Cái đuôi cọp
(Phan)
Cái gì càng lấp ló thì
càng kích thích kẻ tò mò! Cô
gái Mỹ trắng đẹp như tiên giáng
trần bước vô tiệm nail trong bộ cánh
mùa hè mát rượi. Quần đáy xệ
cũng không có gì mới, áo lửng thiếu
vải cũng đâu có gì lạ! Cùng lắm
thấy cái rốn giống đồng hồ Omega
là cùng. Cái eo của người biết
chăm sóc thể hình cùng lắm cũng chỉ
làm cho những cô thợ nail suýt xoa. Nhưng
cô gái này khác người! Cô là
con gái của chúa sơn lâm. Sau lưng cô,
cuối cùng cột sống, đúng vị
trí trung tâm của cái lưng quần
đáy xệ lại thòi ra cái đuôi cọp
mà ai thấy cũng phải khen người nghệ sĩ
xâm nào đó rất tài ba. Cái
đuôi cọp đúng màu da cọp trên nền
da sướt mướt một cách khuấy động
lòng người.
Ông Huy ngồi đọc tờ báo … lủng!
Ông Lì mới ghé chơi theo lời mời
của ông chủ tiệm nail. Ông báo đời
ngồi đánh cờ mù với ông Lì
để chờ ông chủ tiệm nail đang trổ
tài gia chánh dưới nhà sau. Mấy cô
thợ làm việc đều tay với khách
riêng của mình. Bà chủ tiệm ngồi
ngáp ruồi, đếm tới đếm lui mớ tiền
trong ngày coi đã đủ cho anh chồng
trác táng phía sau ?! Gọi hắn ra sửa
vòi nước thì hắn đi mua đồ nhậu.
Về tới tiệm là gọi đám cao
nhân, rồi đi làm đồ nhậu.
Hai người chơi cờ mù cãi nhau
chí choé.
“Tui vô lại pháo đầu nha ông Lì.”
“Chuyện nhục như vậy mà cũng
làm được sao ? Khà khà… ta chống
tượng, ra xe. Coi ngươi làm gì ?”
“Hahaha… kẻ cắp gặp bà già
! Chống tượng hay ra xe thì làm ơn
nói rõ ! Tui đâu có chấp ông
đi hai nước !”
“Ừ thì chống tượng, xe chưa
ra. Đồ nhỏ nhen !”
Báo đời thắng thế ngâm nga:
“Mã chân kiềng song xa không
ngán/ gặp pháo trùng thác loạn phanh
thây…”
Ông Lì đâu phải tay vừa:
“Pháo trùng chậm nước bó
tay/ qua sông tốt cũng là tay anh
hùng…”
Báo đời hứng chí trêu
ngươi ông Lì.
“Tốt qua sông anh hùng mạt lộ/ ba
trăm nàng áo trắng ò e/ bên bờ
sông Dịch khóc nhè/ trôi ông thái
tử… thí bạn bè xuống sông. Hahaha
…
Ông Huy chưởi đổng:
“Hai cha nội ! Im bớt hai cái miệng
tào lao được hôn vậy ?”
Báo đời tức khí !
“Ông đọc báo lủng… tới
đâu rồi ? Khờ mắt chưa hả tặc
già ?”
Ông Huy buông tờ báo, thở dài.
“Ông viết báo dở ẹt ! Tui đọc
nãy giờ mà hổng biết cái đầu
cọp ở đâu ?”
Cả tiệm cười rần ! Khách Mỹ
không biết chuyện gì nhưng bà chủ tiệm
thì đỏ mặt. Bèn lên tiếng:
“Mấy ông già mất nết. Xuống
hết nhà sau giùm tui đi mấy ông nội.”
Ba kỳ phùng địch thủ lui xuống hậu
trường. Tiếng ông Lì vọng lên
nhà trên để thêm một trận cười:
“Mày làm món gì mà tao thấy
mày nếm hoài vậy Hưng ? Coi bộ mày
say mồi trước khi say bia !” Ông chủ tiệm
nail vừa nhai vừa nói: “Gỏi đuôi cọp.”
Nhà trên hết làm ăn, đám thợ
cười nắc nẻ.
* * *
Cuộc nhậu bắt đầu với bốn
cây cười làm cho mấy cô thợ xao
lãng công việc. Cô nào cũng chạy xuống
nhà dưới, đòi cho em thử món gỏi
khô bò mà ông đầu bếp gọi
là gỏi đuôi cọp. Gia tài có
sáu chai bia, quay đi quay lại còn có bốn
vì mấy cô thợ đã chia nhau hai chai. Thời
buổi tân kỳ tới bia cũng không còn
là độc quyền của đàn ông.
Ông Lì chỉ già tuổi chứ mọi thứ
chưa già, ngồi khề khà thế sự:
“Cứ ăn mặc như nữ giới hiện
nay thì bao giờ mới hết tệ nạn hiếp
dâm ? Nếu tôi là quan tòa thì tôi
cho điều tra y phục nạn nhân lúc bị
cưỡng hiếp rồi mới định tội kẻ
bạo hành. Tôi sẵn sàng tha bổng khi yếu
tố dẫn tới hành vi đích thực
là khiêu khích.”
Ông Huy cũng nâng chai chúc tụng bạn
bè. Tai nghe ông Lì lý sự như gió
thoảng qua tai. Cái ông Huy này… có nết
đâu mà mất nên ưa cuồng ngôn.
“Mấy ông tính coi! Nó có
xâm cái đầu cọp hôn ta ? Mà
làm sao xâm được chứ ? Không đủ
room. Hổng lẽ … ngoạ hổ tàng long ? Nếu cái đầu cọp
hiện ra ở trước rốn là hổ phục
long môn. Nếu trước rốn là cái
đầu rồng thì long tranh hổ đấu. Đằng
này, trước rốn có cái khoen vàng
không thôi! là nghĩa gì chứ ? Tui thiệt
không hiểu đó !”
Ông Lì kẻ cả:
“Bây giờ, nữ giới ăn mặc
không có ý nghĩa gì đâu ! Họ bắt
chước nhau, bắt chước siêu sao ca nhạc,
điện ảnh một cách lố lăng mà tự
thân người bắt chước nếu hiểu biết
đã không làm theo. Nhưng tựu chung
thì lối ăn mặc khoe khoang nữ tính một
cách kiêu kỳ hiếm gặp hơn ăn mặc,
trang sức kiểu khiêu khích rẻ tiền.”
Ông Huy luyên thuyên:
"Ăn mặc khiêu khích mà nhằm
nhò gì ! Nhiều con Mỹ không tiền mua
rượu, nó vô tiệm tui ngả ngớn để
được free ! Rẻ tiền. Nhưng tui đâu
ngu, dại gái với những trò lố bịch
đó. Có con xảo quyệt hơn là
nó biết tiệm mình có camera 24/24 nên
nó tự sáp lại mình cho đụng chạm
qúa mức để sau đó lặng lẽ gọi
cảnh sát thưa mình sách nhiễu tình
dục. Đương nhiên cảnh sát đột
nhập vô tiệm kiểm tra cuộn băng thu
hình trong camera. Mấy ông tưởng tượng
xem ra tòa mình thắng hay thua kiện khi bằng chứng
là hình ảnh rành rành - nó dựa
lưng vô hàng tủ lạnh đựng rượu,
bia hay đâu đó, tự nhiên kéo
mình vô như hai người tình hôn nhau
thì chết cha mình không chứ? Mà
nó đã tính trước nên góc quay
của camera luôn luôn thất lợi cho mình.
Ông bạn tui bị rồi, nhưng con nhỏ gài
game thua kiện vì nó chưa chuyên nghiệp lắm!
Để ông tòa coi video còn thấy cánh
tay nó kéo ông bạn tui vô người
nó!”
Ông Lì:
“Tôi bán tiệm rượu cũng
lâu rồi Huy, ông thử nhớ lại xem: Khi con
mình ra tiệm phụ ba má hay coi tiệm cho ba
má về nghỉ ngơi, đi thăm bạn
bè… những con nhỏ đó không bao giờ
sáp vô mấy thằng nhỏ vì tụi
nó dư sức biết xáp vô mấy thằng
nhóc này chỉ mệt xác chứ ăn
cái giải gì ở tụi công chưa
thành, danh chưa toại. Tụi nữ ma đầu lợi
dụng nhan sắc trẻ đẹp đánh thẳng
vào loại có tuổi của mình vì bọn
nó tin là có thể rút rỉa được
gì đó khi mình cắn câu. Tôi
đã bị nhiều chứ không ít nên
kinh nghiệm đầy mình, có đứa bạo
tợn tới dở áo khoe hình xâm trên ngực
nhưng với ý đồ khác, biết không
? Có đứa cho coi hàng kín đáo rồi
than buồn, mua rượu về uống một mình
! Ý kiếm bạn tâm tình … Thôi
thì đủ trò nên bà xã tôi
ưa ra tiệm chẳng phải vì ghen nhưng sự
hiện diện của bà ấy cũng phần
nào cản trở những nữ ma đầu.
Tôi bị chụp mũ một lần rồi, nhưng
may có người làm chứng tốt bụng
nên mới thoát nạn-trước mặt bà
xã tôi mới tức chứ ! Tôi kể cho
các ông nghe: Con nhỏ Mỹ cỡ ba mươi tuổi.
Nó mua gần hai chục chai rượu vang, bà
xã tôi xếp vô ba thùng carton. Gặp
tôi thì tôi kệ cha nó muốn bưng sao
bưng nhưng bà xã tôi ưa ra khỏi quầy
để bưng phụ ra xe cho khách mua nhiều.
Tôi nói nhiều lần rồi nhưng bà ấy
cứ muốn lấy lòng khách để họ
trở lại. Tôi miễn cưỡng ra bưng
giùm bà xã chứ đâu muốn giúp
nó. Tôi hai thùng, nó một thùng, ra tới
xe nó ngoài parking, tôi nói: “Mày mở
cốp xe đi, tao bỏ vô cho”. Nó bấm
remote tót-tót. Trong cốp xe tù lu quần
áo, xe đẩy con nít, năm bảy bình
xà bông giặt … thử hỏi, chỗ
đâu bỏ ? Tôi để gờ lên
thành xe cho đỡ nặng, nó cũng làm
theo như tôi. Ai cũng một tay vịn thùng
rượu của mình, một tay lo dọn dẹp
trong cốp xe để có chỗ đặt mấy
thùng rượu. Nó giả bộ vô tình
chen qua bên tôi để thu xếp mấy bình
xà bông cho gọn lại, nó đứng
vô trước mặt tôi gần quá ! Thật
sự thì mông nó cà vào bụng
tôi khác thường nên tôi giang ra cho
nó dọn. Tự nhiên nó lớn tiếng hỏi
tôi "Ông làm gì vậy ?!" Mặt
nó đanh lại như bị xúc phạm trầm
trọng lắm ! Nó đổ hô tôi ôm
nó. Vừa lúc thằng Mỹ trắng làm
bên điện lực, mới đậu xe kế
bên để vô mua nước uống, nước
đá … thằng này quen mặt nên nhiều
khi nó chỉ cần bịch đá để
đem đi làm uống. Tôi cho không nó
hoài vì thấy chiều tối nó cũng
ưa ghé mua rượu, bia. Thì ra con nhỏ
đánh vô tâm lý thằng này sẽ
làm nhân chứng vì nó hy vọng hai đứa
nó trắng còn tôi đầu đen. Ai
dè, thằng trắng này trung thực và nổi
giận khi con nhỏ nhìn số hiệu trên xe
nó xong, con nhỏ gọi điện lực thành
phố để xin số điện thoại nhân chứng.
Nó bày mưu lập kế chơi tôi và
hứa ăn chia với thằng điện lực. Ai
dè thằng trung thực phán một câu xanh rờn:
“Coi chừng tao thưa mày tội vu khống
người khác ! Tao biết thằng Việt Nam
đó đã lâu. Nó đàng
hoàng. Sau đó, thằng điện lực
ghé cho vợ chồng tôi hay. Bà xã
tôi đề nghị hợp tác thưa lại cho
nó biết mặt nhưng tôi cản vì
hơi đâu đi thưa kiện với Mỹ trắng
! Các ông hiểu ý tôi chứ ? Dại
gì cầm dao đằng lưỡi !”
Ông Huy ngồi nghe nghiêm chỉnh vì
ông cũng có tiệm rượu như ông
Lì. Nghe để rút kinh nghiệm, chỉ tội
báo đời với chủ tiệm nail trơ mắt
ếch. Ông Lì lại thông báo tiếp
để cảnh giác: “Thường thì tụi
nữ ma đầu rất đẹp, ăn mặc sang trọng,
đi xe xịn. Nhưng để ý để mà
phân biệt thì dân sang thiệt với sang
mưu đồ là cái xe. Bọn lưu manh chỉ
đi xe mướn chứ tiền đâu mua ? Nhưng
toàn xe brand-name”.
Ông Huy thở dài ! “Bên ông
Lì là khu nhà giàu nên ma đầu cũng
làm ăn kiểu trưởng giả ! Bên tôi
dân nghèo nên khùng điên với mất
cắp ! Bần cùng sinh đạo tặc cũng
đúng đó mấy ông ơi ! Có điều
mừng là tôi chưa từng thấy một
người Việt Nam
nào vô tiệm để ăn cắp rượu
bia. Có một lần duy nhất là người phụ
việc của tôi bắt được chú
nhóc Việt Nam
22 tuổi, theo bạn vô mua bia nhưng chú táy
máy lấy điếu xì gà. Tôi gọi lại.
Tôi nói với bốn tên thanh niên cỡ tuổi
con mình: “Chú biết cháu táy máy
chứ không có ý gian nên chú không
muốn kêu cảnh sát để lấy lại
điếu xì gà trong túi quần cháu !
Chú xin lỗi đã gọi tụi cháu trở
lại làm mất thời giờ của các
cháu ! Chú xin lỗi những người vô tội
! Chú chỉ muốn nói riêng với cháu
(tên trộm). Chú hành nghề này từ hồi
tụi cháu chưa ra đời. Chưa từng
có người Việt Nam nào táy
máy như cháu ! Đó là cái mừng
của người mình ! Bây giờ, vì sĩ
diện ! Cháu đánh chết chú tại
đây thì cũng không chạy được
tội với camera. Chú cũng không muốn
làm nhục cháu vì táy máy tuổi trẻ.
Nhưng chú xin cháu đừng để người
Mỹ, người bản xứ nghĩ về người
mình không đẹp ! (Ông Huy nói mạnh
miệng nhưng trong lòng thủ thế bị tấn
công. Ông có súng đã lên đạn
sẵn sàng, nhưng để hù thôi ! Luật
giang hồ là không nổ với đầu đen
!)
Ông Huy nói tiếp: Mấy ông biết
hôn ?! Ba thằng kia không có ý kiến !
Đứng thẫn thờ thấy tội. Thằng Đạo
chích có mòi muốn chơi tui để che dấu
tội lỗi trước bạn bè. Tui đẻ ra
nó được hổng lẽ không hiểu
nó ! Tui nói với nó: Chú già rồi
! Có gì bỏ qua ! Chú hồ đồ nghe
người làm mách lẻo. Chú xin lỗi
cháu cũng như bạn bè cháu hôm nay. Tụi
cháu đi đi. (Nói xong, tui bỏ vô tiệm
lại. Tụi nhỏ tần ngần ngoài parking. Cuối
cùng cũng lên xe đi.) Tui bần thần nửa
giận; nửa không biết mình xử sự
như vậy có đúng không ? Nếu là
Mỹ - bất kể trắng đen thì tui bấm
nút cho cảnh sát tới liền. Nhưng thấy
Việt Nam
như con mình mới khó xử. Cái gì chứ
tội trộm cắp ở Mỹ thì mang theo lý
lịch cả đời. Tui thông cảm tuổi trẻ
bồng bột nhưng chắc gì nó hiểu ?! Nếu
nó nghĩ tui sợ nó (bốn thằng) thì
là tự nó giết hại đời nó chứ
không phải tui. Nó táy máy chỗ
khác thì không êm xuôi được
như đây đâu.
Bà xã tui sợ tụi nó trở lại
quậy. Bà tính kêu cảnh sát sẵn
để phòng hờ nhưng tui không cho. Cảnh
sát mà lại thì thể nào không coi
video thu hình, thì có khác nào mình
tố giác rồi còn gì ! Ai dè. Hai tiếng
đồng sau, tụi nó trở lại thiệt.
Bà xã tui bốc điện thoại gọi cảnh
sát (mấy ông nhớ là tui trả tiền cảnh
sát nhiều hơn dân thường nên tui
mà gọi thì cảnh sát cũng tới nhanh
hơn !) Nhưng tui cũng không cho gọi. Tui nói
bà xã lánh vô trong (bả khôn
đáo để, đi còn cầm theo cái
điện thoại. Nhưng hiểu ý tui là sẽ
gọi khi chẳng đặng đừng !) Tui tỉnh
bơ như không nhưng đạn đã lên
nòng dưới tủ tui.
Bốn thằng bước vô quầy tính
tiền của tui cùng lúc ! Lúc đó tui
chơi xì phé với tụi nhỏ tức
là nhìn mặt tụi nó mà đoán
! Tui không thấy gì dữ tợn. (Mấy ông
nhớ tụi cướp thường mặt lạnh
và sát khí đằng đằng.) Đằng
này tụi nhỏ có vẻ khúm núm
nên tui yên tâm ! Tui nhìn kỹ mặt thằng
Đạo chích thì xưng mỏ, má bầm…
Tui nói mấy thằng kia: Sao tụi cháu xử nặng
với bạn bè quá vậy? Một thằng
nói thay cả bọn: Tụi cháu đâu
có đánh nó ! Nó tự đánh
nó đó chú ơi !
Mấy ông thấy mọi chuyện rõ rồi
chứ gì ? Gặp tui cũng dân liều thứ
thiệt ! Hồi nhỏ mình chơi cũng nát
nước rồi nên tui nhấn thêm nó một
cú coi sao ?! Tui lấy cây shotgun không đạn
ở góc quầy tính tiền, tui đưa
nó chứ dại gì đưa cây 9 ly-đạn
đã lên nòng của tui ! Tui nói: Nếu
con hận chú thì con cứ tự nhiên !
Mấy ông tính sao đây? (Ông Huy
nói rồi tự trả lời mình theo
đà kể chuyện)
Nó khóc.
Nó là thằng rể tui đó ! Bà
xã tui dấu chuyện này như mèo dấu cứt.
Hôm nay tui nói mấy ông nghe để biết
đường xử sự !”
Tự nhiên không khí nhậu mà im ru
! Thì ra là bốn chai bia đã hết. Dĩa
gỏi khô bò cũng bị bưng luôn. Bốn
tay kỳ phùng không ham hèm nữa. Ngồi uống
trà nói chuyện tào lao. Anh chủ tiệm
danh xưng vì vợ làm chủ tiệm nail chứ
anh biết gì về nghề nail đâu. Anh
góp chuyện: Tui cũng tha cho một con nhỏ Mỹ
đen vì nó cứ chơi trò làm nail xong
thì xin đi toilet. Cũng có lý chứ
vì sau cả tiếng đồng hồ ngồi
trên ghế thì ai chịu nổi ! Nhưng con nhỏ
này ghê hồn hơn mấy đứa lợi dụng
đi toilet để chuồn cửa sau, khỏi trả tiền.
Con nhỏ này còn ghé qua căn phòng của
thợ - luôn luôn ở phía sau nhà và
ít người. Nó xách luôn hai, ba cái
giỏ xách của thợ nail. Trời ơi ! Nào
là tiền mặt; nào là thẻ tín dụng.
Nên tui nói bà xã nghi ngờ khách
hàng nào thì cho tui biết ! Tui chụp
được con nhỏ đó ở ngoài cửa
sau, có tang chứng đàng hoàng à nha ! Mấy
ông tưởng tượng coi ! Sau lưng tui có bốn
người thợ sửa xe, báo đời, thằng
Ngô bên tiệm giặt … một lực lượng
hùng hậu để làm chứng cũng
được; chống trộm cắp hành hung cũng
được ! Vậy mà nó bỏ xuống
đất hai cái xách tay của thợ xong,
nó chỉ mặt tui nói: "Mày cà chớn,
tao kêu băng đảng của tao phá nát tiệm
mày !" Tui nổi khùng tính chơi tới bến
với nó ! Thì nhà báo rỉ tai: "nhất
anh hùng, nhì cố cùng liều thân. Bỏ
đi. Đừng giây vô tụi này phiền
phức. Miễn nó không trở lại là
ô kê rồi anh bạn !"
Tui nghe báo đời mới bỏ qua. Nghe
thêm báo đời là đi mua khóa số
về gắn bên trong cửa sau. Ai không biết số
mã thì đâu mở được ! Mới
êm từ đó tới nay, không thấy
nó trở lại. Tui đặt camera để biết
mặt vài con ráng mở khóa số mà
không được nên đành ra cửa
trước trả tiền. Vậy mà cũng có
con lỡ không tiền mà không thoát
được của sau, liều mạng chạy vù
qua cửa trước như ăn cướp. Không biết
nhu cầu làm đẹp cần thiết tới cỡ
nào với họ”.
Ông Lì trở qua báo đời:
“Nhà ngươi đi hai hàng hoài tới
chừng nào ? Bây giờ quyết định
làm nhà báo hay nhà hàng để anh
em giúp sức ?”
“Đa tạ. Đa tạ ! Tôi làm
nhà hàng để có đề tài viết
báo ! Tôi không có thời gian để viết
hết những gì mắt thấy tai nghe. Cuộc sống
muôn màu nơi đây là môi trường
thuận lợi cho tôi có cái nhìn đa dạng!
Mấy ông không hiểu những người
mê viết mà có cuộc sống nghèo
nàn nên đề tài của họ khô
rang, trí tưởng cùn mòn theo đà
thoái hóa. Tôi bám nghề nhà hàng
với những thuận lợi nhiều hơn khó
khăn. Thu nhập tạm ổn; công việc nhàn
nhã; điều kiện tiếp xúc với mọi
giới lại cao để hiểu thật về thế
giới xung quanh. Chuyện sang một cái nhà
hàng để làm chủ thì tôi có
thể được với gia đình sau lưng, bạn
bè khắp ngả … nhưng để làm
gì ? Tiền. Tôi chỉ cần đủ xài
thì đã đủ xài. Danh. Tôi không
màng thì nói tới chi ? Tôi còn theo
dõi diễn biến tâm lý của bản
thân mình để kịp thời trở mình
theo đà tiến hóa. Dạo trước tôi
phân loại khách hàng theo màu da. Chắc
không phải biện bạch vì mấy ông cũng
dân kinh doanh lâu đời thì hiểu hết rồi
! Nhưng mới đây, tôi suy nghiệm ra chỉ
có hai loại khách hàng. Một loại
khách mua cái service (phục vụ) là
chính. Đối với loại này, người
bán hàng có tính mắc chút đỉnh
cũng được ! Sản phẩm có dở
hơn nơi khác chút đỉnh cũng không
sao ! Miễn là phục vụ như ý ! Còm một
loại khách hàng đa số hơn là họ
chỉ cần: Bự; nhiều; rẻ. Phong cách phục
vụ không quan trọng.
Nếu tôi đi theo con đường kinh doanh
thì tôi có cách lọc khách để
loại bớt những bực mình, rắc rối với
mớ bá vơ. Nhưng tôi chỉ quan tâm
đến thay đổi của những khách
hàng từ dạng này chuyển sang dạng kia
là hiện tượng phát sinh trong thời đại
toàn cầu hóa. Tôi quan tâm tới những
giá trị đạo đức bị đào thải
và những giá trị đạo đức mới
lên ngôi. Thành phần bảo thủ đi về
đâu ? Thành phần cấp tiến sẽ
cùng đường ở thời điểm nào
trong đà phát triển hiện nay ?
Có thể các ông nói tôi
điên nhưng chịu bình tâm suy xét
thì tôi tỉnh trong các ông điên.
Tôi khuyên các ông nên mướn người
(dĩ nhiên là tin tưởng được)
đứng vào vị trí các ông
ngoài tiệm. Nếu thu nhập không cho phép
mướn người thì các ông đi
làm việc khác kiếm thêm để trả
lương cho người mình mướn. Người
Việt không thất bại ở tư tưởng lấy
công làm lời nhưng không đột
phá kinh tế trong kinh doanh được cũng từ
quan niệm ấy! (Một khách hàng trả đồ
đã mua hôm qua. Nếu gặp người
làm thuê thì họ nhận lại vì luật
buôn bán ở đây: Khách hàng
có quyền trả trong 30 ngày. Sau đó
là người của thương hiệu và
khách hàng chào hỏi vui vẻ. Người
khách hàng sẽ trở lại lần sau trong
tư thế chọn lựa đồ mua kỹ càng
hơn để khỏi phiền người bán
hàng tốt bụng ! Nhưng người bán
hàng đó mà là ông/ bà chủ của
thương hiệu thì khó có chuyện vui
lòng khách đến vừa lòng khách
đi trong chuyện trả đồ ! Khả năng
người khách đó quay lại thương hiệu
một lần nữa sẽ không cao. Người-chủ-bán-hàng
không nghĩ tới việc chính người
khách được tiếp đãi ân cần
(trong trường hợp trả đồ) là người
quảng cáo không công rất hiệu qủa của
thương hiệu mình.
Dân kinh doanh Mỹ, họ khai thác tâm
lý thương mãi đó rất hay, còn
người mình mà cụ thể là các
ông chưa nhìn ra điều ấy trong
thương trường khốc liệt bây giờ
!...”
Ông Huy ngáp vắn thở dài.
“Nói chuyện vui đi báo đời
ơi ! Trong đầu ông đậu hũ mua hai tặng
một mà nói triết lý hoài ! Coi như
tui bỏ qua cho ông đó !”
Ông Lì với ông chủ Hưng thì
ra vẻ suy tư ! Gật gù. Báo đời vốn
cũng ham vui nên quay về "cái đuôi cọp".
Hắn nói:
“Ông Huy! Tôi trả lời được
cái đầu cọp ở đâu thì ông
tính sao?”
Ông Huy:
“…Thua gì cũng thua!”
Báo đời:
“…cái đuôi cọp thì ở
sau lưng cô gái, ai cũng đã biết
vì thấy. Nhưng cái
đầu cọp chỉ có trong những cái
đầu người đã thấy cái
đuôi và không quên được ! Đó là trường
phái tượng trưng trong nghệ thuật xâm.
Nếu xâm một cái đầu cọp bằng
hình ở vùng mông hay vùng bụng cô
gái thì đâu còn gì là nghệ
thuật ! Tính chất bậc thầy của người
xâm là xâm cái đuôi cọp lên cạp
quần cô gái mà xâm cái đầu cọp
trong vạn cái đầu … thắc mắc !
Cái đầu cọp ấy đẹp trong cái
đầu người-đẹp và dơ trong
cái đầu người-dơ…”
Ông Huy:
“Mày nói nhiều quá, báo đời
ơi !...”
Trời rớt hột mưa. Giải tán.
Phan
(Bai Chuyen)