SU'U TÂ`M 9

Home | VA(N | VA(N [tt] | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N 11 | VA(N VUI | VA(N VUI [tt] | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | VA(N VUI 4 | VA(N VUI 5 | VA(N VUI 6 | VA(N VUI 7 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.P GHI 17 | TA.P GHI 18 | TA.P GHI 19 | TA.P GHI 20 | TA.P GHI 21 | TA.P GHI 22 | TA.P GHI 23 | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | BÀI VIÊ'T 7 | BÀI VIÊ'T 8 | BÀI VIÊ'T 9 | Su'u Tâ`m TIN | Su'u Tâ`m TIN [tt] | CHUYÊ.N LA. KHO' TIN | LINKS .. Dê~Thu'o'ng ! | CU'̉'I CHÚT CHO'I

VA(N 2

Những Gói Mì Trên Biển Đông

 

Những Gói Mì Trên Biển Đông

(Ái Khanh)

 

 

Khi chiếc thuyền tị nạn cặp vào hòn đảo thì một toán lính Mã Lai với súng ống ào xuống quát tháo … Sương Sương mệt lả người không còn sức để nhìn diễn tiến xung quanh. Nàng thiếp đi đến khi nghe tiếng con thoang thoảng bên tai, "Mẹ, họ cho lên bờ rồi kìa !" Nàng choàng dậy, hai tay quàng ôm hai đứa con mừng rỡ muốn bật khóc.

 

Họ bắt đầu cho trẻ em lên bờ trước, hai con của nàng cũng được kéo qua một phía để chuẩn bị đưa xuống boong tàu. Bé Xuân chưa đầy năm tuổi níu mẹ:

- Mẹ, mẹ đi với con !

Nàng dỗ dành:

- Ừ, con xuống trước lát mẹ xuống sau. Đừng làm ồn họ bắt mẹ bây giờ !

Bé Thành lớn hơn em hai tuổi có vẻ hiểu biết hơn, bảo em:

- Lát nữa anh cũng đi với Xuân mà !

 

Trời sâm sẩm tối thì số trẻ em được đưa xuống đảo vừa hết. Người lớn được lệnh nhảy xuống để bơi vào, nhất là các ông có con đã được đưa xuống, một mặt nghe con khóc, một mặt vợ thúc hối, họ giành nhau nhảy xuống ầm ầm để bơi vào bờ. Sương Sương cũng cồn cào ruột gan khi nghĩ đến hai con của nàng đang dõi mắt nhìn lên boong tàu. Tình mẫu tử thúc giục, nàng nhắm mắt nhảy ào xuống bơi vào bờ …

 

Gặp lại hai con nàng ôm siết chúng vào lòng, nghẹn ngào. Khi mọi người đã xuống khỏi thuyền thì một chiếc tàu lớn kéo chiếc thuyền tị nạn ra xa … Sương Sương hỏi thăm thì biết họ cho kéo ra xa để đánh chìm. Nàng thẫn thờ nhìn theo vì tất cả tài sản cũng như vật dụng cần thiết nàng hoàn toàn không còn gì để dùng cho những ngày sắp tới. Nàng bặm môi để ngăn tiếng khóc. Nàng dặn lòng phải cương quyết phấn đấu không để cho hai con thấy sự lo âu của mình.

 

Tiếng la khóc vì khát sữa, vì đói của đám con nít gây nên một sự hỗn loạn. Hai con của nàng cũng sực nhớ đến miếng ăn. Thành hỏi mẹ:

- Mẹ, mẹ có gì cho con ăn không ?

Xuân cũng láu táu:

- Con nữa mẹ, con cũng đói bụng nữa, mà con cũng khát nữa !!!

Lòng nàng thắt lại, và cũng vừa đói vừa khát, nhưng cũng cố trấn tĩnh hai con:

- Hai con chờ một chút đi, mẹ nghĩ lát nữa thế nào họ cũng cho mình ăn.

- Lát họ cho ăn mẹ xin cho con cục kẹo nha !

Bé Xuân liến thoắng. Nước mắt nàng dù hết sức cố gắng, cổ nàng nghẹn lại, giọng khàn đục:

- Ừ, mẹ sẽ xin.

Tuy bóng tối lờ mờ không thấy được những giọt nước mắt mẹ, Thành cũng đoán được mẹ đang khóc. Nó đưa tay sờ lên mặt mẹ:

- Mẹ ! Bộ mẹ khóc hả ?

Xuân cũng bắt chước anh đưa tay rờ rẫm lên mặt mẹ:

- Mẹ khóc à ? Sao mẹ khóc vậy ? Bộ mẹ sợ mấy ông lính hả ?

Nàng bặm chặt môi khi nghe những lời thỏ thẻ của con … Ai ra đi họ cũng có vợ có chồng, có anh em bà con, riêng mẹ con nàng thật vơ … Nàng ôm hai con vỗ về:

- Đừng hỏi nữa con !

Thành quay qua em:

- Xuân, mẹ nói Xuân đừng hỏi nữa. Xuân đừng hỏi mà mẹ khóc nhe !

Tựa má lên đầu con, nàng siết chặt hai con vào lòng như vừa để che chở vừa như để tìm điểm tựa …

 

Rồi đêm cũng qua đi. Buổi sáng vừa lờ mờ, Sương Sương bừng mắt dậy, thấy hai con và mình đang ngủ dưới cát. Nhìn ra biển mênh mông, bãi cát trắng mịn đêm qua đã xóa hết dấu chân, biển đẹp lạ lùng khiến nàng không khỏi rúng động. Rồi vừa lạnh vừa đói đã kéo nàng về thực tế. Nàng nhẹ nhàng đứng dậy để khỏi khuấy động hai con, định tâm kiếm gì cho con ăn lúc chúng còn ngủ.

 

Mọi người cũng từ từ thức giấc. Tiếng xí xô xí xào của người Hoa khiến nàng bật cười. Nàng đi loanh quanh hỏi thăm hết người này đến người nọ, nhưng hầu hết ai cũng như nàng, tất cả đều bỏ lại trên tàu những gì họ mang theo. Chỉ có ông chủ tàu được biệt đãi là đem nồi và gạo xuống. Cái nồi quá nhỏ so với số người hiện có. Nàng thầm hỏi đến lúc nào mới tới phiên mình ?

 

Chỉ mới sau hai ngày, chủ tàu đã tuyên bố hết gạo sau hai hôm phát cháo cho mọi người cầm hơi. Mọi người đành chịu, vì ông ta có vàng đã mua chuộc được đoàn lính Mã cho dựng căn lều, và không ai được quanh quẩn vào lều ông chủ tàu để kiểm chứng điều đó.

 

Đến ngày thứ ba, Sương Sương thấy chân run, hai con nàng lơ láo tiếp tục đòi ăn. Tất cả mọi người cùng chung số phận, vì ngoài nước ngọt dưới giếng được “vét” lên để uống chứ chẳng có gì để ăn, ai cũng lo nghĩ đến cái đói. Nàng ra biển như mọi người để mong bắt được cá tôm gì … Nhưng rồi ai cũng tuyệt vọng vì không có dụng cụ. Có người cởi phăng áo ra thay lưới, thỉnh thoảng cũng bắt được vài con cá nhỏ. Sương Sương chỉ có một bộ độc nhất trên người nên đành chịu . Nàng vào bờ ngồi bên con với hy vọng cơn đói sẽ được giải quyết. Nhưng suốt ngày đợi chờ, cơn đói đã gợi cho con nàng những ước mơ hão huyền … Bé Xuân níu áo mẹ hỏi:

- Mẹ, mẹ có đường không cho con một miếng đi !

Khó khăn lắm nàng mới trả lời được cho con:

- Mẹ không có con ạ, con chờ đi …!

- Mẹ, con thích đường quá, mẹ cho con một chút thôi !

Sương Sương kiên nhẫn:

- Mẹ đã nói không có !

- Mẹ, chừng này thôi !

Bé Xuân cong hai ngón tay lên để diễn tả, Sương Sương không còn chịu được nữa, “Bốp !” một cái tát siết vào má con để nàng không còn phải nghe những lời đứt ruột ấy ! Bé Xuân òa lên khóc, Sương Sương tê tái ôm con vào lòng thay lời xin lỗi. Trong tuyệt vọng nàng bừng lên nỗi oán hận chồng … Rồi nghĩ đến thân phận những người còn ở lại đang bị đày đọa trong chốn lao tù cộng sản nàng dịu lại, tha thứ cho chồng, vì nếu không lựa chọn con đường thoát chạy thì chắc gì giờ này liệu chàng có được yên thân ?

 

Lòng đang ngổn ngang với muôn vàn ý nghĩ, bỗng một cô gái trẻ mặc áo hoa, vận “xà rông” sà xuống cạnh Sương Sương hỏi:

- Chị, chị là người Việt Nam hả ?

Sương Sương e dè gật đầu.

- Em nói chuyện với chị một chút được không ?

Sương Sương vui vẻ:

- Được, được chứ ! Có gì không vậy chị ?

- Mấy bữa nay không có gì ăn chị đói không ?

Sương Sương mừng rỡ:

- Đói quá trời, chị có gì ăn không ? Cho hai đứa con em một ít đi !

- Em thì không có, nhưng có người có để cho chị !

Sương Sương không dấu được sự vui mừng:

- Ai vậy ?

- Chị đi theo em ! 

Sương Sương quay nhìn hai con:

- Hai đứa ở đây chờ mẹ, mẹ theo dì này đi xin đồ ăn cho hai con nha !

- Dạ !

Hai cái miệng nhanh nhẩu như hai con chim non khiến Sương Sương vui sướng đi theo cô gái không chút nghi ngại. Đi một quãng khá xa Sương Sương mới chợt hỏi:

- Chị dẫn em đi đâu đây ?

- Chị cứ theo em đến đây rồi biết !

Cuối cùng Sương Sương theo chân cô gái bước vào một căn lều. Sương Sương giật mình khi thấy một người lính Mã đeo súng đang ngồi ở một góc giường. Cô gái lên tiếng:

- Chị đừng sợ, ông này tên Tidon mấy bữa nay ổng cứ ra biển, gặp chị ổng “mết” nên chạy về kêu em ra chỉ chị cho em gặp. Bữa nay ổng biểu em tới kêu chị tới đây rồi ổng cho chị năm gói mì !

Sương Sương nghi ngờ:

- Chỉ tới chơi mà cho năm gói mì !

- Trời ! Sao chị khờ quá, đâu phải chỉ để nói chuyện không thôi !

Sương Sương hoảng hốt bỏ chạy một mạch về nơi đang trú ngụ. Bé Thành và Xuân tíu tít chạy ra mừng mẹ:

- Mẹ, mẹ có gì ăn không mẹ ?

Sương Sương quỳ bệt xuống cát ôm hai con vào lòng, mắt nhắm nghiền lại lắc đầu, nước mắt ứa ra … Bé Thành và Xuân ngơ ngác nhưng không hỏi một lời.

 

Lại một ngày đói trôi qua …

 

Sáng sớm hôm nay hai con còn yên giấc, Sương Sương theo đoàn người cùng số phận vào sâu trong rừng già, không tìm được một cây trái gì để ăn, Sương Sương bứt đại một số rau cỏ dại trong rừng, mọi người làm theọ Một bà bảo:

- Còn dừa giống thiếu gì mà tụi lính Mã nó không cho hái, nó bảo để tàu đánh cá tới nó bán. Hễ nó bắt được ai ăn trộm là chết với nó, đàn ông thì mười lon nước biển, đàn bà trần truồng đứng dưới gốc cây một ngày !

Ai nghe cũng rùng mình, vì mấy ngày qua đã có năm thanh niên bị uống nước biển. Họ đói quá nên bất chấp lệnh của lính Mã ban ra.

 

Về đến nơi trú ngụ, thấy hai con đã dậy và cô gái hôm qua đứng chờ, Sương Sương tức bực:

- Chị còn tới đây làm gì ?

Cô gái đấu dịu:

- Em biết chị khó chịu lắm, nhưng thằng Tidon nó cứ năm nỉ em hoài, kìa nó đứng bên kia kìa !

Cô gái hất hàm sang lều ông chủ tàu rồi tiếp:

- Nó bảo em hỏi chị chịu mười gói không ?

Sương Sương tức giận:

- Chị nói với ổng mấy gói tôi cũng không chịu hết.

Sương Sương nhìn cô gái hỏi:

- Còn chị, chị là gì của ổng vậy ?

- Em hồi trước cũng vượt biên giống chị vậy đó. Sau em thương một thằng Mã Lai vì nó tốt, có nhiều tiền nó cho em hết riết rồi em ở luôn với nó. Thằng Tidon là em của nó !

Nghe qua Sương Sương rụng rời:

- Bộ phải ở luôn nơi đây không có ngày thoát ra à ?

- Không, cũng có mấy chiếc thuyền nhỏ không biết họ liên lạc cách nào mà Hội Lưỡi Liềm Đỏ biết được đón đi rồi !

- Còn chị, bộ chị ở luôn đây à ?

Cô gái cười vui vẻ:

- Riết rồi quen chị ơi ! Bị hồi đó em gặp ông chồng Việt đánh em hoài. Giờ gặp thằng Mã Lai này nó thương em, nên thôi ở với nó cũng được !

Sương Sương quan sát thấy cô gái vàng đeo đầy tay nên tin cô ta thành thật điều đang nói. Đến đó, tên Tidon bước vội vàng về phía Sương Sương và cô gái. Sương Sương lơ nhìn hai con và bảo:

- Mẹ hái được rau, lát mẹ luộc ăn nha !

Hai đứa nhỏ im lặng không mấy thích thú với món ăn … ngấy đến tận óc này vì vừa lạt lẽo vừa khó nuốt. Cô gái nói một tràng tiếng Mã với tên Tidon. Nó nhún vai xong nói nhỏ gì với cô gái, cô ta quay qua Sương Sương bảo:

- Nó trả giá … một thùng mì !

Sương Sương bỗng nhiên tức giận, nói như quát:

- Không ! Không ! Mấy cũng không !!!

Tên lính Mã và cô gái hấp tấp bước đi trước sự giận dữ của nàng.

 

Những cọng rau được rửa sạch ở biển, mọi người trong nhóm góp nhau luộc chung một nồi rồi chia đều ra. Tuy chẳng ngon lành gì nhưng cũng cho mọi người chút sinh lực. Nàng nhủ thầm ngày mai sẽ vào rừng sâu hơn hy vọng tìm được măng non. Nhưng ý nghĩ vụt tan biến khi nàng nhớ ra mọi người không ai có dao hay vật nhọn, vì lính Mã sợ mọi người làm loạn đã tịch thâu tất cả.

 

Nắng đã lên cao, Sương Sương mệt mỏi cố lê từng bước, rã rời vì đói. Những bước chân lún sâu xuống bãi cát trắng mịn mà ngày đầu nàng thấy thật đẹp, thật thơ mộng, nhưng giờ đây nàng sợ hãi chỉ mong chóng thoát khỏi nơi này.

 

Suốt ba tuần lễ ăn rau dại, hôm qua Sương Sương lặn sâu xuống biển “lượm” được bảy con hải sâm, ai cũng bảo đó là món ăn bổ dưỡng. Vì không đủ củi lửa để hầm, nàng chỉ luộc vội vàng rồi cùng ăn với hai con nên đã bị ói mửa tưởng chết đi rồi …

 

Mỗi lần đi sâu vào rừng nàng đều hy vọng có món ăn gì khác lạ để làm quà cho con, nhưng rồi cuối cùng chỉ là những nắm rau dại lẫn lộn với cỏ ở ven rừng. Đành phải cố nuốt để giữ sự sống ! Cầm bụm rau trong tay, Sương Sương cố lết về “nhà”. Đến nơi, nàng mệt nhọc ngồi xuống. Chỉ thấy Thành đang nằm nàng hỏi:

- Em đâu con ?

Nó đưa tay chỉ ra xa. Nàng dõi mắt trông theo. Bỗng tim nàng như thót lại, dưới ánh mặt trời con nàng đang cầm cái gì óng ánh như miểng chai đưa vào miệng. Vội vứt nắm rau xuống đất nàng băng mình chạy bay ra. Tới nơi, nàng thở phào nhẹ nhõm: Chỉ là miếng giấy kiếng. Xuân nhìn mẹ nhoẻn miệng cười:

- Mẹ !

Nàng giật miếng giấy trên tay con quăng xuống đất và hỏi:

- Con làm gì vậy ?

- Ông lính kia ăn kẹo bỏ giấy. Con lượm để … liếm !

Câu nói ngây thơ của con chẳng khác nào mũi dao nhọn xoáy thốc vào tim nàng. Nàng nghẹn ngào quỳ xuống ôm con vào lòng. Bé Xuân úp mặt vào ngực mẹ nũng nịu:

- Mẹ ơi ! Con đói quá à !

Đói. Đói. Đói … Những điệp ngữ của con thơ hằng ngày ra rả bên tai khiến nàng muốn điên lên.

 

Dẫn con về, nhìn đống rau nằm vung vải trên cát, nàng chán nản ngồi bệt xuống, muốn khóc mà nước mắt tưởng chừng đã cạn … Bỗng tên Tidon đi ngang qua, nhìn về phía nàng đăm đăm. Nàng cúi đầu bặm môi muốn bật máu. Nàng thầm hỏi: Nó đã thấy được những gì trên khuôn mặt khổ đau, tan tác này ? Câu nói hôm nào của cô gái, “Nó trả giá một thùng mì !” Mì ? Nàng cũng thèm lắm chứ ! Và hai con nàng nữa. Giờ đây mì là món cao lương mỹ vị … Nàng nuốt nước bọt để dằn những ước mơ nhỏ bé nhưng xa vời tầm tay với.

Rồi cố làm ra vẻ bận rộn, nàng nói với con:

- Ngồi đây, mẹ qua bên kia luộc rau về ăn nha !

Nàng tất tưởi đi như trốn chạy.

 

Nhìn ánh lửa tí tách reo khi đợi nước sôi để bỏ rau vào luộc, nàng nhớ đến chồng. Nghĩ đến con, nghĩ đến tương lai mịt mờ xa thẳm … Ôi chao! Cái giá tự do sao mà quá đắt. Trong thâm tâm, nàng muốn xua đuổi những ý nghĩ phiền muộn, nhưng câu “Nó… trả giá một thùng mì” như mời gọi, như thôi thúc. Sương Sương đau khổ muốn bịt tai, nhắm mắt như để đừng nghe, đừng thấy gì nữa.

 

Lúc trở lại, thấy hai con nằm sóng sượt dưới cát vì đói, nàng muốn quỳ xuống xin lỗi hai con vì mẹ đã ích kỷ, đã quyết giữ tiết trinh để cho hai con phải èo uột thế này … Trong khoảnh khắc vô thức, nàng gọi thầm tên chồng với lời xin tha thứ nếu … một ngày nào nàng đầu hàng số mệnh … Có thể đêm nay… Nàng chợt nghĩ đến cô gái trung gian.

 

Suy nghĩ rồi đến quyết định, nàng thấy mình như nghẹt thở, lòng rối bời hỗn loạn, và có cảm giác như đang lạc vào sa mạc nóng bức với sức gió vũ bão cuốn hút nàng đi. Nàng ngồi gục trên đầu gối, khóc nức nở cách tự nhiên …

- Mẹ ! Ông lính kia dòm mẹ kìa !

Thành lay tay mẹ, Sương Sương ngơ ngác nhìn lên với ánh mắt đẫm lệ. Trời ơi ! Nàng mơ hay tỉnh ? Tay Tidon đang cầm năm gói mì, trao cho nàng, ánh mắt buồn bã rồi quày quả bước đi … Nàng sững người không còn chút ý thức nào, ngay cả việc nói lời cám ơn người lính Mã cũng không. Nàng vô tình, nhưng trong tiềm thức cầu xin sự độ lượng của người quân tử.

 

 

Hôm sau, một người đàn ông trong lúc trộm dừa buổi trưa đã can đảm cởi áo phất lên trời làm tín hiệu khi máy bay của Hội Lưỡi Liềm Đỏ bay ngang qua. Họ sà xuống quan sát … Ngay chiều hôm ấy, một đoàn ghe nhỏ tuần tự chở đám người tị nạn sang đảo Pulau Bidong.

 

Chiều rời hoang đảo, Sương Sương mới biết tên nó là Kapass. Nàng cố dõi mắt tìm kiếm một bóng người, nhưng tất cả như nhạt nhòa, chỉ thấy những cánh tay phất phơ tạ từ… “Cám ơn, xin cám ơn người đã cho tôi hiểu được thế nào là sự ‘thi ân bất cầu báo’. Giã từ Kapass, nơi đã để lại hồn tôi một kỷ niệm nghìn đời không quên”, Sương Sương thì thầm giữa đại dương khi con tàu nhỏ đang lướt sóng về hướng Bidong.

 

 

Ái Khanh

 

(Bai Chuyen)

 

website counter