Chân Dung Người
Thiện Nguyện
(CHU NGUYỄN
BÌNH PHƯƠNG)
Tác giả cho biết bà tên thật
là Chu Nguyên Bình, cư dân San Jose, vừa qua tuổi nghỉ
hưu. Bài viết về nước Mỹ đầu
tiên của bà mang tựa đề “Chân
Dung Của Người Thiện Nguyện” được
viết với lời ghi trân trọng “Để
tưởng niệm Ông Edward Swenson -Indiana,” nhân vật
được bà gọi là “Người
ơn cho tiếng nói ban đầu.”
*
Chúng tôi đến định cư tại
Tiểu bang Indiana
ngày 1 tháng 5 năm 1991. Phi trường Evansville chào đón
chúng tôi vào một buổi chiều, lúc
9 giờ tối mà bầu trời vẫn còn
sáng, chưa có dấu hiệu của một buổi
chiều tà. Chúng tôi thật sự rất ngạc
nhiên khi đến vùng Newburgh, một vùng quê
êm dềm, tĩnh lặng. Ôi sao lại có một
vùng êm như thơ vậy ! Chúng tôi
có cảm giác quen thuộc của Dalat ngày
nào. Người dân địa phương chất phác, hiền hòa
và rất hiếu khách. Do vậy chúng
tôi mới đến tháng 5 thì tháng 7
đã có người làm việc thiện
nguyện đến dạy Anh văn cho gia đình
chúng tôi. Ngôn ngữ, tiếp xúc là vấn
đề quan trọng cho những người mới
đến.
Ông Edward Swenson, khổ người cao lớn,
gương mặt hiền lành đôn hậu,
ăn mặc giản dị.
Ông là kỹ sư mới về hưu hồi
tháng 6. Chúng tôi may mắn đựơc
ông gọi điện thoại đến báo
là ông sẽ dạy Anh văn cho gia đình.
Trước đó, ngoài việc làm ở
nhà thờ, ông còn giúp những người
di dân Trung Hoa, Đai Hàn, Nhật Bản, và
gia đình chúng tôi là người Việt
Nam đầu tiên.
Mỗi tuần hai tối vào thứ ba và thứ
năm, ông lái xe đến nhà dạy
chúng tôi từ sáu giờ đến tám
giờ, chỉ trừ những đêm có tuyết
rơi hay sương mù, ông gọi điện thọai
cho nghỉ học. Những
chiều mưa ông vẫn đến, ông gõ cửa
và cởi áo mưa, chúng tôi nhìn
ông ái ngại, nhưng ông vẫn tươi
cười nói: "Chỉ có hai mươi
phút lái xe đến đây trong không
khí ấm áp, tôi dạy ngôn ngữ của
nước tôi cho những người từ xa đến
cũng là điều rất thú vị đối
với tôi, không thành vấn đề !" Bà Betty, vợ ông cũng
rất hiếu khách, ông chuyển lời bà mời
chúng tôi đến thăm nhà. Chúng
tôi đem món ăn Việt Nam đặc biệt
là chả giò, món ăn phần đông
người Mỹ ưa thích. Chúng tôi thường
đến thăm ông bà vào trưa chủ nhật
sau buổi lễ ở nhà thờ.
Thầy dạy Anh văn của chúng tôi rất
nhiệt tình và tỉ mỉ. Ngoài tiếng
Anh ra, ông còn dạy cách xử dụng
các đồ dùng trong nhà như máy rửa
chén, các bộ phận của xe hơi, từng phần nhỏ như
cái gạt nước ...
ông cũng bắt tôi lập đi lập lại
nhiều lần cho nhớ. Ông còn dạy để
thi lấy bằng lái xe và thi vào Quốc tịch
Mỹ. Có lần ông hỏi chúng tôi,
có cần ông giúp đỡ về
phương tiện và tiền lệ phí để
thi vào Quốc tịch không, chúng tôi trả
lời: "Chúng tôi đã có công
việc, các cháu vừa đi học, vừa
đi làm thêm ở nhà hàng nên
đã tạm ổn định, xin cám ơn
lòng tốt của ông. Bao nhiêu thời giờ
và tâm sức mà ông đã
giúp đỡ gia
đình chúng tôi tiếng nói trong buổi
đầu đến định cư trên nước
Mỹ, chúng tôi không biết lấy gì
để đền đáp ơn ông."
Ông cười vui nói: "Không có
gì !"
Ông Swenson dạy chúng tôi cho đến
năm 1996, sau đó ông bắt đầu bị bệnh
Parkinson, hai tay ông mới đầu run nhè nhẹ
nhưng cũng có thể bưng ly nước uống
được. Về sau, bệnh nặng hơn khi
ông dùng muỗng nĩa để ăn cũng
khó điều khiển mỗi khi đưa thức
ăn vào miệng cũng phải vài ba lần mới
được, càng ngày việc ăn uống
càng khó khăn hơn. Nét mặt của
ông cũng có nhiều thay đổi, bớt
nét tinh anh. Nhìn ông trong lòng chúng
tôi dâng lên một niềm thương cảm.
Và chúng tôi xin được nghỉ học
Anh văn để ông chuyên tâm chữa bệnh
nhung ông vẫn muốn dạy. Sau cùng, chúng
tôi phải thú thực là rất lo lắng
khi ông lái xe trở về nhà vào ban
đêm nhỡ bị tai nạn thì chúng
tôi rất ân hận.
Tuy ông nghỉ dạy nhưng vào tối thứ
ba và thứ năm, tôi phải canh để nghe
điện thoại của ông, tôi phải trả
lời những điều mà ông muốn biết
về sinh hoạt của gia đình vì tôi
là người nhút nhát và dở Anh
văn nhất. Những lúc ông bà đi
chơi xa là lúc tôi cảm thấy thoải
mái nhất trong hai tối thứ ba và thứ
năm.
Sau thời gian tiếp xúc với thầy dạy
Anh văn, tôi đã bỏ được cảm
giác sợ hãi người Mỹ khi tôi phải
đối diện với họ. Chúng tôi thầm
cám ơn ông đã giúp đỡ gia
đình chúng tôi trong bước đầu
tiên trên đường định cư.
Ngày các con chúng tôi tốt nghiệp
Đại học, ông bà cũng rất vui mừng
đến dự bữa cơm gia đình thân mật.
Chúng tôi thương quí ông như người
thân ruột thịt. Trong lòng thầm cảm
ơn ông và cầu xin Ơn Trên ban mọi
ơn lành cho ông và gia đình. Ngày
nay trong mọi sinh hoạt, tiếp xúc, mọi
thành quả trong học tập trên đường
đời của mọi thành viên trong gia
đình tôi cũng do Người Ơn cho tiếng nói ban đầu.
Hơn một năm sau, ông bị bệnh nặng
phải vào Nursing Home để có người
chăm sóc. Đây là giai đoạn cuối
cùng đáng buồn cho đời người.
Khi con người tuổi tác đã cao lại hay
đau yếu, tinh thần không còn minh mẫn nữa
như một đóa hoa đã đến lúc
tàn phai. Hàng tuần chúng tôi vào
thăm ông đều đặn, thấy ông rất
vui vẻ, như khỏe hơn ra.
Một lần chúng tôi đến thăm
ông Swenson, gặp người quản lý hỏi về
quan hệ giữa chúng tôi. Khi được biết
Ông là thầy dạy Anh văn cho gia đình
tôi, người quản lý ngạc nhiên
và cho biết thường chỉ thấy cha mẹ, vợ
chồng, con cái đến thăm những người
ở đây thôi mà cũng không phải
thường xuyên. Chúng tôi đến thăm
ông đều đặn và bao giờ ông cũng
hỏi: "Cô
có nghĩ là ngày mai Betty vào thăm
tôi không ? Betty hẹn tôi lúc mười giờ
sáng Chúa nhật !" Chúng tôi
luôn luôn làm cho ông vui lòng, một sự
chờ đợi với nhiều hy vọng: "Chắc
chắn Betty sẽ vào thăm ông sáng mai
!" Lúc về chúng tôi ghé qua
nhà ông thăm bà Betty và nhắc bà
là ông Ed đang nhớ bà và mong gặp
bà sáng mai. Bà cảm động trả lời:
"Cám ơn, sáng mai tôi sẽ vào
thăm ông Ed."
Thật ra hai chân bà rất yếu đi lại
khó khăn nên bà cũng không giúp
gì cho ông ngoài việc vào thăm còn
hạn chế, chẳng bao lâu nữa bà cũng sẽ
đi vào chỗ của ông !
Những lần vào thăm, chúng tôi
thường đem những thức ăn mà ông vẫn
thích. Sau khi giúp ông xong bữa, chúng
tôi xin phép được cắt móng tay cho
ông. Vừa đưa
bàn tay run rẩy, ông nhắc "Đừng chăm
sóc tôi kỹ quá sẽ làm buồn
lòng những người chung quanh vì họ chẳng
có ai vào thăm để trò chuyện hay
giúp đỡ."
Một lần chúng tôi vừa vào đến
nơi, gặp một bà cụ ngồi xe lăn
đón lại và nói: "Cô có thể
làm ơn nghe tôi nói chuyện một lúc
có được không ?" Tôi trả lời: "Vâng, chắc chắn
là được. Tôi thích nghe kể chuyện
lắm !" Mặt
bà cụ tươi hẳn lên lộ nét vui mừng. Thế là bà bắt
đầu kể chuyện về gia đình, về
các con các cháu, về những thức ăn
mà bà đã nấu trong mấy chục
năm qua, về một vài tên mà bà nhắc
đi nhắc lại nhiều lần. Sau cùng bà
nói: "Bây giờ
tôi không tìm thấy họ nữa và
tôi cũng rất nhớ họ !"
Trong khi nói chuyện nét mặt bà linh họat
hơn lên, sau cùng bà cầm tay tôi: "Cám ơn Cô
đã nghe tôi nói." Tôi bồi hồi xúc
động vì đây là lần đầu
tiên tôi đựơc nghe câu nói từ một
cụ già trong Nursing Home.
Tôi tự nhủ thầm: "Rồi cũng sẽ
đến lượt ta !"
Người già sống xa con cháu, muốn
nói chuyện cũng không có người để
nói với. Bao
nhiêu chuyện buồn vui còn chứa chất trong
lòng: cuộc đời
vui ít buồn nhiều, biết lấy ai mà
giãi bày tâm sự.
Nhưng cũng có những người già
có con cháu ở kề cận, không biết
đám người trẻ này có thông cảm
cho tuổi già hay không ? Có thể những
câu chuyện kể trở thành chuyện lẩm cẩm,
làm mất thì giờ ...
Có ai hiểu được một ngày
nào đó rồi ta cũng sẽ già: một hình ảnh
già nua, yếu đuối, nói trước
quên sau, để đâu quên đó, rồi
lẫn. Nếu trời
còn thương trí óc còn minh mẫn
thì ta cứ tự nhủ "lục thập nhi thuận
nhĩ" và nếu được hơn nữa
thì "thất thập cổ lai hi". Ở tuổi này ta cứ
vui với "mặc ai hỏi
mặc ai không hỏi tới". Bởi vì, chúng ta đã
trải qua những ngày dài tại quê
nhà sau ngày Miền Nam hoàn toàn sụp
đổ với tận cùng của tuyệt vong, nay
may mắn được đặt chân đến miền
Đất Hứa, một Đất Nước Tự Do
Bình Đẳng, chúng tôi cảm nhận
như một ân sủng Trời ban từ vòng tay
của người bản xứ thì không còn
mong ước gì hơn nữa
Trở lại người thầy dạy Anh văn
của chúng tôi, ông Swenson sinh ngày 31
tháng7 năm 1928. Mỗi năm, cứ trước
đó một tuần chúng tôi thường gửi
quà mừng sinh nhật ông. Về sau này chúng
tôi gửi vào địa chỉ ở Nursing Home. Một lần gói
quà bị trả lại, chúng tôi nghĩ chắc
ông bị ốm nặng nên lại gửi chỉ
một thiệp mừng sinh nhật kèm một tấm
ảnh gia đình, mấy ngày sau chúng
tôi lại nhận thiếp trở lại với mấy
dòng báo tin chẳng lành của Nursing Home rằng: ông Ed đã trở về
Nước Chúa sau một đêm ngủ và
không thức dậy nữa ! Họ xin lỗi là
đã mở thư để gửi lời báo
tin. Ông không gặp những người thân
yêu trước lúc ra đi. Nhưng nghĩ cho
cùng như vậy tránh được cảnh bịn
rịn đau lòng trước cảnh tử biệt
sinh ly. Riêng bà Betty hiện nay vẫn còn khỏe
và đã vào tuổi tám mươi.
Ngày sinh nhật của bà là ngày 8
tháng 3 năm 1926, gia đình chúng tôi bao
giờ cũng nhớ đến. Chúng tôi thường
gửi tặng bà một tấm thiệp mời đến
nhà hàng Yen Ching ở Evansville, nơi mà
các con chúng tôi đã từng làm việc
lúc còn là sinh viên của trường
Đại Học USI, Indiana, để dự bữa
cơm mừng sinh nhật bà với vài người
bạn thân thiết của bà. Đây cũng
là niềm hãnh diện của bà về việc
làm thiện nguyện của ông Ed lúc
còn sinh tiền.
Chúng tôi nghĩ đây là cách
đem niềm vui đến cho người còn lại.
Dù ở xa bất cứ nơi nào trên
quê hương tạm dung, chúng tôi luôn
hướng lòng về người Thầy cho tiếng
nói đầu tiên trên quê người. Một
đời người đã ra đi, không người
thân yêu bên cạnh để lệ phải
rơi, những người thọ ơn được
tin cũng cảm thấy nghèn nghẹn trong tim giữ
lại giọt nước mắt đoanh tròng !
Thầy. Người Ơn đã cho những
người di dân từ miền xa xôi -quá nửa
trái cầu- tiếng nói ban đầu lúc mới
đặt chân lên miền đất lạ dung
thân.
Nước Mỹ đã cưu mang biết bao
nhiêu dân tộc từ muôn hướng trên
trái đất, biết bao nhiêu tấm lòng
bác ái, từ tâm của người bản xứ
rộng mở ân cần tiếp nhận đám
người ti nạn. Những gì mà chúng
tôi có được hôm nay dù khiêm tốn
đến mức nào cũng đều do từ tấm
lòng tốt của nhân dân Mỹ đã
chia sẻ cho chúng tôi, những người đến
từ những vùng đất cùng khổ với
hậu quả của chiến tranh, từ những nơi
không có tự do, bình đẳng và đầy
dẫy sự kỳ thị giữa những con người
cùng chung một gìòng giống, một
màu da. Vì vậy
chúng tôi thiết nghĩ, trong suốt cuộc
đời này và mãi mãi về sau,
chúng tôi nguyện sống xứng đáng
để không phụ tấm lòng rộng mở của
nhân dân Mỹ và đất nước Hoa Kỳ.
CHU NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG
(Bai Chuyen)