Nước Mỹ Và
Trăng
(Trần Nguyên Đán)
Trần Nguyên Đán là bút hiệu
của một tác giả tại miền Đông
Hoa Kỳ, đã góp cho Viết Về Nước
Mỹ nhiều bài viết đặc biệt. Mỗi
bài của ông thường là một thử
nghiệm đụng tới những gai góc ẩn ức
sâu thẳm của từng nhân vật, đồng
thời, vẫn lấp
lánh đâu đó một đức tin giữa
tình người, tình bạn, tình yêu,
tình gia đình ... Trước đây,
công việc ông đang làm được ghi
là "phục vụ cộng đồng trong
lãnh vực tư vấn." Bài viết mới,
một tùy bút đầy chất hồi tưởng
sau đây bổ túc thêm: người viết
là nhà thơ, nhà văn, nhà giáo,
và hiện là một nhà truyền giáo.
*
1.
Tôi còn nhớ bài viết đầu
tiên của tôi được đăng trên
báo là bài Chiếc Lồng Đèn,
năm mười bốn tuổi, chuyện kể một
đứa trẻ con nhà nghèo không lồng
đèn trong đêm Trung Thu, mùa Tết trẻ
thơ, sau khi thèm thuồng nhìn những đứa
trẻ hàng xóm tay cầm những chiếc lồng
đèn xanh đỏ đi vào trong xóm, ngồi
lại trên thềm căn nhà dột nát,
nhìn lên bầu trời sáng vằng vặc một
vầng trăng, và thầm nhủ, mình cũng
có một chiếc lồng đèn ... đèn
trăng, trăng tròn ... Tôi cố tình
làm cho đứa trẻ thơ mộng một
chút, chứ đứa bé trên dưới
mười tuổi mà đã ví von được
chiếc lồng đèn với vầng trăng
thì ... cao cấp quá.
Lớn hơn, năm mười sáu tuổi,
tôi làm một bài thơ dài đăng
trên một tờ báo của tuổi trẻ thời
ấy, một vở kịch thơ thì đúng
hơn, dựa trên bài thơ Tống Biệt của
Tản Đà với những nhân vật Lưu Thần,
Nguyễn Triệu đi lạc vào Thiên Thai, một
câu chuyện tình với các nàng tiên
có "sad ending" vì hình ảnh bóng
trăng thơ thẩn một mình nơi cửa động,
cô đơn, mãi mãi, không bao giờ gặp
lại:
cửa
động,
đầu non,
đường lối cũ
nghìn
năm thơ thẩn
bóng
trăng chơi...
Tuyệt vời là những chữ nghìn - năm - thơ - thẩn -
bóng - trăng - chơi
Trăng, theo tôi từ những ngày còn
rất bé, cái hình ảnh xưa cũ nhất
về trăng mà tôi còn nhớ, hình
như là một trong những ngày thanh bình rất
hiếm hoi ở quê ngoại, tôi nắm tay bà
ngoại nhỏ bé, ốm yếu đi trên con
đường làng, nhìn vầng trăng
tròn treo lơ lửng trên khóm tre cao vút,
về sau tả lại trong một truyện ngắn viết
về quê hương được giải khuyến
khích, đứa bé rất bé lúc ấy,
mà đã có một cảm xúc rất lạ
lùng, là ao ước có một sợi
dây dài ném lên tận trăng, cột
vào một góc vầng trăng, kéo trăng
theo mình. Đứa trẻ có xúc cảm rất
sớm ấy về sau có một tâm hồn
khá đa cảm, làm thơ, viết văn,
làm thầy giáo, và cuối cùng, làm
... Mục sư.
Khi tôi đến Mỹ, nghề nghiệp đầu
tiên của tôi là làm việc cho một
cây xăng, do một người Việt
làm chủ. Tôi làm tất cả
mọi việc của một người làm việc
trong cây xăng, bán xăng, bán hàng, chất
hàng, lấy hàng, quét rác, lấy
rác, đổ rác. Buổi tối kia, khi từ
trong trạm xăng bước ra tay ôm một bao
rác đi đổ, tôi nhìn thấy một vũng
sáng rộng trên sân, vũng sáng lạ,
không phải đèn, tôi nhìn lên,
và thấy một vầng trăng, thật to, thật
tròn, thật vàng, thật sáng, thật đẹp,
treo lơ lửng trên bầu trời đen hun
hút, đẹp đến nỗi tôi ngẩn
người ra, thôi quét rác, nhìn mãi,
nhìn mãi, và nhủ thầm trong lòng: Mỹ
mà cũng có trăng sao ?
Tôi mang cái tư tưởng nước Mỹ
không trăng từ khi còn ở quê nhà,
nghĩ rằng nước Mỹ với những tòa
nhà chọc trời che khuất mất vầng
trăng, nghĩ rằng những tâm hồn Mỹ
đã hiện đại hóa với cách sống
thực dụng, với fast food, với computer, internet,
không còn thì giờ cho những chuyện vớ
vẩn như là ngồi ngắm nhìn một vầng
trăng khuya. Trăng chỉ còn trong cổ tích
hay trong những tâm hồn cổ lỗ sỉ, sống
không hợp thời trang nữa giống như
tôi. Có đèn điện rực sáng rồi,
trăng mà chi.
Nhưng tôi lầm. Mỹ cũng có
trăng chứ.
2.
Tôi viết bài này và
biết rằng khi được đăng lên
báo thì ngày 30/4 đã qua rất lâu. Qua đi cho tất cả
lắng đọng xuống, như những hạt bụi
lắng xuống nằm yên dưới đáy của
một hồ nước. Năm nay là kỷ niệm
32 năm, vẫn tất cả những nghi thức cho một
ngày khó quên, thấy không rầm rộ lắm
như lần kỷ niệm 30 năm, người ta
thường chọn những con số chẵn để
làm những kỷ niệm lớn, như kỷ niệm
ngày cuới 10 năm, 20 năm, 30 năm, lễ đồng
lễ bạc lễ vàng ... rầm rộ hay không
là về mặt hình thức, chứ nội dung
thì không khác, vẫn là nỗi đau của
một dân tộc mang cảm giác mình mất
nước. Thật ra mình đâu
có mất nước, nước vẫn còn
đó, mình vẫn có thể đi về, chỉ
có khác là mình không thể sống với đất
nước như cách mình muốn sống.
Tôi muốn kể lại một
chút thời kỳ quá khứ của mình. Tôi là con một sĩ quan cao cấp
của quân đội Việt Nam Cộng Hòa,
tôi vẫn hãnh diện được nhắc lại
những từ đó. Năm 1975 đến
khi tôi đang là một thầy giáo dạy học
tại một quận xa của thành phố Pleiku... em
Pleiku má đỏ môi hồng, thành phố
đi dăm phút đã về chốn cũ.
Quận đèo heo hút gió, buổi
sáng ra trước mặt đường nhìn quốc
lộ dài hun hút không bóng người,
không bóng xe, sương mù
khuất lối. Quận lỵ được mô tả
trong một đoạn thơ của một thầy
giáo trẻ, còn nhớ nguyên văn:
cuối năm nằm trong rừng núi thẳm
xa lắc rồi em những mộng
xưa
lòng ta tan nát như chai vỡ
quận lỵ tàn đông khói mịt
mù
Ngày 10 tháng 3, tôi sẽ nhớ hoài
ngày đó, khi thành phố bị pháo
kích, bốc cháy đây đó, phi trường
quân sự Cù Hanh bốc lên từng đụn
khói cao ngất trời. Chúng tôi một lũ thầy cô giáo còn
quá trẻ như những đứa trẻ vừa lớn,
bỏ quận lỵ chạy về, cũng lao nhao hoảng
loạn chung với dân thành phố. Người bạn
dạy cùng trường, sống chung trong một
cái trại cưa có một phòng, ngủ
trên chiếc giường hai tầng đứa
trên đứa dưới, người bạn có
cái cassette nhỏ với một cái tape cũ cứ
hát đi hát lại mãi bài If you go away,
vào những buổi tối mưa rả rích
trên mái tôn, nằm nhớ người yêu
mà cứ nghe đi nghe lại mãi điệu nhạc
và giọng ca buồn thảm, tôi có lúc
phải la lên: mày làm ơn tắt giùm
cassette cho tao nhờ chút coi ... Người bạn ấy
đã len lỏi chen vào đám đông
đen kịt trước cửa ngân hàng
thương tín Pleiku, rút ra được 60,000
đồng, là tất cả số tiền anh để
dành được trong 6 tháng dạy học ngắn
ngủi, chia cho tôi và một người bạn nữa
(tiền dạy học của tôi tháng nào
thì đã cà phê thuốc lá sạch
sẽ tháng nấy cả rồi), chia đều mỗi
đứa 20000, không có phân biệt tiền
tao tiền mày, không có nói cho mượn
nhớ trả lại, chỉ nói: nếu lỡ lạc
nhau thì có mà dùng. Rồi ba đứa chạy
chung, bám vào một chiếc xe
chở mì gói chất đầy mì của
hãng Vifon. Quả như lời 'tiên tri', ngay
đêm đầu tiên, chiếc xe chở mì
gói trượt bánh trên một con dốc cao
trơn trợt lọt xuống hố, tôi đã
nhảy ra kịp trước khi nó lọt xuống hố
chổng bốn vó lên trời. Trong
bóng đêm dày đặc, mưa ướt
át, đất nhão nhoẹt, người ta nhốn
nháo, la hét, kêu cứu ... chúng tôi lạc
nhau. Cái va ly duy nhất tôi
mang theo đựng quần áo và các thứ cần
dùng cũng theo chiếc xe lọt xuống hố. Từ đây là chạy... mình
không.
Chạy 13 ngày trên đoạn đường
... máu, xe thiết giáp của lính chạy
trước, cày lên những khoảng rừng
thưa, rừng già, cày lên mìn, lên bom,
dân chạy sau, bom nổ, mìn nổ, súng nổ,
hàng rào dây thép gai, lửa và
máu... Paris By Night dù có hay
đến đâu thì cũng không thể dựng
lại hết cả sự khủng khiếp của
hình ảnh đó. Tôi cũng không có
ý kể lại hết tất cả những sự
khủng khiếp trên đoạn đường ấy,
không muốn kể lại, không muốn nhắc lại,
không muốn nhớ lại, ngoại trừ ba
hình ảnh ghi sâu vào tiềm thức:
hình ảnh đứa bé tay cầm con gà chạy
theo bà mẹ quê gồng gánh vỏn vẹn
vài ký gạo, nải chuối mốc. Cả hai bị đạn bắn chết ngay
bên cạnh tôi. Đứa bé ngã ngửa
trên mặt đường đất, mắt mở
trừng, mà tay vẫn giữ chặt
con gà như là lẽ sống cuối cùng của
nó. Oái oăm thay, con gà vẫn
còn sống. Hình ảnh thứ hai là
đêm vượt sông Ba, một người mẹ
tay bồng đứa con nhỏ hơn, tay lôi đứa
con lớn hơn vượt khúc sông cạn ngang tới
thắt lưng, qua một khúc sâu hơn, nước
chảy, đạn bắn, đứa bé tuột tay mẹ
chìm xuống nước, tôi đang bước tới
ngay phía sau lưng nó, nắm tay nó dựng dậy,
bế nó lên, qua bên kia sông tôi trao
nó lại cho mẹ nó. Và rồi
mạnh ai nấy chạy.
Cái hình ảnh thứ ba
mà tôi đặc biệt muốn nhắc lại,
vì tôi nghĩ nó là một chương
trình của Chúa, Đấng mà tôi tin
yêu, thờ phượng và hầu việc sau
này. Sau khi vượt
qua sông Ba, chúng tôi đoàn người
đầu tiên phải vượt qua một đoạn
đường dài 25 cây số để đến
địa đầu quận Hiếu Xương
thành phố Tuy Hòa, vùng đất còn
trong sự kiểm soát của quân đội Việt
Nam lúc ấy. Đoạn đường
này là đoạn đường dữ dội
nhất, quyết liệt nhất vì đoàn
quân dân bỏ chạy dứt khoát phải
vượt qua, mà người Cộng sản thì
nhất định muốn chận lại. Mìn gài dọc đường, ven
đường, trên đường, đạn từ
trong làng bắn ra, còn bao nhiêu đạn
người đang chạy bắn lại. Xác
người bắn tung lên trong
bóng chiều sau những tiếng nổ kinh hồn. Một
người bạn dạy học cùng trường với
tôi nổ tan xác trong buổi chiều cuối
cùng hôm ấy. Sau mỗi tiếng nổ,
đoàn người lại nằm rạp xuống
bên đường để tránh, và sau
đó tiếp tục đứng dậy chạy
càn lên mặt đường. Khi tôi
đang lao lên phía trước, một người
lính tay cầm súng, quay ngược báng
súng lại đập mạnh vào đầu gối
tôi, tôi quỵ xuống, đoàn người
phía sau tràn tới và thêm một tiếng
nổ kinh hoàng khác, xác người bắn
tung lên trời. Trong giờ phút hoảng loạn ấy,
mạnh ai nấy chạy thoát thân, sao người
lính ấy còn kịp làm một hành
động ý nghĩa cuối cùng, sao anh không
quăng súng đi mà chạy thoát thân
như những người lính khác
? Tôi không chết trong buổi chiều
hôm ấy, để sau đó lê lết
được đến Hiếu Xương, nhìn thấy
từ xa những người lính trên những chiếc
xe tăng, và đoàn dân đang gánh
cháo, gánh cơm, gánh nước đứng
chờ. Một người đưa cho tôi gáo
nước, và nói: Bình yên rồi.
Tôi ngã lăn trên đất,
chảy nước mắt.
Cuối cùng, hình ảnh đẹp nhất
mà tôi có thể nhớ lại và chưa
bao giờ kể cho bất cứ một người
nào nghe, đó là một trong những
đêm nằm trên bãi cát sát
dòng sông Ba chờ những chiếc máy bay trực
thăng thả vỉ sắt xuống làm cầu tạm
bắc qua sông, nằm ngửa mặt lên trời,
nhìn mãi vầng trăng khuyết đang tàn
dần bên kia núi, lòng băn khoăn không
biết cuối cùng rồi sẽ ra sao, mình sẽ
về đâu, có còn gặp lại gia
đình không, người thân không. Mầu
trăng hôm ấy như có pha
chút sắc hồng của máu và lửa, của
những trái hỏa châu bắn từng đợt
lên bầu trời xanh xao, vô vọng.
Nhưng những ngày tháng
đó, không có bình yên thật, chỉ
là giai đoạn, sớm hay muộn mà thôi. Tuy Hòa mất vài ngày sau
đó, khi tôi rời khỏi nó trên chiếc
xe đò bằng số tiền
người bạn tôi chia cho trước khi lạc
nhau. Tôi về đến Cam Ranh, nơi gia đình
đang ở đó, để rồi vài
ngày sau nữa vượt quốc lộ 1 chạy
vào Sài Gòn, bị chận lại ở Phan
Rang 15 ngày, sống trong một căn nhà chủ
đã bỏ chạy, cuối cùng leo lên một
chiếc tàu đánh cá trên cửa biển
Phan Rí, lênh đênh hai ngày trên biển,
vào đến Vũng Tàu, chạy kịp vào
đến Sài Gòn gặp cha tôi lần cuối
cùng trước khi ông chạy ra bến Bạch
Đằng sáng 30/4, lên một chiếc tàu
nào đó rời khỏi quê hương
đang tan vỡ.
Tôi mãi mãi không gặp
lại cha tôi từ ngày đó. Ông sang Mỹ và mất năm
1986 trước khi tôi kịp lên máy bay bay
đến vùng đất tự do này.
3.
Nếu không nhắc đến khoảng
thời gian sau 1975 đó thì thật là một
sự thiếu sót.
Sau hai ba lần cố gắng chạy lên chạy
xuống, Ban Mê Thuột, Pleiku, nộp đơn, chờ
đợi, cuối cùng, người ta nói thẳng
vào mặt tôi: đi lao động đi, anh 'mất
dạy' rồi, lý lịch đó mà còn
dạy dỗ gì. Tôi trở lại thành phố
quê hương với gia đình, lao
động thật. Với số tiền
ít ỏi dành dụm được, mẹ
tôi mua một miếng đất trồng chuối
trên một sườn núi khô khan cằn cỗi.
Chúng tôi trồng chuối, chặt
chuối, gánh chuối đi bán, đi bộ.
Tiền đâu mà đi xe lam, xe ngựa
? Thầy giáo còn quá trẻ, quăng hết
bút viết, phấn trắng bảng đen, gánh
những gánh chuối cong xương sống, chân
không có dép, gánh đi
từ sáng cho đến chiều mới đến chợ.
Đứng đó, không dám mở
miệng chào mời người mua, vì xấu hổ,
vì sĩ diện, rồi gánh về đến
nhà thì đã nửa khuya. Căn
nhà bị một đồn công an án ngữ
phía trước, buổi tối đi lao động
về muốn tìm giây phút thư giãn với
cái cassette cũ, những bài hát một thời
yêu mến, vừa mở ra, vặn volume thật nhỏ
đã thoáng thấy bóng áo vàng vụt
qua trước cửa sổ. Đành tắt.
Nhưng có lẽ lao động cực nhọc
cũng không khổ hơn những lần đi họp
thanh niên trên phường trên khóm, ngồi
nghe những anh cán bộ viết chữ không ra
nói những chuyện vớ vẩn đại loại
như là phi công ta anh hùng mở cửa
máy bay bắt sống giặc lái trên
không ....
Một năm sau đó những người lớn
trong gia đình phải mò mẫm đi theo người cậu đi vào rừng
để khai hoang mà sống. Ngày đầu
tiên lội qua con sông cạn, nhìn rừng
núi mịt mù, những cánh đồng hoang
ngụt nắng lửa bên kia bờ,
chỉ muốn quay lại. Những trảng tranh, lau sậy
bạt ngàn, cuốc từng mảng, khai hoang từng
mảng, rồi vào rừng đốn cây về tự
làm nhà ở, bên cạnh dòng sông
hoang dại từ lâu không bóng người lai
vãng, chỉ có bóng những con thú rừng
thỉnh thoảng lạc về, đôi khi nghĩ
mình giống Robinson lạc trên hoang đảo. Buổi
chiều sau một ngày lao động
vất vả thì lần mò đi xuống bờ
sông, hai bên bờ tre trúc và lau sậy,
vùi thể xác mệt mỏi vào dòng
nước rồi quảy đôi thùng sắt
gánh nước về. Rồi những cơn sốt
rét rừng vùi dập, với những viên
thuốc xuyên tâm liên uống như ăn những viên cơm nguội bị
mốc.
Sống sót qua những ngày
tháng đó quả là một phép lạ. Thể
xác bị hành hạ đã đành, tinh
thần bị hủy diệt nhiều hơn. Có rất nhiều lần tôi
chống cuốc đứng trên triền dốc con
sông nước chảy đục ngầu phía
dưới, chỉ muốn nhảy xuống. Nếu không lập gia đình sớm,
không có đứa con, chắc cũng có một
lần nhảy. Tôi không hề sợ
chết lúc ấy, có khá nhiều những
người bạn tự chọn cái chết cho
mình sau 1975, tôi muốn trở thành một
trong số họ. Nhưng có một
ai đó níu chân tôi lại, mà sau
này tôi mới biết.
Điều còn an ủi
tôi là những đêm trăng rừng, nằm
trên chòi cao nhìn xuyên qua mái lá.
Trăng rừng có một sự thu
hút đặc biệt, cô đơn và hoang dại
như hình ảnh của Hoàng Tử Bé
trên một tinh cầu xa. Lạ lắm,
khi nhìn trăng tôi không cảm thấy buồn
bã tuyệt vọng nhiều nữa, tôi có cảm
xúc như gần một người bạn thân
yêu, và trải rộng lòng mình chia xẻ
nỗi niềm.
Sau những cuối năm 70 đói dữ dội,
gia đình nhỏ của tôi đành từ
giã quê hương nhỏ bé, từ giã mảnh
đất khô cằn hoang dại, mái nhà tranh
vách đất đúng nghĩa, lang thang vào
đến những doi đất đầu cực Nam,
tưởng chừng như sống lại thuở hồng
hoang, nơi đây lưa thưa những mái
lá, vách lá, loáng thoáng trong những
rừng dừa nước xanh um, với những chiếc
xuồng ba lá, kinh rạch chằng chịt tối om,
với những ngôn ngữ rất lạ chưa hề
nghe.
Thầy giáo năm nào bây
giờ có nghề mới, đi làm thuê trong một
trại làm bún, mà chủ cũng nghèo
như thợ, chỉ có thể trả công bằng
những mẹt bún, mang về cho vợ con ăn. Tiền mà làm
gì, vì có gì đâu mà mua trong
cõi sông nước mênh mông ấy. Thỉnh
thoảng chèo ghe ba lá qua bên kia sông, gan dạ
cùng mình đổi hũ muối, chai mắm, miếng
thịt mỡ, rồi chèo về, nhìn lục
bình trôi dềnh dàng từng đám
trên sông như thân phận mình, chẳng
suy nghĩ gì, nghĩ rằng đời mình sẽ
mãi mãi như thế, thôi yên phận
đi.
Chẳng bao giờ quên được hình ảnh
một buổi tối vì không đủ tiền về
xe lam, vác thằng con ba tuổi ngủ vùi vì
mệt trên vai, đi bộ bằng đôi chân
trần trên đoạn đường sỏi
đá tan nát mười mấy cây số.
Đêm ấy trăng sáng soi đường cho
tôi đi, khi về đến bờ sông thì
đã hơn 12 giờ khuya, ngồi đó, tuyệt
vọng, hết đò. Ngủ đâu đêm nay ? Rồi cuối cùng, trời
thương, cũng có một ông già lỡ
đường, gọi được chiếc ghe con
trôi dạt, qua được sông. Ngồi
bó gối ôm con trên chiếc xuồng mỏng
manh, ngửa mặt lên nhìn trời khuya, trăng
đang tàn dần. Trăng thôn
dã trên sông lóng lánh ánh vàng,
như cảm thông cho cuộc đời tôi.
Thỉnh thoảng, còn cóp nhặt được
tờ giấy, cây viết, còn viết, còn
mơ mộng:
có một ngày, đứa con trai ngồi
hờ hững trước ly chocolate nóng của
nó
và tiếng nhạc quanh quẩn
đâu đó
trong căn phòng rộng, với
sách, và bàn ghế ...
Vừa làm thơ vừa tưởng tượng
ngày người cha vừa liên lạc lại
được bên kia bờ
Thái Bình Dương sẽ cầm cây đũa
thần gõ lên. Rồi căn phòng hiện ra,
với bàn ghế, tủ sách, nhạc nhẹ,
chocolate cho con, cà phê nóng cho mình. Hai
năm sau nữa, cây đũa gõ ra phép
màu thật, radio cassette hiệu Sharp, Sony, JVC, thuốc
tây, vải silk, kẹp tóc mầu, quần jean
Levi's, áo sơ mi trong hộp giấy từ một miền
nào đó của California bay về, cải tạo
lại cuộc đời.
Một lần nữa khăn gói trở
lại quê cũ, nhưng không trở về
vùng đất hoang dại đó nữa. Về lại thành phố, mua một
chiếc máy may cũ cho vợ làm nghề may quần
đùi bỏ chợ. Người bạn tình cờ
gặp (một độc giả ái mộ thơ
mình ngày xưa) đề nghị cho một chỗ
tá túc trong căn nhà không rộng lắm,
thế cũng đủ sống qua ngày, chờ đợi.
Thế cũng tạm đủ cho những buổi
sáng thật sớm, 5 giờ, bạn từ trên
gác xuống, gõ nhẹ vào cánh cửa gỗ
làm hiệu, thế là choàng dậy, thay
áo quần trong bóng tối, thật khẽ sợ
chạm giấc ngủ của vợ của con, rồi mở
cửa nhẹ như một tên trộm, dắt chiếc
xe đạp cọc cạch ra phía trước. Bạn
đã ngồi trên một chiếc xe
đạp khác chờ đợi, không ai nói
với ai lời nào, lặng lẽ phóng xe đi.
Thành phố còn ngủ say,
thỉnh thoảng có những chiếc xích lô
chở một vài khuôn mặt ngái ngủ từ
nhà ga gần đó vụt qua. Vào
quán cà phê nhỏ xíu tối ám như
một cái bếp cũ kỹ đầy nghẹt
người, gọi cà phê, thuốc lá,
nói những chuyện thời sự, trên trời
dưới đất.
Trời sáng hơn một chút, người
bạn lại cọc cạch đạp xe đạp
đi làm, còn mình thì đạp xe đạp
về nhà, vừa lúc vợ con cũng vừa thức
dậy, phụ khiêng cái máy may cũ ra kê
sát cửa sổ cho ánh nắng dọi vào,
phụ chạy ra ngõ mua gói xôi cho vợ, cho
hai thằng con, rồi dẫn chúng đi học. Xong rồi,
không có việc gì làm hết, chạy lăng quăng cho đến chiều.
Tôi đã gặp Chúa Jesus
trong thời gian đó.
Thuở ban đầu mới gặp thì cũng
còn khí thế lắm, hung hăng phát biểu,
chất vấn, tranh luận ... nhưng rồi cái sợi
dây tình yêu êm ái ấy vây phủ
mình bao giờ không hay. Người ta bị thuyết phục không bằng
lý luận, mà bằng tình yêu.
Ngày tôi cúi đầu cầu nguyện
mời Ngài bước vào để làm chủ
cuộc đời mình là một buổi
sáng mùa xuân trên bãi biển Nha Trang “sóng
vỗ miên man như câu ru êm của mẹ dịu
dàng.” Ngày đó tôi
quăng bao thuốc lá Mai vào trong bếp, và
không bao giờ cầm lại điếu thuốc trong
cuộc đời. Tôi trở
thành một người khác. Và điều
lạ lùng nhất tôi nhận ra, kể từ
ngày ấy, tôi không còn nhìn những
người Cộng sản với con mắt và
tâm trí thù hận nữa, trái lại,
tôi nhìn họ như những sinh vật
đáng thương, đang làm những chuyện
mà không biết mình làm gì, như
Chúa Jesus cầu nguyện khi bị kẻ thù
đóng đinh trên thập tự giá: xin Cha
tha tội cho họ, vì họ không biết
mình làm gì.
Đầu những năm 1990, tôi
và gia đình được gọi đi phỏng
vấn. Sau
đó, chúng tôi vào Sài gòn để
chuẩn bị ... bay đi. Người bạn
thơ năm nào còn kịp làm cho tôi một
tập thơ mỏng, thu thập từ
những bài thơ làm trước và sau 1975.
Những ngày cuối cùng lang
thang, vào nhà sách Khai Trí cũ trên
đường Lê Lợi, nhìn thấy tập
thơ bé nhỏ của mình nằm cạnh những
tập thơ của những thi sĩ ... lớn, lòng
tôi cảm động. Tôi mua một
tập, tặng cho ... mình.
Rồi tôi đi. Đêm trước khi tôi
đi, cũng là một đêm trăng sáng,
ngồi trong căn nhà gỗ cất chênh vênh
trên một rạch rau muống, nghe ếch nhái
kêu. Tôi nói thầm: từ giã quê
hương yêu dấu, Nha Trang, Ban Mê Thuột,
Pleiku, Cần Thơ, Rạch Giá ... “Sài gòn ơi
tôi xin hứa rằng tôi trở về, dù thời
gian ...”
4.
Bây giờ là Hoa Kỳ,
vùng đất thiên đường. Nhưng cũng coi chừng,
nó có thể trở thành địa ngục
cho ai đó không cẩn thận. Hoa Kỳ,
cái ranh giới của thiên đường
và địa ngục rất mong manh, chỉ một
bước chân.
Sau nhiều năm cố gắng vượt qua
dòng nước ngược, chúng tôi mua
được một căn nhà. Căn nhà của
chúng tôi nếu có thể được gọi
là, thì nó cũng là một căn
nhà nằm trên một triền đồi, như
hình ảnh một bài hát thơ mộng
ngày nào: rước em lên đồi, cỏ
hoang ngập lối, rước em lên đồi, hẹn
với bình minh, đôi chân xinh xinh như
tình thôi khép nép, hãy vất chiếc
dép, bước đi ôm cỏ hồng.
Những buổi sáng tự pha cho mình ly
cà phê nóng, ngồi vào bàn, mở
computer, nhìn qua cửa sổ, những mái nhà
chênh vênh trên các triền dốc, bên
kia là một thung lũng đỏ rực sắc
lá vào mùa thu, hay xanh ngát vào mùa
hạ, lấm tấm hoa vào mùa xuân và trắng
xóa khi sang đông. Sau những giờ căng thẳng
với những chữ nghĩa, nếu muốn vẫn
có thể lái xe rời nhà đến một
quán cà phê nào đó, mua một ly, ngồi
vào bàn, lơ đãng nghe nhạc, hay lại
mở laptop ra chúi đầu vào đấy
như một sinh viên hay một thương gia thứ
thiệt, hay giả vờ mở tờ báo Washington
Post để trong góc phòng, làm bộ đọc
và mỉm cười nháy mắt với các
cô chú bé tí bám quần bám
váy cha mẹ đi ngang như các ông bà
già Mỹ chính cống. Nắng
bát ngát ngoài cửa kính.
Còn buổi tối ? Tôi lại nhìn thấy trăng, vầng
trăng của tôi. Đêm qua, vợ tôi
đi làm, các con cũng đi đâu hết cả,
tôi ngồi trước computer, chợt thấy lại
một vũng sáng bát ngát trên sân. Tôi lại gần cửa sổ, mở bức
màn cửa lên, và nhìn thấy ... một
vầng trăng. Cái mầu sáng lung linh của
trăng không hề giống như ánh sáng
đèn, từ trên cao tôi nhìn lên cao
hơn và thấy lại mình từ thuở ấu
thơ, thèm quăng một sợi dây tóm
được vầng trăng lôi xuống cùng
mình. Tôi nhớ lại tất cả, từ những
ngày chạy loạn Pleiku, từ những ngày kinh
tế mới Nha Trang, từ những ngày mưu sinh vất
vả nhọc nhằn Rạch Giá ... những
ngày tuyệt vọng, cùng đường.
Tôi mở computer và gõ vào đấy:
Tạ ơn Đức Chúa Trời vì sự sắp xếp
kỳ diệu của Ngài cho cuộc đời con.
Cám ơn cha tôi, cám ơn
cha vợ tôi, những ngưòi bây giờ
không còn nữa, đã góp phần mang
tôi đến đất nước này.
Cám ơn gia đình lớn của
tôi đã giúp đỡ tôi những
ngày đầu bỡ ngỡ, và cám ơn gia
đình nhỏ của tôi đã ở bên
tôi những ngày sau đó cho đến
bây giờ.
Và cuối cùng, cám ơn nước Mỹ
đã mở rộng vòng tay
để cưu mang tôi và cho tôi có
được ngày hôm nay.
Nước Mỹ vẫn còn
trăng đấy chứ.
TRẦN NGUYÊN
ĐÁN
(Bai Chuyen)