Xin còn dăm
phút vui trần thế !
(T.Vấn)
...Vì em biết được sống
đã là hạnh phúc rồi anh nhỉ.
Và vì em chẳng còn cơ hội để
trải qua những ngày hôm nay nữa, vì một
ngày nào đó em sẽ rời xa cuộc sống
này... (Bích Hà)
1.
Vậy là lại tháng 12. Con số cuối
cùng của một năm 12 tháng gợi lên cảm
giác tất bật, vội vã. Con số buộc
người ta phải ngoái nhìn lại đằng
sau, và hầu như mọi người đều
tìm thấy những điều không như ý
trong chuỗi ngày tháng đã qua ấy, để
rồi không ai không tránh khỏi tiếng thở
dài với ước mong thầm kín. Ước
gì mình có thể làm lại từ đầu.
Mấy ai còn nhớ được rằng, cũng dạo
này tháng 12 năm ngoái, mình đã thầm
ước như thế. Hạnh phúc, hay niềm vui
trong cuộc sống hàng ngày, ít khi được
người ta cảm nhận và nắm bắt
chính xác như lẽ ra chúng phải
được cảm nhận vào giây phút hiện
tại lúc chúng hiện hữu. Chỉ đến
khi chúng đi qua rồi, mới giật mình
ngó theo, thì đã quá muộn màng. Hệt
như khi người ta còn trẻ, những ham muốn
nung nấu trong đầu là một tương lai
đẹp như tranh vẽ, ham muốn đến độ
quên sống cái khoảnh khắc đẹp nhất
của đời một con người. Và khi tuổi
trẻ đi qua, khát vọng thì dang dở,
nhìn lại trên đầu những sợi
tóc bạc đã từ từ xuất hiện,
người ta mới nhận chân được rằng
bấy lâu nay mình chỉ sống bằng những
điều không thật và không mảy may thấy
được những cái tầm thường nhỏ
bé hàng ngày, lại chính là những
thứ đem lại cho người ta ý nghĩa
đích thực của cuộc sống.
Tháng 12 cũng còn có nghĩa là
mùa đông trở về, mang theo một bầu trời
ảm đạm và những cơn gió lạnh cắt
da. Với tôi, cũng có nghĩa là những
cơn đau nhức triền miên khắp cơ thể
vì chứng bệnh tê thấp kinh niên và
cảm giác bực bội vì đôi bàn
tay có lúc cứ co rúm lại, khiến
không thể làm được việc gì. Lại
thèm những ngày mùa hè rực rỡ,
tuy nắng nóng đến muốn bỏng người
nhưng không phải cứ ngồi mãi một chỗ
nhìn ra bên ngoài tuyết đổ trắng
xóa, phủ kín cả mặt đường trơn
trợt.
2.
Trong cảm giác bất như ý của mỗi
buổi sáng phải bước ra một bầu trời
âm u, đầy gió, rít bên tai những
cơn gió cắt da khiến phải giấu
đôi bàn tay dưới cặp găng len dầy
cộm, tôi được đọc câu chuyện
rất khó tin mà có thật về một thanh niên người
Úc, tên Nick Vujicic
được sinh ra vào ngày 4 tháng 12 năm
1982 tại Melbourne (Úc). Khi lọt ra khỏi bụng mẹ,
anh không có chân (ngoại trừ một bàn
chân nhỏ có 2 ngón mọc ra từ
đùi trái), không có tay
(cụt ngủn đến tận vai). Không vị
bác sĩ nào có lời giải thích thỏa
đáng về trường hợp dị tật bẩm
sinh của Nick. Cha mẹ anh tuyệt vọng, dù họ
là những người có đức tin mãnh
liệt. Sự ra đời của đứa con đầu
lòng của họ đã là một bi kịch
khiến cả một xứ đạo, nơi cha Nick
làm mục sư, phải đau lòng thương
xót. Mặt khác, dù không chân không
tay, nhưng phần còn lại của cơ thể
Nick vẫn khỏe mạnh và phát triển
bình thường. Chúng ta có thể tưởng
tượng ra bao nhiêu những khó khăn trong cuộc
sống hàng ngày của Nick và cha mẹ của
anh. Nhưng họ đã can đảm chịu đựng
và vượt qua tất cả, dù khi lên 8 tuổi,
Nick từng có ý định tự tử (bằng
cách yêu cầu mẹ anh để anh ngồi
trên một cái ghế cao ở trong bếp và
anh sẽ tìm cách "ngã xuống"
và sẽ chết vì gẫy cổ) do không chịu
nổi sự chọc ghẹo của bạn bè học
cùng lớp. Những giây phút chán nản
cùng cực ấy rồi cũng qua. Sau nhiều
ngày tháng cầu nguyện xin Chúa cho anh
được mọc chân mọc tay, Nick hiểu rằng,
sự sống sót của mình đến ngày
hôm nay đã là một phép lạ,
và anh không cần đến việc mọc
chân mọc tay (điều hết sức bình
thường nơi những đứa trẻ bình
thường khác) mới có thể chứng minh với
mọi người rằng, cuộc sống của anh
có một ý nghĩa nào đó. Và
Nick đã nỗ lực học hỏi. Anh phải học
viết bằng 2 ngón chân từ bàn chân
trái nhỏ bé với sự trợ giúp của
một công cụ đặc biệt được kẹp
vào ngón cái để giữ cho cây viết
không di động khi viết. Anh cũng học sử
dụng computer và đánh máy bằng một
phương pháp đặc biệt. Nick còn tập
đi, tập nhẩy bằng bàn chân duy nhất,
tập bơi, tập ném banh Tennis, tập tự mặc
lấy áo quần,tập tự lo lấy cho mình
các việc vệ sinh cá nhân như
đánh răng, cạo râu, chải đầu, tập
mở cửa bằng miệng, và trả lời
điện thọai. Hiện nay, Nick đã tốt
nghiệp đại học ngành tài chánh kế
toán, có thể đánh máy với tốc
độ 23 chữ một phút, đang chuẩn bị
hoàn thành một quyển sách vào cuối
năm 2007, với nhan đề "No Arms, No Legs, No Worries
!" (Không Chân, không Tay,
Không Lo Lắng !). Anh còn là một diễn
giả nổi tiếng, được mời đi diễn
thuyết khắp nơi trên thế giới. Điều
Nick mong mỏi đạt được trong tương
lai gần là có thể tự lái xe với
chiếc xe đã được cải tiến
riêng cho điều kiện cơ thể của anh, muốn
được tự lập về tài chánh bằng
các đầu tư về địa ốc,
được chia sẻ câu chuyện đời
mình trên các Show truyền hình của
nước Mỹ (thí dụ như Show của Ophra
Winfrey, một phụ nữ da đen rất nổi tiếng).
Câu chuyện của một người không
chân không tay, nhưng không chịu đầu
hàng số phận, đã làm được
nhiều điều tốt đẹp cho cuộc đời,
khiến cho những người có đủ chân
đủ tay, đủ tất cả mọi thứ phải
ngồi lại mà nhìn vào chính mình.
Thông điệp của anh thanh niên can đảm người
Úc là : Này, các bạn hãy nhìn
xem. Tôi không có chân không có tay. Vậy
thì các bạn than phiền về điều
gì ? Tôi không có tay để cầm lấy
tay bạn mà an ủi khi bạn đang có chuyện
buồn phiền. Nhưng mà có thật sự cần
thiết phải có tay mới cầm được
trái tim phiền muộn của bạn để chia sẻ
hay không ? Tôi không có chân để
có thể bước qua nhiều cánh cửa mở
rộng, nhưng trong cuộc sống, có những
cánh cửa hạnh phúc mà không cần phải
có chân mới bước qua được.
Tôi vẫn mơ ước rồi đây sẽ
có người con gái hiểu tôi, thương
tôi và kết hôn với tôi. Chúng
tôi sẽ có con cái. Tôi đã tự
hỏi mình, khi con khóc, làm sao tôi có
thể ôm chúng vào lòng mà dỗ
dành. Khi vợ tôi mệt mỏi với bao
trách nhiệm hàng ngày của gia
đình, làm sao tôi chia sẻ với nàng.
Nhưng tôi tin rằng mình có thể làm
được điều đó với trái tim
luôn yêu đời, hàm ơn những gì
cuộc sống đã cho, đã lấy đi
và đã để lại. Miễn là
mình biết sống với tất cả những
gì mình có, cả sự bất hạnh lẫn
may mắn, cả niềm vui lẫn nỗi buồn.
Hình ảnh một thanh niên không chân
không tay, chỉ bằng giọng nói đầy sức
sống và tấm gương can đảm không
đầu hàng số phận đã làm lay
động trái tim của hàng chục triệu
người trên thế giới. Trong khi nói chuyện,
anh không có tay để vung lên nhấn mạnh
thêm cường độ lời nói, cũng
không có chân để bước sang bên
trái, lùi về bên phải làm điệu
bộ minh họa cho nội dung bài nói chuyện
mà các nhà hùng biện thường hay sử
dụng. Chỉ bằng chính cuộc đời thực
của mình, bằng một ý chí mãnh liệt,
bằng trái tim yêu vô cùng cuộc sống,
dù đó là một cuộc sống đầy
cam go, thử thách, Nick đã chinh phục mọi
người, đã thay đổi thế giới. Một
thế giới vốn chỉ quen mặc nhiên coi mọi
ân sủng làm người như một điều
bình thường. Một thế giới mù
lòa, không thấy rằng, chính những con
người dị tật như Nick Vujicic, đã
làm cho trần gian này đẹp hơn,
đáng sống hơn.
3.
“Em sẽ trân trọng ngày hôm nay.
Cho dù ngày hôm nay mưa hay nắng, buồn hay
vui ...
Em sẽ cảm ơn ngày hôm naỵ Vì
ngày hôm nay là thêm 24 giờ em được
sống trong cuộc sống. Thêm 24 giờ em hít
thở không khí, thêm 24 giờ em yêu
thương, hờn giận, buồn, vui, cười hay
khóc ...
Em sẽ vui vì ngày hôm nay là
ngày hôm nay. Ngày hôm nay là ngày em
đang sống. Ngày hôm nay qua đi là
ngày mai lại tới.
Em sẽ yêu ngày hôm nay. Anh biết
không, ngày hôm nay em không vui lắm
đâu, thậm chí có những chuyện buồn
bực. Nhưng em vẫn cố gắng yêu quý
nó. Vì dù thế nào đi chăng nữa,
được sống để mà tận hưởng
thêm 24 giờ cũng là tốt rồi phải
không anh?
Em sẽ nâng niu ngày hôm nay. Ngày
hôm nay em không gặp anh. Ngày hôm nay trả
bài kiểm tra Lí không được như
ý muốn ... Ngày hôm nay em hơi mệt.
Ngày hôm nay cũng như bao ngày khác ...
Em sẽ cố gắng không quên ngày
hôm nay. Cố gắng không quên, vì em biết,
ngày hôm nay sẽ chẳng bao giờ trở lại
nữa ...
Ngày hôm nay, một ngày bình thường.
Một ngày như bao ngày khác em đã sống.
Hôm nay, em không gặp anh. Chẳng biết anh
thi có làm được bài không?
Bỗng nhiên một ngày không nhìn thấy
anh cười, em thấy thiếu thiếu sao ấy...
Mà, em đã thích anh từ bao giờ nhỉ
? Nhưng mà anh này, đây chỉ là cảm
giác hay tình cảm thực ? Có lẽ em cần
thời gian để trả lời. Nhưng dù sao, em
cũng có cảm giác bình an khi nói chuyện,
nhìn anh và thấy anh cười.
Em chỉ cần thế
thôi. Em chỉ mong mỗi ngày qua đi là mỗi
ngày em được là chính em, được
thích ai mà em thích, được làm những
gì em muốn ... Có khó quá không anh nhỉ
...
Cuộc sống
mà em đang sống, em biết là em sẽ phải
trải qua nhiều khó khăn và thử
thách. Nhưng em đã, đang và sẽ cố
gắng luôn yêu cuộc sống này. Vì em
biết được sống đã là hạnh
phúc rồi anh nhỉ. Và
vì em chẳng còn cơ hội để trải
qua những ngày hôm nay nữa, vì một
ngày nào đó em sẽ rời xa cuộc sống
này...
Tình yêu. Em yêu cuộc sống. Yêu
gia đình. Yêu bạn bè xung quanh em. Yêu Việt
Nam thân yêu của em. Yêu Trái Đất nhỏ
bé. Yêu những loài động vật...Yêu
chính em nữa. Đôi lúc em nghĩ rằng,
em khó có thể yêu một người con trai
nhiều hơn chính em và cuộc sống của
em được. Nhưng đó chỉ vì em
chưa yêu, anh nhỉ !
Một ngày nào đó em yêu anh.
Ngày hôm nay của em sẽ luôn hạnh
phúc. Ngày hôm nay của em sẽ có anh ....
Em sẽ yêu chân thành và mãi
là chính mình."
(Bích Hà - trích lại từ Blog
Bích Hà)
Đọan văn thật đẹp của một
cô gái trẻ 16 tuổi đã làm
tôi, một lần nữa, nhìn lại mình,
như câu chuyện của anh chàng thanh niên
người Úc 25 tuổi đã làm tôi
ghen tị.
Anh thanh niên người Úc tên Nick Vujicic,
đã mở mắt tôi về những điều
mà tôi mặc nhiên an hưởng khi được
sinh ra với một cơ thể bình thường. Sự
bình thường ấy vốn là ân sủng
của Thượng Đế. Người ta cần biết
điều đó để biết sống làm
sao cho xứng đáng hơn.
Cô gái trẻ người Việt tên Bích
Hà 16 tuổi đã dậy tôi bài học
làm sao để sống trọn vẹn cuộc sống
vốn ngắn ngủi của mình. Vì em biết được
sống đã là hạnh phúc rồi anh nhỉ.
Và vì em chẳng còn cơ hội để
trải qua những ngày hôm nay nữa, vì một
ngày nào đó em sẽ rời xa cuộc sống
này ...
Những ngày cuối năm đã gần kề.
Rồi chúng ta, mỗi người sẽ lại
được thêm một tuổi. Thêm một tuổi,
cũng có nghĩa là cuộc sống sẽ ngắn
lại một năm. Cơ hội để làm lại
những sai sót trong đời sống cũng sẽ
ít đi. Và khi cái ngày ấy đến,
liệu chúng ta sẽ thảnh thơi vĩnh biệt
trần gian này để ra đi hay lại cứ ngoảnh
lại nhìn hối tiếc ?
Có lẽ câu trả lời được
xác định từ cái cách chúng ta sống
cuộc đời mình ở ngày hôm nay.
T.Vấn
Tháng
12-2007
(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)