Hội Nhập
(Karen N. Nguyễn)
Karen N. Nguyen , sinh
năm 1962, trưởng nữ trong một gia đình
H.O., hiện là một dược sĩ, làm việc
và cư trú tại Virginia.
Cô đã góp nhiều bài
đặc biệt cho giải thưởng viết về
nước Mỹ và đã đã nhận một
trong 4 giải chính Viết Về Nước Mỹ
2004. Năm 2006, Karen viết “Tuyệt Tự”,
câu chuyện về cái bướu lạ của
phụ nữ, với nhiều thông tin mới,
được đông đảo bạn đọc
theo dõi. Sau đây là một
bài viết ngắn của cô.
*
Lớp học chiều cuối năm im
như tờ. Cả
trăm đứa sinh viên ngồi trong giảng đường
cắm cúi làm bài kiểm tra. Ráng
lên, ráng lên, chỉ một tiếng rưỡi
đồng hồ phù du nữa thôi, rồi semester
sẽ chấm dứt, rồi sẽ có gần một
tháng nghỉ đông để phục hồi sinh
lực cho mùa semester mới. Ráng
lên, cô sinh viên Việt Nam đã tự nhủ
như vậy trong khi chờ giáo sư phát đề
thi. Một trăm câu hỏi trắc nghiệm, mỗi
câu một điểm. Câu này chọn
cách trả lời A, câu này cách trả lời
C, cây bút chì trên tay cô gái di động
qua lại lên xuống trên tờ giấy, tô hết
cái ô hình tròn này đến cái
hình tròn khác. Ráng lên, ráng
lên...
Sau gần nửa tiếng đồng hồ,
ông giáo sư đứng lên bục giảng bất
chợt lên tiếng, kêu sinh viên chú ý
nghe. Cả lớp
ngước nhìn lên. Hôm nay tôi cho
thêm câu hỏi bonus 10 điểm, ông giáo
sư nói, rồi bắt đầu viết lên bảng:
Hãy kể tên những con nai kéo xe
của Santa Claus. Ồ, đám sinh viên cười
hân hoan, câu này dễ quá, thầy
đúng là am hiểu tụi em, Christmas đến
mà cho câu hỏi bonus này là đúng
điệu rồi.
Dễ quá ? Cô
sinh viên Việt Nam
ngẩn người ra trước câu hỏi bonus
trên bảng. Ông già Noel có bao nhiêu
con nai kéo xe kìa ? Sáu con,
tám con, mười con ? Cô nhớ
có xem mấy đoạn phim hoạt họa về
ông già Noel, có thấy mấy con nai kéo
xe, nhưng tên của chúng ư ?
Mấy con nai cũng có tên à ?
Cô lắc đầu, chịu thua. Câu hỏi bonus này cô không có
câu trả lời.
Sinh viên bắt đầu lục tục
đứng lên nộp bài. Đứa nào cũng
nôn nóng được thoát ra khỏi giảng
đường để về nhà, bắt đầu
kỳ nghỉ đông kéo dài 4 tuần lễ.
Ông giáo sư cho một tiếng rưỡi để
làm bài, nhiều đứa chưa làm đến
45 phút đã đứng lên, nộp bài,
rồi nhanh chân bước ra khỏi lớp. Bài
này tớ có ăn con C đi nữa
thì tớ cũng pass môn này, một anh
chàng sinh viên sau khi nộp bài xong lúc
đi ra nói với người bạn như vậy.
Hahaha, ăn 10 điểm bonus sao mà
dễ quá xá... Tiếng cười
và tiếng bước chân của mấy người
bạn học xa dần, xa dần.
Cô sinh viên Việt Nam nhìn
quanh. Lớp
chỉ còn chừng chưa tới hai chục đứa
ngồi lại. Cô nhìn xuống
tờ giấy bài thi của mình, rồi nhìn
đồng hồ. Còn tới nửa
tiếng nữa mới phải nộp bài. Cô nhìn lại mấy câu hỏi, rồi
kiểm tra mấy câu trả lời của mình.
Xong xuôi, cô vẫn còn thời
gian. Bây giờ cô bắt đầu lục lọi
trong trí xem cô có nhớ gì về những
con nai kéo xe của ông già
Noel hay không. Ồ Rudolph !
Đúng rồi, Rudolph, tên của con nai có
cái mũi đỏ sáng như bóng
đèn đứng ở đầu của
đoàn nai kéo xe cho ông
già Noel trong một đêm tuyết mịt mù.
Cô nhớ ra rồi ! Rudolpho the
red-nosed reindeer, has a shiny shiny nose... Âm dài bài hát bắt đầu
văng vẳng trong đầu cô. Cô gái
viết xuống giấy tên con nai duy nhất cô biết:
Rudolph.
Cùng lên nộp bài với
cô sinh viên Việt Nam là một anh sinh
viên gốc Liên Xô. Ra khỏi lớp, cô hỏi anh bạn
có biết câu trả lời cho câu bonus hay
không. Anh sinh viên gốc Liên
Xô lắc đầu, cười trừ. Chắc cả lớp có hai đứa
mình không biết câu trả lời thôi,
anh bạn nói.
Về lại ký túc xá sinh viên,
cô sinh viên Việt Nam gặp một cô bạn
người Mỹ khá thân ở cùng dãy,
đánh bạo hỏi bạn mình về những
con nai kéo xe của Santa Claus. Xui cho mày rồi, cô bạn nói.
Rudolph là con nai extra, Santa Claus mượn dùng đỡ
thôi, chứ không phải là con nai kéo xe chuyên nghiệp cho Santa. Santa có 8
con nai, cô bạn nói, rồi kể tên
chúng vanh vách: Dasher, Dancer, Prancer, Vixen, Comet, Cupid,
Donder and Blitzen. Tên của những con reindeer này
phát xuất từ bài thơ khá nổi tiếng
viết từ năm 1922 của Clement Clarke Moore, cô bạn
nói.
. . .
Thời gian rồi
trôi qua... Mười mấy năm trời sau khi qua Mỹ,
cô sinh viên Việt Nam ngày nào nghe nhạc
Mỹ không thấy hay, xem phim Mỹ nghe đối thoại
không hiểu gì hết, đọc báo Mỹ
không biết sao tờ báo dày như vậy
mà người ta có thể đọc lướt
hết mục này đến mục khác nhanh
đến như vậy, bây giờ đã đổi
thay. Cô ra trường, có việc làm,
lương khá, job vững. Vốn tiếng Anh của
cô tăng trưởng theo thời gian, cô xem phim,
nghe nhạc, nghe tin tức bằng tiếng Anh không trở
ngại gì hết. Nghe bạn đồng nghiệp kể
chuyện tiếu lâm, cô hiểu và cười
theo. Những chuyện giao tế bằng tiếng Anh
bây giờ với cô chẳng có gì
khó khăn cả. Ngày xưa lúc mới qua Mỹ,
cô và những nhân vật cô gặp trong
mơ đều nói tiếng Việt. Bây giờ
trong nhiều giấc mơ, những nhân vật cô
gặp trong mơ nói tiếng Anh với cô,
và cô trả lới bằng tiếng Anh. Rồi
cô lập gia đình với một người Việt
Nam và có một đứa con gái kháu khỉnh.
Cô bé ở nhà thì bố mẹ buộc
phải nói chuyện bằng tiếng Việt, đến
trường thì nói tiếng Anh.
. . .
Ngày thứ bảy bố
mẹ ở nhà với bé. Mẹ nấu thức
ăn trong bếp, còn bố thì chơi với
bé. Bố lấy mấy đồng tiền ra, dạy
bé cách đếm, Con có thấy không,
đồng này là đồng 1 cent có
màu vàng vàng, còn gọi là đồng
penny. Đây
là đồng nickel, 5 cents. Đó là đồng
dime, 10 cents. Đồng tiền bự thật bự kia
là đồng quarter, 25 cents. Bố
đưa mấy đồng tiền cho bé xem, giải
thích giá trị mấy đồng tiền
và chỉ cho bé cách đếm, Bố xếp
nhiều loại tiền cắc kế bên nhau, hỏi
bé xem tổng số là bao nhiêu ! Bé đếm
đúng phong phóc, không sai lần nào hết.
Mẹ ở trong bếp nhìn ra, nghe bố và
bé đếm tiền và nghe bố khen bé
đếm giỏi, mẹ cũng cười hân hoan.
Bé biết đếm như vậy, thì bé
đến trường sẽ không gặp trở ngại
gì hết, mẹ nghĩ trong đầu.
Tuần lễ sau
đó, mẹ đến trường đón
bé. Cô giáo của bé gặp mẹ,
nói với mẹ là bé ngày thường
học giỏi lắm. Mà sao hôm đó
bài tập cô giáo cho làm ở lớp
bé không làm được. Bài tập
gì vậy, mẹ hỏi cô giáo. Tập đếm,
cô giáo nói, bé đếm không
được. Sao kỳ vậy nè, mẹ nghĩ
trong đầu, bố dạy bé tập đếm tuần
trước, bé đếm vanh vách, trúng hết
trơn, mà sao bây giờ bé lại không
làm như vậy ở lớp ? Về đến
nhà, mẹ hỏi bé sao hôm nay trong lớp
bài tập đếm bé làm không
được. Bé lấy tờ giấy bài tập
ở trong lớp ra, đưa cho mẹ. Hai con mắt
đen của bé nhìn mẹ, nửa như tạ
lỗi, nửa như trách móc:
"I don't know who these guys are, mom..."
Mẹ nhìn tờ giấy bài tập của
bé. Hóa ra là cô giáo in trên tờ
giấy bài tập hình của mấy đồng
tiền cắc, nhưng cô không in mặt của
đồng tiền có chữ one cent, one dime như bố
thường dạy bé. Những đồng tiền
trong bài tập, mặt đồng tiền toàn
là hình của các ông tổng thống Mỹ,
hèn chi bé nói với mẹ là bé
không biết "mấy ông này" là ai
hết. Bố và mẹ quên không chỉ cho
bé ở nhà, chỉ lo để ý đến
mặt kia của mấy đồng tiền
cắc thôi, hèn chi bé làm bài
không được...
Karen N. Nguyễn
(Bai Chuyen)