Saigon
Nhỏ ngày 23.11.2007
Vinh danh Trần Văn Bá
[Tú
Gàn]
Vào lúc 5 giờ 30 chiều
15.11.2007, lễ trao tặng Huân Chương Tự Do
Truman-Reagan đã long trọng diễn ra tại
Tòa Đại Sứ Hungary ở thủ đô
Washington. Năm nay, ba nhân vật được vinh dự
lãnh nhận huân chương này là
ông Dana Rohrabacher, dân biểu Đảng Cộng
Hòa ở California; Tiến Sĩ Janos Horvath, thành
viên của Quốc Hội Hungary, và ông Trần
Văn Bá, một người đã bị
nhà cầm quyền CSVN hành quyết vì chiến
đấu chống cộng.
Dân biểu Rohrabacher là một
trong những người đã góp nhiều
công sức vào việc hoàn thành Tượng
Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản.
Ông cũng có tiếng nói mạnh mẽ tại
Quốc Hội Hoa Kỳ về những vấn đề
nhân quyền ở Việt Nam và Trung Quốc.
Còn ông Janos Horvath là một
trong những nhà đấu tranh chống cộng sản
vào cuối thập niên 40 và là nhà
lãnh đạo cuộc cách mạng 1956 tại Hungary.
Ông đã bị kết án tử hình,
nhưng đã trốn thoát được khi
đạo quân Liên Sô đang tiến vào Hungary.
Năm 1998 ông trở về Hungary và được
bầu làm dân biểu quốc hội.
Cuộc đời của ông Trần
Văn Bá sẽ được chúng tôi
trình bày sau.
NHỮNG ĐIỂM
ĐÁNG GHI NHỚ
Hội Tượng Đài
Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản (The
Victims of Communism Memorial Foundation - VOCMF) là một tổ
chức bất vụ lợi được thành lập
năm 1994 nhằm mục đích tưởng niệm
hơn 100 triệu nạn nhân cộng sản trên
thế giới. Chủ Tịch của VOCMF là ông
Lee Edwards và Chủ Tịch danh dự là Tổng
Thống George W. Bush. Ngày 27.9.2006, lễ đặt
viên đá đầu tiên xây Đài
Tưởng Niệm này đã được cử
hành tại góc đường Massachusetts, New
Jersey và G Street N.W. ở Washington D.C.
Đài tưởng niệm gồm
tượng “Nữ Thần Dân Chủ” cao 10
feet, được đặt trên một bệ, mặt
trước có khắc dòng chữ “To the more than 100 millions
victims of Communism and to those who love liberty” (Cho hơn 100 triệu nạn
nhân Cộng Sản và cho những người
yêu tự do) và mặt sau có khắc dòng
chữ “To the freedom and independent of all captive nations and
peoples” (Cho tự do và độc lập của
tất cả các quốc gia và dân chúng bị
kềm kẹp).
Tượng “Nữ Thần
Dân Chủ” được đúc bằng
đồng do điêu khắc gia Thomas Marsh thực hiện,
phỏng theo mô hình “Nữ thần Dân Chủ”
của các sinh viên Trung Hoa trong cuộc nổi dậy
ở quảng trường Thiên An Môn vào
mùa Xuân 1989.
Tổng Thống George W. Bush
đã đến khánh thành Đài Tưởng
Niệm này vào sáng ngày 12.6.2007.
Năm 1998, Hội Tượng
Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản
đã đưa ra sáng kiến trao tặng
hàng năm giải thưởng Huân
Chương Tự Do Truman-Reagan (Truman-Reagan Medal of Freedom)
cho một cá nhân (hay tổ chức) tại Hoa Kỳ
hay ở ngoại quốc “đã biểu hiện
sự chống đối cộng sản trong suốt cuộc
đời và yểm trợ cho tự do và
dân chủ.” (who had demonstrated life-long opposition to
communism and support of freedom and democracy.)
Sở dĩ giải thưởng
này được đặt tên theo tên của
hai tổng thống Hoa Kỳ là Harry Truman and Ronald
Reagan vì Chiến Tranh Lạnh đã khởi sự
từ đời Tổng Thống Truman và kết
thúc vào đời Tổng Thống Reagan.
Người đầu tiên được giải
thưởng này là Bác sĩ Elena Bonner.
Bà là một nhà bất đồng chính
kiến của Liên Sô cũ, đã hoạt
động cho nhân quyền một cách tích cực.
Sau thời gian bị lưu đày ở Gorky, Liên
Sô, bà đã tranh đấu không mệt mỏi
cho quyền được tự trị của người
Amenia và tất cả các dân tộc thuộc
các lãnh thổ đã từng bị sát
nhập vào Liên Bang Sô Viết.
Huân Chương Tự Do
Truman-Reagan cũng đã được trao tặng cho
Lech Walesa, Vaclav Havel, Đức Giáo Hoàng John Paul
II, Thượng Nghị Sĩ Joe Lieberman, William Buckley Jr.,
v.v. Năm nay là năm thứ 9 VOCMF trao giải thưởng
này.
CON ĐƯỜNG ĐI
VÀO ĐỜI
Trong ba người được
Huân Chương Tự Do Truman-Reagan năm nay có một
người Việt là ông Trần Văn Bá.
Chúng ta nhớ lại, ngày
7.12.1966, vào lúc 9 giờ sáng, Dân biểu
Trần Văn Văn bị hai thanh niên cỡi xe gắn
máy Honda bắn tử thương ngay trước
nhà ông ở đường Phan Thanh Giản,
Sài Gòn. Ngay lập tức, một cảnh
sát và một nhân viên an ninh đã
phóng xe đuổi theo và bắt được một
hung thủ, còn một hung thủ chạy thoát.
Hung thủ bị bắt khai tên là Võ Văn
En, đội trưởng đặc công của Việt
Cộng từ Củ Chi về. Hung thủ được
đem ra trình diện báo chí. Sau này, Việt
Cộng cũng nhìn nhận họ đã giết
Dân Biểu Trần Văn Văn.
Sau khi Dân Biểu Văn bị
ám sát, năm 1967 người con thứ của
ông là cậu Trần Văn Bá được
chính phủ VNCH cho đi du học tự túc ở
Pháp.
Anh Trần Đình Thục,
một người bạn thân của Trần Văn
Bá, đã ghi lại những gì mà anh
tìm thấy nơi con người hào hùng
và sống vì tổ quốc của Trần
Văn Bá trong bài “Nhìn về Paris, nhớ
Trần Văn Bá”. Anh Thục đã viết
về Trần Văn Bá trong những ngày mới
qua Pháp như sau:
“Tôi tình cờ quen
Bá vào năm 71 tại Paris,
khi mới từ Việt Nam qua. Ngáo như
mán về tỉnh, tôi được bạn
bè của những bạn bè cũ từ Saigon
kéo vào nhóm Sinh Viên Việt Nam tại cư xá Cité
Universitaire (Cư Xá Sinh Viên Quốc Tế) ở
đường Jourdan ...
“Hồi đó, sinh viên
Việt Nam tại Paris có khoảng
chính thức 200 người. Đa số cư ngụ
tại Hôtel Lutèce, được gọi
là nhà Lý Toét, dưới sự bảo
trợ của tòa Đại Sứ VNCH. Số ít
còn lại, thuộc thành phần ra đi "tự
túc" ... kéo về sống tại Cư Xá
Sinh Viên Quốc Tế, trong nhà Lào-Việt ở
đường Jourdan, cách nhà Lý Toét khoảng
10 trạm xe buýt.
“Tôi được biết
sau đó là Bá đã qua Pháp trước
tôi 3 năm, khoảng năm 67, ngay sau khi ông cụ
thân sinh ra Bá, Dân biểu Trần Văn
Văn, bị hạ sát ... Hồi đó anh
chưa học hết Trung học. "Họ"
đã tiễn anh đi Pháp bằng một chiếu
kháng xuất ngoại "Xuất bất hồi",
có thể vì muốn giúp anh tiếp tục học
cho xong Tú Tài, có thể để ngăn chận
anh toan tính làm những chuyện bốc đồng
sau cái chết tức tưởi của ông cụ
thân sinh ...
“Với cái dáng dấp
bên ngoài của Bá, tôi không nhìn
thấy được cái oai phong lẫm liệt cố
hữu của những nhà lãnh đạo,
thân xác anh hom hem gầy yếu. Thấy anh
vào đám đông, anh sẽ mất hút
như bất cứ một khuôn mặt nào. Anh xuềnh
xoàng trong cách ăn mặc, không se sua,
không diêm dúa. Anh chỉ có vài bộ
quần áo: mặc tới rách thì vứt bỏ.
Anh xấu trai. Ngay cả trong lúc ăn, nhìn anh cũng
thấy dáng anh cực ...”
Sau khi đậu Tú Tài, Trần
Văn Bá đã theo học môn Chính Trị
Kinh Doanh (Science Politique) tại trường Đại Học
Nanterre. Anh
Thục kể:
“Hồi mới quen Bá
tôi đang học thêm Kiến trúc tại Cao
đẳng Kỹ thuật Paris,
họa thất giáo sư Zaravoni. Bá đang học
Chính Tri Kinh Doanh tại Đại học Nanterre. Tại thủ đô
Paris, có 2 trường Chính Tri Kinh Doanh nổi tiếng,
trường Assas theo khuynh hướng thiên Hữu,
và trường Nanterre theo khuynh hướng thiên Tả
... Không hiểu vì lý do gì Bá
đã ghi danh học tại Đại học Nanterre,
với những giáo sư có khuynh hướng
thân Cộng rất rõ rệt ... Hình như
anh muốn xâm nhập thẳng vào lòng địch
để hiểu rõ hơn những ưu điểm
và khuyết điểm của họ. Và anh
đã gặp những bước đầu chật
vật khi một giáo sư biết anh là sinh
viên của miền Nam Việt Nam, của chế độ
mà họ thẳng thắn gọi là bù
nhìn Mỹ (Fantoche !). Tuy nhiên, anh đã học
xong và một thời làm phụ tá giảng
viên tại đại học có tiếng là
sát Hữu này.
VỰC TỔNG HỘI SINH
VIÊN LÊN
Anh Thục cũng cho biết
niên khóa 1973 - 1974, Trần Văn Bá có
ý định cùng bạn bè ra ứng cử
Ban Chấp Hành Tổng Hội Sinh Viên. Anh Thục
kể:
“Một buổi kia, sau khi ăn
tại cư xá Inter ra, anh đã gặp tôi ở
quán cà-phê "Châlet du Parc", nơi gặp
gỡ của các sinh viên Mít (Việt Nam), nằm
ven lề công viên Montsouris, công viên
đã một thời nổi danh với thi sĩ
Baudelaire. Anh giới thiệu tôi với Đỗ
Đăng Liêu, một sinh viên Chính Trị
Kinh Doanh khác, cũng một loại "tự
túc", bỏ Bỉ qua Paris. Rồi sau đó
có Trần Ngọc Giáp cũng từ Bỉ qua.
Lương Hữu Tưởng (Y Khoa). Một số anh em
khác được mời tham dự sau đó
...”
Theo anh Thục, trước kia
dưới sự "dìu dắt" của Tòa
Đại Sứ ... Ban Chấp Hành chỉ vỏn vẹn
xoay quanh việc tổ chức một đêm Tết
... Nhưng sau khi Trần Văn Bá xuất hiện, Ban
Chấp Hành Tổng Hội, bỗng thay đổi hẳn
lớp da. Anh Thục kể tiếp:
“TRẦN VĂN BÁ, tự
"Bá đầu đỏ", ra ứng cử Ban
Chấp Hành với cái ngổ ngáo và
khí phách của một người "bên lề",
của một kẻ đang mang dấu mộc "Xuất
bất hồi". Chung quanh Bá, gồm toàn những
bộ mặt "tự túc", một đoàn
quân cái bang của nội trú Yersin: Tùng Mập,
Đĩ Rỗ, Nguyễn Hồng Liệt, Tạ Bửu
Long, Tân Ù, Lộc Mập, Nghĩa Điên,
v.v... Bên trong cái hom hem yếu đuối, Bá
bỗng để lộ một sức lôi cuốn bạn
bè qua sự hòa nhã nhưng thẳng thắn
của anh, qua sự chăm sóc hết tình với
bạn bè, đôi khi hơi vụng nhưng rất
chân thành ... "
NHỮNG NGÀY ĐEN TỐI
ĐẾN
Cuối tháng 4 năm 1975, khi
được biết toàn bộ các tỉnh miền
Trung đã bị bỏ lại cho Cộng Sản
và hàng trăm ngàn chiến sĩ đã
bị rơi vào tay địch một cách tức
tưởi, ngày 27.4.1975, Trần Văn Bá
đã tổ chức “Ngày để tang
cho chiến sĩ” trên đường phố
Paris. Anh Trần Đình Thục cho biết:
“Gần 300 sinh viên thuộc
cư xá Lutèce, nhà Lào Việt thuộc
Cư Xá Quốc Tế Inter, cư xá nữ sinh
viên của Viện Pháp Việt Port Royal, Hội
Ái Hữu Sinh Viên Orsay ..., đã đi tuần
hành trong trầm lặng, đầu chít khăn
tang, qua các đường phố của khu Latin,
và đứng lại trước tòa Đại
Sứ Mỹ tại công trường Concorde, để
phản đối sự bội bạc của Mỹ trong
chiến cuộc Việt Nam. Bên đường, tiếng
sỉ vả cũng nhiều, tiếng khích lệ cũng
dăm ba câu ...”
Nhưng rồi hung tin miền Nam mất
đã đến. Anh Thục kể tiếp:
“Chiều ngày 30 tháng
4, bạn bè kéo cả lên lầu 4 phòng
tôi. Hung tin được thông báo cho nhau.
Chúng tôi quay mặt đi, kẻ sụt sùi,
người bật khóc tức tưởi ...
“Sáng hôm sau, Ban Chấp
Hành lãnh trách nhiệm lo việc Lãnh Sự
trên Tòa Đại Sứ, tiếp tay hủy bỏ
hồ sơ mật, cấp phát chứng thư cần
thiết cho kiều bào, chuyển sách vở phim ảnh
về những điểm mật của Tổng Hội,
trước khi Tòa Đại Sứ và Trụ Sở
Tổng Hội bị trao trả lại chính phủ
Pháp và được bên kia tiếp thu.
“Công việc của Bá
nặng nề hơn ông Đại Sứ, vì sau
khi Đại Sứ tự ý giải nhiệm, cả
một chính sách ngoại giao và lãnh sự
đều trút xuống đôi vai gầy của
người Chủ Tịch. Tòa Đại Sứ giải
tán nhưng Tổng Hội Sinh Viên vẫn còn
tồn tại. Rắn mất đầu, gà trống
nuôi con.
“Trần Văn Bá trong chức
Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Quốc Gia,
và Ban Chấp Hành đã thừa hưởng
cả một gia tài tủi nhục. Một kỷ niệm
xót xa cần được ghi lại: Tòa Đại
Sứ VNCH chính thức đóng cửa chiều thứ
sáu. Ông Đại Sứ đã dễ
thương đợi tới phút chót lúc 5
giờ chiều khi mọi nhà băng đều
đóng cửa đúng vào giờ đó
để trao lại cho Ban Chấp Hành một tấm
ngân phiếu khiêm nhượng, tiền dư bạc
thừa của quỹ đen quỹ đỏ, "...
để giúp anh chị em sinh viên tiếp tục
đấu tranh ...". Sáng thứ hai, thủ quỹ
Ban Chấp Hành ra băng để lãnh số tiền
trên cho Hội, thì trương mục tấm
ngân phiếu đã bị đóng từ tuần
trước ...
Anh Thục viết: “Cái
đau của lớp trẻ không phải là những
phát súng hay những mũi dao của kẻ địch
từ phía bên kia, mà là những cái
tát của lớp đàn anh từ phía
bên này. Người chết vì phát
súng hay nhát dao thì cũng đã chết
rồi nhưng kẻ còn sống sau những cái
tát sẽ lún dần xuống tủi hờn
...”
Anh Thục cho biết thêm: Sau
khi Tòa Đại Sứ VNCH tại Pháp không
còn, trụ sở và Câu Lạc Bộ của
Tổng Hội Sinh Viên mất, Ban Chấp Hành
rút về ngoại ô Paris, trên lầu 6 của
một chung cư ở đường Maréchal Joffre
trên trục Bourg la Reine. Anh ở phía bên kia
đường chung nhà với Trung Đức Âm.
Bá và cả chục anh em sống quây quần
trong 3 căn phòng, chia nhau từng miếng nước,
từng phần cơm ..., nhưng tinh thần vẫn
còn rất cao. Mỗi năm, Tết Quốc Gia
luôn được tổ chức trước Tết
Cộng Sản một tuần tại nhà hát
Maubert. Những ngày kỷ niệm 30 tháng tư,
anh chị em thức sáng đêm để đi
dán bích chương, tổ chức những
đêm không ngủ và hội thảo ...
Không còn Tòa Đại
Sứ VNCH, Tổng Hội Sinh Viên lãnh nhiệm vụ
giúp đỡ những người Việt quốc
gia còn sống ở Pháp hoặc mới qua,
và tiếp tục đương đầu với Việt
Cộng. Trần Văn Bá đã lãnh đạo
Tổng Hội phá vỡ nhiều hoạt động
của Việt Cộng tại Pháp, đặc biệt
là vụ Phạm Văn Đồng đến
Pháp xin viện trợ.
Năm 1976, khi Phạm Văn Đồng
qua Pháp, Cư Xá Sinh Viên Quốc Tế ở
đường Jourdan là địa điểm
được chọn để triển lãm, hội
thảo tuyên truyền cho chiến thắng 30 tháng
4 và cho chuyến công du của Phạm Văn Đồng.
Thấy thế, anh em sinh viên Quốc Gia đã mở
chiến dịch phá vỡ dự tính của họ.
Phía nhóm sinh viên Việt
Nam theo cộng chỉ khoảng 50 đứa, nhưng
chúng kéo theo được bọn Tây cộng
và sinh viên ngoại quốc thiên cộng,
nên có khoảng 200 đứa, đứng dàn
trước bực thềm cửa chính đi vào
chánh diện cư xá.
Số anh chị em thuộc Tổng
Hội Sinh Viên và bạn bè thân hữu của
hội Nanterre
có khoảng hơn 100 người, đã bất
thần từ ngoài đường tiến vào.
Trần Văn Bá, dáng vóc nhỏ bé,
ôm một đống truyền đơn đi tiên
phong ... Những người phía bên kia chận lại,
nhưng Bá vẫn thản nhiên rút truyền
đơn ra phân phát cho những khuôn mặt
ngoại cuộc ... Một “cuộc chiến”
đã xẩy ra, hai bên đấm đá nhau
túi bụi. Kết quả, Tổng Giám Đốc
của Cư Xá Sinh Viên Quốc Tế đã
hủy bỏ mọi chương trình triển
lãm, hội thảo về Việt Nam trong dịp viếng
thăm của Phạm Văn Đồng “vì
lý do an ninh” ...
THAM GIA KHÁNG CHIẾN
Năm 1981, Trần Văn Bá
đã bí mật từ bỏ Tổng Hội Sinh
Viên đi tham gia “Mặt Trận Thống Nhất
các Lực Lượng Yêu Nước Giải
Phóng Việt Nam”
(gọi tắt là Mặt Trận Lê Quốc
Túy) do ông Lê Quốc Túy thành lập ở
Pháp. Anh quyết định cùng với các
chiến sĩ trong Mặt Trận trở về Việt Nam lập
chiến khu chống lại nhà cầm quyền CSVN. Mặt
Trận này do ông Lê Quốc Túy
làm Chủ Tịch, ông Mai Văn Hạnh
làm Chủ Tịch Quốc Ngoại, ông Huỳnh
Vĩnh Sanh và Bản Đạo Hồ Tấn
Khoa của Cao Đài Giáo đồng Chủ Tịch
Quốc Nội, ông Lê Quốc Quân (em của
ông Lê Quốc Túy) phụ trách lực
lượng vũ trang trong nước, còn Trần
Văn Bá được cử làm Tham Mưu.
Trong khi Mặt Trận Hoàng
Cơ Minh chủ trương xâm nhập vào
các tỉnh Cao Nguyên miền Trung để lập
chiến khu, Mặt Trận Lê Quốc
Túy chủ trương móc nối với các
thành phần chống đối trong nước thuộc
Cao Đài Giáo và Phật Giáo Hòa Hảo
để tổ chức kháng chiến tại miền
Nam.
Mặt Trận đã đi vận
động khắp nơi trên thế giới, nhất
là tại Hoa Kỳ và Pháp, để kết
nạp đoàn viên và tìm phương tiện
tài chánh hoạt động. Sau một thời
gian vận động, Mặt Trận đã
thành lập một trung tâm huấn huyện tại
Thái Lan và huấn luyện được 10
toán biệt kích. Mặt Trận quyết định
sẽ xâm nhập vào Miền Nam bằng hai ngả: một
ngả theo đường bộ từ Thái Lan qua
Cam-bốt rồi tiến xuống Châu Đốc
và An Giang, và một ngả theo đường biển
từ Thái Lan đi vào Cà Mau và Rạch
Giá.
MẠNG LƯỚI ĐỊCH
TUNG RA
Tuy nhiên, cũng như Mặt Trận
Hoàng Cơ Minh, vì thiếu kinh nghiệm và cảnh
giác, Mặt Trận Lê Quốc Túy đã
bị sa vào mạng lưới tình báo của
địch. Người được Việt Cộng
trao nhiệm vụ đứng ra tổ chức mạng
lưới tình báo để sập bẫy Mặt
Trận Lê Quốc Túy là Nguyễn Tấn Dũng.
Nguyễn Tấn Dũng sinh
ngày 17.11.1949 tại Quản Long, Cà Mau. Từ 1961
đến 1975 Dũng tham gia bộ đội địa
phương tại Kiên Giang. Năm 1981 Dũng
được thăng Thiếu Tá làm Trưởng
ban cán bộ của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh
Kiên Giang. Tháng 10 năm 1981, Dũng được
đi học Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc
rồi về làm Ủy Viên Thường Vụ Tỉnh
Ủy Kiên Giang, rồi Bí Thư Huyện Ủy
Hà Tiên.
Theo lời tường thuật của
một số thành viên của Mặt Trận
Lê Quốc Túy, khi hay tin Mặt Trận đang
thành lập và huấn luyện tại Thái
Lan các toán xâm nhập vào Việt Nam, Nguyễn
Tấn Dũng đã được B4 giao cho huấn luyện và gài người
vào Mặt Trận để theo dõi và
báo cáo mọi hoạt động của Mặt
Trận cho B4 biết.
Khi biết Mặt Trận
đã cử Bản Đạo Hồ Tấn Khoa
của Cao Đài Giáo tại Tây Ninh làm
Chủ Tịch Quốc Nội, Công An cho thành lập
một tổ chức kháng chiến giả tại
Tây Ninh và trao vũ khí cho họ đem cất
dấu trong nội thành Tòa Thánh Tây Ninh.
Ngày mồng 3 Tết Quý Hợi (1983) Công An mở
cuộc hành quân trong nội thành Tòa
Thánh, tịch thu số vũ khí mà họ
đã cho cất dấu, và bắt các
ông Hồ Tấn Khoa, Võ Văn Nhơn và
Nguyễn Ngọc Hòa. Sau đó, nhà cầm
quyền đã cho lập Tòa Án Nhân
Dân tại sân vận động Long Hoa để
xét xử. Các tín đồ Cao Đài
đã kéo nhau đến vây sân vận
động ngồi khóc. Nhà cầm quyền sợ
rối loạn nên chỉ ban hành quyết định
quản thúc Bản Đạo Hồ Tấn Khoa tại
gia, nhưng buộc Hội Đồng Chưởng Quản
giáng Ngài xuống hàng Đạo Hữu. Mặt
Trận liền chỉ định Hiền Tài Hồ
Thái Bạch, con của Bản Đạo Hồ Tấn
Khoa, làm Chủ Tịch Quốc Nội thay thế.
BỊ SA VÀO LƯỚI
ÐỊCH
Tháng 9 năm 1984, Mặt Trận
cho một toán đi từ tỉnh Trat của
Thái Lan qua Cam-bốt vào Việt Nam để bắt
tay với các thành phần chống đối của
Phật Giáo Hòa Hảo tại vùng An Giang,
nhưng khi toán này mới tới Châu Đốc
thì bị bắt. Toán thứ hai đi bằng
đường thủy vào Cà Mau, trong đó
có Mai Văn Hạnh và Trần Văn Bá.
Vì biết trước các
nhân vật quan trọng của Mặt Trận sẽ
đi bằng đường biển vào Cà Mau, Bộ
Nội Vụ đã cử Trung Tá Công An Nguyễn
Tấn Dũng về làm Phó Giám Đốc Sở
Công An tỉnh Minh Hải (tức Cà Mau cũ)
để lập kế hoạch bắt toán này.
Mật báo viên đã
theo sát và báo cáo cho Nguyễn Tấn Dũng
biết chính xác ngày giờ và đường
chuyển quân của Mặt Trận ngay từ khi vừa
rời Thái Lan. Nguyễn Tấn Dũng đã phối
hợp với Thiếu Tá Bùi Quốc Huy ở
Tòa Hành Chánh tỉnh Minh Hải, đem
quân vây khu vực trong rừng U Minh, nơi
được báo tin là Mặt Trận sẽ cho
đổ quân, vũ khí và tiền giả xuống.
Khi thuyền của toán kháng chiến vừa tới
vị trí đã định, Công An ập ra
tóm gọn, không phải nổ một phát
súng nào và không ai có thể chạy
thoát được.
Ông Lê Quốc Túy dự
định đi trong toán thứ 10, nhưng vào
phút chót bị lâm bệnh nặng, phải
vào nhà thương ở Pháp để mổ
nên thoát nạn.
Sau này, người ta khám
phá ra đa số các vũ
khí và tiền giả của Mặt Trận đều
do chính bọn cán bộ Việt Cộng cung cấp
hay bán lại.
Tất cả các chiến sĩ
bị bắt đều đã bị Công An tra tấn
rất dã man. Tại đây, anh em được
biết bốn “chiến hữu” của họ
là Trần Văn Nam Sơn, một Đại
Úy, và ba sĩ quan khác của VNCH, đã
được Nguyễn Tấn Dũng gài vào
để làm mật báo viên ngay trong trại
huấn luyện của Mặt Trận ở Thái Lan.
Nhờ công trạng này, Nguyễn Tấn Dũng
đã được thăng quan tiến chức rất
nhanh, lên tới Thiếu Tướng Công An.
MỘT BẢN ÁN CAY NGHIỆT
Ngày 14.12.1984, 21 thành
viên của Mặt Trận đã bị đưa
ra xét xử tại Nhà Hát Thành Phố
(Quốc Hội cũ) ở công trường Lam
Sơn. Còn vũ khí và tiền giả do Trung
Quốc làm được đem triển lãm ngay
trước Nhà Hát. Phiên xử kéo
dài 4 ngày. Kết quả, ngày 18.12.1984
Tòa đọc một bản án viết sẵn
dài hai tiếng đồng, trong đó kể lại
tất cả các sự kiện được
dùng để buộc tội các bị cáo,
gióng như trong bản cáo trạng, rồi
tuyên án như sau:
- Mai Văn Hạnh, Trần
Văn Bá, Lê Quốc Quân, Huỳnh Vĩnh Sanh
và Hồ Thái Bạch: tử hình.
- Trần Nguyên Hùng, Tô
Văn Hườn và Hoàng Đình My: khổ
sai chung thân.
Số 13 kháng chiến quân
còn lại bị phạt tù từ 8 đến 12
năm.
Ông Huỳnh Vĩnh Sanh hô to
“Việt Nam Cộng Hòa muôn năm” liền
bị Công An bịt mồm và còng tay lại.
Hiền Tài Hồ Thái Bạch lên tiếng phản
đối bản án đã bị Công An
dùng dùi cui đánh và kéo đi
không cho nói.
Cộng đồng người Việt
hải ngoại khắp nơi trên thế giới
bàng hoàng khi nghe bản án này,
đã đứng lên vận động các
chính phủ Tây Phương yêu cầu
nhà cầm quyền CSVN phải hủy bỏ bản
án đó. Chính phủ Pháp đã
chính thức yêu cầu nhà cầm quyền
Hà Nội hủy bỏ án tử hình đối
với những người có quốc tịch
Pháp.
Ngày 3.1.1985, Hà Nội quyết
định cải án tử hình của hai
công dân Pháp là Mai Văn Hạnh và Huỳnh
Vĩnh Sanh thành án khổ sai chung thân. Thế
giới hy vọng những người còn lại rồi
cũng sẽ được cải án. Nhưng hôm
8.1.1985, nhà cầm quyền Hà Nội cho biết
Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân và Hồ
Thái Bạch đã bị hành quyết !
MỘT SỰ LỰA CHỌN
CHÍNH XÁC
Trong 32 năm qua, có một số
người Việt ở trong cũng như ngoài
nước tự xưng hay được tôn vinh
là “anh hùng chống cộng”,
nhưng nhìn lại, đó hoặc chỉ là
“anh hùng cá nhân” cố gắng
“biểu dương khí thế” để
có chút hư danh; hoặc chỉ là những “cò
mồi chống cộng” được địch
dựng lên và tôn vinh để để
gài bắt những thành phần chống cộng
thật sự; hoặc chỉ là những kẻ
“rao giảng tin đồn chống cộng”
để kiếm đô la, v.v. Hiện tượng
này đã đưa tới tình trạng hỗn
độn, làm cho công cuộc chống cộng của
người Việt ngày càng bế tắc.
Thế nhưng, giữa cảnh
vàng thau lẫn lộn đó, VOCMF đã nhận
ra được đâu là người chống cộng
thật sự, đã sống cả cuộc đời
mình để chống cộng và đem lại tự
do dân chủ cho đất nước, đó
là ông Trần Văn Bá và chọn
ông để trao tặng Huân Chương Tự
Do Truman-Reagan, đúng theo tiêu chuẩn
mà Hội đã đưa ra. Đây là một
sự lựa chọn rất chính xác. Chúng
tôi xin tuyên dương VOCMF và xin vinh danh ANH
HÙNG TRẦN VĂN BÁ.
Hiện
nay, tại Liege, Bỉ, đã
có một mộ bia tưởng niệm dành cho Trần
Văn Bá, và ở thành phố Falls Church, tiểu
bang Virginia, Hoa Kỳ, cũng
có một con đường mang tên Trần
Văn Bá. Nay ông lại được lãnh
Huân Chương Tự Do Truman-Reagan. Tên Trần
Văn Bá không những chỉ được ghi vĩnh
viễn vào lịch sử các anh hùng chống
cộng của dân tộc mà còn được
ghi vào lịch sử các anh hùng chống cộng
của nhân loại.
Tú Gàn