Bụi Phấn Bụi
Đời
(Nguyễn Trần Diệu Hương)
Diệu Hương là tác giả
đã hai lần được tặng giải
thưởng viết về nước Mỹ. Ngay từ
năm đầu tiên, với bài "Chương
Kết Của Cuộc Đời", cô được
trao giải danh dự 2001. Sau 4 năm liên tục
góp thêm bài viết mới, cô nhận giải
vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ
2005, với bài viết về một cựu sĩ quan
Việt Nam Cộng Hòa trong dịp 30 lần tháng
Tư tại Mỹ, và bài "Cầu Vồng Giữa
Mùa Hè", về một quả phụ Mỹ thời
chiến tranh Việt Nam. Tác giả hiện cư
trú và làm việc tại vùng San Jose. Sau
đây là bài viết mới nhất của
cô.
*
Ngôi trường đã có nhiều thay
đổi khi tôi trở lại sau mười một
năm. Cùng với tốc độ tăng trưởng
của khoa học kỹ thuật, trường cũng trở
nên hiện đại, mới mẻ hơn, nhưng những
phòng học trong Business School, từ phòng học
nhỏ cho những sinh viên năm cuối chỉ
có hai mươi chỗ ngồi đến những giảng
đường lớn cho những lớp học với
trên một trăm sinh viên, thì vẫn vậy.
Hành lang vẫn như xưa với những khuôn
mặt thiếu ngủ của
sinh viên, luôn luôn phải dùng cà
phê để giữ mắt mở to, giữ đầu
óc tỉnh táo. Đó là điều
đáng mừng vì ngày nào trường
học còn đông người lui tới,
ngày đó chúng ta còn lạc quan
nhìn về tương lai.
Nhưng có một điều vẫn như
xưa không vui chút nào, đâu đó
lạc lõng trong những khuôn mặt sinh viên
đa số còn trẻ, là một vài người
già đầy vẻ nhẫn nhục, cam chịu, với
một cái bao nylon đen to khoác vai và tay cầm
dụng cụ dùng để nhặt lượm những
vật nhỏ mà không cần phải khom lưng
xuống. Điều buồn hơn, một vài người
trong số họ lại là những ông bà cụ
Việt Nam
đã ngoài sáu mươi. Họ đến
những phòng học trống, nhặt nhạnh trong giỏ
rác những lon soda để mang bán cho những
chỗ chuyên recycle lon nhôm.
Từ ngày chân ướt chân ráo
vào trường, tôi đã đau lòng nhận
ra có những ông bà cụ Việt Nam trạc
tuổi Ba Mẹ mình kiên nhẫn đi từ
phòng học này đến phòng học
khác, và đôi khi vào cả giỏ
rác trong phòng vệ sinh để thu nhặt từng
chiếc lon nhôm. Có lần, nán lại sau giờ
học hỏi chuyện một bà cụ Việt Nam, tôi
được bà cụ kể lại tận
tình nguồn cơn tại sao mình phải đi
nhặt nhanh từng chiếc lon nhôm.
Ít ai ngờ được ngày xưa ở
Việt Nam,
thời trước năm 1975, bà cụ là một
cô giáo dạy Trung học ở một tỉnh miền
Tây. Sau một ngày cuối tháng 4 rất buồn
của miền Nam, bà cụ lúc đó
hãy còn trẻ, không còn được
đi dạy vì có chồng là một sĩ
quan đã được "tổ quốc ghi
ơn" sau một trận chiến khốc liệt
vào mùa hè đỏ lửa 1972. Cô
giáo mất nghề dạy học lăn lộn ra
xã hội làm đủ mọi nghề để
nuôi hai con dại và nuôi thân vì
cùng một lúc gia đình cô mất
đi cả tiền tử tuất và tiền
lương, dù ít, nhưng rất ổn định
của một cô giáo trung học.
Như đa số những người phụ nữ
khác của miền Nam lúc đó,
dù vất vả trăm chiều, bà cụ vẫn
nuôi dạy hai người con trai nên người.
Rồi định mệnh đẩy đưa, bà cụ
đến được Mỹ nhờ một người
em bảo lãnh, hai anh con trai đã lập gia
đình vẫn còn kẹt lại ở Việt Nam.
Lúc đầu, bà cụ không chịu
đi, với ý nghĩ bao nhiêu năm cơ cực,
mẹ con có nhau, bây giờ bà không nỡ
sống ở một đất nước giàu
có, bỏ hai người con ở lại. Nhưng rồi
người em ra sức thuyết phục, qua được
Mỹ một thời gian may ra bà cụ còn
có dư tiền gởi về giúp con.
Thế là bà cụ ra đi, hành trang chỉ
vỏn vẹn tấm ảnh bán thân của
người chồng quá cố, hình ảnh ba mẹ
con chụp cùng nhau trước ngày bà qua
định cư ở Mỹ, và một tấm
hình từ thuở xa xưa đã ngã
màu vàng ố thời bà cụ còn
là một cô giáo trung niên ở một
trường Trung Học ở miền Tây. Vậy
mà bà cụ quý lắm, xem chừng những
tấm hình đó với bà cụ còn
quý hơn cả cái máy nghe nhạc Ipod mỏnh
dính của mấy cô mấy cậu teenager mới
lớn, hay cái nhẫn kim cương sáng
loáng của những cô gái mới
đính hôn.
Những năm đầu ở Mỹ, chưa
có quốc tịch Mỹ, không xin được
trợ cấp từ quỹ an sinh xã hội để
nuôi dưỡng những người già không
có thu nhập, (đa số là những người
già nhập cư từ những nước khác
vì những người già đã đi
làm đủ mười năm ở Mỹ thì
đã có lương hưu trí hàng
tháng), thu nhập là số không như những ngày cuối năm
1975, bà cụ tìm mọi
cách để kiếm tiền gởi về giúp
hai con trai. Một lần đi chợ, thấy những
người Mễ, người Phi, và cả người
Việt Nam
đến trung tâm recycle bán lon nhôm, bà cụ
nghĩ được cách kiếm tiền
lương thiện, nhưng đầy vất vả. Thế
là mỗi buổi trưa, dù vào giữa
mùa Đông băng giá, hay đầu mùa
hè nóng bức, cứ khoảng hai giờ chiều,
bà cụ đón xe bus xuống down town, đến
ngôi trường Đại Học lâu đời
nhất ở California, đi nhặt lon ở khắp
campus. Hôm nào hên, được đến ba
bốn bao lon, loại bao rác màu đen, bà cụ
bối rối không biết làm thế nào
để mang về nhà vì xe bus đâu
có chờ lâu ở mỗi trạm mà bà
cụ thì đã gần bảy mươi,
đâu còn nhanh nhẹn như thời còn trẻ,
không thể mang lên và đặt xuống
các bao nylon đen trong vòng một phút.
Lần đầu tiên nhận ra bà cụ
là người Việt Nam, lại trạc tuổi Ba Mẹ
mình, tôi lân la hỏi chuyện, và
được nghe bà cụ kể lể sự
tình, tôi tình nguyện dùng trunk xe của
mình làm chỗ cho bà cụ gởi tạm những
bao nylon đựng lon nhôm những hôm bà cụ
may mắn nhặt nhanh được từ hai bao trở
lên. Dạo đó, nhiều khi bà cụ cột
bao không kỹ, mỗi lần lái xe qua một
khúc quanh có góc nhọn, những cái lon
nhôm rỗng lăn tung tóe trong thùng xe tạo
nên tiếng động nghe cũng khá vui tai. Một
người bạn Việt Nam khi thấy xe tôi đầy
hộp lon, hỏi chuyện, khi đã rõ nguồn
cơn, anh nhờ tôi đem vào trường biếu
bà cụ năm mươi đồng, gọi là
quà gởi cho hai người con trai của cụ
còn ở quê nhà. Thật bất ngờ,
bà cụ một mực từ chối, viện cớ
cụ còn khỏe, còn có thể "làm
ra tiền" nuôi con như từ thuở nào.
Bà cụ cười rất đôn hậu, nhờ
tôi chuyển lại lời cám ơn đến
người bạn:
- Bác cám ơn cháu và bạn
cháu. Thỉnh thoảng cháu cho bác gởi nhờ
những bao lon trên xe để bác mang đến
trung tâm recycle từ từ đã là quý
hóa lắm rồi. Khi nào, cùng quẫn lắm,
Bác sẽ hỏi xin cháu và bạn cháu
điều khác.
Ấy vậy nhưng tôi cũng có cách
giúp bà cụ. Dạo đó, mỗi khi
có giờ rảnh, tôi nhặt lon ở thư viện
(là nơi chỉ dành riêng cho Giáo sư
và sinh viên, người ngoài không được
phép vào), đem ra để ở trunk xe. Tôi
chỉ đậu xe ở một khu vực thuận tiện,
gần trạm xe bus và cho bà cụ tạm giữ
một chìa khóa trunk xe của mình, để
bà cụ có "access" dễ dàng lấy
lon.
Ngày tôi ra trường, tôi đã
tìm được "successor", một người
bạn Việt Nam học lớp dưới, thay tôi
giúp bà cụ dễ dàng hơn trong việc
"kiếm tiền". Như một loại "job
training", tôi chỉ lại người bạn chỗ
đậu xe đã khá thân thuộc với
bà cụ, chỗ nào thường có nhiều
hộp lon ở thư viện ... Người bạn cũng
có tấm lòng, vui vẻ "tiếp thu" việc
giúp bà cụ. Và tiếng leng keng do những
hộp lon chạm nhau khi qua khúc quẹo hẹp, nhỏ
hơn 45 độ lại vang lên, nghe vui tai như tiếng
của "đại dương trong lòng con ốc
nhỏ".
Lần tôi giới thiệu người bạn sẽ
giúp bà cụ thay tôi, bà cụ chảy
nước mắt. Cầm tay chúng tôi, giọng
đầy xúc động:
"Ngày xưa, thời còn đứng ở
bục giảng, bác cũng có những
người học trò hết lòng với thầy
cô giáo cũ như hai cháu. Sau tháng
4/75, tưởng đã mất, mất tất cả mọi
thứ liên quan đến trường học, vậy
mà trong những ngày cơ cực ở quên
nhà, bác cũng còn có được sự
kính trọng và biết ơn từ những
người học trò cũ, trên đường
đầy bụi bặm. Nhưng ngay cả trong cơn
mơ, bác cũng chưa bao giờ nghĩ là
trên quê người, vẫn có những học
sinh Trung Học ở Việt Nam ngày xưa, hết
lòng với một cô giáo cũ như
bác. Ngày xưa có nhiều khi bụi phấn
làm bác cay mắt. Rồi những ngày lăn
lóc ở lề đường, buôn bán
nuôi con, bụi đời rất nhiều, nhưng
không làm bác chảy được nước
mắt vì cảm động như bây giờ. Đâu có ngờ
là ở trên đất Mỹ máy móc
này, bác lại được sự giúp
đỡ của các cháu. Các cháu biết
không, bác chợt nhận ra bụi đời đôi
khi cũng làm người ta nhỏ nước mắt."
Dù chúng tôi không nói ra, nhưng
bà cụ nhận ra chúng tôi đối
đãi bà cụ như thầy cô giáo cũ
của mình, với ý nghĩ ở đâu
đó trên đất nước đầy cơ
hội cho những người đến Mỹ dưới
30 tuổi, những "người lái đò
già" ngày xưa, không còn cơ hội,
phải kiếm sống bằng sức lực ở tuổi
xế chiều, biết đâu có một vài
thầy, cô giáo cũ đã dạy chúng
tôi thời Trung Học đang mỏi mòn chạy
theo guồng máy của một đất nước
mới. Cũng có người giúp đỡ
như chúng tôi đã giúp đỡ
bà cụ trong suốt những năm còn ở
Đại Học.
Về lại trường sau hơn mười
năm, ngoài việc đi chào các thầy
cô cũ người Mỹ, tôi cố ý
tìm bà cụ, nhưng "cảnh cũ
còn đó mà người xưa đã
không còn". Ở hành lang của các
lớp học, vẫn có những người
già đi lượm lon nhôm, nhưng bà cũ
ngày xưa của chúng tôi đã
không còn. Tôi cố dò hỏi, nhưng
không một ai biết tin tức gì về bà
cụ đã chảy nước mắt vì cả
"bụi phấn" lẫn "bụi đời".
Tôi cầu mong cho bà cụ có một
đời sống khá hơn sau khi đã vào
được quốc tịch Mỹ, và chợt nghe
mắt mình cay cay không phải vì bụi phấn
của ngày xưa mà là bụi đời của
bây giờ ...
NGUYỄN TRẦN DIỆU
HƯƠNG
(Bai Chuyen)