SU'U TÂ`M 5

Home | VA(N | VA(N (tt) | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N 11 | VA(N 12 | VA(N 13 | VA(N 14 | VA(N 15 | VA(N 16 | VA(N 17 | TA.P GHI | TA.P GHI (tt) | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | VA(N VUI | VA(N VUI (tt) | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | VA(N VUI 4 | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T (tt) | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | BÀI VIÊ'T 7 | BÀI VIÊ'T 8 | BÀI VIÊ'T 9 | CHUYÊ.N LA. KHÓ TIN | CU'̉'I CHÚT CHO'I | SU'U TÂ`M .. tho*

VA(N 11

LAN RỪNG

 

LAN RỪNG

(Võ Thị Điềm Đạm)

 

 

Tiếng đàn violin của những ngón tay cứng mới tập, của cườm tay ngập ngừng đưa tới đưa lui, melodi lúc nhịp nhàng lúc đứt đoạn vì thỉnh thoảng sai note sai nhịp, vang từ lầu trên theo cầu thang len qua cánh cửa ngăn tiệm và phòng nghỉ ngơi, cẩn thận tràn vào cửa tiệm gần năm mươi mét vuông. Đứng coi tiệm chưa được mười phút, tiếng đàn văng vẳng làm Phi bực tức. Phi không bực vì tiếng đàn quá vụng về của người mới tập, anh bực vì nhận ra cái tâm địa của Kiều Lan.

 

Tiệm vắng khách chỉ làm cho đầu óc Phi rộng chỗ mà ngẫm nghĩ. Hừm ... té ra cô nàng nhờ mình đến coi tiệm chiều nay để có thì giờ tập đàn. Ừm. .. dở thói học làm trí thức, học làm sang. Té ra cô nàng lợi dụng mối tình cảm ngày xưa, lợi dụng hoàn cảnh mới ly dị, một thân một mình với thằng con sáu tuổi, nay nhờ chuyện này mai nhờ chuyện kia. Đầu óc cô nàng sao mà ngắn ngủn, đục ngầu không lường được. Hừm ... vợ chồng mình với vợ chồng cô nàng thân nhau mấy năm như vậy mà cô nàng không hiểu được tình bạn này hay sao. Hừm ... ráng cư xử thẳng thắn có học dầu cô nàng đã ly dị với Dương thì cô nàng lại tưởng mình còn lưu luyến, còn tiếc nuối nên tìm cách dùng mình như tấm giẻ lau. Hừm ... tội nghiệp Nga, chẳng phàn nàn một lời khi mình bảo sẽ lên phố coi dùm cửa tiệm Natiki vài tiếng đồng hồ. Nga biết mình ngày xưa có thời theo đuổi cô nàng. Nhưng từ khi quen Dương, quen luôn cô nàng, Nga hiểu mình chẳng còn chút lưu luyến, nên Nga chưa bao giờ cằn nhằn khi mình ra tay giúp đỡ cô nàng trong hoàn cảnh một mình với con với cửa tiệm. Hừm ... tưởng nhờ mình coi tiệm để cô nàng lo cho thằng Nhân, té ra là gởi thằng con ở đâu đó để rảnh tay tập đàn. Nể Dương là bạn nên giúp, thương thằng nhỏ nên ráng đỡ một tay. Hừm ... hèn gì cả tháng nay, hầu như chiều thứ năm tuần nào cô nàng cũng bảo sẽ đi công chuyện chừng một tiếng, nhờ mình đến coi tiệm. Hừm ... một tiếng mỗi tuần để đi học đàn cho nên mới kéo đàn được đến trình độ đó chứ xưa nay cô nàng có biết đàn trống gì đâu. Đi làm về, cơm nước chưa ráo miệng, bị gọi lại nhờ coi tiệm, cực chẳng đã ...

 

Càng nghĩ, mặt Phi càng nóng. Phi đứng phắt dậy, đi vào phòng trong, căn phòng vừa là nơi ngồi nghỉ trưa, vừa chứa hàng. Phi với tay dựt mạnh cái áo khoát, mặc vào, đứng dưới chân cầu thang, không giữ được giọng bình tĩnh, nói vọng lên:

- Tôi đi về đây.

 

Không một lời giải thích. Không chờ trả lời. Không cần biết là Kiều Lan có nghe hay không. Không chờ Kiều Lan đi xuống để coi tiệm. Phi đẩy cửa bước ra ngoài. Khí trời tháng năm trong mát, nắng chiều sáu giờ vẫn còn nóng ấm, sự dễ tính của tiết đầu hè nơi thành phố Dramen làm lòng Phi dịu dần dần.

 

Tiếng đàn ngưng bất chợt khi nghe Phi nói lớn giọng. Tiếng chuông cửa reo vui nhẹ mỗi khi có khách hàng ra vô vang lên, ngắn gọn. Lắng tai. Không nghe Phi chào khách, im lìm không người. Kiều Lan đặt cẩn thận cây đàn lên giường, đi xuống ngay lúc cánh cửa ra vô khép lại phía sau lưng áo khoác màu cà phê sữa quen thuộc của Phi. Sửng sốt, Kiều Lan chạy ra đường, kêu to:

- Anh Phi, anh Phi, anh đi đâu vậy ?

 

Biết Phi nghe nhưng Phi không quay lại, cứ hướng nhà gởi xe mà tới, Kiều Lan vùng vằng đi vô tiệm, miệng lẩm bẩm: Tự nhiên trở chứng. Đi về bất tử kiểu này thì làm sao mà tới kịp giờ học đàn đây. Đồ cà chớn, chắc con Nga gọi giựt ngược về thay tã cho con đây. Thứ sợ vợ. Thứ đi thưa về trình. Điệu này chỉ có nước đóng cửa tiệm mà đi thôi, không bỏ giờ học đàn được, phí hai trăm bạc. Hừm ... đóng cửa tiệm thì mất khách. Nhưng phải ráng học, lỡ khoe ẩu với Magnus ... hừm ... tưởng ráng được thêm vài tuần nữa cũng đủ ... hừm ...

 

Tiếng là ly dị chứ thật ra phải gọi là bỏ nhau mới đúng. Tiệc cưới của Kiều Lan và Dương được tổ chức khá long trọng có đầy đủ gia đình họ hàng nhà Dương, người cô của Kiều Lan, đầy đủ bạn bè Việt Nam, nhưng thiếu ba của Kiều Lan vì ông còn đang ở trại tị nạn, thiếu bạn bè Na Uy, thiếu giấy chứng nhận của phòng hành chánh quận. Địa chỉ Dương vẫn nằm ở nhà ba mẹ, ông bà thiếu tá hải quân Tôn Thất Hồng thì việc Dương ra khỏi căn nhà trên đồi Eider cũng không có gì là rắc rối. Còn giữ được cửa tiệm ở Sandefjord là Dương cũng may mắn lắm rồi, nhờ kế hoạch Kiều Lan đứng tên một tiệm, Dương đứng tên một tiệm để nhẹ thuế má.

 

Kiều Lan đẹp, đẹp từ vóc dáng dong dỏng cao biết ăn diện thanh nhã, đẹp ở gương mặt xương xương đều nét, đẹp cả ở cái lý lịch do Kiều Lan kể bố là phó quận đã ở vậy nuôi đứa con gái độc nhất từ khi vợ chết sau lần sanh Kiều Lan. Mười chín tuổi, qua Na Uy với người cô già không chồng nhưng khá dễ tánh nên Kiều Lan mặc sức lựa chọn trong đám thanh niên từ anh sinh viên sắp ra trường cho tới anh đang học lại để lấy bằng tú tài như Phi và Dương. Dương và Phi là đôi bạn thân từ những ngày bên trại tị nạn, cùng vỡn vờ tán tỉnh Kiều Lan như bao chàng trai khác. Nhưng rốt cục, cái gốc con ông thiếu tá hải quân dòng Tôn Thất đã làm xiêu lòng cô gái chuộng nơi có nguồn gốc môn đăng hộ đối. Phi chỉ là con trai thứ trong một gia đình công chức nghèo, không xứng đáng với cô con gái độc nhất của ông phó quận.

 

Dầu cho Dương và cả mấy người con của gia đình ông thiếu tá hải quân Tôn Thất Hồng không ai theo nổi cái bằng tú tài thì Kiều Lan chỉ cần kể cho bạn bè nghe về ông chú chồng Tôn Thất này đã du học ở Canada rồi định cư luôn, đến bà cô chồng Công Tằng Tôn Nữ kia đang là bác sĩ ở Mỹ ... thêm vào ông bố cựu phó quận đã qua Mỹ và xin được ngay chức chủ sự phòng, phải cưới vợ theo sự năn nỉ của đứa con gái mong muốn bố mình tìm được an vui nơi xứ người, cũng đủ cho Kiều Lan tự đặt mình vào giai cấp danh giá. Mở cửa tiệm bán tặng phẩm chỉ là một cách để làm ăn tự do, làm nhiều hưởng nhiều, không bị nay làm hãng này mai thất nghiệp sở kia như nhiều người. Ở nước ngoài thì phải sống theo người ta, cái gốc sữa mẹ trung lưu nó nằm luôn mãi trong mỗi con người, Kiều Lan thường nói chuyện với bạn bè như thế.

 

Thật nhiều lợi điểm nếu khai con không cha. Vì Dương không đứng tên là cha trong khai sanh, không phải trả tiền nuôi con cho người mẹ nên Kiều Lan được hưởng vừa hai phần tiền có con nhỏ vừa hưởng tiền phụ cấp phụ trội. Không có giấy tờ hôn thú, không sống chung trên phương diện pháp lý cho nên khi mua nhà, Kiều Lan đứng tên nhà là tiện lợi đủ điều. Phụ nữ độc thân có con nhỏ, được sở Nhà Đất Tị Nạn cho mượn tối đa với tiền lời thật thấp và sở thuế má cũng thương tình hoàn cảnh một mẹ nuôi con. Mọi khe hở trong những luật lệ, điều khoản trợ cấp, tương trợ ở một xã hội đặt sự an vui của từng người dân lên hàng đầu đuợc Dương và Kiều Lan khai thác tối đa. Khi tình yêu còn mặn nồng, không ai tính toán chi li. Vài năm, Dương nhận ra từ từ những yếu điểm của mình trong căn nhà do chính mình đóng góp, bỏ công tu sửa. Đến chừng Dương đề nghị mua nhà khác để cả hai cùng đứng tên và đề nghị ra toà hành chánh quận để làm hôn thú thì chỉ nhận trả bằng nụ cười mỉa mai thách đố của Kiều Lan. Dương cắn răng không than thở được với bạn bè một lời. Cả Dương và gia đình không dám đưa nội vụ ra tòa vì biết chắc phần thắng sẽ nghiêng về phía người đàn bà và đứa con nhỏ. Tốt nhất là giữ hòa khí để còn được Kiều Lan cho phép Dương thỉnh thoảng đưa cháu về thăm nội.

 

Thật ra, khi mới quen và một năm đầu sống chung, Kiều Lan rất hợp với gia đình chồng, với mẹ chồng và chị em của Dương, hợp cách lối ăn diện sang trọng, ngoại trừ ông thiếu tá hải quân Tôn Thất Hồng. Sau bảy mươi lăm, bà thiếu tá Tôn Thất Hồng đủ sức mang bốn giỏ xách nặng trĩu nuôi chồng ba tháng một lần là nhờ sự đua đòi ăn diện của một số nữ cán bộ cao cấp, phu nhân và tiểu thư cán bộ từ Hà Nội. Hột xoàn ! Bàn tay dầu có thô kệch khô cằn vì quen cầm súng đạn, quen bầm rau nuôi lợn, quen kềm cứng cái ghi đông xe đạp lên dốc đổ dốc trong mưa nắng ... suốt hai mươi năm hạt gạo cắn làm tư, chỉ cần nét lấp lánh trên chiếc nhẫn, trên đôi bông tai là các bà các cô có thể tự xếp mình vào tầng lớp trưởng giả mới. Buôn bán hột xoàn với các tân mệnh phụ, các tân tiểu thư rất thoải mái. Thứ nhất, khách hàng càng lúc càng giàu. Thứ hai, cứ bảo hột xoàn của chồng tôi ngày xưa là thiếu tá, trung tá, tỉnh trưởng ... mua từ HongKong, từ Singapore là có giá ngay. Đã thế, lại được quen các "cựu mệnh phụ", được truyền dạy cách thức ăn diện, học hỏi lề lối chuyện trò lịch sự của giới phụ nữ miền Nam. Thứ ba, các bà tân mệnh phụ, các cô tân tiểu thư suốt đời chưa bao giờ biết tin người, thế mà bây giờ lại tin từng lời tâng bốc của những "cựu mệnh phụ" vì sa cơ lỡ thế phải cắn lòng bán đi "quà kỷ niệm của chồng". Buôn hột xoàn, dầu là hột xoàn lắm bụi lắm than từ Tàu, từ Thái Lan đưa vào, các bà "cựu mệnh phụ" vẫn còn giữ được nếp sống khá phong lưu nếu so với đa số ở miền nam. Con cái gia đình thiếu tá Tôn Thất Hồng có mòi ăn diện theo thời hơn trước bảy mươi lăm vì người cha nghiêm khắc đã vào tù. Với quan niệm quần áo, bề ngoài tạo nên con người, bà cựu thiếu tá và con cái ráng tu dưỡng cái gốc trung lưu qua cách chưng diện. Quả thật, đã thuộc lớp trung lưu trước bảy mươi lăm, biết dùng hàng La Coste, Channel ... thì làm sao mất được nguồn gốc Tôn Thất.

 

Cái thế gia trưởng của ông cựu thiếu tá hải quân Tôn Thất Hồng không còn hiệu nghiệm từ khi phải sống nhờ lợi tức buôn bán của vợ, trong thời gian ở tù cũng như mãn tù. Nhất là khi sống đời tị nạn ở Na Uy. Thất chí, ông chỉ muốn an phận, thu nhỏ nên để mặc vợ con bươn chải với đời sống mới. Ông chỉ biết thở dài khi càng ngày càng nhận ra sự ăn diện đua đòi vượt khỏi địa vị ăn nhờ ở đậu của thân phận tị nạn. Và bây giờ thêm cô con dâu, như thêm một vũ công trong ban vũ có cả nam lẫn nữ đang diễn qua diễn lại trước mắt. Ông chán nản đến độ không muốn tham gia một hoạt động nào của cộng đồng người Việt, ngay cả hội đoàn cựu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mà ông là một trong những người có chức vị cao nhất.

 

Tiếng chim ríu ra ríu rít tranh nhau những trái cherry tròn đỏ sậm bóng mượt còn sót lại trên cành cây ngay phía ngoài cửa sổ đánh thức Kiều Lan sau giấc ngủ no đầy. Ngắm nhìn toàn phòng ngủ, cảnh rừng sau chiếc cầu cong trên bức tranh Water Lily Pond của Claude Monet treo giữa bức tường sâu hun hút. Trên bức tường kế bên giường bức tranh Monet's Water Garden và Water Lilles cũng của Chaude Monet càng thu hút trí tò mò của Kiều Lan. Mặt nước long lanh ẩn hiện cảnh vật trên cao, lá sen xanh mượt bên những đóa hoa sen trắng ngà ngà, Kiều Lan cố nhìn sâu, sâu, theo giòng nước, muốn được đi xa hơn nữa, phía sau bức tranh, muốn khám phá. Màu vàng nhạt hòa lẫn màu xanh tươi mát của những bức tranh trong căn phòng cũng mang toàn màu xanh rêu nhạt thật nhạt, tạo một cảm giác thật dịu dàng cho người vừa thức dậy. Xoa xoa cánh tay có lớp lông nâu xậm đang gác trên bụng, Kiều Lan nhấc nhè nhẹ ... Cánh tay ghì chặt, giữ lại, giọng Magnus thì thào tinh nghịch: "Bạn không thoát được đâu." Nương theo siết tay, Magnus choàng lên nằm hẳn trên người Kiều, hai tay giăng hai cánh tay Kiều Lan thẳng ra, mặt áp vào mặt Kiều Lan. Nếu nhìn từ trần nhà, trông như hình thánh giá.

 

Cố đẩy thân hình khá nặng qua một bên, tay rời tay, người nghiêng người, Kiều Lan chu đôi môi hồng tươi không còn chút son, đòi hôn. Nụ hôn mềm ướt xoay trở nhiều chiều như ngọn lửa khơi nóng cả hai thân hình không có chút vải. Không một chỗ hở cho hình ảnh đứa con trai bảy tuổi đang ở nhà ông bà nội, Kiều Lan cong chân, dùng hai gót chân, ấn mạnh sống lưng, xiết người Magnus sát chặt vào. Mắt nhắm hờ, mặt ngửa cao khi đôi môi mềm nóng trườn xuống phần ngực trắng hồng căng cứng như con gái. Bàn tay mềm ấm vuốt ve làm da thịt Kiều Lan mịn màng hơn, làm vòng eo Kiều Lan thâu nhỏ lại, làm đùi Kiều Lan thon dài căng cứng hơn ... Magnus đã biết khơi nơi Kiều Lan niềm hãnh diện của người nữ.

 

Nhìn mặt đồng hồ tròn nhỏ trên bàn, ánh nắng ban mai đã đi qua khỏi cửa sổ phòng ngủ, mười một giờ trưa, Kiều Lan mỉm cười vuốt mái tóc hơi quăn dài phủ gáy của Magnus khi nghĩ đến đôi mắt giương to trên gương mặt nhiều son phấn của bà Thiếu Tá Hồng. Đã gọi điện thoại báo trước là sẽ đưa Nhân về chơi với ông bà nội cuối tuần này, nhưng bà Thiếu Tá không lường trước là Kiều Lan có thể ngang nhiên đi với Magnus đến gia đình bà trên chiếc xe Mecerdes thể thao hai cửa màu xám đậm, chỉ sau nửa năm li dị với Dương. Bà càng khó chịu, nhíu mày khi Nhân ôm Magnus hun và chào tạm biệt, cử chỉ thân mật như Nhân thường làm với Dương khi Kiều Lan đến đón con. Kiều Lan nhủ thầm: "Cho bà thấy, cho bà hiểu rằng con trai bà chỉ đáng xách giỏ theo tôi đi chợ, đừng mơ mộng dựa hơi cái chức thiếu tá, cái tên Tôn Thất từ thời xa xưa mà coi thường gia đình tôi."

 

Lần này không bị cánh tay siết giữ lại, Kiều Lan đi nhè nhẹ vào phòng tắm. Nước ấm phun mạnh từ vòi sen trên đầu, từ hai vách thủy tinh trong suốt, như cơn mưa lớn vuốt ve thân thể no đủ. Ngửa mặt cho những tia nước vuốt mái tóc dài bóng mượt ra phía sau, Kiều Lan lắc đầu trong cái hài lòng kiêu hãnh, miệng lẩm bẩm: "Ông tướng mạnh thật, lần nào ở lại đây, phải ba trận thì ông tướng mới chịu cho mình rời giường. Chả bù ... hừm ... nhàm chán ... cứ bổn cũ soạn lại, thuộc lòng từ đầu đến cuối ... một tuần được cao lắm một lần là lăn ra há miệng ngáy mê mệt, không cần biết mình thức hay ngủ, không biết màn hậu ... chán !"

 

Nghe tiếng vòi sen rào rào trong phòng tắm, Kiều Lan đánh ba cái trứng, dùng kéo cắt hành lá thành những khoang tròn li ti, thêm hai muỗng sữa tươi, chút muối, chút tiêu, khoáy nhẹ trên bếp lửa yếu. Ba phút sau, hỗn hợp trong xoong hơi đông cứng, Kiều Lan ép nhẹ tất cả trong cái chén. Úp lên dĩa men trắng lớn hơn miệng chén ba centimet bán kính, dở chén ra, một khối tròn như trái banh tenis cắt làm hai. Màu trứng chiên vàng tươi điểm lấm tấm những cọng hành lá xanh mướt trên dĩa men trắng bóng, chung quanh là những lát cá hồi hong khói màu hồng cam đã được khéo léo cắt mỏng thật mỏng. Đặt thêm vài lát chanh vàng, nghiêng đầu ngắm nhìn thành quả món điểm tâm Magnus thích nhất vào những ngày cuối tuần, Kiều Lan sung sướng nhận nụ hôn tươi mát nơi gáy, ngã người dựa vào thân thể khỏe mạnh đứng sau lưng.

 

Căn phòng lộng kính trong ba phía ngăn cái lạnh se se nhưng vẫn thâu nhận được tất cả sức nóng mặt trời đầu tháng chín, kéo dài mùa hè thêm được chừng hai tháng. Dựa trên lưng đệm ghế, tay còn cầm ly nước cam tươi ngọt đậm, Magnus ngửa mặt tận hưởng những tia nắng đầu thu vẫn còn gay gắt đốt cháy từng tế bào trên gương mặt ưng ửng đỏ của tuổi cuối ba mươi. Bữa điểm tâm thật ngon miệng sau một đêm chăn gối nồng thắm, Magnus đắm chìm trong hạnh phúc tưởng chừng khó tìm lại được sau ngày Rita xé tờ hôn thú, đi theo tiếng gọi tình yêu mới. Hai tuần nghỉ ngơi thường năm, về Drammen tham dự kỳ đấu golf vòng bán kết vùng Đông với vài người bạn, tình cờ ghé tiệm bán tặng phẩm Nakiti. Lối nói chuyện với những câu ngăn ngắn mang âm hưởng miền Vestland pha lẫn giọng địa phương, nụ cười có một lún đồng tiền bên má phải, ánh mắt đen ướt của người thiếu phụ đã một con vẫn còn mang nét trẻ thơ đã khêu dậy những niềm vui nho nhỏ, đã đưa bánh xe lăn về con đường Prins Oscars mỗi ngày. Đùa qua, giỡn lại, thế mà Kiều Lan nhận lời đi ăn tối, và đến hôm nay ...

 

Magnus quay nhìn Kiều Lan cũng đang đắm mình hồi tưởng lại những ngày đầu tiên mới nhận đi ăn tối. Gương mặt không chút son phấn của người thiếu phụ gần ba mươi mà trông như thiếu nữ mười tám, tươi lên khi nhận ra ánh mắt chiêm ngưỡng của người tình. Dơ tay, Magnus nắm chặt bàn tay mềm mại cũng vừa với đến, anh hỏi:

- Em và Nhân về đây ở với anh luôn nhá.

Hơi ngạc nhiên vì lời đề nghị sống chung chỉ sau ba lần về đây chơi cuối tuần, không trả lời trực tiếp, Kiều Lan hỏi:

- Làm sao em giữ cửa tiệm, đường xa quá.

- Tìm người sang. Anh lo cho mẹ con em. Em không phải cực nhọc nuôi con nữa. Em coi, nhà rộng thênh thanh, vườn cây mênh mông mặc sức cho Nhân chạy nhảy.

- Thế còn nhà em, đồ đạc trong nhà em ?

- Hoặc em cho mướn, hoặc em bán. Dùng số tiền đó để mua một căn nhà ở Oslo cho thuê thì có lợi hơn vì giá nhà Oslo, nhất là trung tâm đang lên và sẽ lên dài dài. Mọi lợi tức cho thuê tùy em sử dụng cho riêng em. Về đây, anh lo tất cả. Thế nào ? Anh yêu em, anh muốn bảo bọc mẹ con em.

Đôi mắt Kiều Lan ươn ướt cảm động, cảm giác được cưng lo bao trùm mọi nghĩ suy, Kiều Lan đứng dậy, đến ngồi vào lòng Magnus, cúi xuống gương mặt si tình, thì thầm:

- Magnus bảo bọc mẹ con em nhá, em yêu Magnus. Mình sẽ sống hạnh phúc bên nhau Magnus nhé.

 

Magnus được thừa hưởng ngôi biệt thự của ông bà nội hơn ba năm nay, Bygdoy, khu dân cư nổi tiếng giàu có gốc của Oslo. Anh được thừa hưởng luôn chức vị phó giám đốc cơ sở sản xuất vững chãi mấy đời, trong đó cổ phần của ông nội chiếm hơn một phần ba cũng thuộc về tay Magnus, người con trai duy nhất của dòng họ Whillamsen. Việc lời lãi của công ty không ảnh hưởng nhiều đến đời sống kinh tế thật vững chắc của Magnus. Ở tuổi chưa tới bốn mươi mà Magnus không có nợ nhà, làm việc và hưởng lương của một công ty trù trị lâu đời của quận Bærum, Magnus bơi lội trong đời sống quá bình an đến độ nhàm chán cho đến khi gặp Kiều Lan. Ngôi nhà của ba mẹ Magnus, ông Odd Bjorn và bà Borghild cũng nằm trong cuộc đất của biệt thự, được chia hai. Hàng liễu tần nối liền hai biệt thự kết hòa tuổi thơ của Magnus, hai người em gái và ông bà nội. Với lòng yêu thương ông bà nội vô vàn, Magnus không muốn thay đổi nhiều trong ngôi biệt thự, cố giữ lại không khí ngày xưa. Ngay cả người giúp việc và người làm vườn của ông bà nội, đến hai lần một tuần, Magnus cũng muốn giữ lại.

 

Dọn về đây, Kiều Lan không mang được nhiều vật dụng riêng tư cũng vì lý do những vật dụng đó hoặc không có chỗ đứng hoặc không thích hợp với lối cách trang trí sang trọng trong mức giản dị tối đa làm Kiều Lan đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác. Mọi vật dụng trưng bày hay dùng thường ngày đều được lựa chọn thật chu đáo để hòa hợp nhau, thể hiện một nếp sống phong lưu chỉ những người trong giới phong lưu ấy mới nhận ra. Đã quen với nếp sống như đa số đàn bà Việt, tự tay thu xếp mọi sinh hoạt gia đình, tự tay mua sắm chưng bày nhà cửa, nay sống trong ngôi biệt thự to lớn vùng nổi tiếng giàu có, được nuông chiều, được thư thả ngủ lười mỗi sáng, không phải hồi hộp mỗi lần nhận biên lai điện thoại, nhưng Kiều Lan thấy thiếu thiếu, thiếu thiên chức làm vợ. Lợi tức cho mướn căn nhà chung cư ở Majostua, Kiều Lan chỉ để dành riêng cho mình, ngân khoảng trong nhà băng mỗi năm mỗi dầy. Hàng tháng, Magnus chuyển một số tiền khá dư dả vào ngân hàng của Kiều Lan để Kiều Lan chi tiêu cho con cái nhà cửa. Magnus rộng rãi, nhưng tính toán đâu ra đó. Tiền bạc dư thừa nhưng Kiều Lan nhận ra từ từ là mình không có một chỗ đứng nào trong cái gia tài theo Kiều Lan đoán khá to lớn này.

 

Magnus hoàn toàn tránh không đụng chạm đến của cải riêng của Kiều Lan nên mỗi lần Kiều Lan tò mò, cự nự chuyện tiền bạc, Kiều Lan chỉ nhận được một phất tay dứt khoát từ Magnus. Ngoài miệng khoe với bạn bè về ngôi biệt thự ở Bygdoy mình đang sống, về gia thế giàu có từ ba đời của gia đình Whillamsen nhưng tự trong thâm tâm, Kiều Lan đã từ từ nhận ra chỗ đứng của mình.

 

Kiều Lan bực tức khi người hàng xóm phía bên kia đường, tình cờ đi chợ về chung, tò mò hỏi:

- Chị có thường về thăm gia đình ở Thái Lan không ?

À há, bà này tưởng Magnus qua Thái, trả tiền cho cha mẹ mình để cưới mình như các cô từ Thái, từ Phi về làm người hầu không lương, sanh con đẻ cái cho dòng họ có cơ nối dõi. Các bà các cô Na Uy dựa vào cái thành kiến này để tự bào chữa nguyên nhân mà nhiều người đàn ông Na Uy muốn cưới vợ Thái hay vợ Phi.

Kiều Lan trả lời:

- Tôi là thuyền nhân tị nạn từ Việt Nam. Tôi ở đây hơn mười năm rồi.

- Xin lỗi, xin lỗi.

- Không có chi, có gì mà chị phải xin lỗi.

Và để đánh tan thành kiến đàn ông Na Uy cưới vợ Thái vợ Phi của người hàng xóm tò mò bất lịch sự cũng như đa số các bà các cô Na Uy, Kiều Lan hỏi lại:

- Chị biết ai giữ trẻ đáng tin cậy không ? Tôi muốn tìm một cô trẻ tuổi để đưa đón các cháu, tôi định đi làm lại, ở nhà hoài chán quá.

Miệng thì nói thế, nhưng bụng lại lo lo, sợ cái bà hàng xóm này thóc mách nói chuyện với Magnus. Nhưng rồi Kiều Lan nhún vai: Đời nào Magnus đi chợ.

- Em cho Nhân, không, Lars-Erik học trường Rudolf Steiner chị ạ.

- Trường gần nhà không ?

- Không chị, em và Magnus phải thay nhau đưa đón mỗi ngày.

- Sao không ghi tên Nhân học trường gần nhà cho tiện đường ?

- Chắc chị không biết trường Rudolf Steiner. Đây là trường tư, cha mẹ phải đóng tiền trường mỗi tháng.

- Trường tư ? Ở Na Uy này dại gì cho con học trường tư chi cho tốn kém. Con Na Uy sao thì mình vậy, có thua ai đâu. Hình như chỉ có một vài trường tư vì lý do tôn giáo thôi. Trường Steiner này của đạo nào ?

- Không đạo nào cả chị. Trường có chương trình dạy khác hơn trường công.

- Từ con bộ trưởng đến con công nhân, ai cũng học trường công, cùng lớp, cùng hưởng mọi quyền lợi như nhau, không hề có sự phân chia. Con vua còn học trường công như con mình. Học chi cho xa, vừa tốn tiền, vừa mắc công, vừa không có bạn cùng lớp gần nhà cho con chơi … Mà chương trình dạy ở trường ... trường Rudolf Steiner khác như thế nào ?

- Thày cô được trả lương cao hơn, đa số cha mẹ thuộc giới văn nghệ sĩ...

 

Kiều Lan cố giấu nỗi bực tức vì chị bạn không chịu nhìn ra cái danh giá khi có con học trường Rudolf Steiner, lòng than với lòng … Hừm ... mấy người Việt Nam quê mùa, không biết trường Rudolf Steiner là gì. Ở Anh, ở Pháp ... chỉ những gia đình khá giả mới có khả năng cho con học trường tư ... Thật ra thì Kiều Lan không cần hiểu sâu chương trình và đường lối giáo dục của trường Rudolf Steiner, chỉ cần nghe vài người bạn của Magnus nhắc tới, chỉ biết đó là trường tư phải đóng tiền, Kiều Lan chọn ngay trường này cho con.

 

Trong khi người bạn lớn tuổi chưa hiểu được lý do chọn trường Rudolf Steiner của Kiều Lan thì tiếng điện thoại reo to. Thoát khỏi sự tra hỏi của chị bạn, Kiều Lan mừng rỡ vói tay lấy cái điện thoại vô tuyến để trên mặt kiếng bàn salong. Tay xoa xoa lớp vải mịn bọc quanh chiếc gối dựa lưng dầy êm, ngả lưng, đặt đôi chân lên ghế đẩu bọc vải màu vàng kem, tay cầm điện thoại hờ hững cách xa miệng, trong tư thế thật trang nhã, Kiều Lan nói chuyện với Magnus:

- Em đang làm gì đó ?

- Em mời chị Thanh đến chơi, tụi em đang tán dóc. Chút anh nhớ đón Lars-Erik dùm em nghen.

- Không được, hôm nay anh về trễ, lại phải ghé mua thêm chai rượu vang.

- Em còn phải đi đón bé Kristine. Thôi, cũng được. Em gởi Bjornar qua ông bà nội. Ừm không biết ông bà có nhà hay không đây. Nhà còn nhiều rượu mà anh mua thêm chi nữa ?

- Anh không thích mấy hiệu rượu đó, định mua vài chai Masi Grandarella. Em nhớ làm món gì để chiều nay nướng thịt ăn chung với mấy người bạn.

Thở dài, biết không thể từ chối được, Kiều Lan hỏi:

- Ai tới

- Stephansen, Solheim và Larsplassen, có thể có cả Hagen.

- Sao không nói sớm để em lo liệu. Rồi còn phải đón cả hai đứa. Hôm nay không phải ngày Ranhild đến, ai giúp em đây ?

- Thì em chỉ ướp thịt thôi, để anh về anh dọn bàn cho. À, nhớ đừng ướp nước mắm như mấy lần trước nha.

- Sao vậy ?

- Nướng lên có mùi hôi lắm, khói bay sang hàng xóm.

- Mấy lần trước có ai than thở gì đâu.

- Người ta không than nhưng mình phải tự hiểu, tự nhận biết. Cũng đừng trộn ngò vô rau sống. Em làm món rau trộn ngon ai cũng thích, nhưng em không để ý là tụi bạn anh, họ lén khưi mấy cọng ngò, bỏ vô thùng rác.

- Có ngò mới thơm ngon chớ.

- Ngon thơm là theo miệng em. Em phải nhớ là khẩu vị người Na Uy khác với người Việt. Khi em làm thức ăn cho người Na Uy, em phải suy nghĩ theo người Na Uy. Họ khen, chưa chắc là họ thích thật tình. Chỉ khi nào họ ăn món đó nhiều thì mới gọi là họ thích. Em ghé chợ mua bánh mì Paris nóng luôn nghen. À, nhớ làm món hành sống cắt lát mỏng trộn với dấm đường, ngon lắm đó.

- Giờ này anh mới gọi điện thoại để báo có bạn đến ăn cơm chiều. Rồi anh không đi đón Lars-Erik dùm được, rồi còn đòi món này món kia.

- Lâu lâu mà em. Tại tụi Solheim mới từ London về, vừa gọi điện thoại cho anh.

- Lâu lâu gì mà lâu lâu. Hầu như tuần nào cũng vậy. Sao không làm ở nhà mấy người kia ?

- Thì em ở nhà, em có thì giờ. Ai cũng bận rộn hết. Chịu khó chút đi cưng.

 

Người bạn gái lại gần khung cửa kính, nhìn ra khu vườn rộng bao quanh biệt thự được chăm sóc thật mỹ thuật, thật kỹ lưỡng. Không cố ý nghe nhưng mẫu đối thoại của Kiều Lan với Magnus vẫn đi vào tai, người bạn hiểu sơ sơ nội dung, định ra về để Kiều Lan có thì giờ vừa đón con ở vườn trẻ, vừa đón con ở trường học, vừa đi chợ, vừa lo chuẩn bị cho bữa cơm chiều.

 

Đặt điện thoại xuống, gương mặt không được vui, Kiều Lan than với người bạn gái lớn hơn mình năm tuổi, như than với chính mình:

- Ăn uống khó tánh, mệt.

- Bộ chút nữa có khách hả ? Sao mời bạn đến nhà ngay giữa tuần ?

- Khách gì chị. Mấy người bạn của Magnus, thế nào cũng có thêm vài đứa nhỏ theo, tụi con em có bạn chơi.

- Nhiều người không ? Thôi mình về cho Kiều Lan đi chợ nha.

- Ba, bốn cặp vợ chồng, thêm vài đứa con. Tại vườn nhà em rộng nên thưòng kéo về đây. Những ngày nắng hè kéo dài cho đến chín, mười giờ, bạn bè Magnus thường tụ họp khi ở vườn nhà em hay Stephansen để nướng thịt ăn chiều. Mỗi gia đình tự đem theo thức ăn, thức uống. Nếu làm ở nhà người nào thì người đó chỉ nấu cơm hay luộc khoai tây nhưng em thì không quen cái kiểu mạnh của mình, mình ăn. Em thường làm thêm nhiều để mời tất cả. Chắc tại vậy nên hay thích về đây. Những người bạn từ thủa tiểu học, trung học, sau một thời gian bay nhảy ngoài đời, nay không hẹn lại trở về khu phố xưa sinh sống. Toàn là con nhà giàu có gốc không đó chị.

 

Câu chuyện dòn dã chuyển lưu không dứt. Từ chuyện ông họa sĩ Odd Nerdrum khùng khùng ngược đời, chuyên vẽ tranh khỏa thân cho tới quyển sách mới ra của bà văn sĩ Anne Holt chuyên viết chuyện trinh thám mà lại được mời làm bộ trưởng bộ tư pháp thời đảng Lao Động nắm chính quyền, giữ chức được vài tháng là bứt. Kiều Lan ngóng nghe chuyện này, chưa thấu hết toàn đề tài thì ai đó đã chuyển sang đề tài khác. Thỉnh thoảng có người chợt nhớ đến Kiều Lan ngồi lẻ loi ngóng chuyện, tìm cách gợi chuyện.

 

Nói chuyện với Kiều Lan, đề tài chỉ quanh quẩn về Việt Nam, về Á Đông. Và nhất là hình thức hỏi đáp, thiếu bàn cãi, thiếu so sánh, thiếu nhận định nên đề tài thường tắt nghẹn sau vài phút. Khả năng tiếng Na Uy của Kiều Lan đủ để mở một cửa tiệm nhỏ, giao tiếp với khách hàng. Kiều Lan không thường xuyên đọc sách báo, đọc những mục xã luận nên những câu chuyện bạn bè Magnus thường đem ra bàn thảo đi xa tầm mức suy nghĩ của Kiều Lan, Kiều Lan không theo kịp. Với Kiều Lan, những tin tức cướp giựt, tung xe, cháy nhà ... mới kêu gọi trí tò mò khi lơ đãng lật nhanh tờ báo Dag Blad hay VG. Cho nên những người bạn của Magnus vô tình đánh giá tầm suy tư của Kiều Lan như mặt nước xanh mướt phủ lớp bèo non, quơ cái lưới vớt vài dạo là mặt nước trơ trơ không còn gì để tìm kiếm. Chỉ năm ba phút chuyện trò, Kiều Lan trở lại vai trò ngóng chuyện, cười theo và lơ đãng ngắm nhìn cây cảnh xung quanh, mong cho mau tối, mong cho bữa cơm tàn.

 

Lars-Erik, Kristine và Bjornar là cứu cánh cho mẹ. Lấy lý do bận rộn với con cái, Kiều Lan vào nhà, ngồi xem chương trình thiếu nhi với với sáu đứa trẻ, vừa con mình vừa con bạn. Không ai để ý đến sự vắng mặt lâu của người chủ nhân món rau trộn vừa miệng, món bánh mì thơm mùi bơ tỏi nóng hổi ... Mắt nhìn màn ảnh TV, tay ôm bé Kristine đang say mê theo dõi phim bộ Lille Fot, đầu óc lang bang từ chuyện này sang chuyện khác ... Kiều Lan thở dài ....

 

Có với nhau hai đứa con, Magnus vẫn chưa đề cập đến vấn đề cưới hỏi. Lần này thì Kiều Lan muốn có hôn thú, muốn tình trạng vợ chồng đâu ra đó. Khó lắm, ngượng miệng lắm khi nói chuyện với mọi người, nhắc tới Magnus, biết gọi là gì đây, không thể nói "chồng tôi". Với người Na Uy, Kiều Lan dùng chữ "sambor" để chỉ người sống chung như vợ chồng như không có giá thú và không làm đám cưới. Nhưng với người Việt thì rất khó vì tự điển Việt Nam không có từ ngữ này. Không thể dùng chữ "ông xã", ngượng quá, chẳng lẽ dùng chữ dài thườn thượt ông-sống-chung, Kiều Lan phải dùng trống không: Magnus. Nhớ lần đầu tiên khi bé Kristine mới được một tuổi, Kiều muốn tình trạng sống chung được chính thức hóa. Gương mặt Magnus không chút thay đổi, trả lời một cách dửng dưng:

- Mình sống như thế này không là vợ chồng sao ? Tờ giấy hôn thú chỉ là tờ giấy lộn, muốn xé lúc nào lại chẳng được. Anh không bao giờ muốn dự vào cái màn hứa nhau trước mặt Chúa diễn ra một lần nữa. Em biết anh không bao giờ bỏ mẹ con em, tại sao em còn nghĩ đến tờ giấy giá thú ? Bộ em tưởng tờ giấy đó bảo đảm rằng mình sẽ sống đời với nhau sao ?

 

Kiều Lan hiểu tính Magnus, rất dứt khoát, không thể dùng nước mắt để thuyết phục, Kiều Lan câm lặng ngậm nỗi ấm ức không biết kể với ai và cũng không muốn ai nhắc đền chuyện này. Đôi lúc gây nhau tưởng phải bỏ nhau, Kiều Lan lạnh người khi nghĩ đến cảnh có thể Magnus bắt con hoặc chia phần nuôi con và nhất là con trai mình không còn được sống trong nhung lụa. Magnus thương Lars-Erik, đã có lần nói chuyện muốn nhận làm con nuôi. Mặc dù hiểu tình yêu chân thật của Magnus nhưng bản tính "thủ" cố hữu của người đàn bà đã phải dùng mưu lược mới tạo được một gia tài riêng tư như ngày hôm nay, đã làm Kiều Lan nhiều đêm khó ngủ vì tự nhận thấy con đường đi chia phần trưởng giả rất chông gai.

 

Kiều Lan bực tức ném cái bóp lên bàn phấn, bảo với Magnus:

- Năm tới anh đi dự tiệc tất niên này một mình đi.

- Sao vậy ? Toàn là hàng xóm láng giềng không mà. Bộ em không thích ai hả ?

- Hàng xóm gì mà hàng xóm, em có quen ai đâu mà anh hỏi là thích người này, ghét người kia.

- Nhà Lindseth, Solheim, Hagen ... mà em không quen sao ? Ông bà nội cũng đến mà.

- Anh lo nói chuyện với bạn bè từ đời còn nhỏ mũi lòng thòng, có ngó ngàng gì đến em đâu. Mấy người đó quen anh chớ đâu có quen em. Ông bà nội có bạn bè của ông bà.

- Em phải cởi mở thì người ta mới dám chuyện trò với em chớ. Cả khu Bygdoy này, ai cũng biết mình sống chung với nhau, có với nhau hai mặt con, thì quen anh cũng như quen em vậy thôi.

- Anh nói nghe dễ lắm. Nếu không vì mấy đứa nhỏ, em chẳng thèm đi.

Giọng Magnus nửa an ủi, nửa đùa:

- Thôi, lần tới em kèm chặt cánh tay anh nghen, anh đi đâu thì theo đó để anh khỏi ham nói chuyện, bỏ em cưng một mình, em cưng giận lẫy, em cưng không thèm đi theo thì anh buồn lắm.

 

Như bao lần trước, không biết làm thế nào để giải thích cho Magnus hiểu được mình, Kiều Lan lẳng lặng sửa soạn đi ngủ. Vừa đặt lưng là Magnus ngủ mê ngay vì mấy ly cognac kèm với cà phê. Kiều Lan nằm yên lặng, nước mắt chảy dài ... nhớ lại những lần tiệc tùng. Gia đình Magnus đông đảo, chức vị phó giám đốc, tiệc này tiệc kia phải lên sổ. Nhất là cứ mỗi dịp trước Giáng Sinh cả hai tháng là tiệc tùng liên miên, không bỏ sót một cuối tuần nào.

 

Kiều Lan nhận ra vị thế của mình ngay từ lần đầu dự tiệc chung với Magnus, mừng ba mẹ Magnus sống chung với nhau được bốn mươi năm, cũng là lần đầu Magnus giới thiệu Kiều Lan với đại gia đình. Chiếc áo dạ tiệc màu tím than bó sát thân hình thon đều nét, phủ kín đôi giày cao gần cả tấc, mái tóc bới cao, kẹp tay Magnus đi quanh phòng tiệc rộng chào mọi người. Chưa bao giờ Kiều Lan cảm thấy thiếu tự tin giữa đám đông như đêm nay. Từng nhóm đứng chuyện trò như họ đã quen nhau từ kiếp nào, đa số nói giọng miền Bắc, một số nói tiếng Anh. Thân mật bắt tay, vui vẻ hỏi thăm, được năm ba câu là Kiều Lan trở thành dự thính. Có những câu chuyện được nhắc lại mà Kiều Lan không có một chỗ đứng trong đó. Có những nơi chốn được kể tới mà Kiều Lan không biết ở đâu trên bản đồ thế giới. Có những nhân vật được đem ra làm trò cười mà Kiều Lan không hiểu nguồn gốc ... Không dám góp chuyện, không dám hỏi khi không hiểu một câu nói đùa, gật đầu, lắc đầu, nghiêng người dựa vào Magnus nở nụ cười má lún đồng tiền thêm duyên dáng ... và mong buổi tiệc tan nhanh.

 

Kín đáo ngắm nhìn những người đàn bà chung quanh, ngắm nhìn nữ trang, một ngạc nhiên cũng là một bài học trên đường đi vào thế giới trưởng giả Tây phương. Magnus rất ít khi tặng nữ trang, chỉ tặng theo đúng ước muốn của Kiều Lan trong dịp sinh nhật hay Giáng Sinh. Thế mà Kiều Lan nhận ra chỉ mình là có số hột xoàn trên người nhiều nhất, cảm giác ngường ngượng lan dần. Đa số trang điểm rất kín đáo, một dây chuyền bạch kim với viên ngọc safir ẩn sâu, chiếc lắc bạch kim lóng lánh trên cườm tay, chiếc nhẫn bạch kim chạm trổ công phu … Bạch kim, Kiều Lan chưa bao giờ nghĩ đến.

 

Với tiệc tùng trong giới bạn bè Việt Nam, Kiều Lan vẫn thường được những ánh mắt chiêm ngưỡng từ mọi người vì cách lối trang điểm theo thời, vì dáng vẻ cao thon đều nét, vì giọng cười vang xa tự tin, vì lối đùa bỡn duyên dáng. Nơi đây, Kiều Lan thu mình trong vỏ ốc mỹ miều.

 

Nghĩ đến câu Magnus nói đùa khi nãy: "Thôi, lần tới em kèm chặt cánh tay anh nghen, anh đi đâu thì theo đó để anh khỏi ham nói chuyện, bỏ em cưng một mình, em cưng giận lẫy, em cưng không thèm đi theo thì anh buồn lắm", Kiều Lan biết, biết rằng mình sẽ là cành lan rừng bám nhờ nhựa cây, sống nhờ bóng mát của tàn cây, suốt đời.

 

 

Võ Thị Điềm Đạm

(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)

 

 

website counter