SU'U TÂ`M 9

Home | VA(N | VA(N [tt] | VA(N 1 | VA(N 2 | VA(N 3 | VA(N 4 | VA(N 5 | VA(N 6 | VA(N 7 | VA(N 8 | VA(N 9 | VA(N 10 | VA(N 11 | VA(N VUI | VA(N VUI [tt] | VA(N VUI 1 | VA(N VUI 2 | VA(N VUI 3 | VA(N VUI 4 | VA(N VUI 5 | VA(N VUI 6 | VA(N VUI 7 | TA.P GHI | TA.P GHI [tt] | TA.P GHI 1 | TA.P GHI 2 | TA.P GHI 3 | TA.P GHI 4 | TA.P GHI 5 | TA.P GHI 6 | TA.P GHI 7 | TA.P GHI 8 | TA.P GHI 9 | TA.P GHI 10 | TA.P GHI 11 | TA.P GHI 12 | TA.P GHI 13 | TA.P GHI 14 | TA.P GHI 15 | TA.P GHI 16 | TA.P GHI 17 | TA.P GHI 18 | TA.P GHI 19 | TA.P GHI 20 | TA.P GHI 21 | TA.P GHI 22 | TA.P GHI 23 | BÀI VIÊ'T | BÀI VIÊ'T [tt] | BÀI VIÊ'T 1 | BÀI VIÊ'T 2 | BÀI VIÊ'T 3 | BÀI VIÊ'T 4 | BÀI VIÊ'T 5 | BÀI VIÊ'T 6 | BÀI VIÊ'T 7 | BÀI VIÊ'T 8 | BÀI VIÊ'T 9 | Su'u Tâ`m TIN | Su'u Tâ`m TIN [tt] | CHUYÊ.N LA. KHO' TIN | LINKS .. Dê~Thu'o'ng ! | CU'̉'I CHÚT CHO'I
BÀI VIÊ'T 8

TẢN MẠN CHUYỆN "SEX CRIME"

 

TẢN MẠN CHUYỆN "SEX CRIME"

(Phạm Hoàng Chương)

 

Phạm Hoàng Chương là một tác giả viết về nước Mỹ kỳ cựu. Ông đã góp bài và nhận giải thưởng từ năm 2003. Là cựu giáo sư trung học ở Việt Nam trước 1975, vượt biên đến Mỹ năm 1984, ông đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, tác giả về hưu tại Riverside, Nam Californiạ Từ nhiều năm qua, ông liên tục góp thêm nhiều bài viết giá trị và hỗ trợ giải thưởng Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới của ông.

   

 

Bên Mỹ lâu lâu lại xảy ra nhiều chuyện giựt gân, bắt cóc nữ sinh vô xe hơi, tới trường nổ súng giết học trò, hiếp dâm bà già. Mới mấy ngày nay, ở Cali xảy ra vụ anh chàng 37 tuổi đột nhập vô nhà hãm hiếp một bà già 82 tuổi, đánh đập rồi cướp của. Đọc tin mà cứ giật mình thon thót. Mấy năm trước cũng lai rai xảy ra những chuyện lạ đời như vậy, trai 24 không đi kiếm girlfriend, lại nhè mấy bà già 70, tám mươi tuổi, yếu ớt run rẩy, ở một mình mà thỏa mãn thú tính, chắc một là tại xấu trai, câm ngọng, đàn bà chê, hai là đầu óc bịnh hoạn, ba là hèn nhát, không dám cưỡng bức phụ nữ khỏe mạnh có sức chống cự lại.

 

Trông người lại ngẫm đến ta. Bên Việt nam, cũng vậy. Lên Internet online, coi website Vietnamnet hay VNexpress của nhà nước ta thấy toàn là chuyện cướp của, nghiện ngập, giết người, hiếp dâm, buôn bán bạch phiến. Đọc tin mà mặt mày tối tăm, đầu óc choáng váng, tay chân lạnh ngắt, con tim xót thương cho đạo đức dân Việt suy đồi tới mức báo động. Tin tức chính trị, đòi hỏi nhân quyền, dân chủ, biểu tình chống Tàu cướp đảo, lấn đất, thì không dám đăng, đăng toàn chuyện tệ nạn xã hội, tham nhũng (cấp nhỏ), chuyện bán trinh, lường gạt, hiếp dâm.Như mới đây, chuyện mẹ bỏ nhà đi một thời gian rồi quay về dẫn 2 con gái 14, 15 tuổi đi, ép bán trinh cho khách lấy tiền chục triệu, chuyện cháu nội đập chết bà nội 65 tuổi vì chơi game về khuya bị bà la rầy, chuyện mẹ hành hạ cắt gân chân con vì leo trèo nghịch ngợm, chuyện hiếp dâm con gái nuôi rồi giết vợ đang có thai 7 tháng để bịt miệng khỏi lộ ra ngoài. Đọc tin mà như bị điện giựt, đầu óc choáng váng.

 

Trước 1975, đâu có những tội ác động trời như vậy. Ngay cả trước 2005, sau khi kinh tế đổi qua tư bản rồi, cũng chưa có những chuyện khủng khiếp vô luân bại hoại như vậy, hết trò đánh thày, rồi thày đánh trò chảy máu, nhũ mẫu nhét giẻ vào mồm hay ném trẻ sơ sinh xuống đất chết vì la khóc, nam sinh 14 tuổi hiếp dâm bé gái hàng xóm 6 tuổi ... v v

 

Khi nhà nước mới lên nắm quyền thì làm dữ lắm, gom bắt hết gái lầu xanh đi học cải tạo, trừng phạt, kiểm điểm. Bây giờ thì loạn xà ngầu. Những nhà trọ rẻ tiền kiêm luôn dịch vụ massage và "sex" mọc lên nhan nhản ở bến xe, ngõ hẻm, thành phố nào cũng có, các đường dây "gái gọi" và "trai gọi" đầy dẫy khắp nơi. Dân chạy xe ôm dụ khách chở đi chơi bời công khai hàng ngày ngoài đường Saigon. Các nhà thương được phép công khai tự do phá thai. Chính quyền làm ngơ cho dân bắt cóc con gái nhỏ xíu qua Cambuchia làm điếm, cho gái Việt nam đứng sắp hàng khỏa thân cho đàn ông Đài loan, Đại hàn tuyển chọn làm vợ, thậm chí quan lớn nhà nước no cơm ấm cật, nuôi bồ nhí, hay bỏ tiền "đô" ra mua trinh con gái nhà nghèo, lâu lâu đổ bể trên mặt báo, người dân ai cũng biết.

 

Đồng ý cái gì cũng có cái giá của nó. Chuyển từ chế độ bao cấp qua kinh tế thị trường tư bản nếu có làm cho người dân bớt đói nghèo chút nào, thì cũng lãnh đủ những hậu quả tiêu cực của nó: tham nhũng, ăn chơi, cờ bạc, đĩ điếm, hút xách. Bản chất con người là tham dục. Sex đứng đầu trong tứ khoái, basic instinct, kế đến tới ăn, ngủ. Trời sinh có sex, dòng giống mới được duy trì, nhân loại mới được tiếp nối. Ở Việt nam, sau ngày kinh tế đổi mới, ai cũng đua nhau chạy theo vật chất cho bõ những ngày thắt lưng buộc bụng, đói khát, khắc khổ kiêng khem thời bao cấp. Ăn ngon, mặc đẹp, nhà cao cửa rộng, làm bất cứ chuyện gì miễn có tiền là được. Có tiền là có tất cả. Trong một xã hội duy vật, chỉ cần biết có hiện tại được phè phởn, sung sướng, giàu có, khoái lạc là tốt, đừng nói chuyện quả báo kiếp sau mà người ta cười. Tôn giáo không có chỗ đứng ở Việt nam nữa. Có cho cúng bái lễ lạt khói hương đâu đó, chỉ là màu mè bề ngoài cho nhà nước khỏi mang tiếng đàn áp tôn giáo với quốc tế. Chánh phủ thật sự không tin vào luật nhân quả, làm lành gặp lành, làm ác gặp ác, chỉ cần vơ vét cho đầy túi tham, sống xa hoa phè phởn trong một kiếp này rồi thôi. Phim ảnh sách báo đồi trụy tuồn về trong nước dễ dàng, trong các quán nước, quán rượu, chủ quán mua chuộc công an làm ngơ cho chiếu phim con heo cho khách kiếm thêm tiền, các tiệm cho thuê video, cho thuê lén phim sex là chuyện rất thường. Học trò chuyền nhau xem. Học sinh trung học đệ nhất cấp, thậm chí con nít 12 tuổi chưa dậy thì cũng tò mò tìm xem cho biết mùi "văn minh" tư bản, vô tình tự đầu độc tâm hồn non trẻ, sớm lăn vào thụ hưởng lạc thú xác thịt và cần sa, thui chột phẩm chất thanh cao, khả năng sáng tạo, sức phấn đấu, góp phần kiến tạo cho tương lai đất nước. Nguyên nhân chính yếu của sự sa đọa đạo đức trầm trọng như hiện nay, theo ý tôi, là sự vắng mặt của kiến thức tôn giáo trong đời sống gia đình, học đường, và xã hội.

 

Đừng nói gì đến tôn giáo, đạo Phật và Thiên Chúa, là hai đạo lớn có khả năng duy trì đạo đức cho con người sống an bình trong xã hội và hướng đến một đời sống tâm linh cao thượng, chỉ riêng triết lý đạo Khổng xưa nay cũng đã đủ để giữ cho giềng mối gia đình và xã hội dân mình trật tự ổn định . Vợ chồng tương kính, con cái hiếu thảo mẹ cha, anh em kính trên nhường dưới, vua quan sĩ thứ có tôn ti trật tự. Bây giờ thì không còn nữa. Bây giờ ở Việt nam mà nói đến công dung ngôn hạnh, tam tòng tứ đức, "kỷ sở bất dục vật thi ư nhân" thì không ai còn nhớ và hiểu là cái gì. Tôi nhớ hồi còn học đệ nhị C ở trung học Võ tánh, Nha trang, giờ Việt văn, có Võ Hoàng hay cãi với thầy Châu và bạn học trong lớp về đạo Khổng. Hoàng đọc sách Triết nhiều so với các bạn cùng lớp, nên hay nêu ra những đề tài cho cả lớp tranh luận mở mang kiến thức và trau dồi khoa ăn nói trước đám đông. Hoàng nói, chính Nho giáo đã kềm hãm bước tiến của dân tộc Trung hoa và Việt nam mấy ngàn năm nay với mớ giáo điều "Thiên tử là con Trời" và "Quân sư phụ" của Khổng tử, nên 2 nước này mới bị Tây phương đô hộ. Tư tưởng rất mới lạ, nếu không gọi là quá khích vào thời kỳ 1962, 63, nhưng tôi lại thích nghe Hoàng lý luận và các lập luận bảo vệ lý lẽ của anh ta. Trong lớp chia ra 2 phe, lần lượt đứng lên hăng hái bênh và chống quan điểm của Hoàng, thày Châu đóng vai chánh án, chỉ ngồi nghe, cười, rồi hòa giải. Thời đó tôi rất phục Hoàng, nhưng rồi vì sinh kế, đậu xong Tú tài bán, Hoàng bỏ đi học Sư phạm Qui nhơn, quen thân với Trịnh công Sơn cùng khóa. Mỗi lần về Nhatrang, Hoàng hay tới tôi chơi, kể chuyện học và tỉ tê về con người và tài năng Trịnh công Sơn, lúc đó chưa nổi tiếng. Một năm sau thì nghe tin Hoàng chết, làm tôi sửng sờ thương tiếc mãi. Bây giờ giá Hoàng có sống lại ngồi đây , tôi sẽ nói thẳng rằng quan điểm của Hoàng là sai, rõ ràng là sai. Nghị luận để trổ tài hiểu biết thì hay, nhưng thật sự, đạo Khổng tuy không cao như Phật giáo, rất cần cho một xã hội đa số sống bằng nông nghiệp như Việt nam được trật tự và ổn định, vì tự chính mỗi cá nhân đã là một người hiền đạo đức, sống trong khuôn khổ đạo đức tu thân, tề gia, trị quốc, nhân nghĩa lễ trí tín, với châm ngôn nòng cốt: "Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân"(Cái gì mình không muốn người khác làm cho mình, thì mình đừng làm cho người khác). Sở dĩ hồi đó tôi chưa nhìn ra tầm quan trọng của đạo Nho vì xã hội Việt nam quá lành mạnh đạo đức, trò biết ơn thầy, con kính yêu cha mẹ, ảnh hưởng của Quốc văn giáo khoa thư còn sâu đậm trong đầu óc con người có học, xã hội chưa có vấn đề gì.

 

Bây giờ, bên Mỹ phụ huynh kiện thày giáo như cơm bữa, con cái bỏ cha mẹ già vô nursing homes, bên Việt nam trò đánh thày, thày đánh trò, mẹ bán con cho tú bà làm điếm, con chửi mắng cha mẹ, người ta lường gạt, cướp giựt nhau nhan nhản, trật tự gia đình xã hội đảo điên xào xáo, mới thấy cái quý của đạo Khổng, dạy cho con người cái đạo làm người căn bản, biết liêm sỉ, trọng nhân nghĩa đạo đức. Cao hơn một bậc, đạo Phật với Luật nhân quả và Chúa với Quyền uy tuyệt đối của Thượng đế làm cho con người biết sợ làm ác, ham làm lành. Làm ác thì Chúa phạt, sa địa ngục. Làm lành thì lên Thiên đàng. Bên Phật thì làm lành có thể sinh vào cõi Trời, hay đầu thai kiếp sau làm con nhà quyền thế, giàu sang, làm ác thì vào địa ngục, ngạ quỷ, chui vào bụng súc sanh sinh làm kiếp thú. Một phen mất thân người, muôn kiếp khó trở lại. Đạo Phật chủ trương diệt dục, vì Dục là đầu mối của vòng luân hồi sinh tử, diệt tham sân si thì thoát vòng sinh tử. Nếu con người hiểu được như vậy từ lúc ấu thơ, thì những chuyện hiếp dâm, giết người bịt miệng, tham nhũng bóc lột sẽ không còn xảy ra nữa. Xã hội sẽ lành mạnh, bình yên. Tôn giáo như một thứ kỷ luật vô hình, thưởng phạt công minh, ghìm giữ con người không dám phạm tội ác mà chỉ biết phát huy điều thiện, nên gia đình hạnh phúc, xã hội thanh bình yên ổn. Nhà tù do đó không cần xây thêm, tòa án luật sư do đó mà thất nghiệp. Đời nhà Lý Trần xưa kia, nhờ vua quan xuống đến thứ dân đều mộ giáo lý Phật mà ban đêm ngủ không cần khóa cửa.

 

Bây giờ thì bên Mỹ, đạo Chúa, Tin lành ít dần người theo, hay có theo cũng không vâng giữ giới luật chặt chẽ như xưa. Bên Việt nam thì Phật giáo phải vô quốc doanh cho nhà nước kiểm soát, Công giáo làm lễ lớn phải trình báo nhà nước, đất đai dinh thự tài sản bị tịch thu, nhà nước tìm cách bêu xấu hạ nhục sư sãi linh mục để đệ tử, tín đồ không tin tưởng vào cái hay cái đẹp của tôn giáo nữa. Con người bắt đầu xa rời Phật, Chúa. Những giới cấm, điều răn Phật Chúa dạy lan truyền trong dân gian ngày xưa, bây giờ bị thu hẹp, nhốt kín trong bốn bức tường chùa chiền, giáo đường cho tu sĩ gìn giữ. Ngoài xã hội, người dân tranh nhau chạy đua theo tiền tài, danh vọng, quyền thế. Tự do tung hoành làm mọi thứ gian ác để làm giàu mau, bợ đỡ những kẻ có quyền thế để hưởng lợi lộc, chức tước. Ở trên tham nhũng bạc tỷ , ở dưới tham nhũng bạc triệu. Thượng bất nghiêm , hạ tắc loạn. Xã hội một sớm một chiếu tan rã mục nát, khó còn tìm ra được những kẻ sĩ còn biết tự trọng, phẩm chất thanh cao, tánh tình cao thượng nữa.

 

Trở lại chuyện sex crime, trong khi bên Mỹ ưa hiếp dâm bà già thì bên Việt nam lại ưa hiếp dâm con nít, làm tôi nhớ lại lúc trẻ thấy mấy anh gà trống trong vườn cứ hay rượt đuổi mấy bé gà mái mới mọc đuôi cánh chạy trối chết, rốt cục nằm bẹp dí sợ hãi dưới 2 chân anh gà trống khổng lồ mặt đỏ gay như say rượu. Thấy sao mà tàn nhẫn cách gì, mỗi lần như vậy tôi lượm đá thẳng tay ném anh gà cồ chạy cong đuôi.

 

Nhớ thêm hồi tôi mới qua Mỹ, lái xe bị lạc, mới chạy rề rề theo 2 cô bé đi bộ bên đường hỏi đường, ai dè càng chạy chúng càng sợ hãi cắm đầu chạy mau hơn, lấy làm quái gở. Sau này mới hiểu tại sao, may mà chưa bị cảnh sát lôi vô bót hỏi. Những bọn bắt cóc, hiếp đáp trẻ gái như vậy bên Việt nam tuy bị ảnh hưởng phim ảnh bậy bạ muốn thí nghiệm, chứ thực tâm không hẳn cuồng dâm như thế, nhưng cách hành sử như vậy chẳng khác nào tự mình hạ xuống hàng súc vật gà chó, heo lợn ... Bên Mỹ, luật lệ nghiêm minh đàng hoàng, đụng tới trai gái vị thành niên, chúng gọi police còng tay cái rụp, rồi sau hạ hồi phân giải, nên đàn ông Mỹ tránh xa con nít vị thành niên, lớ xớ ở tù mọt gông.  Ngay cả người cha trong nhà cũng không dám đánh con gái ruột, sợ nó gọi cảnh sát vu cáo sàm sỡ với nó là vô tù ngồi. Còn bên Việt nam thì cha mẹ nghèo mải lo kiếm ăn, nhà cửa san sát, chật chội, con nít thả rông ngoài đường, lân la qua nhà hàng xóm, chuyện xâm hại trẻ con xảy ra rất dễ dàng. Văn hóa Việt, cha mẹ ngại dạy con vấn đề sinh lý, nên trẻ con VN khờ khạo thua xa trẻ con Mỹ hiểu biết rất sớm, nên càng dễ bị hại. Mà luật pháp bên nhà thì lỏng lẻo, du di, lại "nén bạc đâm toạc tờ giấy", "có tiền mua tiên cũng được", có tiền thương lượng việc gì cũng xong. Cha mẹ nạn nhân đa số nghèo, nên coi đồng tiền quí hơn sinh mạng con cái, ít ai chê tiền mà quyết tâm truy tố thủ phạm tới nơi tới chốn. Đó là điều nhức nhối, tủi nhục cho dân mình. Nghèo dốt thì thấp cổ bé miệng, thua thiệt trong mọi vấn đề.

 

Cho nên, muốn chấm dứt những tệ nạn xã hội, nhất là hiếp dâm, giết người, phá thai vô tội vạ ở Mỹ cũng như ở Việt nam, tôn giáo phải được coi trọng, bảo tồn, và đánh giá đúng mức. Chính phủ không nhứt thiết phải lồng tôn giáo vào học đường như các trường Bồ đề, bà sơ, bên Việt nam ngày trước 75, hay hệ thống trường tư thục do các linh mục công giáo điều hành tại Mỹ để giáo dục đưa trẻ thành người tốt. Chỉ cần có thêm môn học Đức dục (morality), hay công dân giáo dục trong chương trình giáo khoa , ít nhứt ở cấp tiểu học, như dưới thời thủ tướng Trần trọng Kim năm 1945 và sau đó. Hay nếu được, chỉ cần mở thêm một môn học mới cho cấp tiểu và trung học là môn NHÂN QUẢ, với những bằng chứng khoa học, cụ thể, có tính cách thuyết phục, để gián tiếp giáo dục học sinh làm lành tránh dữ cho suốt cuộc đời của chúng, vì lợi ích cho chính bản thân chúng và xã hội loài người. Học khoa học kỹ thuật, thu thập kiến thức thế gian cho lắm để làm gì khi mà không có lương tâm và lòng nhân đi kèm. Lòng nhân tuy vậy, đôi khi có thể bị lu mờ trước cám dỗ thân xác và vật chất, cho nên cấn phải có thêm bài học về đạo đức, hay nhân quả để gìn giữ, ngăn chận dục vọng. Cổ nhân ta có câu: "Có học phải có hạnh.". Và như nhiều người đã biết, một nhân nào đó đã có lần nói:

 

"Science sans conscience n'est que ruine de l'âme" . Khoa học mà thiếu lương tâm chỉ là bại hoại của tâm hồn.

 

 

 

Phạm Hoàng Chương

 

(Sưu Tầm Liên Mạng chuyển)

 

 

website counter