NỊNH VỢ
(Phong Nghệ)
Theo khảo sát của khoa học thì
loài chuột nhỏ xíu mà sức sinh sản
quả là khủng khiếp. Từ lúc sinh đến
5 tuần sau đó là chúng làm bổn phận
truyền giống rồi. Mà cái giống chuột
khôn đáo để. Nhà tôi chỉ
có một con chuột nhắt mà đặt bẫy
đến mấy tuần sau mới bắt được.
Thế mới biết chúng ranh ma thế nào.
Còn theo truyền thuyết thì chuột láu
cá khi Ngọc Hoàng mở cuộc thi chạy
đua; cứ theo thứ tự đến đích
mà sắp xếp tên gọi của mỗi năm.
Gã Mèo không nhớ ngày thi, hỏi Chuột
bị Chuột lừa nói sai ngày. Chuột
bám sừng Trâu khi lội qua sông, vừa
lên bờ Chuột nhảy ngay xuống chạy về
nhất. Thế là tuy thân nhỏ xíu nhưng
lại được xếp đầu bảng của 12
con giáp. Còn gã Mèo thì từ
đó căm thù loài Chuột, cả đời
cứ tìm cách diệt hết mấy anh chuột
láu cá.
Theo tử vi Tàu thì những người cầm
tinh con Chuột thuộc loại ham muốn nhục dục
rất mạnh (lust star) hay gọi văn vẻ một
chút thì đời sống tình dục của
họ thuộc sao lãng mạn (romantic star). Tôi lại
không tin mấy anh Tàu lắm. Thế cái đất
nước nhung nhúc với dân số 1 tỷ 3
đẻ suốt mấy nghìn năm nay toàn
là người cầm tinh con chuột hết à ?
Người tuổi nào mà chẳng có
lúc nhục dục bốc lên đến tận
đầu, cứ gì phải là tuổi chuột.
Mà nói đến lãng mạn thì cũng
phải nói đến hào hoa, một cử chỉ
cần phải có của đàn ông đối
với đàn bà con gái. Trong đời sống
gia đình, tính hào hoa vẫn cần
được duy trì, nâng niu chiều chuộng vợ,
bảo đảm sự lãng mạn trong cuộc sống
lứa đôi.
Mấy chục năm về trước thì phần
lớn người phụ nữ Việt sống trong cảnh
“nước mắt chan cơm”; nghĩa là
đời sống làm dâu khổ cực vô ngần.
Tôi có bà cô, theo lời bà kể lại,
về làm dâu là làm tôi cho cha mẹ
chồng, kể cả bầy em trai em gái của chồng
là thường. Ăn cơm phải ngồi ngay nồi
cơm, cả dòng họ ngồi chật chiếu cả
đến mười mấy người. Vừa bưng
bát cơm và được một miếng
đã có người đưa bát cơm
để xới. Cứ bới hết một vòng
thì lại đến người khác, liên tục
như vậy cho đến hết bữa ăn nên
người con dâu chẳng còn thì giờ
để ăn nữa. May ra khi dọn cơm xuống bếp
còn lại được chút gì thì
ăn, còn không thì bụng đói.
Đó là chưa kể đến cảnh bà
mẹ chồng còn nhiếc mắng khi canh không ngọt,
cơm hơi nhão. Lại còn mấy cô em chồng
đôi khi lại theo mẹ hành hạ chị
dâu. Cái khổ kể không bao giờ hết.
Ôi thôi ! Khi bà mẹ chồng đã
ghét thì có muôn nghìn cách để
kiếm chuyện. Mà đứa con dâu có phải
cong cớn, đỏng đa đỏng đảnh
gì để bà mẹ chồng ghét
đâu (vì nếu có tính ghét đến
thế thì bà đã không cưới về
làm dâu) mà suy đi tính lại cũng do
tâm lý của mấy bà cụ. Đó
là tâm lý “trả thù”. Nói ra
nghe hơi quá đáng nhưng sự thật cũng
gần như thế. Thời các bà cụ về
làm dâu bị hành hạ thế nào
thì đến thời bà có con dâu
thì bà cũng phải hành hạ đến
như vậy. Cái kiểu “đoạn trường
ai có qua cầu mới hay”. Chưa kể đến
tâm lý “ghen” với đứa con trai.
Cái “ghen” này thật ghê gớm,
vì đứa con trai trong vòng lễ giáo
không thể bệnh vợ (cho dù vợ
đúng) trước mặt cha mẹ nên số phận
làm dâu cứ gọi là triền miên
đau khổ.
May quá, thời đại văn minh, số phận
người phụ nữ Việt dần dần được
coi trọng. Nhất là lưu lạc sang các nước
phương Tây, vai trò của phụ nữ Việt
lại càng nổi bật. Càng ngày càng
nhiều đàn ông Việt biết nâng niu chiều
chuộng vợ. Tình yêu vợ chồng thêm
đậm đà, bảo đảm hạnh phúc
gia đình.
Có chuyện kể về một ông tuổi
cũng gần sáu bó, bà vợ cũng khoảng
đó. Một lần thiết đãi bạn
bè tại nhà, ông ta cứ mở miệng gọi
vợ bằng những tên tình tứ như
“em yêu dấu”, “con mèo của anh
ơi”, “cưng ơi”… Bà vợ
đã qua tuổi tắt kinh, người cứ
béo phì lên thế mà ông chồng một
hai mở miệng cứ gọi là “bé
ơi” nghe như lấy dùi đâm vào lỗ
tai khách. Người bà ngót nghét cỡ
hai trăm cân chứ bé bỏng ở chỗ
nào ? Mẹ nó, già rồi chứ còn son
trẻ gì mà ấm ớ gọi vợ bằng những
cái tên nghe đến phát ngượng.
Đành rằng những tên gọi như thế
không có gì sai trái nhưng là để
cho bọn trẻ kia, hoặc những người mới
bước vào tình trường, con tim còn
sôi nổi với tình yêu. Bạn bè lẳng
lặng ăn chứ không dám nói gì, chỉ
đưa mắt nhìn nhau mà lòng nghẹn
ngào muốn … cáo từ ra về. Cuối tiệc,
nhân bà vợ dọn dẹp ở nhà bếp,
một người bạn mới đánh bạo
lên tiếng:
- Thấy ông bà còn tình tứ với
nhau tôi phải ngả nón khâm phục.
Chủ nhà ngơ ngác:
- Tình tứ cái chỗ nào ?
- Thì ông gọi vợ là “bé
ơi”, “cưng ơi”, tôi nghe phát sốt
cả ruột.
Ông phất tay chép miệng:
- Tình tứ cái quái gì. Độ
rày trí óc tôi lú lẫn lắm,
không biết có phải bệnh Alzheimer hay
không nữa. Khoảng mấy tháng nay tôi
quên tiệt cái tên cúng cơm của bả
rồi nên đành phải kiếm mấy tên
khác mà gọi.
Đó chỉ là chuyện vui nhưng nếu
có xảy ra cũng xảy ra đúng như thế
cũng chẳng sao. Vợ chồng già đến mấy
mà gọi nhau bằng những tên như thế
càng thêm đậm đà. Có điều
biết ý mà gọi, biết chỗ mà
kêu, hoặc lâu lâu gọi vợ một
phát như thế thì hay quá, ai dám
nói gì. Không chừng đó lại
là một gương tốt cho con cái trong đời
sống vợ chồng. Đúng ra cái gì cũng
thế, nếu không khéo thường đi
quá đà, vượt qua cái thói thường
trong xã hội. Thương yêu chiều chuộng
vợ là điều kiện ắt có và
đủ để bảo đảm hạnh phúc gia
đình. Chiều chuộng quá mức lại
gây ra cảnh chướng tai gai mắt. Bản
thân người viết gặp ba trường hợp
nịnh vợ nhãn tiền gây ra những cuộc
tranh cãi trong đám đàn ông. Hỏi
ý kiến thì tôi chỉ cười xòa.
Đành rằng tôi chẳng chiều chuộng vợ
đến mức như ba đấng trượng phu
“mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh
bao” này, nhưng tôi cũng chẳng lấy
đó làm gương để bắt chước
và tôi cũng chẳng chê bai gì. Mà cũng
may, nhà tôi cũng không đòi hỏi
tôi phải bắt chước, ra cái điều
anh không được ga-lăng như người ta,
nhìn họ mà em phát … thèm (thú
thật với quý vị, tôi thì phát
… điên). Nếu nàng ỉ ôi như thế
thì đời tôi khốn nạn vì làm
sao tôi đủ khả năng để bắt
chước cái “đức tính” tốt ấy.
Ông Trời vẫn còn thương tôi nên
gia đạo vẫn còn yên ấm.
Đầu năm “ăn cơm mới, nói
chuyện cũ”, tôi xin đơn cử chuyện
ba đấng mày râu trên để quý vị
liền ông học hỏi.
1. Cứ tạm
gọi là ông A đi. Ông A ăn nói
không được chững chạc lắm. Trước
đám đông ông thích cầm micờrô,
nhưng lại có tật cà lăm. Khán giả
nghe được câu đầu, đến câu thứ
hai phải chờ chừng 5 phút ông mới rặn
xong. Ngược lại, bà A ăn nói lưu
loát. Bà lại giỏi quán xuyến mọi
chuyện trong ra ngoài. Dáng bà duyên
dáng, ăn nói lịch thiệp nên ai cũng
muốn nghe. Không biết có phải ông A
quá nể phục tài của bà hay không
mà hễ cứ ngồi nói chuyện với bạn
bè được dăm ba câu, là y như rằng
ông chuyển ngay đề tài nói về vợ
… mình. Ông khen bà không tiếc lời,
nào là bà nhà tôi mới hôm qua
thuyết trình đề tài này, đề
tài nọ ở cơ quan nọ. Có hôm
ông lại khoe vợ ông được cơ quan nọ
đến phỏng vấn. Phỏng vấn chuyện
gì thì ông chẳng nói. Ban đầu,
bà con còn chú ý đến những lời
khen của ông, riết rồi người ta im lặng
cười ruồi. Ông không cần biết điều
đó, ông cứ thao thao bất tuyệt với một
điệp khúc cũ rích. Nhân gian có bản
nhạc mang tựa đề, “Yêu Em Bằng
Nguyên Trái Tim”; gặp ông A có lẽ
nên đổi lại, “Nịnh Em Bằng
Nguyên Trái Tim” e rằng cũng chưa xứng
vì ông khen vợ ông với tất cả tấm
lòng chiều chuộng vợ, hết cả linh hồn,
hết trí khôn.
Có lần ông đứng ra tổ chức một
buổi học hỏi về nghệ thuật nói
trước công chúng. Chả là ông cũng
có chân trong một hội ái hữu. Ông
hăng hái đề nghị đến văng nước
bọt bà vợ ông phải là diễn giả
duy nhất trong buổi học hỏi này. Ban tổ chức
là ông, diễn giả duy nhất là vợ
ông. Thế thì ai đến tham dự ? con
cái và họ hàng nhà ông chứ
còn ai nữa. Chỉ tiếc là họ hàng
nhà ông không ai rảnh nên buổi học hỏi
vắng hoe, chỉ lác đác dăm ba mạng ngồi
ngáp vặt chờ bữa trưa. Khổ nỗi,
ít người thì bà vợ lại không
có hứng để trổ tài nên
đành dẹp bỏ. Bà con mất đi một
dịp để học hỏi “nghệ thuật
lói” của bà.
2. Ông
này tạm gọi là ông B. Ông này mới
thật đặc biệt. Tuổi đời tính ra
ông cũng gần sáu bó. Tuy sáu bó
nhưng ông vớ được cô vợ tài
năng ra gì. Mả cha nhà ông táng
đúng hàm rồng nên quả thật cô
vợ (phải gọi là cô vì cô trẻ
hơn ông trên con giáp) tài năng khó
ai sánh nổi. Đàn địch cô biết
khảy, mà có phải loại đàn thường
đâu, đàn bầu, đành tranh cô
thông thạo. Trình độ gảy đàn của
cô tuyệt chứ chẳng phải vừa. Thằng
đàn ông nào nghe cô gảy đàn
lúc nửa đêm dám bỏ nhà
đào bôn theo cô lắm. Tiếng đàn
có ma lực đến thế cơ mà. Văn
thơ cô cũng biết lai rai. Lúc ngẫu hứng,
cô làm một bài thơ, viết một đoản
văn. Đã vậy, cô lại biết ngâm
thơ nữa kia. Giọng ngâm này mà đi thi
bảo đảm chắc chắn đứng nhì, chỉ
sau Hồ Điệp.
Ông Trời có mắt hay sao không biết
vì khi đặt cô vợ tài giỏi gá
nghĩa với ông thì bù lại ông chẳng
có một tài năng nào nổi bật.
Ông cũng xoàng xoàng như mọi người.
Đúng ra, ông có một tài duy nhất,
đó là tài nịnh vợ. Ông khen vợ
không tiếc lời, hễ ngồi xuống chưa
nóng đít, mới dăm ba câu hỏi
thăm, ông xổ ngay văn chương nịnh vợ.
Có một lần bạn bè đang ngồi chuyện
vãn thì ông dẫn vợ sà vào. Biết
tính ông nên bạn bè chẳng ai hỏi
thăm để ông có cớ nói về
cô vợ trẻ. Một ông tính tình
khá cộc cằn, nghĩa là mở miệng ra cứ
như chó cắn gậy ăn mày. Và dĩ
nhiên ông chẳng bao giờ đem vợ ra nói
trước bàn dân thiên hạ cả. Ông
có vẻ không được thoải mái khi
ngồi chung bàn với ông B nên ông đứng
dậy xin kiếu. Ông lại lịch sự chào một
vòng hết mọi người. Nhìn ông B,
ông chào: chào anh chị B tôi về.
Ông B ứng khẩu liền, thôi đừng gọi
anh chị B, gọi anh chị Lan cũng được
mà. Ông ớ ra và chợt nhớ Lan là
tên cúng cơm của vợ ông B. Khi hiểu
ra, ông bèn nổi tính cộc:
- Thế nhà anh theo chế độ mẫu hệ
à ?
Ông B cười hì hì:
- Thì tôi nói với bà xã cho mấy
đứa con theo họ mẹ mà bả không chịu
…
Ông ngắt lời:
- Anh nói thối như cứt.
Rồi ông quay lưng đi một mạch.
3. Tạm gọi
là ông C. Me-xừ này trời phải chịu
thua. Tôi bảo đảm trên đời này
không thể có một thằng liền ông
nào chiều chuộng vợ như ông C. Cứ
nghe bên các nước Âu Tây, đàn
ông họ nịnh đầm đến độ tuyệt
vời. Chả thế mà các bà vợ Việt
chứ chê ông chồng Mít ở nhà
không có một chút máu nịnh đầm
nào trong người. Hỡi các bà vợ Việt
nam ơi ! Xin đừng vội lên án chúng
tôi, xin mời quý liền bà gặp ông C,
tôi bảo đảm các bà phải thay đổi
thành kiến ngay. Đàn ông Âu Mỹ chẳng
là gì cả so với trình độ chiều
chuộng vợ của ông C. Chuyện như thế
này …
Vợ chồng tôi được mời dự
một buổi cơm chiều gồm bá quan văn
võ, đủ cả. Trong bữa cơm, vợ chồng
tôi ngồi cạnh vợ chồng ông C. Ăn uống
vui vẻ, bữa cơm ngon miệng, nói chuyện
rôm rả, ai nấy đều bằng lòng
và cám ơn chủ nhà. Tàn tiệc, vợ
chồng ông C. về trước. Bắt tay chào từ
biệt xong xuôi, ông C. mới lấy chiếc
áo choàng mặc cho vợ. Bà vợ ưỡn
người xỏ hai tay, tự cài lấy cúc
áo. Trong khi đó, ông C. chạy vội về
phía cửa, lấy đôi giày cao gót của
bà vợ. Ông đem đến, quỳ xuống, xỏ
từng chiếc vào đôi chân thon thon của
vợ. Bà vợ nhón một chân lên cho
ông xỏ giày, miệng vẫn nói chuyện
huyên thiên với chủ nhà. Xỏ xong,
ông còn cẩn thận buộc dây giày cho
vợ. Ông làm thế với cử chỉ thật
từ tốn, nâng niu, cẩn trọng. Ông lặng
thinh để hết tâm trí vào công việc
“linh thiêng” đó. Tưởng một chức
sắc cử hành nghi thức tôn giáo cũng
nghiêm trang đến thế là cùng. Cử chỉ
của ông không thừa không thiếu, tất cả
thao tác đều nhuần nhuyễn, thuần thục
chứng tỏ ông đã làm thế nhiều
lần. Tôi nghĩ, đôi chân của bà vợ
chắc phải đẹp lắm nên ông mới hứng
như hứng hoa vậy. Nhìn ông đặt
đôi giày xuống đất, một tay nâng
chân vợ lên, rồi ông cầm lấy chiếc
giày xỏ vào chân vợ (chứ không
đặt chân vợ vào chiếc giày),
tôi thấy liền ông Việt ăn đứt liền
ông Âu Tây về khoản ga-lăng. Lúc vợ
ông đứng khập khiễng (vì phải co
chân cho ông xỏ giày) tôi mong ông xỏ
giày vào ngay chứ bà vợ đứng một
chân mà bổ nhào chỏng gọng thì bỏ
mẹ. Bà lại mặc váy, chổng bốn
vó lên trời xem không đẹp mắt một
tí nào. Không chừng bị ngã ngượng
quá, sẵn giày bà lại bổ lên đầu
ông thì buổi tiệc lại mất vui vào
phút chót. May quá, bà vợ đứng một
chân thoải mái, vững như bàn thạch,
bình thản để ông xỏ xong đôi
giày.
Tôi ngả nón khâm phục ông.
Tôi phục ông vì tôi không làm
được cái điều ông làm.
Nói đúng ra, tôi không nghĩ được
chiêu chiều vợ tuyệt vời như ông. Thấy
sang bắt quàng làm họ, nhờ ông mà
tôi có quyền khoe khoang rằng đàn
ông Việt biết chiều chuộng vợ ra phết.
Các bà đừng vơ đũa cả nắm.
Ông xứng đáng đại diện cho lớp
liền ông Việt ở hải ngoại, trong
đó có tôi. Xin cám ơn ông
đã dạy tôi một bài học về
cách xử thế đối với đàn
bà, nhất là vợ.
Có điều sau khi vợ chồng ông C. về,
ông chủ nhà có bật mí thêm
là tính ông C. tồi hồi nào vậy rồi.
Chỉ khác một điều là ông chỉ
làm thế khi có đông người, nghĩa
là ở chốn công cộng, còn ở
nhà thì bà tự xỏ lấy mà đi.
Còn bà vợ cũng hơi cắc cớ, nhà
có chục đôi giày khác nhau nhưng
đi dự tiệc bà luôn luôn đi
đôi giày có quai để chồng có
cơ hội xỏ giày và buộc dây cho
bà. Thế mới biết vợ chồng ông C.
đề huề. Chồng chiều vợ hết
mình, còn vợ cũng tạo cơ hội để
cho chồng ga-lăng.
Năm hết Tết đến, đó là 3
gương nhãn tiền để đàn ông
chúng ta cố tâm học hỏi, mang lại niềm
vui cho vợ nhà. Riêng tôi thì chịu,
mãi đến giờ này mà cũng chưa thực
hành được một gương nào. Thế
mới biết sự học khó làm sao.
Phong Nghệ
(Bai Chuyen)