Gió heo may đã
về …
(PHAN)
* tiếng hát … lâm chung
Thập niên '90 thì tôi chưa biết
nên chỉ nghe kể về ông. Một ông
lính cũ ít nói đến đáng tin cậy,
kể với tôi lúc chỉ có hai anh em đi
đổ rác ngoài parking. Những anh em khác
lo dọn dẹp vệ sinh trong khu vực sản xuất
theo lệnh ông xếp vì hôm đó
hãng chẳng có gì để làm. Tôi
với anh lính cũ tình nguyện đi đổ
rác để hút thuốc chứ tử tế
gì đâu ? Đó là đầu năm
'94, trời tháng ba còn lạnh nên hai anh em nấp
vô chỗ cầu thang lên xưởng cho đỡ
lạnh mà Hồ Dzếnh ! Nhớ nhà châm
điếu thuốc/ khói huyền bay lên cao. Anh
bạn tôi kể về ông: “Ông ấy từ
Florida lên đây (Dallas) chẳng biết
làm vương làm tướng gì dưới
ấy và qua Mỹ năm nào ? Cứ luôn miệng
như người truyền giáo ! Hãng nhận
ông ấy vô làm tạm thời (temporary) sau ba
tháng mới cho vô chính thức, có bảo
hiểm. Xếp giao ông cho tôi dạy nghề
(training), tôi cũng tưởng ông sáng dạ
như mọi người Việt Nam, nhưng tôi lầm
! Thế mà nay, ông cũng qua làm xếp tụi
Mỹ đen vì không làm xếp tôi
được. Tôi đã cầm tay ông qua vạn
sự khờ !... Có lẽ do tôi cứ bắt
ông làm về điện, vật lộn với mấy
cái board điện tử (control unit) nên ông
tưởng tôi đì. Ông không hiểu
là tôi cố tình dạy người
mình, dạy ông làm những việc khó
thì thường nhẹ nhàng và dễ
lên lương. Những việc nặng nhọc sao
không chừa cho … vai u thịt bắp ?”
Thế là tôi hiểu được
đôi chút về “cái máy phát
thanh biết ăn và ưa than van !” trong 17 trự
đàn ông con trai và 13 thị đàn
bà con gái ở cái hãng lắp ráp
máy hút bụi công nghiệp của Mỹ tại
địa phương. (Ba mươi người đồng
hương Việt Nam gánh vác hết những
công việc nhọc nhằn trong hãng vì
hãng không có Mễ, Mỹ đen thì
lười chảy thây và ưa mách lẻo,
Mỹ trắng thì chỉ làm giấy tờ
trên văn phòng hay phòng thí nghiệm
vì họ có bằng cấp và đặc quyền
màu da. Nhưng ba mươi người lao động
chân tay thì lại cùng ngôn nhưng
không cùng ngữ mà từng cá nhân
có lối tiến thân đặc thù. Tôi
nhận xét ở buổi đầu qua Mỹ như
thế. Với ông, tôi chưa hề có
ác cảm hay thiện cảm gì, quan hệ đồng
nghiệp bình thường trong tình đồng
hương, thế thôi.
Hết mùa lạnh, sáng cuối tuần,
tôi thường chở vợ con đi ăn sáng,
đi chợ vì tôi mới qua Mỹ, mới
có một cái xe. Trở về apartment cho bà
xã nấu ăn, dọn dẹp phòng ốc …
tôi đi rửa xe, giặt cái mền dày
ngoài tiệm giặt để cất tới mùa
lạnh sang năm, (máy giặt trong apartment giặt
không nổi). Không ngờ gặp ông chỗ rửa
xe, ông vừa rửa xong cái xe không mới
nhưng lúc nào cũng sạch. Tôi chưa kịp
rửa xe mình nhưng nể lời mời của
ông nên tôi theo ông ra quán cà phê
Việt Nam
gần đó. Coi như buổi trò chuyện
riêng tư giữa hai người ít nói chuyện
trong hãng. Câu chuyện xoay quanh việc hội nhập
với đời sống mới từ nơi ăn chốn
ở, việc làm, việc học hành của con
cái … được một chập thì
ông khuyên tôi nên dành dụm đi mua một
máy hát karaoke để giải trí trong
nhà chứ không thì đời sống Mỹ
sẽ làm vợ chồng tôi điên với những
(đủ thứ) áp lực từ cuộc sống.
Tôi chỉ dạ, vâng cho qua chuyện để ra
về vì thật thà hiểu ra: Ông nói
chuyện hơi nhạt !
Thời gian tiếp theo, qua những buổi tiệc
tùng cuối tuần ở nhà bạn bè
làm chung xưởng. Tôi hiểu ông thích
cất tiếng hát ở mọi nơi, mọi bữa
tiệc mà ông có mặt. Ông thích mọi
người im lặng khi ông phát biểu trên
bàn bia; khi ông hát karaoke theo hàng chữ chạy
chạy trên màn hình tivi và cuối
cùng là ông say tiếng vỗ tay của ai
còn biết thưởng thức âm nhạc qua tiếng
hát ông. Ông chẳng coi mấy tay Vũ … Vũ
ra gì ! Ông chỉ ngán Chế Linh vì
ông Lính Chê đó hát không cho ai bắt
chước. Kể ra nhận xét của ông về
ông Chế cũng khá tinh tế: “…nghe Chế
Linh nhả chữ ‘nhỏ’ trong câu: thằng
bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ …
Tuy phát âm tiếng Việt, nhưng chất giọng
không Việt thì đến thánh cũng
không bắt chước được !”
Tôi tính ông này sành nhạc
bô (bolero) cũng thuộc hạng thượng thừa.
Nhưng khi người khác nói hay hát
thì ông ưa mất bình tĩnh ! Có lẽ
ông là người quyền cao chức trọng
xưa kia nên không quen nghe người khác
nói. Nhưng được cái, ông sẵn
sàng chạy tới bất cứ nhà ai mới mua
máy hát karaoke, bất kể ngày đêm
để đích thân ông chỉ đạo gắn
(hook-up) dàn máy nhạc mới yên tâm.
Ông không trực tiếp gắn vì sợ bị
… đền ! Sau đó, điều chỉnh
âm thanh là công việc cần kinh nghiệm
và trí tuệ cao - mà trong hãng thì
cánh đàn bà mù tịt về máy
móc; cánh đàn ông ấm ớ, chỉ
giỏi uống bia. Vậy còn ai trồng khoai đất
này ? Nói chung, ông rất có nhiệt
tình văn nghệ và hơi lõi đời.
Ông mê karaoke từ những năm mới có
(đâu khoảng '85) nên kể ra kinh nghiệm cũng
không xoàng. Có điều hơi buồn
là chuyện đàn bà kháo nhau về hục
đục trong gia đình ông, vợ chồng
ông vì tuần nào lãnh lương ông
cũng không đưa trọn về nhà cho
bà để lo đời sống mà ông
thường ngắt nhéo để mua dĩa hát
karaoke. Nghe nói, một cái dĩa (laser dish) to
như cái dĩa bàn thời đó đến
bảy, tám chục đô la. Trong khi lương bấm
thẻ thì có bao nhiêu ? Đam mê nào cũng
có cái khổ của nó. Được
cái bà nhà cũng vui vẻ với bạn
bè của chồng, bà hiền lành và
có vẻ chiều chồng nên ông rình rang
bia bọt cuối tuần với bạn bè thỉnh
thoảng tới chơi nhà ông - theo lời mời
chọn lọc - là những người ăn nhậu
ít thôi, ông mời mọi người đến
đây chủ yếu là để nghe ông
hát và chứng thực cho ông là dàn
máy karaoke của ông là vô địch
thiên hạ. Tuy máy móc có cũ hơn
nhà khác nhưng nhờ ông biết điều
chỉnh âm thanh nên đừng so sánh với
máy móc nhà khác là không biết
gì về âm thanh và âm nhạc. Còn một
cái âm … để so sánh với máy
móc cổ lỗ sỉ của ông nhưng người
Việt thường tế nhị nên chúng
tôi nói riêng ! Trên hết là giọng
hát ông.
Tôi còn nhớ những năm ấy, mấy
anh bạn làm chung cũng say máy hát karaoke
không kém. Nhà nhà hát rân trời
những cuối tuần, có vợ chồng anh bạn
còn thâu băng để bỏ vô xe, ngày
ngày trên đường đi làm hay chiều
về, chồng nghe vợ hát, vợ nghe tiếng
hát của chồng cũng hay đấy chứ !
“Tôi không biết hát là thiệt
thòi tạo hóa thì cũng đâu có
quyền phê phán cái hay của người
khác.” Cái lối nói chuyện …
cà chớn của tôi vậy mà được
ông đặc biệt quan tâm ! Ông chỉ cho
tôi vài chiêu của professional như cách cầm
micro sao cho điệu nghệ, lấy hơi … tới
hết hơi cũng là một kỹ năng cần
luyện tập, cộng với một chút thiên
phú mà Trời đã quên tôi. Nên
cuối cùng, ông đành chia buồn với
tôi vì tôi không có khiếu ca hát
và khuyên tôi nên bỏ ngoài ước
mơ hai chữ: “danh ca”. Hiểu theo một nghĩa
khác là ông đã loại được
một địch thủ trong 17 nam ca sĩ chưa lên
mà đã xuống của phong trào karaoke thời
ấy.
Tôi ngoan ngoãn nghe lời nên ông cũng
tình nghĩa tặng tôi một CD “Đường
xưa ướt mưa với tiếng hát Lâm Bằng”.
Ông dặn tôi là không nói với ai,
không để ai biết là ông đã thực
hiện một CD cho mình. Ông chỉ ra CD hạn chế
để tặng bạn thân chứ ra nhiều
thì mất giá trị tiếng hát của
ông. Ông dặn tôi về nghe bài: "Áo
lụa Hà đông” là bài ông
không tính hát bài đó trong CD vì
ông chỉ thích điệu ‘bô’.
Nhưng nghe lão Duy Trác hát “Áo lục
Hà Đông” cũng thường thôi vậy
mà người ta khen quá nên ông hát
cho lão về hưu, cho biết mặt ông. Tôi
về nghe xong bủn rủn tay chân vì vô
tình nghĩ ra cụm từ: “hiếp dâm
âm nhạc”. Duy Trác hát để nâng
tâm hồn tôi lên được bao nhiêu
thì ông dìm tôi xuống vũng lầy của
chúng ta còn xót xa hơn tiếng hát
Lê Uyên - Phương.
Đến khi nghe các bà, các cô trong
hãng nói về CD “tiếng hát Lâm Bồn”
(vì rên hơn cả đàn bà đau
đẻ) thì tôi mới biết là không
chỉ riêng tôi được tặng ! Cái
quý ở chỗ mình được tặng,
còn người khác … cũng được
luôn. Hề gì !
Tới hôm, chị kia làm chung hãng cho
tin: “Hôm cuối tuần, chị đi chợ Việt
Nam,
tạt qua tiệm phim để mướn phim bộ về
coi. Chị phải tránh mặt đi ra vì sợ
ông ngượng. Nguyên là ông gởi
bán CD đã 6 tháng mà tiệm chẳng
bán được cái nào. Nay, ông bị
chủ tiệm gọi lấy về vì hết … kệ,
chứ CD còn nguyên. Tiệm giao lại thiếu mất
hai cái nhưng không chịu trả tiền vì
trong sổ “hàng bán ra” của tiệm
băng nhạc không có bán. Coi như thất
lạc đâu đó ! Thế là hai bên
cãi nhau. Cuối cùng, chị thấy ông
bưng ra xe một thùng CD hơi nặng. Chị cũng
không dám hồ đồ nói quá dù
chị tin là không dưới trăm cái. Coi
như một tiếng hát … lâm chung.
* lối cũ em về …
Rồi thì cái gì có tính phong
trào cũng phải qua đi như mode quần
áo, giày dép … để cho cái mới
ra đời. Phong trào karaoke lắng đọng để
đón luồng gió mới là nhà
nhà ra báo. Dễ ụi hà, chỉ cần
mướn một hộp thơ ngoài bưu điện
là có P.O. Box. Sắm cái “còm”
và kết nối Internet là xong chuyện “hạ
bài” của thiên hạ trên mạng về
báo nhà. Liên hệ nhà in thì dễ
như ăn cơm vì mình trả tiền mà.
Khó nhất là xin quảng cáo để
có tiền trả tiền nhà in, chuyện
này cũng không khó mấy vì cứ gọi
những cơ sở thương mại của người
Việt và tính nửa giá báo nào
đang quảng cáo cho họ là xong ngay ! (Chuyện
này tôi rành vì thằng em tôi có
tiệm sửa xe, nó đang quảng cáo chùa
(free) trên báo ông anh-bà chị tôi. Thế
mà tờ báo mới ra lò gọi cho nó
và bảo: “Tôi tính nửa giá anh
đang quảng cáo trên báo (…)” Họ
không biết báo ‘ba chấm’ đó
là báo của anh-chị tôi với thằng sửa
xe.) Người ta bảo thương trường khốc
liệt hơn chiến trường, chưa nghe ai nói
thị trường báo Việt ngữ ở hải
ngoại thâm độc hơn Việt cộng !
Cuối cùng là xong luôn một loạt
Quê … Magazine/ tưng bừng khai trương rồi
âm thầm đóng cửa. Làm sao mà nhớ
cho hết tên báo chí địa phương ?
Tờ nào ra được tới số thứ 5
là coi như thành danh một thuở/ vang bóng
một thời. Có tờ chưa qua “phút huy
hoàng” mà đã chợt tắt là
chưa ra được số đầu mà
đã coi như số cuối như tờ
“Quê… một cục” bởi Quê
hương, Quê mẹ, Quê nhà, Quê em …
Magazine còn không sống nổi thì
“Quê … một cục” chết từ trong
trứng nước cũng đâu có gì lạ.
Thế mà ông cũng đánh hơi
được phong trào làm báo. Ông mới
bàn kế hoạch đã bị gia đình
lên án vì thất bại vụ CD còn
nóng hổi. Cứ tưởng tượng tâm huyết
của một người yêu nghệ thuật,
thích làm nghệ thuật mà sống chung trong
căn nhà chỉ có vợ con thiển cận,
vào hãng với bạn bè dốt đặc
cán mai, ra đường với thế thái
dân tình chỉ ham làm kinh tế thì
tâm huyết của ông đổ đi đâu
? Ông đổ vô đáy cốc với bốn
mùa thay lá để dòng thơ ứ hự
ra đời. Chính dòng thơ mênh mang sầu
mạt vận hơn sầu viễn xứ của ông
đã góp công không nhỏ trong việc khủng
bố những tờ báo non trẻ mới ra đời.
Họ đã khốn đốn với thu không
đủ chi mà ông còn gởi tới nhiều
P.O. toà soạn những bài thơ thần-sầu-bí-hiểm
của ông làm họ tiêu tán thoòng
chút liều lĩnh rơi rớt lại sau quyết
định ra báo một cách mạo muội
mà họ đã lỡ !
Cuối cùng, cũng có một tờ
báo liều hơn ông là in thơ ông
vô mục: “Thơ độc giả”. Tiếc
là tờ báo đó in xong thơ ông
thì cũng theo ông bà. Bạn bè góp
ý là tờ báo đó trả thù
ông trước khi băng hà, họ in một lần
để ông tưởng là thơ ông hay
thì ông mới có năng lực sáng
tác để khủng bố những tờ báo
ngáp ngáp mà chưa chịu chết - cho những
tờ báo đã chết, có bạn. Ông
giận khá nhiều bạn bè với phát biểu
đó vì ông tin là thơ ông có
chỗ đứng trên văn đàn hải ngoại.
Báo chết do người quản lý dở,
làm sao đổ thừa người cộng tác
được ?!
Từ sau chầu bia cuối tuần với những
phát biểu linh tinh của loài người thiển
cận, bạn bè u mê … ông bị trầm
cảm nên thơ ông càng âm u. Trong thế
giới lạc loài những tâm hồn lớn,
thơ ông bay ra nhà in để chào đời
- đứa con thiếu tháng. Tập thơ mỏng te
ra đời mà cũng nuốt hết bảy trăm
bạc tiền thưởng cuối năm cộng với
tuần lương mất check ba trăm là một
ngàn đồng chẵn. (Bà nhà … ứa
lệ nhìn theo một chuyến xe tang) chở thơ
ông đi rải vào toilet nhà bạn bè,
sàn xe các chị bạn làm chung chỉ
mê phim “uống canh” của Hồng Kông, thời
đó. (Mấy cô cậu kim chi chưa làm nổi
đình nổi đám như bây giơ).
Ông tâm sự não nề mà người
nghe là tôi mới chết: “…anh ưa đọc
sách báo, thử cho tôi một nhận xét
thật tình về tập thơ tâm huyết của
tôi, xem ?”
Biết nói gì đây ?! Nhiều khi người
ta cũng phải nói dối vì lòng nhân
đạo. Hình như những người không
được hạnh phúc sau hôn nhân mà
từ ngữ gọi là: “triết gia”
nói là: Nói dối vì lòng nhân
đạo thì không có tội ! Tôi tin
đại đi để dễ bề đối
phó. Tôi nói cho ông vui: “Tập thơ của
anh nặng về triết lý nên kén người
đọc. Phần, những người đọc
thơ triết lý thì ưa bảo thủ, họ
không dễ chấp nhận một tác giả mới.
Vạn sự khởi đầu nan là vậy ! Một
chỗ đứng trên Văn đàn thua cái
chòi vá xe đạp ở Việt Nam về thu nhập
nên chỉ những ai giỏi chữ mới mưu cầu
…” Ông nguôi ngoa và cho tôi là
người biết chuyện.
Tôi đâu dám nói ra là ngay
bài thơ đầu trong tập thơ chắp
vá “lối cũ em về” đã là
bài thơ luộc lại từ bài thơ:
“trời mưa đi phát báo” của
Giang Hữu Tuyên tiên sinh. Bài thơ hay tới
người đọc lịm đi với hồn thơ
Giang Hữu Tuyên, nói về cảm khái trời
mưa đi phát báo của một người
yêu thơ, yêu báo hơn người tình.
Mười mấy năm làm
tên phát báo
Lòng buồn theo thành quách
xa xưa
…
Mưa lót ngót đời loi
ngoi mãi
Sáng chưa đi chiều lại
mưa về
Mưa ngã năm từ năm bảy
ngã
Ngã nào cũng mưa và
mưa thôi
GHT
Thôi thì để ông trả giá một
phen cho biết mùi Văn thơ. Nói ra sự thật
đau lòng chi cho ông đau thêm trong nỗi buồn
vô vọng khi tập thơ đầu tay của
ông đã mau nguôi dư luận vì mọi
người đã rõ lòng yêu nghệ thuật
của ông qua CD “tiếng hát … Lâm Nạn”
của ông. Ông xa lánh bạn bè vì
không tìm được người đồng cảm.
Ông khép kín với người thân trong
nhà làm vợ con cũng khó thở với bốn
bức tường bất chợt thu sang - ông trở
già khó tính với đủ thứ chung
quanh. Việc làm chính trong xưởng thì
đầu hồn ông để nơi tác phẩm
thai nghén, sắp ra trình làng. Ai cũng mơ
hồ ông là chiến sĩ không mệt mỏi
trên mặt trận văn hoá tư tưởng.
Ông thôi bia bọt, thuốc lá, đàn
đúm để để giành tiền. Ai cũng
thương ông thuộc loại người chơi
được trong giao tiếp bạn bè trước
đây. Ông chẳng để ai thiệt thòi
bao giờ, nhưng hoàn cảnh hiện tại:
Ông cần tiền in sách nên tự trọng xa
lánh tiệc tùng vì ông không chịu nợ
miệng với bạn bè. Mọi người để
yên cho ông sống trọn niềm tin - một
ngày ông nổi tiếng !
Đùng một cái, “Tuyển tập
truyện ngắn” ra đời. Với chừng mười
truyện ngắn đến không thể ngắn
hơn nhưng nhà in cũng ác là in sách
trên trăm trang - giá khác ! In trên ngàn
cuốn - giá khác !... Đụng tới nhà
in mới biết ra … ngàn cái khác !
Ông chọn “người biết chuyện”
để bàn bạc làm tôi cũng ứ hự
theo ông.
Cuối cùng cũng được cái
hân hạnh là người đầu tiên nhận
sách tặng trên tay. Có thể nói đẹp
nhất trong tác phẩm là chữ ký tác
giả. Chữ ký bay-hơn-bướm nói
lên một tâm hồn nghệ thuật chưa hết
sân si. Lật tới bên trong để hiểu ra
những khó khăn của người in sách
là để được hưởng giá
trên trăm trang mà tác phẩm của
mình hẻo quá thì lên mạng mượn
chút đỉnh về xài ! Nhưng khổ nỗi
lấy bài của những tác giả hải ngoại
thì sợ họ chửi bới om xòm làm mất
tính chất vì nghệ thuật nên lấy
bài của những tác giả trong nước cho
xa xa một chút ! Nhưng lấy bài trong nước
thì không khéo bị chụp mũ thiên cộng
cũng chết cha ! Thôi thì lấy râu ông
nọ cắm cằm bà kia cho được trăm lẻ
tám trang, (sơ sơ chừng hai mươi trang
hình tác giả - đủ mọi tư thế
như người mẫu) Mấy ai mắt mũi kèm
nhèm cứ tưởng quảng cáo before cho Thẩm
mỹ viện nào mà sao không thấy hình
after ?
Tuyển tập truyện ngắn ra đời
không ồn ào với những trò ra mắt
sách kiểu thời thượng. Ông âm thầm
trao tay những ai mà ông tin tưởng còn
quan tâm đến chữ nghĩa Việt Nam đang mai một
trên đường lưu vong. Nhưng số phận
nó cũng không may từ khi lay-out như tác giả
vừa bị lay-off vì không hoàn thành
công việc trong hãng. (Đầu hồn cứ ở
đâu với chữ nghĩa nên làm lộn
tùng phèo công việc. Phụ tùng máy
này thì đi ráp vô máy kia, giấy tờ
(paper work) bảo lắp máy điện 240 V thì
đi đấu dây motor 120 V. Ra tới QC chạy thử
đã bốc khói thơm lừng !)
Tuyển tập truyện ngắn “nhớ về
một dòng sông” chưa nghe được hồi
âm của quần thần thì tác giả
đã sang ngang. Một vì sao cô đơn phụt
tắt trên vòm trời nghệ thuật - không
điếu văn, không ồn ào như khi sao mọc.
* MC 200
Tôi nghỉ việc vì được bạn
bè giới thiệu job khác hơn lương. Từ
đó, ít gặp bạn bè hãng cũ,
thi thoảng nghĩ về đời sống nơi
này đúng y như nhạc Trịnh: “bạn
bè rồi xa, người tình rồi quên/
ôi tháng năm/ những dấu chân, rồi cũng
bụi mờ …” Tôi lêu bêu trên
giòng sống với đồng nghiệp không
đồng hương vì đã biết chót
chét chút tiếng Anh, nhưng vẫn giữ
liên lạc với anh bạn lính ở hãng cũ.
Anh bạn tôi trở già lại bớt chửi thề,
bớt cộc cằn, nóng tính … nhưng
nói nhiều hơn xưa ! Thích tâm sự mới
hết hồn ông Địa. Thỉnh thoảng
tôi ghé cây xăng trước nhà anh để
mua sáu chai bia màu xanh hy vọng, rồi vô
thăm hũ củ kiệu, hũ tôm khô nhà
anh, ngon tuyệt. Độc đáo là hột vịt
bắc thảo - chị nhà tự làm thì
không đâu sánh được. Anh bạn
già đã giã từ vũ khí sau chiến
tranh Việt Nam nhưng chưa giã từ được
cây cuốc để ẩn cư cho qua một kiếp
đời nên cũng còn đi làm lớt lớt.
Anh giã từ một thời ngang dọc và đầy
ngang ngược nhưng chưa và có lẽ
không bao giờ giã từ tình nghĩa thủy
chung của bạn bè, em út …
Mới đây, anh mời tôi dự
đám cưới con gái anh. Con bé hôm
nào còn sa vào lòng bố nũng nịu:
“ba uống bia thôi, đừng hút thuốc nữa
ba…” Vậy mà nó đi lấy chồng
để nhắc nhở cha chú đã già rồi
đó nghe ! Anh kể lể với tôi về bạn
bè hãng cũ: Những cô gái hôm
nào trốn trong nhà kho, góc xưởng …
để làm homework vì vừa đi học, vừa
đi làm, những mặt đàn anh cầy thế
chết cha. Nay, các cô đã chồng con, sống
rải rác trên nước Mỹ bao la nhưng thỉnh
thoảng gọi về ‘tổ trưởng tổ
đầy tớ’ để hỏi thăm anh, hỏi
thăm tôi … những người làm chung dạo
nọ. Tôi cũng hiểu ra mình khá dạt
dào trước những lời thăm hỏi hết
sức đồng hương đó. Nó chẳng
làm cho ta giàu lên, khoẻ ra … mà
hơn thế là sự ấm lòng về tình
người đang hụt hẫng trong mọi tầng lớp
xã hội.
Lần này, anh bạn già tâm sự với
tôi qua điện thoại nhắc nhở: “Nhớ
đi đám cưới cháu nha thằng mắc dịch.”
Tôi nghe lòng mình trào dâng nghĩa cử
bạn bè với câu anh nói: “Sao hôm thằng
lớn tôi lấy vợ thì tôi mừng. Nay con
bé lấy chồng thì tôi lại buồn muốn
khóc …” Tôi trên đường về
sau một ngày cơm áo, ghé qua nhà anh
để an ủi ông bạn già. Hai anh em ngồi
cụng bia chứ có ai bắt làm gì
đâu. Thằng rể tương lai đưa con
gái anh về đã hơn mười giờ
đêm. Nhìn chúng mà muốn khuyên
đừng chơi trò vợ chồng, các
cháu ạ ! Chú dại dột như bay bây giờ
nên hai mươi năm nay chỉ biết đi
cày - tối mặt. Nhưng chẳng lẽ khuyên
chúng mèo mả gà đồng cho mất hết
gia phong, truyền thống. Tự hoàn cảnh sống
xa nhà mà tôi mới có ý nghĩ về
việc giữ gìn truyền thống dân tộc chứ
hồi còn ở bên nhà tôi có nghĩ
tới đâu ! Nhưng nói với một người
trẻ rằng tôi đã già là vô lễ
- Trịnh Công Sơn. Tôi đang miên man trong
tư tưởng họ Trịnh vì thật thà
không hiểu lắm !
Chị nhà từ trên lầu xuống với
một ôm mền gối cho khách phương xa về
dự đám cưới. Chị như chợt nhớ
ra: “Tụi bay không viết danh sách tên họ
Họ hàng rồi nhờ chú đây, ngày
mai làm MC cho gia đình thì hết ý !
Người ăn nói hoạt bát thế này
mà không nhờ ! Tôi tỉnh hồn mơ mộng,
còn chưa tìm được lời thoái
thác thì ông bạn cứu tôi.
“Cái thằng mắc dịch này chỉ giỏi
chuyện ‘nói nhỏ cười to’ với
tôi. Nó mà làm MC thì đại họa.”
Đúng là bạn già tri kỷ hiểu nhau.
Tôi cảm ơn anh không hết. Và con
cháu - ngày mai lên xe hoa cho biết: “Anh
Hùng (chồng nó) đã nhờ ông
chú bên họ nhà trai làm MC nên ba
má khỏi lo nữa.” Tôi ra về đêm ấy,
ông bạn tiễn tôi ra cửa còn dặn
dò: “Sáng mai đến sớm nhá thằng
mắc dịch. Biết đâu có chuyện nhờ
mày …”
Sáng hôm sau tôi đến sớm, cũng
chỉ cà phê rồi cà tàng đợi họ
nhà trai qua rước dâu. Ấy. Họ
đã đến kia kìa, đi đầu là
người đàn ông nhỏ nhắn với
gương mặt khắc khổ, mái tóc
đã muối nhiều hơn tiêu bội phần,
ông lùng thùng trong bộ đồ lớn
đã cũ và không được giặt ủi
kỹ lưỡng. Tôi hơi thất vọng về
ông trưởng tộc đàng trai nhưng lầm
vì đó chỉ là ông MC. Ông bà
đi sau mới là ông bà sui trai thì
rõ ra một đôi đẹp lão.
Sau nghi thức đón tiếp Họ nhà trai
ngoài ngõ. Ông MC không dám nhìn thẳng
mặt tôi và ông chủ nhà là bạn
tôi vì chúng tôi đã nhìn ra
ông là ai ?! Đến phần chính của buổi
lễ là cho cô dâu làm lễ xuất
giá trước bàn thờ gia tiên nhà
gái. Trong phần nghi lễ đó có phần
MC giới thiệu về thân bằng quyến thuộc
của hai họ để biết nhau. Tôi nhớ
ngày xưa thì dâu rể thường nhờ
một chú bác nào đó trong gia
đình (bên nào cũng được) miễn
ăn nói hoạt bát để đứng ra giới
thiệu. Nay thì các bạn trẻ mướn MC
(thường là người của ban nhạc sẽ
chơi trong bữa tiệc cưới chiều nay)
làm vai trò MC nếu trong hai gia đình
không có ai muốn đứng ra ăn nói.
Có đám thì nhờ chính bạn bè
của cô dâu chú rể cho nó trẻ trung.
Vậy vị MC này ở đâu ra ? Vì
ông chẳng có họ với đôi bên.
Đặc biệt là ông không ngờ gặp lại
tôi với ông chủ nhà nên ông lọng
cọng.
Anh bạn khều tôi sang phòng bên, dặn
dò: “Nếu ông ấy nhìn bạn bè
thì mình nhìn bạn bè. Bằng không
… cũng để ông ấy làm ăn.
Mày đừng phá ổng nha…!” Tôi
tuân lệnh nghiêm chỉnh. Bước vào
không khí trang nghiêm trước ban thờ
và hai họ trịnh trọng làm lễ. Đầu
óc tôi chia đôi, nửa nhớ lại
đám cưới mình mới đó mà
đã hai mươi năm, nửa quan sát ông
MC và thắc mắc sao không nhận bạn.
Càng quan sát tôi càng xót xa vì
ông già đi hơn tôi nghĩ nhiều lắm.
Ông tiều tụy thì đúng hơn là
già. Đã 8 năm không gặp, 8 năm cho một
cô bé thành cô dâu hôm nay thì quả
thật có nhiều thay đổi, nhưng 8 năm cho
một người ngũ thập tri thiên mệnh
già háp đi thì thật là nhếch
nhác.
Trong không khí trang nghiêm mà nghe
ông MC rít hơi qua kẽ răng cho trịnh trọng
trước khi phát biểu thì thật là khiếm
nhã. Ông ăn nói chẳng ra đầu
đuôi gì sất, thi thoảng pha một câu
khôi hài rất vô duyên, lãng xẹt so
với sự trang nghiêm của lễ nghi truyền thống,
làm ai cũng bực mình nhưng không ai muốn
lên tiếng vì lễ xuất giá trước
bàn thờ gia tiên chỉ diễn ra một lần
trong đời con gái, rất quan trọng cho một
đôi vợ chồng ăn đời ở kiếp với
nhau. Ông giới thiệu tên họ, vai vế những
người bên đàng trai với miếng giấy
thứ ba rút ra từ túi áo… vẫn sai,
làm ai cũng tức giận. Mỗi lần nêu
tên và vai vế một người, ông xin một
tràng pháo tay trước khi xướng tên
người đó - nếu không trật -
đương sự không cần đính
chính thì ông lại xin một tràng
pháo tay ! Mà quan khách vỗ tay không vang dội
như ý ông thì ông lại xin … vỗ
lại !
Quá mệt mỏi với ông nên khi
ông “xin quý vị hai họ cho một
tràng pháo tay thật lớn …” thì
cô bé lọ lem bưng quả đã quá oải
với cái quả gì không biết trên taỵ
Cô bé nói nhỏ nhưng bởi không
khí quá trang nghiêm nên ai cũng nghe:
“Không cho !”. Những ánh mắt không bằng
lòng của người lớn dồn về cô
bé lọ lem đến tội nghiệp.
Ông giới thiệu đến họ nhà
gái, lúc xướng tên ông bà sui
gái, ông cúi gằm mặt ông để
tránh ánh mắt ông bạn tôi. Tôi
xót xa vô cùng. Sao bạn bè mà dửng
dưng với nhau đến thế ?! Ông quên cả
xin một tràng pháo tay, làm những người
bên Họ nhà gái phật lòng. Nhưng buổi
lễ cứ diễn ra đúng theo nghi thức, chỉ
mất trang nghiêm khi ông giới thiệu ông
bà Sony Nguyễn đến từ miền nam California thì một
chú nhóc khôi ngô, bụ bẫm bước
ra: “Con là Sony, nhưng con chưa có dzợ
!”
Ông em vợ của bạn tôi giận
quá ! Ông xin lỗi mọi người, xin lỗi
MC để tự giới thiệu về gia tộc
nhà mình. Buổi lễ rút gọn được
thời gian và thành công mỹ mãn.
Tiệc ăn được dọn ra để
đãi nhà trai qua rước dâu, nhà anh bạn
tôi rộng nên năm, sáu bàn ăn
khá thịnh soạn, được dọn ra.
Đám trẻ đôi bên hình như
đã quen nhau nên họ tự ngồi bàn theo
quan hệ quen biết trước. Người lớn
còn vái nhau cho trịnh trọng nên ngồi
được vào bàn thì đám trẻ
đã xong tiệc. Họ kéo nhau ra ngõ, ra
sân chụp hình lưu niệm, cười
nói râm ran …
Tôi cũng được vái lên
bàn trưởng thượng chứ dở sao. Ngồi
vào bàn những người có tuổi mới
ngột ngạt làm sao. Nhìn sang góc phòng
với nguyên một bàn ăn - mâm cao cỗ
đầy mà chỉ chơ lơ ông MC độc
ẩm. Hình ảnh thằng mõ trong truyện Nam
Cao, Ngô Tất Tố … lại hiện về trong
kiến thức nhỏ nhoi của tôi. Tôi buồn.
Nhà trai đã rước dâu đi, lần
đầu trong 15 năm quen biết, tôi thấy giọt
nước mắt bạn tôi lăn trên
gương mặt lì lợm, ngang tàng …
và già thêm mười tuổi - tiễn con
đi. Đưa dâu xong, trở về nhà với
hai ông bà thui thủi mới thấm thiá nỗi
cô đơn của người sinh con gái. Cũng
may có một cô bé là bạn thân với
cô dâu, cô bé trở về gia đình
người bạn vừa giã biệt mẹ cha để
phụ dọn dẹp là phụ; để an ủi
cha mẹ của bạn mình mới là chính.
Tuổi trẻ hải ngoại mà chu đáo,
tình nghĩa đến cảm phục. Tôi mời
cô bé ngồi nói chuyện để hỏi
thăm về ông MC hơi quái lạ trong mắt
tôi. Cô bé thành thật cho biết như
sau: “Anh Hùng (chú rể của hôm nay) bực
mình vì nhờ một người chú ruột
làm MC cho đám cưới hôm nay, nhưng
ông chú cứ thoái thác. Anh Hùng chọn
cách mướn MC theo lời giới thiệu của
một người bạn đã đám cưới
năm ngoái. Ông MC này có lý lịch
như sau: Ông là nhà văn, nhà
thơ… (do ông tự giới thiệu thế).
Cháu chưa thấy tác phẩm của ông ta.
Nghe nói, ông đánh vợ để
đòi tiền in sách, đánh đến lần
thứ ba thì các con ông quyết định
ép mẹ ly dị - bằng không họ kêu cảnh
sát để tống vô tù vì tội
hành hung người phối ngẫu. Vợ ông
không muốn làm chuyện cho thiên hạ cười
khi vợ chồng đã xế bóng hoàng
hôn. Nhưng ông lại thấy việc ly dị
là đúng đắn để ông có
được khoản tiền chia gia tài, ông lại
hết trách nhiệm với con cái vì
các con ông đều đã hơn 18 tuổi.
Ông quyết ly dị cho được và xử dụng
khoản tiền quan toà chia cho ông để in những
tập thơ, tập truyện mà ông tin là
thành danh về cả hai mặt: tài chánh
và danh tiếng. Nhưng tiền đi không về
vì tác phẩm chẳng ai mua. Bây giờ
thì ông ở share phòng một gia đình
người quen vì tiền hết mà xin việc
không ra bởi tuổi tác đã cao. Tiền
già thì còn năm, bảy năm nữa mới
tới. Nói chung ông ấy khổ nên hành
nghề MC200 cho mỗi đám cưới. Bà chủ
nhà cho share phòng là người tích cực
giới thiệu việc làm cho ông để trừ
nợ thuê phòng”.
À ra thế ! Bữa tiệc chính ở
nhà hàng vào buổi chiều tới tối.
Ông em vợ của bạn tôi đứng ra giới
thiệu về gia tộc mình như ban sáng,
ông chú ruột của chú rể đứng
ra giới thiệu gia tộc đàng trai. Sau
đó, các bạn trẻ làm chủ sân
khấu vì họ nói được song ngữ
để khách mời người Mỹ hiểu
cái đám ồn ào này là
đám gì ! Riêng tôi cứ để mắt
theo ông MC - lại một mình một cỗ.
Hình ảnh ông MC đút phong bì
thù lao vào túi áo khi tiệc chưa
tàn. Ông lặng lẽ ra về với hai túi
ny-lon mà nhà hàng to-go theo yêu cầu của
ông đã nói lên hết sự khánh tận
của một giấc mơ nổi tiếng trên
Văn đàn. Tôi lặng lẽ nhìn theo
người đi tìm tên tuổi mất hút
ngoài parking trong đêm tối. Gió heo may
đã về …
Phan
(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)