SU'U TÂ`M 8

Home | VA(N | VA(N [tt] | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N VUI | VA(N VUI [tt] | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | VA(N VUI 5 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BA`I VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | BÀI VIÊ'T 7 | TIN ... Su'u Tâ`m ! | CHUYÊ.N LA. KHÓ TIN

BÀI VIÊ'T 3

Chân Dung Phụ Nữ Việt Hải Ngoại

 

Chân Dung Phụ Nữ Việt Hải Ngoại

(NGUYỄN P. HƯNG)

 

 

Bút hiệu là tên thật của tác giả, cư dân Houston từ 1975. Năm 2004, khi 57 tuổi, ông góp cho giải thưởng bài “Xóm Đạo Houston” và nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài mới của ông. Trong lời thưa trước, tác giả viết: Đây là một bài viết ghi nhận những nét đặc biệt về Phụ Nữ Việt Nam Hải Ngoại (PNVNHN). Với các dữ kiện thống kê còn thiếu sót, một bài viết thuần túy về các dữ kiện khó có thể hoàn hảo, không khỏi có tính cách chủ quan. Tuy nhiên, người viết vẫn cố gắng loại bỏ thiên kiến và hy vọng trình bày được một chân dung trung thực về PNVNHN.

 

*

 

PNVNHN là những ai và họ nên được xắp hạng như thế nào cho hợp lý ?

 

Trong giới hạn của bài viết, và trước sự đa dạng, không thống nhất của các sự phân loại, chúng tôi xin tạm đề nghị một sự sắp hạng như sau: PNVNHN có thể chia làm hai thế hệ chính: thế hệ thứ nhất gồm những người đã trưởng thành vào năm 1975, tức là họ đã ít nhất 20 tuổi vào thời điểm đó và thế hệ thứ hai gồm những phụ nữ chưa đầy 20 tuổi vào thời điểm 1975 hay được sanh ra và lớn lên ở hải ngoại sau 1975.

 

Thế hệ thứ nhất có thể chia làm hai nhóm, nhóm thứ nhất gồm những người đã đứng tuổi, tức là khoảng 40-50 tuổi trở lên vào năm 1975; nhóm thứ hai gồm những người từ 20 đến 40 tuổi vào thời điểm đó. Tạm gọi họ là thế hệ 1A và 1B, để tiện việc trình bày.

 

THẾ HỆ 1A

Vào thời điểm này, các người thuộc thế hệ 1A chắc không còn nhiều lắm. Hơn 30 năm trôi qua, nếu ai còn chắc cũng 70-80 tuổi. Trong 30 năm qua, họ cũng đã từng góp phần tích cực vào cuộc sống cho gia đình họ và cho cộng đồng VN hải ngoại và quốc nội. Thế hệ này có lẽ là thế hệ chịu nhiều thiệt thòi hy sinh nhất trong cuộc đời di tản, cả nam giới và nữ giới cũng vậy. Ở thời điểm 1975, số phụ nữ Việt có đủ trình độ ngoại ngữ để sống ở nước ngoài có lẽ rất hiếm hoi. Đời sống của họ ngay lúc còn sống tại Việt Nam đa số cũng không ngoài việc nội trợ gia đình, một số rất nhỏ làm các nghề chuyên môn như giáo sư, bác sĩ, luật sư và thương mại. Khi ra nước ngoài, vốn liếng ngoại ngữ gần như hoàn toàn không có nhưng họ vẫn phải vất vả giúp chồng con chống đỡ gia đình. Ngay cả những bác sĩ, luật sư, ... lúc ra nước ngoài, vấn đề ngôn ngữ và luật pháp hành nghề thay đổi làm nhiều người phải bỏ nghề. Những nhu cầu cấp bách trong cuộc sống không cho phép họ ngồi chơi. Có rất nhiều bà từ lâu chưa từng phải ra khỏi nhà, vì ở Việt Nam, người chồng lo hết mọi chuyện bên ngoài, các bà chỉ lo nội trợ, nay phải ra ngoài xã hội làm lụng vất vả phụ chồng nuôi con. Những bà mẹ Việt Nam cũng đã vùng lên phấn đấu, sống trong xã hội tây phương, làm đủ các việc khó khăn để gây dựng cho con cái, vì với họ, cũng như hầu hết người Việt Nam lúc đó, thì dù có khổ cực sao đi nữa vẫn còn hơn đời sống vô vọng của những ngưòi trong nước.

 

Nếu chỉ dùng tài liệu thống kê để ghi lại thành quả của thế hệ này, chắc chắn chúng ta sẽ phạm một lỗi lầm rất lớn vì tìm đâu ra một tài liệu thống kê ghi lại sự đóng góp hy sinh vô bờ bến của thế hệ này. Hãy tưởng tượng một bà nội trợ Việt Nam, chưa từng nói một câu tiếng Anh, tiếng Pháp, một buổi sáng thức dậy, thấy mình sống trong xã hội tây phương. Bà vùng dậy, dọn bữa ăn sáng cho chồng con, (nếu may mắn có chồng con di tản được) thay vội áo quần, băng ra ngoài mưa tuyết, xuống xe điện ngầm, đến sở làm, ở Montreal, ở Paris, ở New York, hay các nơi lạnh cóng trên thế giới.

 

Thủa xưa các bà Mẹ Việt Nam chân lấm tay bùn, ngày nay các bà mẹ ở hải ngoại cũng không kém gian nan cực khổ, có lẽ còn hơn thế nữa vì quanh họ không có ai, không bà con thân thuộc, toàn những xa lạ khó khăn, và nhất là ngôn ngữ bất đồng. Trước mắt họ, chẳng có gì là hạnh phúc, ngoài hình ảnh các đứa con đang cần sự hỗ trợ của họ để được đến trường, học cho nên người, chứ không trở thành những cái máy của một chế độ phi nhân tại quê nhà, trong thập niên 1980.

 

Các bà mẹ Việt Nam sống hùng, sống mạnh chỉ vì một lý tưởng mãnh liệt: làm sao cho các đứa con của họ được thành người trong một xã hội tự do bình đẳng. Chưa hết, họ luôn luôn nghĩ đến những người còn kẹt lại. Cuộc sống riêng tư của họ dường như không có nữa. Ngoài việc lo cho con cái được ấm no, được đến trường, họ còn cố gắng dành giụm để tiếp tế cho các người thân còn kẹt lại trong nước, có thể là chồng, là con trai, là ông, là cha, là chú, đang nằm trong trại tù cải tạo, hoặc đang lo vượt biên, hoặc còn đang lêu bêu ở các trại tị nạn Thái lan, Mã lai, Nam Dương hay đâu đó. Mỗi tháng các gói quà chuyển về Việt Nam chiếm hết một phần không nhỏ trong ngân quĩ gia đình. Họ sống như các nhà tu khổ hạnh, không dám ăn diện, không dám giải trí. Niềm vui của họ là đàn con được cắp sách tới trường, là có chút quà gởi về cho gia đình, cho những người thân thiết đang ngóng cổ chờ. Hàng năm, số tiền gửi về Việt Nam không nhỏ mà các nhà kinh tế đã cho thấy chính những số tiền các gia đình Việt Nam gửi cho người thân ở Việt Nam, đã là một nguồn tài chính cho chính phủ Việt Nam vượt qua được những khó khăn kinh tế trong mấy thập niên qua.

 

Không có các bà mẹ Việtnam thế hệ 1A, và sau này thế hệ 1B, thì Chính phủ Việt Nam khó mà có được các nguồn tài trợ kinh tế khổng lồ như thế. Ngày nay, hơn 30 năm sau, một số các bà đã không còn nữa. Những người còn sống, một số đang sống cùng con cháu, một số sống trong các viện dưỡng lão. Họ đã già, đang hưởng tiền già, tiền hưu, mà tâm tưởng họ đang nghĩ đến ai ? Các cụ già vẫn nghĩ đến con cháu và các người thân sơ ở quê nhà. Các cụ vẫn để dành tiền già, gởi về cho con cháu hay các viện mồ côi ở quê nhà để giúp đỡ những người kém may mắn. Niềm vui của các cụ là được gửi thân tàn tại quê nhà nhưng mấy ai làm được điều đó ?

 

 

THẾ HỆ 1B

Thế hệ này gồm những PNVNHN ra khỏi nước khi vừa mới lớn, tuổi chừng 20 và bây giờ ít ra cũng đã 50 tuổi. Nhóm này có lẽ là nhóm chịu nhiều thay đổi trong cuộc sống và đạt nhiều thành quả hơn thế hệ 1A. Nhiều người trong nhóm này có khả năng thay đổi kịp thời, gia nhập vào xã hội Tây phương nhưng họ cũng phải qua những giai đoạn vô cùng cô đơn và cam khổ. Hãy tưởng tượng một cô nữ sinh Gia Long, Trưng Vương vừa học hết lớp 12, sửa soạn vào đại học hay đang cắp sách đến đại học, đầy thơ mộng. Bỗng nhiên sau ngày 30 tháng 4, 1975 họ bị ném vào đời sống trên đất Pháp, Hoa Kỳ, Canada, Úc, hay Thụy Sĩ,... không phải với tư cách một du học sinh mà là một người di tản, và bắt đầu cuộc sống tự lập bất đắc dĩ.

 

Mấy ai có khả năng lì lợm, không rơi nước mắt, khóc cho mình, khóc cho cuộc tình dang dở, khóc cho số phần điêu linh của gia đình và đất nước. Có nhiều cô tự nhiên trở thành cột trụ gia đình vì bố mẹ không còn bên cạnh nữa. Hay có còn bên cạnh thì cũng không có khả năng dìu dắt nữa. Bên cạnh cô, còn một đàn em nhỏ. Cô bỗng nhiên trở thành Bà Mẹ Trẻ bất đắc dĩ, dù chính cô cũng đang quá bơ vơ.

 

Tinh thần trách nhiệm và tình thương cố hữu của một người phụ nữ Việt Nam đã sống dậy trong cô, đã giúp cô quên mình và lăn xả vào cuộc sống, vừa đi học, vừa đi làm. Làm bất cứ việc gì để kiếm sống cho chính mình và những người thân, miễn là những việc lương thiện, không làm vẩn đục lương tâm cô. Xin hãy tưởng tượng một cô sinh viên Văn Khoa tối ngày mộng mơ, một sớm một chiều bỗng trở thành cô bé lọ lem, bập bẹ nói tiếng Anh, tập làm phụ bếp trong một nhà hàng. Chỉ mới được làm phụ bếp thôi, vì cô có biết làm gì trong nhà hàng đâu. Kiến thức chuyên môn của cô cũng như sự từng trải cuộc đời cô chưa từng có. Tuần đầu cô được rửa nồi niêu soong chảo. Cô nhỏ xíu. Nhân viên trong nhà bếp của một nhà hàng cô làm cũng tội nghiệp cho cô. Bưng nổi cái nồi to hơn cô đi lau chùi trông tức cười mà tội nghiệp. Tuần sau cô được chuyển qua làm việc lặt rau, có lẽ vì cô bưng không nổi chiếc nồi to. Lặt rau mà cô cứ run lên như bị sốt rét. Cô có bị cảm không ? Bà Mỹ đen hỏi. Nước mắt dầm dề, cô chỉ vào con sâu đo mà mặt tái mét.

 

Tuần sau, cô lại được đổi qua tập làm bánh, chắc là bà Mỹ đen quá tội nghiệp khi nhìn khuôn mặt tái xanh của cô. Bưng một nồi bột quá nặng với cô, cô đâu dám than van hay từ chối. Nói làm sao cho xếp hiểu bây giờ đây ? Thôi cứ gồng mình bưng thử. Dĩ nhiên cô bưng không nổi, và nồi bột đổ tràn lan trên sàn bếp trước sự sửng sốt của mọi người và cô ôm mặt khóc ròng. Những thảm cảnh như thế cứ xảy ra rất thường trong những ngày mới ra đời tại hải ngoại. Nhưng rồi với ý chí can cường, cô cũng vượt qua hết. Khổ cực đã là những động cơ thúc đẩy cô tiến lên, thoát ra khỏi cảnh địa ngục trần gian. Một điều an ủi là cô có những người thông cảm nỗi khổ, những người chung sở giúp đỡ cô, xã hội tự do thông cảm và sẵn sàng nâng cô dậy. Cô vẫn có được tự do. Cô vẫn hưởng được tất cả những gì cô làm ra, cô được bình đẳng với mọi người trong một xứ sở tự do. Cô ráng ngày đi làm, đêm về học thêm, chẳng mấy chốc cô đã có nghề chuyên môn, thay đổi công việc khá, hợp khả năng và nhẹ nhàng hơn. Thời gian qua mau, những ngày làm việc lao động cực khổ hình như đã xa lắm. Rồi đàn em khôn lớn, chúng đã tự túc được phần nào. Một ngày đẹp trời cô cũng lên xe hoa, lập một gia đình mới cho riêng mình. Những đứa con ra đời. Người phụ nữ lại xả thân lo cho con. Không như thế hệ mẹ cô, cô vẫn vừa đi làm vừa lo chuyện gia đình nội trợ. Hơn thế nữa, nuôi con ở hải ngọai không giản dị như ở quê nhà nhà ngày xưa, không chỉ lo cơm no áo ấm là đủ. Cô còn phải lo nhiều thứ khác nữa, nào là cho con chơi thể thao, tập đánh đủ loại banh, tập ca nhạc, đàn hát, hướng đạo, cắm trại, vân vân... để cho con được bằng với bạn bè. Rồi lại còn chở con đi học chữ Việt, để mai sau chúng còn biết tổ tiên nguồn cội Việt Nam, còn nói chuyện được với Ông Bà. Cô muốn các con cô phải là những công dân tốt, được ăn học và giáo dục ít ra cũng như người bản xứ có giáo dục, chứ không thể là những người tầm thường thất học để sau này chúng không phải suốt đời cúi mặt làm những việc lao động như những người thiểu số thất học. Cô không muốn các con cô phải đi lại những bước chân buồn khổ cô đã phải dấn thân qua để vượt lên. Cô cũng muốn con cô là những người Việt Nam, hãnh diện với nòi giống Rồng Tiên. Cô có niềm tự hào là dù cho có bị xa quê chạy nạn cộng sản, đời sống cô vẫn phong phú và can cường hơn. Cô muốn chứng tỏ là họ đã sai lầm khi thi hành các chính sách thù ghét tàn bạo, đưa đất nước lùi lại bao nhiêu năm. Thế hệ của cô và các con cô vẫn vững mạnh và một ngày nào đó sẽ trở về xây dựng lại đất nước, phục hồi lại những truyền thống bao dung tốt đẹp của dân Việt. Bây giờ đã đứng tuổi, nhìn lại những ngày phấn đấu để sống còn nơi xứ người, cô không khỏi ngạc nhiên với nghị lực dũng mãnh của chính mình.

 

Cuộc đời phấn đấu không ngừng như vậy rất tiêu biểu cho phụ nữ Viêt Nam hải ngoại. Họ khác hẳn thế hệ trước và năng động hơn nhiều. Họ không những là các bà mẹ Mỹ, mẹ Pháp.... mà họ còn là các bà mẹ rất Việt Nam nữa. Họ vẫn còn phải lo 'đóng hụi chết' cho bà con ruột thịt còn sống vất vưởng nơi quê nhà. Những gói quà, những phần tiền dành dụm gởi về cho người thân là những niềm hy vọng lớn lao cho những người ở nhà nhưng cũng là những gánh nặng đè lên đôi vai gầy của những phụ nữ Việt Nam hải ngoại. Những hình ảnh bi hùng đó hiếm ai nhìn thấy, kể cả những người đang chịu ơn họ ở quê nhà. Chính những người thân trong gia đình cũng thường tưởng họ đang sống trên nhung lụa như trong các phim ảnh hào nhoáng. Có bao giờ họ dám kể những nỗi cực khổ của mình cho cha mẹ, anh em.

 

Chính quyền cộng sản ca tụng những đồng tiền hàng tỷ đô-la gửi về nhưng không hề biết đến công khó của họ mà còn lắm khi bôi nhọ các sự hy sinh của họ. Thật là một điều đáng buồn và bất công. Không phải tất cả các phụ nữ Việt lúc ra hải ngoại đều thành công cả. Dĩ nhiên đã có những người chịu không nổi áp lực tứ bề của cuộc sống, của sự cô đơn và thất vọng nên đã thất bại và vẫn còn phải sống cơ cực, nhưng đa số đã vươn lên và thành công tốt đẹp. Nếu không, làm gì ta có một thế hệ thứ hai đang sống rất vững mạnh tại hải ngoại ? Đó là một sự kiện hiển nhiên không ai có thể chối cãi đuợc dù ta đang sống ở đâu đi chăng nữa.

 

Cuộc sống kinh tế khó khăn nhưng họ vẫn vượt qua và có những sinh hoạt văn hóa rất đáng kể. Những người PNVNHN hình như đã thay đổi rất nhiều để thích ứng với hoàn cảnh mới. Cộng đồng Á Châu nói chung, và cộng đồng Việt Nam nói riêng đã khác hẳn với các cộng đồng thiểu số khác với sự lớn mạnh, hòa hợp và trưởng thành mau lẹ vào đời sống mới. Họ đã mau chóng ra khỏi giai đoạn được bảo trợ, sống nhờ vào các hệ thống từ thiện và an ninh xã hội của các nước họ định cư và trở thành những thành phần đóng góp tích cực vào đời sống văn hóa và sự thịnh vượng kinh tế cho các xứ sở mới đang dung chứa họ. Họ đã lột xác để trở thành những con người đa dụng hơn so với thế hệ trước. Họ đã tham gia vào các sinh họat trong xã hội mới, làm những nghề mà trước đây phụ nữ ít khi đặt chân tới. Ngoài những nghề rất thông thường trong giới phụ nữ như buôn bán, dạy học, y tá, bác sĩ, nha sĩ, ... ta còn thấy nhiều khuôn mặt phụ nữ trong các lãnh vực luật pháp, ngân hàng, quản trị, tài chánh, địa ốc, bảo hiểm, truyền thông, vân vân.

 

Một số đã làm chủ hay điều khiển các đài phát thanh hay những công ty tài chánh, thương mại. Họ cũng hoạt động mạnh trong lãnh vực nghệ thuật như ca nhạc hội họa và phim ảnh. Trong giới nghệ sĩ chúng ta không lạ gì những tên tuổi như Kiều Chinh, Mai Hương, Kim Tước, Khánh Ly của thế hệ 1A hay những khuôn mặt trẻ trung hơn như Khánh Hà, Ý Lan của thế hệ 1B. Trong văn giới phải kể đến Nhã Ca và những tài năng trẻ hơn như Mai Ninh, Phan Thị Trọng Tuyến, Miêng, Đỗ Quỳnh Dao tại Pháp, Trần Mộng Tú tại Hoa Kỳ và nhiều người nữa. Trong lãnh vực hội họa có Bé Ký, Nguyễn Thị Hợp, vân vân. Rất nhiều người tuy tên tuổi không thường được nhắc đến nhưng đã đóng góp không ít cho đời sống cộng đồng Việt ở hải ngoại. Sự hiện diện phồn thịnh của các cơ sở thương mại Việt Nam ở California, Texas, Washington, Washington D.C, hay ở Canada, Pháp, Australia và rất nhiều nơi khác trên thế giới là những bằng chứng cụ thể do những bàn tay và khối óc của PNVNHN.

 

THẾ HỆ THỨ HAI

Thế hệ thứ hai tiếp nối những thành quả của Mẹ. Thế hệ này bây giờ đã trên 30 tuổi. Một số rời Việt Nam lúc chưa tới 20 tuổi và trưởng thành ở hải ngoại. Một số sinh ra và lớn lên ở hải ngoại. Họ đã hấp thụ văn hóa tự do xứ người và đã chứng tỏ một sự lột xác rõ rệt, thoát ra khỏi sự gò bó cổ truyền, tiếp nhận văn minh Tây Phương, thể hiện một đường lối sống tự do nhưng vẫn duy trì những cái hay, cái đẹp của truyền thống Việt Nam và cũng rất thành công trong mọi lãnh vực.

 

Sự đóng góp của những người con gái Việt Nam sinh ra hay lớn lên ở hải ngoại có nhiều sắc thái đặc biệt. Đa số, họ nhìn cuộc đời lạc quan và cởi mở hơn, ít bị ám ảnh bởi chiến tranh và đau khổ ngục tù của thế hệ trước.

 

Cuộc chiến trước 1975 dường như chỉ là bóng mờ. Một số cũng có nhiều khắc khoải, muốn trở về nguồn cội, tìm lại tình yêu quê hương một cách rất hồn nhiên, không oán thù sợ hãi. Mặc cảm của người di tản dường như không còn nữa. Họ trực diện với cuộc đời, tranh đấu ráo riết để thành công trong mọi lãnh vực. Rất nhiều trường hợp, sau khi đã thành công, họ hướng về nguồn cội, tìm lại cá tính của chính mình, khi nhận ra mình có một cái gì khác lạ với dân bản xứ, dù chính họ cũng sinh ra trên cùng một đất nước, và đôi khi chính cha, hay mẹ họ cũng là người bản xứ. Họ nhận ra trên khuôn mặt họ vẫn có một nét gì rất Á Đông, rất Việt Nam. Họ trở về, hoặc là trên những chuyến du lịch thăm Việt Nam, hoặc là trong các sinh hoạt tâm linh sáng tạo nghệ thuật. Với họ, các gánh nặng, trách nhiệm trợ giúp kinh tế cho người thân tại ViệtNam không còn nữa. Họ nhìn lại hoàn cảnh đất nước Việt Nam với cái nhìn khác hơn thế hệ trước. Họ sốt sắng tham dự vào các phong trào từ thiện, cứu giúp người nghèo khó, các trẻ mồ côi với tình đồng loại chứ không phải như người ruột thịt nữa. Tại các nơi đang sống, họ tham gia vào các sinh hoạt như một công dân bản xứ. Ngoài các hoạt động lo cho sinh kế, họ bắt đầu tham dự vào các sinh hoạt chính trị địa phương như những người bản xứ đích thực. Thực ra họ đã trở thành người bản xứ, tích cực tham dự vào cuộc sống địa phương. Quê hương Việt Nam đối với họ chỉ là những khắc khoải tâm linh, muốn tìm lại nguồn cội mà thôi.

 

Dĩ nhiên họ cũng đang đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống gia đình, họ cũng phải cố gắng lo về sinh kế nhưng khác hẳn với thế hệ trước, họ sẵn sàng chọn việc làm mà họ thích thay vì việc làm đem lại nhiều lợi tức. Tinh thần tự do cá nhân, độc lập kinh tế được thể hiện rõ rệt ở thế hệ này vì dù sao họ cũng không còn tiêm nhiễm văn hóa Việt Nam sâu xa như thế hệ trước và hoàn cảnh cũng như khả năng kinh tế của họ cũng cao hơn thế hệ trước. Họ tự tin và bình đẳng với phái nam và có nhiều cơ hội cũng như tinh thần cá nhân hơn thế hệ trước. Sự tự tin và tinh thần cá nhân đã được thể hiện rõ ràng qua các thành quả mà thế hệ này đã và đang đạt được.

 

Ngoài các nghề thường thấy, họ còn xuất hiện trong lãnh vực tài chánh, quản trị và chính trị dân cử nữa. Họ đã chính thức rời khỏi mặc cảm di dân của thế hệ trước và bước vào sinh hoạt của 'dòng chính'. Đã có các thẩm phán, những chức vị dân cử là phụ nữ gốc Việt ở nhiều nơi trên thế giới, đó là điều hiếm thấy ở phụ nữ, ngay cả các phụ nữ đang sống tại Việt Nam. Các PNVNHN ở thế hệ này cũng thấy xuất hiện ở các lãnh vực nghệ thuật, phim ảnh, thương mại, giáo dục, thời trang, chính quyền, truyền thông, quân sự, khoa học kỹ thuật, thể thao. Trong giới khoa học chúng ta không mấy ai không biết đến kỹ sư Dương Nguyệt Ánh, người đang điều khiển Viện Nghiên Cứu Vũ Khí cho quân lực Hoa Kỳ và vừa được trao tặng huy chương an ninh Quốc Gia của Hoa Kỳ. Danh sách các thành quả của họ được liệt kê chi tiết trong các trang trên mạng lưới toàn cầu, xin tạm liệt kê vài trang tiêu biểu như sau:

 

www.covn.org

www.vaylc.org (Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt Tại Hoa Kỳ, Vietnamese American Youth Leader Conference)

www.ameredia.com/demographics/vietnamese.html

http://en.wikipedia.org/wiki/Vietnamese_American

 

 

Lời kết:

Cuộc di tản 1975 và những cuộc vượt biên tìm tự do của dân Việt trong 20 năm sau đó, đã làm bao nhiêu người Việt đau khổ cùng cực vì phải bỏ quê hương ra đi tìm Tự Do. Hàng triệu người Việt đã phải sống ly hương trên khắp thế giới. Riêng tại Hoa Kỳ, thống kê năm 2006 đã ghi nhận có 1,599,394 người Hoa Kỳ gốc Việt sinh sống. Dân Hoa Kỳ gốc Việt đã đóng góp nhiều cho văn hóa cũng như kinh tế Hoa Kỳ. Dân Việt cũng đã góp phần tích cực và làm giàu cho văn hóa và kinh tế các quốc gia đã dung chứa họ như Canada, Pháp, Úc, Anh, vân vân ... và đồng thời đã giúp cho nền kinh tế Việt Nam hàng tỷ Mỹ Kim mỗi năm, một nguồn viện trợ mà chính quyền Việt Nam không thể có từ bất cứ một cường quốc nào trên thế giới.

 

Đa số Phụ Nữ Việt Nam Hải Ngoại cũng đã thoát khỏi những khó khăn ban đầu và thế hệ thứ hai đang mạnh dạn tiến vào sinh hoạt của dòng chính tại nơi họ đang sống, xứng đáng là con cháu của Bà Trưng Bà Triệu. Họ đã làm rạng danh dân tộc Việt và mặc dù phải tha hương, họ vẫn vùng lên sống hùng sống mạnh trong thế giới Tự Do, làm giàu cho văn hóa Việt và các nền văn hóa khác trên thế giới.

 

Cách đây khoảng 50 năm, nhà thơ Hồ Dzếnh đã viết về Phụ Nữ Việt Nam:

 

"Nếu chữ Hy Sinh có ở đời

Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực

Cho lòng cô gái Việt Nam tươi"

 

Những vần thơ bất hủ này áp dụng cho Phụ Nữ Việt Nam Hải Ngoại vẫn vô cùng thích hợp.

 

 

NGUYỄN P. HƯNG

 

(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)

 

website counter