Tạ ơn trên
người vẫn thương người
(T.Vấn)
Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng
Bao sinh linh nhận phép giải oan.
Xiết tay nhau cúi đầu gạt
lệ.
Tạ ơn Trên. Người vẫn
thương người.
(Trầm Tử Thiêng)
1.
Cả nước Mỹ đang nô nức chuẩn
bị cho những ngày lễ hội hàng năm.
Chỉ riêng trong dịp lễ Tạ Ơn năm nay,
theo ước tính sẽ có khoảng hơn 37 triệu
người sử dụng các phương tiện
máy bay, xe lửa, xe bus hay xe nhà để đi
thăm viếng thân nhân, bạn bè. Rồi sau
4 ngày cuối tuần của Lễ Tạ Ơn,
là những kế hoạch của từng gia
đình chuẩn bị cho việc mua sắm quà
cáp mừng tháng mười hai với những
ngày nghỉ lễ dài hạn Giáng Sinh,
Năm Mới. Một không khí lao xao chộn rộn
hiện diện khắp nơi, từ trường học,
chợ búa cho đến tận ngóc ngách mỗi
gia đình. Nhưng ở đâu đó
bên kia vùng biển phía Nam của quả địa
cầu, nhiều người khác đã không
được cái may mắn như đồng loại
của mình sống bên trời tây.
Những ngày giữa tháng mười một,
người ta ghi nhận một cơn bão xoáy
(cyclones) có sức tàn phá kinh khủng
đã đổ bộ vào Bangladesh, một quốc
gia nhỏ bé nghèo nàn ở vùng nam
Á vốn thường xuyên bị lũ lụt
vào mùa mưa. Hàng chục ngàn người
chết, chưa kể số mất tích. Hàng triệu
người phải bỏ cửa bỏ nhà di tản
ra khỏi vùng bão lụt, sống màn trời
chiếu đất, thiếu thốn mọi nhu cầu
căn bản nhất cho cuộc sống hàng
ngày. Đây không phải là lần
đâu tiên quốc gia nghèo nàn bị
tàn phá bởi thiên tai. Năm 1970, gần 500
ngàn người chết vì bão xoáy.
Năm 1991, cũng có khoảng 140 ngàn người
thiệt mạng vì bão và lũ lụt.
Ngoài thiệt hại về nhân mạng, còn
có sự thiệt hại về tài sản,
nhà cửa, các cơ sở sản xuất ,kinh tế,
mà một quốc gia nghèo như Bangladesh phải
cần một thời gian rất dài mới có thể
hồi sức được.
Trong khí đó, Việt Nam
cũng chia sẻ chung một số phận với Bangladesh.
Chỉ trong vòng một tháng, từ tháng
mười đến nay, miền trung của đất
nước đã phải trải qua 6 cơn lũ. Những
cơn lũ nối tiếp nhau, với mực nước
ngày càng cao, và sự thiệt hại cũng
tăng lên theo tỉ lệ thuận với với
độ dâng cao của lũ. Tính cho đến
nay, chỉ riêng tỉnh Quảng Nam, con số người
chết và mất tích đã lên đến
gần 30 người. Hàng ngàn nhà cửa bị
thiệt hại hay bị nước cuốn trôi. Trong
lúc các nơi bị thiên tai vẫn còn
đang chật vật với hậu quả của
bão lụt, thì những cơn bão vẫn tiếp
tục từ ngoài khơi quần đảo Phi Luật
Tân tiến nhanh về phía Nam biển Đông,
đe dọa những tàn phá còn lớn
hơn nữa vào những ngày cuối cùng của
tháng mười một.
Mọi sinh họat khu bị bão và đe dọa
bị bão đình trệ. Chợ búa, trường
học đóng cửa để lo chạy bão. Rồi
đến mối lo những ngày sắp tới đối
diện với tình trạng mất việc làm,
thiếu thu nhập có nghĩa là thiếu ăn,
thiếu mặc và cả việc tệ nạn
xã hội theo với hậu quả không tránh
khỏi của lũ lụt mà gia tăng.
Cũng lại không thể không nhớ đến
câu ca buồn thảm từ một bài hát
đã ra đời từ mấy chục năm
trước về mảnh đất nghèo miền
trung vốn thường bị "trời hành
cơn lụt mỗi năm" và cái số phận
nghiệt ngã của người dân sống trong
vùng bão lụt. Năm 2006, bão Chanchu
đã cuốn trôi bao nhiêu là nhà cửa
tài sản của người dân cùng với
hàng trăm mạng sống con người, nay lại
đến mùa bão 2007. Tôi đọc lại
những điều mình viết hơn một năm
về trước, vẫn thấy chúng đúng một
cách xót xa :
"... Chuyện bão ở những làng ven
biển chuyên sống bằng nghề chài lưới
vốn không có gì lạ. Nhiều gia
đình cha truyền con nối với nhiều thế
hệ ngày đêm lênh đênh trên
sông, trên biển, cho nên, cái lời nguyền
rủa "nhất phá sơn lâm, nhì
đâm hà bá" cũng chẳng làm họ
nao núng, nghĩ đến việc bỏ nghề,
dù biết "sinh nghề, tử nghiệp". 50
năm trước, 30 năm trước, 20 năm trước,
10 năm trước, bão đã từng gieo tang
thương cho nhiều gia đình ngư dân
trên miền Duyên Hải Việt Nam. Nhưng
không phải vì thế mà người ta
(các giới chức chính quyền) cứ để
mặc cho những mất mát đau thương ấy
tiếp tục tái diễn hàng năm, khi mà
khoa học kỹ thuật ngày nay đã có thể
tiên đoán một cách chính xác mọi
thay đổi của thiên nhiên, khiến những
"cơn thịnh nộ" khủng khiếp trong
quá khứ như gió xoáy (tornado), sóng thần
(tsunami) và bão cấp 8 (hurricane) nay đã
không còn gây nên những thiệt hại về
nhân mạng như xưa nữa.
Sống giữa thời đại bùng nổ về
thông tin, về khả năng thần sầu của kỹ
thuật, mà sao vẫn còn những thảm cảnh
lẽ ra có thể tránh được ... "
(Con bão đầu mùa và một miền
quê hương nghèo khó - Tháng 8-2006).
2.
Tất nhiên, như thường lệ mỗi
khi có thiên tai, nhân tai xẩy ra ở bất cứ
nơi đâu trên mặt đất loài
người, người ta lại không quên hướng
tấm lòng, chìa một bàn tay nâng đỡ
về nơi đó. Tại Bangladesh, đã
có sự hiện diện của nhiều tổ chức
từ thiện trên thế giới như World Bank, Save
The Children, World Vision, Red Crescent, Red Cross v..v… cùng với
những thứ thật cần thiết cho người bị
nạn như thực phẩm, quần áo, chăn
màn, thuốc men. Nhiều tổ chức và
chính quyền các quốc gia trên thế giới
cũng cam kết gởi viện trợ khẩn cấp
đến Bangladesh. Tổ chức World Bank cam kết 250 triệu
Mỹ kim, nước Anh cam kết 15 triệu, nước
Mỹ cam kết hơn 2 triệu viện trợ khẩn cấp.
Riêng Saudi Arabia cam
kết 100 triệu Mỹ kim giúp Bangladesh hồi phục sau
cơn bão. Ngoài ra, Hải Quân Hoa Kỳ cũng
đã phái tới Bangladesh hai chiếc
tàu cứu hộ, mỗi chiếc chở theo 20
máy bay trực thăng dành cho công việc giải
cứu và vận chuyển thực phẩm, thuốc
men.
Riêng ở Việt Nam, vì tầm mức
thiệt hại do bão chưa tới mức cần
đến sự quan tâm của thế giới,
nên phần lớn những hoạt động cứu
trợ chỉ đến từ trong nước và
trong cộng đồng người Việt hải ngoại
.. Riêng Hoa Kỳ, đã cam kết 900 trăm
ngàn Mỹ kim để giúp phục hồi lại
cuộc sống bình thường của người
dân vùng bão lụt, trong đó bao gồm
việc "giúp xây dựng lại nhà cửa
bị hư hại, cung cấp hạt giống, con giống,
khôi phục ruộng đồng, làm sạch
các giếng nước và sửa hệ thống
cung cấp nước. Số tiền cũng sẽ
được sử dụng để thay thế
sách giáo khoa và dụng cụ học tập bị
lũ lụt cuốn trôi, sửa sang các phòng
học ... " (trích lời phát biểu của
Đại sứ Mỹ ở Việt Nam Michael W. Michalak). Ở
hải ngoại, nhiều tổ chức xã hội,
tôn giáo của người Việt Nam tị nạn
Cộng sản cũng đã vì đồng
bào ruột thịt mà đứng ra vận động
các chương trình từ thiện như từ
bao lâu nay họ vẫn làm mỗi khi có những
hoạn nạn xảy ra cho người dân trong nước.
Những tấm lòng máu chảy ruột mềm lại
có dịp chia sẻ, các đoàn thể
xã hội lại lên đường đổ
xô về vùng bị nạn. Và một lần
nữa, câu hát cũ lại vang lên : "... tạ
ơn trên người vẫn thương người
... "
3.
Nghe lại câu hát "tạ ơn trên
người vẫn thương người" giữa
những ngày buốt giá tháng mười một
và không khí xôn xao của mùa lễ Tạ
Ơn, tôi nhớ mình có đọc
đâu đó nỗi ưu tư của một
người về căn bệnh gọi là vô cảm. Thứ căn bệnh
khiến người ta trở nên thờ ơ với
nỗi đau của đồng loại. Tác giả còn đi xa hơn
nữa khi liệt kê những triệu chứng
đáng sợ của bệnh vô cảm : thấy điều tốt không ủng
hộ, nghe điều xấu không lên án, gặp
chuyện bất bình thì vội lảng xa để
khỏi liên lụy hoặc khư khư một
thái độ mũ ni che tai. Nếu một xã hội vô cảm là
một xã hội băng hoại về đạo
đức thì một con người vô cảm
là biểu tượng của sự sống thuần
túy vật chất, là một thi hài biết
thở và là kẻ phá hoại những
giá trị cao quý nhất phân biệt sự
hiện hữu của con người và các
loài sinh vật khác. Không thể phủ nhận
rằng, ở bất cứ đâu, bất cứ thời
đại nào cũng có những người chỉ
biết sống cho mình và không hề quan
tâm đến người khác. Nhưng khi nó
chỉ là biểu hiện ích kỷ của một
con người riêng lẻ, thì đó là
sự bình thường. Khi nó là biểu hiện
chung của một tập thể, một xã hội,
thì nguồn gốc của nó thường
không phải bản tính vị kỷ mà
là hậu quả của
một cơ chế làm tha hóa con người.
Xét cho cùng, cái nhân quần biết
chọn hạnh phúc của sự cho đi, sự chia
sẻ vẫn là số đông và thường
được thấy cả khi người ta có rất
ít để chia sẻ. Vì thế, hình ảnh
rõ nét nhất trong những ngày cả nước
Mỹ xum họp gia đình bên bàn tiệc
đầy ắp thức ăn cùng với hoa quả
cho buổi tiệc Tạ Ơn là hình ảnh những
người đội mũ len đỏ của Santa
(ông già No-en), đứng ở những nơi
công cộng đông đảo người qua lại,
tay rung chuông, với cái thùng tiền bên cạnh.
Họ thu nhận lòng hảo tâm của mọi
người để giúp cho những kẻ kém
may mắn, thiếu thốn cùng được hưởng
niềm vui no đủ trong những ngày lễ hội
cuối năm. Một tấm lòng nhân hậu
không thể cảm thấy ấm khi có người
đang bị lạnh, không thể cảm thấy niềm
vui trọn vẹn trong khi còn nhiều người
khác chịu đựng những khổ đau, bất
kể khổ đau ấy là do tai trời, ách
nước hay sự độc ác của con người.
Khi ấy, sự chia sẻ chính là cách hữu
hiệu nhất để đạt được cảm
giác an bình thanh thản trong lòng mà
người cho đi nhận trở lại.
Vả lại, con người chỉ thực sự tồn tại
khi còn biết yêu thương và chia sẻ.
T.Vấn
(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)