Du Lịch Mỹ
Làm... Oshin
(Hà Kim)
Hà Kim là tác giả
đã nhận giải danh dự Viết Về Nước
Mỹ. Bà sinh năm 1950, giáo viên tại Việt
Nam, theo chồng định cư ở Mỹ diện HO
năm 1995, hiện là cư dân San Jose (Bắc
Calif). Cuối tháng Sáu 2007, bà thay gan tại bệnh
viện Stanford. Bốn tháng sau ngày rời bệnh
viện, bà viết bài "AGAIN, AMERICA, Xin nói lời
tri ân kể lại đầy đủ
kinh nghiệm của người đã đi qua
"ba bước thay gan." Sau đây
là bài viết mới của bà.
Lời Ngỏ: Bài viết để tặng
tất cả phụ nữ Việt Nam. Riêng tặng
L. Xin được
mượn bài thơ Hồ Dzếnh để
nghiêng mình kính phục và thương
yêu người con gái Việt Nam:
"Nếu chữ hy sinh có ở
đời
Tôi muốn nạm vàng muôn
khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam
tươi..."
*
Cô Lành dáng người thon
nhỏ. Cô nặng chỉ
hơn 100 pounds, nhưng nhìn cô không quá gầy
vì cô thấp người. Cô nhỏ nhoi giữa một
rừng người, chen chúc, xếp
hàng tiến về quầy cân hành lý, lấy
vé bay và đến khu vực chờ đợi
lên chuyến bay.
Cô hồi hộp quá chừng, tiếng Anh
không đầy bàn tay mà cô đi du lịch
Mỹ, không biết có đi lạc không
? Cô mỉm cười
vu vơ nhớ lại hôm nhận
đuợc giấy báo ngày phỏng vấn,
ông xã cô co các ngón tay trước mặt
cô nói đùa:
- Mỹ mà cho em đi du lịch, anh cùi liền. Làm hồ sơ chi cho tốn
$100. Em mới 40 tuổi,
ai cho em đi để ở luôn bên bển.
Cô cũng ngần ngại,
nhưng gia đình anh chị Hai cô khuyến
khích, phone về năn nỉ mãi. Cô là con út
nên kém chị cô đến 19 tuổi. Và vì chị cô lấy
chồng sớm, nên con gái đầu lòng bằng
tuổi cô. Hồi nhỏ,
hai đứa học chung lớp. Cô vai Dì, bao giờ cũng
nhường nhịn, chịu thiệt thòi, con
cháu mắc cỡ nói chuyện với cô
đành kêu Dì mà xưng Em. Cách nhau mười mấy
năm không gặp mà tình thương yêu
vẫn còn. Nó
phone về nói hoài:
- Dì ơi, em bảo
trợ, làm đầy đủ giấy tờ hết
rồi. Dì qua dự lễ
vu quy của Út Ngọc.
Sẵn dịp em chở Dì đi du lịch. Nước Mỹ đẹp
lắm ! Và Dì sẽ học hỏi được
nhiều điều, chẳng lẽ, Dì ở hóc
bà tó suốt ngày sao ?
Thôi thì đi phỏng
vấn đại để khỏi phụ lòng anh chị
và cháu. Cầm chắc
... 100% rớt, vậy mà cô ... đậu ngon
ơ. Cô đóng
$10 cho dịch vụ tư vấn để hướng dẫn mình
trả lời. Nơi
phòng phỏng vấn, cô đếm chừng 500
người. Tưởng
cả ngày không biết có giải quyết hết
ngần ấy hồ sơ không ? Không ngờ
quá trưa, khu vực vắng hết người. Điều đầu
tiên cô học hỏi được là lối
làm việc đúng giờ, nhanh gọn và tổ
chức rất khoa học của phái đoàn phỏng
vấn Mỹ. Mình bắt
số thứ tự và chờ gọi đến nhiều
ô cửa sổ nhỏ mở sẵn. Cô được đến
ô số 3. Người
đàn ông Mỹ trắng ngước nhìn
cô chào và hỏi -qua thông dịch
viên- cô trả lời nhanh gọn: tên tuổi,
địa chỉ, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia
đình, cô đi Mỹ để dự lễ
cưới của cháu gái và du lịch qua Mỹ
xem thắng cảnh.
Cô chìa ra thiệp cưới.
Ông ta hỏi
đùa:
- Bà có định
ở lại Mỹ luôn không?
Cô nghiêm chỉnh
trả lời:
- Không !. Nghe nói nước Mỹ
giàu đẹp, tôi muốn qua cho biết ! Tôi phải trở về
vì còn hai con nhỏ 9 & 10 tuổi và
còn cửa hàng bán quần áo cần
chăm sóc.
Ông ta gật gù
và bảo ra ngoài ngồi chờ nhận visa.
*
Chuyến bay Eva cất
cánh từ Việt Nam sẽ ghé qua Taipei. Chờ khoảng 2 tiếng,
cô sẽ lên chuyến bay kế tiếp đến
Mỹ. Điều thứ
hai cô học hỏi được là không cần
có tiếng Anh, không cần có hướng dẫn
viên du lịch, cô chỉ cần nhìn những
mũi tên chỉ hướng để đi đến
cổng chờ ghi sẵn trên vé baỵ Cô thầm thán phục
lối thiết kế giao thông giúp hành
khách đi lại dễ dàng của phi trường
quốc tế. Cô biết
cô sẽ được mở tầm mắt, hiểu
biết nhiều điều hơn nữa. Thiệt là đi một
ngày đàng học một sàng khôn !
Thành phố San
Francisco mờ sương, rõ dần khi phi cơ hạ
thấp xuống và dừng nơi bến đậu. Cô Lành theo dòng
người tiến ra cửa máy bay, theo một
hành lang duy nhất mà đi tới phòng kiểm
tra giấy tờ. Tưởng
thủ tục rườm rà, lâu lắc như thủ
tục hành chính bên Việt Nam. Không ngờ, bà
nhân viên liếc nhanh qua mấy tờ giấy,
đóng mộc vào visa thời hạn ở Mỹ
6 tháng là xong.
Cô đến quầy
nhận hành lý, nhờ người đứng kế
bên nâng giúp hai vali to lớn lên xe đẩy. Cô ung dung đẩy xe ra
ngoài. Cô lo ngại
không hiểu gia đình anh chị cô thấy
và đón mình giữa dòng người
nườm nộp không ?
Cô không biết rằng bên ngoài
có màn hình rộng lớn, ảnh cô vừa
quẹo góc đã được thâu liền. Cô vừa ra khỏi cổng,
đứa cháu gái đã vồ lấy,
ôm chặt cô, reo lên:
- Gặp Dì, em mừng
quá. Trời ơi,
trông Dì già ngắt à !
Cô mở to mắt,
nhận không ra cô cháu gái.
- Không còn Thu
đen nữa ! Bây giờ,
Dì phải gọi Thu bông tuyết. Thu trắng
bóc à, còn mập, tròn trịa ra nữa
kià.
Cô tưởng khen
vậy, cháu cô sẽ hài lòng, vui
hơn. Nhưng không,
chị Hai cô kế bên, lên tiếng nhắc nhở:
-Thu nó
“diet” dữ lắm mới thon gọn như vậy
đó. Đừng
nói nó mập, nó buồn đó.
Thì ra suy nghĩ ở
Mỹ có khác đó nhe. Ở Việt nam mình
nói người ta gầy ốm là họ phiền
lòng, cho là mình “quở” họ bịnh
hoạn, phải khen bệ vệ mới ngon lành chứ. Cô hình dung cô sẽ
gặp nhiều điều khác ý nữa
đây. Bây giờ
là 7 giờ tối, bên Việt nam là 9 giờ
sáng. Tối bên
này là sáng bên kia. Bởi vậy, cái
gì cũng quay vòng khác nhau 180 độ.
Trời tháng 5 ấm
áp mà sao cô vẫn thấy lành lạnh. Cả nhà lên xe. Vượt qua cuộc
hành trình hơn 20 tiếng, đầu cô
có choáng váng nhưng cô vẫn hoà nhịp
vui, trò chuyện tíu tít cùng anh chị
và các cháu. Bẩy
giờ tối mà còn sáng choang, cô
phóng tầm mắt nhìn ra ngoài. Đường cao tốc, xe
vun vút mà vẫn êm ru. Xe cộ đông
đúc mà đường ai nấy chạy,
không ai bóp còi ầm ĩ, chen lấn nhau
như ở quê cô.
Từ đầu ngõ, xe chạy vào, cô
thấy trước nhà thảm cỏ xanh rì, viền
hai bên lối vào nhà bông hoa đua sắc
rực rỡ.
Cô bật hỏi:
- Hai à, sao bên
đây, mặt tiền nhà xây vào trong
“hẻm” và cửa nhà ai cũng
đóng kín.
Sân sau nhà hướng ra lộ lớn xe chạy,
còn xây tường cho kín nữa, nhìn
không đẹp gì hết trơn !
Chị cô cười
giòn, giải thích:
- Để tránh
tiếng ồn và bụi.
Nhà sâu trong “hẻm”, nhà
trên núi mới càng mắc tiền đó
em à.
Cô thật buồn
cười. Ôi chao, ở
Việt nam nhà người Thượng ở trên
cao, người ta kể là lạc hậu, nhà
trong "hẻm" thì là nhà nghèo, rẻ
tiền. Ai khá giả
cũng toàn ở nhà mặt tiền lộ lớn. Việt Nam nóng bức, bụi
bặm kể gì mà nhà nhà đều mở
rộng cửa.
*
Thứ bảy, lễ
vu quy của Út Ngọc
diễn ra long trọng.
Anh chị cô vẫn còn giữ phong tục
quê nhà. Buổi
sáng đàng trai đến nhà gái
làm lễ rước dâu. Cũng mâm quả, trầu
cau, trà bánh, nữ trang. Cô dâu chú rể
ra mắt hai họ, rồi bái gia tiên, rót
rượu tạ ơn cha mẹ, ông bà. Người lớn tay bưng
ly rượu uống cạn, còn nói lời cám
ơn và chúc mừng.
Cô Lành lấy làm lạ, cô những
tưởng người lớn nhận quà, nhận lễ
từ con cháu không cần cám ơn, xem con
cháu có bổn phận phải làm thế. Ở Mỹ lại khác
dù kẻ trên người trước vẫn
cám ơn để gắn chặt tình yêu
thương, trân trọng lẫn nhau. Kết thúc buổi lễ
là màn tặng quà thật vui. Nầy ông bà nội
tặng hai cháu vé bay hưởng tuần trăng
mật ở Hawaii. Ba mẹ
chồng tặng cô dâu vòng đeo tay. Chị tặng
em cái robe, chị chọn lựa kỹ chắc chắn
hợp với em. Ai cũng
khoe ra như có ý muốn nói họ rất
thương yêu cô dâu chú rể. Cô Lành cũng lấy
làm lạ, cô từng đi dự lễ cưới. Mọi người đều
tặng quà gói kín và hay nói
“có chút quà mọn tặng cháu”
nhún nhường chứ không khoe khoang - ở Mỹ
có khác...
*
Tuần lễ dự lễ
cưới qua mau. Cô
chỉ đi lòng vòng các shopping. Nơi nào cảnh cũng
đẹp, rộng rãi, sang trọng. Lòng vương vấn chồng
con, dù cảnh có đẹp, cô vẫn
không vui trọn vẹn.
Cô đi Mỹ còn có mục
đích thầm kín khác. Người dân huyện
cô rầm rộ chạy
tiền để xin đi lao động nước
ngoài. Việc cực
khổ mấy, độc hại mấy, họ cũng nhận
đi làm, miễn sao kiếm được khá
tiền gởi về người thân. Hoàn cảnh cô
không khá giả gì. Quầy bán quần
áo của vợ chồng cô khi đắt, khi ế,
thuế má cứ ba tháng tăng vùn vụt,
hai con chóng ăn mau lớn. Yêu cầu ăn học
càng cao. Mang tiếng
đi du lịch, nhưng sẵn dịp này cô muốn
tìm kiếm việc làm. Năn nỉ, giải
thích mãi anh chị cô mới đồng
ý. Vả chăng, anh
chị cô cũng không dư dả để
có thể cho cô vài ngàn đô. Qua đây, cô mới
thấm thía giá trị của tiền
đô. Cô càng
cảm động nhớ lại những đồng tiền
anh chị cô gởi về tiếp tế cho ba má
và các em. Thế
nhưng kiếm việc ở đâu bây giờ ?
Cô Lành thông minh, cô biết tìm
báo, đọc ở trang rao vặt. Cô chịu cực khổ,
việc gì cũng làm, miễn sao có tiền
nuôi con. Giữ em
bé thì cháu cô la:
- Không được
đâu dì ơi.
Bé mà té, có chuyện gì
thì người ta "sue" Dì đó. Ở tù như chơi
nghe Dì !
Tìm việc
chăm sóc người bệnh thì anh cô can:
- Tướng em nhỏ
con làm sao đỡ đần nổi các cụ
liệt giường ?
Thôi, cô
tìm mục nhà hàng cần người,
mà phải số vùng gần nhà để
anh cô tiện đưa đón. Đây rồi, tiệm phở
cần người.
Cô phone xin việc.
Họ hỏi cô:
có biết tiếng Anh không ? Có kinh nghiệm không
? - Ôi chao ! Làm bếp,
bồi bàn mà cũng cần tiếng Anh, mới
qua Mỹ làm sao có kinh nghiệm. Mục nào cô cũng
thua trất.
Cả nhà đều
cười ngất, chọc quê cô:
- Ở Mỹ xin việc
làm mà nói tôi không kinh nghiệm, yếu
đuối, ai mà thuê mướn. Đừng hòng nhờ
giúp đỡ !
Cô Lành buồn
tủi nhưng vẫn phấn đấu tìm. Lần này, cô kinh nghiệm
hơn. Cô phone đến
một nhà hàng, xin làm phụ bếp. Tưởng gì chứ lặt
rau, và đổ bánh xèo thì đàn
bà con gái quê Nam Bộ của cô ai cũng
làm được.
Cô mạnh dạn trả lời “đầy
kinh nghiệm”. Ngay
hôm đầu đến làm việc, ông
bà chủ đã hài lòng. Cái bánh xèo
cô đổ giòn rụm và tròn vành
vạnh, bốc mùi thơm của nước cốt
dừa làm ai cũng thèm ăn ! Thế là cô Lành
toại nguyện. Một
ngày lương của cô gần bằng một
tháng lương của người buôn
bán. Cô rất phấn
chấn và càng chăm chỉ siêng năng
làm. Bên bếp lửa,
mồ hôi đổ nhễ nhại, dù cái
lưng nhức mỏi quá, cô cũng gắng
vượt qua.
Tưởng
đâu cô làm ở nhà hàng này
đến hết hạn ở lại. Gần ba tháng, đi
làm về, chị cô thăm hỏi:
- Liệu em có chịu
cực khổ nỗi không ? Hay là chuyển job
đi. Bà Ngoại của
bé Ti bệnh cần chăm sóc. Sáng mẹ bé chở
bé cho chị trông nom, tiện chở em qua bển
- về cũng vậy. Tuần
chỉ làm 5 ngày.
Hai ngày cuối tuần em có thể làm ở
nhà hàng.
Cô hoảng hồn,
giẫy nảy:
- Em không chịu
đâu. Chị có
nhớ chị Tư gần nhà mình không, chị
đi lao động nước ngoài, trông nom cụ
già liệt giường ở Malaysia, chỉ viết
thơ về than khóc quá trời. Chỉ kể suốt
ngày chỉ như câm, khác ngôn ngữ
đâu có nói chuyện với ai được. Tối chỉ ra ngoài
hành lang, ngó trăng, trên trái đất
có một mặt trăng mà chỉ cũng thấy
xa lạ. Chỉ khóc
mùi mẫn.
Chị cô giải
thích:
- Nhưng mà Ngoại Ti
là người Việt Nam mà. Nghe nói bệnh không nặng,
lại hiền lành, dễ thương lắm, chị
có gặp. Em làm
gì mà sợ ?
Cô Lành suy nghĩ
một chút, nhớ đến anh cô mỗi
ngày đưa rước ... cũng tội. Thôi cô
đành nhận lời.
Bỗng dưng, cô làm “Oshin”. Cái tên nghe ai cũng
biết nghề nghiệp mình. Chẳng là hồi thập
niên 90, truyền hình Việt Nam có chiếu bộ
phim Nhật nhiều tập “Oshin”. Kể lại chuyện cô
bé nghèo khó 10 tuổi đi ở mướn
nhà giàu - sau này cô bé trở
thành doanh nghiệp nổi tiếng giàu có.
Sự lo sợ biến
mất khi cô gặp bà Ngoại bé Ti. Vì là chỗ quen biết
và bằng tuổi chị Hai nên cô xưng
hô chị em luôn.
Chị Năm kéo tay cô ngồi xuống sofa rồi
nói:
- Cám ơn em đến
giúp chị.
Cô cảm động
quá. Sao ở Mỹ,
ai cũng lịch sự. Cứ
mở lời là nghe hai tiếng cám ơn.
Chị Năm chậm
rãi kể lại cảnh bệnh của chị:
- Chị thay thận
được hai tháng rồi. Cha con ở nhà qua kỳ
nghỉ phép phải trở lại làm việc. Chị có thể sinh hoạt
cá nhân bình thường. Ông xã chị ngại
chị ở nhà một mình, ngỡ có biến
chứng đột ngột, không bấm 911 kêu cấp
cứu kịp, nên nhờ em đến giúp.
Rồi chị giao
công việc hẳn hoi: 8 giờ 30 sáng đến
massage toàn thân bằng máy đấm bóp
điện cho chị. Sau
đó, nấu cơm và soup. Hai chị em cùng ăn
trưa. Chị Năm ngủ
giấc trưa dài 2 tiếng hơn. Cô Lành cứ thoải
mái đọc sách báo hay đánh một
giấc theo.
Chị Năm thức
giấc, cả hai dùng trái cây, sữa hay
yogurt. Rồi nằm
dài ở hai ghế sofa trò chuyện. Vậy là xong một
ngày. Nhắc chuyện
quê nhà, chuyện ở Mỹ. Ngày qua ngày mà vẫn
không hết chuyện.
Cô Lành tâm
sự:
- Dù ở quê,
em cũng ráng học hành. Tốt nghiệp lớp 12
xong, em nộp đơn thi vào Sư phạm và
Bưu Điện.
Nhưng làm sao em đậu vào được
khi tờ đơn em bị tên cán bộ ghi
dòng chữ ngoằn ngoèo: “xuất thân từ
gia đình có cha làm việc cho chế độ
cũ, có anh là lính Ngụy”. Ở nhà, em phụ
làm vườn với ba má. Trồng mía,
“đánh” lá mía để bán
cho nhà máy đường. Rồi mía thất thu, em
đi ... chăn vịt. Chị
có tin không ? Quần
ống thấp, ống cao em vo tròn kéo lên
quá gối, lội ruộng, đầm lầy để
chăn đàn vịt, chăm sóc để
chúng mập, nặng ký bán mới được
nhiều tiền. Sân
vườn, em còn nuôi vài cặp vịt
xiêm mập tròn nữa.
- Con gái mà
đi chăn vịt, tội hôn ! Nhắc tới vịt
xiêm mà chị phát thèm, nấu cari ngon hết
ý. Ủa, rồi sao
em có chồng được ?
Cô bẽn lẽn
trả lời:
- Bởi vậy, em tới
28 tuổi mới lấy chồng. Anh cũng thuộc gia
đình thất thế, sa cơ như em. Nhờ chị Hai gởi về
giúp đỡ nên tụi em mới có vốn
mở một sạp bán quần áo may sẵn ở
chợ huyện. Em
còn làm thêm nhiều việc nữa như
mùa cưới thì nhận kết bông hoa
lên áo cưới, móc áo ấm, may viền
giày da. Thức khuya
đến 1, 2 giờ sáng.
Tụi em ráng làm, nuôi hai con em khôn lớn,
ăn học đàng hoàng. Hy vọng đời nó
đỡ cực hơn đời cha mẹ.
Chị Năm nghe qua thật
xúc động. Phụ
nữ Việt nam ở đâu cũng chịu cực,
hy sinh cho chồng con, không nghĩ đến phần
mình. Chị càng
đối xử tử tế với cô hơn.
*
Tối về,
cháu cô lại cười cô:
- Dì thiệt là
có phước.
Làm Oshin mà khoẻ quá, được
ngủ trưa, trò chuyện tào lao với bà
chủ.
Bà chủ cô - chị
Năm là người nhân hậu, hỏi cô:
- Ở với chị
sung sướng không?
Chị có phước mấy đời nên
em có phước lây đó. Nhờ được ở Mỹ
mà chị mới có cơ hội thay thận. Phước đức
ông bà để lại mà chị mới
được phục hồi nhanh như vậy.
Cô Lành nhớ
và nhắc lại:
- Đúng là chị
có phước quá.
Ở Mỹ chị mới hưởng được
vậy. Chị biết
không, ở Hà Nội có xóm chay (?) thận
hơn 200 người, già trẻ đủ. Họ nghèo lắm
mà phải lọc máu hàng tuần. Ngừng lọc máu
là chấm dứt cuộc đời họ. Biết đời kiếp
nào họ mới có thận để thay. Mà có thận
thì tiền đâu mà họ thay. Mỗi lần lọc máu
tốn đến 400 ngàn.
Một tháng kể cả thuốc men cũng tốn
đến hơn 4 triệu bạc. Có nhiều bệnh
nhân ở xóm đó phải lê ra
đường làm đủ nghề để kiếm
sống, bán bánh mì, pha nước trà
bán dạo ...Tội nghiệp lắm chị à !
- Bệnh chị có
bảo hiểm nơi làm trả hết. Chị chỉ trả một
chút xíu thôi, trong khả năng của
mình. Còn bệnh
nhân nghèo thì có bảo hiểm xã hội
trả cho. Chị còn
được nhận tiền nghỉ bệnh nữa. Tiền này có
được qua tiền đóng thuế hàng
tháng khi mình đi làm.
Nhìn chị Năm,
cô Lành thương xót cho dân
mình. Giờ cô mới
thấm thía hiểu được vì sao ai cũng
nuôi giấc mơ đến Mỹ quốc. Du lịch nước Mỹ,
dù cô không đi được nhiều
nơi nhưng chính riêng nơi thành phố
cô đến, được tiếp xúc với
nhiều người. Tầm
mắt, tấm lòng cô mở rộng hơn. Cô khám phá ra nhiều
điều mới lạ và thú vị - góp
thêm hành trang vào đời của cô.
*
Thấm thoát
sáu tháng qua nhanh.
Cô Lành chuẩn bị về nước. Người thân quen đều
mến thương cô, tặng cô nhiều
quà. Này là
đôi giày tặng chồng cô, đồ
chơi cho con cô, xách tay cho cô. Còn son phấn, quần
áo ... đầy cả hai vali. Chị Năm còn tặng
thêm một ít tiền.
Cô rơi nước mắt, cảm động.
Có bạn còn
xúi cô ở lại.
Đi làm kiếm nhiều nhiều tiền rồi
hãy về. Cô
xót thân phận người di dân bất hợp
pháp đi làm chui, không có quyền lợi
gì, nhất là không có bảo hiểm y tế. Cô xót cảnh
nhà cô, cha già yếu, chồng cực khổ
một mình lo việc nhà, hai con thơ réo gọi
mẹ về hàng tuần.
Sao cô có thể ở lại ?
Cô bắt tay từ
giã, bạn bè bịn rịn ôm hôn,
chúc một mai khá giả hơn. Cô bịn rịn ôm chị
Năm, chúc chị khoẻ mạnh, có dịp về
nước, em sẽ đến thăm, xách tặng
chị con vịt xiêm để chị nấu cari.
Ngày tiễn cô
Lành ra phi trường, gia đình chị Hai
rướm lệ, thương cô trở về
nhà cực khổ. Cô bước tới mà
đầu ngoái lại, vẫy tay chào. Thôi cũng
đành. Tạm biệt
anh chị và các cháu. Nước Mỹ ngoài tầm
tay với - nước Mỹ xa vời. Xin tạm biệt.
Hà Kim
(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)