SU'U TÂ`M 7

Home | VA(N | VA(N [tt] | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N 11 | VA(N 12 | VA(N 13 | VA(N 14 | VA(N 15 | VA(N 16 | VA(N 17 | VA(N 18 | VA(N VUI | VA(N VUI [tt] | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.P GHI 17 | TA.P GHI 18 | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | SU'U TÂ`M TIN | CU'̉'I CHÚT CHO'I | CHUYÊ.N LA. KHÓ TIN

VA(N 14

KỂ TỘI ÔNG TÝ

 

KỂ TỘI ÔNG TÝ

(Bảo Tâm)

 

***

      

Không hiểu tại sao một con vật nhỏ xíu lí lắc như con Chuột lại được cái vinh dự chễm chệ lên đứng ở vị trí đầu bảng trong số 12 con giáp theo âm lịch. Một sự lạ lùng khó hiểu hơn nữa, nó còn vượt lên trên cả những con vật to tướng như con Trâu hiền lành (Sửu), con Cọp hung dữ (Dần), kể cả con Rồng đẹp rực rỡ (Thìn) trong truyền thuyết. Lịch sử nhân loại trải qua biết bao thời đại hưng thịnh, kể cả nền văn minh khoa học hiện đại ngày nay vẫn chưa khám phá ra được nguồn gốc của điều huyền bí này, để rồi cứ sau mỗi chu kỳ 12 năm, phần đông các sắc dân Châu Á lại vẫn bình thản nhắc đến năm Tý - đón Xuân con Chuột.

      

Vài dòng mở đầu trên đây nói lên sự tò mò qua mớ kiến thức tầm thường của một "ông già đang còn mê cầm bút". Gần đây, có lần hân hạnh được tiếp kiến một đồng hương thuộc thế hệ đàn anh qua đề tài trên, tôi chỉ thấy ông cười và nghe trả lời một câu thật khôi hài, gọn lỏn: "Ông Trời cho con Chuột được quyền cầm đầu 12 con giáp bởi vì nó có trí khôn". Thế là khỏi cần phải căn cứ vào đâu nữa, tôi nghiệm ra hình như lão ông nầy nói rất có lý, có lý lắm ! Vậy nhân dịp đón Xuân con Chuột - Xuân Mậu Tý 2008, trước hết tôi xin kể một câu chuyện cổ tích thuộc loại truyền khẩu dân gian, không rõ xuất xứ từ đâu, vào thời điểm nào, chỉ biết từ thuở thiếu thời có lần tôi được Ông Ngoại của mình kể cho nghe cũng vào dịp đón Xuân con Chuột. Kính mời quý bạn thưởng thức.

      

***

     

 Kể từ thuở sơ khai hồng hoang, tất cả loài vật xuất hiện trên trái đất đều có cánh, biết nghe và hiểu được tiếng người. Ngọc Hoàng Thượng Đế truyền lệnh mở cuộc thi tuyển chọn 12 con vật nào khôn ngoan nhất, lanh lợi nhất, bay lên Thiên Đình gặp Ngài trước nhất để được xếp hạng làm chủ thời gian, đem lại nhu cầu sự sống cho những "đứa con cưng của Ngài" dưới trần thế, đó là loài người. Hân hạnh biết là bao ! Thế là muôn loài rần rật ghi danh, đăng đàn ứng thí. Đến giờ khai hội, các Thần tuân lệnh Ngọc Hoàng khai lễ: - Thần Sấm cho nổ vang rền mười hai tiếng sấm cùng lúc - Thần Phong thổi gió thành bão xoáy tung bốn hướng - Thần Thủy làm nước dâng lên thật nhanh thật cao - Thần Ánh Sáng (mặt trời) nhắm mắt để cho không gian tối sầm lại. Cuộc thi kết thúc vào lúc giao thừa, đó là thời khắc phân biệt giữa ngày và đêm, giữa năm cũ và năm mới. Lúc đó muôn loài đều mở to đôi mắt nhìn thẳng vào chốn Thiên Đình sáng rực, uy nghi lộng lẫy. Tất cả đều kinh ngạc reo ồ lên khi thấy một chú Chuột Nhắt nhỏ xíu đang ngước mắt vẫy đuôi quỳ sát dưới chân Ngọc Hoàng. Thứ tự xếp hàng phía sau đó là con Trâu, con Cọp, con Mèo, con Rồng, con Rắn, con Ngựa, con Dê, con Khỉ, con Gà, con Chó, và cuối cùng là con Heo. Tội nghiệp con Heo lệt bệt nhất nhưng cũng ráng về tới đích. Còn lại vô số những con vật khác, kể cả những con to tướng mà bất tài như cá Mập dưới biển, con Voi trên rừng đến sau đều bị loại. Sau khi hoan hỉ tuyên bố kết quả cuộc thi, Ngọc Hoàng liền ban áo mão, cùng lúc tấn phong danh hiệu cho từng con vật đoạt giải theo thứ tự: "Chuột: TÝ - Trâu: SỬU - Cọp: DẦN - Mèo: MẸO - Rồng: THÌN - Rắn: TỴ - Ngựa: NGỌ - Dê: MÙI - Khỉ: THÂN - Gà: DẬU - Chó: TUẤT - Heo: HỢI".

       

Nghe qua nội dung chuyện cổ tích trên, có thể có người muốn tìm hiểu về cái trí khôn của loài Chuột ở chỗ nào ? Đó là nó nhanh nhẹn bám vào chóp sừng con Trâu, vì thân hình nó nhẹ nhàng bé bỏng quá khiến con Trâu không hay biết gì cả. Chờ cho đến khi "ân nhân" của mình may mắn về tới đích trước, Chuột ta liền lẹ làng nhảy xuống ngồi trước mặt Trâu, ôm chân Ngọc Hoàng. 

       

Chuyện kể nghe ra rất hoang đường, đầy tính huyền thoại, nhưng cũng rất có lý để bình giải, để luận chứng. Nhân loại đang sống trong thời đại của thế kỷ 21, thực tế cũng không thiếu gì những con người thông minh, thừa trí khôn, giàu mưu lược. Thay vì họ dùng trí, dùng mưu đó để đem lại quyền lợi và sự giàu mạnh cho dân cho nước, thì ngược lại có những người chỉ nhằm đem lại vinh thân phì gia cho bản thân và gia đình họ mà thôi. Ôi, buồn thay !

      

Bây giờ, kính mời quý bạn hãy cùng tôi lội ngược thời gian đúng 60 năm về trước, rồi dừng lại ở cái mốc đầu tiên là năm Mậu Tý 1948. Tại đây chúng ta có quyền tha hồ mà tìm hiểu "cái túi khôn" của loài Chuột nó lớn đến cỡ nào ? Trong mỗi câu chuyện nói về "Ông Tý hay Ngài Tý" dưới đây là những sự kiện mắt thấy tai nghe trên quê hương tôi, xảy ra cùng thời với những biến cố chiến tranh lẫn thiên tai dồn dập từ Bắc tới Nam, khiến dân tộc ta phải triền miên gánh chịu quá nhiều tang thương, bất hạnh.

 

***

       

Bà con người Việt mình, dù ở trong nước hay ngoài nước, lớn lên và trưởng thành trong thời kỳ chiến tranh Việt-Pháp từ năm 1945 đến 1954, chắc hẳn không bao giờ quên đại tai họa đến từ loài Chuột, một giống vật bình thường sống chui nhủi gần với người, thế mà bỗng dưng vùng lên tung hoành khủng khiếp đúng vào năm Mậu Tý 1948 (năm con Chuột), một sự trùng hợp như có bàn tay sắp đặt nhiệm mầu nào đó rất khó hiểu. Hồi đó sự đi lại, di chuyển vì sinh kế dù trong một giới hạn rất gần đi nữa cũng vô cùng khó khăn, bởi khắp nơi đều bị đồn bót giặc Pháp vây quanh. Không biết ngoài Bắc ra sao, trong Nam thế nào, chứ ngay tại miền Trung - chỉ nói riêng quê hương Quảng Nam của tôi, thì ôi thôi - ê chề khốn khổ vì nạn Chuột. Làm ăn ngóc đầu không nổi vì Chuột, đói lẫn rách vì Chuột, bệnh hoạn chết chóc vì Chuột. Không biết Chuột rừng, Chuột đồng, Chuột cống, Chuột nhắt ở đâu năm đó tràn về nhiều vô số kể. Ra đồng gặp Chuột, về nhà gặp Chuột, ăn cũng thấy Chuột, ngủ cũng bị Chuột quấy phá. Thời đó, dân làng tôi rất ít người sống đến tuổi 60, cụ nào hữu phúc bước qua lớp tuổi 55 kể như được xếp vào hạng lão làng, đại thọ. Được hỏi về nạn Chuột năm đó, các cụ đều lắc đầu ngao ngán, cho biết cả đời chưa hề thấy một hiện tượng lạ lùng như thế.

 

     

- Mùa màng mất trắng, nạn đói đe dọa trầm trọng.-

      

 Ruộng đất quê tôi được xếp vào hạng mầu mỡ, tốt nhất miền Trung. Có đến hơn ba phần tư thuộc loại Công Điền (tức ruộng nước). Mỗi năm nhà nông làm chuyên canh hai mùa lúa chính (tháng 3 và tháng 10), có nơi làm thêm mùa phụ tháng 8 dành cho ruộng rộc (tức ruộng thấp). Số còn lại là loại Ba Châu (tức đất đồi, gò cao) dùng làm thổ ký, trồng bông vải, bắp, đậu, khoai, sắn, các loài rau quả. Cũng có nơi gieo trồng loại lúa trắng, bởi giống lúa nầy không cần nhiều nước. Mùa lúa tháng 3 năm đó (Mậu Tý, 1948), hầu như không nơi nào thu hoạch được vì nạn Chuột tác oai tác quái chưa từng thấy. Khi người nông dân bắt đầu xuống đồng kể từ những ngày cuối tháng 10 năm trước, biết bao công sức tiền bạc bỏ ra cho những công đoạn cày bừa làm đất, bắt mạ, cấy lúa, làm cỏ, bón phân v.v...Ăn Tết xong, chờ cho đến đầu tháng hai năm sau, khi cây lúa bắt đầu ngậm đòng đòng (sắp trổ bông), có nơi bông lúa còn đang ngậm sữa vươn mình khoe sắc dưới ánh mặt trời - thì chỉ trong một đêm thôi - sáng ra nhìn cả cánh đồng lúa non, vô số những thửa ruộng một màu xanh rì xinh xắn chỉ còn trơ vơ gốc rạ. Riêng những thửa ruộng lúa nào gần nhà người ở thì may mắn được Chuột chừa lại một ít dọc ven bờ nhưng cũng không còn nguyên vẹn nữa. Lúa non đâu phải là nguồn thực phẩm cho Chuột ăn, chúng chỉ cắn và phá. Bởi mùa màng đang lâm nguy cơ bị mất trắng, bà con ôm nhau khóc, để rồi sau cùng chỉ biết thở dài, than trời trách đất. Các loại bắp, đậu và những cây lương thực phụ ngắn ngày cũng cùng chung số phận. Đâu có phải chỉ một đêm, mà mãi cho đến gần hết tháng 2 âm lịch, toàn bộ những cánh đồng lớn, nhỏ trên quê hương tôi đều bị giặc Chuột cắn nát tan tành. Từ đó, viễn ảnh về nạn đói đe dọa trầm trọng, bao trùm khắp nơi. Nhà nhà tích lũy lương thực chỉ đủ ăn đến tháng 3 âm lịch, đâu có ngờ đến ngày mùa tất cả đều tay trắng. Câu tục ngữ "Tạm nhịn đói nằm co, chờ được no ngày mùa" năm đó trở thành vô nghĩa, mùa màng mất sạch vì nạn Chuột, cơm đâu có mà ăn cho no.      

       

Thế rồi việc gì đến cũng đến. Kể từ tháng tư âm lịch năm đó, nạn đói quê tôi bắt đầu bị ám ảnh nặng nề. Từ các loài rau cỏ có thể ăn được, cho đến các loài cây củ hoang dại đều được con người tận tình chiếu cố. Vô số gia cầm gia súc, thậm chí đến con chó là bạn thân thiết gần gũi nhất của con người, có khi cũng trở thành món thực phẩm cứu nguy những cơn đói lả do nạn Chuột gây ra.

     

- Tôn vinh Chuột lên chức Ông, có nơi gọi là Ngài.-

       

Người dân quê tôi thời đó vốn nhiều đời sùng bái các hình thức dâng lễ vật cúng tế theo phong tục. Không biết làm sao trừ nổi nạn Chuột phá hoại mùa màng, họ bèn bàn bạc cùng nhau mua hương đèn, sắm lễ vật rồi mang ra tận ngoài ruộng cúng Chuột, có nơi còn lập trai đàn cầu xin "Ông Tý hay Ngài Tý" đừng cắn phá lúa của họ nữa. Không biết các Ông, các Ngài Tý có hiển linh chứng kiến nỗi lòng van xin cầu khẩn tha thiết của họ không, chỉ biết tốc độ cắn phá lúa của Chuột càng ngày càng tăng chứ không hề giảm chút nào. Tôn vinh Chuột, cúng vái Chuột chỉ là bước đường cùng, để rồi tất cả đành tuyệt vọng chứ biết làm sao bây giờ.

 

Nực cười nhất là câu chuyện nói về ông Chú họ của tôi. Ông vốn là dân nhậu đế thuộc hạng thượng thừa trong làng ai cũng biết. Gia đình ông cũng nằm trong nhóm người tiên phong đi làm công việc "hối lộ Chuột" nói trên. Hôm nọ trong lúc say xỉn trên đường từ làng nhậu về, tình cờ thấy cảnh vợ con đang khúm núm quỳ lạy cúng Chuột bên đám ruộng lúa đang bị Chuột cắn phá gần hết trước nhà. Xung khí bốc đồng nổi lên, ông tụt quần "móc chim ra" tè tưới vung vít bừa bãi ướt cả hoa quả hương đèn, xong rồi ông đập bàn múa gậy, văng tục chửi thề inh ỏi, vợ con ông sợ quá chạy tứ tán. Ông lớn tiếng thách thức Chuột đêm nay đố con nào dám tới ruộng lúa của ông. Chuyện nhậu say túy lúy rồi lại tỉnh táo như thường của ông Chú tôi gần như cơm bữa, gia đình chẳng ai bận quan tâm đến. Dường như có chút ân hận việc mình đã làm khi chiều, cho nên suốt đêm hôm đó ông cứ cầm gậy ra đi lang thang quanh đám ruộng như người điên. Sáng ra có người phát hiện ông nằm thoi thóp vắt vẻo ngang bờ ruộng, miệng ói ra sặc sụa mùi rượu lẫn máu, ai ai cũng bảo ông bị trúng gió. Rất may nhờ người cứu kịp, nếu trễ chút nữa gia đình không tránh khỏi lụy tang vì Chuột.

     

- Chuột cũng biết chơi trò tinh nghịch, giỡn mặt với người.-

      

 Xóm nhỏ đầu làng tôi có anh Ba Sinh, tình nguyện đi lính Vệ Quốc Đoàn cho Việt Minh năm 17 tuổi, chưa được tròn năm đã bị giải ngũ vì thương tật (hư một mắt trái). Người đời thường nói: "Có tật có tài", mà đúng như vậy. Từ ngày vết thương lành hẳn, anh nổi tiếng có biệt tài săn chim Cu Đất. Giống chim nầy ở quê tôi nhiều lắm, nó là đồng hồ báo thức như gà. Mỗi sáng sớm mà nghe Cu Đất gù gù trước sân hay trên nóc nhà là như có sự thúc giục không ai tài nào ngủ được. Phương tiện để săn Cu Đất của anh là những cục đất sét cứng phơi khô được anh gọt tròn vo như trái lựu. Mỗi khi ra đồng làm việc, nếu có ai đó tình cờ thấy anh đang đứng vào tư thế sẵn sàng ném đất, thì con chim Cu Đất đang chạy trước mặt rất mà khó thoát khỏi cú ném ngoạn mục tài tử của anh, dù nó đang chạy thật nhanh, hay nó vừa cất cánh bay lên khỏi mặt đất. Thịt chim Cu Đất ăn rất ngon, còn bổ dưỡng nữa. Mỗi khi nhà ai có đám Giỗ, muốn có món Cu Đất rô-ti đãi khách thì chỉ cần "hợp đồng" với anh trước một ngày hai ba chục con cũng có. 

      

 Nạn giặc Chuột năm đó cũng là dịp để anh Ba Sinh trổ tài sát Chuột thật đáng nể. Đi đâu ban ngày anh cũng mang lè kè trên vai một giỏ đất cục, có khi nhờ thằng nhỏ hàng xóm mang giùm theo sau. Anh lội khắp bụi bờ, góc vườn, bờ ruộng, con Chuột nào vô phúc lọt vào tầm ngắm "độc nhãn" của anh thì kể như tới số. Con số Chuột bị giết dưới tay anh nhiều lắm, không nhớ hết. Hình như chúng cũng quen mặt và biết cả nhà ở của anh nữa, cho nên ban đêm nằm ngủ anh hay bị Chuột  quấy phá, khi thì cắn vào gót chân anh, khi thì chạy ngang đầu anh kêu chí chóe như muốn khiêu khích giỡn mặt với anh, khiến anh bực mình lắm. Có lúc anh cũng muốn rình rình chồm dậy tóm cổ vài con Chuột cho bõ ghét, thế là nó biến mất như biết trước mưu toan của anh. Quấy phá kẻ thù chưa đã, dòng họ Chuột chuyển sang cắn xé quần áo của anh. Có một đêm nọ, còn mấy bộ quần áo ngấm mồ hôi của anh đêm qua chưa kịp giặt móc trên vách phên đều bị lũ Chuột cắn nát tơi tả hết, không bộ nào còn mặc được nữa. Hàng xóm nghe chuyện lạ tới thăm ai cũng ngửa mặt lên mà cười. Một chuyến về thăm quê hương năm 2000, cảnh cũ vườn xưa hoàn toàn xa lạ. Tôi nhờ người đưa tới nhà thăm anh Ba Sinh nhưng chẳng ai biết. Ai cũng bảo xóm nầy chỉ có ông "Ba Chột" (có nghĩa là ông Ba một mắt), ông già đó đang ở trong cái chòi tranh kia kìa. Tôi đến nơi, à thì ra đích thực đây là anh Ba Sinh rồi. Bạn bè xa nhau mấy chục năm gặp lại, mừng rơi nước mắt. Tội nghiệp, cả đời anh luôn nghèo khó, cô độc. Cái huy chương thương binh bám đầy bụi bặm vẫn còn móc trên bàn thờ, như vẫn luôn thờ ơ với người chủ nó. Nhắc tới thành tích diệt Chuột của anh trong quá khứ, anh vỗ vai khen ngược tôi là nhớ dai, còn anh thì đã xem như mớ tro tàn đâu còn ý nghĩa gì để mà nhắc tới nữa.   

     

- Thi đua diệt Chuột cứu đói, làm một lợi hai.-

      

 Không rõ sáng kiến "diệt Chuột cứu đói" từ đâu loan truyền rất nhanh. Thế là vô số các loại bẫy Chuột như bẫy lồng, bẫy đập, bẫy lò xo, bẫy ống tre v.v... được bung bày ra cài khắp đồng, kể cả trong nhà lẫn ngoài vườn tược, những nơi có dấu chân Chuột chạy qua. Thuốc diệt Chuột tự chế theo kinh nghiệm cổ truyền cũng góp phần đáng kể. Tuy nhiên, biện pháp trên chỉ có hiệu lực ở giai đoạn vài tuần đầu, rồi đâu cũng vào đấy. Có người lén rình nhìn Chuột tránh bẫy, phá bẫy thật ngoạn mục, đúng là nó có trí khôn gần giống người. Cuối cùng, con người chỉ còn cách tìm đến tận các hang ổ của Chuột mà lùng sục tìm bắt và giết. Cuộc chiến giữa Chuột với người trên quê hương tôi ngày càng trở nên khốc liệt bằng những "chiến dịch diệt Chuột" được liên tục phát động mạnh mẽ, trong hàng ngũ thanh-thiếu-niên là lực lượng nòng cốt nhất. Thành tích diệt Chuột được tính bằng số đuôi Chuột phơi khô, mới nghe tưởng như đùa nhưng đó là sự thật. Cũng bắt đầu từ đó, món thịt Chuột trở thành nguồn thực phẩm cứu đói chính của con ngưưi. Dưới bàn tay các bà nội trợ thôn dã, thịt Chuột được chế biến thành những món ăn rất ngon, nhiều dinh dưỡng nữa. Nào là thịt Chuột xào lăn với gừng sả ớt, thịt Chuột kho với chuối chát hoặc khóm mít non, thịt Chuột xào dứa, thịt Chuột rô-ti v.v.. Dần dần về sau, những món ăn cứu đói nầy trở thành mồi nhậu khoái khẩu cho các đám đệ tử lưu linh trong làng. Với những thành quả diệt Chuột "Làm Một Lợi Hai" nói trên, cuối cùng dẫn tới hậu quả tác hại không nhỏ là vô số các bờ ruộng có hang Chuột đều bị con người tự đào nát bới tung lên. Họ đâu có nghĩ tới cái nỗi khổ buộc con người - trong đó có chính họ phải hao công tổn sức đắp lại như cũ để giữ nước, nếu không thì mưa xuống nước đâu còn để cày cấy trong những vụ mùa kế tiếp.   

     

- Chuột tấn công Mèo, chuyện lạ chưa hề thấy.-

       

Thiên chức Trời ban cho giống Mèo là bắt Chuột, thế nhưng không hiểu tại sao năm đó con Mèo nào cũng sợ Chuột, cứ hễ thấy Chuột thì Mèo liền lẩn tránh. Có khi lẩn tránh không kịp, số đông Chuột ở đâu cùng lúc tràn tới tấn công Mèo, coi thường sự có mặt của người lúc đó. Tưởng như chỉ có một vài gia đình gặp cảnh lạ lùng quái gở nầy, nhưng hỏi ra thì nhà nào cũng nói như thế. Dường như giống Mèo cũng bị ám ảnh bởi nạn Chuột, cho nên Mèo không dám bắt Chuột nữa. Vừa giận vừa ghét vì nuôi Mèo không còn cần thiết, nhiều gia đình nhẫn tâm ăn cả thịt Mèo. Có người còn thẳng tay đánh đuổi Mèo ra khỏi nhà, lâu dần trở thành Mèo hoang để rồi đêm đêm đói quá, lén về nhà bắt gà bắt vịt của gia chủ. Tình nghĩa giữa người với Mèo trong những gia đình đó một thời không còn là truyền thống yêu thương nữa.

       

Về sau có người đặt vè châm biếm cái tình của con người sao mà quá tệ bạc đối với con Mèo từng được họ ví như đứa con cưng trong gia đình. Tất cả cũng từ nạn Chuột mà ra nên nỗi.                                      

             

- Chuột trả thù, Chuột đốt nhà người.-

       

Xét cho kỹ thì loài Chuột không những khôn mà còn đa mưu nữa, hình như nó cũng hiểu được tiếng nói của người. Tôi còn nhớ có một lần cái nhà tranh vách tre của ông hàng xóm suýt bị cháy rụi vì nạn Chuột trả thù. Theo lời ông kể thì lúc xế trưa hôm đó, con cháu trong gia đình ông bắt về được hai giỏ Chuột sống thật nặng. Muốn có thịt Chuột ăn cho nhanh, họ giết Chuột bằng cách dùng nước thật sôi tưới lên hai giỏ Chuột cho đến khi không còn nghe tiếng chút chít của Chuột nữa. Sau đó mọi người xúm lại kẻ chặt đầu cắt đuôi, người lột da móc ruột. Khi rổ thịt Chuột được rửa sạch đem vào bếp, bà vợ của ông tình cờ thấy hai con Chuột lớn da lông một màu xám sậm đang núp trên xà nhà nhìn xuống. Bà chỉ tay vào rổ thịt Chuột rồi lớn tiếng trêu: "Hai đứa bây có muốn chết chung với nhau thì cứ chạy xuống đây". Nói xong bà vội vã nổi lửa làm món Chuột kho nghệ thơm nức mũi, lúc đó trời đang nhá nhem tối. Trong khi cả gia đình đang ăn ngoài sân, bà sực nhớ bếp lửa chưa vùi tắt. Vội quay lưng đi vào bếp, bỗng bà hốt hoảng la to: "Cháy cháy, lửa cháy". Mọi người buông đũa theo bà chạy nhanh vào bếp. Bà đâu có ngờ thấy rõ đúng hai con Chuột đang núp trên xà nhà khi nãy, một con đang ngước đầu nhìn lửa đang cháy trên vách bếp, còn con kia thì bò thụt lui thật nhanh cũng về phía vách bếp, miệng nó đang ngậm đuôi que củi tre mà phía đầu que kia lửa đang cháy đỏ. Rất may gần đó có chum nước mưa đêm qua còn đầy, nên nhờ đó mà họ dập tắt được ngọn lửa đang cháy trên vách bếp thật nhanh. May mà phát hiện kịp thời, chứ nếu chậm chút nữa lửa sẽ cháy lan vào nhà trong thì vô phương cứu chữa. Hai con Chuột tội phạm kia lì lợm gan dạ thật, hắn vẫn tỉnh bơ chạy ra núp bên bụi chuối nhìn vào, như có vẻ nuối tiếc cái hành động trả thù người không thành của hắn. Mãi cho đến khi có người thấy rượt theo, nó mới chạy trốn ra sau vườn mất dạng.

      

Tin đồn về Chuột trả thù, Chuột đốt nhà người loan đi rất nhanh, khiến cho mọi người e dè lo sợ không ít. Họ khuyên nhau nên cẩn thận lửa củi khi nấu ăn, dập tắt hết lửa khi ra khỏi nhà, nên chứa nước đầy chum đầy vại quanh bếp để đề phòng nạn Chuột trả thù tác quái.  

    

- Giặc Pháp bắn súng cối vào làng cũng vì Chuột.-

       

Càng tìm đủ mọi giải pháp trừ Chuột bao nhiêu, chúng càng sinh sôi nẩy nở bấy nhiêu, giống nào theo đàn nấy. Cuối cùng dân làng tôi cùng bàn bạc với nhau đi đuổi Chuột hằng đêm. Thà chịu khó chịu khổ còn hơn để mùa màng mất sạch, sẽ bị chết đói.

       

Một đêm trăng rằm tỏa ánh sáng vằng vặc, làng trên xóm dưới đều vang vang tiếng la hét hù dọa đuổi Chuột, xen lẫn tiếng trống, tiêng phèng la, kể cả tiếng khua xoong gõ nồi inh ỏi dọa Chuột, ai có sáng kiến gì gây nên tiếng động mạnh đuổi Chuột cũng bung bày ra hết. Bọn lính Pháp ở đồn Trường Giảng (đang trấn giữ liên tỉnh lộ 20) dù đã được lý trưởng sở tại báo cho biết là đêm đó dân làng sẽ tổ chức đuổi Chuột phá lúa, thế mà chúng vẫn không tin. Đến khi nghe tiếng động lạ càng lúc càng dồn dập, bọn chúng cứ tưởng là Việt Minh Cộng Sản về bắt dân đi tập trận công đồn. Thoạt đầu chúng bắn từng loạt đạn lửa đe dọa, tiếp theo là hỏa châu sáng rực, có người khôi hài bảo bọn lính Pháp cũng thông cảm giúp cho ánh sáng để yểm trợ tinh thần đuổi Chuột cứu lúa của dân mình. Đâu có ngờ sau đó không lâu, hàng loạt trái đạn súng cối 81 ly xè xè rơi xuống nổ ầm ầm khắp nơi, thế là dân làng chịu hứng thêm cảnh máu đổ thịt rơi, kêu trời không thấu.     

            

- Ngậm ngùi bỏ quê hương ra vì nạn Chuột.-

       

Đã đến lúc biết không còn sáng kiến hay giải pháp nào khả dĩ cứu vãn mùa màng khỏi bị mất trắng vì nạn Chuột được nữa. Bấy giờ không ai bảo ai, dân làng tôi ai còn sức, đôi chân còn lê lết được đều cùng nhau lần lượt trốn về thành phố Đà Nẵng, Hội An, hoặc gần nhất là thị trấn Vĩnh Điện để kiếm ăn sống qua ngày.

       

Tuy nhiên, cuộc di cư vạn bất đắc dĩ nầy cũng đâu có dễ dàng suông sẻ, mạng lưới đồn bót giặc Pháp ngày càng nhiều, đều là những hiểm họa khó lường trước được. Tội nghiệp, dân làng tôi cũng có người bỏ xác dọc đường trong sự ra đi đó. Cuối cùng thì đa số trong họ cũng may mắn đạt được ước nguyện của mình. Riêng tại thành phố Đà Nẵng, chỉ mới trong tháng đầu đã tiếp nhận đến hơn 5 ngàn người từ các quận Điện Bàn, Đại Lộc, Tam Kỳ, Duy Xuyên v.v... Trong hoàn cảnh chiến tranh, vấn đề nầy quả là một khó khăn lớn cho chính quyền Quốc Gia lúc đó. Lo cho dân các vùng nông thôn bị mất mùa đói khổ kéo về vì nạn Chuột tạm có được chén cơm manh áo sống qua ngày đã khó, lo cho họ có nơi tạm trú, có việc làm ổn định lâu dài lại càng khó hơn, bởi vì có đến hơn 90% dân "tị nạn Chuột" muốn ở lại Đà Nẵng luôn, không muốn trở về quê nữa.     

    

- Nguồn gốc xảy ra nạn Chuột dần dần được khám phá.-   

       

Dân chuyên sống bằng nghề đi tìm "Trầm Hương" dường như có gia đình thuộc hệ cha truyền con nối. Có nhiều câu chuyện nói về những con người "Ngậm Ngải Tìm Trầm" ở quê hương tôi mới nghe tưởng là chuyện hoang đường nhưng đó là sự thật. Có dịp tôi sẽ hầu chuyện cùng bạn đọc sau. 

 

Dịp Tết Đoan Ngọ năm đó (Mậu Tý 1948), có mấy người đi tìm Trầm Hương từ thượng nguồn dọc biên giới Hạ Lào trở về thăm nhà nghe tin nạn Chuột phá hoại mùa màng ở quê mình gây nên nạn đói trầm trọng khiến họ vô cùng bàng hoàng xót xa. Bỗng nhớ lại những năm trước cũng với nghề đi tìm Trầm Hương, ngày nào vào rừng họ cũng gặp hàng đàn Chuột, hoặc tình cờ ngủ trên hang Chuột, có khi lại vô tình đi lạc vào động Chuột đông đến cả ngàn con, thế mà năm nay ở những nơi "khỉ ho cò gáy" đó không hề thấy bóng dáng một con Chuột nào. Bấy giờ mọi người mới hiểu ra, họ có đủ lý lẽ để khám phá ra nạn Chuột năm đó đều có nguồn gốc từ Hạ Lào. Có người còn mạnh dạn lên tiếng: "Dòng họ Chuột "hành quân" từ thượng nguồn về đồng bằng cho ta thấy chúng đều có tổ chức, cương kỷ hẳn hoi. Bằng chứng là thỉnh thoảng có người phát hiện xác Chuột chết vì chúng cắn giết lẫn nhau ngoài ruộng lúa, có khi vài con, cũng có khi đến hàng chục con, biết đâu những con Chuột xấu số kia đã bị đồng bọn "thanh trừng vì bất tuân thượng lệnh". Quê hương mình có phải là vùng bị "Thủ lãnh Chuột" ra lệnh tạm chiếm đóng để cho quân số Chuột dừng chân nghỉ ngơi chờ lệnh mới" ?               

        

Tiếp theo là một sự kiện trùng hợp rất hi hữu xảy ra sau đó chừng một tháng. Đó là bất ngờ được tin từ giới xe đò Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho biết chỉ kể trong một đêm thôi, những đoạn quốc lộ 1A thuộc địa phận Mộ Đức, Sa Huỳnh, ra tới Chu Lai, Sông Vệ, Thanh Quít, Cẩm Lệ v.v... đều có vô số, có nơi dày đặc xác Chuột lớn nhỏ bị xe đò dân sự lẫn xe nhà binh cán chết. Mùi xú uế hôi thối từ xác Chuột chết khiến những ai có nhà ở gần phải tạm dọn đi nơi khác. Hầu hết dấu tích Chuột để lại đều chứng tỏ là chúng răm rắp nối đuôi nhau trên đường di tản về hướng chánh đông, để rồi sau đó dần dần mất tích dưới những cơn sóng lớn bạc đầu dồn dập dọc bờ biển Thái Bình. Người người lại bàn tán xôn xao: "Biết đâu, đó cũng là điềm Trời".  

      

Về lâu về dài sau nầy, hình như dòng giống Chuột còn lại trên quê tôi là "giống Chuột địa phương", thuộc loài gặm nhấm bình thường, con người không còn phải đối đầu lo sợ loài Chuột từ Hạ Lào kéo nhau về tác oai tác quái nữa.

 

***

     

 Vụ lúa mùa phụ tháng tám năm đó được trúng mùa chưa từng có, tiếp theo là vụ lúa tháng mười cũng trúng mùa tương tự. Cả hai vụ mùa đều mang lại ý nghĩa đẹp chưa từng thấy đến từ sức chịu đựng vô cùng gian khổ của con người. Gần nửa năm đói cơm thèm cháo, bệnh tật chết chóc triền miên, thế mà đêm ngày họ vẫn lăn xả vào công việc đồng áng. Có những người nguyện đem lưng ra cày bừa thay trâu, đêm ngày quần quật dầm mưa dãi nắng. Mỗi hạt lúa thâu hoạch từ bàn tay người nông dân lúc bấy giờ được miệng đời ví bằng một bát mồ hôi của chính họ và gia đình họ.

 

"Ai ơi, bưng bát cơm đầy,

"Nhớ người mưa nắng dạn dày gió sương.

"Rủ nhau về với ruộng nương,

"Tình quê, tình lúa vấn vương tơ lòng.

       

Bốn câu ca dao đồng quê mộc mạc giàu tình đậm nghĩa nói trên không biết tác giả là ai, thế mà vẫn có tác động xa gần không ít. Từ đó, có những người một thời lìa bỏ quê hương ra đi thật xa vì nạn Chuột cũng lần lượt khăn gói quay gót trở về. Họ chấp nhận trở về sống với đời nông dân cố hữu, cần cù chất phác của họ. Họ trở về dù phải sống trong hoàn cảnh hứng chịu bom rơi đạn lạc, chiến tranh bao trùm ngày càng khốc liệt. Tâm tình của họ, quê hương là tất cả. Mãi cho đến ngày đất nước có được thanh bình nhưng bị chia đôi bởi dòng sông Bến Hải kể từ 20 tháng 7 năm 1954, những ám ảnh kinh hoàng về nạn Chuột năm xưa dường như lúc bấy giờ chẳng còn nghe ai nhắc tới nữa. Thời gian như áng mây qua cửa sổ, mới đó mà đến nay đã tròn chu kỳ 60 năm - Mậu Tý 1948 - Mậu Tý 2008.

 

Hôm nay, lần đầu tiên tôi xin thay mặt quý bạn đồng hương, đồng cảnh và cùng đồng thế hệ được ngồi viết lại câu chuyện nầy. Tôi viết với một tâm hồn bình thản, bằng mớ ký ức xa xăm một thời tuổi trẻ từ từ sống lại trong lớp da nhăn nheo cằn cỗi, lẫn trên mái đầu gần bạc trắng.

 

 

BẢO TÂM

 

(Hoàng Tố Lan chuyển)

 

website counter