ÔNG GIÀ NOEL
6:00PM. Ngày 23 tháng 12, 1961. Tôi viết những hàng chữ
này trên chuyến bay từ New York
đến Los Angeles
(LA). Ngày mai tôi lại bay một chuyến nữa
mới thật sự về nhà ở Honolulu, Hawaii
và tôi phải sẵn sàng một câu chuyện
Giáng sinh để kể cho bầy trẻ nhỏ
quanh xóm. Chúng hỏi tôi rằng ông già Noel có thật
không ?
Nói không thì chúng vỡ mộng,
nói có thì tôi biết là không
đúng. Làm thế nào để
làm vừa lòng chúng đây
?
8:10PM. Viên phi công vừa loan
báo tin tức thời tiết tại Los Angeles rất xấu. Bão rốt, sương mù
dày đặc nên không máy bay nào
đáp được. Chuyến bay của tôi phải
bay vòng đến Ontario ở
Cali, một
phi trường rất gần LA dùng để
đáp khẩn cấp.
3:12AM. Ngày 24 tháng 12, 1961. Máy bay vừa hạ cánh xuống
Ontario, trễ
cả 6 tiếng đồng hồ. Bụng đói meo sau một chuyến bay dài, ai nấy
đều mệt mỏi, kiệt sức. Tối
nay áp lễ Giáng sinh mà chưa về đến
nhà nên mọi người đều sốt ruột,
bồn chồn, cáu kỉnh. Kiểu
này thì tối nay dám ngủ lại ngay tại
phi trường này chứ đừng nói
khách sạn. Thế là mất
một đêm Noel bên gia đình. Bơ vơ ở một thành phố lạ rồi
mới thấy không khí ấm cúng của gia
đình thật quý, nhất là vào những
đêm đặc biệt trong năm như thế
này. Tôi thở dài chẳng buồn
nghĩ đến câu chuyện ông già Noel
mà bọn nhỏ đang chờ tôi ở nhà.
7:15AM. Tôi đang viết tiếp những
giòng nhật ký khi đang ngồi chờ dài
cả cổ tại phi trường LA. Bốn tiếng
đồng hồ trôi qua buồn chán, hết
đứng lại ngồi. Hành khách đổ
về một lúc một đông vì phi trường
LA đóng cửa hoàn toàn. Tôi
tính nhẩm ra cũng non nghìn người.
Phòng đợi phi cảng chật như nêm.
Người người đứng xếp hàng
trước dãy điện thoại, vẻ mặt
băn khoăn, lo lắng. Ai cũng cố
liên lạc với người thân để
báo trễ chuyến bay không thể về nhà
kịp. Những quầy hàng cũng không buồn
mở cửa, có lẽ chủ nhân cũng lấy
một ngày nghỉ để lo chuẩn bị bữa
ăn nửa đêm với gia
đình. Chẳng thấy cà phê
nóng, cũng chẳng có gì nhét vào bụng.
Nhân viên phi trường hầu như cũng
quá mệt mỏi vì không ngờ số
hành khách tăng lên mau chóng như thế.
Hành lý tuôn xuống vô trật tự, chuyến
bay này lẫn với chuyến bay kia. Tiếng
máy phóng thanh loan báo số hành lý thất
lạc vang lên nghe càng thêm nhức đầu.
Tin tức về những chuyến xe bus đi LA cũng chẳng
đầy đủ. Trẻ con khóc nheo nhéo
đòi sữa; mấy người đàn bà
cau có hỏi chuyện, giọng the thé;
đám đàn ông càu nhàu, lầm bầm
như những kẻ mất trí. Khá
đông người thất lạc hành lý, chạy
đôn chạy đáo, mặt mày hớt ha hới
hải. Tôi ngẩn người tự hỏi
ngày áp lễ Giáng sinh lại có thể
hỗn độn đến thế sao ?
Trong một khung cảnh nhốn nháo như thế,
thình lình tôi nghe một giọng nói sang sảng
vang lên nghe như tiếng chuông ngân. Giọng nói trong veo, chắc nịch nhưng
đượm đầy tình thương.
“Thôi, đừng lo lắng nhiều quá
không tốt !”. Giọng nói
thật ân cần nghe thấy ấm
cả lòng. “Tôi sẽ kiếm
hành lý cho bà rồi tìm chuyến xe bus
đưa bà về La Jolla.
Yên tâm đi, thế nào bà cũng
về đến nhà tối nay.” Từ tối hôm qua đến giờ tôi
mới nghe được một câu nói tự
tin, đầy cả quyết; chẳng bù với những
chuyện xui xẻo xảy ra liên tục trong suốt
chuyến bay. Câu nói của
người đàn ông nghe hết sức thuyết
phục và làm cho người đối diện
tin chắc sự việc sẽ xảy ra đúng
như thế.
Tôi xoay người và kịp nhận
ra một người đàn ông tầm thước,
trông khá bệ vệ. Chiếc mũ trên đầu ông kéo sụp
xuống gần đến mang tai
nhưng vẫn lộ ra chùm tóc mai trắng xoắn
tít, chẳng biết có phải tóc thật của
ông hay không nữa. Khuôn mặt
ông vui tươi, hiền hòa. Môi
luôn nở nụ cười, ông cúi xuống
hỏi han từng ngườị Lồng
ngực nở to, bụng khá phệ, ông mặc
chiếc áo len màu đỏ tươi. Nhìn
chiếc xe ông đẩy theo bên
người tôi biết ngay đây phải là
loại xe tự chế. Khung xe làm
bằng gỗ tạp, khá cao đủ để chứa
ba bốn thùng các-tông, bên trong đựng
mấy bình giữ nước nóng khá lớn,
kèm theo một vài thùng chứa đồ
ăn vặt, ly giấy. Trông chiếc xe
khá vững chãi trên bốn chiếc bánh
xe đạp, loại của con nít.
“Đây, bà cầm lấy
đi.” Vẫn một
giọng vui tươi, ông nói với người
đàn bà ngồi ủ rũ
đầu hàng ghế. “Bà cứ
yên tâm ngồi uống càphê nóng cho ấm
bụng, để tôi đi kiếm hành lý
cho.” Đẩy chiếc xe cải
tiến đến một chỗ khác, rót cà
phê trao cho một anh thanh niên. “Chúc
mừng Giáng sinh, anh nhé.” Ông
lại hứa tìm hành lý cho một bà
khá lớn tuổi, ngồi mệt mỏi một
mình. Rồi ông chạy đến
chỗ trả hành lý, lục lọi trong mớ hỗn
độn, cuối cùng ông reo lên. “Hành lý của bà đây.
Nào, đi theo tôi. Tôi
dẫn bà ra đến trạm xe bus về La Jolla.”
Khoảng mươi lăm phút sau, tôi lại
thấy ông xuất hiện ở phòng đợi.
Cũng từng ấy cử chỉ ân cần, từng
câu nói hỏi han. Ông xoay
sang trấn an một bà mẹ trẻ, lại
tươi cười đùa giỡn với một
em nhỏ, bẹo nhẹ má một đứa bé
khác. Có lúc ông sảng
khoái đứng hát một bản thánh ca. Thật
tự nhiên. Và không biết tự
lúc nào, tôi đã lẽo đẽo
đi theo ông để rót
cà phê trao cho những người khách lạ.
Khi có người đàn
bà xỉu, ông bình tĩnh mời mọi
người đứng ra xa cho thoáng. Ông mò trong
thùng các-tông và lôi ra một chiếc
mền xám trông khá dày đắp cho
bà. Lúc người đàn bà mở
mắt tỉnh, ông nhờ ngay 3 người
đàn ông khiêng bà ta nằm trên
băng ghế có nệm và nhờ thêm một
người nữa đến loa phóng thanh hỏi
tìm bác sĩ.
Ông ta làm đủ mọi việc. Cảnh tượng nhốn
nháo trước khi ông đến bây giờ gần
như tạm lắng mọi ưu tư xuống. Mọi
việc hầu như tuần tự xảy ra có lớp
lang, nên không ai còn bồn chồn
cau có nữa. Thế ông này là ai ? Tôi thắc mắc tự
hỏi. “Ông làm việc cho công ty
nào vậy ?” cuối cùng
tôi không nhịn được nên cất tiếng
hỏi.
“Tên nó là Sonny”,
ông ta nói với tôi. “ông thấy
con bé mặc chiếc áo len màu xanh
đàng kia chứ ? Nó bị lạc.
Ông đưa cho nó cây kẹo, bảo
nó đứng yên đó đừng chạy
đi đâu. Tôi đi kiếm mẹ nó.
Nó mà chạy vòng vòng rồi không biết
khi nào mẹ con mới tìm được
nhau.”
Tôi làm ngay theo lời
ông bảo. Trở lại, tôi chộp lấy
cánh tay ông, giọng sốt ruột.
“Ông làm việc cho công ty nào vậy ?”
“Chẳng có công ty nào
cả. Tôi
làm là vì tôi thích, thế thôi.
Năm nào tôi cũng lấy 2 tuần
nghỉ phép, lảng vảng ở phi cảng để
giúp hành khách. Ông xem,
mùa lễ nên ai cũng hối hả trở về
nhà. Vì thế biết bao chuyện
xảy cần người giúp đỡ. Hey, lại có chuyện cần rồi,
ông đứng đây nhé.”
Ông chợt nhìn thấy một bà mẹ
trông khá trẻ đang bồng đứa con nhỏ
trên tay, nước mắt tràn
mi. Nháy mắt với tôi, ông vồn vã chạy
đến phía người đàn bà. “Nào! Cô cần tôi giúp
gì không ?” Bà
mẹ nói với ông rằng bà ta đang
trên đường đi gặp chồng, điểm
hẹn là một khách sạn ở San Diego. Bà mếu
máo nói trễ chuyến bay thế này nên
không biết làm thế nào đến nơi
cho đúng hẹn, đứa con lại khóc tỉ
tê vì đói sữa.
Ông vói tay lấy chiếc
bình tích, đổ sữa ra ly rồi trao cho
bà mẹ. “Đây, cô cho con uống
sữa đi, tôi sẽ kiếm xe bus đưa cô
đi San Diego.
Mọi chuyện lại đâu vào
đấy, cô cứ tin tôi.”
Ông dẫn hai mẹ con ra đến trạm xe bus đi LA, chuyến xe mà tôi cũng
sắp sửa đáp. Ông cẩn thận
ghi tên người chồng và tên khách sạn,
hứa sẽ gọi cho anh báo hai mẹ con sẽ
đến trễ.
“Xin Chúa chúc phúc cho
ông.” Bà mẹ cảm động nói với
ông. “Chúc ông một mùa
Giáng sinh an lành. Mong
ông sẽ nhận được nhiều
quà.” Ông vội xua tay.
“Xì, quà cáp gì, giúp được
cô thế này thì xem như được
quà rồi…ho..ho…ho.”
Ông xuống xe, tôi cũng vội
bước xuống để nói với ông
vài lời trước khi từ biệt. Ông xoay người hỏi tôi.
“Thế ông cũng đáp chuyếm xe bus
này à ?” Tôi
trả lời vâng. “Thế này nhé !
Từ nãy giờ ông giúp tôi
được nhiều việc lắm. Đây là món quà Noel tôi muốn
trao cho ông. Ông cố ngồi
bên cạnh bà mẹ lúc nãy, nhớ
săn sóc cho hai mẹ con. Khi đến
LA…” ông rút trong túi ra mẩu giấy,
“ …gọi phôn cho người
chồng đang ngụ tại khách sạn này,
báo cho anh ta biết là hai mẹ con đến trễ.”
Vừa dứt lời, ông xoay người bước
đi không cần biết tôi có nhận lời
hay không ? Ông biết
rõ tôi sẽ nhận lời cũng như tôi
biết tôi phải bắt chước ông thực
hiện công việc này. Vẫy tay từ biệt, tôi đến ngồi
bên cạnh người đàn bà, và
đỡ dùm đứa bé trên tay. Nhìn mông ra cửa sổ, tôi thấy
bóng ông thấp thoáng rồi mất hút
vào đám đông.
Xe chuyển bánh. Một niềm vui len nhẹ
vào hồn tôi. Miên man nghĩ đến
chuyến bay về nhà, nghĩ đến khung cảnh
gia đình ấm cúng bên lò sưởi
có ngọn lửa reo vui, tôi mỉm cười một
mình. Và tôi chợt nghĩ đến câu
chuyện mà tôi phải nói với bầy trẻ
trong xóm khi chúng hỏi, “Ông già Noel
có thật không ?”
Thưa, tôi vừa mới từ biệt
ông ta.
William J. Lederer
-Is There A Santa Claus ?-
HẢI NGỮ phóng
tác
(Bai Chuyen)