Cô ba Huế
(Phan)
1.
Ông Đại chủ tiệm giặt mở hũ
kim chi thì mỗi ngày, nhưng mở lòng với
hàng xóm ở khu thương mại này
thì hiếm lắm! Vậy mà sáng nay, tôi
đang nói điện thoại với bạn bè
ngoài thùng thơ của building thì ông
đem ra cho tôi một ly trà. Tôi gật đầu
cảm ơn vì đang bận đấu hót
nhưng không quên ông Đại thường
không làm những việc thừa! Tôi mở cửa
xe mình lấy bao thuốc lá với cái quẹt,
đưa ông. Bởi trí nhớ tôi còn tốt
lắm, ông tuyên bố bỏ thuốc đã
có hơn ba tháng nay, nhưng bỏ mua chứ
chưa bỏ hút.
Trong không khí lễ hội cuối năm với
tiết trời khá lạnh, không gian lá
vàng bay muôn nơi như chính những đứa
trẻ đầu xanh chân đất của ba, bốn
mươi năm trước - những tiếng nói
giọng cười xưa cũ lại vang lên trong
điện thoại mà nhắc về ngôi trường
tranh vách đất như cái chuồng bò; nhắc
lại một dòng sông cuối xóm … chảy
đi đâu ? Những từ ngữ xưng hô:
“mày/ tao” thật lâu rồi mới nghe lại
trong cuộc sống “ông/ tôi” rỗng tuếch
nơi này ! Ly trà thơm trên tay hòa quyện
với tâm tư tình cảm trong tôi đến
tuyệt vời trong một sáng mùa đông.
Sau những giây phút trở về mái
trường xưa với bạn cũ, những ký ức
về một dòng sông, ngôi trường
làng … thơm ngọt dư vị trà sâm
trong cuống họng. Tôi bước vô tiệm giặt
để hỏi ông Đại là trà gì
mà ngon đến … cho tôi xin ly nữa
được không ? Nhưng đã nói
là ông Đại mở hũ kim chi thì mỗi
ngày nhưng mở lòng với tha nhân thì
hiếm lắm ! Ông chỉ viết cho tôi vài
chữ Đại Hàn lên miếng giấy và
bảo tôi: “Có bán ngoài chợ Đại
Hàn”. Tôi sống đời tha phương
nên chẳng biết buồn với đối nhân
xử thế không phải bạn bè, tôi về
tiệm tôi để bắt đầu một
ngày mới có dư vị xa xưa đầy kỷ
niệm.
Sáng hôm sau, thay vì pha bình trà bỏ
lên xe, rồi đi làm. Tôi chỉ đổ
nước sôi vô bình chứ không bỏ
trà xanh mà lái thẳng ra chợ Đại
Hàn để mua thứ trà ông uống
bà khen như lời ông Đại giới thiệu
thêm vào buổi chiều cùng ngày. Tôi
vô chợ kim chi, tìm đến hàng trà
bánh để lạc vào mê hồn trận với
chữ nghĩa Đại Hàn. Những con chữ ngoằn
nghèo như giun mà trong mắt người mù
chữ ngoại thì nó cùng họ với chữ
Nhật; chữ Tàu đến choáng váng
đầu óc, tôi cố tìm một người
Đại Hàn trong chợ để nhờ giúp !
Nhưng chợ sớm quá, chỉ le hoe mấy anh Mễ
còn ngái ngủ - đang xắp hàng lên kệ.
Tôi tìm được bà cụ thất thập,
tóc trắng, dáng gầy toả vẻ thanh cao, cũng
đang xăm xoi hũ này gói nọ. Tôi ngờ
ngợ bà gốc kim chi nên tôi hỏi nhờ
giúp bằng tiếng Anh thì bà trả lời
tôi một câu tiếng Việt - giọng Huế:
“Tôi là người Việt Nam, anh người
Tàu hỉ…”
Tôi cười cảm ơn vì bà cụ
này vui thật ! Nghĩ tôi người Tàu
mà hỏi tôi bằng tiếng Việt …
trơn tru. Từ đó, tôi cứ dõi mắt
theo bà cụ mà linh tính tôi nói
là người quen. Càng quan sát lén
thì càng hứng thú vì dáng đi
khác người của bà cụ gợi nhớ
cô ba Huế ở xóm tôi dạo nọ. Một
xóm làng hiền hoà bên con sông xanh
mà hôm qua bạn bè tôi còn nhắc
là hết tuổi trẻ chúng tôi vẫn
chưa thám hiểm được sông chảy về
đâu ? Trong đầu óc tôi hiện lên
những gương mặt bạn bè, từng
ngôi nhà trong xóm với cây trái
nhà ai - hương vị thế nào ? Nhà
cô ba Huế làm nghề thợ may ở cuối
xóm …
Năm ấy khoảng Mậu Thân (1968), tôi mới
năm, sáu tuổi đầu nhưng đã
có mặt trên từng cây số của
cái xóm nghèo ven sông. Một dạo,
có những gia đình người miền Trung chạy
giặc vào. Chính quyền địa phương
cấp đất cất nhà và giúp đỡ
gạo tiền để ổn định cuộc sống.
Cô ba Huế năm đó chừng ba mươi,
nghe nói chồng chết nhưng có đứa con
gái cỡ tuổi tôi. Cô đến xóm
tôi với con gái và ông già đầu
bạc như cha cô thì phải. Ba người họ
sống chung trong căn nhà hoang mà chủ cũ là
Việt cộng nằm vùng, đã bị bắt
quả tang có truyền đơn và súng
đạn chôn trong vườn nên Cảnh sát
Quốc gia cho đi nghỉ mát ngoài Côn đảo.
Nay, căn nhà vô chủ đó, được
chính quyền cấp cho cô ba vô ở và
còn xin tôn bên căn cứ Mỹ để
thay mới cho đồng bào chạy giặc
ngoài Trung vào, nên nhà cô nổi bật
trong xóm với tôn nhôm trắng loá dưới
ánh mặt trời. Không nhớ khi nào
thì ông già và con bé gái bỏ
đi ? Từ đó, cô ba một mình. Tôi
nhớ con nhỏ … nó nói nó nghe chứ
tôi cũng không hiểu nó nói gì !
Cô ba mang tiếng không hay trong một xóm
làng dân dã là cô ba chồng chết,
nhưng những người có từ tâm hơn
thì gọi là cô ba Huế. Cô ba mướn
người rào dậu ngăn sân bằng cọc
sắt với kẽm gai làm phật lòng hàng
xóm vì xóm tôi luông tuồng nhà
này qua nhà kia đã quen mắt mọi người.
Trẻ con bọn tôi thì không thích
cái hàng rào kiên cố làm xa lạ
chúng tôi với cây khế, cây chầm ruột,
cây trứng gà … đã có trong
sân ngôi nhà hoang từ khi cô ba chưa đến
đây. Tóm lại, giọng Huế đã
làm cho cô ba nổi bật trong một xóm
làng miền Nam, nay thêm cái bờ rào
làm cho thiện cảm của láng giềng trong
xóm thêm xa cách. Nhưng từ hôm cô ba
treo bảng “Nhận may vá quần áo”
thì có người gọi là cô ba thợ
may và nhiều thiếu nữ trong xóm lui tới
để may mặc. Với cánh đàn ông
thì xầm xì chuyện cô ba đi về lẻ
bóng nhiều hơn vì đàn ông xóm
tôi chỉ có nhu cần ăn nhậu chứ
không có nhu cầu ăn mặc.
Bỗng một hôm, gió heo may đã về
… Chú Tư bánh mì “quậy”
cô ba làm om xòm làng trên xóm dưới.
Chú Tư là lính Nghĩa quân ngoài
đồn, chú mập và lúc nào cũng
… say. Quần áo lính lè phè không
tả nổi, đôi giày bố của ổng
là thiên hạ đệ nhất… thúi.
Chú có đàn con nhỏ chừng bảy,
tám đứa. Sáng ra là mỗi đứa một
cái bao bồng bột trắng chứa chừng hai chục
ổ bánh mì nóng giòn, thím Tư thả
đàn con đi khắp xóm bán bánh
mì. Đứa nào hết trước về
trước nộp tiền cho thím Tư, và từ
đó đến mặt trời lặn trong ngày
thì nó tự do đi phá làng phá
xóm là chính - đi học là phụ.
Thím Tư chỉ lo xong chuyện bánh mì cho
đàn con đi bán mỗi sáng là
thím gầy sòng tứ sắc tới chiều
hôm. Cái tên chú Tư bánh mì có
từ bao giờ thì tôi cũng không biết,
chỉ biết được theo mấy thằng con
chú Tư mà đi phá làng phá
xóm thì khỏi chê ! Tụi nó phá từ
Chùa ra tới Thổ thần ngoài Đình cũng
khóc tiếng Miên.
Hôm chú Tư xuống phiên gác đồn,
ghé quán Chín Chiều nhậu tiết canh heo với
lòng lợn, trên đường về nhà ngủ
lấy sức để chiều nhậu tiếp. Lúc
ngang nhà cô ba Huế giữa trưa vắng vẻ,
ngoài hiên gió heo may đã về …
cô ba vừa may vừa hò “sầu lẻ
bóng” bên song cửa sổ làm con lợn
lòng chú Tư ngọ nguậy; làm xà lỏn
đứt dây thun nên chú Tư ghé cô
ba nhờ luồn lại dây thun quần ! Chẳng biết
cuộc thương lượng của chú Tư với
cô ba thế nào mà cô ba đá
chú Tư bay ra đường làm chó sủa
rân trời giữa ban trưa, trẻ con túm tụm
kháo nhau: Cô ba có võ. Thím Tư nghe
tin, bỏ sòng tứ sắc đi cứu chồng với
cây chổi chà trong tay thì không nguy hiểm
gì nhưng cái miệng thím Tư la làng
… “con ba Huế giết chồng tui” thì
náo động làng trên xóm dưới.
Từ đó, cánh đàn ông
mà đặc biệt là mấy ông lính
Nghĩa quân “nghía” cô ba đi chợ
dữ dội. Hôm đó, đám trẻ
chúng tôi mới giật cô hồn ở
nhà nọ cúng tháng bảy. Cả
đám tụ tập trước nhà hớt
tóc Thanh Xuân, chúng tôi ăn những thứ
giật được như mía lóng, trái
cóc, đậu phộng luộc … thằng Mỹ
con bà sáu Sận lớn con nên háu ăn,
nó vừa ăn của nó, vừa giật ăn của
thằng Cu mót - con chú Tư bánh mì. Thằng
Cu mót không hiền nên hai đứa
đánh nhau, Cu mót nhỏ hơn nên bị
đau, nó lăm le cục đá đỏ tổ
chảng, lừa thế chọi thằng Mỹ sao cho
trúng rồi chạy. Ai dè, ba nó ngoài
đồn về, thấy. Chúng tôi méc
chú Tư là thằng Mỹ ăn hiếp Cu
mót. Chú Tư tịch thu hết mía, cóc,
đậu phộng của hai đứa nó …
để tao đi nhậu ! Thằng Mỹ la làng
“Ỷ lớn ăn hiếp con nít.” Chú
Tư nói nó: “Vậy sao mày lớn
hơn thằng Cu mót mà mày đánh
nó để giật đồ ăn ? Bây giờ
tao không lấy nữa, mày có ngon thì chấp
thằng Cu mót một tay, hai đứa đánh
tay đôi. Đứa nào thắng lấy hết.”
Đám con nít cổ võ vì đứa
nào cũng thích coi đánh lộn và
ghét thằng Mỹ vì nó ăn hiếp nhiều
đứa chứ đâu riêng gì Cu mót.
Chú hai Đức cũng là lính nghĩa
quân ngoài đồn - con ông cụ Thanh
Xuân hớt tóc, từ trong nhà đi ra xem
và làm trọng tài khi thằng Mỹ bị
chọc quá nên liều xung trận chứ nó
cũng rét chú Tư đang có mặt ở
đó lắm ! Hàng xóm nghe ồn cũng
đã bắt đầu ra xem, ai nấy cười ngất
với luật thi đấu của chú hai Đức.
Luật rằng: Thằng Mỹ phải cho tay trái vô
quần tà lỏn… bụm cu. Hễ tay trái
mà rời cu là thua - không cần đánh
nữa !
Trận đọ sức bắt đầu với
thằng Mỹ - tay trái bụm cu - không được
rời. Nó còn có tay phải quơ quơ
… bị thằng Cu mót đục cho một trận
phù mỏ. Nó đau quá … lỡ bỏ
tay trái khỏi bửu bối để đỡ
đòn, rồi bất chấp luật lệ - tấn
công Cu mót. Bị chú hai Đức tóm cổ,
xử thua liền tại chỗ. Nó quê quá, bỏ
về, hẹn ngày làm thịt Cu mót.
Chúng sanh a dua thì thời nào chả nhiều
! Cả bọn bu vô Cu mót ăn ké chiến lợi
phẩm. Chú Tư bỏ đi … nhậu. Chú
hai Đức ngồi coi đám con nít ăn đồ
cúng cô hồn một hồi. Đồ ăn
đã hết nên nhiều đứa tản đi
chơi chỗ khác, chỉ còn vài đứa
ngồi gốc cây nhà chú Hai đợi
nhà khác cúng cô hồn thì lên
đường thi hành công vụ. Bỗng !
Cô ba Huế đi chợ về. Từ xa đã biết
là cô ba vì dáng người cao ráo lại
còn đi guốc cao, tóc dài, da trắng
như sương … cô ba đi như gió thoảng
mây bay bởi quần áo cô ba lúc nào
cũng tha thướt chứ không như các
bà lôi thôi trong xóm. Chú hai Đức
động lòng trắc ẩn mà lệnh rằng:
“Đứa nào vỗ đít cô ba Huế
một cái thì tao cho năm đồng khía
ăn cà rem.”
Nghe năm đồng khía thì cả
đám sáng mắt nhưng có gan chỉ thằng
Cu mót. Nó nhỏ con nhưng gan lớn lắm !
Nó đợi cô ba ngang nhà chú hai Đức
là đứng dậy đi theo … Cô ba thấy
nó theo bên trái thì chuyển cái giỏ
nhựa màu hồng sang bên phải vì sợ
nó móc giỏ. Nó tạt qua phải thì
cô ba chuyển giỏ qua trái mà không biết
nó đang lừa thế vỗ mông ! Đầu
nó chỉ cao bằng lưng quần cô ba mà
nó chuyển vị liên tục làm cô ba
chóng mặt ! Quay mòng mòng theo nó một
hồi. Cô ba đứng “hỉ” cho nó một
chặp … đâu ngời nó vỗ mông
cô ba cái phét rồi chạy.
Cô ba giận quá nhưng làm sao chạy
lại nó mà đuổi ! Cô ba rẽ
trái chứ không đi thẳng về nhà
mình nữa, cô theo con đường mòn
vượt qua bãi cỏ tranh để đến
nhà chú Tư bánh mì - mắng vốn.
Đám con nít theo sau như đi hội chợ,
thằng nhỏ cao nhất - đi sau cuối là
chú hai Đức.
Cô ba mắng té tát vào mặt
chú Tư … nào là không biết dạy
con; nào là mất dạy có giòng có
giống … con nít mới nứt mắt đã
dâm ô, vỗ đít đàn bà.
Chú Tư nghiêm nghị trả lời:
“Đâu phải cô ba méc thì tui
kêu con tui về mà đánh nó được
! Tui đi bắt Việt cộng nằm vùng thì
cũng phải có chứng, có cớ - truyền
đơn, súng đạn, cờ xí … mới
bắt người ta được. Con tui đánh
cô chỗ nào ? Cô trưng ra bằng chứng dấu
tay của nó thì tui mới xin lỗi cô - trừng
trị nó được chứ !”
Cô ba chửi rân trời, xóm làng
được dịp nghe giọng Huế đã tai.
Chú Tư bánh mì với chú hai Đức
thả bộ ra quán Chín Chiều. Đám con
nít tâng bốc thằng Cu mót lên thủ
lãnh vì nó mới lãnh năm đồng
khía của chú Hai. Nó hào phóng
như chú Tư vậy, cả đám theo nó
kéo nhau ra tiệm tạp hóa thằng Chí
(không biết sao cứ hễ có một người
Tàu sống trong xóm người Việt thì
người Tàu đó mặc xà lỏn chệt
- dài tới đầu gối; ở trần quanh
năm; trên mu hai bàn chân có vài cục
ghẻ - không bao giờ hết - hình như để
dụ ruồi ?! Và bán tạp hoá. Và bị
kêu bằng thằng. Dù ông Chí, tóc bạc
trắng đầu từ trước khi đám nhỏ
kêu ông bằng thằng được sinh ra).
Đám cô hồn sống đang ăn
tép mỡ ép khô là đặc sản của
tiệm ông Chí - do thằng Cu mót khao quân
thì bắt được tin: Cô ba nhất định
không về nhà mình để nấu cơm
mà đến nhà ông Tám Hưởng
(là ông nội thằng Cu mót; cha của
chú Tư bánh mì). Cô ba gào cho
được ông Tám ra mặt để mắng
vốn: “Ông không biết dạy con cháu
ông … giòng giống dâm ô; vô
giáo dục; mất dạy ba đời …”
Ông Tám già lắm rồi, xưa
làm thợ mộc nhưng búa đục của
ông cũng đã đóng bụi vài
năm nay vì mắt mũi kèm nhèm nên
ông đâu làm gì được nữa.
Ông Tám khẩn khoản xin cô ba … cho rờ
chỗ bị đánh ! Nếu có và
đúng là dấu tay thằng Cu mót thì
ông Tám xin lỗi cô và trừng trị cha
con thằng Cu mót theo lời yêu cầu của
cô ba.
Cô ba giận tím gan tím ruột, quảy
giỏ đi thưa ông làng, ông xã. Khu vực
quân sự gồm: Hội đồng xã, Chi khu cảnh
sát, Đồn nghĩa quân, chung một vòng
rào kẽm gai - có gài mìn claymore và
duy nhất một cổng vào - có lính Nghĩa
quân canh gác 24/24 nên con nít không
được vào. Thuở ấy, tôi chưa
có thẻ “Phóng viên không biên giới”
nên không biết thêm được gì !
2.
Tôi dõi mắt theo cô ba, nay đã bảy
mươi, trong cái chợ mà đời tôi
không ngờ có ngày mình bước chân
vô là chợ Đại Hàn; không ngờ lớn
hơn là gặp lại cô ba ở một nơi
cách làng xưa, xóm cũ tới nửa
vòng trái đất. Không ngờ lớn nhất
là bốn mươi năm dâu bể dòng
đời, đứa bé lên năm đã bốn
lăm, cô ba thướt tha … tóc dài, da trắng,
dáng điệu nuột nà trong ký ức
tôi đã là bà cụ bảy mươi
- đi chợ một mình trên xứ lạ.
Tôi muốn chạy đến cầm tay bà cụ…
“Cô ba nhớ con hôn ? Con là thằng
…” Nhưng cô ba là cô ba ! Cô ba
không phải là bà Tư, bà Tám
… cho tôi nhắc lại ân tình !
Năm “giải phóng” thì tôi
đã 13, cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới.
Nhưng hoàn cảnh đất nước thu nhỏ
là xóm làng, gia đình … đã
buộc một đứa trẻ chọn lựa chiến
tuyến trong thầm lặng. Tôi bị kỳ thị,
bạc đãi trong trường học bởi lý
lịch gia đình nên tự nhiên tôi đứng
về bên thua trận dù tôi chưa cầm súng
bao giờ. Bây giờ, tôi đứng đây !
Lòng ngập tràn ký ức … dòng
sông tuổi nhỏ - không biết chảy về
đâu ? Nhưng dòng ký ức trong tôi chảy
về quê quán một cách tự nhiên của
người xa xứ. Những hình ảnh thân
quen, những gương mặt bạn bè … cả
những muộn phiền xưa cũ gói gọn trong
hình hài - quá khứ thướt tha kia !
Cô ba. Tôi muốn gọi bằng tiếng lòng
con trẻ nơi xứ xa gặp lại quê nhà.
Nhưng hai tiếng “Cô ba” sao cứ nghẹn
ngào trong cổ họng ! Sao không phải là
bà Tư; bà Tám … đã từng
đánh chửi; cho ăn khi tôi còn chân
đất chạy khắp làng trên xóm dưới
với cái đầu khét nắng. Sao không phải
là bà mẹ của đứa bạn nhỏ
nào cũng được - cho tôi chạy đến
nắm bàn tay gân guốc, run run … nhìn
vào đôi mắt già nua mờ ảo như
xóm làng xa khuất theo dòng thời gian …
mà nhỏ lệ ân tình; cho tôi tìm lại
tôi trong mắt mẹ đã mờ; tìm về
xóm làng xưa cũ ven sông để nở nụ
cười chưa vương mùi lưu lạc …
để thấy mình không phải là một
người trung niên lữ thứ trên đất
lạ quê người; thấy mình nhỏ nhoi
trong đôi mắt mẹ quê là ước
mơ của đời lưu lạc …
Cô ba biết tôi theo dõi nên mất tự
nhiên của một người đi chợ sớm,
thỉnh thoảng cô cũng để mắt tới
tôi đang lục lạo những gói là
gói mà chẳng biết gói nào là
đúng cho sự tìm kiếm của mình. Thật
ra đầu óc tôi đã không tập
trung tìm kiếm thứ mình muốn tìm
vì dòng sông quê tôi - không biết
chảy đi đâu ? Nhưng dòng ký ức về
xóm làng xưa cũ tuôn chảy trong đầu.
Ký ức về cô ba như mới hôm qua !
…. Xế chiều ngày 30/04/1975, những
người bộ đội còn lá rừng
trên ba lô lăm lăm súng AK tiến vào
xóm nhỏ. Cô ba đã bỏ cái quần
đen; cái áo bà ba lúc nào cũng giặt
ủi kỹ càng để thướt tha theo mỗi
bước đi. Cô ba trong bộ đồ bộ
đội, tóc búi cao để đội
nón cối chứ không buông tóc thề cho
gió mơn man như xưa; chân dép râu
như họ chứ không còn đôi guốc lọc
cọc trên đường làng … cái
băng đỏ trên cánh tay cô ba là hết
những gì đền ơn đáp nghĩa cho một
xóm làng đã cưu mang cô ba từ những
ngày chân ướt chân ráo vào Nam
lánh giặc. Cô hướng dẫn bộ đội
chính quy vào tiếp quản khu vực quân sự
gồm Hội đồng xã, Chi khu Cảnh sát
và Đồn Nghĩa quân. Những người
thanh niên ruộng vườn hôm qua đã
thành Giải phóng quân sát cánh
cùng bộ đội chính quy đi thu lượm
súng đạn, quân trang, lương thực, thuốc
men … hằng hà trong căn cứ Mỹ. Cả
xóm, cả làng nhìn cô ba không
nói, nhưng từ trong ánh mắt của họ
đã thất vọng não nề, chua chát thay
cho quân ăn cơm Quốc gia thờ ma cộng sản.
Sáng ngày 01/05/1975 thì cô ba
đã ngồi ghế trưởng xa trên cái
xe jeep của Mỹ bỏ lại, có tài xế
là một Nghĩa quân thức thời mà danh
từ mới gọi là: “Cách mạng ba
mươi”. Anh làm tài xế cho cô ba bởi
trước đây ham thích lái xe bốn
bánh nhưng chỉ được rửa xe. Bộ
đội chính quy và giải phóng quân chỉ
quen đi bộ, đâu ai biết lái xe. Chiếc
xe jeep lùn có ăng-ten cao ngất như cần
câu, hai người nông dân địa
phương đã thôi ra đồng, để
cây cuốc ở nhà và vác súng AK ngồi
băng sau đi làm cách mạng. Súng lăm
lăm như muốn giết hết những ánh mắt
chưa quen với cuộc đổi đời. Xe jeep chạy
khắp làng trên xóm dưới để
ngăn chặn người dân hôi của trong
căn cứ Mỹ, bắt bớ những người
mà từ ngữ mới gọi là: nợ máu
nhân dân. Đến chiều ngày 01/05/1975
thì cô ba chủ trì phiên họp Hội
đồng nhân dân đầu tiên trong
xóm, địa điểm là cửa nhà
chú Hồ Trương. Cô ba tuyên án
chú Hồ Trương - trưởng đồn Nghĩa
quân là tay sai Đế quốc Mỹ; người
mang nợ máu nhân dân lớn nhất ở
xóm làng. (Chú Hồ Trương nguyên
là lính Thủy quân lục chiến, một lần
bị Việt cộng đánh lén đâu ở
ngoài Trung, vợ con chú chết hết trong trại
gia binh là cái hận những người bắn
giết đàn bà, con trẻ. Chú chiến
đấu tới cùng và bị thương nặng.
Sau khi hồi phục thì quân đội cho
chú giải ngũ nhưng chú không cam
lòng nên về địa phương tham gia Nghĩa
quân. Với tài chỉ huy và kinh nghiệm chiến
đấu, chú được đề bạt
làm trưởng đồn Nghĩa quân ở
địa phương.
Sau kỳ tổng tấn công Tết Mậu
thân, Việt cộng thua đậm nên thiếu
người. Từ đó, đêm đêm họ
mò về xóm làng bắt thanh niên vô
bưng, ai không đi thì họ giết dã man
bằng cách trói lại rồi đập đầu
bằng dầm chèo chứ không dám bắn
vì sợ tiếng súng làm động đến
căn cứ Mỹ mà lại có căn cứ
lính Nhảy dù bên cạnh nữa. Chú Hồ
Trương với tư cách trưởng đồn
Nghĩa quân đã âm thầm phục kích
đường rút lui của địch và
làm cỏ bọn thảo khấu bằng chiến
công vang dội là sáng sau đêm phục
kích, chú đưa về chợ Xã 14
xác địch quân Việt cộng cho đồng
bào nhận diện - toàn những nông dân
quen mặt, người đánh xe ngựa, kẻ
vác lúa thuê ngoài nhà máy chà
… Giặc căm thù chú tới xương tủy,
họ lên kế hoạch công đồn Cây
Khô, cũng là đồn Nghĩa quân biên
trấn với mật khu Việt cộng để trả
thù cho 14 đồng chí đi cướp của
giết người mà chết không toàn
thây.
Chú Hồ Trương với kinh nghiệm dạn
dày trận mạc. Chú, tương kế tựu
kế, đúng đêm tin tình báo cho hay giặc
sẽ công đồn Cây Khô, chú cho Nghĩa
quân đồn chú làm trưởng đồn
đưa rượu thịt ra đồn Cây Khô
để ăn mừng chiến công vang dội của
Nghĩa quân địa phương. Chú chỉ giả
tổ chức ăn nhậu trong đồn Cây
Khô, cho hết lính tráng giả say …
nhưng kỳ thực lính Nghĩa quân rút hết
ra ngoài. Việt cộng lọt vô đồn trống
! Khi hay trúng kế thì đã muộn !!!
Bên ngoài Nghĩa quân bao vây, sau lưng Nghĩa
quân lại có lính Nhảy dù yểm trợ
thì chạy lên trời cũng không thoát.
Từng người nông dân bỏ súng quy
hàng nên tiếng tăm chú Hồ Trương
lớn lắm ! Ngoài cái dũng chú có cả
cái trí, nên Việt cộng treo giải
cái đầu chú Hồ Trương cả
trăm ngàn mà một tờ năm trăm con cọp
hồi xưa đã lớn biết chừng nào ?
Thành tích chống cộng của chú
còn náo động đến mức, chú lặng
lẽ dẫn theo có hai người Nghĩa quân
đi phục kích tay kinh tài về thu thuế
nhà máy chà. Còn ai trồng khoai đất
này là chú Hồ Trương với chú
hai Đức, chú Tư bánh mì. Ba chọi ba
với tổ kinh tài của Việt cộng, chú
bắt được tay kinh tài với cặp
táp tiền lên đến bạc triệu,
chú đem về 2 xác một bắt sống với
cặp táp tiền nộp lên cấp trên. Thiếu
tá Quận trưởng phải đáp trực
thăng xuống sân Hội đồng Xã để
gắn huy chương …)
Nhưng thời oanh liệt nay còn đâu ?
Chiều ngày 01/05/1975. Ba người nông dân
trong xóm chĩa ba cây AK vào chú Hồ
Trương trước cửa nhà. Sau khi cô ba
tuyên án chú Hồ Trương - nợ
máu nhân dân. Cô ba tuyên lệnh xử bắn
đến lần thứ hai mà ba cây AK cứ run cầm
cập ! Họ là nông dân. Đất, nước
miền Nam đẻ họ ra để yêu chuộng
hoà bình chứ không phải chiến tranh;
yêu thương cốt nhục chứ không phải
cuồng sát đồng bào; cây lúa
trên đồng trĩu bông mới là ước
mơ của họ. Sao bắt họ giết người
trong tầm đạn từ nòng súng tới tội
nhân chỉ chừng ba mét !
Chú Hồ Trương dõng dạc tuyên
bố: “Tụi bay sợ hả ? Cứ bắn đi !
Tao chết thành ma cũng không tha Việt cộng.”
Ba người nông dân hạ súng, khóc
ròng. Ba người bộ đội răng hô phải
thay mặt để thi hành án. Ôi ! Hùm
chết để da người ta chết để tiếng.
Vĩnh biệt chú Hồ Trương năm tôi 13
tuổi. Tiếp theo là hình ảnh chú hai
Đức, chú Tư bánh mì lao động khổ
sai - đào ao cá bác Hồ ngay trong khu vực
quân sự mà ngày xưa các chú
đã canh giữ, còn hoài trong ký ức
tôi. Người cho tôi ký ức về chiến
tranh và hoà bình trên quê hương
tôi, sao nhởn nhơ ở Mỹ một cách thiếu
công bằng vậy ông trời ?!
Cô ba nhìn lén tôi tôi biết !
Nhưng dòng ký ức không ngăn được
cứ tuôn chảy trong đầu óc tôi …
những ngày tháng 5 đầy máu và
nước mắt của ba mươi ba năm trước;
của xóm làng tôi yêu lần lượt
oán thù, thương hận … Có phải
người đàn bà này là cội nguồn
của mọi tội lỗi trên quê hương
tôi ?i.Hình ảnh cô ba tiều tụy sau
tháng năm tù đày - trở về xóm
cũ trong sự rẻ khinh của bà con cô
bác lại động lòng tôị (Sau
tháng 5 - cô ba làm trời làm đất ở
rẻo đất quê mùa mà tôi yêu nhớ.
Cô ba biến mất trong tiếng thở nhẹ
phào của bà con xóm làng. Có người
cho là cô ba đi làm cách mạng cao
hơn ở Thành phố, ở Trung ương
không chừng ?! Nhưng năm 1979 thì cô ba về
lại mái nhà xưa sau 4 năm tù. Người
đàn bà của quỷ lầm than trong tiếng
kinh cầu, tiếng mõ đêm đêm …
cô ba thướt tha, dịu dàng, da trắng
như sương … chỉ còn là bóng mờ
tội ác núp trong áo xám quy y. Chuyện
ngoài Chùa sư nữ mà tôi nghe mẹ
tôi kể rằng: Cô ba có người chị
theo Việt cộng từ hồi còn đi học,
làm nội gián cho Việt cộng ở Huế tới
lấy chồng là sĩ quan Cảnh sát Cộng
hòa, có đứa con gái năm, sáu tuổi
thì Việt cộng mới tấn công Huế
vào dịp Tết Mậu thân. Cô chị xử
chồng rồi ra mặt là người cách mạng
và gieo ác nghiệp lên thân phận đồng
bào vô tội ngoài Huế. Khi Quân đội
Quốc gia tái chiếm Huế thì cô chị
rút theo vô bưng chứ đã giết chồng,
giết người không kể xiết ở Kinh
thành thì làm sao ở lại với Quốc
gia được nữa ? Cô chị này còn
tung tin giả là đã chết trong chiến tranh
để phe Quốc gia thôi làm khó gia
đình còn ở lại vùng Quốc gia. Cha
cô ba sợ họ bỏ tù cô ba nên dẫn
cô với con mồ côi của cô hai trốn
vào Nam vì chồng cô ba mới đích thị
là Việt cộng nằm vùng ngoài Huế,
chết trong Mậu thân ở Huế. Nhưng cô gạt
bà con xóm làng trong Nam là chồng cô
chết trong màu áo Quốc gia. Chính mối hận
lòng là Quốc gia mà cụ thể là Thủy
quân lục chiến đã đưa chồng
cô sang thế giới bên kia khi họ mới
nên vợ chồng, còn chưa kịp có con
nên cô thù chú Hồ Trương cho cụ
thể từ khi nghe chú từng là Thủy
quân lục chiến, diệt cộng tới bị
thương nặng còn không chịu giải ngũ,
còn tham gia Nghĩa quân để diệt cộng tới
cùng.
Ngày 30/04/1975 đã chấm dứt giai đoạn
chết như rươi của Việt cộng, lịch
sử mở ra thời kỳ thụ hưởng cho những
những người may mắn sống sót. Cô ba
chớp thời cơ để trả thù chồng bằng
cách khai báo chính mình là người
chị của cô với thành tích tham gia
cách mạng ngoài Huế. Sau tết Mậu
thân, tránh mặt vào Nam để giữ
gìn tổ chức trước sự tinh anh của cảnh
sát Quốc gia và an ninh Quân đội Việt
Nam Cộng Hoà. Quả thật cô có lên
Thành phố để nhận chức cao hơn,
nhưng vì Thành phố Sài gòn là thủ
phủ miền Nam nên trung ương rà lại
danh sách cán bộ lãnh đạo cho chắc
không có tàn dư Mỹ-Ngụy len lỏi
vào … Và sự vụ bể ra là cán
bộ Thành ủy Sài gòn và cán bộ
Thành ủy thành phố Huế - cùng tên
cùng họ, ngày tháng năm sanh … vì
chị cô phao tin chết giả xưa kia để qua
mắt Cảnh sát Quốc gia chứ người
còn sống.
Trước mặt Ủy ban quân quản để
xác minh ai là đồng chí thật của
cách mạng ? Cô chị cộng sản đã
từng giết chồng, bỏ con, giết biết bao
đồng bào ngoài Huế không gớm tay
thì xá gì một cô em ruột mà
không bắn bỏ cho rộng đường cách
mạng. Nhưng cách mạng khoan hồng cho cô ba
có chồng là Việt cộng nằm vùng, chết
trong tết Mậu thân ở Huế, nên … cho
cô vô tù để nghỉ ngơi. Coi như lời
cảm ơn chận thành của cách mạng.)
Câu chuyện ngoài Chùa mà tôi
nghe như nước đổ đầu vịt
không ngờ còn đầy đủ trong tôi
đến thế ! Một đời người phụ
nữ đắng cay bởi chiến tranh. Một đồng
bào không may như nhiều đồng bào khốn
khổ đi qua khói lửa mịt mù để
hoà bình tay trắng với chuyên môn vắt
chanh bỏ vỏ là sở trường cộng sản.
Cô ba cũng là nạn nhân cộng sản
thì đúng hơn là tội ác chiến
tranh. Không biết nhiều năm sống trên
nước Mỹ, trái tim tôi đã quên
được mấy hận thù ?! Những
đêm không ngủ với nỗi nhớ nhà,
nhớ mấy gốc dừa đang mùa ra hoa, rụng
trắng bờ ao … con sông xưa không còn
xanh trong như thời tôi nhỏ dại đã chảy
về đâu những thắm thiết ân tình
?...
Tôi chẳng mua được gì trong chợ
- sáng hôm nay. Cô ba trả tiền mấy
gói mì gói Đại Hàn; hũ kim chi
… cô nhìn tôi lần nữa trước khi
ra cửa chợ để ra về. Tôi theo ra
ngoài hành lang chợ còn vắng tanh, chỉ
có gió lạnh làm lòng tôi se thắt.
Cô ba trong ký ức lên năm của tôi vẫn
dịu dàng theo từng bước đi; cô ba mang
băng đỏ, ngồi trên xe jeep chỉ là
nông nỗi đàn bà; cô ba tóc trắng,
lưu lạc xứ người … không biết
có chồng con trong tuổi già hiu quạnh
làm se thắt lòng tôi. Tôi muốn gọi
“Cô ba” bằng tiếng lòng con trẻ
nơi xứ xa để xoá bỏ hận thù !
Nhưng hình ảnh dõng dạc của chú Hồ
Trương trước khi chết đã bóp hầu,
bóp họng tôi tới khó thở. Nước
mắt tôi nhìn theo vóc dáng hao gầy.
Phan
(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)