo góp ý như
thế. Còn bạn, bạn tính sao là tùy
phước ấm nhà bạn cùng với sự
nhanh nhậy hết xảy cuả bản thân bạn
lúc này. Ðây là 1 trong những việc mọn
chứng tỏ khả năng trai thời loạn đấy.
Tất cả nằm gọn trong 1 chữ CHẠY ! Chạy
là gì ấy à ? Là bước thiệt
nhanh và dài bước ! Ðúng Tự Ðiển
đấy chứ !! Bố đùa chút. Vấn
đề này rắc rối lắm con ạ. Có dịp
phải dành cả buổi mà nói mới xong,
mới mong con về Việt Nam có thể tự động
"chạy" 1 số việc nho nhỏ làm
duyên. Con thấy ở nước nghèo và nhất
là lạc hậu, việc tham nhũng, ỷ quyền
vơ vét nó đi đôi như hình với
bóng. Bố nói sơ một chút về Miền
Nam còn Miền Bắc cái độ dầy của
nó về tham nhũng, bắt chẹt, thì
không lấy gì đo cho cụ thể. Việc
gì cũng có giá biểu bằng hò
vè (đương nhiên là có kỳ
kèo bớt lên bớt xuống, từ con ngan nằm
nó xuống thành con ngan bà.) Nói chuyện
với mấy anh Miền Bắc, nó lý thú lắm
vì chuyện gì cũng đều có thi ca,
hò vè minh thị. 30 năm xây dụng XHCN
và ở chỉ chỗ này người Miền
Nam đành chào thua. Bố muốn con khái
quát một chút để thấy có biết
bao nhiêu khác biệt còn lù lù trước
mắt khi phải nghĩ đến truyện thống nhất
Bắc Nam ... Giờ trở về với cuộc sống
mới của 1 anh vừa làm người lớn nhe.
Mỗi người có 1 cách biểu lộ
riêng để nghênh đón cuộc sống mới
này. Có bứt phá, có nổi loạn,
song đa số là bình bình (hôm qua
tôi sống như thế nào thì hôm nay cũng
thế). Bình bình với cuộc sống bình
bình. Chuyện các chàng trai, cô gái sống
phung phí tuổi trẻ, vung vãi thân xác
thì ở đâu chả có, cứ gì Mỹ.
Sở dĩ Mỹ được đề cập nhiều
có lẽ chỉ do cái tâm lý tò
mò, muốn xem 1 anh tiền đông của lắm,
đụng truyện sẽ phản ứng ra sao. Bố nhớ
có ai đó trong số bà con tỏ ý lo
ngại chuyện sếch xiếc tràn lan, kể cả
trong giới Trung Học, chuyện 1 cô bé 15, 16
gì đó, nay đành ngồi nhà ôm
con với bao tiếc hận, con đã điềm
đạm, hết sức điềm đạm trả lời:
- Con sẽ chẳng dại
gì mà đi tự bắn vô chân mình
như thế !
Hoan hô con ! Bố
thực sự ngạc nhiên và thích thú
trước câu trả lời gẫy gọn và
đầy đủ như thế. Và cũng từ
cái điểm mốc này, bố đã
nói với mẹ, con thiệt sự đã
là người lớn lắm đó ! Cái việc
tự làm tịt ngòi trái mìn nổ chậm
là 1 quyết tâm cao độ và chỉ
có sự tự xác định như thế mới
hòng triệt tiêu những hiểm nguy đang ngủ
đông ngay trong lòng mình ! Thanh thỏa
nhé. Giờ thì
đuờng đi tới Tương Lai mới thiệt
là thênh thang. Con kìa, tuơng lai (con) đang mở
ra, phơi phớị VOULOIR C’EST POUVOIR ! Con hẳn
còn nhớ câu ngạn ngữ tiếng Pháp
này (bố con ta mới đọc được trong
1 tờ văn nghệ). Muốn là được !
Con thấy nhé. Một lần nữa người ta lại
muốn khẳng định tư thế "ăn
trùm" của lý trí. MUỐN LÀ
ÐƯỢC Không 1 chút ngần ngừ. Chỉ cần
làm, con quyết tâm làm là công việc
coi như đã xong 1/3. Bố hỏi, thực tâm,
con muốn gì ? Học, học thực cao, tìm hiểu
thực kỹ về nền giáo dục cuả xứ
này. Ðúng nơi, đúng chỗ rồi con ạ
! Con đang ở Mỹ, môi trường học tập
rất mênh mông mà kỳ thú thay,
phương tiện gặt hái kết quả của
lãnh vực này cũng mênh mông không
kém. Ðể các sinh viên mới như con hiểu
về nề nếp học tập, các trường
đã đề ra nhiều ưu ái, nói
rõ ra là quảng cáo. Vào đầu
niên khóa các trường đều có kế
hoạch mở rộng cửa chào đón mọi
người đến tìm hiểu và có ngay
tại chỗ những buổi thuyết trình bỏ
túi do các sinh viên đàn anh được
nhà trường tín nhiệm nhờ cậy.
Có trường chơi bảnh là mời cha mẹ
và bản thân sinh viên đến ăn ở với
trường trong hai ngày, nghĩa là trước
khi tới con đã book khách sạn, ăn uống
miễn phí. Khi bản thân sinh viên đi theo từng
toán thì cha mẹ có thể muốn đi theo
hay không là tùy (vừa rồi bố mẹ chỉ
đi thăm những nơi gần, ngoài ra là nằm
ở phòng coi TV). Có trường đại học
cho sinh viên khách đến ăn ngủ chung với
sinh viên đang theo học ở dorm. Thôi thì
truyện trên trời dưới biển tha hồ
mà trao đổi. Con nhớ một lần đến
thăm hai chị, ở 1 phòng, bao nhiêu là quần
áo (to có nhỏ có) phơi choán gần hết
không gian sinh hoạt, song ai cũng cười xòa
thông cảm. Nhớ là con nên tận dụng mọi
hoàn cảnh để tìm hiểu, làm như
mẹ cũng không sao: mầy mò chán chê
ra rồi mới quyết định mua một món
hàng ! Mỗi trường đại học ở
đây nổi tiếng về một lãnh vực
riêng. Ai có thể phủ nhận được
giá trị của Harvard, Yale, Princeton mà sau bao
năm miệt mài lắm họ mới tạo nên
tiếng thơm như ngày nay. Ðược nhìn
các cơ sở giáo dục ở Hoa Kỳ, mỗi
trường đều có một cơ ngơi lớn
lao vô cùng. Phải nói là một
thành phố đại học vì biết bao
nhiêu là dẫy nhà ngang dọc, đồ sộ
với xe bus riêng cảnh sát riêng. v. v... Nếu
lại lấy điểm đứng là thời của
bố mà nhìn thì còn chỉ nước
… trốn luôn vì mắc cỡ ! Cả miền
nam Việt Nam chỉ có một trường y, một
trường dược, một trung tâm kỹ thuật
(thực tế còn nhỏ hơn phòng thí nghiệm
cùa một trường trung học). Giáo Dục
đối với 1 quốc gia chậm tiến như VN ta
khác nào anh mù trông vô cây gậy,
cây gậy mà dò dẫm lầm là cả
1 thế hệ, 1 dân tộc "ăn mày"
theo. Cho nên các cụ ta xưa chủ trương
Ðông du, gần ta nữa, con cái các nhà
khá giả đều được lo toan cho đi
Tây, đi Mỹ ăn học. Xu hướng thế giới
bây giờ là Mỹ, phải học được
ở Mỹ mới yên lòng. Con hiện giờ
thì lại đang ở Mỹ với cả 1 gia
đình đầy đủ. Thử hỏi có cuộc
du học nào tuyệt vời như thế không ?
Nhận chân được điều này là
con sẽ tự động chuyên cần ngay ! (Bằng
không thì con cũng tự nhận ra là
mình có máu "du thủ du thực" trong
người để mà ngưng ngay việc
đèn sách lại, kẻo uổng !)
Bố nhớ có kể
con nghe hồi 1964 bố ở Sàigòn, đậu
xong tú tài, đang cùng bạn bè hào
hứng bàn việc học lên, ông nội con
(bố cuả bố đó) nói rằng học
như thế đã là đủ. Ông nói
thực đấy. Trong đầu ông chả có 1
tẹo ý tưởng nào về việc học
trên đại học cả. Như cái anh
gì, thỉnh thoảng đến với cuốn Kiều,
hỏi ông về mấy điển tích. Anh ấy
học là để sau này đi dậy học.
Anh, ông cụ nhìn bố, cứ tính chuyện
chắc ăn là làm thư ký gì
đó rồi còn cái khỏan vợ con nữa,
21, 22 cả rồi.
À, thì ra vậy
! Cả đời ông cặm cụi với mảnh
vườn, thửa ruộng. Cơ ngơi mỗi
ngày mỗi vững chãi thì ông
đã ruột đau như cắt, lầm lũi dắt
đàn con xuôi Nam. Ông lại phải gẫy
lưng làm lại từ đầu ở miền Nam.
Bao nhiêu vất vả, chỉ mong được
làm chủ một mảnh đất, một khu vườn.
Nay thì khó khăn đã dần qua, nỗi nhớ
về một cơ ngơi lại lên tiếng réo
gọi. Ông luôn thấy rằng chỉ với ruộng
vườn ông mới thấy mình đích thực
là sống. Suốt cuộc đời ông, ông
không nghe ai nói về việc học để trở
thành các ông quận trưởng, tỉnh
trưởng. Nó xa vời quá. Ở thời của
ông là như thế. Cuộc sống còn
quá nhiều điều bất tường, vì
giáo dục còn hạn chế rất nhiều.
Ðược đi học, biết chữ đã
là một đặc ân của con nhà khá
giả. Con ạ, may mắn đã bao nhiêu năm ở
với gia đình ta. Bố vào quân đội,
còn nguyên vẹn trở về làm người
dân thường, lấy mẹ, sinh ra con, và may mắn
nhất là được định cư tại Hoa
Kỳ, mảnh đất quảng đại, giầu của
và cũng giầu lòng. Như bao nhiêu thanh
niên khác, có khả năng là được
đón nhận, cất nhắc. Trường hợp của
con là cụ thể. Nhờ một chút thông
minh con đã được bao nhiêu là ưu
ái từ xứ sở này. Phần con, con phải
cám ơn, đã đành. Con còn phải
khắc ghi trong lòng một điểm son về sự
ngay thẳng của hệ thống giáo dục Hoa Kỳ.
Con, 1 cô gái Á Ðông không thân thế,
ra trường với Valedictorian, học bổng National
Merit hạng tối ưu. Ông nội, nếu còn sống
và biết việc này hẳn ông sẽ vui
vô cùng. Câu ông thường nói: làm người phải biết ân,
biết nghĩa. Ai thi ân cho mình thì
cái điều canh cánh bên lòng là phải
biết báo đền. Con biết không, ông nội
là cái bóng mát lớn, che rợp suốt
thời trai trẻ cuả bố. Cái gì ông cũng
bảo để dành cho bố, cho nó yên
tâm ăn học. Ðoạn cuối cuộc đời
ông, ông sống ở Sàigòn, yên
lành bên con bên cháu. Và cũng chết
như thế, yên lành bên cháu bên con
(còn cả 10 mấy năm sau nữa mới có
con, con ạ). Chuyện kể về ông, nhiều lắm.
Ông ưa nếp sống giản dị, thích
nuôi súc vật, nhất là chim bồ câu.
Chuồng chim của ông lớn lắm, đặt
trên bệ cao của cổng trong. Ông để
ý từng lứa, từ lúc mới dồn trứng
cho 1 con ấp, con này ấp rất siêng, ít
ung, đến khi trứng bắt đầu nở,
ông vẫn theo dõi đến khi chúng ra
ràng. Ðây mới là lúc ông thực
thi cái thú của mình là tập cho chim
bay. Thiệt tình mà nói, từ ngày
có việc tập bay này, số chim chết oan:
rơi xuống ao, rơi trên vườn chuối giảm
đi thấy rõ. Khi tập cho chim bay, ông đứng
trên gò đất cao, con chim ngoan ngoãn trong
lòng tay mở ngửa. Ðây là những con
đủ độ bay: lông cánh và lông
đuôi được coi là đã đầy
đủ. Bao giờ việc huấn luyện cũng bắt
đầu bằng những động tác làm
quen, có tính luyện cho chim dạn: Cái
bàn tay đỡ chim kia cứ từng đợt
đưa lên, hạ xuống nhiều lần (có
khi nhiều ngày), đồng thời với lúc
luyện cho chim dạn ông còn đánh giá
khả năng bay lượn của chim bằng cách lắng
nghe sức quạt của cánh và của cả
đuôi nữa. Rồi cũng đến lúc chim
được bay thiệt. Bàn tay đang nương
kia bỗng vung thiệt mạnh lên và buông ra.
Con chim như được bung ra ngoài khoảng
không và, phản xạ tự nhiên của chim
ta lúc ấy là xòe cánh ra, loạng quạng
chút xíu, thế là bay, bay ngon lành.
Có con không xoay sở kịp, rơi bịch ngay
trước mặt ông (đã được trải
một lớp rơm khá khá) như thế số
phận còn được kể là không
đến nỗi, còn như đuối sức rớt
xuống ao, gì chứ mạng sống chim ta là kể
như đã rất khó qua khỏi với một
lũ cá măng, cá vượt hau háu chực
chờ. Lại như loay hoay đáp xuống vườn
chuối thì số phận kể như cũng đen
thui thủi khác chi cái mõm chị Mực
vì nơi vườn chuối âm u kia, tương
truyền là hằng có một ông Mướp
già, có thói quen ngủ gà ngủ vịt
trên gò đất đầu vườn hay nằm
xoãi phè trên đám lá chuối
khô (để làm bánh gai của cụ Binh Bỉnh),
cũng có khi ông như bị ma đuổi,
phóng vun vút giữa những tầu lá chuối
khô, con nhà lính thì gọi là để
nắm địa bàn. (địa bàn với chả
địa ghế !). Trường hợp nào thì
ông cũng welcome các chàng chim lầm lũi
đi trong buổi chiều tà của phần số
như thế. Có bữa ông tha mạng (chay tịnh,
sám hối chăng ? nào ai biết!). Chỉ biết
mỗi một điều chắc hơn cua gạch
là, gì thì gì, thân chim giờ kể
như cũng đã rũ liệt bởi vô số
những dập vùi từ hàm răng và cặp
vuốt gớm ghiếc kia, có sống cũng chỉ
làm khổ vợ con sau này ! Rách việc
cái anh Mướp Già này thực !Thà
là ông quất cái rốp cho xong. Từng ấy
tuổi đầu mà vẫn còn dỡn với tập
nữa sao ? Thôi đi ông à, giữ lấy
cái đức cho con cháu nó nhờ, mình
thì còn về với Tiên với Tổ ! Chứ
lại không à ? Nói ông hay: Lũ Vàng,
lũ Vện biết ông ở đây chúng
mà lại không rượt cho ông té
đái ra thì tôi có mà đi bằng
đầu ! Ðấy, rồi
ông cứ gióng mắt lên mà xem. Lúc
đó đừng có nói là đây
không có bảo trước, à nghen ! Ác giả
ác báo. Cao minh tất hữu cao minh trị,
ông ạ ! Lúc đó, đừng có
mà kêu Trời cao với Ðất dầy !
Cuộc thao dượt coi như thường
xuyên vì ngoài lợi ích nó còn
là cái thú rất lớn của ông.
Nét mặt ông thiệt là hý hửng khi
nhận ra con chim mình vừa dượt đã
theo đàn trở về. Nó hầu như
tách khỏi đám đông, đứng
ngơ ngơ, cái đầu chúi xuống, gục
gặc từng hồi ...
... Xe ngưng trước cổng. Một khu nhà
uy nghi. Một quần thể, một thành phố
đại học. Một lãnh địa trầm
tư trong một không gian trầm mặc. Ðã
đến lúc bố mẹ từ giã con. Con
gái yêu ! Ngoan nhé. Ði lên, con. Bay lên
cho phỉ. Con bảo con bắt đầu đi tu. Ở
đây thuần là những người học thiệt,
chứ không lơ mơ đâu, bố ạ. Bố
yên tâm ! Ðúng đấy con ạ. Lập
chí và tu thân cũng là một mặt
khác của cái TRÍ, cái DŨNG của một
hiền nhân quân tử đấy con. Thời
nào cũng thế. Chỉ có một chút
khác nhau về tên gọi đấy thôi. Bay lên đi, con. Và hãy
như bầy bồ câu của Nội, luôn biết
quay về cùng cội nguồn, gốc rể. Trong
màn nắng lụa sớm mai này, bố mẹ gửi
đến con một phớt hôn vô vàn
thương yêu.
Ơi, the first lady của bố mẹ.
Duy Nguyễn
(Bai chuyen)