NGOẠI TÌNH
(Hạo Nhiên Nguyễn Tấn
Ích)
Cứ mỗi chiều thứ Sáu hàng tuần,
người ta thấy một thiếu phụ ăn mặc
lộng lẫy, rụt rè đi vào khu cư
xá TĐ. Thường, nàng mặc những chiếc
áo đầm vừa kín đáo vừa mang
dáng nét Tây phương được may rất
hợp thời trang theo mẫu trong sách ca-ta-lô mới
nhất từ ngoại quốc gởi về. Đôi
khi là bộ váy kiểu nữ tiếp viên
hàng không bó sát đùi để lộ
đôi chân trắng nõn nà. Thỉnh thoảng
nàng mặc loại áo dài màu đen
không cổ, rộng hở cả hai vai pha kiểu
áo đầm. Tuy lạ mắt nhưng được
cái lợi thế là khoe chiếc cổ và
đôi vai đầy đặn mịn màng. Duy chiếc
mũ rộng vành kiểu nữ hoàng Anh quốc
màu tím than là nàng không hề thay
đổi. Chiếc nón có dải lụa
cùng màu viền quanh, thắt thành chiếc
nơ bên sau mũ. Hai đuôi nơ buông lơi
như cánh bướm phất phơ theo từng nhịp
bước đi. Khuôn mặt trái soan, làn da
trắng mịn làm nổi bật đôi môi
dày mọng đỏ gợi tình. Sóng mũi
thẳng và cao, mang nét kiêu sa của mẫu
người thượng lưu. Chiếc
mũ rộng vành nàng đội hơi lệch về
phía trước, cố ý che khuất một phần
đôi mắt nhung. Đôi mắt nhìn xuống
để hàng lông mi dài tựa cánh
rèm dấu bớt sự ngượng ngùng trước
những cặp mắt tò mò của cư dân
trong dãy chung cư. Nàng bước từ tốn
trên từng bậc thang lên lầu tiến thẳng
đến căn phòng mang số 222, rồi điềm
nhiên mở khóa cửa bước vào.
Chiếc xe jeep bô tròn màu trắng vừa
dừng lại trước sân khu cư xá, Phạm
Xuân Sơn vội vã xuống xe. Tay
cầm một túi nhựa đựng thức ăn,
tay kia xách chiếc cặp samsonite, chàng hối hả
lên thang lầu đến mở cửa phòng số
222. Thiếu phụ núp sau cánh cửa chơi
trò ú tim, bất ngờ hù chàng. Dù
biết có người tình bên trong nhưng
chàng vẫn không tránh khỏi giật
mình. Cánh cửa vừa khép lại là
nàng ôm chầm lấy Sơn, gắn chặt nụ
hôn vào đôi môi còn ngọt mùi
nhựa thuốc lá Capstan. Chiếc khăn tắm
quàng trên người nàng bung ra rơi xuống
sàn nhà, để lộ thân hình đẫy
đà tươi mát. Bộ ngực căng đầy,
tràn trề nữ tính đã kích
thích chàng đặt nụ hôn lên
đôi gò bồng đảo ấy. Nhột nhạt,
khiến nàng cười khúc khích, âu yếm
đẩy đầu người yêu ra, thì thầm
:
- Ham hố thế,
giầy chưa cởi kìa.
Vừa nói , nàng vừa cúi xuống mở
dây giầy cho chàng. Bộ sơ-mi quần
trút ra khỏi người là chàng bế xốc
nàng đặt lên chiếc giường nệm phủ
drap màu hồng. Họ quấn chặt lấy nhau
như loài rắn trong mùa động tình. Suốt
một tuần lễ nhớ mong, giờ họ dành
cho nhau trọn vẹn, quên cả đất trời
... Lần nào
chàng cũng ở thế thượng phong dồi
dào sinh lực. Đôi tay buông thõng,
rã rời, nàng chìm dần vào giấc ngủ.
Sơn nhẹ nhàng đắp lên người
nàng tấm chăn mỏng rồi vào phòng tắm.
Theo thói quen của đời sống độc
thân, Sơn đun nước sôi chế
cà-phê và chuẩn bị cho bữa ăn tối.
Định đánh thức người tình dậy
nhưng chàng khựng lại trước khuôn mặt
sáng rực tình yêu đang trong giấc ngủ
êm đềm. Sơn đắm đuối nhìn
nàng như ngắm pho tượng nữ thần Venus
đầy mỹ thuật. Chợt, mở mắt thấy
Sơn đang ngắm mình, nàng nở nụ
cười tình tứ rồi đưa tay âu yếm
kéo chàng vào lòng, hôn vào chiếc
cổ nở nang đượm nồng hương
thơm da thịt đàn ông. Đôi môi
phù thủy lại đưa họ vào những
cơn rung động ngất ngây tột đỉnh.
Rồi hai người thức dậy dùng bữa
tối có rượu champagne, bánh mì, thịt
quay. Trong bữa cơm tình tứ, nàng chỉ
choàng lên người chiếc áo khoác bằng
vải voan thật mỏng để lộ những
đường nét tuyệt mỹ của thân thể
được chăm sóc hàng ngày.
Đồng hồ đánh thức lúc 2 giờ
sáng. Thiếu phụ vội vàng trang điểm
sơ sài rồi hôn từ biệt người
yêu và hẹn gặp nhau vào thứ Sáu tuần
tới.
* * *
Chiếc xe van của công ty hàng hải đậu
trước sân biệt thự Hoàng Hoa.
Trương Thúy Liễu, vợ của Thuyền
trưởng Mạc Chấn chạy ra đón chồng.
Hai thủy thủ lần lượt khuân những
thùng quà của ông thuyền trưởng mua
từ ngoại quốc về cho vợ và con. Mạc Chấn hôn vợ rồi vội
vã vào nhà ôm hai đứa con gái
vào lòng. Sáu tháng xa nhà, chàng nhớ
con đến quay quắt. Những ngày tháng bồng
bềnh trên biển cả hình ảnh của hai
đứa con gái mũm mĩm choáng ngợp trong
giấc ngủ của chàng. Vợ chồng lấy
nhau đã được sáu năm từ khi
Thúy Liễu còn là sinh viên Văn khoa. Giờ
hai người có với nhau hai mặt con, đứa
lớn lên năm, đứa nhỏ hai tuổi. Vợ
chàng cùng với hai đứa con, chị vú
nuôi và người giúp việc sống trong
căn biệt thự rộng thênh thang được
xây cất theo kiểu kiến trúc của
Pháp thời cận đại.
Mạc Chấn tốt nghiệp trường
Hàng Hải Nha Trang, du học ở Mỹ hai năm rồi
được một công ty hàng hải Tân-Gia-Ba
ký hợp đồng mướn chàng làm việc
từ ngày ra trường đến nay. Hiện giờ
chàng là thuyền trưởng một chiếc
tàu chở hàng hóa của một công ty vận
chuyển Singapore. Chuyến đi nào cũng dài
ngày, thời gian không dưới nửa năm. Mỗi
năm nghỉ phép hai tuần lễ được gần
vợ gần con, Mạc Chấn cảm thấy vô
cùng hạnh phúc. Cuộc sống thủy thủ
trong những chuyến hải hành là chuỗi
ngày dài cô đơn lại còn phải
chống chọi với những cơn cuồng phong
sóng dữ. Hết phép, Mạc Chấn quyến
luyến từ biệt vợ con lên đường
chuẩn bị cho một chuyến ra khơi vượt
Thái Bình Dương sắp tới.
Những ngày tháng rảnh rỗi, Thúy
Liễu ghi tên học lớp Anh văn tại trường
Việt Mỹ. Tại đây, nàng quen với
Sơn, thầy dạy Anh ngữ. Sau buổi học, hai
người thường đưa nhau đến tiệm
kem giải khát trước khi về nhà. Thỉnh
thoảng họ rủ nhau đi nghe nhạc, nhảy đầm
tại các hộp đêm. Dần dà, từ chỗ
tình bạn đến tình yêu . Một mối
tình bất chính, cả hai đều biết
nhưng hình như họ quá say mê nhau nên
liều lĩnh. Thúy Liễu biết nàng không
xứng đáng với tình yêu của Mạc
Chấn dành cho nàng. Nhiều lúc nàng cảm
thấy xấu hổ trước cử chỉ âu yếm,
nuông chiều của chồng. Có lắm khi
nàng tự mắng nhiếc mình trắc nết,
hư thân, bỏ bê con cái, phó mặc cho
chị vú nuôi. Sau những đêm đi
chơi về khuya, nàng đã ôm con vào
lòng để rơi những giọt nước mắt
ăn năn rồi tự hứa với mình là sẽ
đoạn tuyệt mối tình tội lỗi
đó. Cũng vậy, Sơn đã khuyên
nàng không nên tiếp tục đi chơi với
nhau nữa. Hành động cụ thể của
chàng là bỏ dạy trường Việt Mỹ
để xa lánh mối tình. Phần Thúy Liễu
vẫn tiếp tục đến trường, nhưng thiếu
vắng bóng Sơn khiến nàng chán nản rồi
bỏ học luôn. Nàng ở nhà với con
được một thời gian. Nhiều đêm
Thúy Liễu trằn trọc nhớ người
yêu ray rứt khiến nàng không sao chịu nổi.
Nàng trút những cơn bực bội lên hai
người giúp việc. Những cơn giận
vô cớ khiến hai đứa con nàng sợ
hãi. Cuối cùng Thúy Liễu đành phải
tìm đến nhà Sơn và hai người thỏa
thuận gặp nhau vào chiều thứ Sáu
hàng tuần.
Thúy Liễu trong vòng tay chồng mà sao
nghe lòng trống rỗng lạnh băng. Những rung
động thuở ban đầu của nàng đối
với Mạc Chấn giờ đây không còn
nữa. Chỉ còn là lòng kính trọng
và biết ơn. Tình mẫu tử dành
riêng cho hai con cũng không vượt qua được
tình yêu của
nàng trao cho Sơn. Chàng đã cho
nàng những cảm xúc rất mới mẻ từ
thể xác đến tâm hồn. Nàng yêu
say đắm như thuở mười bảy, mười
tám, mặc dầu tuổi đời của nàng
đã ngoài ba mươi. Bảy ngày đợi
chờ là bảy ngày con tim nàng héo hắt.
Cơn khát tình luôn thúc giục
nàng phải tìm
đến với người
yêu.
Hôm nay là ngày thứ Tư, một
ngày làm việc nhiều nhất trong tuần lễ
nên Sơn về nhà trễ hơn mọi lúc.
Mở cửa vào phòng, chàng ngạc nhiên
thấy Thúy Liễu nằm trên giường quay mặt
vào vách. Sự hiện diện đột ngột
ngoài định kỳ khiến chàng hơi bối
rối. Tưởng người yêu đang say ngủ
nên Sơn thay quần áo rồi đi thẳng
vào phòng tắm, chợt nàng lên tiếng
hỏi :
- Ê, có con khốn nào giữ anh lại
mà về trễ đến thế kia ?
- Chẳng có ai ngoài cô bé hay ghen
bóng ghen gió này đây. Chàng vừa
nói vừa đến bên nàng hôn lên
đôi môi mím chặt mới giải hòa
được cơn giận hờn vì chờ đợi.
Thúy Liễu nghiêm trang cầm tay Sơn đặt
lên bụng nàng, âu yếm:
- Chúng mình sắp có với nhau một
đứa con.
- Thế chồng em nghĩ sao ? Sơn giật
mình hỏi :
- Anh ấy mong muốn em sinh thêm một bé
trai nữa .
- Nhưng mà ... chàng chưa nói hết
câu, Thúy liễu kéo Sơn lên giường
ôm chặt người yêu thì thầm :
- Trước sau mươi ngày, nửa
tháng làm sao anh ấy biết được ...
Còn nếu chuyện này vỡ lở thì em sẵn
sàng chia tay. Chúng ta được sống với
nhau hợp pháp.
* * *
Chiến sự bỗng dưng nổ lớn tại
Tây nguyên Trung phần. Thị xã Buôn
Mê Thuột bị quân Bắc Việt tấn
công, quân đồn trú tạm thời
rút lui chiến thuật. Tiếp theo là lệnh của
Tổng Thống cho di tản Bộ tư lệnh Quân
đoàn 2, bỏ ngỏ cả Vùng Cao nguyên.
Tình hình bắt đầu rối loạn. Đồng
bào các nơi ồ ạt chạy về Nha Trang , Phan
Rang . Đồng bào ở Quảng Trị di tản
vào Huế, rồi chạy tiếp vào Đà
Nẵng. Các lực lượng bảo vệ
lãnh thổ Quảng Ngãi, Quảng Tín
được lệnh rút về Bộ Tư Lệnh
Sư đoàn 2 ở Chu Lai đã khiến cho
đồng bào và gia đình binh sĩ cũng
ùn ùn chạy theo. Địch quân còn
mãi tận đâu đâu mà quân ta
đã bỏ thành.
Kết hợp mọi tin tức, biết chắc chắn
Mỹ sẽ bỏ rơi Miền Nam, Mạc Chấn vô
cùng lo lắng cho vợ con. Vì vậy, trên
đường về Tân-Gia-Ba chàng đã bất
chấp hải trình, ngoặt mũi tàu hướng
về hải phận Việt Nam thả neo tại Vũng
Tàu. Lực lượng tuần duyên của Việt
Nam Cộng Hòa giờ này không còn đủ
tinh thần làm việc. Tâm trạng chung của mọi
người là bối rối, hụt hẫng, như
đang lơ lửng không còn điểm tựa.
Mạc Chấn vội vã về Sài Gòn
đưa cả gia đình lên tàu đi
Tân-Gia-Ba. Ban đầu Thúy Liễu dùng dằng
không muốn đi, nại cớ nàng có bầu
sắp sinh. Nhưng thực ra nàng còn quyến luyến
đến người tình, ra đi biết bao giờ
gặp lại. Không thể trù trừ lâu
hơn nữa, không thể chiều theo ý vợ
để sinh mạng của cả gia đình rơi
vào tay tử thần, Mạc Chấn đẩy vợ
lên xe, rời ngay cái thành phố đang trong
cơn sốt biến loạn.
Ngày 30 tháng 4 năm 75, gia đình Mạc
Chấn đang ăn cơm tối tại đảo Guam
nghe bản tin của đài BBC loan báo
Dương Văn Minh ra lệnh cho quân lực miền
Nam buông súng, chính quyền Miền Nam
tuyên bố đầu hàng, Thúy Liễu đứng
dậy bỏ bữa ăn. Nàng chạy ra ngoài
ôm mặt khóc. Giờ phút ấy cũng
có khá nhiều người tỵ nạn để
rơi những giọt nước mắt vì hoàn
toàn mất hết hy vọng trở về nơi
chôn nhau cắt rún của mình. Riêng
Thúy Liễu, nàng lo sợ cho mạng sống của
Sơn, mối tình của hai người hoàn
toàn bị chia cách. Cơn xúc động
đã ảnh hưởng đến thai nhi nên
vào nửa đêm hôm đó Thúy Liễu
đã hạ sinh một bé trai trước hạn
kỳ. Mạc Chấn vô cùng mừng rỡ bởi
thằng bé ra đời đúng theo mong ước
của chàng. Muốn đặt tên cho con trai
là Mạc Chấn Phong, nhưng vì tính nể
nang, chàng lại dành phần ưu tiên cho vợ,
vì thế Thúy Liễu quyết định ghi
tên con mình vào khai sinh là Mạc Chấn
Sơn.
Những người Việt tỵ nạn được
phân bổ đi khắp các tiểu bang trên
đất Mỹ. Riêng gia đình Mạc Chấn
và một số đồng hương khác chọn
định cư tại thành phố San
Diego, tiểu bang California.
Mạc Chấn vừa thông thạo tiếng Anh, vừa
có tài xã giao, nên chỉ vài năm
sau gia đình chàng đã hoàn toàn hội
nhập với xã hội Mỹ và có cuộc
sống ổn định. Thời gian bốn năm
trên đất tỵ nạn mà chàng
đã mua được một căn nhà và
mở một xưởng may quần áo với
hàng chục công nhân. Vợ chàng ở
nhà lo nội trợ và chăm sóc ba đứa
con còn nhỏ dại.
Một hôm, Thúy Liễu đến xưởng
may, chợt một nữ công nhân nhận ra
nàng là người mà trước năm 1975
chị hay gặp ra vào cư xá TĐ. Chị ta tự
giới thiệu tên là Thoa vợ của Đại
úy Huỳnh Đức Tường bạn học với
Phạm Xuân Sơn. Chị cho biết hiện giờ
hai người đang học tập cải tạo
cùng trại tù ngoài Bắc Việt. Chồng
chị bị bắt tại Biên Hòa trên
đường về Sài Gòn. Còn Sơn bị
ghép tội tình báo CIA. Trước tin tức bất
ngờ, trái tim Thúy Liễu đập rộn
ràng và mắt nàng nhòa lệ. Nàng
quay mặt đi, kín đáo lau những giọt
nước mắt vui mừng. Tuy vậy, nàng vẫn
cố giữ vẻ bình thản, dè dặt hỏi:
- Thế chị có thường xuyên gởi
quà về cho chồng
không ?
- Tôi đã gởi về cho anh ấy từ
hai năm nay. Thỉnh thoảng có thơ của chồng
tôi nữa. Nhà tôi có viết trong thư
là anh Phạm Xuân Sơn gởi lời thăm
tôi và bạn bè nào mà anh ấy quen
biết. Nhờ vậy
mà tôi biết chắc chắn anh Sơn còn sống
.
Lòng cứ bồi hồi, băn khoăn, khiến
cả đêm Thúy Liễu trằn trọc
mãi. Nàng muốn viết thư bắt liên lạc
với Sơn nhưng biết làm sao đây.
Người nữ công nhân ấy biết có
giữ bí mật về những liên hệ giữa
nàng và Sơn không. Bóng ma hạnh
phúc gia đình cứ ám ảnh khiến
nàng trù trừ. Hình ảnh đói
khát và lao động khổ sai của các
tù nhân sống trong các trại tập trung tại
quê nhà khiến nàng lại xót xa cho
thân phận người tình. Nàng định
hỏi thăm nữ công nhân kia về địa
chỉ trại tù của Sơn và cách thức
gởi quà qua bưu điện nhưng sợ chị
ấy nghi ngờ.
Dưới chính quyền mới, việc
liên lạc thư từ với tù nhân đang
trong vòng lao lý đã là khó huống
hồ những bức thư và quà cáp từ
một đất nước cựu thù như Hoa Kỳ
gởi về thì làm sao tránh khỏi sự
nguy hiểm cho người nhận. Vì vậy,
phương thức gởi hàng qua bưu điện
đến thẳng trại tù không thể thực
hiện được. Cuối cùng, Thúy Liễu
quyết định một cách liều lĩnh
là đưa tiền cho Thoa chuyển về Việt
Nam nhờ gia đình chị ấy mua sắm những
gì người tù cần, mang đến trại
thăm nuôi Sơn. Cứ sáu tháng một lần
, gia đình Thoa thực hiện một chuyến ra Bắc
thăm hai người tù, Tường và Sơn.
Phương tiện di chuyển từ Sài Gòn ra
Hà Nội chẳng dễ dàng gì, nhưng nhờ
Thúy Liễu chi tiền rộng rãi nên việc
thăm nuôi cũng xuôi chèo mát mái. Thỉnh
thoảng có thư của Sơn nhờ chuyển qua Mỹ
với mục đích thông báo đã nhận
được quà và tỏ lời cảm ơn
Thúy Liễu vẫn còn nhớ đến
chàng. Lời thơ đơn giản, khô khan
đã làm cho Thúy Liễu thất vọng
không ít. Chẳng lẽ tình yêu
đã chết trong lòng Sơn ? Chữ viết nguệch
ngoạc trên mảnh giấy xi-măng thô nhám
đã khiến cho Thúy Liễu liên tưởng
đến sự thiếu thốn, đói khát
và khổ nhục của tù càng làm cho
nàng thêm thương cảm.
Giữa năm 1981, hai người bạn Tường
và Sơn cùng được ra tù. Thoa mừng
rỡ báo tin nầy cho Thúy Liễu nhưng
nàng yên lặng, giữ thái độ dửng
dưng. Ngay ngày hôm sau, Thúy Liễu viết
thư cho Sơn gởi về địa chỉ của gia
đình Thoa nhờ Tường chuyển hộ. Trong
thư, nàng yêu cầu Sơn gởi gấp địa
chỉ nơi cư trú hiện giờ. Phần
tái bút nàng viết : “Anh yêu, lúc
nào em cũng nghĩ đến anh và dành cho
anh tất cả. Nếu trời có bắt em chết
để cứu sống anh, em cũng sẵn lòng.
Hôn anh”.
Khi đã có địa chỉ riêng của
Sơn rồi, Thúy Liễu liên lạc trực tiếp
với chàng. Từ đó nàng gởi
liên tiếp những thùng quà đắt tiền,
có cả vàng lá và tiền đô dấu
trong lưng quần jean để cho Sơn có điều
kiện tổ chức vượt biên.
Một năm sau, Sơn và mấy chục thuyền
nhân đến được trại tỵ nạn
Thái Lan trên một
chiếc ghe nhỏ trải qua mấy ngày đêm
trong cơn mưa gió bão bùng. Được
tin, Thúy Liễu mừng vô kể, ngược lại
Thoa vợ của Huỳnh Đức Tường vừa
buồn vừa tức. Nàng buồn Sơn ra đi
không rủ chồng nàng đi theo và giận
Thúy Liễu đã dấu diếm nàng trong kế
hoạch tiếp tế cho Sơn vượt biển. Sự
hiềm khích bắt đầu từ đó
và tình cảm giữa hai người trở
nên lạnh nhạt.
Nhân dịp nghỉ Hè, gia đình Mạc
Chấn tổ chức chuyến đi du lịch ở Hạ-
Uy- Di mười ngày và năm ngày thăm viếng
bà con vùng Hoa Thịnh Đốn. Khi trở về
nhà, Thúy Liễu mắc bệnh cúm cả hai
tuần lễ nằm vùi trên giường. Mạc
Chấn vừa lo điều hành xưởng may, vừa
lo chu tất việc nhà.
Trong đống thư từ hàng ngày,
có một lá thư ngoài bì đề
tên người nhận Mạc Chấn, không
có tên người gởi. Bóc thư ra đọc,
khuôn mặt chàng bỗng dưng tái dần rồi
quỵ xuống trên chiếc sô-pha bên cạnh.
Mạc Chấn ôm đầu suy nghĩ, và bất
ngờ chàng đứng bật dậy tông cửa
vào phòng vợ đang nằm dưỡng bệnh.
Mạc Chấn ném bức thơ trước mặt
Thúy Liễu bảo :
- Đọc đi.
Tay
run run, Thúy Liễu cầm lá thư, nàng
đoán biết chuyện gì đã xảy ra
:
“ Paulo Bidong, ngày...
Thúy Liễu yêu thương, Anh đã
được Cao Ủy Tỵ Nạn chấp thuận ghi
tên vào danh sách tỵ nạn và hiện
giờ đang ở trại Paulo Bidong chờ người
bảo lãnh qua Mỹ. Anh đã gởi cho em
liên tiếp hai lá thư theo địa chỉ hộp
thư riêng của em nhưng chẳng thấy em trả
lời. Nghi ngờ thơ bị thất lạc cho nên
thơ này anh nhờ chị ... vợ bạn anh chuyển
trực tiếp đến em cho chắc chắn. Nếu nhận
được thư hãy trả lời gấp em
đã nhờ được người đứng
ra bảo lãnh anh qua Mỹ chưa. Cảm ơn em
đã giúp đỡ anh rất nhiều qua cơn
khốn đốn. Bé Sơn của chúng
mình đã đến trường rồi phải
không ? Hy vọng một ngày không xa anh sẽ gặp
được mặt con.
Hôn em.
Phạm X. S .."
Mệt mỏi, Thúy Liễu buông lá
thơ trên giường, nhắm mắt.
Chờ đợi một hồi lâu, Mạc Chấn
đay nghiến :
- Không ngờ bà phản bội tôi. Từ
mười mấy năm nay tôi đã xuẩn ngốc
tin vào lòng chung thủy nơi bà. Bà
đã chà đạp lên danh dự của chồng,
đánh mất tư cách của người vợ,
lén lút ngoại tình. Hôm nay, tôi
yêu cầu bà phải làm sáng tỏ việc
bé Sơn mang dòng máu của ai ? Trả lời
đi ! trả lời đi ? Mạc Chấn hét
vào mặt Thúy Liễu. Nàng quay mặt
vào vách, nhắm mắt âm thầm chịu
đựng. Mạc Chấn dựng nàng ngồi dậy
gầm gừ:
- Tại sao không trả lời, bà á khẩu
rồi sao ? Được, tôi có cách bắt
bà phải khai sự thật. Mạc Chấn
đưa hai bàn tay gân guốc bóp cổ
nàng, tra vấn :
- Có chịu khai không ? Bé Sơn con của
ai ? Nói đi, không, tôi sẽ siết cổ
cho đến chết. Khuôn mặt Thúy Liễu
đỏ rần rật, máu đã tụ
vào đôi mắt trợn trừng, hơi thở
bắt đầu khò khè. Mạc Chấn đẩy
nàng ngã chúi nhủi xuống giường,
lượm bức thư bỏ vào túi. Chàng
đóng sầm cửa lại, hầm hầm bỏ
đi.
Qua cơn nghẹt thở, Thúy Liễu hồi tỉnh
. Dù trong người còn rất yếu, nhưng
nàng vẫn cố gắng lái xe đến hộp
thư riêng mà nàng đã bí mật mở
ra từ khi liên lạc được với Sơn.
Đã hơn một tháng trời không lấy
thư vì vậy mới xảy ra nông nỗi
này. Hai bức thư trước của Sơn
còn nằm trong thùng thư, bức thứ ba do một
người chuyển tiếp, nàng biết người
đó là ai rồi nhưng chẳng còn
gì nữa để mà trách móc, hận
thù. Chấp nhận tất cả, đã đến
lúc nàng phải đối diện với thực
tại.
Mạc Chấn ra đi ba ngày không về,
chàng đã mướn người trông coi
con, lo ăn uống và
chăm sóc chúng.
Cuộc sống vợ chồng của Thúy Liễu
hoàn toàn đổ vỡ. Nàng đã
ký vào đơn ly dị do luật sư của
Mạc Chấn đem đến tận nhà. Nàng chỉ lo sợ một
điều là mất bé Sơn.
Thời gian sau đó, nàng đã từ
chối trát tòa gọi đến dự phiên
tòa hòa giải. Và tất nhiên, phiên
tòa cuối cùng, chánh án tuyên bố
kết quả cuộc ly hôn này có hiệu lực.
Ba đứa con đều đồng lòng theo cha,
dù nàng khẩn khoản xin quan tòa nuôi giữ
bé Sơn, thay vì nàng được ở lại
căn nhà. Nhưng thằng bé đã mạnh
dạn khước từ sống chung với mẹ.
Xưởng may, Mạc Chấn đã sang nhượng
lại cho người khác. Chàng đã quyết
định rời khỏi San Diego
sang sinh sống tại tiểu bang Florida.
Buổi chia tay với đàn con, Thúy Liễu
đau khổ đến tê dại cả tâm hồn.
Rồi suốt cả mấy tháng trời nỗi nhớ
con quay quắt, dày vò nàng như người
mất trí . Hình ảnh các con nàng quay mặt
ra đi không bịn rịn, không tiếc nhớ cứ
quay cuồng trong giấc ngủ. Mối tình đam
mê mù quáng vượt ra ngoài khuôn khổ
luật pháp và đạo lý đã mang hậu
quả cực kỳ đau đớn dành cho một
người mẹ ngoại tình. Đó là sự
mất mát tình mẫu tử. Tuổi thơ cảm
nhận tình thương của người lớn
đối với chúng rất nhạy bén.
Đàn con từ chối mẹ là nỗi đau
thấm thía như mũi dao khoét sâu trong
lòng Thúy Liễu. Mạc Chấn đã dồn
hết tình thương cho con và đặt cả
niềm tin vào vợ. Nhưng sự phản bội phũ
phàng đã làm cho trái tim chàng tan
nát.
Cảnh nhà vắng vẻ, im lìm tưởng
như có thể giúp cho nàng tịnh dưỡng,
lấy lại được sự bình thản cho
tâm hồn. Nhưng không. Thúy Liễu sợ
hãi trước chiếc giường nệm trải
khăn trắng rộng thênh thang. Nhìn hai chiếc
gối có thêu hai chú mèo con, cặp mắt
chúng như ánh mắt của Mạc Chấn hiện
ra vừa căm hận vừa khổ đau khi đưa
tay siết cổ nàng. Căn phòng hạnh
phúc của vợ chồng nàng giờ đây
trông lạnh lẽo như căn hầm mộ.
Đêm đêm nàng bật đèn trong
nhà sáng trưng chỉ trừ căn phòng ma
quái đó. Chiếc sô-pha trở thành
giường ngủ. Nàng nằm co quắp với giấc
ngủ chập chờn, mộng mị. Mỗi khi vào
phòng các con, nhìn những đồ chơi
còn để lại, nghe hương thơm của
chúng từ trong tủ áo quần là nỗi
nhớ bùng lên trong nàng đến cồn
cào xót xa. Ngày ngày vào ra một
thân chiếc bóng trong khu nhà rộng mênh
mông, nàng như kẻ mộng du.
Rồi một hôm, Thúy Liễu chợt nhớ đến Phạm
Xuân Sơn ở trại tỵ nạn đang trông
chờ người bảo lãnh qua Mỹ. Hình ảnh
của người tình chợt bùng lên
như ngọn lửa sưởi ấm trái tim buốt
giá của nàng. Tâm trạng yếu đuối,
sầu não bỗng nhiên biến mất. Thay
vào đó là một năng lực diệu kỳ
bột phát bất ngờ làm phấn chấn
tâm hồn nàng như con mèo đói nằm
uể oải bỗng phát hiện con mồi đang
đi tới. Nàng bật dậy như chiếc
lò xo đầy sung lực. Thúy Liễu
vươn vai, tựa loài thiên nga rùng
mình là rũ sạch những giọt nước
bám quanh mình. Tội lỗi ám ảnh
nàng từ mấy tháng nay chợt bay đi như
bụi nước.
Không chần chờ, Thúy Liễu biên
thư báo tin ngay cho Phạm Xuân Sơn biết cuộc
sống của nàng giờ đây không
còn ràng buộc hôn nhân với Mạc Chấn
nữa và nàng sẽ qua trại tỵ nạn làm hôn thú vớí
chàng.
* * *
Chuyến bay Singapore Ailine sẽ cất cánh tại
phi trường Los Angeles
lúc 11 giờ sáng. Thúy Liễu dậy từ
lúc 5 giờ khi ngoài trời còn mù
sương. Hai chiếc va-li lớn đựng áo quần
và vật dụng cần thiết cho nàng và
Sơn đã sắp sẵn đâu vào
đó. Suốt mấy tháng qua, tinh thần
luôn luôn căng thẳng cho nên sức khỏe
của nàng xuống thấy rõ. Dù cố gắng
trang điểm cho mấy cũng không che lấp
được những vết nhăn đã bắt
đầu xuất hiện trên hai đuôi mắt của
nàng. Da mặt mịn màng, tươi trẻ
đã đổi thành màu da xám xịt u
tối, còn đôi mắt thì thâm quầng
trũng sâu vì mất ngủ. Thúy Liễu
gượng gạo ăn miếng bánh mỳ với
ly sữa nóng rồi ra xe lên đường.
Nàng cố gắng đi sớm để tránh nạn
kẹt xe . Phải mất trên hai giờ lái xe từ
San Diego đến phi trường Los Angeles. Ngồi
sau tay lái, Thúy Liễu nghĩ đến giờ gặp
mặt người tình khiến trái tim nàng
đập rộn ràng. Nàng tự hỏi chẳng
biết thân thể chàng có còn vạm vỡ
như ngày xưa hay lao tù đã hút hết
sinh lực của chàng. Nụ hôn đằm thắm
trao nhau ngày nào trong những lần hò hẹn
vẫn còn đầy ắp trong ký ức
nàng và hình ảnh những lần gối
chăn đắm đuối
khiến lòng nàng nôn nao.
Vượt qua khỏi đoạn đường kẹt
xe, Thúy Liễu nhấn ga chiếc Lexus chạy bon bon
trên đường Freeway 5. Nàng lại nghĩ
đến ba đứa con, thương nhất là
bé Sơn, đứa con mang dòng máu của
chàng, kỷ niệm của mối tình vụng trộm
nhưng đầy hấp lực. Bất chợt, một
chiếc xe chết máy nằm lù lù trước
mặt, chặn ngang lane xe nàng đang chạy.
Không còn kịp nữa, mất bình tĩnh,
nàng kéo tay lái về bên phải, xe vượt
qua rào cản đâm đầu vào chân
đồi lật mấy vòng rơi xuống
đường mương.
Xe cấp cứu chở nạn nhân đến bệnh
viện. Ba ngày sau Thúy Liễu mới hồi tỉnh
nhưng trong tình trạng bại liệt cả hai
chân.
Được tin, Mạc Chấn khẩn cấp
đưa con về California thăm mẹ chúng. Hồ
sơ bệnh lý cho thấy Thúy Liễu bị
gãy xương sống, chân trái và tay
trái bị dập nát. Nhờ túi hơi bảo
vệ nên đầu nàng không bị chấn
thương, nạn nhân còn tỉnh táo .
Dù biết tai nạn xảy ra trên đường
đi đến phi trường để kịp chuyến
bay sang thăm người tình cũ hiện đang ở
trại tỵ nạn Paulo Bidong, Mạc Chấn vẫn
điềm nhiên chăm sóc, an ủi và sắm
sửa những vật dụng cần thiết cho
Thúy Liễu bằng một tấm lòng hào hiệp
và bao dung.
Với thân thể tàn phế, Thúy Liễu
biết trước sẽ gặp vô vàn khó
khăn trong cuộc sống đơn độc của
mình. Vì thế, nàng yêu cầu Mạc Chấn
bán căn nhà chia tiền cho ba đứa con theo
phán quyết của tòa án. Số còn lại,
gởi vào ngân hàng với chương mục
tên của nàng để chuẩn bị cho những
ngày sắp tới nàng phải sống trong
nursing-home.
Trước ngày trở lại tiểu bang Florida, Mạc Chấn
dẫn con đến thăm mẹ lần cuối
cùng. Đứng bên chàng là ba người
con. Đứa gái lớn nhất 14 tuổi, bé
gái kế 11 và con trai út lên 8. Chúng lần
lượt đến hôn từ biệt Mẹ. Trong giờ
phút cô đơn nhất, nhìn ba mái đầu
xanh của con và mái tóc người chồng
đã lâm râm sợi bạc sống trong cảnh
gà trống nuôi con khiến cho lòng quặn thắt,
Thúy Liễu không cầm được xúc
động, nước mắt tuôn tràn. Bất chợt,
nàng kêu lên :
“Sao tôi khốn nạn thế nầy hở
trời ! Mạc Chấn ơi, xin hãy tha thứ cho em.
Giờ đây em có hối hận cũng
đã muộn rồi. Em không xứng đáng
làm vợ anh, một người chồng cao thượng
và đầy lòng nhân ái. Các con
ơi, lỗi lầm của mẹ không thể
nào xóa nhòa trong tâm tưởng các
con đâu. Mẹ biết.
Một người vợ không đoan chính,
một bà mẹ vô trách nhiệm. Gương
xấu đó, mẹ chỉ mong sau nầy các con
đừng vấp phải là đủ cho mẹ
mãn nguyện rồi ...”
Nói đến đây, Thúy Liễu
như hụt hơi. Hai mắt nàng mở trừng trừng
hướng về các con. Toàn thân nàng co
rúm rồi giậ lên liên hồi khiến Mạc
Chấn hốt hoảng gọi y sĩ trực. Đầu
nàng vẹo qua một bên, máu trong mũi
và miệng trào ra. Bác sĩ và y tá
hết lòng cấp cứu nhưng đành bó
tay. Theo lời bác sĩ điều trị, bệnh nhân
bị xuất huyết trong phổi và vì sức
nàng quá yếu nên
không chịu đựng nỗi những
thương tích trầm
trọng.
Mạc Chấn phải lưu lại thêm mấy
ngày nữa. Chàng lo chôn cất Thúy Liễu
nơi nghĩa trang, mướn người xây mộ,
đến chùa làm lễ cầu siêu cho linh hồn
nàng được siêu thoát và gởi
linh vị của nàng cho chùa lo hương
khói. Khi công việc hoàn tất chàng mới
lấy vé máy bay về lại Florida.
Trước ngày từ biệt, Mạc Chấn
đưa con đến thăm mộ mẹ của
chúng. Chàng đặt vòng hoa trên mộ
Thúy Liễu. Mỗi đứa con đều có
hoa cắm trên mồ mẹ
và thắp hương khấn lễ. Nhìn ba
mái đầu chít khăn tang cúi trước
bia mộ như đàn chim non mất mẹ, Mạc Chấn
cảm thấy nỗi xót thương tràn ngập
lòng chàng. Ánh mắt đầy hối hận
và van lơn của Thúy Liễu nhìn
chàng trong giây phút cuối cùng chợt xuất
hiện trước mắt chàng. Đột nhiên,
Mạc Chấn ôm mặt khóc nấc lên.
Các con vội chạy đến ôm lấy
chàng, cùng kêu lên: “Ba ơi !”
Hạo Nhiên Nguyễn
Tấn Ích
Trích trong tác phẩm
“Hương Bồ Kết” cùng tác giả.
Tel: (408) 493-6309 hoặc email : tan_ich@yahoo.com