SU'U TÂ`M 7

Home | VA(N | VA(N [tt] | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N 11 | VA(N 12 | VA(N 13 | VA(N 14 | VA(N 15 | VA(N 16 | VA(N 17 | VA(N 18 | VA(N VUI | VA(N VUI [tt] | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.P GHI 17 | TA.P GHI 18 | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | SU'U TÂ`M TIN | CU'̉'I CHÚT CHO'I | CHUYÊ.N LA. KHÓ TIN

BÀI VIÊ'T 5

Lòng Yêu Nước

 

Lòng Yêu Nước

(T.Vấn)

 

1.

Ngày 2 tháng 12 năm 2007, sau một lọat những hành động nhằm từ từ lấn chiếm hai quần đảo Trường Sa và Hòang Sa của Việt Nam, nhà cầm quyền Trung quốc đã tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam, trong đó bao gồm hai quần đảo này. Phía chính phủ Việt Nam Cộng sản, vẫn lập trường "trước sau như một" là lên án "bằng mồm" hành động vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, không phù hợp với nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, không có lợi cho tiến trình đàm phán tìm kiếm biện pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề trên biển giữa hai bên.". Mặt khác, các tờ báo lớn ở Việt Nam (cả báo mạng) chỉ được phép đưa tin này một cách rất khiêm tốn, thậm chí chỉ phớt vài hàng lấy lệ. Một vị Tổng biên tập tờ báo mạng uy tín ở trong nước (Vietnamnet) bị cách chức chỉ vì đã cho đăng tải một bài báo đưa tin về hành động ngang ngược này của Trung quốc và kèm theo đó có những lời lẽ kêu gọi lòng yêu nước của độc giả Việt Nam. Nhưng may mắn thay, thời đại mạng lưới toàn cầu với các phương tiện kỹ thuật hiện đại đã đóng một vai trò quan trọng trong việc loan truyền tin tức đi khắp các cộng đồng người Việt trên toàn thế giới và khơi dậy lòng yêu nước của mọi người dân ở trong nước cũng như ngoài nước. Những khẩu hiệu như "Tổ quốc lâm nguy", "Tòan dân nghe chăng, sơn hà nguy biến" hay "Tổ quốc hay là chết" tưởng chỉ còn nằm yên trên những trang sử bụi bậm nay đã hồi sinh và được người Việt khắp nơi nhắc lại với nhau bằng một hào khí ngút trời.

 

Ở trong nước, sau khi tin tức về hành động lấn chiếm của Trung quốc được lan truyền, ngày 9 tháng 12 năm 2007, thanh niên sinh viên ở hai thành phố lớn Sài Gòn và Hà Nội, phối hợp cùng với các văn nghệ sĩ đã nhanh chóng tổ chức các cuộc biểu tình trước tòa đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội và Tòa lãnh sự Trung quốc ở Sài Gòn để phản đối việc làm bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp tình hữu nghị giữa hai nước Việt-Trung của nhà cầm quyền Trung Quốc. Đây là cuộc biểu tình "tự phát" đầu tiên của giới trẻ Sài Gòn từ sau khi miền Nam bị thống trị bởi nhà nước Cộng sản Việt nam. Ở Hà Nội, thì khoảng cách là hơn 50 năm từ khi Việt Minh cướp chính quyền năm 1945 và dùng mọi biện pháp cai trị độc tài để kềm kẹp người dân. Nhưng dù những cuộc biểu tình ấy là để biểu lộ lòng yêu nước, phản đối ngoại bang xâm lấn đất đai Việt nam, và hoàn toàn ôn hòa, không có bạo động nhưng nhà nước Cộng sản Việt nam vẫn tìm đủ mọi cách để ngăn chận không cho những người trẻ được tụ tập, lấy cớ là những hành động ấy chưa được sự cho phép của các cơ quan chức năng Việt nam, là vi phạm pháp luật và xa hơn nữa, họ còn gán cho những hành vi biểu lộ lòng yêu nước rất tự nhiên ấy của những người tham gia biểu tình là “do sự xúi giục của các thế lực thù địch, phản động, khủng bố lợi dụng mạng Internet để kích động thanh niên, sinh viên, học sinh xuống đường tuần hành, biểu tình phản đối Trung quốc “(Báo Tuổi Trẻ - Việt nam - ngày 15 tháng 12 năm 2007). Bất chấp sự buộc tội và ngăn trở của nhà cầm quyền, ngày 16-12-2007, giới trẻ ở hai thành phố Sài Gòn và Hà Nội lại một lần nữa tụ tập để biểu dương lòng yêu nước và khẳng định ý thức vai trò tiên phong của mình trong các vấn đề đất nước. Tại Sài Gòn, với lực lượng cảnh sát công an đủ lọai bao gồm công an chìm đông đảo hơn cả những người đi biểu tình, nhà cầm quyền đã làm chủ tình thế, xé lẻ đoàn biểu tình thành những nhóm nhỏ để cô lập họ, cộng thêm các biện pháp chặn đường, đóng chốt các nơi công cộng nên so với một tuần lễ trước, giới trẻ Sài Gòn đã bị động, chỉ tụ họp được khỏang hơn 100 người trong một thời gian ngắn trước khi bị giải tán. Ở Hà Nội, khí thế người biểu tình dâng cao nhờ yếu tố bất ngờ, nên có lúc đã tụ tập được hàng ngàn người cộng thêm sự yểm trợ của dân đi đường. Nhưng cuộc tụ tập ở Hà Nội cũng chỉ kéo dài được vài tiếng đồng hồ. Sau đó, họ bị cảnh sát giải tán và một số người đã bị bắt. Trong khi đó, hơn 600 tờ báo ở trong nước, bao gồm các tờ báo mạng nổi tiếng đã hoàn toàn im lặng, không một dòng chữ đưa tin về những gì đã diễn ra trên đường phố Sài Gòn, Hà Nội trong suốt gần 2 tuần lễ lịch sử với những biến động làm hâm nóng không khí những ngày cuối năm lành lạnh, nhất là ở Hà Nội đang bước vào đông.

 

Ở Hải ngọai, không khí cũng sôi động không kém trong nước. Người Việt ở Hoa kỳ đã nhanh chóng hưởng ứng làn sóng phẫn nộ từ trong nước bằng các cuộc biểu tình trước Tòa đại sứ Trung quốc và Cộng sản Việt Nam ở Hoa thịnh Đốn, trước tòa lãnh sự Trung quốc ở San Francisco (Bắc Cali), khu phố Litle Saigon ở Nam Cali. Những người biểu tình đã kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung quốc và lên án sự yếu hèn của giới lãnh đạo nhà nước cộng sản Việt Nam. Một bản tuyên bố có chữ ký của gần 100 đảng phái người Việt quốc gia, tổ chức, hội đòan, cộng đồng người Việt hải ngọai khắp thế giới đã được phổ biến với nội dung lên án hành động xâm lăng của nhà cầm quyền Trung quốc, kêu gọi các quốc gia yêu chuộng hòa bình, công lý làm áp lực để Trung quốc phải trả lại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cho Việt Nam. Bản Tuyên bố cũng kêu gọi người Việt nam khắp nơi hãy biểu lộ lòng yêu nước bằng các hành động cụ thể như biểu tình tại trước các sứ quán, lãnh sự quán của Trung quốc ở bất cứ nơi đâu, từ trong nước (Việt Nam) cho đến hải ngoại. Cũng trong bản tuyên bố này, người Việt hải ngọai đã nêu trách nhiệm của đảng Cộng sản Việt nam trong việc làm mất lãnh thổ và lãnh hải vào tay Trung quốc, thí dụ như “Công Hàm ngày 14 tháng 9 năm 1958 do Phạm Văn Ðồng ký, nhân danh Thủ Tướng Chính Phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã “công nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc”. hay sự kiện "Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã hoàn toàn im lặng trước việc Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa sau cuộc hải chiến diễn ra ngày 19 tháng 1 năm 1974 giữa Hải Quân Trung Quốc và Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa". (Trích "Bản Khẳng Ðịnh Lập Trường của Người Việt Trên Toàn Cầu về Hai Quần Ðảo Hoàng Sa và Trường Sa" ký ngày 7-12-2007). Cuối cùng, bản tuyên bố nhận định: "Ðể có đủ khả năng bảo vệ giang sơn của cha ông để lại, dân chúng Việt Nam phải đoàn kết thành một khối. Sự đoàn kết này chỉ có thể đạt được trong môi trường sinh hoạt dân chủ, nhân quyền được tôn trọng, và nhân phẩm con người được đề cao. Chỉ có thế toàn dân mới ngồi lại được thành một khối trước hiểm họa ngoại xâm."

 

2.

 

Không thể không đề cập đến vai trò quan trọng tột bực của kỹ thuật thông tin thời Internet trong những biến động tuy nhỏ nhưng có tính cách lịch sử trong thời gian vừa qua.

 

Ở trong nước, những trang nhật ký mạng (Blogs. Con số blogs thực hiện bởi những Bloggers đến từ trong nước bao nhiêu không ai có con số chính thức, nhưng số lượng người vào xem ở những trang nhật ký mạng đã lên đến hàng 4 hoặc 5 triệu lượt) cùng với khả năng nối mạng của điện thọai di động đã nhanh chóng là phương tiện liên lạc, thông tin, kết nối giữa những người trẻ có cùng chung chí hướng. Chưa kể trước đó, nó đã đóng vai trò “nhà báo nhân dân” (chữ của một nhà thơ ở trong nước), truyền đạt đến độc giả những tin tức mới nhất về những hành động ngang ngược của nhà cầm quyền Trung quốc liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa thay cho đội ngũ báo chí nhà nước vốn đã bị khóa tay, bịt miệng, chỉ được phép đăng tải những gì lãnh đạo cho phép. Mặt khác, khả năng giao lưu, trao đổi ý kiến của những người lên mạng cùng một lúc với nhau đã khơi dậy trong họ các tình cảm yêu nước, nâng cao ý thức công dân nơi những người tin rằng họ sẽ là rường cột của đất nước. Chưa bao giờ những người trẻ ở Việt nam được sống qua những cảm xúc "rộn rạo, tự tin, phấn khởi,... hãnh diện, xúc động muốn òa khóc khi bất ngờ được sống trong không khí sôi sục tranh đấu, khi tự dưng thực hiện được quyền tự do căn bản của con người trong bối cảnh đất nước chưa thật sự có tự do" (Lynh Bacardi - Hãy tự cho chúng ta thêm nhiều lần lên tiếng). Từ những cơ duyên khiến họ gặp gỡ nhau trên thế giới ảo (Internet) để rồi sau đó nắm tay nhau biểu dương sức mạnh tập thể trên những đường phố có thật của quê hương là một khoảng cách rất nhỏ, rất ngắn, đến độ không đáng kể. Ngoài ra, khả năng thông tin siêu tốc độ, siêu tường lửa của Internet còn làm tăng thêm sự tự tin nơi những người trẻ tranh đấu. Họ biết mình không cô đơn, vì ngòai kia còn có hàng triệu cặp mắt dõi theo mọi an nguy của họ. Một cử chỉ đàn áp bạo lực của nhà cầm quyền chắc chắn không thể bị bỏ qua và những luồng sóng phản đối bên ngòai, ít nhất cũng làm cho kẻ đàn áp bị chùn tay. Đã hết rồi cái thời những tội ác được sự đồng lõa của bóng tối và bưng bít. Đã hết rồi cái thời những hy sinh bị lãng quên vì không một ai biết tới. Kỷ nguyên thông tin Internet đã mang lại sức mạnh thật đáng kể cho những người bị áp bức.

 

Các tờ báo mạng ở hải ngoại cũng giữ một vai trò không kém quan trọng trong việc yểm trợ, thúc đẩy và đánh thức lòng yêu nước nơi người Việt nam hiện đang sinh sống khắp nơi trên thế giới, kể cả ở trong nước. Cũng chính nhờ những tờ báo mạng hải ngoại mà người dân bị kềm kẹp ở Việt Nam có cơ hội nói lên tiếng nói yêu nước của chính mình. Kể từ khi tin tức về việc mất Trường Sa và Hòang Sa được lan truyền, các trang báo mạng hải ngoại tràn ngập những bài thơ, văn, nói lên sự phẫn nộ trước kẻ xâm lăng, sự phẫn nộ trước thái độ nhu nhược, hành động ngăn cản đàn áp của nhà cầm quyền trong nước với những cuộc biểu tình mà mục đích duy nhất là nói lên lòng yêu nước của mình. Khác hẳn với báo chí trong nước (kể cả báo mạng) đã cố tình dùng những tin tức thể thao, xã hội khác khỏa lấp đi sự thiếu vắng những tin tức, những trang thơ văn về về sự kiện Hòang Sa, Trường Sa, các tờ báo mạng Hải Ngọai đã hầu như dành toàn bộ những trang chính nhất để đăng tải những sáng tác nói về sự kiện nóng bỏng này. Tin tức, hình ảnh về những cuộc biểu tình chống Trung quốc khắp nơi được cập nhật hàng giờ, nhất là tin tức, hình ảnh từ Việt Nam. Ưu thế kỹ thuật của kỷ nguyên Internet đã được sử dụng tối đa.

 

Những bài thơ, bài văn còn giữ nguyên vẻ thô ráp của một tác phẩm vừa thành hình, chưa có bàn tay gọt dũa để tính nghệ thuật đầy đặn hơn, đã được tác giả vội gởi đến người đọc, như sợ rằng để lâu hơn nữa cái hơi nóng phát ra từ tác phẩm không còn tác dụng như người viết mong muốn. Mặt khác, sự nhất quán trong nội dung các tác phẩm, cả tác phẩm biên khảo là một dấu hiệu cho thấy ai cũng chỉ có một ý nghĩ, đó là cảm giác phẫn nộ và đau xót. Có lẽ, chưa bao giờ người ta thấy được sự đồng thuận to lớn trước một vấn đề chung nào đó như vấn đề Hòang Sa, Trường Sa như hiện nay nơi dư luận người Việt Hải Ngoại.

 

3.

Cộng sản hay quốc gia, tư bản hay xã hội, quốc tế hay dân tộc, tòan cầu hóa hay vẫn một góc trời cô lập, dù người ta có khoác trên người những nhãn hiệu đối lập nhau như thế nào, thì trong tận thâm tâm chỉ có một thứ lòng yêu nước, thứ lòng yêu nước tự nhiên như lịch sử một quốc gia, - 300 năm như Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, 4 ngàn năm như nước Việt Nam, hàng chục ngàn năm như Trung quốc - đã hun đúc, đã chảy ngầm trong huyết quản người dân đất nước ấy. Người Việt Nam chúng ta, đã trải qua cuộc chiến tranh quốc cộng đẫm máu lấy đi mạng sống của mấy triệu con người của cả hai miền Nam Bắc, đến nay vẫn còn lằn ranh phân chia kẻ Quốc người Cộng, kẻ trong nước người ngoài nước, nhưng khi đối diện với một vấn đề muôn thuở: đất nước Việt Nam phải thuộc về người Việt Nam thì hẳn luôn có sự đồng thuận, vì yêu nước, bảo vệ tổ quốc là những khái niệm không thể có cách hiểu thứ hai và là những giá trị trường cửu, không bao giờ biến mất dù người dân Việt nam sống ở bên trong hay bên ngoài đất nước, dù người dân sống dưới bất cứ thể chế chính trị nào. Quan trọng hơn nữa, trách nhiệm bảo vệ đất nước khi lâm nguy không phải của riêng bất cứ ai, mà là của tất cả mọi người còn muốn nhận mình là người Việt Nam, dù người ấy sống ở bất cứ nơi đâu.

 

Mấy tuần lễ lịch sử vừa qua, trước sự kiện hai quần đảo Hòang Sa, Trường Sa của Việt Nam bị nhà cầm quyền Trung Quốc cưỡng chiếm, người Việt Nam ở khắp nơi đã chứng minh cho tính bất biến, tính trường cửu của lòng yêu nước thừa hưởng ở cha ông từ 4 ngàn năm dựng nước giữ nước. Đồng thời, như một cuộc Trưng Cầu Dân Ý vĩ đại về cái gọi là "yêu nước tức là yêu chủ nghĩa xã hội" của đảng Cộng sản Việt Nam. (Mượn ý từ bài viết “Vừa Nội xâm, vừa Ngọai xâm - Phải làm gì trước ?” của ông Hà Sĩ Phu -Talawas 15-12-2007: "Năm 1958 ông Hoàng Tùng, Trưởng Ban tư tưởng TW của đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã tuyên bố: “Thà giao Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung quốc, cùng phe xã hội chủ nghĩa anh em còn hơn để tụi Ngụy Sài Gòn quản lý” ! Việc coi nặng ý thức hệ giai cấp hơn quan hệ Dân tộc thật dễ đưa người ta vào con đường vong bản. Không nghi ngờ gì nữa, chủ thuyết cộng sản rất có hại cho chủ nghĩa yêu nước, nó là một nguồn nảy sinh và nuôi dưỡng nội xâm, làm lợi cho ngoại xâm, khẩu hiệu “yêu chủ nghĩa xã hội là yêu nước” là một khẩu hiệu ngược").

 

Yêu nước chỉ được hiểu có một nghĩa. Đó là Yêu Nước.

 

T.Vấn

Tháng 12- 2007

 

(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)

website counter