Chân Tâm
(Quân Nguyễn)
Tác giả Quân Nguyễn,
là cư dân Anaheim, California. Cùng vợ con đến Mỹ
năm 1987, ông trở lại trường học, tốt
nghiệp cao học về Sociology tại CSUF, đệ tam
đẳng huyền đai Tae Kwon Do, từng
làm counselor tại nhà tù tiểu bang ở
Chino, và hiện là state parole officer ở Santa Ana. Năm Thứ
8 Viết Về Nước Mỹ, các bài viết
của Quân Nguyễn đã thu hút trên
150,000 lượt người đọc trên Vietbao
Online và nhận giải vinh danh tác phẩm trong
năm. Bài sau đây trích từ báo xuân Việt
Báo Tết Mậu Tý, 2008.
Kính viếng hương hồn
chú tôi, Thượng Tọa TCT.
*
Ngày ấy, tôi còn rất trẻ, chỉ
mới 18, và là một trong những SVSQ của Học
Viện CSQG Thủ Đức. Được gởi ra thụ
huấn ba tháng huấn nhục quân sự tại
Trung Tâm Huấn Luyện CSQG Rạch Dừa gần Vũng
Tàu. Đêm 30 Tết đầu tiên xa nhà
trong đời, tôi từ chối theo đám bạn
ra câu lạc bộ uống bia đón giao thừa,
để nằm lại thui thủi một mình ở
tầng dưới của cái giường sắt hai
tầng trong "barrack" vắng tanh, mà nhớ
nhà, nhớ bố mẹ các em, và nhớ
người yêu xưa vừa đi lấy chồng,
nào hay giòng nước mắt nóng đang
lăn dài trên má, nhỏ giọt trên
cái nón sắt gối đầu, từ hồi nào ...
"Quân à ! dậy
dậy, đi ra đây với chú một
chút", có ai đó vừa bước
vào cái "barrack" tối thui và gọi
tên tôi.
"Ủa ! sao
chú biết cháu ở đây ?" tôi lồm
cồm ngồi bật dậy trong bóng tối hỏi
lại.
"Hưng, em nó có ra thăm
chú, nó nói cháu học ở đây. Chú hỏi vòng
vòng mấy anh SVSQ, người ta chỉ cháu trong
đây", người đàn ông ôn tồn
trả lời.
Số là, mẹ tôi có một người
em họ, con của bà dì ruột, mà tôi
thường gọi là chú Thắng (lẽ ra phải
kêu bằng cậu mới đúng, nhưng chẳng
biết sao bố mẹ tôi kêu ổng bằng
chú từ hồi xưa tới giờ). Ông ta
làm cảnh sát đâu đó ở
Sài Gòn đã lâu, nghe nói kỳ
này đang ở Rạch Dừa dự khóa tu nghiệp
cho hạ sĩ quan gì đó không rõ.
Trước khi đi lính, mẹ tôi có dẫn
tôi lên chào ông bà dì chú của
mẹ tôi, nên tôi cũng nghe phong phanh ông
đang ở Rạch Dừa, nhưng chẳng biết ở
đơn vị nào, cho đến khi ông đến
tìm tôi tối nay.
Tôi xỏ vội đôi giày "bốt
đờ sô", rồi bước ra khỏi
phòng đi theo ông trong bóng
đêm, mà chẳng biết đi đâu. Đêm giao thừa xa nhà, tôi và
ông chắc đều cảm thấy ấm áp
hơn khi ít ra cũng có một người
thân dù là chú hay cháu bên cạnh
để chuyện trò tâm sự. Hai chú
cháu đi loanh quanh không mục đích
trên những con đường ngoằn ngoèo tối
om của trung tâm huấn luyện rộng
mênh mông, không để đèn đêm
vì sợ VC pháo kích.
"Quân à ! nè
ăn đi, Hưng em nó mới ra thăm chú hồi
chiều", ông móc trong túi áo lính
ra một gói giấy dầu trong có một nắm
xôi gấc đỏ và một cái
đùi gà chiên, đưa cho tôi. Trong
lúc tôi ăn, ông cứ tiếp tục dẫn
đi loanh quanh cho đến khi tôi ăn
xong, thì cũng vừa đến "barrack" của
ông. Ở đây toàn các hạ sĩ quan
cỡ tuổi cha chú tôi, "bị" gửi
đi tu nghiêp kỳ này phải xa vợ con
vài ba tháng, nhằm đêm giao thừa, ai nấy
mặt mày đều bí xị !
Dù vậy, chú tôi lại rất hãnh diện
giới thiệu thằng cháu SVSQ của mình với
các bạn ở chung "barrack", nhưng chẳng
mấy ai "hồ hởi" thêm chút nào !
Ngày ấy, ở đại đội SVSQ,
tôi chơi thân với năm sáu thằng bạn,
ăn ngủ nằm ngồi đi
gác, hay đi đâu cũng có nhau. Mỗi tuần
có gia đình ra thăm, tiếp tế chút
lương thực, như ruốc, mắm, củ cải
muối, thịt kho, muối mè v. v., thì lại bỏ
ra ăn chung với nhau no đủ cũng được
vài ngày. Hết rồi thì lại tiếp tục
ăn cơm hẩm cá ươn với rau muống luộc
tận rễ, ở nhà bàn !
Còn lương lính thì phải chờ cho xong
ba tháng huấn nhục, khi về lại Học Viện
Thủ Đức mới được truy lãnh,
nên chẳng thằng nào có tiền ăn
cơm câu lạc bộ hàng ngày như một
số con nhà giàu "chạy chọt" vô
được trường sĩ quan cảnh sát thời
đó !
Còn bên mấy ông hạ sĩ
quan già đi tu nghiệp thì lại khác, mấy
ổng chỉ cần xếp hàng ra nhà bàn lấy
cơm bỏ vô lon "gi-gô" đem về
"barrack" là xong.
Đồ vợ con tiếp tế thì mạnh ai nấy
ăn một mình, dè xẻn
đến hết thì thôi, còn lương lậu
hàng tháng thì lãnh đều đặn
mà gửi về nhà nuôi vợ con. Bởi vậy,
khi muốn chia cho thằng cháu chút đồ tiếp
tế của mình, chú tôi luôn đến
"barrack" kiếm tôi rủ đi loanh quanh một
mình mà cho ăn ...
Được vài tuần, thì bạn
bè ép xúi mượn ông chú hai
ngàn, chừng nào lãnh lương sẽ trả.
Rồi thì chỉ vài ngày bia,
thuốc lá với nhau cũng hết nhẵn. Đùng một cái, ông chú đến
chào từ biệt vì khóa tu nghiệp
đã xong. Tôi phải vội viết thư
về nhà cho bố mẹ nhờ mang trả lại
ông chú hai ngàn, nhưng ông ta nhất định
không lấy, nói rằng ổng cho cháu chứ
chẳng vay mượn gì hết !
Ít lâu sau, đơn vị
tôi cũng xong khóa huấn nhục quân sự ở
Rạch Dừa, và được gởi trả về
học viện để thụ huấn văn hóa
và nghiệp vụ.
Đời sống SVSQ ở đây thì tốt
hơn nhiều, quần áo tươm tất sạch
sẽ, ăn uống tiêu chuẩn đầy đủ,
phòng ốc rộng rãi khang trang, vì ông viện
trưởng ba mươi sáu tuổi, du học ở
ngoại quốc về, là người công minh
ngay thẳng và cởi mở, lại là đại
tá cảnh sát chuyên nghiệp từ ngạch
quận trưởng, trưởng ty lên nên
không có tính khí võ biền như mấy
ông từ quân đội phái sang. Vì vậy, nên ông rất được
sự kính trọng của các đàn em trong
ngành, và cả từ bộ nội vụ.
Tôi còn nhớ, vào dịp tết Ất
Mão năm ấy (1975), bộ nội vụ trình
sang phủ thủ tướng một danh sách gồm
năm đại tá và một chuẩn tướng
cảnh sát, để xin thăng chức. Khi nhìn
qua cái danh sách "hơi dài" đó,
thủ tướng hỏi ông bộ trưởng,
"Công, nó bao nhiêu tuổi mà cho lên tướng ?" "Thưa thủ tướng,
y ba mươi sáu!", ông bộ
trưởng trả lời. Thủ tướng ngẫm
nghĩ một phút rồi "phán", "Ba
mươi sáu ! thôi
để tên anh ta lên danh sách chuẩn tướng
vào ngày quân lực tới (19 tháng
sáu) này đi !" Ông ta đã chẳng
biết được rằng sẽ không bao giờ
còn có cái ngày quân lực đó
nữa ! Thế rồi, chỉ có
vài tháng sau, ba ông chuẩn tướng
và một ông thiếu tướng tư lệnh
CSQG chạy bán mạng, riêng chuẩn tướng
Sáu bị bắt đưa ra bắc, từ
đó chẳng biết số phận ra sao ? Xin Trời
phù hộ cho ông ta ...
Trở lại chuyện tôi ở học viện,
ngày ấy chỉ trừ đại đội trưởng
khóa sinh là một ông thiếu úy, tụi
tôi hoàn toàn được huấn luyện bởi
các sĩ quan đàn anh của khối học vụ,
mang lon từ đại úy đến thiếu
tá. Họ hầu hết lại có bằng cử
nhân trước khi vào cảnh sát. Ngày
đó, đa số còn rất trẻ, phần nhiều
chừng 30 trở lại, tính khí nói chung
phong độ nhưng đơn giản hòa nhã,
đầy lý tưởng quốc gia, tinh thần chống
cộng, và nhiệt huyết dành cho quê
hương dân tộc ...
Thế rồi, trong khoảnh khắc, tất cả
đều sụp đổ ngay trước mắt
! Nước mất nhà tan, tưởng như chỉ
là một giấc mơ thôi !
Quê hương vàng son bỗng thành cái giẻ
rách, và hàng chục ngàn sĩ quan con
yêu của dân tộc bỗng rơi vào
vòng lao lý, đọa đầy như những
con vật bệnh hoạn trong các trại tù cải
tạo ! Còn cả dân tộc
thì chết chóc đói khổ lầm than ...
Hận lòng này, cho đến lúc nhắm mắt
cũng không nguôi ...
Chú tôi có bốn người con, hai trai
hai gái, Hưng là thằng lớn nhất chỉ
thua tôi một tuổi. Chiều ngày 29 tháng
tư 75, ông cùng vợ con chạy ra bến Bạch
Đằng, và tất cả đã an
toàn lên được một chiếc tàu
buôn còn đang đậu ở bến. Trên tàu đông nghẹt người
di tản nằm ngồi khắp nơi, nhưng chưa biết
chừng nào họ mới nhổ neo. Chú
tôi bỗng sờ túi thấy còn mấy
ngàn tiền mặt, liền nhớ ra lúc
cùng vợ con lo chạy vội ra tàu chẳng ai kịp
mang theo gì để ăn hết,
ông bèn dẫn thằng con lớn đi ngược
lên bờ định kiếm mua ít bánh
mì cho vợ con. Lúc đó, khoảng bảy
tám giờ tối gì đó, và bến Bạch
Đằng thì nhộn nhịp nhốn nháo
chưa từng thấy ! Kẻ thì
lo chạy đôn đáo kiếm tàu bè,
hay lo thuê ghe để cặp ra tàu lớn mà
di tản, người thì xông xáo vào
các kho hàng lớn dọc theo bến
cảng lo khuân vác chôm chỉa đủ loại
hàng hóa trong kho. Bất thình lình, trong
hàng trăm quả trọng pháo của VC nhắm
về TSN, bỗng có một quả bay lạc hướng
và rớt ngay tại bờ sông Bạch Đằng,
đối diện với khách sạn Majestic
! Bà con tất cả nằm rạp, rồi vụt
dậy chạy tản mác khắp nơi, sợ quả
thứ hai đang tới. Khi đám đông
đã chạy dạt ra tứ phía, chú
tôi bỗng thấy thằng con trai lớn của
mình đang nằm sóng soài trên mặt lộ
mình đầy máu me -- một chân của
nó đã đứt lìa ngay sát dưới
đầu gối ! Cởi ngay chiếc
áo đang mặc trên người, chú tôi
cố bó chặt cái chân cụt đang phun
máu thành vòi của thằng con, rồi
vác nó chạy như bay vào nhà
thương Sài Gòn cách đó độ
nửa cây số. Ở đây, chỉ còn
vài y tá lương tâm chưa đành bỏ
nhiệm sở, họ giúp ông nằm lên
trên giường cao, để truyền máu xuống
cho thằng con đang nằm bất tỉnh trên
cái cáng kê ngay dưới đất ... Cũng
nhờ Trời Phật, nhờ ông, nhờ những
người y tá lương tâm, mà nó sống
sót được đêm ấy !
Cũng đêm ấy, vợ và ba con ông
rời bến không chồng, cha, và anh
! Cũng đêm ấy tôi bị
kẹt lại trong sứ quán Mỹ, sau khi một quả
trọng pháo của VC giết chết hai người
lính Mỹ cuối cùng ở VN. Họ
là hai người lính "Marine" trẻ
chưa từng chiến đấu ở VN bao giờ, chỉ
từ hạm đội Mỹ ngoài khơi bay
vào giúp di tản người tỵ nạn ở
TSN, mà bị thiệt mạng. Đó cũng
là lý do khiến đám lính
"Marine" ở sứ quán Mỹ cấp kỳ
tháo chạy vì tin rằng họ đang nằm
trong tầm pháo của VC, mà đành bỏ lại
hơn bốn trăm người đang ngồi chờ
được di tản trong sân tòa đại sứ
! Đêm ấy, khi ngồi chờ di tản, tôi
có nghe hàng trăm tiếng trọng pháo xa gần
liên hồi, nhưng lại tin rằng pháo của
bên mình đang bắn đi, nào ngờ hai
trong những quả trọng pháo ấy đã
làm thay đổi hẳn cả cuộc đời của
chú cháu tôi ! Âu cũng là nghiệp
chướng của chúng tôi ...
Sau hơn một tháng ở nán
trong bệnh viện Sài Gòn cho thằng con
được chữa trị sơ sài, chú
tôi cuối cùng cũng phải mang nó về
nhà. Nhà
ông ở đường Hoàng Đạo nối
dài. Đó là hai căn nhà riêng
biệt nhưng thông nhau ở phần bếp cuối
nhà, chú tôi mới cho xây cất độ
vài năm nay. Căn hai tầng thì để ở,
còn căn tầng chệt kế bên để mở
tiệm tạp hóa cho vợ con coi sóc. Nay,
cái đám chính quyền địa
phương đang dòm ngó căn nhà chệt
bề ngang năm sáu thước có cửa sắt
kéo, để làm trụ sở phường hay
công an, vì nó ở ngay mặt đường.
Chú tôi lại là cảnh sát "ngụy",
mà vợ con lại "di tản" chạy theo
"đế quốc" thì lấy nó là
phải rồi !
Còn tôi, từ nhỏ sống
trong con hẻm thân thuộc bên đường
Lê Văn Duyệt từ năm 62. Năm 63, mới lên 7, lần đầu
tiên trong đời thấy đạn phòng
không của hải quân bắn lên nổ lụp
chụp trên trời xung quanh máy bay của Phạm
Phú Quốc. Ít lâu sau, lại chạy theo lối
xóm vô khám Chí Hòa coi xử bắn
Ngô Đình Cẩn ... Giờ mới biết rằng,
cái ông TT bị giết ngày ấy là
người lãnh đạo đáng kính duy nhất
trong lịch sử VN hiện đại, còn lại
thì chỉ toàn đám xôi thịt,
giá áo túi cơm, tay sai đế quốc, rồi
cuối cùng đế quốc cũng quay mặt
bán đứng ! Kết cuộc,
thì chỉ có dân tộc đồng bào
mình khốn khổ mà thôi ... Biết vậy,
ngày ấy chẳng tuân lệnh bọn xôi thịt
mà buông súng ! Súng
mình có hết đạn, thì cướp AK của
nó mà đánh tiếp, cần thì
tháo đầu đạn trọng pháo ra lấy
thuốc nổ hay C4, rồi cắt kẽm gai làm
đinh thay miễng mà làm bom nổ cho chúng
banh "ta lông". Ngày xưa ông cha mình
đánh Tây bằng dao mác tầm vông
có sao đâu, ăn hay thua là ở cái
đầu và lòng căm thù mà thôi,
cũng một nòi Việt với nhau, thì thằng
nào sợ thằng nào mà phải chịu
hàng cho nó giam cầm sát hại ! Giờ
thì trễ rồi ! chỉ
còn biết cầu xin Trời Phật vặn cổ
chúng mà thôi. Chúng và vợ con cũng
thừa biết là tay chúng đang nhúng đầy
máu dân tộc nên bắt đầu lo sợ
Trời Phật rồi, chỉ còn là vấn
đề thời gian mà thôi ...
Cuối tháng sáu năm ấy, khi tất cả
các sĩ quan từ thiếu úy trở lên,
đã bị lừa khăn gói quả mướp
lên đường đi "học tập mười
ngày" rồi, thì bỗng một tối,
vào khoảng nửa đêm, có hai tên
"cách mạng ba mươi" đeo băng đỏ
xộc vào nhà tôi, đứa nắm cổ
áo, đứa dí lưỡi lê CKC nhọn hoắt
vào sườn, lôi tôi đi xồng xộc ra
trụ sở an ninh phường để làm việc.
Tôi nhìn kỹ xem hai tên này là ai,
thì trời đất ! tụi
nó là hai thằng lính "ngụy" như
tôi, nhà ở cuối xóm, một thằng
là lính HQ là anh vợ thằng lính KQ kia,
tụi nó sống một nhà với mẹ
và vợ, và đâu có xa lạ gì với
tôi ...
Ở trụ sở an ninh phường,
có hai ông tuổi ngoài bốn mươi, một
ngồi một đứng. Ông đang ngồi ôn tồn
bảo tôi, "Anh là thiếu úy cảnh
sát ngụy, nay đã hết hạn trình diện
học tập, sao anh không ra trình diện mà vẫn
còn ở nhà ?" Tôi ngạc nhiên trả lời,
"Thưa chú, tôi chỉ là SVSQ chưa ra
trường, và đã đi trình diện học
tập sáu ngày như hạ sĩ quan. Đây là giấy chứng nhận cải
tạo của tôi." Tôi mau mắn
móc bóp lấy ra tờ chứng nhận cải tạo
ép "plastic" để lên bàn. Người đàn ông không buồn
nhìn tờ giấy lộn, vẻ không tin.
Đến đây, người đàn ông
đang đứng, nghe nói là phó an ninh phường, xen vào, "Thưa
anh, nhà tôi ở trước nhà cháu
này, tôi biết nó còn đang đi học,
chưa có ra trường." Thế là, tôi
được cho về, trong ánh mắt đầy
căm phẫn của hai tên "ba mươi" vừa
lôi tôi ra đây tính lập công
mà không thành !
Về đến nhà, tôi thấy
mẹ tôi đang ngồi khóc trong bóng đêm. Bà tưởng
chúng đã bắt tôi đi luôn rồi.
Bố tôi và thằng em kế chạy
thoát hôm 30 tháng tư, nhà chỉ còn
tôi và thằng em út lên 10.
Đã mất chồng, mất con, nay lại sợ mất
thêm thằng con nữa vì "cách mạng"
thì cũng dễ hiểu thôi. Sau khi kể lại
sự việc ở trụ sở an ninh phường cho mẹ
tôi nghe, thì tôi mới hiểu ra đầu
đuôi câu chuyện như sau ...
Số là, ngày còn ở học viện,
tôi được cấp thêm hai bộ đồ
rằn ri cảnh sát dã chiến
mới. Hai bộ này hơi lớn với tôi,
nên tôi gửi về nhà để nhờ anh
hàng xóm thợ may sửa lại cho vừa vặn.
Cũng dịp này, tôi gửi về nhà bộ
đồ đại lễ diêm dúa sẽ mặc
cho ngày ra trường, và một cặp lon thiếu
úy với hoa mai vàng sáng chói trên nền
cầu vai xanh lá cây đậm, mua ở câu lạc
bộ học viện. Khi hai bộ đồ dã chiến
đã sửa xong, ông em 15 tuổi của tôi
bèn xỏ cặp lon mới tinh vào cầu vai một
bộ và đi "ngao du" hàng xóm dựt
le cho vui, và ai ai cũng biết là đồ của
anh nó. Nào ngờ, sau khi nó di tản rồi
thì thằng anh kẹt lại phải khốn khổ
với cái đám "ba mươi" trong
xóm, sẵn sàng ra làm nhân chứng vụ
"lon lá" này, để lập công với
cách mạng ! Cũng may, nhờ Trời Phật
thương, có ông hàng xóm tốt bụng
nói vô (cũng loại "ba mươi", thời
ấy ai làm "ba mươi" cũng được,
nếu không "ngụy quân ngụy quyền"
thì được "dùng" lâu hơn, cỡ
sáu tháng gì đó, cho đến khi
đám quân quản đã có đủ
người thay thế dần dần vô), chứ
không thì cái thằng mặt mày thấy
ghét, lại căm hờn VC tới chết như
tôi chắc rồi cũng có ngày... đi HO chứ
chẳng chơi, nếu còn sống sót !
Sau vụ này, mẹ tôi quyết định
bán ngay căn nhà ọp ẹp đầy kỷ niệm
bên Lê văn Duyệt được 250 đồng
(vừa đổi tiền xong), để mua lại
căn bán tạp hóa của chú tôi (cũng
là để giúp chú tôi khỏi bị tụi
địa phương cướp căn nhà
đó như chúng đã toan tính). Cũng
may, mẹ tôi có người chị ruột ở
Hà Nội vào thăm, lại gặp ngay thằng
hàng xóm công an ngoài bắc vừa vô
nam làm công an quận, nên bả nhờ nó
ký tên cho phép mua căn nhà đó,
làm bọn phường phải tịt ngòi
!
Về căn nhà đó, tôi cưới
cô vợ xinh đẹp, và có được
đứa con gái đầu lòng. Năm 79, mẹ
tôi và thằng em út vượt biên sang Mỹ
đoàn tụ với bố tôi và thằng em
mang lon "thiếu úy dỏm" ngày xưa.
Năm 82, chú tôi và thằng con lớn
đi chính thức đoàn tụ với vợ
con. Căn nhà của chú tôi, bị quận tịch
thu để cấp cho một tên cán bộ
già tập kết về ở. Rồi năm 87, đến
phiên vợ chồng tôi đi đoàn tụ với
bố mẹ các em ...
Chú tôi, ngày xưa thờ Phật A Di Đà (Phật Tổ Như Lai,
Giáo Chủ Tây Phương Cực Lạc hay Niết
Bàn) ở phòng khách, và rất siêng
đốt nhang mỗi tối. Qua đến Mỹ,
ông đi làm "assembler" một thời gian rồi
nghỉ, và có vẻ rất buồn bực với
cuộc sống mới, không rõ tại sao ... Rồi,
vợ chồng ông qui y và ăn chay mỗi
tháng vài ba ngày...
Đột nhiên, năm 90, ông quyết
định rời nhà, xa vợ con, cạo đầu
vào chùa đi tu đâu đó trên Los Angeles.
Lúc ấy tôi cảm thấy xót xa cho
thím tôi, vì bị chồng bỏ chơ lơ
để đi tu, nên tôi cho rằng chú
tôi hơi điên và tệ bạc, nhưng chẳng
có dịp nào gặp gỡ vì ông
đã đi tu ở xa, và tôi thì còn
đang bận kiếm ăn đầu tắt mặt tối
để nuôi vợ con !
Tết năm 2000, vợ con ông bất
thình lình lên chùa thăm ông. Từ đó, có kẻ
đàm tiếu rằng sư gì mà vợ con
đùm đề, không biết đám
này tu thiệt hay giả đây! (ngày
xưa Phật Thích Ca cũng bỏ vợ con để
đi tu và đắc đạo, có khác
là ông dứt bỏ luôn vợ con từ
lúc ra đi). Ít lâu sau, chú
tôi bị đau gan nặng phải vào nằm
nhà thương hết mấy tháng. Khi hồi phục, ông trở nên yếu
đi rất nhiều. Chùa bèn nhân cơ
hội này, viện cớ rằng không có ai
chăm sóc ông lúc đêm hôm hay khi trở
trời trái gió, nên họ từ chối cho
ông trở lại ! Không nản
lòng tu tập, ông về thuê một căn
"apartment" một phòng trong khu dành cho người
già, gần tượng đài chiến sĩ Việt
Mỹ ở Westminster,
và tiếp tục sống kiếp nâu sòng cho
đến ngày cuối đời ...
Hôm 18 tháng 10 rồi, Hưng, con của
chú tôi kêu điện thoại báo tin
ông đã qua đời ngày hôm trước
trong giấc ngủ ! Nó nói
trên phone, "Ba em từ ngày đi tu đổi
tên là Thích Chân Tâm ..."
Ngày xưa, sau "giải phóng" người
ta bán ve chai tất cả sách vở trong nhà
để mua khoai sắn, bo bo mà
ăn. Ngày ấy, tôi mới 21, tình cờ mua
lại được của bà bán ve chai một
cuốn sách nhỏ bằng bàn tay tựa là
"Pháp Tứ Niệm Xứ", mà gần
đây tôi vừa mạn phép phổ biến
trên mục "Thời Sự" của Việt
Báo, để bà con cùng đọc. Trong cuốn
sách này có đề cập đến
câu chuyện của ông Bahiya mà tôi rất
ưa thích:
"Một hôm, trên đường
đi trì bình, Đức Phật dừng bước
lại để giải thích một bí quyết
cho một người nọ. Hằng ngày, Đức Phật
luôn luôn áp dụng một thời khắc biểu
nhất định và không khi nào thay đổi,
như chẳng hạn trong lúc đi trì bình
thì không bao giờ dừng bước lại
để làm một việc nào khác. Thế mà trong trường hợp đặc
biệt này, Ngài đã dừng chân lại
để đàm luận cùng Bahiya, nhà
lãnh đạo một giáo phái nọ. Ông Bahiya này đã sống một cuộc
đời cực kỳ lương thiện, và
ông đã tự cho rằng mình đã
đạt đến tầng A-la-hán (Bồ Tát,
nhưng vẫn còn mang xác phàm của kiếp
người cuối cùng cho đến ngày nhập
diệt). Nhưng một hôm có một vị
Bồ Tát hiện đến bảo ông rằng,
"Ngươi chưa phải là A-la-hán
đâu, cũng chưa đến được
A-la-hán đạo nữa ! Ngươi đâu có biết được
"kỹ thuật" để trở thành bậc
A-la-hán. Ngươi hãy đến hỏi với
Đức Phật đi ! Ngài
là bậc A-la-hán và Ngài đang dậy
phương pháp đưa chúng sinh đến tầng
A-la-hán. Ngài ở cách
đây rất xa, tận thành Xá Vệ."
Những lời khuyên của vị Bồ
Tát làm cho Bahiya rất hoang mang. Ông tức
khắc lên đường thẳng đến
thành Xá Vệ. Trong Kinh chép rằng ông
khao khát học tập "kỹ thuật" để
trở thành bậc A-la-hán đến nỗi
ông chỉ ngừng lại có một đêm
trong suốt cuộc hành trình dài của
ông. Khi đến vườn Kỳ
Viên tại thành Xá vệ, ông được
biết rằng Đức Phật đã đi
trì bình. Rất bối rối, ông
bèn noi theo hướng Đức Phật
đã đi. Gặp được Ngài, ông
liền quì xuống, đặt trán lên
chân Ngài và khẩn cầu Ngài chỉ dạy
cho "kỹ thuật" để trở thành
A-la-hán. Để thử lòng nhẫn
nại của ông, hai lần ông thỉnh nguyện,
cả hai lần Đức Phật đều không chấp
thuận lời yêu cầu của ông, nói rằng,
"Nầy Bahiya, anh đến không đúng
lúc. Chúng tôi đã
lên đường đi trì bình."
Khi ông thỉnh cầu đến lần thứ ba,
có lẽ vì biết nghiệp của ông phải
chết nội ngày ấy, nên Đức Phật
mới dừng chân lại mà giải thích một
cách tóm tắt như sau đây, "Nầy
Bahiya, anh phải tự luyện tập như thế
này:
"Khi trông thấy
vật gì, anh chỉ nên thấy
vật ấy mà thôi.
Khi nghe được tiếng
gì, anh chỉ nên nghe tiếng
ấy mà thôi.
Khi có một ý
tưởng nào, anh chỉ nên
nhận thức ý tưởng ấy mà
thôi.
Khi có sự thấu
đáo nào, anh chỉ nên nhận
thức sự thấu đáo ấy mà
thôi. "
Bấy nhiêu lời đó đủ làm
cho Bahiya giác ngộ !
Khi Đức Phật cùng các
đệ tử trì bình xong trở về,
Ngài thấy Bahiya nằm chết bên vệ
đường, vì bị một con bò con
húc. Đức
Phật bảo đệ tử của Ngài đem thi
hài ông đi hỏa táng. Sau đó
Đức Phật mới nói rằng, "Bahiya
đã vâng theo lời ta dạy.
Anh đã chứng ngộ đạo quả A-la-hán !"
Tôi cũng biết "đời là bể
khổ, bến ... mê ly", và "tu là
cõi phúc, tình là ... dây dưa",
nhưng dứt áo bỏ vợ con vô chùa
đi tu như chú tôi thì chắc chắn
không làm nổi rồi ! Vợ
có nói chừng nào về hưu, có
lương hưu hàng tháng cho bả xài
thì ... đi tu cũng được, nhưng nhớ
mang theo T-Mobile để bả kêu mỗi ngày coi
còn đang tu hay ... đi VN rồi !
Bởi vậy, mai mốt về hưu, tôi
đành tu tại gia mà thôị Chú
tôi đi tu vì muốn thành A-la-hán để
thoát khỏi cái vòng luân hồi lẩn
quẩn không dứt với sinh bệnh lão tử
vô nghĩa, còn tôi nhờ học ké
được "kỹ thuật" để trở
thành A-la-hán mà Đức Phật dạy cho
ông Bahiya, nên chẳng cần đi đâu xa hết.
Cũng chẳng cần bỏ ra mười bảy năm
kinh kệ hằng ngày như chú tôi chi cho mệt,
chỉ cần quyết tâm làm theo lời Đức
Phật dạy rồi chờ cho tới ngày... bò
húc là đẹp ! Có
điều ở Mỹ chuyện này hơi hiếm,
chắc về già tôi phải bay qua Tây Ban Nha cầm
miếng vải đỏ quơ quơ trước bụng,
hay qua Ấn Độ kéo đuôi mấy con
bò như đang tính mượn cái
đuôi về nấu phở ... cho nó giận
lên mà húc một cái thiệt đẹp
cho rồi đời cái kiếp người xấu
xí vất vả vô nghĩa lý này
!
Thật ra, thỉnh thoảng tôi cũng vâng
theo lời Đức Phật dạy mà thực
hành thử cái "kỹ thuật" mà
Ngài đã dạy cho ông Bahiya xem sao, bằng
cách xin nhận Bồ Tát Bahiya làm thầy
đỡ đầu để độ cho mình học
hỏi tu luyện. Thí dụ, mỗi lần bà
xã tôi bắt đầu lên tiếng rầy
rà là tôi nhắm mắt lại kêu
lên, "Bahiya ! Bahiya
!" Vợ tôi lập tức êm ru, phần vì kiêng nể Bồ
Tát Bahiya, nhưng cái chính là nàng biết
tôi bắt đầu thực hành cái Niệm
thứ hai mà Bahiya đã làm, "Khi nghe
được tiếng gì, anh chỉ nên nghe tiếng
ấy mà thôi." Vậy thì, nàng
có nói gì thêm cũng vô ích,
vì thằng chả chỉ nghe được cái
"âm thanh" mình rầy rà mà
thôi, còn chẳng biết, chẳng hiểu
thêm gì khác nữa mà bị suy suyển,
giống như đàn gảy tai trâu vậy ! Mà trâu thì làm
gì biết nghe đàn rồi sinh ra hỷ nộ
ai ái ố mà mang nghiệp !
Hoặc giả như đang ngồi uống cà
phê với đám bạn ở "Bolsa", chợt
thấy có ông già 65 đi ngang, tay ôm eo
cô vợ 18, xinh như mộng mới đem ở VN
qua. Trong lúc mấy ông bạn tôi, người
thì nhìn cô gái đẹp chết
trân, kẻ thì tặc lưỡi ganh tị
phê bình, còn tôi thì chỉ thì thầm,
"Bahiya ! Bahiya !"
để thực hành cái Niệm thứ nhất,
"Khi trông thấy vật gì, anh chỉ nên
thấy vậy ấy mà thôi." Bởi vậy,
khác với đám bạn, tôi chỉ
nhìn thấy một người đàn bà
đi qua mà thôi, chẳng hề "thấy"
thêm rằng cô ta già hay trẻ, đẹp hay
xấu, hay tại sao phải lấy cha già mắc dịch
đó, hoặc "thấy" xa thêm rằng, phải
chi mình được như ông già
đó thì tuyệt ! Lúc ấy,
Bahiya đang nhắc tôi rằng cặp vợ chồng
đó cũng chỉ là những "chúng
sinh" không hơn không kém, dù hiện tại
đang có tiền của hay sắc đẹp ...
nhưng rồi cũng đến một ngày trở
nên già nua xấu xí, bệnh hoạn tử
vong, về thành cát bụi như ai. Vậy
thì, có gì đáng mà nhìn kỹ
làm chi cho sinh nghiệp !
Tóm lại, nếu chỉ vì nghe được
danh lợi, trông thấy sắc đẹp, khoái
ăn thịt chó uống "cồ đôn
lô", hay mê say nghe ca tụng ... mà sinh ra
lòng tham lam, sân hận, si mê, rồi kéo
thêm vô cái hỷ nộ ai ái ố cho
nó hợp tình hợp cảnh, thì vô
tình tạo ra đủ loại nghiệp chướng
ở đời này mà làm mầm mống cho
đời tới, thì phải bị tái sinh trong
cái vòng luân hồi lẩn quẩn không
bao giờ dứt là phải rồi !
Từ ngày chú tôi về tu ở
"apartment", tôi có dịp đến thăm
ông thường hơn.
Dĩ nhiên là theo thời gian
ông đã già yếu đi rất nhiều,
nhưng mọi cử chỉ lời nói đều
như "siêu thế, xuất thế". Ông nói ít và chẳng hề
"lên lớp" với ai. Tôi bỗng
không còn hờn giận ông nữa nhưng
ngược lại còn mong sao được giống
như ông. Ít ra trong đời ông, ông cũng
có một mục đích để sống
mà theo đuổi, và tôi tin rằng ông
đã hoàn tất được mục
đích đó rồi !
Mười bảy năm bỏ vợ con để
đi tu ở Mỹ, chuyện đó khó có
người làm được !
Đời sống ở Mỹ lại quá cám dỗ,
bon chen, bận rộn, xô bồ, ồn ào, phức
tạp, thật giả lẫn lộn, với trăm thứ
phải lo, phải tính, phải nhớ, và phải
làm cho xong thì mới sống nổi, cho nên muốn
tu tại gia cũng đã là chuyện khó, huống
gì bỏ nhà đi tu thiệt. Tôi phục
chú tôi là người phải có
lòng tin thật mãnh liệt nơi Phật
Pháp và một quyết tâm vô bờ bến
nên mới làm nổi chuyện này
!
Cũng có thể vì hai quả trọng
pháo định mệnh ngày ấy, mà
chú cháu tôi "có dịp" sống qua
và thấy được cái cảnh cực kỳ
đau khổ nghèo khó bất công, mà bản
thân và đồng loại phải quằn quoại
gánh chịu ở quê nhà cộng sản. Rồi
đùng một cái, được đến sống
ở một xứ sở giàu có số một thế
giới. Sự thay đổi đột ngột
đó đưa đến cái cảm giác từ
"không" đến "có" vô thường
(trong khi đó, vẫn biết rằng hàng chục
triệu đồng loại không may ở quê
nhà đang vẫn mãi là từ
"không" cho tới chết ! Sự nhận thức
đó đã làm mủi lòng không
ít cho thân phận con người nói chung). Và, khi bạn đã có tất
cả rồi bị mất hết, hay chẳng có
gì hết rồi một ngày có tất cả,
cái vô thường không bền chắc này
sẽ tất yếu đưa đến một sự nản
lòng to tát vô cùng, và lòng ao ước
"xuất thế" có thể xảy ra, như
trong trường hợp của chú tôi chẳng hạn ? (và có thể
đang của tôi nữa không chừng !)
Nhưng thôi, nay cũng đã xong một kiếp
người đạo hạnh !
Còn nhớ, mỗi lần có việc phải
ra tòa án hay sở cảnh sát Westminster, cạnh
dãy "apartment" của ông trên đường
13, tôi luôn vội ghé thăm ông trong chốc
lát. Hay đến chúc tết
ông hằng năm mỗi độ xuân về.
Ngờ đâu, cái tết vừa rồi cũng
là cái tết cuối cùng tôi đến
thăm ông ! Biết vậy, tôi
đã ngồi chơi lâu hơn chút nữa, mặc
dầu ông chỉ ngồi đó cười xuề
xòa mà chẳng nói gì nhiều ... Tết
năm nay, căn "apartment" đó hẳn
đã có chủ mới, tôi biết tìm
ông nơi đâu ? Thôi
thì, tết năm nay tôi sẽ đến thăm
ông tại chùa vậy, để được sờ
cái bình di cốt của ông một lần, biết
đâu nay đã là "xá lợi" của
một vị Bồ Tát mới, thì vạn hạnh
cho tôi biết mấy ! Và cành lộc
mới năm nay, tôi cũng xin thay ông cúng
dường lên Đức Phật để tạ
ơn lòng từ bi của Ngài với chúng
sinh nói chung, và với chú cháu tôi
nói riêng. Biết đâu, đây cũng
là dịp cho tâm tôi nguyện phát
tánh tu tập mà theo bước chú tôi ...
Đêm qua tôi mơ thấy ông đang
quì xuống, đặt trán lên chân Đức
Phật, như Bahiya đã từng làm hơn hai
ngàn năm trăm năm trước tại thành
Xá Vệ. Nguyện xin với Đức Phật độ
cho ông được chứng ngộ đạo quả
A-la-hán ở kiếp người cuối cùng vừa
rồi ...
QUÂN NGUYỄN
(Bai Chuyen)