SU'U TÂ`M 7

Home | VA(N | VA(N [tt] | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N 11 | VA(N 12 | VA(N 13 | VA(N 14 | VA(N 15 | VA(N 16 | VA(N 17 | VA(N 18 | VA(N VUI | VA(N VUI [tt] | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.P GHI 17 | TA.P GHI 18 | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | SU'U TÂ`M TIN | CU'̉'I CHÚT CHO'I | CHUYÊ.N LA. KHÓ TIN

BÀI VIÊ'T 3

 

Làm Thân Cỏ Cú

(Lê Minh Nguyên)

 

 

Làm Thân Cỏ Cú

Khoảng đầu thập niên 1970s, phong trào phản chiến khá mạnh ở miền Nam. Vì là chế độ tương đối tự do nên những bài nhạc phản chiến được sáng tác và phổ biến ở miền Nam như nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc của những sinh viên phản chiến chống sự hiện diện của Hoa Kỳ v.v... Cho dù CS có giựt dây hay không, thì phong trào này cũng nói lên được nguyện vọng của người dân miền Nam là yêu chuộng hòa bình, không thích chiến tranh.

 

Sỡ dĩ có chiến tranh là vì tham vọng của miền Bắc muốn thôn tính miền Nam bằng vũ lực và sự chiến đấu của miền Nam là một việc tự vệ chẳng đặng đừng. Miền Nam là tiền đồn của thế giới tự do trong cuộc chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Sô, và sự hiện diện của quân đội HK là để bảo vệ tiền đồn này chứ không phải để xây mộng đế quốc thực dân hay sang đoạt lãnh thổ như Trung Quốc đã và đang thực hiện.

 

Trong thời kỳ này, ở Đại Học Văn Khoa thỉnh thoảng các ban đại diện sinh viên tổ chức những buổi ca nhạc chiều cuối tuần với khán đài cao nằm ngay trong khuôn viên trường, đa số các bản nhạc là loại nhạc kích động đấu tranh, phản chiến hay chống Mỹ. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tuy giỏi về chiến đấu quân sự nhưng có nhiều yếu kém về đấu tranh chính trị.

 

Trong khi CS đem quân chính qui từ Bắc vào đánh miền Nam một cách tàn bạo và áp dụng cả các phương thức khủng bố thì về phương diện chính trị nội thành cũng như tuyên truyền quốc tế, CS luôn to mồm là họ yêu chuộng hòa bình, chống Mỹ cứu nước. Trong khi đó thì phía chính quyền VNCH vụng về, tạo cho thế giới cảm nhận là mình hiếu chiến, qua việc cấm nhạc Trịnh Công Sơn, việc tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn đặc công CS trước ông kính của ký giả ngọai quốc, hoặc ông Nguyễn Cao Kỳ ồn ào đòi Bắc Tiến v.v..

 

Trong một hoạt cảnh của các buổi ca nhạc này, có một bài hát chống Mỹ thấy rõ, đó là bài "Làm Thân Cỏ Cú" mà lời lẽ như sau:

 

"Trời sinh tôi ra - Làm thân cỏ cú -

Trời sinh anh ra - Làm thân đại thụ -

Nay anh vươn mình - Che lấp thân tôi -

Nay anh đâm chồi - Để gặp thân tôi…"

 

"Dân tôi vùng lên như bão tố

Dân tôi vùng lên như cuồng phong

Dân tôi hiên ngang tuy sống nhục nhằn.

Dân tôi vùng lên như bão tố

Dân tôi vùng lên như cuồng phong

Không ai giết được đời dân tôi -

Không ai cướp được đời dân tôi",

 

các sinh viên thuở đó rất thích hát, nhiều cô cậu cũng chẳng để ý đến ý nghĩa của nó là gì, chỉ thấy hay thì nghêu ngao hát. Ước gì ngày hôm nay bài hát này được sinh viên đem ra hát lại ở Hà Nội hay Sàigòn và chính quyền CSVN tôn trọng sự tự do của họ như chính quyền VNCH thuở xưa.

 

Bài hát này đem áp dụng đối với Trung Quốc thì chính xác hơn là đối với HK vì rõ ràng ngư dân Việt Nam đang bị giết, bị cướp và khu vực đánh cá truyền thống từ đời ông cha để lại của họ càng ngày càng bị TQ thu hẹp lại. Trong ba năm qua, TQ đã dồn dập bắn giết ngư dân VN. Ngày 27/12/2004, họ bắt 80 ngư phủ VN về tội đánh cá bất hợp pháp (?), dùng tàu tuần duyên tông các tàu đánh cá VN, làm cho 23 ngư dân bị chết, 6 bị thương và 10 tàu đánh cá bị hư hỏng. Ngày 8/1/2005 trong vùng Vịnh Bắc Bộ, tàu tuần duyên TQ bao vây và bắn các tàu đánh cá VN khiến 9 ngư dân Thanh Hóa bị thiệt mạng, 7 người bị thương và 8 người khác bị bắt.

 

Ngày 28/2/2007 họ bắt 12 ngư dân Quảng Ngãi ở gần Hoàng Sa. Ngày 27/6/2007 họ bắn và cướp tàu 13 ngư dân Quảng Ngãi tránh bão gần Hoàng Sa. Ngày 9/7/2007 tàu TQ bắn ngư dân VN gần vùng Trường Sa, khiến 1 thuyền chìm, 1 chết và 5 bị thương, trong khi tàu chiến cơ động BPS500 của hải quân VN chỉ đứng xa nhìn.

 

Tham Vọng Đại Cường

Tham vọng của TQ để chiếm cứ biển Đông và lấn đất VN đã khá rõ ràng trong nhiều thập niên qua. Cách đây hơn một thập niên, tờ báo New York Times đã từng đăng những loạt bài về TQ và nói rõ rằng TQ muốn chiếm biển Đông để nuôi dân số trên 1 tỷ người của họ. TQ coi biển Đông vừa là vựa cá vừa là nơi khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhất là dầu khí, ngòai ra nó còn giúp họ để kiểm soát những đường hải hành chiến lược đi qua eo biển Malacca để vào Ấn Độ Dương.

 

Ngày 4/9/1958, TQ tuyên bố lãnh hải 12 hải lý, áp dụng cho tất cả lãnh thổ bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 1/1974, lợi dụng cơ hội Hoa Kỳ đang rút quân khỏi VN trong chương trình VN hóa chiến tranh cũng như không khí hòa dịu giữa HK và TQ lúc bấy giờ, họ đã dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa từ VNCH, trước sự đứng nhìn và làm ngơ của hải quân HK.

 

Năm năm sau, họ đã tràn qua chiếm đóng 6 tỉnh phía Bắc VN, nói rằng để dạy cho VN một bài học. Sau khi rút đi, họ vẫn tiếp tục chiếm cứ một số cao điểm dọc theo biên giới của nước ta, mở đường cho việc nhượng đất trong Hiệp Ước Biên Giới Việt Trung ngày 30/12/1999 mà lãnh thổ VN bị mất đi khỏang 800km2, trong đó có Ải Nam quan và Thác Bản Giốc. Năm 1980, TQ cho phổ biến bản đồ Lưỡi Rồng chạy sát vào bở biển VN và các quốc gia chung quanh biển Đông, coi tất cả biển Đông là một cái hồ (China lake) của họ.

 

Tuy TQ ký Công Ước về Luật Biển năm 1982 công nhận các quốc gia duyên hải có 200 hải lý là vùng đặc quyền kinh tế để đánh cá và là thềm lục địa để khai thác dầu khí, nhưng họ lại tập hợp khoảng 400 học giả nghiên cứu một thập niên để kết luận rằng biển Đông là của họ kể từ thời thời Hán Vũ Đế. Ngày 14/3/1988, họ xâm lấn Trường Sa, giao tranh với VN, làm cho 64 lính VN thiệt mạng, 9 bị bắt.

 

Đến năm 1992, họ ban hành 1 đạo luật và tuyên bố Biển Đông là phần lãnh hải của TQ, tàu bè qua lại phải xin phép, nếu không họ sẽ đánh chìm. Trong năm này họ chiếm bãi dầu khí Vạn An phía Đông Nam Cà Mau, và để cho việc xâm thực không gây ồn ào trong dư luận thế giới, họ ký Thông Cáo Chung Manila về biển Đông, hứa hẹn đối xử trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau.

 

Mặc dù đang đương đầu với vấn đề Đài Loan đòi độc lập, năm 1994 TQ gởi phái đoàn sang Đài Loan bàn về Trường Sa và hai bên đã đồng ý chủ quyền của TQ trên TS. Đài Loan cũng đồng ý rằng phần đảo mà Đài Loan tập trận thuộc chủ quyền của TQ. Đây là hình ảnh của hai con kên kên đang mổ thịt VN. Sự chiếm đoạt lãnh thổ và lãnh hải của VN đã được TQ và VN luật hóa qua Hiệp Ước Biên Giới Việt Trung ngày 30/12/1999 và Hiệp Ước Vịnh Bắc Việt ngày 25/12/2000.

 

Theo Hiệp Ước Vịnh Bắc Việt, VN bị mất khoảng 21,000km2 hải phận. Hai hiệp ước này đã hủy bản Hiệp Ước Bắc Kinh 1887 mà TQ đã công nhận hơn 100 năm nay là lãnh thổ toàn vẹn của VN. Cũng trong năm 2000 này, hai bên ký Hiệp Ước Hợp Tác Nghề Cá để thiết lập Vùng  Đánh Cá Chung 60 hải lý mà phần lợi nghiêng hẳn về phía TQ, với tàu thuyền hùng hậu và kỹ thuật cao hơn, và vùng Chung trên danh nghĩa là Riêng của VN.

 

Tiếp tục cho uống thuốc độc bọc đường, năm 2002, TQ ký thỏa thuận với các quốc gia trong vùng Đông Nam Á, đồng ý giải quyết các tranh chấp ở vùng Biển Đông một cách hòa bình. TQ dùng nó như một chiến thuật, vì từ đó cho đến nay họ đã liên tiếp bắn giết để gây kinh sợ, nhằm xô đuổi ngư dân VN từ bỏ những vùng đánh cá truyền thống từ thời cha ông để lại, hầu chiếm đoạt các vùng biển này.

 

Ngày 1/1/2005, TQ cho xây bia chủ quyền trên một số điểm trên quần đảo Hoàng Sa. Trong năm này, ông Hồ Cẩm Đào viếng VN với lời hứa hai bên giải quyết tranh chấp biên giới trong hòa bình. Cuối năm 2005, VN thoả thuận cho TQ khai thác dầu khí trong vùng tranh chấp và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã qua TQ để thảo luận về vấn đề này. Một lần nữa, sau khi lấn VN bằng đánh cá chung, TQ lấn qua việc khai thác dầu khí chung, mà phần lợi chúng ta dư biết nghiêng về phía TQ, và phần Chung, trên thực tế, là phần Riêng của VN.

 

Tháng 6/2006, TQ vẽ lại bản đồ với ranh giới của vùng biển thuộc TQ sát với bờ biển VN. Đầu tháng Giêng 2007, VN và TQ chính thức cho biết sẽ liên kết khai thác dầu tại vịnh Bắc Bộ. Một tháng sau, Đài Loan tập trận ở TS với sự im lặng đồng tình của TQ. Trong khi đó, ngày 10/4/2007, TQ áp lực các công ty BP và Conoco-Phillips ngưng cộng tác với VN để khai thác dầu khí vùng TS. Tháng 7/2007 Thứ Trưởng Ngoại Giao VN Vũ Dũng họp với Thứ Trưởng Ngoại Giao TQ Vũ Đại Vỹ về biên giới và phía TQ (theo Tân Hoa Xã) làm lơ không nói gì về biển.

 

TQ gặm nhấm từ từ biển Đông, theo chính sách chia để trị, bẻ đũa từng chiếc một và vừa đánh vừa xoa, họ đã không đồng ý khi thương thảo vấn đề biển Đông với Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) như một khối chung, họ chủ trương thương thảo riêng với từng nước một, và khi có một cơ hội để chiếm đoạt mà không gây ồn ào nhiều thì ra tay ngay.

 

Ngày 3/9/2007 họ và Phi ký hợp tác quân sự và giúp Phi $6.6M đô la. Ngoại trưởng Phi Domingo Siazon, tháng 11/1998 cho biết, Phi chẳng còn một chọn lựa nào khác, mà chỉ còn biết tuân thủ những đòi hỏi vô lối của Bắc Kinh. Với sự đồng lõa của Đài Loan, việc tiến chiếm biển Đông của TQ càng ngày càng tăng tốc, giữa tháng 9/2007 Đài Loan xây dựng cơ sở trên đảo Ba Bình.

 

Ngày 10/11 /2007 Hội Đồng Chính Phủ TQ quyết định cho mở tours du lịch đến các hải đảo này do Cục Du Lịch Trung Ương TQ tổ chức. Điều nghịch lý là năm 2006 chính họ cảnh cáo VN về việc VN định tổ chức du lịch như vậy. Cũng trong tháng này họ đã tổ chức thao diễn quân sự trong vùng TS và ngày 2/12/2007 Quốc Vụ Viện TQ phê chuẩn thành lập huyện Tam Sa bao gồm hai quần đảo HS và TS.

 

Vì Đâu Nên Nỗi ..

Chính quyền Cộng Sản Việt Nam, do nhiều lỗi lầm trong quá khứ nên ngày nay há miệng mắc quai. Theo tuần báo The Economist ngày 15/12/2007 thì VN dung dưỡng các cuộc biểu tình ngày 9/12/2007 ở Hà Nội và Sàigòn để gởi tín hiệu cho TQ. Ông Carlyle Thayer ngày 18/12/2007 cũng nhận xét "Các cuộc biểu tình mới đây là bước đi đầu tiên của VN nhằm thay đổi từ chính sách ngoại giao sang sử dụng việc gây áp lực nhân dân đối với TQ..."

 

 Vì cùng chung một lò CS với nhau nên TQ đã bắt được tín hiệu này, chính TQ cũng đã sử dụng phương cách này đối với các quốc gia khác như HK và Nhật Bản trước đây. Như trên đã nói, TQ theo chính sách vừa đánh vừa xoa nên ngày 19/12/2007 (theo báo South Chi na Morning Post) viên chức chính quyền Văn Xương (Hải Nam) cho biết không có kế họach lập huyện Tam Sa.

 

Ông Tần Cương, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao TQ, qua ngôn từ ngoại giao đã khẳng định rằng "TQ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo và vùng biển lân cận ở khu vực biển Nam Trung Hoa " và trách cứ VN rằng ."Việt Nam trong nhiều thời kỳ lịch sử đã có những quan điểm khác nhau về vấn đề chủ quyền này và Trung Quốc hiểu rõ chuyện đó".

 

Nói theo ngôn từ thường dân thì nó có nghĩa rằng các đảo và biển này là của tôi, không ai được hó hé, VN không thể ăn ngang nói ngược, tiền hậu bất nhất như vậy được. Theo tư liệu của bộ Ngoại Giao TQ, văn kiện mang tên " Chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc trên các đảo Tây Sa và Nam Sa", đã được tạp chí Beijing Review in lại trong số ấn hành ngày 18/2/1980, thì Hà Nội đã thỏa hiệp được với Bắc Kinh trong quá khứ về việc này.

 

Lỗi này là do ai gây ra ?  

Ngày 15/6/1956, Ngoại trưởng Ung Văn Khiêm tuyên bố "Hà Nội nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS mà TQ gọi là Tây Sa và Nam Sa". Ngày 14/9/1958, chỉ 10 ngày sau khi TQ tuyên bố về lãnh hải thì ông Hồ Chí Minh ra lệnh cho Thủ Tướng Phạm Văn Đồng gởi Công Hàm cho Thủ Tướng Chu Ân Lai của TQ công nhận chủ quyền hải phận TQ mà trong đó có cả HS và TS. Đầu năm 1972, CSVN phổ biến bán đồ thế giới mà trong đó họ gọi tên hai đảo này là Tây Sa và Nam Sa theo TQ. Các sách Địa Lý giáo khoa thư của CSVN cũng gọi như vậy và nói nó là bộ phận của bức tường thành bảo vệ TQ.

 

Năm 1974 TQ chiếm HS từ VNCH và Hà Nội giữ im lặng trong một thái độ đồng tình. Đã vậy, tháng 5/1976, báo Sàigòn Giải Phóng bình luận việc TQ chiếm HS còn viết: "TQ vĩ đại đối với chúng ta không chỉ là người đồng chí, mà còn là người thầy tin cẩn đã cưu mang chúng ta nhiệt tình để chúng ta có ngày hôm nay. Vì vậy chủ quyền HS thuộc VN hay thuộc TQ cũng vậy thôi". Đến khi CSVN đánh nhau với TQ ở TS giữa tháng 3/1988 thì một tháng sau bái Báo Nhân Dân ngụy biện cho việc làm này của họ là để tranh thủ sự gắn bó của TQ (bằng cách dâng hiến lãnh thổ) và ngăn chận HK sử dụng 2 quần đảo này.

 

Các hiệp ước 1999 và 2000 đã đóng khằn sự cam kết chấp nhận mất đất mất biển VN cho TQ. Các hiệp ước về đánh cá và khai thác dầu khí với TQ trong vùng biển của mình mà TQ đòi tranh chấp là một hình thức "cố đấm ăn xôi xôi lại hẩm". Trong thời ông Đỗ Mười và Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí Thư, CSVN hãnh diện ca ngợi 16 chữ vàng trong mối tương quan với TQ " Láng Giềng Hữu Nghị - Hợp Tác Toàn Diện - Ổn Định Lâu Dài - Hướng Tới Tương Lai".

 

Trong khi đó ý nghĩa của nó là: Tôi và anh ở cạnh bên nhau, tôi thì quá lớn, còn anh thì quá nhỏ, nếu muốn thân thiện thì hai ta phải hợp tác toàn diện, nghĩa là 100% từ mũi tới lái, chiếc thuyền nhỏ của anh phải cột chặt vào chiếc tàu lớn của tôi nếu như anh muốn có ổn định lâu dài, để chúng ta cùng hướng tới tương lai do tôi lèo lái (vì khi đã cột chặt vô rồi thì anh có muốn lái cũng không được). Lúc ông Đỗ Mười cầm quyền, Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSVN tuyên bố rằng vì xã hội chủ nghĩa mà đi sát với TQ, trong khi đó vấn đề lãnh thổ lãnh hải là vấn đề nhỏ.

 

Sự yếu kém và sợ sệt của CSVN đối với TQ còn được thể hiện qua việc VN đã cấp visa nhập cảnh vào cuối tháng 7/2007 cho ông Du Tích Khôn, chủ tịch đảng Thăng Tiến Đài Loan, rồi sau đó lại hủy bỏ vì bị TQ áp lực. Các chính khách Đài Loan xem đó là một hành động bất nhã về khía cạnh lễ tân quốc tế, có tính cách lăng mạ, phỉ báng họ.

 

Tháng 8/2007 vừa qua, trong khi báo chí thế giới phổ biến tin tức về vấn đề hàng hóa TQ kém chất lượng, có hại cho an toàn và sức khỏe và báo chí VN đăng lại, thì Đại Sứ VN ở TQ là ông Trần Văn Luật bị Bộ Ngọai Giao TQ gọi đến huấn thị và hăm dọa là báo VN phải ngưng đăng ngay, nếu không thì hàng VN sẽ gặp vấn đề ngay tại biên giới.

 

Giải Pháp Nào Đây ?

Có lẽ sự hèn yếu của CSVN đã làm cho nhiều thành phần trong xã hội cảm thấy bất mãn và sự bất mãn này đã đi vào nội bộ của đảng CSVN. Ngày 10/12/2007 website của Chính Phủ VN có đăng bài "Cộng Đồng Mạng" Và 9-12-2007, Một Ngày Son Của Toàn Thể Dân Tộc Việt Nam, trong đó nói cuộc biểu tình "đã được đông đảo các giai tầng của xã hội ViệtNam tiến hành đồng thời tại Hà Nội và TP HCM, trước sự cảm thông ở mức nhất định của chính quyền."

 

Bài này sau đó bị rút xuống và không cho biết là do hackers hay bất đồng nội bộ. Tờ VietnamNet, ngày 17/12/2007 bị kiểm điểm, phạt tiền 30 triệu đồng và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông cử ông Bùi Quốc Việt tạm thời thay ông Nguyễn Anh Tuấn (đang công tác ở Mỹ) làm Tổng biên tập vì đăng bài "Sức mạnh đồng thuận Việt Nam: Nhìn từ Hoàng Sa -Trường Sa" lên mạng ngày 10/12/2007 và vài giờ sau bị lấy xuống, trong có câu "... Và mỗi khi chủ quyền dân tộc, sự toàn vẹn lãnh thổ đất nước bị xâm phạm, là lúc những người Việt, trong và ngoài nước, ở mọi thành phần, mọi lứa tuổi, bằng cách này hay cách khác đã lên tiếng !"

 

Giữa tháng 12/2007 dân Sàigòn chứng kiến các bảng khẩu hiệu trên đường đi đến phi trường Tân Sơn Nhất để kỷ niệm ngày thành lập Quân Đội Nhân Dân 22/12, các bảng này chỉ nhắc đến các trận đánh với TQ như trận Bạch Đằng, trận Ngọc Hồi - Đống Đa, trận Chi Lăng hay Bình Ngô Đại Cáo và Quang Trung, Lê Lợi, Nguyễn Trãi.

 

Một nhà chính trị lão thành VN, cách đây hơn một năm, có một nhận xét khá lý thú "khi nào chúng ta thấy tàu chiến Hoa Kỳ ghé cảng Hải Phòng thì đảng CSVN sẽ vỡ". Đây là một nhận xét có tích cách trực giác vì ông không giải thích tại sao nó vỡ, nhưng kể từ đầu thập niên 2000s chúng ta thấy có những biến chuyển mạnh trong mối quan hệ giữa VN và HK, như ông Frederick Brown, chuyên viên về bang giao quốc tế của đại học John Hopkins đã nhận xét.

 

Tháng 11/2003, tàu chiến USS Vandegrift đến cảng Saigon và qua tháng 7 năm sau, tàu chiến USS Curtis Wilburn đến cảng Đã Nẳng. Tháng 7/2007 tàu USS Peleliu ghé Đà Nẳng và đến giữa tháng 11/2007 thì hai tàu chiến USS Patriot và USS Guardian đến cảng Hải Phòng.

 

Đầu tháng 2/2007, trong cuộc hội thảo của American Enterprise Institute về tương quan VN-TQ, ông Alexander Vu Vinh, thành viên Chương trình An ninh Quốc Tế, Trung tâm Khoa học và Quốc tế vụ trường đại học Harvard, nhận xét rằng quan hệ Việt-Trung lâu nay phức tạp và có nhiều tính chất. Hai bên tỏ ra tôn trọng nhau tuy nhiên luôn thủ thế và sẵn sàng đưa đối tác vào bẫy nếu cần. Về chiến luợc, nội bộ lãnh đạo VN chia ra 2 phái, tạm gọi là phái bảo vệ XHCN và phái chủ trương hội nhập với quốc tế và phía bảo vệ XHCN vẫn thường xuyên chiếm ưu thế.

 

Ngày 13/12/2007, Đô đốc Timothy Keating, Tư lệnh Thái Bình Dương của HK thăm VN, trên bình diện nổi thì nói về hợp tác quân y, khí tượng, tìm kiếm hài cốt và tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình trong tương laị Vấn đề Biển Đông ông cho là rất phức tạp và kêu gọi các nước tuân theo tuyên bố năm 2002 về giải quyết các xung đột trên biển Đông một cách hòa bình. Ông cho biết HK chưa hề tiếp cận VN về vấn đề cảng Cam Ranh từ sau 1975 và không có nhu cầu.

 

 Theo ông, giữ "nguyên trạng" hiện nay trong vùng về hải quân là phù hợp với tất cả các bên. Không đầy một tuần sau, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ AK Antony thăm VN. Ông và Bộ trưởng Quốc phòng VN Phùng Quang Thanh đồng ý sẽ thành lập một nhóm công tác chung để mở đường cho việc ký kết một Biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng trong tương lai gần.

 

Giáo sư Bharat Karnad, chuyên gia về an ninh quốc gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược Ấn Độ, cho rằng giá trị chiến lược của VN đang được lãnh đạo Ấn Độ ngày càng nhìn nhận và đề cao; ngược lại, Ấn Độ có thể là đối tác vô cùng lợi hại trong quá trình đối trọng của VN với các đại cường. Theo ông, trong tình hình lãnh hải có nhiều diễn biến phức tạp, VN chắc chắn cần trợ giúp từ các lực lượng hải quân hùng mạnh bên ngoài. Cũng cần nhắc lại là đầu tháng 7/2007 Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng đã viếng Ấn Ðộ để thảo luận về các vấn đề kinh tế, chiến lược và quốc phòng. TQ qua Pakistan tạo thế móng chân mèo nên Ấn Độ cần VN để thăng bằng thế trận này.

 

Ông Carlyle Thayer cho rằng VN ở thế yếu và cần sử dụng biện pháp ngoại giao cũng như các tổ chức đa phương và khu vực như ASEAN để giải quyết thế kẹt của mình. Theo ông, về cơ bản trong mọi vấn đề liên quan, VN đang trong cảnh thua thiệt đủ đường, cho nên VN cần những người bạn như Mỹ để duy trì sự ổn định ở vùng biển Đông, nhưng có lẽ Mỹ sẽ không bị hút vào vấn đề này. Ông cho rằng điều VN cần làm ngay là mạnh mẽ đưa ra công luận thế giới vấn đề tranh chấp này và điều đó sẽ đánh động TQ.

 

TQ vừa tổ chức đại hội đảng lần thứ 17 mà trong đó họ đề cập tới một thế giới hòa hợp, họ dùng từ "phát triển hòa bình" (peaceful development) thay vì "trỗi dậy hòa bình" (peaceful rise) như trước đây. Ngày 20/12/2007 Bộ Quốc phòng VN bất ngờ quyết định cho phép các chuyên gia nước ngoài vào nghiên cứu các trận đánh cũng như chiến lược của quân đội VN. Có lẽ đây là chỉ dấu cho thấy một sự chuẩn bị để hợp tác quân sự đa phương với bên ngoài. Với 455,000 quân, VN là nước có quân đội tại ngũ lớn nhất ở Đông Nam Á, nhưng hải quân và không quân còn quá thua kém TQ để có thể bảo vệ biển Đông.

 

Chính quyền CSVN không có khả năng bảo vệ biển Đông, muốn thực hiện được việc này, VN cần cố gắng thực hiện cho được bốn bước quan trọng. Bước đầu tiên là làm sao huy động được sức mạnh của toàn dân VN, trong cũng như ngoài nước . Các chế độ độc tài thường hay qua mặt dân chúng để làm những quyết định hay hiệp ước bí mật với nhau, và trong trường hợp này các nước nhỏ thường bị thua thiệt vì dễ bị hiếp đáp, do không có dân chúng đứng sau lưng để làm hậu thuẫn và bàn tính sâu xa vấn đề, cùng sự thiếu vắng dư luận quốc tế để bênh vực công lý và ngăn chận luật rừng xanh.

 

 Để ngăn chận dân chúng VN biểu tình, TQ gõ đầu CSVN để ra lệnh dẹp, qua câu nói của  phát ngôn nhân Tần Cương "Chúng tôi thực sự quan ngại về những diễn biến mới đây ở VN. Điều đó sẽ làm tổn hại quan hệ tốt đẹp giữa hai nước... Chúng tôi hy vọng chính phủ VN sẽ có thái độ trách nhiệm đồng thời có các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn những sự việc làm tổn hại đến quan hệ song phương như vậy".

 

Nhưng TQ không có đầu để gõ đối với người Việt hải ngoại. Các cuộc biểu tình thường xuyên và rầm rộ ở các tòa đại sứ và lãnh sự của TQ ở khắp các nơi trên thế giới sẽ là một sự mất mặt lớn lao cho họ trên trường quốc tế, nhất là họ đang lo tổ chức Thế Vận Hội ở Bắc Kinh vào năm 2008.

 

Chế độ hiện tại, do sẵn sàng bằng mọi giá để trả cho TQ trong việc thôn tính miền Nam, đã làm những lỗi lầm chiến lược trong việc dâng đất dâng biển để lấy súng đạn và nhờ viện binh. Do đó bây giờ muốn đòi lại thì mở miệng mắc quai. Thực tế bang giao quốc tế không có việc bốn phương vô sản đều là anh em. Trong quá khứ VN và Thái Lan đã từng đòi Cao Miên mỗi lần một vài tỉnh dưới thời Nặc Ông Chân, Nặc Ông Thôn, Nặc Ông Nộn khi anh em họ tranh giành nhau và chạy đi cầu viện bên ngoài.

 

 Sự liên tục của chế độ CSVN hiện nay làm cho họ không thể nào tránh được trách nhiệm phải thi hành những cam kết của họ đối với đàn anh TQ. Do đó, bước thứ hai là họ phải có can đảm thay đổi chế độ. Qua một đêm ông Yeltsin có thể biến mất Liên Sô với những ràng buộc lỗi thời, và tạo ra một thể chế mới để làm lại từ đầu những gì mà chế độ cũ không thể nào sửa chữa được.

 

 Đã đến lúc VN cần có một chế độ chính trị hoàn toàn mới để đoàn kết trong ngoài, và thích nghi với môi trường của thế giới ngày hôm nay mà các ý niệm quốc gia, dân tộc đã phát triển vượt biên thùy. Vì môi hở răng lạnh, sự thay đổi thế chế chính trị ở VN có nhiều phần dẫn đến sự thay đổi chính trị ở TQ. Nếu sự thay đổi này đưa đến một TQ dân chủ thì đó là một diễm phúc cho VN, vì bản chất của dân chủ là không đe dọa và sống cộng tồn với các nước láng giềng, tựa như HK với Gia Nã Đại và Mễ Tây Cơ. Việc thay đổi này ở VN cần có sự tiếp sức mạnh mẽ của đại khối quần chúng để tạo sức phóng hỏa tiễn, hầu đẩy phi thuyền lãnh đạo VN ra khỏi quỹ đạo của TQ.

 

Bước thứ ba là VN cần vận động dư luận thế giới, bạch hóa mọi thương thảo, mọi hiệp ước và các bản đồ ký kết với TQ. Các diễn đàn như Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mà VN là một hội viên không thường trực, diễn đàn APEC, ASEAN, Tòa Án Quốc Tế v.v.. là những nơi mà VN phải tích cực vận động và đòi hỏi sự lên tiếng để bênh vực công lý cho mình. Bước này sẽ hữu hiệu hơn nếu có người Việt ở khắp nơi trên thế giới hỗ trợ Bộ Ngọai Giao VN trong việc vận động. Hy vọng bước thứ hai ở trên được thực hiện để việc này có thể xảy ra.

 

 TQ có thể không coi VN ra gì, nhưng họ rất quan tâm đến dư luận thế giới, như chúng ta thấy, khi thế giới lên tiếng về hàng hóa TQ thiếu tiêu chuẩn vệ sinh và an toàn thì TQ đã có những biện pháp mạnh đối với các nhà sản xuất để tìm cách chấn chỉnh ngay. Hiện nay TQ vừa muốn tổ chức thành công Thế Vận Hội, vừa muốn hàng hóa của họ không bị tẩy chay nên họ có thể nhượng bộ trước dư luận quốc tế. Việc chính quyền Văn Xương nói rằng họ không có kế hoạch thành lập thành phố cấp huyện Tam Sa cho thấy TQ có nhạy cảm khi dư luận trở nên ồn ào.

 

Bước thứ tư là bằng chính sách ngoại giao, VN phải chủ động trong việc vận động và hình thành một liên minh quân sự với Ấn Độ và Hoa Kỳ. Ấn Độ có cùng cảnh ngộ với VN, nghĩa là có biên giới chung với TQ, đang bị TQ chiếm một số lãnh thổ và vẫn chưa trả lại, đang bị TQ dùng Pakistan làm móng mèo để cào. Tuy là một cường quốc nguyên tử và kinh tế đang phát triển mạnh, nhưng một mình Ấn Độ không đủ sức để giúp VN bảo vệ biển Đông. Thế TQ-Pakistan mạnh hơn Ấn Độ-VN, do đó VN cần thêm HK.

 

Tuy Hoa Kỳ có thừa khả năng để bảo vệ biển Đông, nhưng nếu VN chỉ đi với HK thì có thể sẽ bị HK sử dụng như một tiền đồn của họ trong tương lai. Mối tương quan không cân xứng (tựa như với TQ) nên dễ bị lép vế trong các cuộc thương thảo song phương, và khi có tranh chấp ở biển Đông thì chưa chắc gì HK đã chịu can thiệp để bênh vực đồng minh.

 

 Kinh nghiệm cho thấy khi TQ dùng vũ lực chiếm đảo Vành Khăn từ Phi Luật Tân vào cuối năm 1998, bộ trưởng quốc phòng Mercado của Phi đã kêu gọi HK can thiệp vì hai bên có hiệp ước liên minh quân sự, nhưng chánh quyền Clinton từ chối với lý do là hiệp ước không áp dụng cho các vùng lãnh hải đó. Một liên minh quân sự tay ba "VAM" (Việt-Ấn-Mỹ) sẽ làm cho VN cân xứng hơn, biển Đông dễ được bảo vệ hơn, VN ít bị lệ thuộc nặng nề hơn vào một cường quốc.

 

Muốn được vậy thì VN phải tích cực và chủ động trong việc vận động để thành hình liên minh VAM này. Vì đồng cảnh ngộ nên VN có thể dễ dàng trong việc vận động Ấn Độ, nhưng có thể gặp khó khăn đối với HK, vì việc TQ chiếm TS chưa phải là vấn đề đe dọa đến an ninh quốc gia của họ, và họ đang có nhiều liên hệ quyền lợi với TQ hơn là VN.

 

Le Minh Nguyen

from: robertle@att.net

 

(NGỌC YẾN chuyển)

website counter