Tây
Du Ký - Tầu Du Hí
(Tina Nguyễn
Tô)
Tác giả là một
vị cao niên gốc sĩ quan VNCH, tự mô tả
mình là một người Việt quận Cam vui
tính. Bài viết của ông lần này kể
chuyện du lịch Trung Quốc, với lối nhìn
đặc biệt của người Mỹ gốc Việt.
*
Hai cô con gái
vì bận làm ăn nên giao 6 thằng con từ
3 đến 7 tuổi nhờ bố mẹ săn sóc.
Thương con mến
cháu nên ông bà Dương Chí vui vẻ
nhận lời. Nhưng chưa đầy một tuần
là ông Chí đã nhận ra lời
các cụ nói không sai, bốn là "tứ
quý", năm là "ngũ quỷ", và sáu
là "lục ... lọi" nên ông năn nỉ
hai con đẻ thêm một thằng nữa cho đủ
7 để gọi là "thất hiền" cho gia
đạo được yên một chút chứ
hiện tại thì mọi thứ trong nhà đều
bị lục ... lục tung lên hết, mọi máy
móc đều bất khiển dụng, từ
phòng khách phòng ngủ đến nhà bếp
là bãi chiến trường ! Tối đến,
các cháu đòi ngủ chung với ông
bà để được xoa lưng, nghe chuyện cổ
tích. Đúng là một gia đình VN hạnh
phúc trên đất Mỹ. Nhưng các cô
nói đủ rồi, và để bố mẹ
có sức khỏe mà tiếp tục săn
sóc đàn cháu, bù lại cho sự
"thiệt hại" của ông bà vì
các cháu đòi ngủ chung nên cứ 6
tháng một lần, con lại lo cho bố mẹ
đi hấp ... hôn, đi du lịch ở bất cứ
nơi nào. Đã mấy lần sang Canada, qua
Úc, rồi Âu Châu, Tây du ký, nay
thì ... Tầu du hý một lần xem sao.
Tuổi đã cao
mà đi Tầu du hý là sẽ bị các
bạn đạo cao đức trọng phật lòng,
những bạn chống cộng phản đối,
nhưng ông Chí xin phép được đi một
chuyến để xem tại sao người ta khen Bắc
Kinh kinh quá. Đi cho biết "chú thím
Ba" có gì ghê gớm mà dám lớn
giọng đòi dạy cho CHXHCNVN một bài học
! Dẫu gì cũng là tình anh em cuốc-tế
vô sản như môi với răng. Dương Chỉ
(sẽ) kể người nghe chuyện tình ... Trung
và Việt.
Công ty tổ chức
Ố-Sần bảo du khách tự lo liệu đi từ
LAX, ghé qua Hồng Kông, tới Bắc Kinh mới
có tour-guide đón tại phi trường. Không
biết lý do gì mà đoàn gồm 16
người thì chỉ có 6 người
đã được Ớ-Sần cấp sẵn
vé đi Bắc Kinh ngay, số còn lại phải
check-in tại HK, nhưng ngôn ngữ bất đồng,
không người hướng dẫn nên
đã phải vất vả ngược xuôi sau 3
giờ múa chân tay mới có vé đi Bắc
Kinh (BK).
Nhóm "lục-cô-nhần"
tới Bắc Kinh trước, vừa bước khỏi
cửa phi trường đã thấy một rừng
cờ đuôi nheo đủ màu sắc vẫy
chào, dần dần những người cầm cờ
đón khách của họ đi hết mà cờ
của công ty mình đâu ? Không ai
đón, mọi celle phôn mang theo đều vô dụng,
đến quầy Information hỏi thăm và nhờ họ
liên lạc về Hotel, nơi đã đặt chỗ
trước, thì hotel nói không có danh
sách những khách hàng này !
Thôi đành ngồi
chờ toán sau đến rồi cùng tính chuyện
ngủ đường ngủ chợ ! Ba giờ chờ
đợi, toán sau vừa đến thì tour-guide
mới cầm cờ vàng chữ đỏ đến
đón, lão Dương tức giận to tiếng
sỉ vả tour-guide vì 2 cái trục trặc
lúc khởi đầu. (Quý vị nào đi
những chuyến sau lưu ý điểm này với
công ty tổ chức.).
GẶP
NGƯỜI TRONG MỘNG
Về đến
khách sạn thì chàng tour-guide nói tiếng
Anh bị chị nói tiếng Việt thay thế,
cô tên Vũ-Lê-Nghĩa, nghề nghiệp
chính là xướng ngôn viên tiếng Việt
cho đài phát thanh Bắc Kinh, chỉ làm
hướng dẫn viên tiếng Việt nếu
có công ty du lịch nào mời. Cô đẹp
người đẹp nết, gốc Việt chính cống
phố Hàng Ngang (Hà Nội), sang sinh sống tại
Bắc-Kinh đã hơn 35 năm kể từ khi mới
13 tuổi.
Lão Dương
nóng tính vì giận những trục trặc
ban đầu nên từ lúc về đến
khách sạn cái mặt vẫn hầm hầm, nay
nghe cô Nghĩa nói là xướng ngôn
viên bèn xáp lại:
"Xin lỗi cô, cô
có biết cô Lệ Quyên trên đài
phát thanh Bắc Kinh không ?"
"Chính em
đây, em là Wu Liyi, tiếng Việt là Lệ-Quyên,
khi làm hướng dẫn viên thì gọi em
là Nghĩa".
"Tôi vẫn
thường nghe chương trình tiếng Việt
trên đài phát thanh Bắc Kinh, nghe cô Lệ-Quyên
có giọng hay quá làm tôi nhớ mãi
và nghĩ chắc cô ấy đẹp lắm, nay
hân hạnh được gặp mặt người
trong mộng tôi mới biết là mình lầm,
lầm to ! Phải nói cho đúng là cô
không đẹp lắm mà là đẹp tuyệt
vời, đẹp tựa Dương quý Phi, bà cố
nội lão Dương Chí".
Mặt cô Nghĩa từ
màu xám vì giận bỗng ửng đỏ,
cười mím chi khi nghe lão họ Dương
phát biểu cảm tưởng một cách
có nghệ thuật tán gái kiểu cao
đơn hoàn ... tán. Để tỏ là
người có nghe đài Bắc Kinh, lão
Dương hát vài nốt nhạc dạo đầu:
"mì sồ sô sô lá sô ..." khiến
cô Lệ Quyên lại càng tin hơn, cô
nói:
"Đấy, đấy
là bản nhạc Đông Phương Hồng
để mở đầu chương trình phát
thanh, ý bài này là ca tụng Mao ... Anh giỏi
tiếng Tàu quá".
Hai cánh mũi của
Lão Dương phập phồng, ông xổ tiếp
một tràng:
"Lục cú nường
sực zắt cô xường tại chẩu oỏng
xía."
"Hay quá,
đó là tiếng Quảng Đông, nhưng em
không hiểu nhiều".
Lão Võ-Sang
(cháu Võ tắc Thiên) trong đoàn giải
thích cho cô Tàu gốc Việt Wu Liyi rằng
đó không phải là tiếng Quảng
Đông mà là Quảng-Tiều, nghĩa
là "Sáu cô nàng sực một trái
xoài tượng (xường tại) bị đi oỏng-xía
...
Lệ Quyên cười,
mọi người cùng cười, vui ơi là
vui nhưng lão Dương bị lật tẩy.
DÂN
BẮC KINH RẤT... TỰ DO.
Có lẽ niềm tự
hào của BK nói riêng và XHCN nói chung
là sự tự do .. đi lại.
Khi vừa ra khỏi phi trường, anh tour-guide dẫn
khách sang đường thì một taxi tự
do... chui ngang qua đoàn người mà đi khiến
vài bà hét lên vì sợ hãi muốn
té đ.., nay ngồi trên xe bus mới thấy
dân BK thực sự "tự do" đi lại.
Ai đã từng ca tụng
sự tự do của XHCNVN thì đàn anh BK
còn tự do hơn một bậc, hỏi hướng
dẫn lý do của sự "tự do" này
và nếu xảy tai nạn thì sao ? Cô
đáp:
"Công dân
các nước XHCN luôn tiến nhanh, tiến mạnh,
tiến nhắm mắt về phía trước, bất
kể loại xe gì, nếu có đụng nhau
thì ... tự do dàn xếp".
Vừa nghe đến
đó thì những công dân Mỹ gốc
Việt nhao nhao lên tiếng:
"Ở Mỹ
chúng tôi không thế đâu, cọ quẹt
một tí là có luật sư tận
tình bênh vực ngay, bênh vực miễn
phí và đòi bồi thường tối
đa vô tội vạ cho "nạn nhân".
Người Việt quận
Cam có thói quen đi đâu cũng khoe
"người Mỹ chúng tôi" thế
này, người Mỹ chúng tôi thế kia v.v.. Chỉ quẹt (xe) sơ sơ cũng
được luật sư (VN) giúp đỡ,
bênh vực và đòi tiền tối đa cho
nạn nhân ! Thực tình thì không biết
nạn nhân chính trong những vụ cọ
này là ai ? Người đụng hay kẻ bị
đụng? Chỉ cần chạm nhẹ một tí
thôi là đủ bé xé ra to theo kiểu
nhà nghèo đứt tay bằng ăn mày đổ
ruột, dẫu cho không rụng một sợi lông .. chân cũng
được BS kê toa gẫy xương bàn tọa
để hưởng tiền chùa, còn người
quẹt thì bị bảo hiểm tăng $ chết cha
luôn ! "Người Mỹ chúng tôi"
ơi ! Bao giờ hết cảnh .. dàn cảnh "gà què ăn quẹn
cối xay" đây ?
THIÊN
AN MÔN ! NHỮNG OAN HỒN NƠi ĐÂU ?
Nơi thăm viếng
đầu tiên ở BK là quảng trường
Thiên An Môn, được xem là một trong những
quảng trường lớn nhất thế giới
và lúc nào cũng đông người.
Đời một người Trung Quốc ao ước
được đứng ở Thiên An Môn một
lần là mãn nguyện rồi, gần 2 tỉ
người thay nhau về đây đứng !
Đông ơi là đông.
Giữa quảng trường
bao la ấy, ngàn ngàn người dân trong
nước nối đuôi nhau chờ để
được vào thăm Mao chủ tịch thì một
người dân VNCH cầm cờ vàng 3 sọc
đỏ dương cao phất phất miệng la to:
"Tập trung về đây".
Chuyện tưởng
đùa mà gần như có thật. Lá cờ
đuôi nheo cô Nghĩa dùng làm dấu hiệu
cho đoàn du lịch người Mỹ gốc Việt
là màu vàng, ở giữa có 3 hàng chữ
Tàu màu đỏ, lão Dương có
óc tưởng tượng khá cao nên
đã cầm lấy và dương cao ngọn cờ.
Nếu Dương chụp một cái hình rồi
nhờ photoshop nối liền những chữ Tàu lại
thành 3 vạch vàng thế là chàng
có một tấm hình đáng giá (như
hình chàng sinh viên cản đường xe
tanks đòi dân chủ), có thể dùng
để lòe được đấy, vì trong cộng
đồng HN cũng có những màn
.. con bìm bịp như thế
mà ăn lên, làm ra, nhưng Dương thở
dài:
"Thiên An Môn !
Những oan hồn sinh viên ngày 4/6/89 ấy nay ở
đâu ?"
TỬ
CẤM THÀNH
Tử Cấm Thành
cách Thiên An Môn một con lộ chính, phải
chui qua đường hầm mới tới được
An Môn, một hình của Mao (nhưng lại
hói đầu) treo ngay phía trên cửa ra
vào. Cô hướng dẫn giới thiệu cửa
này gọi là "tiền môn" để
đi vào thăm , còn khi ra về
sẽ ra bằng cửa phái sau, cửa đó gọi
là là hậu ... Cô chưa nói hết
câu thì bị cô Võ Trinh trong đoàn
ngắt lời ngay:
"Stop cô Nghĩa
ơi ! Đây là phái đoàn du lịch
người Mỹ gốc Việt, cô gọi cửa
trước là tiền-môn thì OK, nhưng
cô gọi cửa phía sau là hậu
.. thì ghê quá,
chúng tôi không dám đi ra ngả
đó đâu. Mà ở "tiền
môn" này chỉ có một hình Mao chủ
tịch, còn ở đàng hậu ... kia chắc
có nhiều "mao" lắm phải không ?"
Cô Nghĩa cười
rất tươi một cách vô tư:
"Dạ không, ở
cửa hậu .. cũng chỉ có một
Mao thôi" !.
Vừa chui qua khỏi tiền
môn là cô hướng dẫn viên
đã giới thiệu những di tích của Tử
Cấm Thành, nó rộng bao nhiêu, dài bao
nhiêu, có từ đời dzua nào, một
ông vua ngự mà có bao nhiêu bà, hằng
hà sa số cung tần mỹ nư, con sen đứa ở
bao xung quanh, họ ngồi ngáp vặt chờ ngài
vời ! Một năm, mười năm hai chục
năm hay cả .. cả
đời người chờ mong, nhưng chờ mãi cho
đến thác vẫn còn trinh !
Dương không
chú ý lắm tới những chi tiết cô Nghĩa
giới thiệu vì chị Dương là gốc
sông Hương, họ đã có nhiều dịp
vào thăm thành nội ở Huế nên cứ
việc nhân thành nội Huế lên 10 lần,
100 lần v.v.. là
ra Tử Cấm Thành ngay. Dương chú ý
đến thái độ của người thăm
viếng, họ xít xa, tặc lưỡi và
ngôn ngữ chung là lắc đầu thán phục
cho sự tàn ác dã man của con người
đối với con người, dù Zua xưa hay Zua
đời nay thì vẫn yêu dân theo kiểu "Trời
nắng chang chang người trói người"
!
Những khối
đá dài cả chục mét, được
trạm rồng trổ phượng tinh vi dùng
làm lối đi cho vợ chồng nhà vua. Hướng
dẫn viên giải thích rằng mặt
đá gồ ghề như thế nhưng vua đi
không bị vấp té vì zua ngồi kiệu,
cô giải thích tiếp:
"Những tảng
đá to nặng hằng bao nhiêu tấn, những
cây cột hai ba người ôm, được
đưa về từ Tây Tạng, Ấn Độ
v.v..bằng sức người (dĩ
nhiên), BK là xứ sa-mạc, không có
sông suối, không có mưa nên người
ta phải đổ nước xuống đất để
kéo đẩy những vật nặng được
dễ dàng hơn, đại khái thuở xưa
di chuyển là như thế."
Nghe nói thế
thì biết thế chứ người nghe chỉ biết
lắc đầu không thể tưởng tượng
nổi sức chịu đựng của con người
và quyền uy của kẻ tự phong là
"Thiên Tử !"
Ngó vào
phòng ngủ của thiên tử ! Tất cả mọi
thứ đều là màu đỏ + vàng trong
một không gian nhỏ hẹp, tôi có cảm
tưởng như zua là một con chim quý bị
nhốt trong lồng son đễ hưởng tứ
khoái rồi tử. Một mùi ẩm mốc
thoát ra khiến người xem dội ngược.
Hướng dẫn viên giải thích đó
là mùi hóa chất dùng để bảo
quản ngai vàng !
VẠN
LÝ TRƯỜNG THÀNH
Được coi
là một trong 7 kỳ quan của thế giới
nên tất nhiên được nhiều người
biết đến qua hình ảnh. Thêm nữa, với
hệ thống điện tử ngày nay, chỉ cần
vào mạng lưới Google là có thể biết
tất cả những chi tiết về Vạn Lý
Trường Thành (VLTT), không cần phải đến
thăm mới biết. Nhưng Google không nói
được cảm tưởng của mỗi người
khi thấy tận mắt, với tôi chỉ nhìn một
lần là đủ, chỉ một lần thôi,
nó không có gì đẹp mà phải
chiêm ngưỡng, mà phải viếng hai lần,
chỉ là dấu tích "núi
xương" của người nô lệ dưới
quyền bạo chúa ngày xưa xây dựng
và bạo chúa ngày nay tái tạo để
khai thác kiếm tiền.
Bút tích của
Mao được in trên bức tường dựng giữa
trường thành: "Bất đáo
trường thành vi hảo hán"
Có nghĩa là chưa
đặt chân lên VLTT thì chưa phải
là hảo hán, du khách nào muốn là
"hảo hán", ngoài việc đến
thăm, trèo cao vài trăm bậc đá
còn phải móc bóp trả 30 USD mới
có một miếng đồng bằng ba ngón tay
chéo in vài chữ Hán & Mỹ để
làm bằng, chứng tỏ ta đã là hảo
hán ! Mà hảo hán là kí gì nhỉ
?
Tôi thì không
cần thứ đó, nhưng hàng ngàn
ngàn người dân bản xứ muốn có
cái bằng để mà treo chơi, để chứng
tỏ ta là hảo hán thì phải làm
sao? Lấy đâu ra 30 đô la ? Cùng tắc biến,
phát huy sáng kiến, biến hàng thật
thành hàng giả, cầm lấy chữ
ĐÁO lắc lắc rồi bỏ chữ O đi
để thay bằng chữ "i"
Trong lúc đứng
trên thành cao quan sát, nhìn xuống dưới
chân tường, tôi thấy thấp thoáng
trong lùm cây, nhiều người địa
phương ra vào vì muốn được
làm hảo hán, chữ Đáo mà bỏ
"O tròn như quả trứng gà" đi rồi
thay bằng một chữ "i" là có ngay: "Bất đái tường thành vi hảo
hán"
Là hảo hán rồi,
ta ra về trong thơ thới hân hoan, hoan hô
bác Mao.
Nam nhi muốn thành hảo
hán thì dễ nhưng nữ nhi thì bất khả
thi, mà không đi được thì nguy hiểm
lắm, bác Mao tôn Cương cảnh cáo rằng:
"Bái-đất" .. giai
nhân tử,
"Đông-Khái".. anh hùng
tiêu"
Dẫu nam hay nữ, nếu
muốn không tử hoặc tiêu thì hãy
đến "đái" tường thành.
NƠI
CẦN THĂM VIẾNG
Lẽ ra không nên
nói chuyện "tử với tiêu" ở
đây, nhưng xét cho cùng lại là
điều cần thiết cho những giai nhân biết
nếu đi du lịch Bắc Kinh. Nhớ lại lúc
đi thăm Tử Cấm Thành, mọi người
đang ngắm cảnh thì mấy chị trong
đoàn hỏi nhỏ với nhau:
"Làm sao đi
thăm lăng Bác nhỉ ?"
Cô hướng dẫn
viên nghe được vội vàng trả lời:
"Lăng bác Mao ở
bên quảng trường Thiên An Môn cơ,
chúng ta đi qua rồi".
Vì đoàn
không có mục thăm xác chết nên
tôi biết có một sự hiểu lầm về
hai chữ "lăng Bác", nếu như cô
hướng dẫn này là công an (thường
là như thế) thì nguy hiểm quá nên
tôi vội nháy mắt ra hiệu cho mấy chị
cảnh giác rồi tôi vờ như
"mót", hỏi cô hướng dẫn nơi
nào có thể giải thoát để cho
các ... giai nhân tái-đắc nhờ.
Dù chốn công cộng
hay tư gia, bộ mặt văn minh lịch sự
không hẳn do nhà cao cửa đẹp mà
chính ở những phòng nhỏ hẹp RR. Vì
thủ đô Beijing nằm ở sa mạc nên thiếu
nước khiến những phòng RR thì vô
cùng (bắc) kinh, du khách rất ngại bước
vô. Không nước, không giấy lau tay, nếu
có để sẵn cũng bị lấy mất ! Ngay
cả những restaurant, vì dư người mà
hà tiện giấy nên có nhân viên lễ
tân cầm giấy đứng chờ sẵn để
trao cho bạn một tờ, một tờ thôi !
Thôi thì ai có thân người ấy lo, thủ
sẵn giấy chùi trong xách tay cho chắc ăn,
cố nín như bà dân biểu Chè
thì nguy, bác Mao đã cảnh cáo:
"Giai nhân tái-đắc giai nhân tử.
Anh hùng đông-khái anh hùng
tiêu"
Năm 2008, BK sẽ tổ
chức thế vận hội nên LHQ đã khảo
sát và công bố hiện nay BK là
thành phố ô nhiễm nhất thế giới (RFI
26/5/07), không phải vì khói xe hơi mà
vì sự khạc nhổ bậy và hơi nước
đái quỷ của 13 triệu dân. Nhổ bậy
và bệnh tiểu đường thì vừa
có lệnh cấm, nhưng còn đi pipi mà
không có nước thì sao đây ? Chuyện
vệ sinh không vệ sinh của thành phố BK
có thể kết luận mhư thế này:
"Chưa đi chưa
biết Bắc Kinh, đi rồi mới thấy
.. thất kinh hết hồn".
THẬP
TAM LĂNG
Bỏ Vạn Lý
Trường Thành để đi thăm thập tam
lăng dòng họ nhà Chu. Họ Chu truyền
ngôi được 13 đời, mỗi ông chiếm
một ngọn đồi trên cả một vùng rộng
lớn nên chỉ có thể đi thăm lăng
con trai Chu Nguyên Chương là Chu Đệ
mà thôi. Bức tượng đồng đen to lớn
của Chu Đệ ngồi uy nghi giữa đại sảnh
với cái tên Vĩnh Lạc. Sau khi cô hướng
dẫn Nghiã giải thích xong thì có
bác Tám (83 tuổi) trong đoàn giải
thích thêm:
"Theo ngoại sử
thì đáng lẽ nhà Chu chỉ truyền
ngôi có 2 đời, đến vua Chu Đệ là hết
vì ông này không có con, may có một
thầy tướng Việt Nam là Võ Thanh sang
chơi, thấy nhiều ám khi bao quanh Chu Đệ
nên khuyên ông ta muốn có con thì phải
bỏ cái tên Chu Đệ đi mà lấy một
cái tên nào mang ý nghĩa hưởng Lạc.
Chu Đệ nghe theo đổi tên là Vĩnh Lạc
(hưởng lạc vĩnh viễn) nhờ thế mới
có con cháu nối dõi 13 đời."
Chả hiểu ông
thày tướng Võ Thanh này nói chơi
hay nói đùa, nhưng rõ ràng là
ông vua chu đệ thì làm sao có con để
nối ngôi ? Thôi nhá, vĩnh biệt Mr. Đệ-Chu để
chúng tôi đi thăm chùa của bà Từ
Hy.
THUYỀN
ĐÁ CỦA BÀ TỪ HY
Thấy du khách
không mấy vui với ông vua Chu Đệ nên
cô Lệ Quyên cho đi coi cái thuyền
đá của bàTừ Hy. Muốn tới xem thuyền
bà là phải đi theo một hành lang
dài hun hút gần 2 km, một bên là bờ
hồ liễu rủ, một bên là vách
núi um tùm, hành lang được trang
trí bằng hơn 2 ngàn bức tranh phong cảnh
khác nhau.
Người trần mắt
thịt như tôi chỉ thấy những bức vẽ
nhem nhuốc cũ xì nhưng nhiều nhà nghệ
thuật "nghiệp dư" lại cứ tấm tắc
khen ! Khen đẹp hay khen cái đồ cổ ? Cuối
cùng thì cũng đến chỗ thuyền
đá của bà Từ Hy đứng im lìm
trong nước.
Tùy theo kích
thước lớn nhỏ, những thứ dùng để
chuyên chở người trên mặt nước
được gọi là tàu, thuyền, ghe v.v.. vì thế tôi
không biết phải gọi cái của bà Từ
Hy là tàu, thuyền hay ghe vì nó là một
khối đá trắng cao như một nhà lầu
2 tầng kể từ mặt nước trở lên,
phần chìm dưới nước sâu bao
nhiêu ? Trước mũi là hình dáng một
cái thuyền rồng, thân như thân tầu, còn
cái đuôi thì cong vòng lên ra dáng
cái ghe.
Phong cảnh hữu
tình, người đẹp chụp hình, tiếng
ai trong đám giai nhân ấy:
"Nhớ chụp lấy
thuyền và cả cái .. ghe phía dưới nghe không".
Lão phó nhòm
tỏ ra lúng túng không biết ghe nào với
ghe nào, ngắm nghía mãi lão mới nhận
ra có một cái ghe nhỏ xíu chứa vừa
đủ một ngư ông đang chèo quanh thuyền
đá của bà để vớt rác rến
rong rêu.
Hướng dẫn
viên giải thích: theo phong thủy (fong-cùi)
bà cho đào hồ phía dưới để
lấy đất đắp thành đồi phía
trên, trên đồi bà xây chùa, dưới
hồ bà thả thuyền đá, nay chùa bế
môn vì không sư gõ mõ, thuyền
đá tỏa cảng gác mái chèo.
Nước sông
công tù, mùa đông rét buốt miền
thượng du Vĩnh Quang, Tam Đảo ai đã từng
đào ao thả cá "bác hồ", lấy
đất vun đồi trồng sắn mới thấy
rùng mình cho người xưa cũng khổ
vì cái hứng của nữ bạo chúa ! Tại
sao lại dùng cái thuyền làm biểu tượng
cho quyền uy ? Dùng chi đồ giả để vất
vả cho muôn dân.
MỘ TẦN THỦY
HOÀNG và LÒ GỐM
Lại phải nhái
lời ông Mao: "Phi diện kiến Thủy Tần bất
thành du khách", ai đã từng du lịch
Trung Quốc ắt phải ghé thăm Tần Thủy
Hoàng (TTH), tuy xưa kia là bạo chúa nhưng
nay lại là "vựa lúa" cho vua
đương thời thu lợi, người người
lũ lượt viếng thăm.
Khu lăng mộ TTH thuộc
cố đô Tây An, cách BK 2 giờ bay, trước
khi đến thăm, du khách được các
hướng dẫn viên cho viếng một khu
đúc tượng bằng đất sét, từ
nhỏ bằng nắm tay đến lớn hơn người
thật đều được nặn bằng tay,
bày bán cho du khách.
Không ai biết
đích thực mộ TTH nằm nơi mô,
hình như họ cố tình che dấu, tạo một
lớp mây mù huyền bí để gây sự
chú ý cho du khách, còn tất cả những
gì hiện ra trước mắt chỉ là những
khu đất rộng lớn bị đào xới,
dưới sâu 2m là những hình nhân bằng
đất nung, cái còn nguyên được
mang lên trưng bày, cái nát vụn, đứng
ngồi nằm chồng chất lên nhau trong tình trạng
đang khai thác tiếp.
Vì đã
được quan sát nơi nặn tượng
trước khi đến đây nên tôi
có cảm tưởng khu lăng mộ TTH chỉ
là những "lò gốm" đúc
hình nhân bằng đất sét, những
lò đúc lâu đời bị sập, nay
được dựng lại với cái "mác
Tần Thuỷ Hoàng" huyền bí để
câu $ khách thập phương. Theo thống
kê, năm 2006, nhờ vào "đồ cổ"
giả mà ngành du lịch TQ đã móc hầu
bao dân ngoại được 33,6 tỷ USD và
dân nội được 583 tỷ nhân dân tệ
(=/=83 ty USD).
Hàng giả biến
thành hàng thiệt là bí quyết gia truyền
của "chú thím ba". Hàng ngoại HK
nhưng sản xuất tại Chợ lớn, ai
đã từng sống ở SàiGòn đều
rành 6 chữ: "Hồng Kông bên hông Chợ
Lớn !"
Bye-Bye ông vua Thủy-Tần,
(gọi tên theo kiểu Mỹ), một lần thôi
ông ơi.
TÔ ĐÔNG PHA
& TÔ THỊT LỢN KHO TÀU
Giã từ Tây An
với hàng giả Tần Thủy Hoàng, khách
du Giang Nam tới Hàng Châu với Tây Hồ. Hồ
không to mà cũng không đẹp như những
hồ khác trên đất Mỹ, nhưng vì
trên đó có 2 con đê được tạo
lên do hai nhà thơ nổi tiếng Bạch cư Dị
và Tô Đông Pha nên đươc nhiều
người nhắc đến.
Chị Dương
Chí, một thành viên trong đoàn chắc
sẽ nhớ và nhắc mãi Tây Hồ và
con đê Tô Đông Pha này, chị chê
Tô-đê gì mà lồi lõm khó
đi và nhắc nhở mọi người hãy cẩn
thận, coi chừng té. Vừa dứt lời thì
chị vấp té, ngã sấp mặt trên
đường, nghe tiếng "cạch" rồi nằm
bất động ! Chồng chị và khách đồng
hành đứng chết trân, không biết phải
xử trí ra sao, bụng đánh lô tô, thầm
nghĩ ông Tô này linh thiêng thật.
Một lúc sau chị
gượng dậy được, xít xoa ngó
vào ngón tay, nói "Không sao".
Mọi người mừng
cho chị, sức khỏe không sao, nhưng thực ra nếu
để ý một tí thì mới biết chị
nói "cục đá" trên ngón tay
áp út không sao, nhờ nó mà chị
được bình an, chỉ có cục
đá lót trên đê bị trầy. Quả
thật những viên đá trên tay là
bùa hộ mạng cho nữ nhi, những anh chồng
đần ông nên lưu ý điểm này
để đem an toàn về cho quý chị.
Bên bờ hồ, một
nhà hàng thuộc loại cổ được giới
thiệu là khi xưa Càn Long du Giang Nam cũng
đã từng "sực phàn" trong
đó. Sau khi đi thuyền trên hồ, du
khách được mời vào dùng bữa với
thực đơn đặc biệt, cạp-cạp bọc
lá sen và mỗi người được một
tô thịt lợn kho tàu do ông Tô
Đông Pha chế ra. Món này người miền
Nam VN thường gặp trong ngày tết nguyên
đán, có lẽ vì vậy mà gọi
là thịt "kho tàu".
CHÙA KHÔNG ..
SƯ CỤ
Từ Bắc Kinh cho
đến Hàng Châu, Tô Châu, Thượng Hải
rồi Hồng Kông, Ma-cạo đâu đâu du
khách cũng được hướng dẫn đi
vãn cảnh chùa, chiêm ngưỡng Phật.
Chùa trong hang, chùa trên núi và chùa
trong thành phố, thiện nam tín nữ
đông nghẹt và khói hương cũng .. đặc nghẹt,
nhưng đặc biệt không hề thấy
bóng dáng thầy hay ni cô đâu, dù thầy
áo vàng hay thầy áo nâu !
Thì ra TC cũng
như ... chư hầu, tha hồ mà tự do tôn
giáo, mua vé đến chùa để đốt
nhang khấn vái lai rai, nhưng không có thầy
trụ trì để giúp phật tử câu
kinh tiếng kệ. Nếu có thầy thì là
thầy có hair, "phi quốc doanh bất thành
thượng tọa".
Theo hướng dẫn
viên thì ít người để ý đến
hướng của các chùa hay đúng hơn
là phương vị của các tượng Phật
ở Trung Quốc, theo phong thủy (?), thì mọi
tượng Phật đều hướng mặt về
phía Nam, dòm ngó về phương Nam,
nhưng duy nhất có một tượng Phật vĩ
đại được đem từ Trung Cộng sang Hồng
Kông đặt trên ngọn núi cao lại quay về
phương Bắc, tức quay về Bắc Kinh !
Đó cũng là do "fong-cui", đâu phải
vô tình. Phật Chúa gì cũng phải
chào ... thua Beijing.
NƠI KHÔNG MUỐN
TỚI
Beijing thật là
tài tình, miễn cho Chúa Phật nhiệm vụ
cứu rỗi chúng sinh nhưng phải "lao động
là vinh quang", đến như chùa chiền
thánh thất còn bị dùng là nơi moi
tiền du khách thì nói chi đến các
cửa hàng đặc sản TQ như ngọc thạch,
thuốc bắc, tơ lụa và trà ? Muốn hay
không du khách cũng phải vào những cửa
hàng quốc doanh này vì đó là
chương trình "tham quan" đã được
"nhà nước" định sẵn cho các
đoàn du lịch.
Nếu như người
Hoa-Kỳ làm "bizinét" luôn tôn trọng
3 quy luật là: khách hàng, khách hàng
và khách hàng thì người Hoa-Tầu cũng
có 3 quy luật: khách hàng là Thượng
Đế, Thượng Đế và Thượng
Đế.
Chuyên viên
các cửa hàng giới thiệu sản phẩm thật
khéo, dẻo cái miệng, đeo ngọc thạch
TQ thì đẹp ra và chữa được bệnh
tim ! Thế là các bà không tiếc tiền.
Thuốc bắc TQ thì zắt-lầu, bách bệnh
tiêu tán, vạn bệnh tiêu trừ, tăng
cường khí thế, thế là ông móc
bóp, bà mở ví. Trà Thiết quan Âm,
Long Tĩnh trà, trà Thái-Đức v.v.. đều có đặc
tính hút mỡ, nấu phở mà bỏ một
nhúm trà vào là hút hết chất
béo của nước lèo. Trà làm giảm
mỡ trong máu, tránh được nguy cơ bị
"tờ-rốc", vậy là cả ông lẫn
bà cùng mua, ngàn năm một thuở, mua
thêm về để làm quà cho bạn
bè.
Nhờ được
coi là Thượng Đế nên du khách
không tiếc tiền nhưng sau khi mua xong rồi mới
thấy hố, mọi chuyện đã lỡ rồi,
ngậm bồ hòn làm ngọt
TRUNG HOA CÓ GÌ
LẠ KHÔNG EM ?
Trung Quốc hay Trung Hoa
có nhiều cảnh lạ và đẹp cũng
như các nước khác trên thế giới,
mỗi nơi một vẻ làm sao diễn tả cho hết
được ! Nhưng có một nét đặc
biệt là biểu tượng của TQ mà VN sau
30/4/75 cũng theo gương, đó là cờ
"Liên hiệp Quốc" giăng mắc khắp
nơi.
Cờ "LHQ" ?
Các hướng dẫn viên hãnh diện gọi
như thế để ám chỉ những quần
áo mà dân địa phương phơi
ngoài trời. Từ cửa sổ những chung cư
cao ngất vài chục tầng ở trung tâm
thành phố cho đến những nhà trệt ngoại
ô, đâu đâu cũng đủ màu quần
sắc áo, ngay cả những đồ lót của
phụ nữ cũng được dương cao ngọn
cờ XHCN ! Cho dù là hàng hiệu Vic-to
xì-kịt mới tinh hay made in China cũ xì cũ
xịt.
Trước cửa một
nhà hàng ca nhạc, bên hông chùa,
trên lối ra vô một tiệm chạp phô, dọc
hai bên xa lộ, "mực khô" giăng mắc
khắp nơi trông .. mát
mắt nếu như phơi luôn cả ... đồ
che. Hỏi rằng sao không dùng máy xấy
thì được giải đáp đấy cũng
là do fong-sui, phơi ra giữa trời hấp thụ
khí trời để mong sinh được con trai.
Đây là một
nét độc đáo không nơi nào
trên thế giới sánh kịp. Chuyện
đúng sai chưa được kiểm chứng
thì người hướng dẫn nhìn trước
ngó sau rồi xuống giọng:
"Hiện tượng
phơi quần áo (không đồ lót) ra
ngoài trời đã có lâu đời, coi
như phong tục của người Hoa, nhưng từ
năm 1980, khi có luật chỉ được
phép sinh một lần thì đồ lót phụ
nữ lại được xuất hiện công khai,
phơi chỗ dễ thấy nhất, như là bộ
mặt của xã hội, một hình thức phản
đối chính sách một con."
Nếu đúng thế
thì quả thật là thâm, chuyện mỗi cặp
vợ chồng chỉ được phép sanh một
lần là điều khổ tâm và hiện
là cơn sóng ngầm phản đối
chính sách của nhà nước. Ngay trong
tháng 5/07 vừa qua, đã có nhiều địa
phương dân chúng nổi dậy phản đối
chuyện sinh đẻ và đánh nhau với
công an.
Nếu là công
nhân viên nhà nước mà đẻ con lần
thứ hai thì mất hết mọi quyền lợi
và bị bắt thôi việc, đó là một
nỗi kinh hoàng. Nếu là người dân
thường thì nhà nước dùng biện
pháp chế tài siết đồ đạc trong
nhà, coi như cởi áo lột quần, chừng
nào thấy "bác mao", trở thành
"vô sản" chuyên chính mới thôi.
Cùng tắc biến,
biến tắc thông, khi khám phá ra kẽ hở
của luật, luật nói là chỉ cho phép
đẻ một lần, khác với chỉ có một
con, nên các bào chế sư TQ đã
phát minh ra thuốc đa thai, uống vào là
có thể sinh đôi, sinh ba và cả sinh
tư nữa. Thuốc này có tên là
clonifene citrate, giá 7,5 nhân dân tệ, hiện
tượng này đang âm thầm lan truyền
trong dân chúng, gây lúng túng cho nhà
nước, trung ương đang tìm giải
pháp "khống chế".
Bên hông khách
sạn 4 sao là những con hẻm luộm thuộm
lúc nhúc ổ chuột như bất cứ con hẻm
nào trong Chợ Lớn VN, lão Dương thả bộ
thăm dân cho biết sự tình và ở
đây mới thấy nếp sống thật của
dân BK. Nhờ biết nói tiếng Hoa, lão gặp
và nói chuyện với anh Jiao Na và vợ
là Niu Jiangfang đang "bón" cháo cho 4 con
(sinh tư). Jao cho biết dân trong xóm này
đa số đẻ một lần được 2, 3
con, riêng anh thì được 4. Tuy không vi phạm
pháp luật nhưng lại lâm vào thế
bí, vô cùng vất vả vì những nhu cầu
cần thiết nuôi dưỡng và chữa bệnh
chỉ có tiêu chuẩn cho một con.
Từ chính sách
có một con, mà truyền thống dân TQ
là "nhất nam viết hữu, thập nữ viết
vô" nên khi biết thai nhi là nữ thì
phá, chỉ "lẻ" khi nào thai nhi là
nam vì bác Đặng-xìu-Ping chỉ cho lẻ
một lần ! Hậu quả là ngày nay tình
trạng trai thừa gái thiếu trầm trọng.
Hướng dẫn viên cho biết một thanh niên
TQ, nhất là vùng Thượng Hải muốn lấy
được vợ thì tối thiểu phải hội đủ 5
tiêu chuẩn sau đây: "Dậy sớm
như gà, làm việc như trâu, trung
thành như chó, dễ nuôi như heo, dễ
thương như mèo !" Rồi cô gái
Sanghai nói "Tại vì ngày nay gái
Thượng Hải đã trốn sang Mỹ hết rồi".
Một dân tộc
hãnh diện có tứ đại mỹ... đồ
(nhân) là Tây Thi, Dương Quý Phi,
Vương Chiêu Quân và Điêu Thuyền
mà đến đời sau lại chạy theo
cháu chắt chú Sam thì kỳ quá !
Nhưng chính cô hướng dẫn viên giải
thích rằng tại vì hậu quả những
khuyết điểm của các mỹ nhân để
lại. Khuyết điểm Dương quý Phi
thì "viêm cánh", Điêu Thuyền
thì "trước sau như một" nên cứ
giả bộ ôm đàn để che, còn
Chiêu Quân thì "viêm họng" nên
thường hay lấy tay che miệng, che mặt !
Thực hư khuyết
điểm của những mỹ nhân khác
thì không biết, mỹ nhân nào mà
không có khuyết điểm, nhưng nói
Chiêu Quân "viêm họng", hơi thở
không thơm là không đúng. Sở dĩ
cô thường lấy tay che mặt là muốn dấu
đi cái nốt ruồi "thương phu trích
lệ" mà lão già Mao Diên Thọ muốn
hại người đẹp nên lấy mực
tàu chấm vào.
Có lẽ không cần
bàn thêm những câu nói cho vui nhưng
có vẻ thật kể trên, chuyện cần
bàn là hiện nay làn sóng phụ nữ
Việt do nhà nước Cộng Hoà Xã Hội
Chủ Nghĩa Việt Nam hợp đồng với
các "cò" buôn người bán rẻ
để xâm lăng Đài Loan, Hồng Kông,
Cao Ly v.v.. không biết
lúc nào sẽ tấn công Bắc Kinh ?
Ráng lên, các
cháu ngoan quàng khăn đỏ của bác Hồ,
tương
lai các cháu sẽ là mẹ.
.. dân phương Bắc đấy
nhé.
TINA
NGUYỄNTÔ
(Sưu Tầm
Liên Mạng chuyển)