I missed you too !
(Quý Denver )
Có những hình ảnh và sự việc
xảy ra hàng ngày ở chung
quanh mà mình không hay biết cho đến một
ngày phải xa chúng mình mới thật sự
cảm thấy mất mát, một mất mát
vô cùng lớn lao không dễ gì khoả lấp
được.
Ít ra thì đó cũng là trường
hợp giữa Brown và tôi.
Năm 1975, chính xác hơn là ngày
thứ Năm, 17 tháng 7 năm 1975, gia đình
tôi được đưa đến định
cư tại thành phố Arvada, một thành phố
nhỏ, rất bảo thủ ở phía bắc Denver,
thủ phủ của tiểu bang Colorado. Hai ngày sau,
tôi được đưa đến găp ông
Harry Lynch, theo lời yêu cầu của tôi, để
xin việc và được nhận làm việc
tại một tiệm sửa xe hơi của ông với
lương tháng là $750.00. Thứ Hai, 21 tháng
7 năm 1975, tôi đi làm và bắt đầu
cuộc sống mới …
Việc làm của tôi là một thợ
sửa xe nhưng còn phải đảm
trách thêm việc đổ xăng vào xe cho
khách hàng đến mua xăng. Sau mỗi lần
đổ xăng, tôi phải lau kính phía
trước và phía sau xe. Tiền
tip đổ xăng, nếu có, tôi được
hưởng trọn vẹn, không cần cho chủ biết
và cũng không phải chia cho ai.
Một ngày đầu tháng 9,
nghĩa là sau khi làm việc được
hơn một tháng, tôi đổ xăng cho một
ông khách hàng người Mỹ da đen. Tiền đổ xăng
là $8.15 và tiền típ ông cho tôi
là $7.00.
- Thưa ông, ông cho nhiều quá.
- Đây không phải là tiền
tip. Đây
là món quà nhỏ tặng gia đình
ông.
Thì ra, ông khách hàng
người Mỹ da đen đã đọc một
bài viết trên một tờ báo địa
phương nói về gia đình tôi mới
đến định cư tại đây và gồm
có 7 người.
Ông khách hàng người Mỹ da
đen đến đổ xăng rất thường,
khoảng 4 hay 5 tuần một lần, và mỗi lần
đổ xăng cho ông, tôi chỉ trao đổi
với ông đôi lời thăm hỏi hoặc
vài câu liên quan đến thời tiết.
Tôi hỏi tên ông, ông nói: “Just call
me Brown”. Tôi đánh vần
tên tôi là Quý thì ông gọi
tôi là “Khoai”. Từ đó
tôi gọi ông là Brown và ông gọi
tôi là Khoai.
Sự giao tiếp giữa tôi và Brown cho
đến khi ấy chỉ có vậy và bị cắt
đứt khi tôi chuyển đi làm tại một
nơi khác (vẫn cùng một chủ).
* * *
Năm kế tiếp, vào một buổi chiều
thứ Bảy, vợ con tôi kéo tôi đến
một tiệm ăn tại một trung tâm
thương mại để ăn mừng ngày sinh nhật
thứ nhất của tôi trên đất Mỹ.
Đi qua một tiệm cắt tóc nhỏ, tôi
đưa tay lên vuốt tóc, nhìn vào tiệm
thì bất ngờ thấy Brown. Brown cũng thấy
tôi, chạy ra cửa nắm tay
tôi:
- Hey Khoai, I missed you !
Tôi vô cùng mừng rỡ, nói với
Brown là vợ con tôi đang kéo tôi đến
một tiệm ăn để mừng
ngày sinh nhật của tôi và hẹn sẽ
đến thăm Brown sau. Nghe tôi nói vậy, Brown
chạy vào mở ngăn kéo, lấy ít tiền
và dúi vào tay tôi:
- Happy Birthday!
Tôi đếm thấy $7.00.
* * *
Trước khi trở thành một
trung tâm thương mại, khu đất này
có căn nhà của Brown. Tổ hợp thương mại
đã mua lại căn nhà của Browm với một
giao kèo ký kết giữa đôi bên
là Tổ hợp thương mại sẽ mua cho Brown
một căn apartment nhỏ gần đó và Brown
sẽ sở hữu một gian hàng tại trung
tâm như là cổ phần đầu tư
vào trung tâm. Brown đã mướn lại gian
hàng này để mở tiệm cắt tóc.
Brown vừa là chủ vừa là thợ chứ
không mướn ai.
Mỗi tháng tôi đến tiệm của
Brown một lần để cắt tóc. Lúc
đó Brown lấy công cắt tóc tôi
là $2.00, và trong suốt
30 năm dài, Brown vẫn chỉ lấy công cắt
tóc tôi là $2.00
dù sau này giá cắt tóc một người
đàn ông như tôi tăng lên tới
$8.00 hay $10.00. Xen kẽ là những lần tôi
ghé thăm Brown khi cả hai chúng tôi đều
rảnh rỗi để nói với nhau những chuyện
mà người ngoài nghe sẽ chẳng hiểu
là chuyện gì.
Chúng tôi nói với nhau về
những chuyện đăng trên 2 tờ báo lớn
nhất là Denver Post và Rocky Mountain News. Đó là chuyện ông Thống
Đốc tiểu bang Colorado, lên đài phát
thanh, công khai xin lỗi một em nữ học sinh lớp
7 phê bình ông viết sai 10 lỗi chính tả
trong lá thư ông gửi cho em về vấn đề
giáo dục. Chuyện một em gái ở Việt
nam bị tạt acid cháy nửa người và gần
nửa mặt được mấy ông bác sĩ
nhân đạo đưa sang Mỹ chữa trị. Chuyện một ông thầy chùa bị
tòa phạt bồi thường cho một nữ Phật
tử gần 5 triệu dollars về tội xách nhiễu
tình dục.
Chúng tôi cũng nói với nhau về
chuyện kỳ thị da màu ở Mỹ trước
kia, về vấn đề nhân quyền cho người
da màu, về ông Luther King, về chiến tranh Việt
Nam, về chuyện các cộng đồng di dân
đến đất Mỹ, về những cuộc tranh cử
giữa đảng Cộng Hòa và Dân Chủ,
và sau này, về chuyện giao hảo Mỹ Việt
và chuyện nhân quyền tại Việt nam.
Chúng tôi thảo luận, tranh luận,
đùa cợt với nhau để rồi trở
thành hai người tri kỷ, hai người cố vấn
cho nhau, hai người khuyên bảo nhau, hai người
đồng hành tuy không đồng mộng trong suốt
những chặng đời 40, 50 và 60 tuổi.
Tôi chưa bao giờ đến nhà
Brown, chưa bao giờ đi đâu với Brown,
chưa bao giờ ngồi chung với
Brown trong một bữa ăn, vậy mà tôi cảm
thấy Brown như đã trở thành một hình ảnh quan trọng nối liền với cuộc
đời tôi.
Trong lần gặp gỡ chót khi tôi đến
báo cho Brown biết là tôi phài di chuyển
sang California vì cao tuổi, không còn thích hợp
với thời tiết giá lạnh của Denver nữa,
Brown không hỏi gì về chuyện di chuyển
sang California của tôi, nhìn ra ngoài trời một
lát rồi chỉ tay ra hiệu cho tôi ngồi
vào ghế để cắt tóc:
- Tóc ông đã dài, cắt là vừa
rồi. Tóc mọc dài chừng nửa
inch mỗi tháng.
Nửa inch mỗi tháng ?
Như vậy là Brown
đã cắt đi 15 ft tóc của tôi trong 30
năm qua !
* * *
Tôi điện thoại cho Brown biết tôi
đã tới California,
chưa kịp nói hết câu thì nghe thấy từ
đầu giây bên kia:
- Hey Khoai, I missed you, really missed you !
- I missed you too, Brown !
Tôi òa khóc thành tiếng,
không nói được gì thêm. Tai tôi ù lên, không nghe
được gì thêm ngoài tiếng nói rất
nhẹ ở đầu giây bên kia:
- I’ll talk to you later. Take it easy, Khoai !
Tôi đã mất những ngày gần
Brown và tôi biết tôi còn mất nhiều
thứ khác nữa.
Quý Denver
Cuối tháng 3-2008
(Miên Du Ðà Lạt chuyển)