Tháng sáu nhớ
… bài ca không quên
(Phan)
Tháng sáu. Đơn giản là sáu
tháng đầu năm đã qua mà vẫn
chưa làm được gì. Sáu tháng cuối
năm sẽ làm được gì đây ?
Hay rồi cũng như sáu tháng đầu
năm ! Thời gian cứ lặng lẽ đánh cắp
tuổi đời của chúng ta đi, có phiền
trách thì nó trả cho mớ tóc bạc
để ngồi bàn trưởng thượng trong
những cuộc họp mặt thân quyến. Mới
ngày nào, trong nhà đám giỗ, tôi
thuộc loại coi xe hay chạy đi mua nước
đá cho người lớn uống bia. Bây giờ
đã có cháu gọi bằng ông Út.
Bọn nhỏ lăng xăng như tôi ngày
xưa, bao gìơ chúng nó gọi nhau về
ăn giỗ ông Út ?!
Sáng nay thức dậy, ngồi với ly cà
phê thường ngày. Sáng tháng sáu
chưa gì đã hâm hấp nóng. Hệ thống
tưới cỏ tự động, làm công việc
của nó đúng giờ như một người
công nhân gương mẫu. Nhờ hơi nước
bay bay mà nghe mát mẻ, tinh thần sảng
khoái. Tháng sáu với tôi nhiều kỷ
niệm vì tôi có nhiều người bạn
cùng sinh tháng sáu. Nếu trừ tôi ra
thì những người sinh tháng sáu đều
trai tài; gái sắc. Tháng sáu có
ngày Father’s Day. Tôi ngồi nghe những âm
xưa trong tiếng lá xào xạc với chút
gío đầu hè sáng sớm. Chợt nhớ
hai câu: Tâm dụ phụ
thân sinh bất lão/ bất ly phụ tử khả
vô sầu. Muốn viết
hai câu nữa cho thành bài tứ tuyệt,
nhưng tới đó bí … và đã
hơn hai mươi năm. Phải chăng khi cảm
xúc qua rồi thì cảm tác cũng khó !
Ngồi đọc lại đoản văn cũ mà
tôi đã viết năm '82 về người cha
không còn nữa trong cảm nhận về ơn
nghĩa sinh thành.
Đêm. Tôi vô bệnh viện với cha
tôi đã nằm trong đó cả tháng
nay. Làm vệ sinh cho cha tôi xong. Cho ăn, uống
thuốc … báo cáo tình hình gia
đình, đài BBC nói gì ?… Cha
tôi yên giấc trong tấm đắp phập phồng
làn hơi yếu ớt. Nhìn mấy ông
già tỉnh lẻ chung quanh thiếu người
chăm sóc, còn thảm thương hơn,
khó ai cầm lòng cho đặng. Tôi giúp
người này, lại không bỏ được
người kia. Hỏi han người nọ … cuối
cùng mệt phờ mới hiểu sao y tá ở bệnh
viện Việt Nam
ít cười ! Tôi đi tìm không khí
để thở.
Ngoài trời đã tối đen như mực,
mặt trời lặn tự bao giờ ? Màn
đêm buông xuống phố phường một
màu đen ảm đạm, những bóng cây
me cổ thụ rộng tàn đu đưa tí
gió đêm trên tầng cao. Không gian ngộp
thở của đường phố đã trở lại
yên ắng phần nào cho những sinh hoạt về
đêm của lề đường không
đèn. Những cô gái ăn sương
đã tề tựu dưới hàng me
đêm. Nói cười, chửi rủa nhau ơi ới
… Vài chiếc xích lô đạp tạt
qua - chóng vánh rồi đi. Tôi ngồi
trên lan can lầu một của bệnh viện
vì trong phòng mùi ê-te nồng nặc,
mùi bệnh nhân nằm lâu - ít tắm,
mùi toilet thiếu nước dội và người
lau chùi, mùi nước tiểu nồng nặc
hơi thuốc tây … thật khó phân biệt
sinh khí và tử khí nơi đây.
Nhưng cũng không bằng tiếng rên rỉ
của những người già bệnh hoạn nghe
quá thê lương so với tuổi đời
quá trẻ của tôi. Thần Chết cứ lởn
vởn đâu đây để cắp đi những
sinh linh thừa thãi trong cuộc sống bon chen từ
miếng ăn, giấc ngủ … từng ngày.
Tôi nghĩ dại. Chết như mấy người
lính trong phim Thế chiến thứ hai: băng ngang
giao thông hào, trúng viên đạn rồi
lăn ra chết vậy mà khỏe hơn chết
già, chết bệnh … chết trong cô
đơn như ông Tư đêm qua. Con gái
ông tên Lựa (chả biết ông Tư lựa
kiểu gì mà cô con gái đen nhẻm
như Miên). Lựa nhờ tôi coi chừng ông
Tư cho cô ấy về quê ở Rạch Sỏi,
lấy thêm tiền lên mua thuốc, tiền ăn ở,
tiền viện phí … Chắc nhà không
có tiền sẵn nên cô ấy phải chờ
gia đình xoay xở. Ở đây ông Tư
đi lặng lẽ không người thân. Tội
nghiệp hết sức. Tôi lại nhớ Sư
cô ngoài Chùa sư nữ mà mẹ tôi
ưa đi, Sư cô nói: “Sự chết thanh thản hay vật
vã là bằng chứng của sự sống
lương thiện hay gian ác !” Sư cô nói lúc tôi
còn nhỏ nhưng nhớ lắm vì lần
đó ông Hai Dữ trong xóm làm nghề thọt
tiết heo. Ông rống lên như heo bị thọt
tiết mấy ngày mà không chết được.
Người ta phải lấy con dao hai lưỡi mà
ông đã thọt tiết heo cả đời, giả
bộ thọt sát bên cổ ông, lưỡi
dao cắm xuống giường. Hứng cái xô
đựng tiết dưới giường y như
ông đã giết những con heo trong suốt đời
ông. Ông Hai Dữ mới chết được.
Gia đình ông thôi làm nghề ấy nữa.
Tôi suy ra ông Tư là một người
hiền. Chiều qua tôi xả khăn ướt lau
mình cho ông, xin thay tấm trải giường,
nhưng người ta nói chưa tới ngày thay.
Hình như nơi đây. Khi bệnh nhân chết
rồi, người ta mới thay tấm trải giường
luôn thể, cho người mới bớt sợ !
Tôi thay đồ sạch cho ông Tư, cho uống
thuốc … Ông không ăn bữa chiều của
bệnh viện, tôi linh cảm được ông
khó qua đêm. Tôi khuấy cho ông ly sữa,
là tôi ăn cắp của một bệnh nhân
khác - vào đây đã dăm hôm
nhưng chưa chào hỏi ai một câu - gần
đất xa trời rồi. Gia đình ông ta
người Tàu, chắc có tiền nhưng
người thân sợ lây nhiễm nên
không ai vào chăm nom. Cứ bỏ cho y tá với
ít tiền "bồi dưỡng" như mướn
con ở. Họ lấy tiền tươi rói - xỉa
xói ai hay ? Người nhà quay lưng với
người thân thì họ cũng quay lưng với
bệnh nhân. Sống chết mặc bay. Lương y
như từ mẫu. Mà “từ”
là “bỏ”.
Nói đến sữa thời ấy là một
thứ xa xỉ, đắt đỏ. Không phải ai
cũng có tiền mua. Trộm cắp như
rươi trong bệnh viện. Gặp hoài hình ảnh
một người già đi không vững trên
đôi chân, vịn thành giường lần từng
bước vào toilet nhưng nách không rời
hộp sữa đặc có đường. Chẳng
phải đem vào pha chế gì trong đó. Chỉ
vì để ngoài thì hộp sữa không
cánh mà bay. Trộm cắp nơi nơi … ngời
ngời toàn trộm cắp. Cả nước là
ăn trộm. Tôi cũng là một thằng ăn
trộm làm nhơ danh Lương Sơn Bạc.
Dù không trộm cho mình, trộm của người
giàu dư giả chia cho người nghèo thiếu
thốn - theo luật 108. May là cha tôi ở tù
về, quan cha tự khẳng định mình: “Tau
thuộc thành phần không thể cải tạo
… nên chỉ uống cà phê đen. Đời
đen như mõm chó rồi con ạ ! Uống sữa
chỉ thêm trắng lòng.”
Ông Tư uống ly sữa tôi ăn cắp
được và pha cho ông như Phan Thanh Giản
uống thuốc độc, thều thào dặn
tôi nói lại với con cháu ông:
“Ráng đưa ông về quê chôn cất”.
Ông đi theo Phật lúc nửa đêm lặng
lẽ đến tội nghiệp cho một đời
người nông dân hiền lành. Lúc nhắm
mắt cô quạnh không thân nhân, một thằng
bá vơ - tôi, nhỏ giọt nước mắt
cho phận người hơn là tình thân
tôi có với ông.
Đêm nay về khuya lành lạnh, lại một
người ra đi. Mấy người y công đẩy
một bệnh nhân vừa chết xuống nhà
xác. Tôi đứng nghiêm, cúi đầu,
tiễn biệt người quá cố. (Một
thói quen từ bài Công dân giáo dục
lớp ba.) Người trung niên ngoài ba mươi
đi sau lặng lẽ, nấc lên tiếng lòng
thê thiết: “Má ơi…” nghe não
lòng. Không biết là vợ hay em gái anh ta
đi sau, chị cúi đầu chào lại
và cám ơn tôi đã trang nghiêm
và thành kính chào tiễn biệt má
của chị. Tiếng chị văng vẳng theo
hành lang xa dần: “Thôi anh! (đừng
khóc nữa) Bình tĩnh đi để lo
đưa má về chôn cất”. Cũng ngộ
- hai người này: Nữ bình tĩnh hơn nam.
Tôi giả tưởng nếu là cha tôi …
Tôi đang ở đây một mình. Rồi
trách mình nghĩ dại. Nhưng nếu là mẹ
tôi … Tôi cũng như anh kia thôi. Con
gái thương mẹ kiểu chia sẻ, con trai
thương mẹ thầm lặng hơn. Tiếng
lòng con trai đã ứa ra là hết rồi.
Hành lang bệnh viện về khuya, sương
đêm rờn rợn da người. Khơi khơi
tôi nghĩ về bà già mới chết. Một
mẹ cùng hai con. Lê la trên đường
mòn … Bây giờ chỉ còn hai con. Mồ
côi liếm lá đầu đường. Nghĩ
về người mẹ di cư của tôi - canh
cánh bên lòng quê cha đất tổ -
mù khơi. Nghĩ
về người-mẹ-Việt-Nam. Tôi chẳng thấy
người mẹ nào sung sướng. Toàn những người mẹ
âm thầm theo cách riêng của mình để
nuôi dạy đàn con. Khi con lớn thì mẹ
đã già. Sống
như cái bóng không còn che mát
được cho ai nên ưa bị bỏ quên theo
năm tháng. Chợt một
ngày biếng ăn, lười nói … Mẹ thầm
lặng ra đồng coi như xong một kiếp người
không may - trời sinh ra làm Mẹ. Đời
người phụ nữ quê tôi. Không nghĩ
thì thôi. Nghĩ đến là muốn ứa
nước mắt.
*
Ngoài bờ tường bệnh viện nhộn
nhịp sự sống về đêm. Những câu
thô lỗ giọng nam, giọng nữ cứ réo rắt
như bản tình ca hè phố rồi theo màn
sương đêm lắng dịu. Tiếng con nít
khóc khàn do đói và vòi mẹ
làm tôi chú ý. Ở gốc me, người
mẹ trẻ đang ngả giá với khách
hàng là tên ma cô đầu đường
xó chợ nào đó. Sự thỏa thuận
miễn cưỡng diễn ra chóng vánh, họ tự
nhiên hành lạc như thú hoang lạc
đàn. Đứa bé cứ khóc, bò quanh
chân họ. Tên ma cô đá nó, nó
khóc ré lên. Mẹ nó xô tên ma
cô ra, cãi vả … Hai bên lại xáp
vô bản hợp đồng theo luật cung cầu của
Tạo hóa trừng phạt con người. Đứa
bé cứ khóc, bò quanh như người
giám thị tinh tường. Một chứng nhân lịch
sử của nước mất nhà tan. Thời kỳ
quá độ của Sàigòn đổi chủ.
Phất phơ lá cờ máu trong sương
đêm bên ngôi nhà ai vừa bị
đánh tư sản hay đã vượt
biên gì đó. U hoài.
Tôi ngồi nhìn sinh hoạt nửa
đêm dưới lề đường Xã hội
chủ nghĩa và viết đúng lý thuyết
đã học: “Văn
học phải phản ánh trung thực đời sống.
Văn học phải phục vụ đời sống của
nhân dân lao động…” Tôi viết: … người mẹ đĩ
da xanh tóc rối. xõa xuống đời bóng
tối mây mưa. lấm thân còn bị lọc
lừa. nhân danh thời cuộc có chừa ai cho. mẹ
ngồi đón khách co ro. đêm về ong
bướm tò mò tìm hoa. thượng
vàng hạ cám trẻ già. cung cầu theo luật
được là trao tay. bằng lòng kẻ
được người may. phải đứa mặt
dày ăn quỵt còn la. nhân gian một
cõi ta bà. mẹ ngồi câu độ canh
tà hiện sinh. lẳng lơ cúc áo vô
tình. hay là cố ý khoe bình sữa
tươi ? thương người mẹ đĩ
đôi mươi. bỏ con không nỡ nên
người bán thân. con bò con khóc quẩn
chân. ma cô tức giận bớt phần tiền
chơi. chửi nhau rân một góc trời.
đù má đù mẹ đã đời
thằng coi. tính không ra kẻ thiệt thòi !
mai đứa bé lớn có đòi được
không ? vì ai mẹ đĩ chổng mông.
thiên hạ là chồng con cái không cha.
màn trời chiếu đất không nhà.
bán trôn nuôi miệng nghĩa là vinh quang.
phất phơ cờ đỏ sao vàng. dật dờ váy
đĩ cởi nàng bán trôn. gió lên
thốc mộ oan hồn. âm binh các đảng thả
hồn nỉ non. người coi con mắt mỏi
mòn. kẻ mua chung cuộc thấm đòn giang mai.
Chúa Trời, Đức Phật là ai ? bỏ
người mẹ đĩ bên ngoài vọng
môn. lời ru đêm vắng mỏi mòn.
à ơi ! con ngủ cho tròn tuổi thơ. mẹ
ngồi thân xác vật vờ. bên đời
hiu quạnh bóng mờ ôm con. lòng đêm
ôm ấp Sàigòn. bút bi bơm mực mất
còn giấy thô. đường về âm phủ
mơ hồ. chữ nghiêng chữ ngả cơ đồ
Việt Nam.
Hiện thực hiện lên trang giấy của
tôi. Tôi đang suy nghĩ về tính hiện thực
Xã hội chủ nghĩa trong văn thơ cách mạng,
trong ký sự của mình. Tiếng ồn bát
nháo đánh thức không gian yên ắng về
sáng. Chiếc xe vận tải cũ kỹ mang
hàng chữ: “Xí nghiệp quốc doanh vận
tải số 5”, chạy ì ạch trên
đường như chuyến xe đời từ từ
thắng lại. Công an từ trên thùng xe nhảy
xuống. Tiếng la hét khủng bố hòa
vào tiếng hét la bị khủng bố. Người
người chạy toán loạn. Mẹ đĩ bật
dậy từ gốc me bên đường, bị kẹt
đứa con nên không nhanh chân được.
Bị tóm cổ, tống lên thùng xe. Công
an Cộng sản không bắt con nít theo Hiến
pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam
hay vì chút tiền bán trôn nuôi miệng
đang ở trong lưng quần mẹ đĩ. Con
nít không có và giữ tiền, bắt
nó làm chi. Tiếng gào khóc thất thanh của
mẹ đĩ từ van nài đến khóc
lóc “con tôi”. Cuối cùng là chửi
rủa khi người ta bị ức hiếp đến
đường cùng. Chửi rủa làm cản trở
nhân viên công lực đang thi hành nhiệm
vụ là phản động. Mẹ đĩ bị
đánh một cái bá súng AK vào
lưng. Mẹ oằn người như con chó
trúng cây đòn gánh của bà
bán rong, rên ử ử … rồi im bặt trong
thùng xe khi bị tống vào như người
công nhân vệ sinh ném con mèo chết bởi
xe cán vào chiếc xe ba gác be ván ép
cao đến Thiên đình - cuối thế kỷ
20 - chỉ có ở Việt Nam. Chiếc xe chạy
đi như xe bắt chó mới tóm được
vài con, phải ra Ông Tạ gấp cho kịp chợ.
Đứa bé khóc thất thanh khi bị dứt ra
khỏi hơi ấm của mẹ. Nó bò lên
Niết bàn hay bò về Âm phủ ?! Nó
bò tìm hơi ấm và lời ru của mẹ
với giấc mơ làm người không
thành. Gốc me già không ôm ấp nó nữa
vì thần me đã vượt biên nên
nó khóc. Bơ vơ. Lạc loài. Còn từ
ngữ nào tàn độc hơn để
nói hết thú tính của những người
cộng sản vô lương ! Đánh đập
phụ nữ, bạc đãi trẻ em. Họ ăn
lông ở lỗ trong rừng nhiều năm nên
tính người thoái hóa. Họ chỉ
còn thú tính bản năng trong xã hội
con người. Họ đột ngột ra thành phố
sau chiến thắng, hành xử như bầy sói
hoang với dân đen như bầy cừu đã
bị người chăn cừu bỏ lại trong
cái nông trại nát bét mà ông
không còn thiết tha hai từ: “ông chủ”.
Chiếc loa phóng thanh trên cột đèn
trong bệnh viện báo sáng bằng giọng
hát Cẩm Vân: “… Có một
bài ca không bao gìơ quên, là lời
đất nước tôi chẳng phút bình
yên … có một bài ca không bao giờ
quên, là lời mẹ ru con đêm đêm
… bài ca tôi không quên tôi không
quên … tháng ngày vất vả …”
Loa phát thanh chuyển sang phần tin tức buổi
sáng - chả có gì đáng quan tâm. Những
đồng nghiệp của mẹ đĩ sau một hồi
chạy tán loạn đã trở về chốn cũ.
Người đàn bà nào đó ẵm
đứa bé tội tình trong muôn lời rủa
xả bọn công an. Nó biết điều
và thân phận nên rúc vào ngực
người đàn bà tìm hơi ấm.
Nó ngủ ngoan trên tay người đàn
bà ấy - chờ sáng. Nhưng mặt trời
không bao giờ mọc cho tương lai của nó
dù sáng mai mẹ nó sẽ được thả
ra sau khi người ta đã lấy hết những
đồng tiền bán trôn nuôi miệng,
nuôi con của mẹ đĩ. Những đồng tiền
dơ bẩn mà linh thiêng, lẽ ra để mua
gì ăn cho nó và mẹ nó. Những
người công an béo tốt được
nuôi sống bằng vốn trời cho của mẹ
đĩ, là Hiện thực Xã hội chủ nghĩa.
Từ “vĩ đại” đi kèm với
tên lãnh tụ, lẽ ra phải nhường cho mẹ
đĩ. Người mẹ vĩ đại nhất trong
tư duy hai mươi tuổi của tôi.
Xét về mặt xã hội thì
không ai coi trọng mẹ đĩ, nhưng có mắt
thấy tai nghe thì mới thấy sự vĩ đại
của tình mẫu tử. Mẹ đĩ có thể
không biết cha của đứa bé. Nhưng
nó. Đứa con thơ là nhúm ruột của
mình nên yêu thương bằng tình mẫu
tử thiêng liêng. Hơn những người
giàu có, trí-thức-thời … tư bản
đỏ mới lên ngôi ở Sàigòn - thời
ấy. Cho con đi du học Đông Âu để lấy
cái tiếng có con du học nước ngoài
để lòe thiên hạ, khẳng định
mình thuộc giới thượng lưu đỏ
Sàigòn, hơn là thật sự chăm lo cho
tương lai con cái. Sự thành đạt của
con cái ở nước ngoài phản cảm với
cái tôi bịp bợm của người mẹ
thành khoảng cách mẹ-con, không còn dung
hợp. Giải thích ngụy biện bằng lời
tên thầy bói chết bầm, trôi sông lạc
chợ, ăn nói vô lương: “Mẹ con chị
không hạp tuổi ở gần”. Tình nghĩa
mẹ-con có thế thôi. Nên thời buổi
sinh ra những đứa con mồ côi khi cha mẹ
còn sống ! Sự giàu sang bất chính
có cái giá của nó.
Cha tôi rọ rậy trong phòng. Tôi vô
giúp ông đi tiểu, uống nước. Trở
ra với những giòng chữ rất thật của
tôi trên tờ giấy mềm vì ướt
hơi sương. Trời hừng đông như
không có gì đêm qua. Tôi cất mảnh
giấy vào túi áo và đến trường.
Những nụ cười trên môi của mấy
cô bạn học - lạt nhách. Sau khi điểm
danh theo thông lệ. Tôi trốn lên thư viện.
Ngủ không được, viết không được.
Viết thật như tờ giấy trong túi áo
tôi thì không được chấp nhận thậm
chí còn bị đi tù. Nhưng viết
láo toét thì lương tâm để
đâu ? Sống trong thời buổi lương tâm không bằng
lương thực. Nhiều
thầy cô đáng kính trước
đây đã phải vứt lương tâm
vô thùng rác vì miếng cơm manh áo.
“Người dạy
học phải có cái tâm nhân ái, dạy
văn là dạy làm người - học văn
là học làm người.” Nguyên tắc giáo dục
là như thế ! Nhưng người dạy Văn
nay đâu ? Người học văn mai đây
không thoát vượt biên thì tương
lai vô định. Nghĩ đến hai chữ
“tương lai” mà ngán ngẩm.
*
Nhiều năm qua rồi. “Dòng đời”
là từ ngữ vừa hay vừa đúng trong tiếng
Việt. Dòng đời trôi chảy mãi với
tháng năm. Tôi vẫn cất giữ những
năm tháng dại khờ, trong đó có Mẹ
đĩ như một kỷ niệm không quên. Cất
giữ tiếng hát Cẩm Vân với
“bài ca không quên”. Người ca sĩ
có gương mặt buồn như thời đại
và đất nước Việt Nam sau “giải
phóng”.
Nơi này, người ta nghĩ ra ngày
Mother’s day để vinh danh, tưởng niệm…
người Mẹ - một hành vi nhân bản của
loài người tiến bộ. Từ ngữ Cộng
sản mà lại đúng trong xã hội
Tư bản. Tôi không quên được
người mẹ vĩ đại mà ít nhất
một lần tôi đã gọi người
là Mẹ đĩ.
Mỗi năm trên quê hương của sự
tôn trọng phụ nữ và con nít, ngày
Mother’s day lại nhắc nhở tôi chốn
quê nhà: Không biết người Mẹ đĩ
năm xưa có còn trên cõi đời
vì hành nghề ấy thì làm sao
tránh khỏi những căn bệnh xã hội -
chết người. Đứa bé năm xưa
đã bò được tới đâu trong
xã hội ‘bottom line’ của nó ? Lịch
sử rồi qua đi, con người, thời đại
cũng qua đi. Tôi lỡ mang ký ức một
‘chứng nhân lịch sử’. Hy vọng
tôi là chứng nhân cuối cùng của lịch
sử tối đen nơi quê nhà.
Mỗi năm. Nhìn, nghe các con tôi
rù rì rủ rỉ trong phòng - khóa cửa,
để bất ngờ đem ra cho mẹ một món
quà. Tôi thầm cảm ơn Thượng Đế
đã ban phát ân sủng xuống gia
đình tôi. Trong hạnh phúc nhỏ nhoi của
một gia đình tha phương cầu thực.
Người chủ gia đình vẫn còn âm ỉ
trong sâu xa một ký ức không quên.
Ký ức của một chứng nhân lịch sử.
Tháng sáu cho cha tôi chỉ là đọc lại
một thời đã qua. Tôi có người
cha: “Đời đen như mõm chó rồi
con ạ ! Uống sữa chỉ thêm trắng
lòng.”
Phan
(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)