xuôi ngược,
ngược xuôi
(Ninh Hạ)
1.
Khi tôi đến thì cuộc cãi lý
giữa hai phe đến hồi gay cấn sôi nổi.
Cán cân lực lượng cân bằng. Một
bên là Khả và Hân, bên kia là Thọ
và Hồ.
Thấy tôi đến cả đám mừng
rơn như tha hương ngộ cố tri. Mặc
dù chỉ mới cách mặt một tuần. Chẳng
qua vì ý kiến của tôi rất quan trọng,
sẽ định đoạt phần thắng bại.
Chưa kịp ngồi, Khả đã lên tiếng
phân trần:
“Cậu xem. Hai tên kia ăn nói ngược
ngạo không chịu được. Thú thật
tôi và thằng Hân cãi lý không lại.”
Tôi cười pha trò giảng hòa:
“Ðược ! Các khanh từ từ tấu
trình lên. Trẫm đây sẽ phán
xét.”
Khả nói một hơi như trút nỗi
bực tức:
“Tụi tôi đang nói câu tục ngữ
mà ông bà cha mẹ mình đã
nói từ bao đời nay. Còn
nước, Còn tát. Vậy mà hai
ông tướng kia cho tụi tui nói sai. Rồi sửa
ngược lại là. Còn
tát, Còn nước. ”
Như nắm vững phần lý của
mình, Thọ thong thả:
“Có anh tới tụi này mừng lắm.
Có người làm trọng tài. Ðể
tôi cắt nghĩa có lý có tình. Tại
sao phải nói lại là Còn tát. Còn
nước. Ai đã nếm mùi cải tạo của
cộng sản hay bà con trong nước hiện nay
đang bị bọn cường quyền ác đảng
bóc lột cướp tiền cướp đất,
bị vắt từng giọt máu đ ến phải
bán con đợ vợ, đều phải đồng
ý với tôi.”
Thấy không ai phản ứng, hắn đứng
dậy vòng ra sau ghế dựa, chống hai tay
vào chỗ dựa đầu. Tư thế như
đang đứng trên bục thuyết trình:
“Này nhé ! Mấy bố ăn hăm-bớt-gơ
uống cô ca quên mẹ đi chuyện cũ. Banh
tai ra nghe ta. Mấy năm đầu sau 75, chúng
nó đày phe ta ra tận thâm sơn cùng cốc
của núi rừng Sơn la, Yên bái. Trời
ơi ! Tụi nó đày đọa anh em mình
bằng cái đói. Ðói triền miên bất
tận. Ðói từng phút từng giờ.
Ðói từng ngày từng tháng từng
năm. Ðói rũ rượi, tê liệt tứ
chi lục phủ ngũ tạng. Ðói mụ cả
tinh thần. Bữa ăn chỉ dăm miếng khoai
mì khô mốc đen, vài củ khoai hay lưng
chén bo bo còn nguyên vỏ cứng như vỏ
lúa. Ăn không phải để tạm no,
mà chỉ đủ để kích thích
thêm cái đói, cái thèm ăn.”
Tức nghẹn, Thọ ngưng lại cúi đầu.
Qua phút xúc động Thọ tức giận:
“Ðói như thế mà chúng cưỡng
bức ngày ngày lao động khổ sai. Chặt
tre đẵn gỗ trên ngàn. Sáng sáng ra
khỏi trạì. Lê lết hàng giờ mới
đến chân núi. Nhìn lên ngọn, đỉnh
cao vời vợi, mây che sương phủ. Nghĩ
đến việc leo lên đã rùng mình
sởn gáy. Huống hồ lên tới nơi
còn “khẩn trương tranh thủ” thời
gian, lục lạo xó núi góc rừng chặt
cây chặt nứa chặt vầu. Lựa cây thật
thẳng thật to thật dài cho đúng chỉ
tiêu.”
Dằn giọng
“Chưa hết. Chưa hết đoạn
đường thánh giá. Xong rồi, xeo cả khối
nặng ấy lên vai. Tay chống
gậy, tay bám núi men theo dốc đá tai
mèo cheo leo hiểm trở quanh co trơn trợt, ỳ
ạch xuống núi. Gom hết sức tàn để
giữ mình cho khỏi lăn xuống vực. Thi sĩ
Thanh Tâm Tuyền vác nứa bị ngã trên
núi Yên Bái đã có những câu
thơ hay như thế này:
Tưởng chừng thi thể ai thối
rữa
Hồn viển vông chẳng
chút oán sầu
Hoặc:
Gió lạnh tái tê bó
liệm chặt
Lả thiếp người quên bẵng
sướt đau
Ðấy ! Cứ như vậy kéo dài
ngày này qua ngày khác. Năm này
tháng nọ. Ôi trời ôi ! Thế mà
các ông khăng khăng là Còn nước,
còn tát ... à !”
Ngừng một lát cho lắng cái đau
cái nhục của tháng năm địa ngục,
Thọ hổn hển nói tiếp:
“Nước còn mẹ đâu nữa
mà tát. Nước đã khô cằn từ
lâu. Sức đã cùng mà lực cũng tận.
Mấy con thú hình người dép râu
nón cối, răng đen mã tấu nó
tát nó vắt tù, vắt tụi mình ra
nước. Khi hết ra được nước
thì vùi thây hóc núi ven rừng, chờ
vợ con ra bốc xác ! Chính sách của bọn
nó có phải là ... "Còn tát.
Còn nước"... không nào ? Cãi
đi. Cho các cậu cãi.”
Sự ấm ức tức tối đã
giúp Thọ ăn nói hùng hồn thuyết phục.
Hồ thích chí đứng dậy vỗ tay
ủng hộ gà nhà:
“Ðúng ! Ðúng ! Rất hay.”
Quay về phía Khả và Hân thách thức:
“Cãi đi !”
Tôi mang trọng trách phân xử hai phe, giờ
đây cũng đớ lưỡi. Trầm ngâm
giây lát, tôi nói vớt lãng xẹt:
“Nghe cũng có lý. Còn gì nữa
không ?”
2.
Lần này Thọ đi thẳng vấn đề,
nói vội như sợ mấy tên kia cướp
diễn đàn:
“Tui nói thật. Mấy ông bỏ nước
ra đi hơi sớm nên chẳng biết con mẹ
gì mà cứ đòi cãi bướng.
Cái câu mà mấy ông vừa dùng... Giấy rách phải giữ lấy lề...
là quá lỗi thời. Sai bét! Ở với mấy
đấng Việt cộng, các lương tâm của
thời đại... khủng bố, thì câu đó
phải đổi mới lại là ... Lề rách phải giữ lấy giấy
!”
Khả và Hân như mất bình tĩnh,
đứng phắt dậy.
Hân la lớn muốn khản cả cổ:
“Thôi. Thôi. Dẹp. Lý sự
cùn. Ðã gàn mà lại còn già
mồm.”
Thọ phân bua:
“Ðây là diễn đàn tự do.
Cứ việc tranh luận. Trước khi phê
phán cũng phải để tớ trình bày
đã chứ ! Ðây đâu phải là
phiên toà xử Cha Lý đâu mà... bịt
miệng. Các cậu là bạn của tớ, chứ
đâu phải là quan “tà” Nguyễn
Minh Mẫn (tên thật là Nguyễn U Đần) xử
hai vị anh thư Nguyễn Văn Ðài và
Lê Thị Công Nhân, đuối lý rồi
chụp mũ. Rồi xúi nhận tội để
tha. Như thể xúi con nít ăn cứt gà.
Xấu hổ đến thế. Phải không ?
Tôi giải thích để cho các
ông bài học thứ hai. Này nhé ! Tớ
còn nhớ vào thập niên 90 lúc
đó gặp mấy anh H. O. mới qua. Hỏi mấy
anh ước gì ?. Mấy ông trả lời
không đắn đo. Phải chi ở Việt nam
mà gom được giấy tờ sách báo vất
bừa bãi trong nhà ngoài phố, đầu
ngõ cuối đường như ở Mỹ
đây mà đem đi bán ve chai thì tức
khắc sẽ thành triệu phú ngay. Triệu
phú đô la chứ không phải triệu
phú tiền gánh già Hồ đâu
nhé. Sống khỏe re. Ðâu cần qua tới
đây loanh quanh lẩn quẩn nhức đầu với...
róp !” (job).
Hân thúc:
“Nói thẳng vào đề đi. Ðừng
câu giờ !”
“Mấy cậu thấy chưa ? Ở bên
mình giấy cũ giấy loại quý giá
vô cùng. Chỉ có dưới chế độ
ưu việt mới ‘rì-sai-cờn’ cả giấy
đi cầu. Chuyện khó tin nhưng có thật.
Thiếu nguyên liệu làm giấy chúng tận
dụng giấy cũ báo cũ. Bà con mình
nghèo túng bao nhiêu sách hay sách quý
xé hết làm giấy lộn đem bán kiếm
tiền chợ sống qua ngày. Xưa. Tần thủy
Hoàng, Hitler, Mao xính sáng... đốt hết
sách vở của tiền nhân. Nay. Việt cộng
không những đốt “sách báo đồi
trụy, phản động” mà còn nghiền
thành bột giấy. ”
Trầm ngâm giây lát, thấy mọi
người lắng nghe, Thọ nói tiếp:
“Các ông còn nhớ không ? Thuở
nhỏ lúc chúng mình còn đi học,
có ai mà không mong cho đến ngày
bãi trường. Chỉ trong dăm ba vần thơ mộc
mạc, Xuân Tâm đã tài tình nắm
bắt được tâm trạng háo hức
đợi chờ, niềm vui hớn hở của tuổi
nhỏ học trò trước ngưỡng cửa của
những ngày hè thú vị. Những vần
thơ mà bất cứ lúc nào chợt nhớ
lại cũng làm cho mình xúc động xao
xuyến; vương vấn chút nhớ nhung bâng
khuâng về những ngày tháng ắp đầy
kỷ niệm.
Sung sướng quá giờ cuối
cùng đã hết
Ðàn chim non hớn hở rủ
nhau về
Chín mươi ngày nhảy
nhót ở miền quê
Ôi tất cả mùa xuân
trong mùa hạ.
Khả lên tiếng châm chích:
“Chả ăn nhập đâu vào
đâu. Cứ như là giáo sư Việt
văn giảng bài !”
Thọ cười khua tay:
“Bình tĩnh để tớ nói
Ngày nay dưới mái trường xã hội
chủ nghĩa mọi sự đã đổi thay ngao
ngán lạ thường ! Học trò con nhà
nghèo (hầu hết) mong cho xong năm học. Việc
trước tiên là gom sách tập xé giấy
đem bán. Ðây là dịp hiếm hoi để
chúng có ít tiền còm dằn túi. Khốn
một nỗi, mấy mụ ve chai chỉ nhận mua giấy
lẻ mà không nhận bìa sách và lề
sách vì nặng ký. Cho nên lề rách
thì không sao, cứ cố giữ lấy giấy
mà bán. Chứ giấy rách mà cố
ôm lấy cái lề thì có nước
húp cháo khoai mì !”.
Ngừng để lấy hơi xong nói tiếp.
“Quí vị “áo gấm” về thăm
quê hương chỉ loanh quanh hưởng thụ ở
thành phố và những nơi chúng nó
bày ra để moi tiền. Khen nức khen nở
nào là Saigòn bây giờ vui lắm, lớn
lắm... Ối trời ơi ! Ði về thôn quê
mà xem. Dân đói. Dân đói. Biết
không hả ?”
Trước kết luận của Thọ, mọi
người cười rộ lên. Không khí buổi
gặp mặt trở nên vui nhộn, mất đi
cái không khí căng thẳng đôi co ban
đầu.
3.
Thấy mọi người tán đồng. Khả
và Hân cũng ra chiều quy phục.
Thọ thừa thắng tấn công:
“Ðã nói thì nói cho luôn.
Xưa nói. Gần mực thì
đen, gần đèn thì sáng là
nói cho luôn vần luôn điệu chứ cũng
trật lất. Phải sửa lại là Gần mực thì sáng, gần
đèn thì đen mới
đúng”.
Tôi nhịn hết nổi, cười lớn:
“Thôi tôi can. Cứ để cho ông
Thọ độc diễn với luận điệu
này, đến sang năm cũng chưa hết chuyện.
”
Thọ cười năn nỉ:
“Ðể cho tôi nói câu này nữa
là thôi. Không còn hơi đâu mà
nói nữa. Cho tiền tớ cũng vái.”
Cả bọn nhao nhao nói lẩy:
“Muốn nói bao nhiêu đó nói.
Nói đi !”
Thọ cười húc hắc hứng chí:
“Tôi hỏi mấy ông. Ai gần mực
? Học trò, giáo sư, văn sĩ, thi sĩ,
bác sĩ. Những người ngày ngày phải
cầm bút cầm viết nên gần mực.
Ðúng không ? Thế, họ sáng hay đen ?
Sáng quá chứ lị. Sáng rực !”
Hồ nôn nóng thúc:
“Ừ. Thôi được. Gần mực
thì sáng. Nhưng tại sao Gần đèn
thì đen ?”
“Ðiều này thì các ông biết
thừa. Tôi học được câu này sau
năm 75. Các cậu còn nhớ không, mỗi
tuần Sàigòn cúp điện bốn lần.
Mấy ông ở Huế vô chơi. Khoe.
"Thành phố lớn như ri mà thua ngoài
tui. Ngoài nớ mỗi tháng cúp điện một
lần thôi !" Hỏi ra mới biết. Mỗi lần
cúp đìện đến hai mươi chín
ngày. Chỉ có một ngày điện
lóe lên để đủ xem bóng
đèn nào còn xài được
!!!”
Tôi hỏi dồn:
“Rồi sao nữa ?”
Không nhìn tôi, Thọ tiếp tục mỉa
mai khôi hài:
“Ánh sáng của "đảng ta"
đã thay thế ánh sáng điện
khí. Thành phố, thôn quê nhà nhà
đều thắp đèn dầu leo lét. Dầu lửa
đâu phải dễ mua. Mặt hàng chiến
lược. Bán hạn chế theo chế độ
chính sách. Trạm xăng dầu, con buôn
bán lẻ, cán bộ bán chui trộn thêm
dầu cặn để bán lấy lời.
Ðèn thắp lên khói phun nghi ngút, tua tủa
như ống khói nhà máy. Trần nhà,
mùng màn đen như lọ nghẹ. Ăn xong bữa
cơm chiều đọc xong tờ báo gần
đèn, ngoáy hai lỗ mũi đen như hai ống
bô xe gắn máy. Thế nên tôi nhất
định bảo là... "Gần đèn
thì đen". Các bố ạ !”
Nghe xong, cả nhà cười lăn ra. Mấy
đứa con của Hồ đi học về, nghe
các bác nói chuyện cũng không nín
cười được.
Biết mình bị hố, Khả trách
thân:
“Thằng Thọ nó xạo mà mình
tưởng thật cứ gân cổ lên mà
cãi. Ðúng là ngu thật. ”
4.
Trâm, vợ Hồ, từ bếp chạy ra mồ
hôi nhễ nhại, cười nói với tôi:
“Hồi nãy gay cấn lắm. Em mong anh đến
để phân xử. Anh chỉ cười cầu
tài. Im thin thít. Chẳng có ý kiến
gì cả. ”
Tôi cười giả lả:
“Phân xử gì nữa.”
Trâm không chịu:
“Ý kiến anh thế nào ?”
“Theo anh thì Gần mực
không đen, gần đèn không sáng
!”
Vừa nghe xong cả nhà ào ào phản
đối. Trâm nguýt dài:
“X. . í, xí. Anh đại ba phải
!”
Tôi lấy bộ mặt nghiêm để
trán áp quần chúng, rồi dõng dạc:
“Có gì đâu mà ba phải. Gần
mực không đen. Vì, vì mực đỏ! Gần
đèn không sáng. Vì, vì mắt
mù !”
Biết tôi nói xạo, cả nhà cười
trừ.
Ðợi đâu đó im lặng. Nghe
chúng cãi nhau khan họng, tôi đâm ra
khát nước. Vớ lấy lon bia làm một
phát “chăm phần chăm”, rồi bắt
đầu ban cho chúng một thời pháp.
“Ðể mấy cậu cãi nhau chơi chứ
thật ra xuôi ngược, ngược xuôi
gì cũng đúng. Ðúng theo cái
lý, cái định kiến của mình.
Vô lý nhất là cứ cho cái mà phe
ta, hoặc cá nhân ta nghĩ ta làm ta theo,
là duy nhất đúng. Ngoài ra thiên hạ
trật hết trọi.
Chân lý chỉ
là một. Mỗi các
cậu nhìn từ một hướng khác nhau nắm
bắt một phần khác nhau, nên lối giải
thích tất không thể giống nhau. Câu chuyện
năm ông mù sờ voi là một ví dụ
cổ điển rất lý thú. Ông sờ nhằm tai
voi thì cứ khăng khăng bắt người
khác tin rằng con voi có hình thù cái
nan quạt. Ông vớ cái chân thì gân cổ
bắt thiên hạ chấp nhận voi giống như
cái cột đình vân vân và vân
vân. Phải chi họ chịu ngồi lại với
nhau, rồi ráp nối theo kiểu lắp ráp
điện tử. Thì, dù không chính
xác hoàn toàn cũng mường tượng
đại thể ra hình con voi.
Cội nguồn chia rẽ
chống đối hận thù, nghĩ cho cùng cũng
vì xử với nhau nặng về lý mà nhẹ
về tình. Cộng sản
sụp đổ một phần vì lấy cái
lý cứng ngắc để giải quyết mâu
thuẫn giai cấp mà loại đi cái căn bản
cốt lõi là tình người.
Cái tình thì thường đúng.
Cái lý thì tùy lúc, tùy nơi
và tùy người. ”
Phong, đứa con lớn của Hồ, nãy giờ
ngồi thu mình nghe chuyện. Bỗng đứng dậy,
lễ phép:
“Dạ thưa mấy
bác cho con góp ý.”
Hồ nghiêm mặt
nhìn con:
“Không
được vô phép. Trẻ con không
được xen vào.
Hân từ đầu
đến giờ ngồi yên. Giờ cóc mới mở
miệng:
“Trời ơi !
Cháu nó học đại học mà cậu
dám bảo là trẻ con. Cái trật của
các bố là cứ coi con mình là đồ
trẻ con. Hậu sinh khả uý. Tương lai nằm
trong tay bọn nó. Chúng mình quá thời rồi.
Ðầu óc cứng đặc như sạn. Mọi
việc phải giao lại cho đám trẻ mới
mong khá được. Cháu. Cháu nói
đi !”
“Trước hết
cháu xin lỗi là không có ý ám chỉ
hay hỗn láo. Theo cháu. Người Việt
mình ở hải ngoại vào thế hệ mấy
bác, không phải cãi nhau hay bất đồng
vì nhìn sự việc ở các phía
khác nhau. Họ chống đối nhau còn
quyết liệt hơn khi cùng nhìn về một
phía. Cháu ví dụ. Ai cũng hô hào chống
độc tài chống cộng cứu nước. Tại
sao họ lại chống đối nhau liên tu bất
tận. Ai cũng cho mình là nhất
trên cõi đời. Các bác đọc
báo hay theo dõi sinh hoạt trong cộng đồng
thấy điều cháu nói ra là thật. Một
sự thật đau lòng. ”
Như gãi
đúng chỗ ngứa, tôi cười khoái
trá:
“Thế theo
cháu và thế hệ tuổi trẻ các
cháu nghĩ thế nào ?”
Không dấu
được sự thích thú như học
trò trúng tủ đề thi, Phong cười rạng
rỡ:
“Dạ. Lớp trẻ
chúng cháu thường nói với nhau. Thế
hệ các chú các bác có trách nhiệm
vì có nước trong tay mà không giữ
được nước. Giờ đây cũng đừng
trông cậy các chú các bác lấy lại
được nước. Vừa rồi trong nước
có bác làm thơ “Gửi súng về
cho tao” được các bác bên này
hoan hô phổ biến. Cứ nói chuyện ngây
ngô trên trời. Nói cho sướng miệng.
Chúng cháu tin vào những người trẻ,
chị Lê Thị Công Nhân, anh Nguyễn văn
Ðài và rất nhiều anh chị em khác. Cũng
như các bác lớn tuổi sức yếu gần
đất xa trời như cụ Hoàng Minh
Chính... họ đang ở trong nước bị khủng
bố tù đày. Rất can đảm và
có lý tưởng. Còn cứ ở bên
này la hét. Tại sao không thế này. Tại
sao không thế kia. Rồi chỉ trích bôi nhọ,
nghi ngờ không chừa một ai. Các cháu
chán lắm, nản lắm rồi ! Ở
ngoài... nói thánh, về (ở luôn) để
đánh... không có tui.”
Không khí bỗng
trở nên sâu lắng.
Phong ngần ngại, rồi
nói chậm rõ:
“Tại sao ? Chia rẽ.
Vì định kiến. Vì muốn được
nhắc tên. Và vì mang căn bệnh "tự phong thánh". Chống
cộng như vậy, trở thành một dạng bệnh
tâm thần. Có người đã ví von.
Mấy chú mấy bác, người
đeo kính đen, kẻ mang kính đỏ,
có người đeo kính vàng... Cãi nhau
chí chóe tranh phần đúng cho mình về...
màu tuyết của Alaska!”
Ninh Hạ
(Bai Chuyen)