TRƯỚC THỀM XUÂN MẬU TÝ (2008)
(Nhà văn
Hoàng Tiến)
Hà
Nội mấy ngày nay trở rét. Gió lạnh
từ phương Bắc liên tục tràn về.
Rét đậm rét hại. Lại thêm mưa bụi
nhớp nháp đường phố. Dự
đoán giá cả sẽ tăng mạnh trong dịp
tết Mậu Tý. Lạm phát đến hai con số.
Tiền mất giá. Nhiều cái lo. Nhưng
cái lo bao trùm là tin tức về Hoáng Sa
và Trường Sa ông bạn môi răng khổng
lồ Trung Quốc tuyên bố lập thành phố
cấp huyện Tam Sa trực thuộc tỉnh Hải Nam của
họ. Ngang nhiên biến một phần lãnh thổ
của Việt Nam
thành lãnh thổ của Trung Quốc.
Phía
Việt Nam
chỉ phản ứng một cách yếu ớt ở
cấp độ người phát ngôn Bộ Ngoại
giao là ông Lê Dũng. Thậm chí công
an còn ngăn cản những cuộc biểu tình
của thanh niên sinh viên biểu lộ lòng
yêu nước trước hành vi ăn hiếp của
ngoại bang.
Trên
thực tế Việt Nam
đã nhún nhường chịu thiệt thòi
từ Hiệp định biên giới 1999, đến
Hiệp định lãnh hải 2000, đến Hiệp
định đánh cá chung biển Đông.
Nhưng Trung Quốc đâu có dừng lại, họ
cậy là nước lớn, dùng chính
sách tằm ăn lá dâu, cứ gặm dần,
lấn dần. Đến bây giờ là Hoàng
Sa, Trường Sa, rồi còn lấn đến
đâu nữa cho thỏa mãn lòng tham vô
đáy của chủ nghĩa bành trướng?
Nghe đồn vùng biên giới Quảng Ninh
đã có chuyện. Rồi vùng đánh
cá chung hai nước gần đảo Bạch Long Vĩ
cũng xảy ra chuyện ....
Người ta lớn, bởi vì anh quỳ xuống
Ai
nói thế nhỉ ? Chảy trong máu huyết
tôi một luồng khí hổ thẹn làm
đỏ da mặt. À, ông Marat, một vip trong cuộc cách mạng
Pháp 1789. Vẳng lên bên tai câu nói của
ông ghi bằng tiếng Pháp chúng tôi
được học khi còn mài đũng quần
trên ghế nhà trường thời Pháp thuộc:
On est grand, parce-que vous vous mettez à
genoux
Phải
rồi, nếu chúng ta cứ khom lưng trước
người anh em khổng lồ thì mãi mãi
chúng ta là chư hầu của họ, đất
nước thành quận huyện của họ.
Không! Lịch sử của chúng ta tuy có Trần
Ích Tắc, có Lê Chiêu Thống là những
vết nhơ cho đất nước, nhưng chúng
ta còn có Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt,
Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn
Trãi, Quang Trung ...viết lên những trang sử huy
hoàng cho dân tộc. Để tồn tại
và yên ổn, chúng ta đã phải nhún
nhường với phương Bắc, đã phải
chịu cống nạp vài năm một lần,
nhưng chưa bao giờ chúng ta để mất
đất. Trong hàng ngàn năm lịch sử, chúng
ta chỉ có một lần mất đất là
châu Quảng Nguyên - Cao Bằng cho nhà Tống,
nhưng sau đó nhờ ngoại giao khôn khéo
ta đã lấy lại được Quảng
Nguyên, đổi lại ta thả những người
bị bắt ở châu Khâm, châu Ung, châu
Liêm những vùng đất Lý Thường
Kiệt đã đem quân sang đánh và
biếu nhà Tống hai con voi trắng. Sau này tiếc
của người Tống làm thơ than vãn:
Nhân
tham Giao Chỉ tượng
Khước thất Quảng Nguyên kim
(Vì tham voi Giao Chỉ
Để mất vàng Quảng Nguyên)
Quảng
Nguyên có mỏ vàng Đồng Tụ. Là
đất của Đại Việt ta thời Lý
Nhân tông. Còn bây giờ thì nó nằm
sâu đến 20 km trong lãnh thổ Trung Quốc rồi.
Đời
nhà Lê, sử sách ghi: “Một hôm được tin rằng,
người nhà Minh (Trung Quốc) đem binh đi khắc
địa giới, (vua Lê) Thánh tông liền
cho người lên do thám thực hư. Ngài bảo
với triều thần rằng: “Ta phải giữ
gìn cho cẩn thận đừng để cho ai lấy
mất một phân núi, một tấc sông của
vua Thái tổ để lại” (Việt Nam sử lược.
Trần Trọng Kim. Trang 250).
Thế
mà đến triều đại cộng sản, ta lại
để mất đất. Các vị lãnh đạo
nghĩ sao đây ? Những thác Bản Giốc,
núi Lão Sơn, rồi suối Phi Khanh trước
Ải Nam Quan đã thuộc về Trung Quốc. Những
cột mốc biên giới cùng đường sắt
bị di chuyển lấn đất khi Trung Quốc sang
làm đường giúp ta ở Đồng
Đăng - Lạng Sơn thời chiến tranh chống Mỹ.
Rồi trước khi ta giải phóng miền Nam,
thì Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa trong
tay quân lực Việt Nam Cộng Hòa (1974). Hồi
ấy ông Hoàng Tùng là trưởng ban
Tư tưởng - Văn hóa đã giải
thích rằng: “Các đồng chí Trung Quốc
giữ hộ ta đấy thôi, sau này sẽ trả
cho ta. Tinh thần quốc tế vô sản ấy
mà. Lo gì.”
Hiệp định biên giới
1999 nghe đâu bị mất 800 km vuông.
Hiệp định lãnh hải
bị mất 11.000 km vuông.
Hiệp định
đánh cá chung biển Đông thì
rõ ràng là lợi cho Trung Quốc vì họ
nhiều tàu đánh cá hơn ta, lại nhiều
tàu to hơn ta.
Điều
đáng buồn lòng cho đến nay nội dung
những hiệp định trên cùng bản đồ
kèm theo không được công bố cho
dân chúng biết, thành ra những con số
truyền tin trên mới chỉ tiếp cận sự
thực, chưa thật chuẩn xác. Một lối
làm việc rất cửa quyền ở Việt Nam.
Và bây giờ
là Hoàng Sa và Trường Sa, Trung quốc
tuyên bố là đất của họ, lập ngạch
hành chính cấp huyện quản lý ngang
nhiên, đưa diện tích tỉnh Hải Nam
thành một tỉnh lớn nhất hành tinh, bằng
1 phần 4 Trung Quốc. Tôi đã nhìn thấy
tiền giấy Trung Quốc in riêng cho quần đảo
Trường Sa mà họ gọi là Nam Sa. Không
hiểu họ còn định làm những
trò gì ..
Nguyên ủy xa
xôi là bức công hàm của ông Phạm
Văn Đồng gửi thủ tường Trung Quốc
Chu Ân Lai, tán thành những lời tuyên bố
của họ năm 1958 về lãnh thổ, trong
đó có Hoàng Sa, Trường Sa. Có lẽ
lúc ấy ta quá lý tưởng về chủ
nghĩa cộng sản, quá ngây ngất trong
tình quốc tế “bốn
phương vô sản đều là anh em”,
lại nôn nóng việc giải phóng miền
Nam cần nhiều giúp đỡ, nên đã hớ
hênh gửi công hàm. Hậu quả di hại
cho con cháu bây giờ.
Nhún nhường
không phải là phương cách tốt nhất
để bảo vệ địa giới non sông. Nhất
là nhún nhường với người hàng
xóm từ lâu đã có dã tâm
bành trướng.
Vậy phải
làm thế nào?
Marat kêu gọi
dân chúng Pháp:
Hỡi đồng bào!
Hãy đứng thẳng người lên
(Citoyens
! Levez - vous droitement)
Mỗi người
hãy đứng thẳng người lên trong
cương vị của mình mà đối thoại,
mà hành xử, thì cái anh khổng lồ
kia sẽ không còn là khổng lồ nữa.
Anh ta sẽ bình đẳng như ta thôi.
Lại nhớ
đến một bài học trong sách giáo
khoa thuở nhỏ. Chuyện kể rằng: gió thổi
rơi một tổ chim xuống đất. Những
chú chim non chiếp chiếp gọi mẹ. Một con
chó săn đánh hơi đi tới. Bỗng con
chim mẹ sà xuống, xù lông, nhảy chanh
chách trước mõm con chó. Nó khiến
con chó hoảng sợ lùi lại, nhe răng gầm
gừ. Trước sự dũng cảm của chim mẹ
quên mình bảo vệ đàn con, người
chủ săn cảm phục, quát con chó, và
đặt lại tổ chim lên cây.
Lòng yêu tổ
quốc khiến con người thành dũng cảm.
Có dũng cảm mới bảo vệ được
non sông. Tôi muốn nhắn nhủ với các
vị lãnh đạo hiện nay rằng, các vị
hãy cứng rắn lên, hãy xù lông ra
như con chim mẹ, mọi người sẽ ủng hộ
các vị, dân tộc đứng đàng sau
các vị. Kể cả như tôi, 76 tuổi rồi,
nếu cần cũng xin làm một bạch đầu
quân góp phần bảo vệ non sông đất
nước.
Chúng ta
đã từng lấy ít chọi nhiều,
dùng yếu đánh mạnh, và đã
gây được vẻ vang. Quân Mông Cổ
xưa đánh đâu được đấy,
tung hoành khắp châu Á, châu Âu, chiếm
cả Trung Hoa rộng lớn tạo nên triều đại
nhà Nguyên. Ấy thế mà sang ta ba lần
thì ba lần phải ôm đầu máu chạy
về. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng
mới mong thoát chết. Lê Lợi chém tướng
giặc Liễu Thăng ở Ải Chi Lăng, làm
quân Minh vỡ mật bay hồn. Quang Trung dụng binh
thần tốc đánh tan 20 vạn quân Thanh trong
chớp nhoáng ...
Về mặt bang
giao, ông Giang Văn Minh (hiện được đặt
tên phố) đi xứ sang Tàu đã
không làm hổ thẹn đất nước.
Bên Tàu ra vế đối: "Đồng trụ chí kim đài dĩ
lục" (Cột đồng đến nay vẫn
còn bám rêu xanh đấy). Nhắc chuyện
Mã Viện đánh ta rồi dựng cột đồng,
có ý ngạo mạn, đe dọa. Sứ giả
Giang Văn Minh đáp: "Đằng
giang tự cổ huyết do hồng" (Sông
Bạch Đằng từ xưa máu chảy thành
đỏ vậy). Nhắc chuyện Trần Hưng Đạo
đại phá quân Nguyên ở Bạch Đằng
giang. Câu đối chữ chọi chữ, ý chọi
ý, chiến công chọi chiến công. Thật
khí phách ! Ông Giang Văn Minh đã đứng
thẳng người lên trước thiên hạ.
Còn chuyện
tiếu lâm dân gian thì không thiếu những
chuyện đốp chát thẳng thừng, bằng vai
phải lứa, tự khẳng định mình với
người anh em khổng lồ phương Bắc. Trạng
Quỳnh giả làm người lái đò chở
sứ giả Tàu. Viên quan Tàu chợt
đánh trung tiện, đỏ mặt, chữa thẹn
bằng một vế đối: "Sấm động Nam
bang" (Tiếng sấm vang nước Nam). Trạng
Quỳnh ta liền đứng trên thuyền vén quần
tè một bãi xuống sông đối trả:
"Vũ qua Bắc hải" (Mưa qua biển
Bắc). Người Việt đâu có chịu
lép người Tàu.
Lại nữa,
bà Đoàn Thị Điểm (người phụ
nữ hay chữ nhất Việt Nam) đóng giả
vai vợ người lái đò, mặc váy,
ngồi hớ hênh để cái của ấy ra.
Sứ giả Tàu liếc thấy, hỏi lỡm
bà Điểm: "An Nam
nhất thốn thổ, đắc đa thiểu nhân
canh" (nghĩa: một tấc đất An Nam
được bao nhiêu người cày). Bà
Điểm liền đáp: "Bắc
quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất"
(nghĩa: các ông đại phu phương Bắc
đều ở cái chỗ ấy mà ra). Phụ nữ
Việt đâu có kém cựa với sứ giả
Tàu.
Năm hết tết
đến, nhắc lại ít chuyện xưa để
sưởi ấm lòng mình, cùng giốc bầu
tâm sự với bạn bè thanh khí. Người
Việt ta không phải là giống ngu hèn,
và không đời nào chịu làm giống
ngu hèn. Bài toán khó đến đâu
cũng có cách giải quyết. Bạn nói
khích: “Ông thử giải quyết xem sao.
Chê trách thì ai chả chê trách
được.”
Vậy thì
tôi thử đề xuất một ý kiến với
lãnh đạo cùng với mọi người
nghe xem có lọt tai không.
Ta đã biết
dã tâm của Trung Quốc là bành trướng.
Họ lại ở ngay sát nách ta. Ta đã
nhún nhường, nhưng họ cứ lấn tới.
Vậy có một cách, trong binh pháp Tôn tử
gọi là: "Mượn oai
hùm xa, trấn báo dữ gần".
Nói theo cách trị bệnh của Đông y
là cân bằng âm dương. Nghĩa là
cân bằng lực lượng với Trung Quốc. Muốn
thế phải liên minh với nước mạnh. Các nước
nhỏ quanh Trung Quốc đã làm thế, và
họ được yên ổn để làm
ăn. Như Nhật Bản, như Nam Hàn, như
Đài Loan, như Philippines, như Australia ... Nói
rõ ra là liên minh với Mỹ. Tìm sự bảo vệ của
Mỹ để tồn tại và phát triển.
Việc làm
này Trung Quốc không thể trách ta được.
Mười sáu chữ vàng tuyên bố chung với
Việt Nam họ không tôn trọng. Chính họ
đã đẩy ta phải chọn tới giải
pháp này.
Cái khó
trong việc liên minh với Mỹ lại thuộc nội
tình ở Việt Nam. Vì nhiều chục năm
qua ta đã tuyên truyền trong nhân dân: Mỹ là kẻ thù số
một. Nay phải xóa sổ nét tâm
lý ấy không phải dễ dàng. Nhưng
khó khăn trong dân không bằng khó
khăn trong hàng ngũ các cán bộ cao cấp,
các lão thành cách mạng, các cựu
chiến binh. Đến bây giờ mà có
người còn nói về thế giới chia
làm hai phe có bốn mâu thuẫn; con đường
quá độ lên chủ nghĩa xã hội
là ai thắng ai ? Tư bản hay vô sản ? Thế
mới biết, thay đổi về nhận thức
tư duy khó khăn gấp nhiều lần thay đổi
về kinh tế thị trường, khoa học giới
tính hay giáo dục công tư ...
Xin quý vị
cùng thử suy nghĩ xem sao. Nếu có
đáp số nào tốt hơn mong đưa ra
cùng bàn bạc. Việc nước là việc
chung, không phải việc riêng của Đảng
Cộng sản.
Người
già nghĩ được đến đâu
nói đến đấy. Không sợ tai vạ.
Không sợ mếch lòng. Không cầu danh lợi.
Người Việt Nam đau khổ nhiều
rồi, chiến tranh nhiều rồi, ai cũng muốn
được yên ổn làm ăn xây dựng
đất nước một cách hòa bình.
Nhưng nếu họ không để ta yên ổn
làm ăn, cứ ăn hiếp hoài, thì ta phải
hành xử theo cách cha ông đã hành
xử: "Tố hoạn nạn
hành hồ hoạn nạn" (gặp hoạn nạn
hành xử theo hoạn nạn - Phan Chu Trinh). Ông cha
ta còn dạy: "Ninh
thọ tử bất ninh thọ nhục"
(thà chịu chết chứ không chịu nhục).
Những người yêu nước
thì bất cứ thời đại nào, bất cứ
ở nơi đâu, không chia ranh giới, dân tộc,
tôn giáo, đều đáng kính trọng.
Ông Văn Thiên Tường đời nhà Tống
(triều đại đã từng xâm lấn Việt
Nam) nhưng ông
Tường chống giặc Kim xâm lược đất
nước, rất đáng kính phục, có
hai câu thơ được trân trọng lưu
truyền trong giới bút mực Việt Nam:
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.
(Người ta sinh ra ai là người không
chết
Lưu giữ chút lòng son rọi sử
sách mai sau).
Đến đây xin tạm dừng
bút. Ngẩng đầu nhìn đồng hồ
đã 5 giờ chiều. Hoàng quân đến
chơi tay cầm mấy bông đào phai, biết
tôi thích chơi đào đĩa nên
đem cho. Chúng tôi tìm đĩa cắm
đào. Trời vẫn mưa bụi bay. Bỗng nổi
hứng, chúng tôi mặc áo khoác
ngoài, rủ nhau ra phố. Đi trong bụi mưa
giá rét những ngày áp Tết có
cái thú riêng của nó. Cùng sóng
đôi như một cặp tình nhân, nhìn
thiên hạ sắm Tết, tôi bỗng hỏi
Hoàng quân:
- Tôi đố ông biết chiếc
hộp tai vạ của nàng Pandore (1) mở ra gây biết bao tai họa cho
loài người, thì còn lại là
cái gì ?
Hoàng quân ghé tai tôi thầm
thì: L' ESPÉRENCE !
Tôi cũng thầm thì: - Là HY VỌNG. Phải
rồi, L' ESPÉRENCE ! Nhờ hy vọng mà ông
và tôi vẫn sống.
Chúng tôi đi trong mưa bụi
và giá lạnh, lòng ấm áp thấy
đất nước lại vào Xuân.
Đất thiêng Thăng Long
Xuân Mậu Tý (2008)
Nhà văn Hoàng Tiến
_______________
(1)
Pandore: Nhân vật thần
thoại Hy Lạp, đẹp mê hồn và cực
thông minh. Jupiter cho con gái xuống trần kết
duyên cùng Epiméthée, đưa cho một
chiếc hộp, dặn không được mở xem.
Épiméthée tò mò, nhân vợ đi
vắng, mở trộm ra xem. Thế là bao nhiêu tai
họa từ trong chiếc hộp bay ra gieo rắc khắp
thế gian. Cái còn lại trong đáy hộp
là NIỀM HY VỌNG (L’ ESPERENCE).
Địa chỉ: Nhà A 11 Phòng 420
Thanh Xuân Bắc – Hà Nội
(Thuan
Do chuyển)