Văn hoá nước
biển
(Hàn Lệ Nhân)
“… Lạ, trên nửa thế kỷ nay, những
lỗi lầm kinh khủng ở nước ta sao đều
lậm mùi thịt kho... Trung Quốc? Làm như
"phụ mẫu chi dân" của chúng ta tư
duy bằng cái đầu của các chú !…”
Ai cũng biết nước biển mặn
nhưng thực sự muốn biết chất mặn
đó như thế nào, cần phải xuống
biển, vốc nếm. Một
oan khiên, một tội ác có thể trở
nên chính xác, nếu chính người
gây ra oan khiên, tội ác - hay ít ra thân
nhân họ - phải một lần hứng chịu oan
khiên, tội ác. "Đoạn trường ai
có qua cầu mới hay"...
Con người vốn tự sắp xếp đứng
sau / dưới thần thánh và trước /
trên súc vật. Thần thánh
có nói, có viết, có dùng đến
vũ lực hay không, thú thật tôi xin chịu
dốt chưa biết. Súc vật
không nói, không viết là điều chắc
chắn, nên súc vật không biết tranh biện
mà chỉ giải quyết tranh chấp bằng bản
năng là bắp thịt. Riêng con người
là sinh vật duy nhất biết giải quyết dị
biệt bằng bản năng là quả đấm,
cú đá và vũ lực nói chung, phối
hợp với đặc tánh trời ban là lời
nói ; ngoài ra con người -
để khác với thần thánh và đặc
biệt để hơn hẳn súc vật - là sinh vật duy nhất biết nhận lỗi.
Những cuộc tranh biện bằng cái lưỡi
hoặc bằng ngòi bút - nay thường
xuyên bằng bàn phím vi
tính - sẽ không bị kéo dài nếu sự
nhầm lẫn nghiêng hẳn về một phiá
và nhất là nếu bên đuối lý,
bên "phi nghĩa" có chút tự trọng
và can đảm nhận lỗi. Nguyên tắc chung theo lẽ chỉ có vậy. Thực
tế đâu mà đơn giản thế. "Đến chết cũng không
nhận lỗi" vốn
là một trong vô số nhận định về
Người Trung quốc xấu xí của nhà
văn Trung hoa tên Bá Dương (Bo Yang), nhưng chắc
chắn dịch giả Nguyễn Hồi Thủ, khi đọc
nguyên tác Hoa ngữ, là người Việt
đầu tiên giật mình ngay ngáy cảm
tưởng nhà văn họ Bá không chỉ
nói riêng về người Tàu. Đại
để chỉ cần đổi tên người,
thay tên đất là sự sự khít khao y
như khi bạn hay tôi đi đo may bộ
vét-tông, cái áo dài ở tiệm.
Đọc người lại gẫm đến ta ...
Lúc đọc cuốn này, tôi cũng
đã thót người nhiều bận, tạm gấp
sách lại, nhắm mắt hồi lâu ... khục
khục cười một mình, kế phải
phá lên ha hả cho nó đã, như
xưa đọc Tam Quốc, có người
đã vỗ đùi văng tục "tiên
sư cái thằng Tào Tháo" để tỏ
lòng ngưỡng mộ một chính trị gia
siêu đẳng về tài và thuật. Cười
phá lên tất nhiên làm phiền kẻ
đang thiêm thiếp sát bên cạnh, người
ta bắn người choàng dậy, lắp bắp hỏi
nguồn cơn. Phục thiện, tôi vuốt
vuốt xin lỗi rồi vắn tắt "anh lại bị
điểm trúng huyệt, mai mốt em đọc cuốn
này chắc cũng vậy". Người
ta chẳng nói gì, lừ mắt một phát,
quay lưng dỗ giấc lại. Cái tật vừa
đọc sách vừa tủm tỉm, cái
thói nửa đêm tắt đèn bất chợt
lồm cồm ngồi dậy lui cui ghi ghi chép
chép của tôi, đối với người ta
chẳng còn lạ lẫm gì sau gần 30 năm
có với nhau nhiều cái chung,
may mà người ta chưa nỡ phán cho hai tiếng
đồ khùng.
Sự ngoan cố "đến chết không chịu
nhận lỗi" của một cá nhân bình
thường xem ra có thể du di thể tất
vì xét chung nếu có di hại nó chỉ
di hại cho bản thân đương sự,
cùng lắm ảnh hưởng đến một hai
gia đình, nhưng sự ngoan cố của một
nhân vật, một tập đoàn "phụ mẫu
chi dân" thì lại có vấn đề, vấn
đề to tát bởi nó gây tang tóc
ê chề cho bàn dân thiên hạ, làm khối
khối người khuynh gia bại sản, bỏ mạng
như ngoé - ngoại trừ thân bằng quyến
thuộc của nhân vật đó, của tập
đoàn đó; nó kìm hãm đất
nước không bút mực nào tả xiết.
Ông nội thỉnh thoảng vẫn rùng
mình nghẹn ngào nhắc lại những nhân
danh trong cải cách, đấu tố ... (sao nguyên
bản từ Trung Quốc) trời sầu đất thảm
ở quê Bắc bên nội trong thập niên 50,
đặc biệt nhiều thảm kịch kinh thiên
động địa ở quê Nam bên ngoại cuối
thập niên 70 của thế kỷ trước, rồi
chua chát dẫn câu "ngã
vị thiên hạ kế, khởi tích tiểu
dân tai" của
Thành Cát Tư Hãn để tóm gọn sự
sắt đá nghiệt ngã của nhúm người
bảng đỏ tim đen vẫn tự ban bố "sứ
mạng" từ dân, do dân, vì dân. Chuyện
cải cách, đấu tố ghê rợn ở
quê Bắc ông nội bảo rốt cuộc Người
cử người khác "rưng rưng" ký
bản công bố suông với dăm câu xin lỗi,
sửa sai vậy thôi. Kẻ đứng đầu
công cuộc cải cách, đầu tố phi
nhân kia bị chế tài bằng cách chỉ
việc lặn một thời gian ngắn trong các chức
vụ chóp bu khác, sau lại ngang nhiên trồi
ra nắm quyền cầm cân nẩy mực tột
đỉnh đến mãn đời. Bao
nhiêu tội ác mới hôm nào bị đặt
dưới khu, được liệt thành quá khứ
cần và phải quên đi, triệt để cấm
khơi lại. Huề cả làng,
trừ lịch sử dĩ nhiên. Thật
đúng là "đảng
vi quí, xã tắc thứ chi, dân vi khinh".
Sửa sai nhưng vẫn cứ sai, vì liền sau
đó lại tới thảm kịch Trăm Hoa Đua
Nở, cũng lại du nhập từ người anh em
phương Bắc, gây ra biết bao oan khiên, hoạn
nạn trong văn giới, thui chột biết bao nhân
tài của đất nước.
Chuyện ở quê Nam sau 1975 thì không
"may mắn" như ở quê Bắc vì cho
đến nay, sau 31 năm giang sơn tụ về một
mối, có ai chính thức đứng ra nhận lỗi
với quốc dân đâu. Mà nghĩ cũng hợp
lý thôi, nhận lỗi là khi biết mình
làm sai, chứ ai kia vẫn nằng
nặc cho các chính sách ở quê Nam
là hoàn toàn đúng đắn. Éo le là ở
chỗ đó. Trây trúa là ở chỗ
đó. Và mầm mống ly tâm cũng từ
chỗ đó. Đã ly tâm thì điệp
khúc "Đại Đoàn Kết" - sau
lưng tôi - "Khế Ngọt, Ruột Thừa"
..., rã họng cũng thuần là con chữ, lời
nói, chỉ bùa phép được dăm kẻ
quáng gà hay mấy trự giả đui, nhổ ra
liếm lại. Lạ, trên nửa thế kỷ nay, những
lỗi lầm kinh khủng ở nước ta sao đều
lậm mùi thịt kho ... Trung Quốc? Làm như
"phụ mẫu chi dân" của chúng ta tư
duy bằng cái đầu của các chú !
Và lạ cho các anh chị ăn cơm chúa
múa tối ngày trên kênh này kênh nọ,
trên báo nọ báo kia: Đôi khi tôi tự
hỏi chẳng biết các anh chị đó,
đêm đêm trước khi thiếp ngủ, họ
có tự vấn, nghiền ngẫm và có thật
sự tin tưởng vào các điều họ
múa hay không ?
Ai chẳng biết biết
nhận sai lầm và thành tâm hối cải
là đã được tương đối
tha thứ quá phân nửa rồi, cộng thêm
đặc tánh dễ quên của con dân nữa
vị chi coi như xí xoá, bắt tay nhau làm lại
từ đầu, trễ hơn không. Nhập nhằng,
cù nhây chỉ tổ thêm nặng tội.
Không ai có thể nắm chặt bàn tay
mãi mãi:
Nước
đâu dám sánh non cao,
Nước
xuôi chỗ trũng, nước vào đầm
sâu.
Nước
nào có phụ non đâu,
Nhưng non chớ
tưởng bền lâu muôn đời.
Nước
hèn mọn lắm non ơi,
Nước
xuyên thủng đá, non trôi không chừng.
(1)
31 năm qua đất
nước đã bao lần lỡ tàu, lỗi lầm
đừng đổ cho khách quan thù nghịch ma
mà hoàn toàn là do chủ quan, kiêu ngạo
hảo của "phụ mẫu chi dân". Chính
cái tâm ý "bách chiến bách thắng"
đã gây nên nông nỗi ; chính
cái di ngôn tinh tướng "xây dựng bằng
10 ngày nay"; chính cái tâm ý siêu
việt đồng nhất sa trường bom đạn với
sa trường kinh tế - nhìn đâu cũng thấy
diễn biến hoà bình - đã trì trệ
non sông.
Non sông châu về
hợp phố tròn trịa 30 năm, nhưng thời
lượng 30 năm lại bị cắt xén ra hai
khúc: Khúc 10 năm đầu được lờ
tịt, quy thành dĩ vãng ; khúc 20 năm sau lại
được hô hê nối dài vào hiện
tại. Nghĩa là thế nào, mặt trời
chân lý ơi ! Cùng chung trên một
dòng thời gian liên tục mà đoạn u
ám thì biện chứng thành dĩ vãng,
đoạn le lói lại tung hê thành hiện tại,
thành bệ phóng "sẽ" vút lên
thiên đường. Thiên đường nào
? Đố ai biết ! Từ thời đại bo
bo tiến lên thời đại cơm trắng
mà phí những 30 năm thì quả quá
quá tệ; khiên cưỡng chọn mốc 20 năm tuy vẫn
tệ, vẫn rùa nhưng, theo ai đó, mược
kệ "chúng nó". Cách chiết
tính cắt khúc này vô hình trung khẳng
định thêm một lần nữa bản chất bất
thiện, trí trá thâm căn cố đế của
"một mình một chiếu". Dẫu gian giảo
tinh xảo thế nào sự thật vẫn hoàn sự
thật. Đất nước ta: Nhắm mắt tự ru
thì có "thành tựu to lớn". Mở
mắt nhìn quanh là tụt hậu vĩ đại.
Đã qua rồi thời kỳ đà điểu,
đã no rồi thời kỳ ăn bánh vẽ
..., các bạn ơi ! Có điều, dù nhắm
hay mở mắt thì thiểu số đầy tớ
giàu sang, phè phởn hơn đứt đuôi
triệu triệu lần tuyệt đại đa số
chủ nhân là điều vô phương ngụy
biện.
Ham hố, sĩ diện
làm chi cái đuôi XHCN khi mà "chủ
nghĩa cộng sản là con đường dài
nhất đi từ ("địa ngục") tư bản
đến ("địa ngục") tư bản".(2)
Hàn
Lệ Nhân
(Tản mạn qua đêm 2)
(1) Ghi theo lời đọc
của LS Lê Chí Quang trên RFA.
(2) Lech Walesa (1943- ),
nguyên chủ tịch công đoàn Solidarnosc
và nguyên tổng thống nước Ba Lan hậu
cộng sản.
(Bai Chuyen)