Tuổi
Già
Là Thời Sung Sướng
Nhất
(Tràm Cà Mau)
Ông cụ Lê đã tám mươi
lăm tuổi, vẫn còn khỏe mạnh. Cụ
bà cũng tám mươi ba tuổi. Họ sống
trong một căn nhà tiền chế có ba
phòng ngủ và hai nhà tắm, rộng
rãi .. Hai vợ chồng ngủ riêng, mỗi
người một phòng, cái phòng còn trống
dành cho con cháu, bạn bè ở xa về
chơi. Cụ bà nhất định ngủ riêng.
Cụ ông nói với bà con rằng, cụ hay
thức khuya đọc sách, báo,và nghe nhạc,
nên cụ bà không chịu được, phải
ngủ riêng. Cụ bà thì nói thẳng
"Ông già, nhưng phá lắm, làm
tôi mất ngủ". Cụ bà lãng tai,
nên thường nói lớn tiếng như
thét gào.
Tôi từ San
Francisco về, ghé thăm hai ông
bà cụ Lê. Thấy ông đang xem tờ
báo Mỹ, trong đó nhiều trang quảng
cáo in hình những thiếu nữ da thịt hồng
hào, lồ lộ, ăn mặc ít vải, bụng
ngực hở hang, chân tay dong ra hớ hênh .. Trong
tình thân mật, tôi hỏi cụ:
- Bác cũng còn thích xem các thứ
nầy nữa ? Có còn "làm ăn" chi
được nữa không ? Bác "chay tịnh"
đã bao nhiêu năm rồi ?
Cụ Lê nhướng mắt, cười
toét miệng, để lộ hai hàm răng giả
trắng nuốt, đều đặn, nhưng hơi
móm, trả lời:
- Có chứ ! Làm ăn đều đều
chứ ! Gì chứ cái đó đâu
có nhịn được !
- Thật không bác ? Hay chỉ nói
đùa cho vui thôi ? Có cần thuốc Viagra trợ
lực không ?
- Thuốc với thang, đâu cần ! Tôi cũng
đã thử cái thuốc đó mấy lần
mà thấy công hiệu của thuốc quá chậm.
Mình đã xong rồi, chiến trường
đã tan, thuốc mới công hiệu. Thêm bực
mình, khi đó thì dù còn sức,
bà ấy cũng gạt đi. Phải hơn nửa
giờ sau khi uống, thuốc mới công hiệu. Thế
là quá chậm. Chuyện đó, phải tức
thì, cơm nóng canh sốt mới ngon. Đâu
phải đi câu mà thả cần chờ cá
đớp mồi. Còn khi không có hứng
thì uốngthuốc đó vô làm chi ?
- Bác dám thử thuốc đó,
không sợ đứng tim bất thần chăng ?
Tôi cười và hỏi.
- Sợ gì ! Tuổi nầy có đứng
tim mà chết mau lẹ, thì cũng mừng, khỏi
phải sợ bệnh hoạn lâu ngày.
- Thuốc đó có sinh ra phản ứng phụ
gì không ?
- Có ! Uống vào, cái mặt mình
nó câng câng làm sao ấy .. Giống như
khi mình nói láo, ngượng quá, mặt
câng lên. Cứ thế cả giờ không hết.
Tôi quẳng vào thùng rác cả ống thuốc
từ lâu.
Cụ Lê vốn vui tính, ưa nói
đùa. Tôi nghĩ là cụ nói chuyện
cho vui thôi. Đêm đó, vợ chồng
tôi ngủ lại nhà cụ. Buổi khuya tôi
thức dậy, đi xả nước thừa trong cơ
thể, phải đi qua phòng ngủ của bà cụ
Lê mới vào được phòng tắm.
Tôi thấy tấm chăn bà đắp lệch
ra, gần rơi xuống đất. Bà vẫn
ngáy đều. Mùa đông lạnh, nếu
chăn rơi ra, bà có thể cảm lạnh.
Tôi nhẹ nhàng đến kéo tấm chăn
lên, đắp lại cho bà. Bỗng bà
nói thật lớn, hai tay chắp lại mà
xá tôi lia lịa:
- Thôi, thôi ông ơi, tôi lạy
ông, tôi lạy ông, nhà có khách,
không được đâu !
Tôi khiếp hãi, lạnh cả người.
Chưa kịp đi tiểu, mà tôi vội vã
chạy về giường mình nằm yên, tim
đập thình thịch mãi chưa hết sợ.
Tuy không ai dám hiểu lầm là nửa
đêm tôi đi mò mẫm bà cụ
già, nhưng cứ sợ. Tôi nhịn đi tiểu,
mất ngủ cho đến gần sáng. Bây giờ
thì tôi tin những gì ông cụ Lê
nói không phải là chuyện đùa
chơi. Sáng hôm sau, tôi kể lại chuyện
sửa mền cho vợ tôi nghe, vợ tôi ôm bụng
cười mà không tin.
Buổi sáng, cụ Lê tập thể dục
theo lối cử động chậm và phất tay
cùng hít thở. Thấy tôi ngồi đọc
báo, cụ nói:
- Anh thường không tập thể dục ? Thể
dục làm tan biến hết mệt mỏi của một
đêm dài nằm trên giường. Không cần
tập nhiều, tập cho khí huyết lưu
thông, thấy mình sảng khoái hơn. Anh
có tin rằng tuổi già là giai đoạn
sung sướng nhất trong một đời người
không ? Nhiều người không tin đấy. Lạ
quá !
Vợ tôi đang đứng trong bếp, chỉ
tấm hình có đứa bé nằm trong
nôi và nói vọng ra :
- Cháu nghĩ trẻ con nằm trong nôi,
vô tư, ngây thơ sung sướng nhất.
Bác có nghĩ vậy không ?
Cụ Lê xì một tiếng và nói:
- Con nít trong nôi biết khỉ gì
mà sung sướng ? Ai dám bảo là
chúng nó vô tư ? Có chắc không?
Có chắc là chúng nó không lo nghĩ,
không có mối khổ tâm riêng khi không
biết nói, không biết tự làm cho
mình những việc tối cần thiết.
Được cho món gì thì ăn món
đó, không có quyền lựa chọn. Dở
ngon chi cũng phải nuốt, ưa hay không cũng phải
ăn. Chỉ biết khóc, khóc và khóc .
Đói cũng khóc, mà đau cũng
khóc. Khi bị con kiến, con trùng tấn
công, cũng không biết làm sao mà tự
vệ, hất nó đi. Cha mẹ nghe khóc, cũng
không biết là nó đói hay đau, hay ngứa
.. Tiêu tiểu cũng nằm trên nôi, phóng
uế ra cả chiếu giường, hôi hám, sung
sướng cái nỗi gì. Nóng lạnh cũng
không biết làm sao cho dễ chịu hơn.
Người lớn không biết thì tưởng
đâu nó vô tư sung sướng. Thử cho
anh chị nằm liệt ra đó, có người
mớm cơm ăn uống, chăm sóc, và moi
phân từ quần ra, thay tã cho khi tiểu tiện,
thì thấy khổ hay sướng mà dám bảo
là trẻ con vô tư sung sướng ? Sướng và khổ là phải
cảm nhận được mới có giá trị. Có ai còn nhớ và nghĩ
là thời nằm trong nôi sướng đâu.
Nầy, nếu tôi có phép, cho chị lựa
chọn, cứ bé bỏng và được nằm
trong nôi mãi, chị có chịu hay không ?
Hay là trông mau lớn, để khỏi nằm
nôi ?
Vợ tôi tiếp:
- Thế thì, trẻ con lớn hơn chút nữa,
biết đi biết chạy, biết chơi, ở
nhà chưa đi học, vui vẻ với gia
đình, không lo nghĩ, không bận rộn,không
ưu tư gì cả, và chưa biết cái
khổ của cuộc đời, thì có phải
là sướng không ?
Cụ Lê cười khà khà, và
nói lớn, vọng vào bếp cho vợ tôi
nghe rõ hơn:
- Trẻ con, sướng chứ, nhưng làm sao
sướng bằng người già được.
Trẻ con cũng có những nỗi khổ tâm
riêng của chúng mà mình không chịu
nghĩ đến. Khoảng nầy là tuổi
chơi, mà bị cấm đoán nhiều nhất,
cha mẹ anh chị chăm nom canh chừng từng
phút một. Cấm chơi cấm nghịch, cấm thức
khuya, bắt phải ăn món nầy, ăn món
kia, dù thích hay không. Bị canh chừng, kềm
kẹp ngày đêm. Câu chuyện khôi
hài kể rằng, một em bé đi chơi với
bố, thấy một vũng nước mưa bên
đường, hỏi bố rằng "Có phải
Bố có quyền muốn làm gì thì
làm chẳng ai cấm đoán, la mắng bố cả,
phải không ?" Ông bố trả lời là
phải. Em bé mở tròn mắt hỏi: "Thế
thì tại sao Bố không nhào xuống vũng
nước mà lăn lộn cho sướng ?"
Đó, còn trẻ con, là không được
làm điều gì mình muốn cả.
Không có một xu dính túi, mà có
tiền, cũng không có quyền mua những thứ
mình thích."
Vợ tôi cười, và hỏi tiếp:
- Thế thì trẻ con lớn hơn chút nữa
thì sao ? Có sướng hơn người
già không ?
- Làm sao mà sướng bằng tuổi
già được. Anh chị cứ nghĩ và nhớ
lại mà xem. Tuổi đó thì làm biếng
và ưa chơi hơn là học. Trẻ nào
cũng vậy. Thế mà cha mẹ, thầy giáo bắt
học hành. Ban ngày thì học ở trường,
ban đêm về nhà phải học bài,
làm bài. Truyền hình và nhạc có
chương trình hay đến mấy, cũng
không được xem, nghe, phải học bài
xong, làm bài xong đã. Mà học xong,
thì đâu còn những chương trình
đó cho chúng xem nữa. Khi đó thì
khuya rồi, bố mẹ bắt đi ngủ để
sáng hôm sau đi học. Chưa kể những
đứa con nhà khá giả, cha mẹ thường
bắt phải đi học đàn, học nhạc, học
múa. Và có khi phải đi học thêm những
lớp đêm, lớp ngày, cho giỏi hơn. Bị
kềm chặt trong cái thời khóa biểu của
cha mẹ. Em bé không thể tự quyết định
riêng cho nó điều gì theo sở thích
cả. Bởi vì nếu để cho em tự quyết
định hành động từ tuổi thơ,
thì mai sau lớn lên chỉ có nước
đi ăn mày hay ngồi tù sớm mà
thôi.
- Thế thì bác cho rằng tuổi trẻ
khổ nhọc và tù túng lắm phải
không ? Vợ tôi cắt lời.
- Không hẳn như thế, nhưng cũng gần
thế. Không phải lo cơm áo, tiền bạc,
công việc làm ăn, là sướng, khỏe,
nhưng trẻ con đâu ý thức được
cái khỏe, cái sướng đó. Chỉ thấy
cái khổ của việc học hành. Đôi
khi đi học, còn mệt hơn đi làm nữa,
đó là sự thực. Khi lớn hơn nữa,
ý thức được là phải học
hành, để mai sau có nghề nghiêp may ra
đời sống khá hơn, tương lai vững
chắc hơn, thì lại khổ hơn nữa. Phải
lo âu, chăm chỉ, hy sinh các sở thích
khác để mà trau dồi tương lai. Học
hành đôi khi cũng có cái thú,
nhưng chắc chắn ai cũng thích chơi,
thích giải trí hơn là cắm cúi cần
mẫn học hành. Bằng chứng là có nhiều
người phải đóng bạc trăm bạc
ngàn đi học các khóa đặc biệt,
mà khi giáo sư cho nghỉ sớm vài
phút cũng mừng húm, sung sướng thấy
rõ ra mặt .. Đi học, mà học cho
đàng hoàng thì không phải chuyện dễ,
không phải nhẹ nhàng, mà học qua loa
thì sợ thi rớt, sợ học xong mà
không biết gì. Có kẻ hỏi một anh tuổi
gần ba mươi rằng: "Anh có muốn trẻ
lại như thời mười lăm mười
sáu không ?" Anh rùng mình mà trả
lời : "Không bao giờ, phải đi học lại
trung học, đại học, cực quá, thà chết
còn hơn." Khi lớn hơn nữa, thì
thêm nỗi lo, nỗi khổ vì tình yêu.
Không có người yêu thì cô
đơn, buồn khổ. Có người yêu
thì lo sợ cuộc tình tan vỡ, lo ghen bóng
gió, lo người yêu không trung thành,
và buồn khổ vu vơ, lãng nhách. Trong thời
trẻ trung, thì tình yêu là đẹp
đẽ nhất, vui thú nhất, nhưng cũng
làm con tim đau đớn nhất và còn
có nhiều kẻ đã chết vì tình
yêu. Chết mà không hối tiếc chi cả.
Không lấy được nhau thì đau khổ
đến như trời sập núi tan, mà lấy
nhau được thì cũng chiến tranh cãi vả
triền miên không ngớt, và chán nản
bực bội nhau.
Vợ tôi từ bếp ra ngồi trong phòng
khách, để nghe cụ Lê luận về nỗi
sướng khổ cuộc đời. Vợ tôi hỏi
thêm :
- Vậy khi học xong, có gia đình,
có nghề nghiệp, có sức khỏe, là
giai đoạn sướng nhất trong đời chứ,
thưa bác ?
- Ừ, thì giai đoạn đó cũng
có sướng, có khổ, chứ không phải
sướng nhất như khi vào tuổi già. Anh
chị thấy đó, sau khi có gia đình,
thì phải làm lụng vất vả nuôi con
cái, sống vì đàn con, không còn
lý gì đến cái thân mình nữa.
Lo dạy dỗ con cái, lo đưa đón, lo bệnh
hoạn, lo cho nó ăn học, lo cho nó đừng
hư hỏng. Có hạnh phúc, nhưng cũng
có nhiều lo lắng. Chưa kể có người
vì tình, tiền, danh vọng, mà khổ. Khi
còn trẻ, hăng hái, thì ai cũng nuôi
tham vọng, muốn giàu sang, muốn nổi tiếng,
muốn xa hoa, nên cứ tự dìm mình
vào những sinh hoạt khó khăn, làm mất
đi những an bình của cuộc sống. Xưa
nay đã có nhiều người vì tham vọng
mà bỏ vợ, bỏ con, bỏ gia đình, dấn
thân vào những nơi xương rơi máu
đổ, có khi chết bên chân trời
góc bể chẳng ai biết, có khi tù tội
rục xương. Không tham vọng nhiều thì
ít, ít nhất cũng làm tiền, cất tiền,
lo cho bất trắc trong tương lai, lo cho tuổi
già. Lo, lo đủ thứ. Có khi vì lo
mà phát điên, có khi vì quá lo
mà vợ chồng bỏ nhau. Lo nuôi nấng con
cái, lo chạy theo danh vọng hão, mà khổ,
mà mất đi cái sinh thú ở đời.
- Thế thì theo bác giai đoạn nào
trong đời cũng không sướng bằng tuổi
già. Làm sao mà sướng được ?
Bác nói cho cháu nghe với. Tuổi già yếu
đuối, bệnh hoạn cô đơn, sướng
ở chỗ nào ? Vợ tôi hỏi.
Cụ Lê thong thả tiếp:
- Khi đã lớn tuổi, thì con người
được nhiều tự do hơn, được
thong thả hơn để sống. Không còn phải
như em bé bị cha mẹ ép buộc, bây giờ
thì muốn làm chi thì làm, muốn thức
khuya dậy sớm gì, cũng chẳng còn ai la mắng
dọa nạt, rầy la. Nếu vợ vì
thương, sợ mất sức khỏe, thì cũng
cằn nhằn chút chút thôi, mình
không nghe thì cũng chẳng bị roi đòn
gì. Không còn phải khổ công học tập,
lo lắng cho tương lai mai sau, chẳng phải học
thêm chi cho mệt trí, biết quá nhiều, biết
quá đủ rồi. Nếu đã nghỉ
hưu, thì học thêm làm chi. Nếu còn
đi làm, thì cũng đã rành nghề,
quen tay quen việc, làm việc dễ dàng.
Khi già tình yêu cũng không còn
là mối bận tâm, không quan trọng
quá, chưa nghe báo đăng các cụ
già trên dưới sáu mươi tự vẫn
chết vì thất tình. Tội chi mà chết
vì tình trong tuổi già, vì cũng sắp
thấy Diêm Vương rồi, việc chi mà
đi sớm hơn .. Khôn quá rồi, chết
vì tình yêu là nông nổi. Đời
sống tình cảm của tuổi già êm
đềm hơn, ít đau đớn ít sôi
động, và bình lặng. Tuổi già rồi,
các ông không còn tính chuyện mèo
mỡ lăng nhăng, khỏi phải lo lắng sợ vợ
khám phá ra chuyện dấu diếm mà
nhà tan cửa nát. Đỡ tốn tiền
quà cáp, đỡ tốn thì giờ lui tới
các nơi bí mật. Hồi hộp, đau tim.
Các bà khỏi phải lo chuyện đi
đánh ghen, không còn cần phải chăm
chút nhan sắc làm chi nữa, vì như chiếc
xe cũ rệu, có sơn phết lại cũng xộc
xệch, cũng méo mó. An tâm và chấp
nhận, thì khỏi băn khoăn mà vui .. Cũng
có một số ít những cặp vợ chồng
già đem nhau ra tòa chia tay, vì khi già cả
hai đều trở thành khó tính. Hậu quả
của li dị trong tuổi già không trầm trọng
như khi còn trẻ, vì con cái đã lớn,
đã tự lập, không còn ảnh hưởng
nhiều đến tương lai chúng và
tương lai của chính mình. Vì còn sống
bao lâu nữa mà lo lắng chi cho nhiều. Xa
được ông chồng khó tính, độc
tài là mừng. Dứt được bà vợ
đanh đá, bạc ác là phải sung sướng.
Khỏe trí. Tuổi già, cố giữ cho còn
có nhau, khi đã đến nước li dị,
thì hai bên đều đúng, đều
có lý. Đây là hành động tự
cứu mình, và cứu người ra khỏi cảnh
khổ lúc cuối đời, khi mà mộ bia
đã thấp thoáng trước mắt, không
còn bao nhiêu ngày nữa. Có điều
ít ai nghĩ đến, là càng già,
thì càng dễ tìm một người bạn
đời để nối lại, để an ủi
nhau trong tuổi xế chiều. Vì chung quanh họ,
có thiếu chi người đứt gánh nửa
đường. Chồng chết, vợ chết, li dị.
Vấn đề là không sao tìm được
một người có chung nhiều kỷ niệm, nhiều
tình nghĩa, nhiều chia xẻ như người phối
ngẫu cũ. Tình già cũng nhẹ nhàng,
thong thả, ít khổ đau, ít sôi nổi
hơn tình khi còn trẻ trung. Sức lực cũng
có còn bao nhiêu mà ghen tương nhau chi,
mà lo lắng chi cho thêm mệt, những người
lớn tuổi kinh nghiệm và biết rõ như
vậy.
Nhiều người trẻ, sau khi gia đình
tan vỡ thì xuống tinh thần, uống ruợu
đánh bài tìm quên, đôi khi không
phải vì họ quá thương yêu người
cũ mà tự hủy hoại đời mình,
mà chính vì họ tự thương thân,
tự ái bị xúc phạm, và rồi sa lầy
vào ruợu chè cờ bạc. Người lớn
tuổi thì suy nghĩ khác. Họ nghĩ rằng
ta cũng đã gần đất xa trời rồi,
có sống thêm bao lâu nữa mà sầu khổ
cho mệt. Mất củ khoai lang, thì kiếm củ
khoai mì bù vào. Tuổi già biết
giá trị tương đối của tình
yêu nên không tìm tuyệt hảo, không
tìm lý tưởng, và nhờ vậy
không bị thực tế phũ phàng làm vỡ
mộng, đau khổ. Khi già rồi, có ai hỏi
tuổi, thì cũng không cần dấu diếm,
không cần sụt đi năm bảy tuổi
làm chi. Sướng lắm. Vì có sụt tuổi,
cũng không dấu được những nếp
nhăn, mà chẳng có ích lợi gì. Nếu
tự cộng thêm cho mình chừng chục tuổi,
thì không chừng được thiên hạ nức
nở khen là còn trẻ, trẻ quá, và họ
mơ ước được như mình. Các
ông có vợ đẹp, khi lớn tuổi cũng
đỡ lo bọn dê xồm dòm ngó, lăm
le dụ dỗ vợ mình. Con người, ai mà
không nhẹ dạ, ai mà không ưa lời
nói ngon ngọt êm tai, ai mà không có khi
thiếu sáng suốt. Vợ chồng cũng có
khi bất hòa, buồn giận nhau, và những khi
nầy, lòng người dễ chao đảo lắm.
Bởi vậy, các ông đỡ nghe các
bà hăm he li dị, hăm he bỏ nhau.Tuổi nầy
các bà cũng thừa khôn ngoan để biết
những tên ngon ngọt, hứa hẹn nhiều,
thường chỉ là những tên phá
đám, chứ không thể tin tưởng
được.
Đàn bà có chồng hào hoa, đẹp
trai, khi lớn tuổi cũng bớt lo, vì các
ông cũng bớt máu nóng, bớt chộn rộn
và khôn ngoan hơn thời trẻ trung. Biết kềm
chế hơn, và biết rõ giá trị hạnh
phúc gia đình cần gìn giữ hơn
là chơi ngông. Tuổi già, vợ chồng sống
chung với nhau lâu rồi, chịu đựng nhau giỏi
hơn, quen với cái thói hư tật xấu của
nhau. Không còn thấy khó chịu nhiều nữa.
Dễ dung thứ cho nhau, chấp nhận nhau, vì họ
biết rõ bên cạnh cái chưa tốt của
người bạn đời, còn có rất nhiều
cái tốt khác. Vợ chồng, khi đó biết
bao nhiêu là tình nghĩa, bao nhiêu kỷ niệm,
bao nhiêu thân thiết, cho nên hạnh phúc
hơn, vui hơn. Tình yêu trong tuổi già
thâm trầm, có thì giờ bên nhau nhiều
hơn, chia sẻ nhiều hơn. Cũng có nhiều
ông bà già ưa cãi vả nhau, cũng dễ
hiểu, khi đó tai của cả hai ông bà
đều lãng, người nầy nói một
đường, người kia hiểu nẻo khác,
cho nên buồn nhau giận nhau, không gây gổ
sao được ?
Nói đến đây, cụ Lê xuống
giọng nho nhỏ, chỉ đủ cho tôi nghe
thôi, và cụ nói với nụ cười
trên môi:
- Tôi biết chắc nhiều phần, những vợ
chồng già hay gây gổ nhau, vì thiếu
ăn nằm với nhau, thiếu tình dục.
Không phải tôi nói đùa đâu. Có tình dục đều đặn,
cơ thể sinh sản ra kích thích tố,
làm cân bằng tình cảm. Làm con người
thấy dễ tính, cởi mở hơn, và
ít bực bội hơn.
Những vợ chồng trẻ dễ tha thứ dễ bỏ
qua cho nhau, vì họ có chuyện đó đều
đều. Anh cứ nghiệm mà xem, sau khi ra khỏi
giường, các bà vợ thường dịu
dàng hơn, tử tế hơn, cho mình ăn ngon
hơn. Đừng bảo khi về già các
bà hết ham muốn. Sai toét. Các bà sợ
chuyện đó, sợ chứ không phải hết
ham muốn đâu. Sợ là phải, đau
quá mà. Xe chạy lâu ngày khô nhớt
máy, làm sao mà chạy được. Mấy
ông già thiếu hiểu biết, phải hỏi
bác sĩ, có gì mà xấu hổ, ngượng
ngùng. Ai mà chẳng làm chuyện đó,
che dấu làm chi. Một ống thuốc nước trơn, chỉ có mấy đồng bạc
mà mua được vạn cái hạnh phúc
gia đình. Chuyện nầy mà nói ra, có
người cho là thiếu thanh lịch. Tôi
ghét bọn đạo đức giả, vừa ngu xuẩn,
vừa ích kỷ. Đừng quá lộ liễu,
đừng quá lố lăng thì thôi. Tại
sao chuyện tốt, hiểu biết ích lợi cho cuộc
sống con người, mà phải dấu diếm ?
Tôi tin rằng, người Mỹ thì mười
người, có đến tám, biết chuyện
thuốc thang nầy, còn người mình,
thì mười người, may ra chỉ có hai ba
người biết mà thôi.
Vợ tôi không nghe được lời cụ
Lê, quay qua hỏi:
- Bác nói gì lầm thầm nhỏ
quá, cháu không nghe được.
Cụ Lê cười khà khà
đáp:
- Chuyện tào lao ấy mà. Đàn
ông nói riêng cho nhau nghe thôi.
Cụ cười, nháy mắt với tôi, rồi
đổi giọng lớn hơn, nói tiếp:
- Tuổi già, thì tất cả mộng
ước điên cuồng của thời trẻ trung
đã tan vỡ, đã lắng xuống, không
còn khích động trong lòng, không
còn thao thức nhức nhối. Họ biết sức
mình đến đâu, và không tội chi
mà ôm cao vọng cho khổ thân. Họ còn
biết thêm rằng, nếu những cao vọng
điên cuồng ngày xưa mà có
thành đi nữa, thì e cũng chỉ là
hư không, chẳng đáng gì. Khi tuổi già, thì
biết khôn ngoan mà an phận, biết vui với
bình thường. Biết đâu là hạnh
phúc chân chính.
Nhiều người già rồi mới tiếc
suốt một thời son trẻ không biết sống,
phí phạm thời gian theo đuổi những huyễn
mộng, làm đau khổ mình, làm
điêu đứng người khác. Tuổi
già, vui khi thấy mình hết nông nỗi,
nhìn đời bằng cái tâm tĩnh lặng
hơn. Ai khen không hớn hở mừng, ai chê
không vội vã hờn giận. Vì biết
rõ mình không có gì xuất chúng
để thiên hạ khen nịnh. Và biết
mình cũng có nhiều cố tật không chừa
được, đáng chê. Chê thì
chê, khen thì khen. Khen cũng thế, mà chê
cũng thế, thì ta vẫn là ta, là một
kẻ già, đáng được khoan thứ
hơn là trách móc. Lúc nầy, không
còn muốn làm giàu, không bị con ma tham
lam thúc bách để kiếm và tích trữ
cho nhiều tiền nhiều bạc. Con cái cũng
đã lớn, không phải chi tiêu nhiều thứ
, thì tiền bạc, chỉ cần đủ sống
thôi, cũng là thỏa nguyện. Họ cũng
không cần se sua, tranh hơn thua với ai, tinh thần
họ vui vẻ, dễ chịu và khỏe khoắn
hơn .. Mối lo âu về tài chánh cũng nhẹ
gánh. Bởi khi đó, nhiều người
đã tích trữ được một số tiền
nhỏ. Nhà cửa cũng đã có .. Nợ
nhà, nợ xe cũng ít đi, hoặc không
còn nữa. Con cái cũng đã lớn,
không còn là gánh nặng cho mình.
Chúng nó đã có nghề nghiệp,
đã làm ăn được. Chắc chắn
tương lai chúng khá hơn mình nhiều.
Người già không chi tiêu nhiều,
ăn cũng ít đi rồi, chơi cũng không
còn phung phí dại dột như tuổi trẻ.
Khi già, thời gian mới là thực sự của
mình, vì không còn phải chạy ngược
chạy xuôi kiếm sống nữa. Không còn bị
bó buộc bởi trách nhiệm bổn phận.
Có thể ngồi mơ mộng hàng giờ
trên ghế đá công viên, thưởng thức
thiên nhiên tuyệt thú, có thể tìm
được an bình tuyệt đối, không
như thời còn trẻ, đi nghỉ mát,
mà thỉnh thoảng cũng bị công việc
nhà ám ảnh, nhắc nhở. Tuổi già về
hưu, là một mong ước của gần như
của tất cả mọi người. Nhiều người
gắng làm sao kiếm cho nhiều tiền để
được về hưu sớm hơn. Nhiều thanh
niên, ngày về hưu còn xa lắc, xa lơ
mà vẫn mơ ước. Người Mỹ, trẻ
già chi cũng nghĩ đến hưu trí. Hưu
trí trong tuổi già là một phần thưởng
của tạo hóa, của xã hội. Cho sung sướng,
nghỉ ngơi. Già là nghỉ ngơi, là khỏe
khoắn. Mỗi buổi sáng nằm dài trên
giường, sáng nào cũng là chủ nhật
trong tuần, muốn dậy lúc mấy giờ cũng
được, muốn nằm cho đến trưa đến
chiều cũng không sao. Nằm thoải mái,
không ai chờ, ai đợi, không có việc
gì gấp gáp phải làm, ngoại trừ
cái bọng tiểu nó thúc dục, không
cho mình nhịn lâu thêm được nữa.
Thế thì sao mà không sung sướng.
Nếu chưa về hưu, còn đi làm việc,
thì cái tâm của người lớn tuổi
cũng nhẹ nhàng, ít bị những sức
căng, bị áp lực đè nén. Vì
tài chánh cũng quan trọng, nhưng không
quá quan trọng đến nỗi khi thất nghiệp
thì mất xe, mất nhà, mất vợ mất con
như những người còn trẻ. Khi này, nhiều
thứ trong cuộc sống đã ổn định,
nhu cầu tiền bạc cũng không quá nhiều.
Vả lại, già rồi, kinh nghiệm công việc
nhiều, cho nên giải quyết mọi sự trong dễ
dàng, thong thả. Bạn đồng sự cũng
có chút nể nang, phần vì tuổi
tác, phần vì kinh nghiệm. Có trường
hợp, còn có việc thì tốt, mất việc
thì mừng hơn, vì có lý do chính
đáng để về hưu cho khỏe. Vì nếu
việc có hoài, việc lại dễ dàng,
thì tiếc, không muốn về hưu. Tuổi lớn,
không cần thăng tiến, không cần đua
chen với ai, cho nên tinh thần thoải mái,
được bạn bè chung quanh thương mến
hơn. Những người về hưu rồi, trở lại
làm việc, thì đi làm, như đi
chơi, chứ không phải "đi cày"
như nhiều người khác quan niệm. Vui
thì làm tiếp, chán thì về nhà
nghỉ ngơi. Người lớn tuổi, thì sức
khỏe xuống, bệnh hoạn ồ ạt đến tấn
công, không ai thoát khỏi bệnh hoạn.
Nhưng họ lại cảm được cái sung
sướng của một ngày khi bệnh thuyên giảm.
Một ngày khi cảm thấy gân cốt ít nhức
mỏi hơn, dễ chịu trong từng khớp
xương hơn.
Người trẻ đâu có thấy
được những nỗi sung sướng nầy ?
Vì họ chưa kinh nghiệm, chưa trải qua,
nên chưa biết. Họ có sức khỏe, nhưng
họ không biết đó là sung sướng,
cho nên, xem như chẳng có giá trị
gì. Anh chị xem, nếu anh chị có một tảng
ngọc to bằng cái bàn nằm trong vườn,
mà anh chị không biết đó là chất
ngọc, thì không biết quý, không biết
mình sung sướng có tảng ngọc, mà chỉ
quý và sướng vì viên ngọc nhỏ
xíu nằm trên chiếc nhẫn mà thôi.
Có người viết sách rằng, tuổi
già, buổi sáng ngủ dậy, nghe xương cốt
đau nhức mà mừng, vì biết mình
chưa chết. Tôi thêm rằng, biết mình
còn sống là mừng, biết mình
đã chết nhẹ nhàng, càng mừng
hơn .... Nầy anh chị có nhớ câu chuyện
Thượng Đế khi đuổi tổ phụ
loài người là ông Adam và bà Eva
xuống trần gian, có chỉ mặt mà
phán : "Từ nay chúng mi phải đổ mồ
hôi trán mới có hạt cơm vào mồm".
Đó là câu nguyền rủa độc địa
nhất, là lời phán ý nghĩa nhất,
là con người phải sống trong nhọc nhằn.
Sách Phật cũng có viết đời là
đau khổ, và tu để tránh khổ.
Đó, đời nầy đáng sống lắm,
nhưng cũng nhiều khổ đau lắm. Bởi vậy
nên tôi nói, được sống là mừng,
mà được chết, cũng mừng. Tôi
đi đám ma ông bạn già, thấy gia
đình khóc lóc, rên rỉ thảm
thương, con cháu mếu máo kể lể.
Tôi cười trong bụng, nghĩ rằng bọn nầy
không biết luật của tạo hóa. Có
sinh thì có diệt. Chúng nó muốn
thân nhân của chúng sống đời đời
sao ? Biết đâu chỉ là khởi điểm
của một cuôc rong chơi. Nầy, tôi đọc
cho anh chị nghe một đoạn thơ của anh bạn
tôi:
Tôi đi trước, hẹn gặp
nhau ở đó
Ai thay da mãi mãi sống muôn
đời ?
Kẻ trước, người sau xếp
hàng xuống mộ,
Biết đâu là khởi điểm
cuộc rong chơi ....
Khi tuổi già, thì xem cái chết
như về .. Ai không phải chết mà sợ. Sống
qua khỏi tuổi năm mươi, là đã lời
lắm. Tuổi trung bình của con người
trên thế giới nầy chưa được con số
năm mươi. Thì mình nên tự xem như
được sống thêm đời thứ hai. Đời
trước đã hoàn tất, có cả khổ
đau lẫn hạnh phúc. Đời sau nầy,
thì chắc chắn là sung sướng hơn hạnh
phúc hơn đời trước. Vì đã
từng trải, đã gom được kinh nghiệm
của đời trước, để thấy
đâu là hạnh phúc chân thật,
đâu là phù du huyễn hão. Chết
là về .. Nhưng chỉ sợ không về
được đến nơi đến chốn,
mà như chiếc xe hư máy dọc đường.
Làm khổ chủ xe, bắt nằm liệt mê man,
không sống mà cũng không chết,
đó mới là cái đáng sợ.
Tôi biết vậy, nên đã làm di
chúc, khi nào tôi bị mê ba ngày,
thì xin rút ống cho tôi đi. Đi về
bình an. Nầy, anh chị nghĩ sao về ông
bác sĩ mà người ta đặt cho tên
là bác sĩ tử thần ? Già rồi
tôi không nhớ rõ tên, hình như
ông ta tên là "Ki-Vô-kiên" phải
không ? Cái tên gần gần như vậy. Theo
tôi, thì ông nầy là một vị Bồ
Tát, cứu độ cho chúng sinh mau qua khỏi khổ
đau, để bị ra tòa, bị tù tội.
Chỉ có cái tâm Bồ Tát thật lớn
mới làm được việc đó. Tôi
cố tìm một cái ảnh ông ta để
thờ sống, mà không có.
Tôi nghĩ, trong tương lai, luật pháp
sẽ không ngăn cấm việc cho người
đau đớn ra đi sớm hơn, vì
đàng nào cũng chết, tại sao phải
kéo cái đau đớn ra dài hơn mới
được chết. Trừng phạt người ta hay
sao ? Trong tuổi già, người ta biết ơn sự
nhiệm mầu của tạo hóa. Có bộ
máy nào, không phải là gang thép, bạch
kim, mà chạy một mạch sáu bảy chục
năm không ngưng nghỉ, mà vẫn còn hoạt
động như quả tim, buồng phổi, trái thận,
cái bao tử, não bộ. Có hệ thống ống
dẫn nào hoạt động sáu bảy chục
năm mà chưa thay thế như các mạch
máu của hệ thống tuần hoàn. Thì
dù có rò rỉ van tim, chất mỡ đọng
nghẹt trong vài ba mạch máu, thì cũng
là sự thường tình, và mừng
là còn sống, còn sinh hoạt được.
Dù có phải liền liền đi vào cầu
tiểu mỗi ngày nhiều lần, thì họ vẫn
sung sướng là cái vòi xài mấy chục
năm mà vẫn chỉ mới rò rỉ sơ
sơ. Mấy cái vòi nước trong nhà, bằng
kim khí cứng, không rỉ sét, thế mà
năm bảy năm đã phải thay rồi.
Buổi trưa, tôi lái xe mời ông
bà cụ Lê đi ăn tiệm. Đi qua khu phố
có nhiều tiệm Việt Nam , khách bộ
hành đông đúc tấp nập. Tôi
để ý thấy cụ cứ ngắm nhìn những
người đàn bà con gái trên
đường. Tôi hỏi nhỏ cụ:
- Bác cũng còn thích nhìn
đàn bà đẹp ? Thế là trái tim bác
còn trẻ lắm đó. Bác nhìn họ,
với tâm trạng nào ?
Cụ Lê cười và nói tự
nhiên:
- Mình nhìn họ, như ngắm một bức
tranh nghệ thuật. Thưởng thức một vẻ
đẹp thiên nhiên của trời ban cho thế
gian. Ngắm nhìn cái đẹp, không có
gì là sai trái cả. Chỉ khi nào
nhìn, rồi trong lòng mình nẩy sinh ra tư
tưởng gian tà, đen tối, ham muốn, thì
khi đó mới đáng trách. Có ai kết
án một người thưởng thức bức
tranh Vệ Nữ không ? Chắc là không.
Tôi nói nhỏ :
- Nhưng nếu có điều kiện cho
phép, bác có muốn "gần gũi" với
những người đẹp đó hay không ?
Có còn đủ sức không ?
- Nầy, tôi nói cho anh biết, có ai cho
tôi lái chiếc xe đời mới, tân tiến,
tôi cũng không khoái bằng khi lái chiếc
xe cũ, cổ lổ sĩ của tôi. Vì
đã quen tay lái, quen nhịp máy, quen tốc
độ, quen sử dụng, thì mình thấy thoải
mái và dễ dàng hơn chứ. Lái chiếc
xe lạ đâu thích bằng lái chiếc xe
quen thuộc của mình. Anh có đồng ý
không ? Tắm ao ta vẫn khoái hơn tắm ao
người chứ !
Cụ Lê cười, tôi cười theo. Cụ
bắt lại câu chuyện cũ:
- Bây giờ anh đã đồng ý với
tôi rằng tuổi già là thời gian sung
sướng nhất chưa ? Nếu ai già, mà không biết tuổi
già là sung sướng, thì lỗi tại họ.
Họ có cái sướng, cái quý,
mà họ không biết hưởng.
TRÀM
CÀ MAU
(Bai Chuyen)