SU'U TÂ`M 5

Home | VA(N | VA(N (tt) | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N 11 | VA(N 12 | VA(N 13 | VA(N 14 | VA(N 15 | VA(N 16 | VA(N 17 | TA.P GHI | TA.P GHI (tt) | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | VA(N VUI | VA(N VUI (tt) | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | VA(N VUI 4 | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T (tt) | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | BÀI VIÊ'T 7 | BÀI VIÊ'T 8 | BÀI VIÊ'T 9 | CHUYÊ.N LA. KHÓ TIN | CU'̉'I CHÚT CHO'I | SU'U TÂ`M .. tho*

TA.P GHI 4

MỘT CHỖ NGỒI

 

MỘT CHỖ NGỒI

(Huy Phương)

 

 

Cuối tháng sau, tôi được mời đi dự tiệc cưới của con gái một người bạn cũ, nhưng tuần này, bạn tôi đã điện thoại hỏi tôi có nhận lời đi hay không và đây mới là câu hỏi quan trọng: “Ông muốn ngồi với ai, có kỵ thằng nào không, để tôi còn sắp chỗ ?”

 

Thật tình tôi rất thông cảm với bạn tôi về chuyện này. Tổ chức một đám cưới cho con thì chuyện bàn bạc với thông gia, mua lễ vật, tổ chức giờ giấc, mời bà con đi họ, in thiệp cưới, thuê chụp ảnh quây phim .. đều là những việc nhỏ, chỉ duy có việc sắp chỗ ngồi trong tiệc cưới mới là .. đau đầu, và chính tôi cũng có nhiều kinh nghiệm về vụ này sau khi dựng vợ gả chồng cho con cả chục năm về trước. Bây giờ chỉ còn đi đóng hụi .. chết, chứ chẳng phải lo lắng gì nữa việc tổ chức cưới hỏi cho con cái.

 

Trong số quan khách, bà con, bạn bè đủ loại qua rất nhiều thời gian giao hảo, có thằng bạn nối khố quen nhau cả nửa thế kỷ trước, có người mới biết trong một cuộc hội họp gần đây, mình đâu có biết trong các nhân vật này, ông nào ghét ông nào, bà nào không chịu ngồi chung với “con mẹ” nào. Không những ghét, mà có người còn thề “không đội trời chung” với người khác nữa, người chủ nhà đâu có biết nguyên do, lai lịch những chuyện đấm đá, thù hận thương ghét giữa những “ốc đảo” này để thu xếp cho trọn vẹn, nên cố gắng hỏi thật tình người khách mời, để thà “mất lòng trước được lòng sau” là chu đáo nhất. Không phải có người chỉ kỵ ngồi chung bàn thôi mà còn kỵ cả chung tiệc nữa: “Ông mời nó, thì chừa tôi ra, ông nhá ! Thấy cái bản mặt nó là tôi chịu không nổi rồi !”

 

Tôi xin kể một câu chuyện mà hình như đã kể với bạn rồi để minh chứng cho chuyện này. Trong một buổi ăn nhậu tất niên của một hội đoàn tại địa phương này, địa phương có tới những hai ba đại diện “cộng đồng”, lẽ cố nhiên mỗi cộng đồng phải có một ông hay bà chủ tịch. Ông Chủ Tịch Cộng Đồng B, khi bước vào cửa, đến bàn tiếp tân, câu hỏi đầu tiên ông là: -“Có ông X., chủ tịch cộng đồng A. trong này không ?” Cô tiếp tân, sau khi rê ngòi bút trên danh sách quan khách, bèn lễ phép trả lời: - Thưa Ông có, ông X. ngồi chung bàn với ông, số 13.” Thế là ông Chủ tịch Cộng Đồng đến sau hầm hầm quay gót trở ra cửa, vừa đi vừa nói chủ ý cho người khác nghe: -“Xin lỗi, có thằng chả là không có tôi”. Tôi nghĩ nếu ông là người đến trước thì “thằng chả kia” cũng phản ứng như thế thôi, không hơn không kém. Nhưng trường hợp người tổ chức hôm ấy bắt buộc phải mời cả hai ông Chủ tịch là đúng lễ, không lẽ mời ông này bỏ ông kia, rồi ra sinh hoạt như thế nào và ăn nói sao đây ?

 

Nhiều ông chủ báo đã viết những bài tràng giang đại hải để chửi bà chủ đài suốt mấy tháng, dùng những danh từ rất thậm tệ, bà cũng đáp lại gọi ông bằng những câu nói ra cũng ngượng miệng. Tôi làm đám cưới cho con, lại đi đôi với cả hai ông bà này khá thân, tôi biết xử trí làm sao đây, xin nhờ chư liệt vị cao kiến chỉ dẫn giùm. Quý vị cũng nhớ thêm có khi tôi mời ông, ông không mấy hứng thú, nhưng không mời thì lại bị sỉ vả thậm tệ, như coi thường hay khinh ông ấy không xứng đáng để “quang lâm” dự tiệc cưới của cháu.

 

Người ta thường nói đàn ông rộng lượng, dễ tha thứ cái gì cũng bỏ qua, còn lòng dạ đàn bà thì hẹp hòi, cho nên người mời khách dự tiệc lại còn phải coi có thể xếp bà này vào ngồi chung với bà kia không ? Tục ngữ Tây Phương đã nói: “đàn ông nhìn vẻ đẹp của cô dâu, còn đàn bà nhìn áo quần cô dâu”. Ra đường cánh đàn ông chúng ta đừng có nghĩ mình là người đã nhìn chầm chập vào cô kia, mà chính các bà mới là người quan sát kỹ, vậy thì trong tiệc cưới quý bà nhìn cái gì của bà bên kia nào ? Phấn son, dấu vết của thẩm mỹ viện hay là thời trang: Saint John, Chanel hay Wal Mart, Ross ?

 

Các bạn đã bao giờ mời khách Mỹ đi dự đám cưới của gia đình mình chưa. Sao người ta ăn mặc xoàng xĩnh đến thế, giá trong bàn có một cô vậy thì nó giảm hẳn giá trị của các mệnh phụ trong cái bàn này. Tôi cũng xin khuyên ông bạn bố cô dâu của tôi, anh có xếp bàn thì xếp cánh đồng nghiệp vào với nhau, cánh di dân sau theo sau, trước đi với trước ngồi với nhau, dù có không ưa nhau thì cũng chẳng sao, chứ anh đừng có chỉ nghĩ đến bạn nào cũng là bạn, mà dại dột xếp anh bạn cũ cắt chỉ trong shop may, ngồi cạnh một ông bác sĩ đương thời đang hái ra tiền nhé. Thật ra cũng không có gì lôi thôi đâu, nhưng họ có chuyện gì để nói với nhau, vả lại cả hai người đều ăn chẳng thấy ngon hôm ấy, không phải vì họ sợ món tôm hùm vốn nhiều cholesterol, mà hẳn là có nhiều điều bất như ý khác.

 

Hôm nay tôi đọc đi đọc lại chuyện của ông Bá Dương, nên chắc cũng ảnh hưởng cái cay đắng của nhà văn này khi viết về dân tộc của ông (*). Tuy vậy, thật tình, tôi muôn vàn thông cảm cái câu hỏi hồn nhiên của bạn tôi, vì bạn tôi cũng thấy cái khó khăn khi phải xếp bàn, nó mất thời gian và mệt óc nhất trong các công việc sửa soạn ngày đám cưới cho con, xóa đi, sửa lại cả chục lần mà vẫn chưa ổn. Có người hứa đến rồi lại không đi, có người đã bảo bận, cuối cùng nể tình mà tới. Rồi mưa gió, kẹt xe, hai nhà thông gia chạy ra chạy vào, nghĩ đến chuyện dồn bàn thì bất nhã quá, mà không thì cũng tội nghiệp cho đôi trẻ.

 

Nhưng rồi mọi việc cũng xong, cái đau đầu nhất đã qua. Anh chị còn đứa nào nữa không, vài ba năm nhức đầu một lần cũng không sao. Thông cảm với nỗi lòng của bạn, tôi đành trả lời: “Ngồi đâu cũng được, tôi không chấp”. Gặp người hàng xóm không ưa, không lẽ bán nhà mà dọn đi chỗ khác, nhà cửa lúc này rất khó bán, kén người mua. Ngoài nghĩa địa thì khi mua huyệt xong mới biết mình sẽ nằm cạnh ai và ai là người sẽ được chôn cạnh mình, chọn đất hay cải táng đều là những việc quá phức tạp. Một chỗ ngồi trong tiệc cưới kéo dài cho lắm cũng chỉ mất ba tiếng đồng hồ. Vả lại ở đất tha phương này, chỉ có chỗ đám ma, đám cưới, bạn bè, họ hàng, cố tri, mới dễ có cơ hội gặp nhau. Bỗng dưng, gặp lại một thằng bạn cũ, năm mươi năm rồi biệt tích giang hồ, “tha hương ngộ cố tri”, kêu lên một tiếng “mày tao”, không sướng sao ?

 

Huy Phương

 

(*) Người Trung Quốc xấu xí.

 

(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)

 

 

website counter