Ký Ức Tuổi
Thơ
(Phan Quang Thi)
Tôi sinh ra vào thời gian hiệp
định Paris
được ký kết, tức khoảng đầu
năm 1973. Ba tôi sau
này hay nói: “Cứ tưởng sinh ra con
là đất nước không còn chiến
tranh nữa…”. Câu nói
thường hay bị bỏ lửng giữa chừng,
có lẽ vì cái hy vọng hòa bình của
ba tôi đã chẳng bao giờ được
như ông mong muốn.
30 tháng 4, 1975, Sài Gòn mất vào tay Cộng Sản. Tôi còn quá nhỏ
nên không nhớ được sự kiện
này. Tôi không nhớ được đã
có hàng đoàn xe tăng
mang cờ Việt Cộng chạy ngang qua đầu con hẻm
nhà tôi. Tôi không nhớ đã có
những anh chị du kích, tay mang
băng đỏ, cầm súng AK đi từng nhà
kêu gọi bà con ra đường đón mừng
quân giải phóng. Tôi càng không nhớ
được đã có một trái đạn
pháo rơi xuống con rạch nhỏ ngay phía sau
nhà, giết chết một số người trong
xóm “nhà sàn”. Do đó, ngày
30 tháng 4 năm 1975 đối với tôi cũng
như bao ngày khác, nó không có một
ý nghĩa đặc biệt gì, như nó
chưa từng hiện hữu .. Duy chỉ
có những hệ quả của nó đã theo đuổi gia đình tôi,
và nhiều gia đình khác nữa, như một
bóng ma trong suốt thời gian sống trong chế
độ Cộng Sản.
Sự kiện đầu tiên mà tôi nhớ
được là lần gia đình tôi bị
chia đôi: Má tôi, chị tôi 7 tuổi,
tôi 3 tuổi, và em gái tôi 6 tháng bị
đưa đi “vùng kinh tế mới”. Ba và 3 anh lớn, tuổi từ 9 tới 16 ở
lại Sài Gòn. Sau này có lần
tôi hỏi tại sao lại để đàn
bà con nít đi tới nơi rừng thiêng
nước độc, còn đàn ông con trai lại
ở thành phố, Ba tôi trả lời : "Lúc
đó ba đang làm cho Xí Nghiệp In Tập
Thể Thanh Niên, một hình thức đoái
công chuộc tội theo lời ông chủ tịch
phường. Tuy nhiên lại có lịnh
đi kinh tế mới. Nhà in
không đồng ý cho ba đi vì ba đang huấn
luyện một số người về kỹ thuật
in ấn và báo chí. Chính quyền
cho ba ở lại Sài Gòn, nhưng phần
còn lại của gia đình phải đi. Sau khi
bàn với má, ba xin cho các anh con ở lại
để đi học, để má và các
con nhỏ đi vì đàn bà con nít dễ
được cho phép trở lại Sài Gòn
hơn." Thế là gia đình
tôi ly tán.
Đầu năm 1976, bốn mẹ con đùm
túm lên xe. Sau nửa ngày xe
đò, 1 giờ xe lam, rồi 2 giờ xe trâu,
chúng tôi được bỏ xuống một
bãi đất trống cạnh con đường
mòn. Theo như lời má nói,
nơi này thuộc quận Võ Đắc, tỉnh
Bình Tuy.
Chung quanh mảnh đất cỏ tranh mọc
cao ngập đầu.
Bên kia con đường mòn
là một giếng nước cỏ cây um
tùm bao quanh. Trời chập choạng tối.
Má tôi chỉ kịp lấy từ trong hành
lý vài gói cơm sấy, tàn dư Mỹ
Ngụy còn sót lại, cho vào tí nước
mang theo rồi bốn mẹ con ngồi
quay quần bên ngọn đèn bão hiu hắt
ăn uống ngon lành ngay giữa nơi đồng
không hiu quạnh.
Tối hôm đó mẹ con tôi lần
đầu tiên trong đời biết được
ý nghĩa của câu “màn trời chiếu
đất”. Hai tấm nylon, một trải dưới
đất, một giăng trên nóc mùng để
tránh sương, bốn tấm thân mệt
nhoài ôm nhau cố dỗ giấc ngủ chập chờn
qua đêm trong tiếng gió rít và tiếng
côn trùng kêu ray rứt. Tội
nghiệp đứa em gái tôi, chỉ mới
sáu tháng tuổi đã phải chia xẻ nỗi
nhọc nhằn thời cuộc của gia đình, của
đất nước. Em tôi
không khóc nhiều. Em mệt lả không
khóc được hay em thông cảm với
hoàn cảnh ngặt nghèo mà nín lặng
để mẹ được rảnh trí tìm lời
giải đáp cho bài toán sinh tồn của
bốn mạng người ?
Mờ sáng hôm sau chúng tôi có
khách. Khách là những người
nông dân trong vùng, nghe có người từ
thành phố lên lập nghiệp nên kéo
nhau đến thăm. Họ tỏ vẻ chua
xót khi biết mẹ con tôi ngủ đêm
hôm qua trên cánh đồng trống. Ông Luật,
người to lớn có râu quai nón, cùng
vợ và anh con trai vạm vỡ giúp mang mớ
hành lý lỉnh kỉnh về nhà ông.
Ông mời mẹ con tôi ở lại nhà trong
thời gian bà con hàng xóm giúp dựng
căn nhà cho chúng tôi.
Nhà ông Luật thật lớn, nằm
bên kia con đường mòn sau
cái giếng hoang. Trước nhà
có một hàng cây cao làm hàng
rào. Hàng cây cành lá xum xuê
che khuất nên từ con đường không
nhìn thấy được căn nhà. Trong
sân có mấy chiếc xe cộ,
một chuồng trâu với một đàn
trâu lớn nhỏ nhung nhúc. Ông Luật vô
nam theo chính sách Dinh Điền
của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Nhờ
chịu khó làm ăn nên
ông có được cơ ngơi như vậy. Nghe đồn ông Luật đã ở
đây mười mấy năm và là người
giàu nhứt vùng này. Mọi
người trong gia đình ông đều hiền
lành dễ thương. Ông thường cho
chị em tôi ăn đường
phèn, những cục đường trắng trong, ngọt
thanh lúc nào cũng có sẵn trong chiếc dĩa
nhỏ trên cái bàn ông thường ngồi
uống nước trà.
Về sau ông nhận ra được
má tôi là người cùng quê,
cùng làng ngoài miền trung. Có lần ông kể
cho hai chị em tôi nghe là lúc còn thanh
niên ông ở coi nhà và cày ruộng
cho ông ngoại tôi. Ông mồ
côi cha mẹ từ nhỏ. Ông Cố
tôi đem về nuôi giúp việc trong nhà
và cưới vợ cho. Mỗi lần
tới mùa gặt, ông thường dắt ngựa
chở má hay mấy dì tôi đi coi gặt.
Một lần ông nói mà tôi vẫn
còn nhớ tới bây giờ: "Ông
không ngờ gặp lại má con trong tình cảnh
như vầy. Ông Xã Triều
(ông ngoại tôi) hiền lành đạo đức
lắm, vậy mà vẫn bị người ta bắt
vô núi giết." Sau
này lớn lên tôi mới biết “người
ta” đó là ai. Từ lúc
đó, tôi không nghe ông kêu má
tôi là “cháu Hưng” nữa, mà
ông đổi lại, kêu bằng “cô
Sáu”. Một lần khác khi có Ba tôi
lên từ Sài Gòn, ông sang nhà chơi
và sai cô con dâu coi dùm em tôi để
ba má tôi có chút thì giờ trò
chuyện. Cô con dâu hát ru:
Chim quyên xuống đất ăn trùn
Anh hùng lỡ vận lên rừng
đốt than !
Đốt than thì phải sàng
than,
Làm sao đừng để lấm
gan anh hùng.
Ông Luật mắng cô con dâu ngay tại
chỗ, cấm cô không được hát mấy
câu này khi có ba hoặc má tôi ở gần.
Có lẽ ông sợ ba má tôi
buồn. Buồn thật đó, nhưng ba
má tôi làm sao buồn bằng bao nhiêu
người khác, những người vợ mất
chồng, con mất cha, những bà mẹ già
đầu mang khăn tang vì có con trai đi chinh
chiến không về ? Dù sao đi nữa
thì gia đình tôi vẫn còn nguyên vẹn.
Chúng tôi còn đòi hỏi gì hơn
trong hoàn cảnh đất nước tang
thương như thế này ?
Căn nhà của mẹ con tôi được
dựng lên thật nhanh, hình như chỉ trong 2
hay 3 ngày. Những tấm tôn được xe trâu chở tới từ một trại
lính cũ gần đó. Vách
nhà đắp bằng đất lấy từ
các gò mối. Căn nhà vuông vức,
nền đất, một cánh cửa ra vào bằng
gỗ, vài ba cửa sổ có cánh bện bằng
lá tranh khô. Vài tuần sau, những
người hàng xóm tốt bụng đào
cho một cái giếng bên hông nhà. Nhờ cái giếng này mà má
tôi không phải cong lưng gánh nước từ
nhà ông Luật về mỗi ngày. Lúc đầu, ông Luật sai người
nhà gánh dùm, nhưng sau đó Má
tôi từ chối và tự mình gánh
nước lấy.
Lúc căn nhà mới dựng xong,
đêm đêm thường nghe tiếng động
như có ai chọi đá trên mái
tôn. Nghĩ là có người quậy
phá, má tôi hay cầm đèn dầu ra
ngoài dòm ngó. Sau đó
có người cho biết rằng chỗ nhà
tôi lúc trước có giao tranh rất lớn
giữa lính Quốc Gia và lính Cộng Sản,
có đâu tới mấy trăm người chết.
Phải chăng oan hồn những người lính
đó không thích sự hiện diện của
căn nhà trên nấm mồ chung của họ ? Tôi thấy má
tôi lập một bàn thờ nhỏ sau nhà,
lúc nào cũng có ít trái cây hay nải
chuối. Từ đó chúng
tôi không còn nghe tiếng động trên
mái tôn nữa.
Những người dân quê chất
phác nơi đây có tấm lòng vô
cùng nhân hậu.
Họ giúp đỡ gia đình tôi thật
nhiều trong suốt thời gian mẹ con tôi ở
Võ Đắc. Ba má tôi rất cảm động.
Để cảm ơn họ, mỗi lần từ
Sài Gòn lên, ba tôi hay đem cá Linh
khô phân phát cho mỗi gia đình một
ít. Ngoài ra, ông còn đem
thùng đồ nghề kềm búa, tới trại
lính cũ tháo kẽm gai về làm hàng
rào cho họ.
Từ khi đám cỏ tranh bị dẹp
sạch để làm nhà, tôi phát hiện
ra thêm một nhà hàng xóm. Không xa nhà tôi mấy,
bên kia đám cỏ tranh là
nhà dì Mười. Dì Mười
có chồng đi lính Quốc Gia chết.
Dì có 8 người con trai, không có con
gái. Từ khi biết dì, tôi chỉ
thấy dì toàn mặc đồ đen. Anh
Thức, con trai lớn của dì 16 tuổi. Anh cao ốm trắng trẻo như học sinh
thành phố. Anh thường cho chị em tôi
ngồi ké xe cộ mỗi khi anh
đi kéo xe đâu đó về. Anh Lập,
con trai út, hay dụ tôi leo
lên xe cộ ngồi chơi rồi kêu chó ra sủa
dưới chân. Tôi sợ lắm.
Mỗi lần như vậy, anh bắt tôi phải ăn mấy trứng thằn lằn rồi
mới chịu đuổi chó đi cho tôi xuống.
Có lẽ nhờ ăn trứng thằn
lằn mà tôi khoẻ mạnh vô cùng.
Má tôi nhớ lại là trong thời gian ở
đó tôi không hề bịnh và thịt
da chắc nịch mặc dù chỉ ăn cơm với
cá Linh khô và rau lang luộc.
Chiều chiều chị tôi và
tôi hay qua nhà ông Luật chơi với chị
Thắm, cháu nội ông Luật. Chị Thắm cỡ 6-7 tuổi
và có lẽ là đứa con gái điệu
nhứt trên đời. Chị Thắm hay bắt chị
tôi thắt bím và hái bông gài
lên tóc cho chị, rồi đi khắp nhà
khoe là chị đẹp hơn chị tôi
! Một lần từ nhà ông Luật
về, tôi vấp phải một cái sọ người.
Hai chị em sợ quá vừa chạy vừa
khóc. Từ đó chúng
tôi không dám qua nhà ông Luật chơi
nữa. Chị Thắm chắc buồn
lắm vì không có ai để so sánh sắc
đẹp. Thỉnh thoảng chị chạy
qua nhà tôi, nhưng không dám khoe với má
tôi là chị đẹp hơn chị tôi.
Tôi bắt đầu mon men qua
nhà dì Mười vì không còn chỗ
để đi. Các anh con dì không có vẻ
gì là thích chơi với thằng con nít
4 tuổi như tôi. Tôi sợ nhứt là mấy
con chó nhà dì. Sau một lần
bị chó cắn vào bắp chân, tôi
không qua đó nữa. Tôi về nhà
chơi với con thỏ bằng nhựa màu đỏ
mà ba tôi đem lên trong một lần lên
thăm. Chiếc ghế bố trở thành xe cộ, con thỏ nhựa trở thành
con trâu kéo. Có khi con thỏ nhỏ được
lên chức làm voi trận, còn tôi thì
làm Tướng Quân Trần Hưng Đạo
như trong câu chuyện anh tôi thường hay kể
cùng với bài hát “Đây Bạch
Đằng giang sông hùng dũng của nòi giống
Tiên Rồng ..”
Má tôi được chính
quyền giao cho một miếng đất ruộng để
trồng lúa. Nhà
không đàn ông, không trâu cày,
còn má tôi dù là con địa chủ
nhưng chưa bao giờ đụng tay
tới việc đồng áng nên không biết
sẽ làm gì với miếng đất
đó. May thay, nhờ một lần băng bó
dùm vết thương cho bác nông dân
đạp phải mảnh bom lúc cày ruộng với
túi cứu thương đem theo từ
Sài Gòn, má tôi được cử
làm y tá bất đắc dĩ cho cả xã.
Nhận thêm công tác dạy học
cho trẻ con trong vùng, gia đình tôi hoàn
toàn không phải cày cấy gì. Những người trong vùng thay nhau canh
tác dùm trên miếng đất, cày cấy,
đập gặt rồi chở gạo thẳng về
nhà cho chúng tôi khi tới mùa.
Sống trong sự đùm bọc yêu
thương của người dân Võ Đắc
gần một năm thì mẹ con tôi nhận
được giấy cho phép trở lại Sài
Gòn. Chúng tôi được về không phải
như ba tôi tính trước là đàn
bà con gái dễ được cho về. Lý
do họ cho má tôi về Sài Gòn là
để lo cho đám con sau khi chính quyền bắt
ba tôi bỏ tù. Không ai biết tại
sao ba tôi bị bắt. Có
người nói ông bị gán tội làm
CIA vì khi xét nhà họ tìm thấy nhiều
sách báo, giấy tờ bằng ngoại ngữ
cùng chiếc radio giống điện đài.
Người khác thì cho rằng sau khi đã
dùng ba tôi để huấn luyện xong số
người ở nhà máy in, họ không cần
ông nữa nên bắt ông bỏ tù vì
tội làm phụ tá Bộ Trưởng Thông
Tin trước kia. Vì lý do
gì đi nữa, tôi chỉ biết rằng trong mấy
năm sau đó tôi không được gặp
ba tôi nữa.
Buổi chia tay với người
dân Võ Đắc thật xúc động.
Ông bà Luật gởi cho mấy con gà
cùng một bao gạo lớn. Dì
Mười kho cho một nồi thịt heo. Người cho chồng bánh tráng, kẻ
tặng gói khô nai. Chị Thắm
ôm chị tôi khóc nức nở. Anh Lập
con dì Mười cho tôi chiếc lồng có
con chim sáo. Tất cả đồ đạc,
tài sản của mẹ con tôi chất đầy
chiếc xe trâu do anh Thức
đánh ra tận bến xe lam. Ông chủ
tịch xã mua lại cái nhà. Khi giao tiền
ông còn dặn dò: “Chị cầm tiền
về lo cho các cháu. Nhớ khuyên chồng chị
học tập tốt Đảng và Nhà Nước
sẽ khoan hồng ..”.
Thời gian đầu trở lại
Sài Gòn, má tôi thật sự không biết
làm gì để nuôi con. Cũng may nhờ có mấy bao gạo
ân tình đem về từ
Võ Đắc, má tôi đổ ra thúng
để trước nhà bán lấy tiền mua
thức ăn. Một đồng nghiệp cũ của Ba
tôi là bác Thùy nhà bán quán ở
đầu ngõ thỉnh thoảng vào thăm,
lúc đem theo chai nước mắm,
khi đem tặng bó rau. Anh hai tôi, thay vì
giúp đỡ má lo cho các em, lại đi theo đám du kích, cũng tay đeo
băng đỏ, tay cầm AK dọa nạt kẻ thất
thế. Chắc anh quên rằng chính gia
đình mình cũng là kẻ thất thế,
hay anh cố tình chạy trốn sự thật
? Đây là điều ô nhục
lớn nhất trong gia đình tôi. Cũng vì đó mà khi cải tạo
về có một thời gian thật lâu Ba tôi
không thèm nhìn mặt anh hai.
Cũng vào khoảng thời gian
này có nhiều câu ca dao mới được
truyền miệng trong giới bình dân. Câu được nghe nhiều nhất
là:
Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa
Áo quần bán trước, cửa
nhà bán sau
Ăn cơm thì ăn với rau
Đừng ăn thịt
cá mà đau dạ dày
Má tôi chưa tới nỗi phải
bán nhà, nhưng phải bán một số quần
áo để có tiền xoay xở. Cơm cũng không có mà ăn vì hợp tác xã chỉ
bán mì vắt hoặc khoai mì khô. Lâu
lâu lại bán bánh mì ổ dài cả
thước, cứng như cái ống nước phải
hấp lên mới ăn được.
Rau muống được ăn triền
miên, thỉnh thoảng trong giấc mơ chúng
tôi được ăn thêm thịt cá. Tôi rất khâm phục má tôi
là dù khó khăn tới mức nào đi
nữa bà vẫn bắt anh em tôi đi học.
Anh ba tôi đã có lần xin
má cho nghỉ học đi bán cà rem ở cổng
trường, bị má la cho một trận tơi bời.
La xong má quay mặt đi, nước mắt chảy
dài.
Còn một ít thuốc Tây
trong tủ thuốc gia đình, má tôi đem
thử ra lề đường chợ Bà Chiểu
đứng bán. Không ngờ đó là món
hàng quý hiếm vì nhiều người
tìm mua để gởi cho thân nhân trong
các trại cải tạo. Cũng
nơi lề đường chợ Bà Chiểu
má tôi gặp lại nhiều người bạn
cũ. Dì Thanh cung cấp thuốc
Tây cho má tôi đứng bán. Từ khi có Dì Thanh giao thuốc cho
má tôi bán, cuộc sống gia đình
có phần dễ thở hơn. Trong
vòng 1 năm, má tôi sắm được
cái tủ lạnh để anh em tôi ở
nhà bán nước đá. Má
cũng sắm được vài cây vàng
để dành sau này cho mấy anh tôi đi
vượt biên.
“Nghề” bán thuốc Tây của
má tôi chấm dứt khi bà bị công an bắt vì đây là hàng
quốc cấm. Không chịu khai ai là người
cung cấp thuốc, bà bị nhốt ở đồn
công an quận Bình Thạnh hết
mấy ngày vì tội ngoan cố. Nhờ có
bà Út bồng em gái tôi lên đồn
công an năn nỉ họ thả
má tôi về để nuôi con nhỏ nên
má tôi được tha, nhưng toàn bộ số
thuốc bị tịch thu. Bà Út
là cô ruột của má tôi. Bà
có chồng là dân biểu thời Việt Nam
Cộng Hòa, có hai con và làm chủ một
tiệm may nổi tiếng ở Sài Gòn. Chồng
con bà chết vì tai nạn xe cộ
trong những ngày cuối tháng 4 năm 1975.
Nhà và tiệm may bị tịch thu
không lâu sau khi quân giải phóng vào. Bà sống ở đâu không ai biết,
chỉ biết là bà luôn xuất hiện khi
má tôi gặp cảnh khó khăn nhất để
giúp đỡ. Bà là thần
hộ mệnh của má tôi. Anh
em chúng tôi thương bà lắm. Hiện nay má tôi là người
hàng tháng gởi tiền về Việt Nam để
mướn người chăm sóc cho bà.
Một ngạc nhiên lớn xảy ra cho gia
đình: ba tôi được tha về. Tôi
không nhớ là ba tôi được tha
vào năm nào, nhưng lý do được
tha thì rất rõ ràng. Nhà
máy in bị hư máy, bao nhiêu thợ cũng
không sửa được. Họ
liền nghĩ tới ba tôi, người đã
giúp làm cho nhà máy in hoạt động
trở lại mấy năm về trước. Ba tôi lại tiếp tục làm cho
nhà máy in. Hàng ngày ông đạp
chiếc xe sườn ngang màu
đen, phía trước và sau đều có cột
cái poọc-ba-ga, sáng đi chiều về. Mỗi chiều đi làm về ba tôi
thường cho tôi ngồi yên sau, em gái
tôi ngồi yên trước rồi chở anh em
tôi chạy một vòng trong xóm.
Bên cạnh nhà tôi là nhà
dì Bảy con ông Mười. Dì Bảy
có chồng đi lính chết, có hai đứa
con là thằng Cu và con Bé. Nhà dì Bảy nghèo như không thể
nào nghèo hơn. Tôi ít
khi thấy dì ở nhà. Thằng Cu bằng
tuổi tôi, còn con Bé bằng
tuổi em tôi, nhưng vì đói ăn triền
miên nên tụi nó bé tí teo. Tôi nhớ thằng Cu thường hay đứng
dòm miệng người khác ăn. Khi
tôi ăn chuối nó thường
đứng đợi tôi ăn xong để xin
cái vỏ. Nó ăn cái vỏ
chuối ngon lành như người ta ăn sơn
hào hải vị. Tôi ân hận
vì đã chưa bao giờ chia cho nó trái
chuối đang ăn, chỉ dù một miếng nhỏ.
Ông Mười tối ngày say sưa và
chửi rủa um sùm. Ông chửi ai tôi
không biết, chỉ biết có lần một
đám công an tràn vô nhà khi ông
đang chửi, đánh cho ông một trận thừa
sống thiếu chết. Họ bịt miệng
rồi trói ông đem ra đường phơi nắng.
Má tôi sang được một sạp
bán chạp phô trong chợ Bà Chiểu.
Vì không đủ tiền sang nguyên sạp
nên phải chia đôi một sạp lớn với
bà người Tàu. Bà này
không biết nói tiếng Việt nhiều. Tôi chỉ nghe bà “Nị, Ngộ”
suốt ngày, ngoài ra không hiểu gì
khác. Bà bán hàng
không bao giờ bớt giá, còn má tôi
hay bớt chút ít nên có nhiều
khách hơn bà. Hình như
bà không ưa má tôi lắm.
Nhà còn chiếc xe Honda
Dame cũng có gắn cái yên nhỏ đằng
trước cho em tôi ngồi. Lâu
lâu vào cuối tuần, ba chở má, tôi,
và em tôi đi thăm bà con. Đôi
khi ba chở anh em tôi ra sạp hàng của má,
ghé hàng ăn cho ăn tô
bún bò rồi chở về. Đây
có lẽ là thời gian hạnh phúc nhất
trong những năm tuổi thơ của tôi.
Cuối năm 1979 nhà tôi dọn
đi xóm khác. Ba tôi cho rằng dọn tới chỗ mà
không ai biết mình sẽ dễ sống hơn.
Ba tôi lầm.
Đây là một xóm lao
động nghèo, sâu trong một con hẻm có
nhiều ngóc ngách. Hầu hết các gia
đình trong xóm làm nghề buôn bán lặt
vặt hay đạp xe ba gác,
xích lô. Khi dọn về, thấy nhà tôi
có tivi, tủ lạnh, xe Honda
nên ai cũng cho là nhà tôi giàu lắm.
Ngày đầu tiên trong căn nhà mới
chúng tôi lần lượt có khách tới
thăm: ông tổ trưởng tổ dân phố,
ông tổ phó an ninh, bà
trưởng hội phụ nữ, cuối cùng
là chú công an khu vực. Tôi
không nghĩ là họ tới để chào mừng
gia đình tôi. Họ tới để hỏi
lý lịch ba má tôi, để cảnh
cáo ba má tôi rằng mọi người trong
xóm đều là tai mắt của
nhà nước nên đừng âm mưu
làm chuyện gì mờ ám chống phá
Cách Mạng.
Rồi anh hai tôi đi vượt
biên bị bắt. Ba má tôi chạy chọt rất nhiều
mới được tha về. Công an khu vực tới nhà dòm ngó
hàng ngày. Anh ba tôi bị kêu đi nghĩa
vụ quân sự nên ba má tôi tìm
đường cho anh vượt biên mặc dù
anh bị cha con ông tổ phó an ninh theo
dõi từng bước. Ngày đi chủ
tàu còn 2 chỗ. Ba tôi đi tìm anh
hai tôi cả ngày không ra vì anh đi
chơi đâu đó với bạn bè.
Đành quyết định cho anh tư đi chung với anh ba. Vài
ngày sau lại có chuyến vượt biên
khác. Ba má sắp xếp cho anh
hai dắt tôi đi. Khi ra đến bến xe má tôi đổi ý dắt
tôi về, để anh hai đi một mình. Chuyến đó tàu ra biển bị
chìm. Hơn nửa số người
trên tàu chết đuối. Anh
hai lại bị bắt.
Rồi công an ập tới
nhà bắt ba tôi đi. Lần này họ
xét nhà, lấy đi hết mọi thứ từ
vàng vòng, tivi, xe Honda .. Họ đập bể các chậu bông
tìm kiếm vàng bạc. Họ
moi từng túi quần, túi áo tìm kiếm
tiền. Họ rạch nát mấy tấm nệm
giường, ngay cả bóp tiền má tôi cầm
trên tay hớt hải từ chợ
chạy về khi nghe tin công an xét nhà cũng
bị họ lấy đi mất.
Nhà tôi trở lại chỉ còn 4 mẹ
con như lúc trên Võ Đắc. Chỉ
khác là những người hàng xóm
bây giờ không có nhiều tình người,
hay tính người, như người dân quê
mà chúng tôi đã gặp. Điển
hình là ông tổ phó an
ninh và bà hội trưởng hội phụ nữ.
Hai người này thường xuyên
rình rập nhà tôi. Bất cứ
lúc nào nhà có khách thì y như rằng
vài phút sau có công an khu
vực xuất hiện. Cậu út tôi lúc
đó là sinh viên Đại Học Sư Phạm
Kỹ Thuật Thủ Đức. Mỗi khi đạp xe về Sài Gòn cậu hay ghé
nhà thăm má tôi, sẵn tiện uống ly
nước đá rồi đi tiếp. Một lần
cậu đang ngồi uống nước trong nhà
thì ông tổ phó an ninh
cùng anh con trai làm phường đội ập
vô nhà, bắt cậu trình giấy tờ
và hạch hỏi cậu tôi ghé nhà
có mưu đồ gì. Còn bà hội
trưởng phụ nữ rất nhiều lần cảnh
cáo là nhà tôi có tủ lạnh,
bán nước đá cho hàng xóm mà
không đóng thuế !
Trong vòng không đầy một
tháng mà có quá nhiều chuyện xảy
ra cho gia đình tôi. Anh hai vượt biên bị bắt.
Anh ba, anh tư ra đi chưa biết tin tức.
Ba tôi bị bắt không biết
đang bị giam giữ nơi nào. Cha con ông
tổ phó an ninh thường
xuyên tới nhà hỏi anh ba và anh tư
tôi ở đâu, phải kêu về gấp
để đi nghĩa vụ. Ban đêm nhà bị
trộm rình. Mái nhà tự dưng bị dột.
Khi mưa lớn, nước chảy từ
mái nhà xuống sàn như thác đổ.
Má tôi lại bị công an
kêu lên kêu xuống nhiều lần để
thẩm vấn. Mổi lần như vậy
phải gởi sạp hàng cho người khác coi
dùm. Tội cho tấm thân
đàn bà yếu đuối bị khổ từ
tâm tới xác. Tôi không
hiểu làm sao mà Má tôi không phát
điên lên trong hoàn cảnh như vậy.
Một ngày mùa hè, sở công an báo là đang giam Ba tôi ở
số 4 Phan Đăng Lưu. Má lật
đật tìm cách đi thăm nuôi. Sau khi xin được giấy, tìm tới
nơi thì họ nói đã chuyển đi
Chí Hòa. Chạy tới Chí
Hòa, họ lại bảo đã chuyển đi trại
Đồng Phú, Sông Bé. Nóng lòng
muốn thăm chồng, má tôi đã nhờ
dượng Bảy, chồng cô ruột tôi,
sáng sớm chở bằng Honda lên trại Đồng
Phú. Khi tới trại Đồng
Phú 2, họ nói ba tôi ở Đồng
Phú 1. Tìm tới Đồng
Phú 1, họ lại nói ba tôi ở Đồng
Phú 2. Trở lại Đồng
Phú 2 thì hết giờ thăm nuôi. Má
tôi biểu dượng Bảy chạy xe
về rồi một mình ở lại qua đêm
để hôm sau được thăm chồng.
Hôm sau tới giờ thăm nuôi thì quản trại
lại không cho gặp vì giấy phép thăm
nuôi đã hết hạn ! Mệt
mỏi, uất hận tới tận cùng, khi về
được tới nhà tối hôm đó
má tôi chắc có lẽ đã ngã quỵ
nếu không có tin hai anh tôi đã vượt
biên đến được Thái Lan.
Không lâu sau hai anh tôi tới
Mỹ. Vừa làm vừa học, các anh thường
xuyên gởi tiền về nuôi gia đình. Những thùng đồ
Mỹ như một phép lạ thay đổi cuộc
sống gia đình tôi thật nhanh. Bọn trẻ
con trong xóm được tôi phân phát kẹo
Mỹ, nho khô nên không ghét chị em
tôi như trước nữa. Ông tổ phó an ninh, bà hội trưởng hội phụ
nữ thỉnh thoảng cũng được má
tôi biếu ống kem đánh răng hay cục
xà bông thơm do các anh gởi về. Chú
công an khu vực thì phải biếu
những món lớn hơn như hộp thuốc bổ
hay sấp vải xoa. Một điều lạ
là những khi nhà tôi nhận đồ Mỹ,
chỉ trong vài tiếng đồng hồ là những
người này xuất hiện “tới thăm chị
và mấy cháu”. Họ chẳng
khác nào một đám ruồi nhặng nghe
mùi tanh hôi mà ập đến. Tư
cách con người sao quá rẻ mạt.
Mỗi tháng một lần má dắt
chị tôi hoặc tôi đi thăm nuôi ba
và anh hai. Đường
đi xa và lầy lội, mình mẩy ê ẩm
vì phải ngồi trên sàn xe.
Có khi xe bị lún sình, tất
cả hành khách phải xuống lội sình
đẩy xe lên. Có lần chiếc xe
bị lật ngay giữa vũng sình, may là
không ai bị thương nặng. Một
buổi thăm nuôi thường chỉ dài một
hai tiếng. Nơi đây tôi được
ăn các món thịt rừng do ba tôi mua từ
những cán bộ trại đi săn về bán
lại. Thịt heo rừng nhiều nạc
và mềm. Thịt nai càng nấu càng dai. Tôi không dám ăn thịt trăn, nhưng đem về hủ mỡ
trăn làm thuốc xức phỏng rất hữu hiệu.
Ba năm sau ba và anh hai tôi
được tha về.
Ba không cho má tôi đi bán
ngoài chợ nữa. Cuộc sống
gia đình bắt đầu nhàn nhã hơn.
Anh em tôi được đi học
đàng hoàng. Chị tôi trở
thành cô giáo. Tôi vừa học xong lớp
12 và đứa em gái đang học lớp 11
thì gia đình được ra đi
đoàn tụ với hai anh bên Mỹ. Anh Hai
tôi ở lại vì đã có vợ con, thừa
hưởng căn nhà.
Vài điều nực cười là
ông tổ phó an ninh có qua nhà, nhờ ba má
tôi biểu hai anh ở Mỹ bảo lãnh dùm
con trai của ông từ Tây Đức qua Mỹ.
Đây là anh con trai làm phường đội
lúc trước hay rình rập nhà tôi,
đòi bắt hai anh tôi đi nghĩa vụ. Anh này đi “hợp tác lao động”
qua Đông Đức, trốn qua Tây Đức
nhưng không chứng minh được tư
cách tỵ nạn và không có người
bảo lãnh nên bị trả về Việt Nam. Còn bà hội trưởng hội phụ
nữ dặn tới dặn lui là qua Mỹ nhớ kiếm
dùm Việt Kiều về cưới hai cô con
gái của bà.
Trước khi rời Việt Nam đi Mỹ năm
đầu 1992, ba má tôi có ra Võ Đắc
thăm lại các ân nhân cũ.
Cảnh vật đổi thay, người
xưa cũng không còn. Ông
Luật ngã bịnh chết vì quá uất ức
khi chính quyền lấy hết trâu bò ruộng
đất của ông đưa vào hợp
tác xã. Vợ con ông dọn đi
đâu không ai biết. Dì Mười
đi làm ruộng đạp phải mìn bị nổ
chết không toàn thây. Anh Thức
và hai người em đi nghĩa vụ bên
Campuchia không về. Các anh
còn lại tản mác khắp nơi. Ông chủ tịch xã bị mấy
người từ ngoài Bắc vô thay thế.
Nghe nói ông chán nản, dắt
gia đình đi vượt biên chết mất
xác ngoài biển Đông.
Tuổi thơ của tôi là
như vậy đó.
Nó chẳng khác một cơn ác mộng.
Có khác chăng là cơn ác mộng
không thể để lại những ký ức hằn
sâu trong tâm trí một đứa trẻ con từ
khi nó mới 3 tuổi. Trong cơn ác mộng
này tôi học được chính chủ nghĩa
Cộng Sản đã gieo biết bao nhiêu tang
thương cho gia đình, cho đồng bào, cho
đất nước tôi. Tôi học
được sự khác nhau giữa cái tốt
và cái xấu. Tôi học
được giữa cảnh khốn cùng vẫn
có những tấm lòng rộng mở. Tôi học phải biết thương
yêu anh em, cha mẹ, thương yêu đồng loại.
Tôi học được sự tráo trở của
lòng dạ con người. Và
có lẽ quý hơn hết, cơn ác mộng đã cho
tôi bài học làm người.
Raleigh
30
tháng 4, 2007
PHAN QUANG THI
(Vi Nguyen chuyển)